[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 11: hệ thống kim bản vị quốc tế

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 11: hệ thống kim bản vị quốc tế

CHƯƠNG XI.  HỆ THỐNG KIM BẢN VỊ QUỐC TẾ

Ngoài seminar chung với Lionel Robbins, Hayek còn có một seminar của riêng mình. John Kenneth Galbraith1 từng là khách tại LSE vào năm 1937 và 1938. Ông còn nhớ, seminar của Hayek “có lẽ là chốn tụ hội với bầu không khí công kích lớn tiếng nhất trong toàn bộ lịch sử kinh tế học. Mục đích của nó là nhằm chỉ ra cho Hayek, theo cả bề rộng và chiều sâu, thấy được tại sao ông sai lầm. Một lần, giáo sư Hayek ngồi cạnh chiếc bàn chủ toạ nhỏ và nói: ‘Thưa quý vị, như tôi đã trình bày lần trước, hôm nay chúng ta sẽ thảo luận về lý thuyết lãi suất.’ Nicholas Kaldor ngay lập tức xen ngang thách thức khái niệm lãi suất. Anh ta nói, ‘Thật là lố bịch, một khái niệm tư bản chủ nghĩa tự tác.’ Những người khác lên tiếng ủng hộ hoặc phản đối. Hayek kiên nhẫn lắng nghe với sự im lặng kiềm chế cho đến hết giờ.”

Giới kinh tế học LSE hơi tách biệt khỏi phần còn lại của cộng đồng giảng viên. Hayek hồi tưởng, “ở mức độ nào đó, bản thân các nhà kinh tế học là một nhóm. Họ không để cho người khác can thiệp sâu vào nhóm. Mỗi khi xẩy ra xung khắc trong cuộc thảo luận của Hội đồng Giáo sư, Robbins thường là thủ lĩnh bên phía chúng tôi, cùng với sự ủng hộ của một số luật sư, chống lại hầu hết số còn lại của trường… Khoa Kinh tế không thực sự là truyền thống của trường và là một cái gì đấy khá biệt lập. Nó tồn tại ngay từ ngày đầu thành lập, nhưng như tôi nhận thấy trong ba mươi năm đầu tiên của trường, đến khoảng năm 1930, cái học phái do chính Edwin Cannan khởi xướng mới được chứng kiến sự bổ nhiệm Lionel Robbins và tôi, và về sau phát triển thành một bộ phận rất quan trọng của trường.”

Quan hệ giữa giới giảng viên LSE với hiệu trưởng nhà trường William Beveridge là một nét xuyên suốt thập niên 1930. Janet Mair, thư ký một thời gian dài và sau trở thành vợ Beveridge, là một quyền lực không được ưa chuộng nhưng cần phải tính đến trong nhiệm kỳ của Beveridge. Những viên chức có thâm niên đã nổi loạn khi Beveridge yêu cầu kéo dài hợp đồng của bà ta qua tuổi hưu trí thông thường. Beatrice Webb chép trong nhật ký:

Ngày 12 tháng 7 [1936], Josiah Stamp cùng vợ nghỉ cuối tuần với chúng tôi… Lý do trực tiếp là cuộc khủng hoảng ở Trường Kinh tế London. Theo Stamp, chủ tịch uỷ ban quản trị, thì ban đại diện các giáo sư thuộc uỷ ban quản trị đang cầm đầu cuộc nổi loạn căng thẳng phản đối vai trò giám đốc, hay theo như họ gọi là vai trò độc tài, của nhà Beveridge-Mair. Bà Mair năm nay sẽ tròn sáu mươi. Beveridge cứ khăng khăng là nhiệm kỳ của bà ta phải được gia hạn và đe doạ nếu không sẽ từ chức. Robbins và nhóm của ông – Laski và Eileen Power cùng với sự hậu thuẫn của bạn bè – dù bất đồng quan điểm chính trị và kinh tế, đã tập hợp lại nhằm phản đối kịch liệt việc gia hạn hợp đồng theo kiểu đó, và đe doạ từ chức tập thể nếu bà Mair vẫn còn tại vị. Nhưng đấy chưa phải là tất cả. Những quyền lực bên ngoài – thanh tra đại học và nhà tài trợ Mỹ – cũng phản đối bà Mair. Sidney và tôi, dù với tình cảm nồng ấm dành cho Beveridge và mong muốn không gây chia rẽ với ông, cũng đều nhất trí là cuộc khủng hoảng cần phải được chấm dứt và bà Mair phải ra đi.

