[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 10: Tư bản

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 10: Tư bản

CHƯƠNG X. TƯ BẢN

Sau khi Keynes xuất bản cuốn Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (The General Theory on Employment, Interest and Money) ngày 4 tháng 2 năm 1936,1 nhà kinh tế học kỹ thuật Hayek thực sự chìm vào quên lãng. Mặc dù cho tới những năm 1935-1936 các chuyên san kinh tế ở Anh vẫn tiếp tục quan tâm nhất định đến ông, thì cuối thập niên đó sự quan tâm chỉ còn chút ít. Mười nhà kinh tế vĩ mô và tiền tệ được trích dẫn nhiều nhất theo Chỉ số các Chuyên san Kinh tế (Index of Economic Journals) suốt những năm 1930 và đầu 1940 có thể được nhìn thấy trên bảng sau (theo tên và số lần trích dẫn):2

CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC ĐƯỢC TRÍCH DẪN NHIỀU NHẤT THEO CHỈ SỐ CÁC CHUYÊN SAN KINH TẾ

1931 – 1935

1936 – 1939

1940 – 1944

Keynes

66

Keynes

125

Keynes

59

Robertson

44

Robertson

48

Hicks

30

Hayek

33

Hicks

33

Haberler

24

Fisher

30

Pigou

31

Robertson

22

Hawtrey

30

Harrod

27

Hawtrey

20

Cassel

22

Hawtrey

25

Kalecki

18

Pigou

20

Haberler

24

Schumpeter

18

Wicksell

17

Hayek

24

Hansen

17

Hansen

14

Robinson

20

Kaldor

17

Marshall

13

Clark

18

Kuznets

16

 

 

 

 

Lerner

16

Rõ ràng đến đầu thập niên 1940, quan điểm kinh tế của Hayek không còn là chủ đề thảo luận học thuật hàng đầu. Tình trạng này thể hiện rõ nhất ở Mỹ, nơi ông chưa bao giờ nổi bật cho đến khi cuốn Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom) được xuất bản năm 1944.

Keynes tóm lược quan điểm của mình trong tác phẩm Lý thuyết tổng quát:

Tôi thấy không có lý do gì để giả thiết rằng hệ thống hiện hành đang sử dụng các nhân tố sản xuất một cách sai lầm nghiêm trọng. Cố nhiên là có những sai sót về dự báo, nhưng không thể tránh được bằng những quyết định tập trung hoá. Khi 9.000.000 người được tuyển dụng trong số 10.000.000 người sẵn sàng và có khả năng làm việc, thì không có bằng chứng nào cho thấy lao động của 9.000.000 người này đã bị sử dụng sai mục đích. Sự than phiền về hệ thống hiện hành không phải là 9.000.000 người này cần được giao những nhiệm vụ khác, mà là cần có công việc cho 1.000.000 người còn lại. Chính việc xác định số lượng chứ không phải định hướng việc làm thực tế mới là điều đã khiến cho hệ thống hiện hành sụp đổ.

Tôi đồng ý rằng việc bổ khuyết những lỗ hổng trong lý thuyết cổ điển không phải dẫn đến vứt bỏ “Hệ thống Manchester”19 (Manchester System) mà là chỉ ra bản chất của môi trường cần thiết cho sự vận hành tự do của các lực lượng kinh tế nếu muốn hiện thực hoá toàn bộ tiềm năng sản xuất. Cố nhiên, quản lý tập trung vốn cần thiết cho mục đích đảm bảo tình trạng việc làm đầy đủ sẽ kéo theo sự mở rộng mạnh mẽ chức năng truyền thống của chính phủ. Hơn nữa, chính lý thuyết cổ điển hiện đại cũng đã kéo sự chú ý đến những điều kiện khác nhau mà ở đó sự vận hành tự do của các lực lượng kinh tế cần phải được kiềm chế hay định hướng. Tuy thế, vẫn còn không gian rộng rãi đủ chỗ cho sáng kiến chủ động và trách nhiệm cá nhân. Trong phạm vi không gian đó, ưu thế truyền thống của chủ nghĩa cá nhân vẫn được phát huy.

