[FA. Hayek Cuộc đời và sự nghiệp]: Giới thiệu
GIỚI THIỆU
Triết gia chính trị và nhà kinh tế học người Anh John Stuart Mill, nhà tư tưởng tự do hàng đầu thế kỷ 19, đã viết trong tác phẩm bất hủ Bàn về tự do (On Liberty) của mình rằng “[tư tưởng] thời đại giờ đây không còn là một cái gì đó ‘bất khả sai lầm’ so với [ý kiến] cá nhân nữa – mỗi thời đại đều có nhiều quan điểm mà những thời đại sau lại nhìn nhận không chỉ là sai lầm mà còn ngớ ngẩn; chắc chắn nhiều quan điểm hiện đang phổ biến sẽ bị những thời đại sau bác bỏ, tương tự như nhiều quan điểm từng phổ biến thì nay đang bị bác bỏ."1 Những gì mà Mill viết cách đây một trăm năm mươi năm đến nay vẫn còn đúng. Thế kỷ 20 sẽ được ghi nhớ một phần như là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội cổ điển và chủ nghĩa tư bản dân chủ phúc lợi trong công cuộc kiến tạo tổ chức xã hội tương lai.
Ý tưởng cho rằng nền kinh tế chỉ huy tập trung là phương thức hiệu quả và công bằng hơn trong việc tạo lập và sử dụng những nguồn lực sản xuất so với thị trường tự do dựa trên giá cả dao động, lợi nhuận và tư hữu nay hầu như đã bị phản bác rộng rãi. Trong khi ở nơi thường được gọi là Phương Tây người ta vẫn có thể đặt dấu hỏi về mức độ ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội cổ điển đến tư tưởng của nhiều người, nhưng trái lại tương đối ít các học giả và nhà giáo, thì không ai còn nghi ngờ gì việc các nền kinh tế của Liên bang Xôviết và một nhóm quốc gia khác trong thế kỷ 20 đã, và ở một số nơi vẫn đang, vận hành theo đường lối chủ nghĩa xã hội cổ điển về sở hữu và quản lý nhà nước đối với toàn bộ đất đai và phương tiện sản xuất. Từ những năm 1930 cho tới những năm 1980, Friedrich Hayek đã thách thức quan niệm phổ biến của nhiều nhà khoa học xã hội và những người khác cho rằng chủ nghĩa xã hội là phương thức sản xuất hiệu quả và công bằng hơn so với chủ nghĩa tư bản.
Hayek thường bị chế giễu trong giới học giả khi đề xuất quan điểm thị trường cạnh tranh mang lại hiệu quả kinh tế hơn và dễ đem đến tự do và dân chủ hơn so với chủ nghĩa xã hội cổ điển. Cho tới tận năm 1989, trong ấn bản cuốn sách giáo khoa best-seller Kinh tế học (Economics) của mình, Paul Samuelson, tác gia người Mỹ từng đoạt giải Nobel, còn viết rằng "Nền kinh tế Xôviết là một minh chứng cho thấy trái ngược với những gì mà nhiều kẻ hoài nghi trước đây tin tưởng, nền kinh tế chỉ huy xã hội chủ nghĩa vẫn có thể vận hành và thậm chí còn thịnh vượng."2 Quan điểm của Hayek đã trở thành một chuẩn mực trí tuệ mới.
Các luận điểm của Hayek về tính bất khả thi của chủ nghĩa xã hội cổ điển từng được những người khác nêu lên trước đấy, đáng chú ý là thầy giáo của ông, Ludwig von Mises. Tuy nhiên, không một ai thể hiện sự bài bác chủ nghĩa xã hội rõ ràng và đầy sức mạnh như vậy, và mở rộng luận điểm chống chủ nghĩa xã hội một cách hiệu quả và gây tiếng vang đến thế, từ trật tự kinh tế cho tới vấn đề tổng quan hơn là trật tự xã hội. Hayek là một người bài bác chủ nghĩa xã hội vĩ đại.