Vậy là bà Mair, cùng với Beveridge, rời khỏi trường.

Bức tranh nhân cách bề ngoài của Beveridge vẫn còn những mảng màu tươi sáng hơn. Robbins thuật lại một lần ông và vợ đang ở Vienna và thu xếp cuộc “gặp gỡ buổi tối với von Mises, thì chúng tôi tình cờ gặp Beveridge. Tiếp theo, khi cả ba chúng tôi ngồi cùng nhau, von Mises chìa ra tờ tin tức buổi chiều với một tin gây sửng sốt về những cuộc sa thải đầu tiên trong giới hàn lâm của chế độ Quốc xã. Ông hỏi, liệu có thể tạo điều kiện nào đó ở Anh để hỗ trợ những nạn nhân này không. Ông đảm bảo với chúng tôi, đây rõ ràng mới chỉ là những nạn nhân đầu tiên của sự truy bức rộng khắp sắp diễn ra. Đó là một trong những khoảnh khắc vĩ đại nhất của Beveridge. Ông trình bày quan điểm của mình và phác hoạ ngay tại chỗ bản kế hoạch cơ sở của cái tổ chức về sau trở thành Hội đồng Hỗ trợ Khoa học Hàn lâm nổi tiếng (Academic Assistance Council).”

Như với bất kỳ môi trường hàn lâm nào khác, ở đây cũng có xung đột giữa những thế giới quan khác nhau. Arthur Lewis còn nhớ trong thập niên 1930, LSE là “nơi rất sôi động. Mọi quan điểm đều được đưa ra trình bày trước cộng đồng giảng viên, và trong khi đang diễn ra hai hay ba khoá thuyết trình về từng chủ đề ‘nóng,’ thì những ai hiểu chuyện gì đang diễn ra đều được thưởng lãm bữa tiệc trí tuệ tuyệt vời. Một sinh viên LSE đạt thành tích cao điển hình là người thông tuệ, thể hiện qua nỗ lực theo kịp nhiều chủ đề mâu thuẫn, và hoài nghi, thể hiện qua sự học hỏi nhằm phân biệt thường xuyên liên tục giữa cái mang dáng vẻ chân lý và chân lý thực thụ.” Ronald Fowler, một sinh viên khác và viên chức của LSE, gọi thập niên 1930 là “giai đoạn kỳ diệu” và “cao điểm” trong lĩnh vực kinh tế học của trường.

Điều quan trọng khi xem xét thế giới kinh tế học hàn lâm Anh những năm 1930 là nhận ra tính chất rất nhỏ bé cả về số lượng và phạm vi địa lý của nó. Theo lời Ronald Coase, giới kinh tế học chỉ là một “nhóm rất nhỏ.” Trên toàn nước Anh có lẽ có chừng năm mươi nhà kinh tế học hàn lâm chính thức – mười hai giáo sư, phó giáo sư, và giảng viên tại LSE, cùng với số lượng tương đương hay nhiều hơn chút ít tại mỗi trường cao đẳng của Oxford và nhất là của Cambridge. Đại học Manchester có lẽ là học viện xuất sắc kế tiếp, với bốn hay năm nhà kinh tế học. Có lẽ trên cả nước thực sự không còn tồn tại một trường nào khác có nhiều hơn một giáo sư kinh tế và một trợ giảng. Hơn nữa, cả Oxford và Cambridge đều nằm trong vòng bán kính sáu mươi dặm tính từ London.

Thập niên 1930 ở London có một số seminar kinh tế. Seminar của Hayek và Robbins, với ý nghĩa hơi đùa cợt, là “seminar lớn.” Hayek thường tổ chức seminar của riêng mình (không có Robbins) vào buổi tối. Hugh Gaitskell2, nhà kinh tế học xã hội chủ nghĩa về sau là thủ lĩnh Công Đảng, và Paul Rosensteins-Rodan, đồng nghiệp cũ của Hayek ở Vienna, cùng tài trợ cho cái gọi là “pink seminar”3 tại University College4, cách LSE vài toà nhà. Thảo luận cũng được tổ chức tại Câu lạc bộ Kinh tế London (London Economic Club), và ở đây còn có một “seminar hỗn hợp” chủ yếu gồm các nhà kinh tế học trẻ tuổi từ Cambridge, LSE và Oxford.