Chúng ta hãy dừng lại chốc lát để tự rà soát lại những ưu thế này là gì. Một phần là ưu thế về tính hiệu quả – ưu thế về sự phi tập trung và vai trò của tư lợi. Nhưng trên hết, chủ nghĩa cá nhân, nếu có thể loại trừ những khiếm khuyết của nó, vẫn là sự bảo đảm tốt nhất cho tự do cá nhân ở chỗ nó mở rộng mạnh mẽ phạm vi lựa chọn cá nhân.3

Mục tiêu của Keynes không phải là quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh – chủ nghĩa xã hội cổ điển – mà là quản lý nhà nước đối với các điều kiện trong đó diễn ra hoạt động kinh doanh – chủ nghĩa tư bản nhà nước phúc lợi dân chủ. Như ông khẳng định trong tác phẩm Sự cáo chung của hình thái Laissez Faire (The End of Laissez Faire), “Nếu quản lý khôn ngoan, chủ nghĩa tư bản có thể hiệu quả hơn trong công cuộc vươn tới những mục tiêu kinh tế so với bất kỳ hệ thống thay thế nào khác.”4 Ông tìm kiếm con đường trung dung giữa chủ nghĩa phátxít và chủ nghĩa cộng sản đương thời.

Milton Friedman nhận xét về nhà kinh tế học kỹ thuật Hayek, “xin nhấn mạnh, tôi là người hết sức khâm phục Hayek, nhưng không phải vì kinh tế học của ông. Tôi nghĩ cuốn Các mức giá cả và sản xuất có rất nhiều khuyết điểm. Tôi cho rằng các cuốn lý thuyết tư bản của ông không thể xem được. Ngược lại, Con đường tới nô lệ là một trong những cuốn sách vĩ đại của thời đại chúng ta. Trước tác của ông [về lý thuyết chính trị] thật uyên thâm và tôi chỉ có thể dành cho chúng sự thán phục sâu sắc. Tôi thực sự tin rằng ông đã tìm thấy nghề nghiệp thích hợp của mình – chuyên ngành phù hợp – qua tác phẩm Con đường tới nô lệ.”5

Hayek xuất bản bốn công trình lớn về lý thuyết kinh tế học kỹ thuật từ cuối thập niên 1920 đến đầu thập niên 1940. Đầu tiên là luận thuyết ‘ra mắt’ tại Đại học Vienna, Lý thuyết tiền tệ và chu kỳ kinh doanh (Monetary Theory and the Trade Cycle), nguyên bản tiếng Đức ra đời năm 1929 và tái bản năm 1933 bằng tiếng Anh; Các mức giá cả và sản xuất (Prices and Production), là tập các bài thuyết trình năm 1931 của ông ở LSE, xuất bản lần đầu cuối năm 1931 và tái bản bổ sung lần thứ hai năm 1935; Các mức lợi nhuận, lãi suất và đầu tư (Profits, Interest and Investment), tập hợp các tiểu luận về các dao động ngành xuất bản năm 1939; và Lý thuyết thuần tuý về bản (The Pure Theory of Capital), phần đầu tiên của tập sách summa (đúc kết) theo dự định gồm hai phần, mà ông từ bỏ vào năm 1940, phần đầu được xuất bản năm 1941. Ngoài ra, tập hợp các bài thuyết trình của ông về kim bản vị quốc tế, Chủ nghĩa quốc gia tiền tệ và sự ổn định quốc tế (Monetary Nationalism and International Stability), cũng được xuất bản năm 1937.