Tiên đề cốt lõi [trong các lập luận] của Hayek mang nội dung thực tiễn, thay vì luân lý. Đó là: tri thức được phân chia cho tất cả mọi người trong xã hội. Những tri thức rời rạc ấy không thể tập hợp lại vào trong một trí tuệ. Do vậy, thật phản tác dụng nếu xây dựng một xã hội – như chủ nghĩa xã hội cổ điển từng nỗ lực – dựa trên niềm tin cho rằng sự chi phối của chính phủ trung ương đối với toàn bộ quyết định về quản lý kinh tế và kinh doanh có thể hiệu quả hơn so với trật tự kinh tế phi tập trung được xác lập thông qua giá cả dao động, tư hữu, lợi nhuận, hợp đồng và khả năng trao đổi hàng hoá và dịch vụ, tức tất cả những thứ được xây dựng, điều chỉnh và khai thác, từ những thông tin rời rạc và phân tán.
Xuyên suốt quan niệm của Hayek về trật tự tự do cổ điển hay tự do cá nhân chủ nghĩa là giá cả dao động và lợi nhuận. Giá cả và lợi nhuận chuyển tải thông tin. Chúng thông báo cho người sản xuất và người tiêu dùng cung và cầu tương đối của các loại hàng hoá và dịch vụ khác nhau, qua đó định hướng cho quá trình sản xuất. Không có giá cả dao động và lợi nhuận, nền kinh tế sẽ không thể đạt được hiệu quả tối ưu trong việc thoả mãn nhu cầu con người. Một xã hội theo cơ chế thị trường về cơ bản được định nghĩa là nó cho phép những người trưởng thành và có trách nhiệm (tự chủ) được làm những việc mà họ mong muốn chừng nào họ không gây tổn hại tới người khác.
Trong tác phẩm kinh điển Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom) năm 1944, viết ở Cambridge, nơi Trường Kinh tế và Chính trị London (London School of Economics and Political Science) sơ tán thời gian Thế chiến II, Hayek mở rộng luận điểm về tính phi hiệu quả kinh tế cố hữu của chế độ xã hội chủ nghĩa cổ điển sang địa hạt tự do chính trị. Giờ đây, ông lập luận, chủ nghĩa xã hội không chỉ phi hiệu quả mà còn mang bản chất phi tự do. Sự tồn tại của tư hữu có tính cốt yếu đối với tự do chính trị và hiệu quả kinh tế.
Hayek sống ở Mỹ từ năm 1952 đến 1962, sau khi ly hôn người vợ đầu. Thời gian này ông là thành viên Uỷ ban Tư tưởng Xã hội (Committee on Social Thought) tại Đại học Chicago. Ông có giao thiệp với Milton Friedman và những người khác ở Chicago, nhưng chịu ảnh hưởng từ họ tương đối ít ngoại trừ một vài chủ đề nhất định về chính sách công trong thực tiễn mà ông quan tâm. Mặc dù Hayek và Friedman đồng thuận về nhiều chính sách của chính phủ, nhưng con đường đưa họ đi tới quan điểm của mình lại từ những tiên đề triết học khác nhau. Hayek mang trong mình thế giới quan của chủ nghĩa duy tâm Giécmanh, trong khi Friedman dựa vào phương pháp tiếp cận thực nghiệm Anh-Mỹ.
Trong quá trình vươn lên trở thành một triết gia chính trị, Hayek tìm cách định nghĩa khái niệm tự do xã hội. Hai tác phẩm đặc sắc của ông, Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty) (1960) và Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty) (1973-1979, chủ yếu được viết vào những năm 1960) – sẽ vẫn tiếp tục là những tượng đài trong lĩnh vực triết học chính trị, đã xác lập và làm sáng tỏ mối quan hệ giữa pháp luật và tự do cũng như ý nghĩa của chúng. Quan điểm then chốt của ông về triết học chính trị và pháp lý, tiếp theo John Locke, là không thể có tự do nếu không có pháp luật.