Elizabeth Durbin, con gái Evan Durbin, giảng viên kinh tế học xã hội chủ nghĩa tại LSE những năm 1930, về sau trở thành nghị sĩ Công Đảng, thuật lại các cuộc gặp gỡ của giới kinh tế học trẻ tuổi: Diễn đàn thảo luận lý thuyết liên học viện là “các seminar hỗn hợp London-Cambridge-Oxford, được tổ chức đều đặn suốt kỳ học tại một trong ba địa điểm trên. Rõ ràng mọi người đều góp mặt, nhất là các nhà kinh tế học trẻ tuổi – Durbin, Gaitskell, Lerner, Hicks, Kahn, Sraffa, Joan Robinson, Harrod, Meade; thỉnh thoảng lại xuất hiện các bậc khả kính – Keynes, Hayek hay Robbins. Rosenstein-Rodan mô tả sống động buổi gặp gỡ mà ở đó ông trình bày một báo cáo về tiền tệ và các chức năng khác nhau của nó, cho rằng cả Keynes và Hayek đều sai lầm bởi họ không tính đến vai trò của thời gian và ảnh hưởng của nó đến việc tính toán. Hayek phản ứng với ‘bài chỉ trích kịch liệt dài dòng’; tiếp theo Keynes ‘đứng dậy và nói ông hoàn toàn nhất trí và trong cuốn sách sắp tới ông sẽ bàn về vấn đề này.’”

Hayek là người có xu hướng bảo thủ khi đề xuất hệ thống kim bản vị thực sự thuần tuý hay thuần nhất trong thập niên 1930. “Tôi là người tin tưởng sâu sắc vào kim bản vị quốc tế,” ông viết như vậy trong cuốn Chủ nghĩa tiền tệ quốc gia và sự ổn định quốc tế (Monetary Nationalism and International Stability, 1937), tập thuyết trình do ông trình bày tại Viện Nghiên cứu Quốc tế sau Đại học (Graduate Institute of International Studies) ở Geneva, nơi Mises làm việc những năm 1930. Trong các bài thuyết trình, Hayek xếp đặt nhằm chứng minh ba nhận định: “[1] không có cơ sở logic nào cho việc điều tiết riêng biệt lượng tiền tệ của một khu vực quốc gia khi nó vẫn là một bộ phận nằm trong hệ thống kinh tế rộng hơn; [2] niềm tin cho rằng bằng cách duy trì một hệ thống tiền tệ quốc gia độc lập chúng ta có thể cách ly đất nước khỏi những cú sốc tài chính có nguồn gốc từ nước ngoài phần lớn là ảo tưởng; và [3] ngược lại, hệ thống hối đoái dao động sẽ dẫn đến những xáo trộn mới và có tính chất rất nghiêm trọng đối với sự ổn định quốc tế.”

Nhà kinh tế học Mark Skousen mô tả “nền tảng của kim bản vị thuần tuý”:

Đầu tiên hãy định nghĩa điều chúng ta muốn hàm ý với kim bản vị thuần tuý nhằm phân biệt nó với những hệ thống kim bản vị giả tạo mà các quốc gia phương Tây đã áp dụng trong thế kỷ 19 và 20. Thậm chí kim bản vị cổ điển tồn tại từ năm 1815 đến 1914 vẫn dính dáng đến những yếu tố tiền tệ phi quy đổi, đó là tiền giấy kết hợp với một cơ số tiền xu.

Tuy nhiên, hệ thống kim bản vị thực sự thường có những thuộc tính sau:

1. Vàng khối đóng vai trò là đơn vị tiền tệ chính thức…

2. Vàng sẽ lưu thông để thực hiện vai trò phương tiện trao đổi chung…

3. Tiền giấy ngân hàng, tiền xu, tài khoản séc, và những thứ thay thế tiền khác được coi như chứng từ bán hàng, tương đương với một lượng đồng xu vàng hay vàng khối ngang bằng dự trữ tại ngân hàng phát hành. Vì vậy, hệ thống kim bản vị thực sự là một hệ thống dự trữ ngân hàng 100% và phản đối tập quán dự trữ ngân hàng với tỷ lệ rất thấp cũng như những đòi hỏi không có tiền xu làm chứng.

4. Tiền tệ của các quốc gia được xác định là những lượng vàng khối cụ thể. Do đó theo định nghĩa, tỷ giá hối đoái giữa chúng là cố định.