Giống như Marx sáu mươi năm trước đó, trong nhiều năm của thập niên 1930, Hayek là một người thoát ly khỏi thế giới nói tiếng Đức và sống ở London, dành nhiều thời gian nghiên cứu ở Thư viện Anh, và với công trình lớn của mình về kinh tế học cũng là một luận thuyết về tư bản. Hayek mô tả quan niệm của ông về chính mình một số lần trong tác phẩm Lý thuyết thuần tuý về tư bản. Trong lời tựa cuốn sách ông viết, “dĩ nhiên, lý thuyết về tư bản là một lĩnh vực, gần như hơn tất cả các lĩnh vực khác, đóng vai trò tâm điểm của mối quan tâm lý thuyết ngay từ buổi đầu của chuyên ngành khoa học này,”6 và trong phần giới thiệu công trình ông viết, “người ta lúc đầu có thể hơi bối rối khi nghe nói lý thuyết về một chủ đề từng được thảo luận rất rộng rãi và sôi nổi ngay từ buổi đầu của kinh tế học lại cần được viết lại gần như hoàn toàn”7– điều này có nghĩa, ông là người có khả năng viết lại nó.

Gia đình Hayek sống ở khu ngoại ô Hampstead Garden của London. Một số đồng nghiệp sống ở khu vực ngay gần đấy, kể cả gia đình Robbins, “những người trở thành bạn bè thân nhất của chúng tôi,”8 và gia đình Plant. Mức lương ban đầu của Hayek tại LSE là 1.000 bảng/năm, sau năm năm tăng lên 1.250 bảng/năm. Ông tậu được chiếc ô tô đầu tiên năm 1936. Sự xa xỉ duy nhất mà ông tự ban cho mình, và trở nên “rất quan trọng” đối với ông, là việc tham gia Reform Club (Câu lạc bộ Cải cách), ở khu Pall Mall. Câu lạc bộ này đã trở thành một hằng số địa lý hiếm hoi trong đời ông. Hàng chục năm sau ông vẫn gọi nó là “ngôi nhà” duy nhất mà ông biết đến trong gần bốn mươi năm. Reform Club là chốn kinh điển ở London, nơi gặp gỡ và ăn uống của giới hàn lâm, công chức, nhà báo v.v. Như chính tên gọi đã gợi lên, về mặt lịch sử nó theo xu hướng “tự do” hơn là “bảo thủ” – cho dù, dĩ nhiên, ở đây không tồn tại ranh giới bất biến: tác phẩm Tám mươi ngày vòng quanh thế giới (Around the World in Eighty Days) của Jules Vernes20 khởi đầu và kết thúc tại đây, và William Gladstone21 cũng từng là thành viên của nó trong thế kỷ mười chín.

Cuộc sống gia đình của Hayek những năm đầu ở London lặng lẽ với “rất ít hoạt động xã hội nào khác ngoài việc thỉnh thoảng chiêu đãi một đồng nghiệp viếng thăm. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn có một phụ nữ nào đó giúp việc thường xuyên. Thường thì họ là những cô gái Áo, một trong số họ đã ở lâu với chúng tôi và gần như trở thành thành viên gia đình. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì mà mức lương giáo sư bấy giờ có thể trang trải.”11

Ông vui vẻ kể lại quan hệ của mình với đồng nghiệp, “Khoa Kinh tế rất nhanh chóng trở thành nhóm bạn rất thân thiết. Chúng tôi hết sức hoà hợp với nhau. Rất ít khi cần đến nghi thức hay tổ chức long trọng. Chúng tôi có những mối giao lưu cá nhân gần gũi… một thứ tình bạn thân mật mà một người cứ việc bước vào nhà người khác bất kể thời điểm nào vào ban ngày hay buổi tối. Chẳng hạn, chúng tôi thường không chiêu đãi trọng thể từng người, nhưng mỗi khi một trong số chúng tôi có khách, thì sau bữa chiều, như lẽ tự nhiên, những người khác sẽ từ xung quanh kéo đến. Thế nên, đây là mối quan hệ thân mật, bền vững mà theo tôi thì đặc biệt nhất là giữa Lionel và tôi… Tôi có một thư viện lớn, nhưng với những chủ đề đặc thù mà mình không có sách thì tôi thường sang nhà Robbins và lấy từ thư viện của ông.”12