Hayek đưa ra ý tưởng phức tạp về trật tự tự phát. Trong một trật tự tự phát, các cá nhân có thể trao đổi và tác động qua lại theo mong muốn. Quá trình ra quyết định cá nhân không chịu sự chi phối nào từ trung ương. Các cá nhân có thể làm những gì họ muốn trong chừng mực họ không gây tổn hại cho một ai.
Theo quan niệm của Hayek về trật tự tự phát – khái niệm mà ông nhận ra bóng dáng qua các công trình của Adam Smith và Carl Menger – thì pháp trị thay thế nhân trị. Trật tự và sự phát triển tiến bộ về vật chất diễn ra trong các xã hội đặc trưng bởi pháp luật.
Hayek chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý tưởng tiến hoá. Ông biết tới ý tưởng này lần đầu qua nghiên cứu thực vật học của cha mình, và phát triển nó qua các công trình của ông cả về kinh tế học và tâm lý học. Điều thú vị là các nhà tư tưởng vĩ đại trong các lĩnh vực khác nhau như Darwin, Marx, Freud và Hayek đều mang trong mình một thế giới quan về các quá trình tiến hoá.3
Hayek nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển vật chất và công nghệ trong lịch sử nhân loại. Theo ông, phát triển vật chất hầu như luôn theo những phương hướng bất định. Không thể có tiến bộ vật chất trừ khi các cá nhân được tự do tiến vào những lĩnh vực chưa khám phá. Tự do phải bao gồm cả cơ hội mắc sai lầm.
Hayek không bài bác vai trò của chính phủ. Ông nhấn mạnh luật lệ tạo nên xã hội, và nếu không có pháp luật cưỡng bức thì không thể tồn tại xã hội. Bản chất triết học chính trị của ông có thể tóm lược trong một câu – tự do là sự thống trị của pháp luật, ý tưởng mà ông khám phá đầy đủ nhất qua tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty).
Sau một vài thập niên im hơi lặng tiếng ít được chú ý, Hayek được trao giải Nobel Kinh tế năm 1974. Suốt quãng đời còn lại của mình, ông là thủ lĩnh của các trào lưu tự do cổ điển và tự do cá nhân chủ nghĩa ở Anh và, với mức độ ít hơn, tại Mỹ. Vai trò nổi bật nhất của ông hai mươi năm cuối đời là ở Anh, nơi mà những năm 1980, Margaret Thatcher đã biểu lộ sự hâm mộ công khai đối với ông và xem ông như là người truyền cảm hứng triết học hàng đầu của mình.
Công trình cuối cùng của Hayek là Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit) (1988). Ông dựa vào ý tưởng thị trường là một quá trình đào thải trong việc xác định những cá nhân hơn kém về hiệu quả kinh tế để (cố gắng) mở rộng sang ý tưởng cho rằng các xã hội tổng thể thì hơn kém nhau về hiệu quả kinh tế, và do đó tồn tại sự cạnh tranh giữa các hệ thống xã hội khác nhau về các nguyên tắc, pháp luật, tập quán và luân lý. Những xã hội hiệu quả nhất về kinh tế – và qua đó hiệu quả nhất về luật lệ và luân lý – cuối cùng sẽ chiếm ưu thế qua quá trình tiến hoá xã hội.
Cuối thế kỷ 19, Karl Marx – cũng như Hayek bây giờ – được coi là một nhà tư tưởng quan trọng, song lại không hề được xem là một trong những nhà tư tưởng xã hội quan trọng nhất mà thế kỷ 19 từng sản sinh ra. Trong ấn bản năm 1896 của cuốn sách uy tín của Inglis Palgrave, Từ điển Kinh tế Chính trị (Dictionary of Political Economy), Marx chỉ đơn giản là một "nhà lý thuyết và khích động xã hội nổi bật"4. Có lẽ theo quan niệm phổ biến nhất về Hayek ngày nay thì ông cũng là một nhà lý thuyết tự do cá nhân và khích động xã hội nổi bật như vậy.