5. Vai trò chính phủ trong hoạt động ngân hàng được giới hạn với việc xác nhận khối lượng cố định của tiền xu và sản xuất tiền xu. Không cần thiết phải có một ngân hàng trung ương nào.

Lý thuyết của Hayek về hệ thống kim bản vị trên bình diện quốc tế là nó làm cân bằng cung và cầu giữa các quốc gia. Nếu một quốc gia sản xuất ít hơn tiêu dùng, thì cung tiền tệ của nó sẽ giảm – vàng sẽ rời khỏi đất nước. Cung tiền tệ suy giảm đến lượt sẽ gây ra giảm phát trên toàn quốc. Kết cục là cán cân mậu dịch của đất nước sẽ cải thiện vì giá cả hàng hoá nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn và giá cả hàng hoá nội địa thấp hơn.

Tập quán mà Hayek nhận thấy đi ngược lại bản vị vàng (hay loại hàng hoá khác) thuần nhất là chủ nghĩa quốc gia về tiền tệ (monetary nationalism). Trong hệ thống này, không phải là dòng vàng giữa các quốc gia làm cân bằng cung và cầu quốc tế, mà là do sự thay đổi giá trị của các loại tiền tệ. Trong hệ thống của chủ nghĩa tiền tệ quốc gia, thì chính giá trị của các loại tiền tệ bên ngoài dao động, chứ không phải mức cung tiền tệ và giá cả trong nước.

Hayek bộc lộ nhận thức trí tuệ thấu đáo về thế giới qua tác phẩm Chủ nghĩa quốc gia tiền tệ và sự ổn định quốc tế:

Ảnh hưởng tức thì của sự suy đoán lý thuyết có lẽ là không đáng kể, tuy nhiên điều không còn phải tranh cãi là nó có ảnh hưởng sâu rộng đến việc định hình những quan điểm hiện đang chi phối chính sách tiền tệ…

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng hình thức thảo luận học thuật như thế về lâu dài sẽ định hình quan điểm của quần chúng và qua đó quyết định tương lai thực tiễn chính trị vào một thời điểm nào đấy kể từ bây giờ…

Trong địa hạt ý tưởng còn nhiều thứ cần được giải quyết trước khi chúng ta hy vọng vươn tới nền tảng của một hệ thống quốc tế ổn định…

Tôi thực sự tin tưởng về lâu dài hoạt động của con người sẽ được tri thức định hướng. Đối với tôi, chính niềm tin này đã đem tới ý nghĩa cho những suy xét trừu tượng theo kiểu này, cho dù chúng có liên hệ nhỏ đến đâu với thực tiễn ở tương lai trước mắt.

Ông là người theo chủ nghĩa tinh hoa tri thức (elitism). Quan niệm này thể hiện rõ nhất khi ông cho rằng rốt cục thì những ý tưởng do các cá nhân như chính bản thân mình đề xuất sẽ định hướng công luận và sự kiện. Từ góc nhìn đó, ông là một nhà luân lý vĩ đại. Ông mưu cầu lợi ích chung với niềm đam mê và sự tận tâm cháy bỏng. Dù người ta có thể đặt dấu hỏi về ảnh hưởng thực tiễn của tư tưởng kinh tế kỹ thuật ban đầu của ông trên phương diện mô tả thực nghiệm và xây dựng chính sách quy chuẩn, thì cũng không nên nghi ngờ sự quan tâm lớn lao đến lợi ích chung vốn thôi thúc ông nghiên cứu, cũng như không nên lãng quên chủ nghĩa tinh hoa trí tuệ chặt chẽ của ông.

Chú thích: 

(1) John Kenneth Galbraith (1908-): Nhà kinh tế học, nhà văn và nhà ngoại giao người Mỹ gốc Canada. Ông là đại sự Mỹ tại Ấn Độ từ 1961-1963. Các tác phẩm của ông có The Great Crash (1955) và The Affluent Society (1958). (N.D.)

(2) Hugh Todd Nayler Gaitskell (1906-1963): Chính khách Anh, bộ trưởng tài chính Anh (1950-1951) và thủ lĩnh Công Đảng (1955-1963). (N.D.)

(3) Pink: Người theo quan điểm chính trị cánh tả ôn hoà. (N.D.)

(4) University College: Trường cao đẳng đầu tiên thuộc Đại học Oxford, thành lập năm 1249. (N.D.)

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan

Tác giả liên quan