Một ngày theo lệ thường của Hayek bao gồm việc tiến hành phần lớn “công trình khoa học” của mình ở nhà vào buổi sáng và phần lớn công tác giảng dạy vào buổi chiều và buổi tối. Ông thường rời nhà lúc 11 giờ sáng và dùng bữa trưa tại trường, hoặc “thỉnh thoảng ở Câu lạc bộ.”13 Các khoá giảng của ông trong thập niên 1930 bao gồm “Lý thuyết về giá trị” (The Theory of Value), “Các nguyên lý tiền tệ” (Principles of Currency), “Các dao động ngành” (Industrial Fluctuations) và vào cuối thập niên là “Các vấn đề của nền kinh tế tập thể” (The Problems of Collectivist Economy).”14

Ông có cơ hội biết một số người thuộc thế hệ giảng viên đầu tiên của LSE. Trong những năm đầu của ông ở đây, Edwin Cannan và Graham Wallas xuất hiện không thường xuyên, cũng như Sidney và (còn ít thường xuyên hơn) Beatrice Webb. Thời gian làm việc với gia đình Webb đủ để ông có thể nhận xét về họ. “Suốt thập niên 1930 ông ta [Sidney] là chủ tịch uỷ ban phụ trách thư viện, mà có lẽ tôi là thành viên tích cực nhất. Sidney và tôi biết nhau khá rõ, và với ông tôi có sự đồng cảm và kính trọng nhất định. Tuy nhiên phải nói là tôi ghét Beatrice. Bà ta là một kẻ hợm hĩnh ghê gớm. Tôi chúa ghét bà ta vì quá kiêu ngạo. Sidney thì lại rất nhân văn, là người mà bạn có thể thảo luận cùng. Ông là một chính khách lão luyện; ông khiến tôi thích thú với kỹ năng điều khiển uỷ ban bậc thầy của mình. Tôi đã học được cách điều hành một uỷ ban như thế nào: nếu trong chương trình có một vấn đề gây tranh cãi, bạn hãy để nó cuối cùng, tiếp theo là kéo dài phần còn lại của cuộc họp, rồi sau đấy bạn sẽ nói ‘Thưa quý vị, đã gần đến giờ nghỉ rồi; và hãy còn một vấn đề nhỏ…’!”15

Luận điểm của Hayek trong lý thuyết về tư bản được đúc rút từ lý thuyết tiền tệ của mình. Ông tin rằng cuộc đại suy thoái (Great Depression) là do đầu tư tư bản không thích đáng suốt những năm 1920. Hậu quả của lãi suất thấp dưới mức phù hợp với quy mô tiết kiệm trong nền kinh tế công nghiệp hoá – vì mục tiêu bình ổn giá cả – là cơ cấu tư bản trong nền kinh tế công nghiệp hoá sẽ trở nên mất cân bằng với mức tiết kiệm và nhu cầu thực tế.

Trọng tâm tư tưởng của Hayek trong lý thuyết tư bản là tư bản có tính dị thể, không thuần nhất – nó không thể sử dụng cho nhiều mục đích. Nếu giả thuyết thực nghiệm về tính dị thể của tư bản này là sai lầm, thì hệ thống lý thuyết về hoạt động kinh tế của ông cũng sẽ sụp đổ. Thêm nữa, Hayek đã không chứng minh định đề của mình theo đó, trong ngắn hạn, sự gia tăng hoạt động kinh tế bao gồm quá trình tái định hướng nguồn lực thay vì sử dụng mạnh mẽ hơn nguồn lực chưa dùng đến hay còn sử dụng dưới mức, đặc biệt ở trường hợp suy thoái. Ông cũng đã không chứng minh việc thay đổi lãi suất ảnh hưởng chủ yếu đến đầu tư tư bản.16

George L.S. Shackle, học trò của Hayek thập niên 1930, từng viết về “cường độ tư duy duy trì liên tục” mà cuốn Lý thuyết thuần tuý về tư bản đã “đòi hỏi tác giả” qua một số phiên bản viết tay với “những khó khăn mới mẻ hơn bao giờ hết theo cấp số nhân.” Công trình của Hayek đã cho thấy “xây dựng lý thuyết không phải là công việc chỉ dành cho trí tuệ, mà còn dành cho lòng quả cảm, tinh thần cao cả và sự quyết tâm không lùi bước. Hayek đã công khai quan điểm của mình và theo đuổi đến tận cùng logic của nó.” Shackle cũng nói, “không thể hình dung nổi lý thuyết tư bản của trường phái Áo có thể dùng được gì cho mục đích thống kê hay thực tiễn.”17