Trong thế giới cộng sản trước đây, ông là nguồn cảm hứng âm thầm cho những lực lượng chống lại chủ nghĩa cộng sản. Tomas Jezek, người trở thành bộ trưởng đặc trách tư nhân hoá sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, nói rằng nếu “các nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội muốn chỉ ra một cuốn sách cần bưng bít bằng mọi giá và cần cấm đoán nghiêm ngặt, và việc truyền bá cũng như thuyết giảng nó sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất, thì chắc chắn họ sẽ chỉ tên tác phẩm Con đường tới nô lệ.”5
Hayek là một triết gia không tưởng. Cuối cùng, ông hướng tới một "trật tự hoà bình chung." Đó là cái thế giới không tưởng thống nhất toàn nhân loại thành một xã hội. Xã hội cuối cùng ấy của ông là nơi mà mức sống cao nhất sẽ được hầu hết mọi người chia sẻ. Ông bác bỏ các quan niệm về tăng trưởng dân số bằng không. Ông tìm kiếm một thế giới mà ở đó càng nhiều càng giàu có càng tốt. Ông cho rằng điều này có thể đạt được thông qua một xã hội thế giới ràng buộc với nhau không phải bằng chính phủ độc đoán, mà bằng pháp luật cố định. Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông viết, “chỉ có thể thông qua việc mở rộng các nguyên tắc xử sự công bằng sang các mối quan hệ với tất cả những người khác, và đồng thời tước bỏ tính chất cưỡng bức của những nguyên tắc không thể áp dụng rộng khắp, chúng ta mới có thể tiếp cận đến cái trật tự hoà bình chung khả dĩ đưa toàn thể nhân loại tiến vào một xã hội đơn nhất.”6 Một xã hội như vậy sẽ đảm bảo cho tự do cá nhân và trật tự xã hội và sẽ tạo ra công nghệ tiên tiến nhất.
Chú thích:
(1) Paul Samuelson (1915-): Nhà kinh tế học người Mỹ, từng cố vấn cho các tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson. Năm 1970, ông được trao giải Nobel Kinh tế nhờ cải tiến các phương pháp phân tích được sử dụng trong lý thuyết kinh tế. (N.D.)
(2) John Locke (1632-1704): Triết gia, nhà sáng lập chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricism) Anh. Ông đã đúc kết Trào lưu Khai sáng (Enlightenment) qua việc đặt niềm tin vào giai cấp trung lưu và quyền tự do tín ngưỡng cũng như quyền tư hữu của nó, qua niềm tin vào khoa học và thiện tính của con người. Ông có ảnh hưởng hết sức quan trọng đến triết học và lý thuyết chính trị. (N.D.)
(3) Adam Smith (1723-1790): Nhà kinh tế học và triết gia chính trị người Scotland. Ông là người đã đặt nền móng cho lý thuyết kinh tế thị trường tự do cổ điển. Tác phẩm nổi tiếng của ông là The Wealth of Nations (1776). (N.D.)
(4) Carl Menger (1840-1921): Nhà kinh tế học, sáng lập trường phái kinh tế học Áo. Công trình chủ yếu của ông là Principles of Economics. (N.D.)
(5) Sigmund Freud (1856-1939): Thầy thuốc, nhà thần kinh học, nhà sáng lập phân tập học người Áo. (N.D.)
(6) Sir Robert Harry Inglis Palgrave (1827-1919): Chủ ngân hàng và nhà kinh tế học người Anh. Ông từng biên tập cuốn Economist và viết một vài cuốn sách về kinh tế học. Tuy nhiên ông được biết đến nhiều nhất với tư cách nhà biên tập cuốn Dictionary of Political Economy (ba tập, 1894-1899). (N.D.)