Christine, con gái Hayek, còn nhớ suốt giai đoạn trưởng thành của bà, Hayek luôn dành thời gian ở nhà cho nghiên cứu. Bà bổ sung, không biết tại sao thật khó hiểu cha mình, vì ông quá đỗi bận bịu với công việc, và rồi sau đó cha mẹ bà ly hôn.18 Gia đình này nói tiếng Đức ở nhà và trở về thăm Áo vào mùa hè những năm 1930 cho tới khi chiến tranh đến gần. Họ từng dự định quay về Áo sinh sống. Khi giữa Anh và Đức ngày càng lục đục và khi sự man rợ của chế độ Đệ tam Quốc xã tự phơi bày, họ chấm dứt sự gắn bó với di sản Giécmanh của mình, ngừng nói tiếng Đức ở nhà, và những chuyến đi gia đình trở về Áo dần trở nên thưa thớt. Chiến tranh đã cận kề miệng hố.

Chú thích:

(1). Hayek nhớ sai là Keynes đã nói với mình, sau khi Keynes viết A Treatise on Money, rằng ông ta không còn tin tưởng vào các ý tưởng trong đó nữa. Đúng hơn, như Keynes viết cho Hayek trong lá thư ngày 29/3/1932 trả lời câu hỏi của Hayek là liệu Keynes có hồi âm phần thứ hai bài phê bình của Hayek về A Treatise on Money trên tờ Economica hay không: “Tôi nghi ngờ là liệu mình sẽ quay lại bài phê bình… Tôi đang tái định hình và nâng cao quan điểm trọng tâm của mình và có lẽ đấy là cách tốt hơn để dành thời gian so với chuyện tranh cãi. (CW IX, 173).

(2). Patrick Deutscher, R. G. Hawtrey and the Development of Macroeconomics (London: MacMillan, 1990), 1990-1991, 1994.

(3). Keynes, General Theory, 379-380.

(4). William và Alan Ebenstein, Great Political Thinkers, ấn bản thứ 6 (Fort Worth, Texas: Harcourt, 2000), 805. The Middle Way là tên một cuốn sách nổi tiếng năm 1938 của thủ tưởng Đảng Bảo thủ tương lai Harold Macmillan. Một cuốn sách nổi tiếng khác khoảng thời gian đó là Sweden: The Middle Way (1936) của Marquis Childs.

(5). Ebenstein phỏng vấn Friedman.

(6). PTC, v.

(7). Sđd, 48.

(8). HH, 78.

(9). Sđd.

(10). Sđd.

(11). Sđd.

(12). Shehadi phỏng vấn Hayek.

(13). HH, 80.

(14). Brian McCormick, Hayek and the Keynesian Avalanche (New York: St. Martin’s Press, 1992), 45-47, 136.

(15). Shehadi phỏng vấn Hayek.

(16). Sudha Shenoy phác hoạ lý thuyết về tư bản của trường phái Áo trong cuốn Full Employment at Any Price của F. A. Hayek (London: IEA, 1975), 51-52.

(17). G. L. S. Shackle, Business, Time and Thought (New York University Press, 1988), 179, 173, 181, 180.

(18). Ebenstein phỏng vấn Christine Hayek.

(19) Tức trường phái kinh tế học Manchester (Manchester School), gồm một nhóm thương gia hoạt động vì mục tiêu thiết lập nền thương mại tự do ở Anh nửa đầu thế kỷ 19. Nhóm đặt trụ sở tại thành phố Manchester. (N.D.)

(20) Jules Vernes (1828-1905): Nhà văn Pháp, người tiên phong trong lĩnh vực tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. (N.D.)

(21) William Gladstone (1809-1898): Chính khách Đảng Tự do Anh, thủ tướng Anh 1868-1874, 1880-1885, 1886, và 1892-1894. (N.D.)

 

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan