[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương  12: Bài toán kinh tế xã hội chủ nghĩa

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 12: Bài toán kinh tế xã hội chủ nghĩa

Tập bài luận mà Hayek xuất bản năm 1935 trong cuốn Kế hoạch hóa kinh tế tập thể (Collectivist Economic Planning) có tính chất bước ngoặt trong giai đoạn chuyển tiếp của ông từ lý thuyết kinh tế kỹ thuật sang các lĩnh vực nghiên cứu xã hội rộng hơn. Những vấn đề của bài toán xã hội chủ nghĩa từng một thời gian dài là mối quan tâm của giới kinh tế học theo trường phái Áo. Eugen von Böhm-Bawerk, thầy của Mises, là người phản đối mạnh mẽ công trình nghiên cứu của Karl Marx. Theo sử gia kinh tế Henry Spiegel, luận điểm chủ yếu của Böhm-Bawerk chống lại chủ nghĩa xã hội là “sự phê phán của ­­­­­­chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản trên thực tế là sự phê phán điều kiện của con người, tức là vấn đề trung tâm về sự khan hiếm, mà chủ nghĩa xã hội sẽ phải đương đầu với nó giống như chủ nghĩa tư bản đã từng thế”1 – luận điểm này về sau được Mises và Hayek phát triển mạnh theo chiều sâu.

Cuộc tranh luận về bài toán kinh tế xã hội chủ nghĩa, do Mises khởi xướng năm 1920 với bài viết ảnh hưởng “Kế hoạch hóa kinh tế trong khối xã hội chủ nghĩa” (Economic Planning in the Socialist Commonwealth), đã diễn ra trong một thời gian dài và có ý nghĩa quan trọng. Câu hỏi của Mises thật thông minh: Làm thế nào một hệ thống kinh tế – chủ nghĩa xã hội – lại khả dĩ tồn tại mà trong đó không có giá cả? Mises viết,

“Nhiều nhà xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ nắm bắt được những vấn đề kinh tế theo bất kỳ cách hiểu nào, và chưa từng thử sức hình thành nên một quan niệm rõ ràng nào cho chính mình về những điều kiện quyết định đặc điểm xã hội loài người. Họ thoả sức phê phán cơ cấu kinh tế của xã hội ‘tự do,’ nhưng lại luôn lảng tránh việc áp dụng sự phán xét sáng suốt sâu cay đó cho kinh tế học xã hội chủ nghĩa gây tranh cãi. Kinh tế học, theo đúng nghĩa, chỉ được điểm xuyết quá ư lác đác trên những bức tranh quyến rũ mà các nhà không tưởng chủ nghĩa vẽ nên. Họ mô tả lặp đi lặp lại về cái xứ sở mộng mơ nằm trong trí tưởng tượng của mình, nơi những của ngon vật lạ sẽ bày ra trước mắt những người đồng chí hướng, nhưng lại bỏ qua việc giải thích điều thần kỳ ấy sẽ diễn ra bằng cách nào.” 2

Xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ được tổ chức như thế nào trong thực tiễn? Nếu chỉ nêu lên những khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản thôi thì vẫn chưa đủ.

Trọng tâm luận điểm của Mises là ý nghĩa quan trọng của giá cả, và sự cần thiết của giá cả đối với sở hữu tư nhân và thị trường cạnh tranh. Sử gia kinh tế Bettina Bien Greaves nhấn mạnh rằng đối với Mises,

“Nhân tố quyết định liên quan đến bài toán kinh tế xã hội chủ nghĩa không chỉ là việc không thể tính toán được các tác nhân kinh tế nếu không có giá cả, mà còn là nếu không có tư hữu thì không thể có giá cả… Sự cần thiết có tính cơ sở cho sự xuất hiện của giá cả và lợi nhuận là tư hữu.” 3

Thực chất của cuộc tranh luận về bài toán xã hội chủ nghĩa là nỗ lực của Mises nhằm chỉ ra rằng, nếu thiếu một nền kinh tế trao đổi với tư hữu, thị trường cạnh tranh, hợp đồng, và lợi nhuận, thì không có những thứ như giá cả, và trong điều kiện đó việc đưa ra quyết định kinh tế hữu hiệu là bất khả thi.

Mises nêu bật vấn đề chính qua ví dụ minh hoạ ý nghĩa quan trọng của giá cả trong việc định hướng sản xuất:

“Vị giám đốc [xã hội chủ nghĩa] muốn xây một ngôi nhà. Trước mặt ông ta bây giờ có nhiều phương án để lựa chọn. Mỗi phương án có những ưu thế và bất lợi nhất định liên quan đến việc khai thác ngôi nhà trong tương lai, với thời gian sử dụng khác nhau, cũng như đòi hỏi những chi phí [khác nhau] về vật liệu và nhân công. Vị giám đốc này nên chọn phương án nào? Ông ta không thể quy các hạng mục vật liệu và nhân công khác nhau dự kiến sẽ chi tiêu về cùng mẫu số chung. Vì thế ông ta không thể so sánh chúng.” 4

Ông viết trong tác phẩm Bài toán kinh tế của khối xã hội chủ nghĩa (Economic Calculation in the Socialist Commonwealth), “Chủ nghĩa xã hội” là sự “thủ tiêu nền kinh tế duy lý.”5

Một số nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa từng thừa nhận sức nặng trong luận điểm của Mises. Oskar Lange viết,

“Các nhà xã hội chủ nghĩa chắc chắn có lý do đúng đắn để biết ơn giáo sư Mises, nhà phản biện vĩ đại đối với chính nghĩa của họ. Chính sự thách thức mạnh mẽ của ông đã buộc các nhà xã hội chủ nghĩa nhận ra tầm quan trọng của một hệ thống hạch toán kế toán vững chắc nhằm định hướng quá trình phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Bức tượng giáo sư Mises cần phải được dựng lên ở vị trí danh dự trong đại sảnh Cục Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa thuộc Uỷ ban Kế hoạch Trung ương của nhà nước xã hội chủ nghĩa, vừa biểu lộ sự thừa nhận đối với đóng góp vĩ đại của ông, vừa là sự gợi nhớ tầm quan trọng của hệ thống hạch toán kế toán vững chắc.” 6

Theo các nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa, vấn đề giá trị sẽ được giải quyết không phải thông qua giá cả dao động tự do trong thị trường cạnh tranh với sự hiện diện của tư hữu, mà là thông qua công tác hạch toán kế toán thận trọng của các nhà kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa.

Luận điểm của chủ nghĩa xã hội cổ điển chống lại Mises và Hayek đã nhầm lẫn hoàn toàn. Không phải các nguồn lực sản xuất cần được hạch toán kế toán một cách thận trọng, mà ở đây cần có phương thức xác định giá trị tương đối của các nguồn lực khác nhau để tối ưu hóa sản xuất. Chủ nghĩa tư bản dựa trên tư hữu, giá cả, khả năng trao đổi hàng hóa và dịch vụ, và lợi nhuận.

Cuộc tranh luận về bài toán xã hội chủ nghĩa diễn ra qua hai giai đoạn. Trong một cuộc phỏng vấn hàng chục năm sau, Hayek nhận xét,

“Những năm 1920 Mises đã tiến hành cuộc luận chiến với các nhà xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, khi tới Anh những năm 1930, tôi mới nhận thấy hầu như nó hoàn toàn không gây được chú ý, vì thế tôi đã tiến hành biên tập cho xuất bản một tập bài viết. Cuộc luận chiến của Mises diễn ra trong thập niên 1920 còn của tôi là thập niên 1930.”7 

Tác phẩm Kế hoạch hóa kinh tế tập thể (1935), phụ đề Các nghiên cứu phê phán về những khả năng của chủ nghĩa xã hội (Critical Studies on the Possibilities of Socialism) do Hayek biên tập, đóng vai trò to lớn trong giai đoạn nghiên cứu quá độ của Hayek từ lĩnh vực lý thuyết kinh tế sang triết học chính trị. Trong một cuộc phỏng vấn hàng chục năm sau, ông hồi tưởng về sự chuyển hướng của mình sang lĩnh vực mà người phỏng vấn gọi là “những vấn đề chính trị–triết học,” bước ngoặt này “thực sự bắt đầu với việc biên soạn cuốn sách về kế hoạch hóa kinh tế tập thể ấy. Đầu tiên chỉ là từ thực tế mà tôi phát hiện ra về việc một số hiểu biết sâu sắc nhất định ở Châu Âu lục địa vẫn chưa tới được với thế giới nói tiếng Anh. Khi buộc phải giải thích về sự phát triển đó ở Châu Âu lục địa trong phần giới thiệu và kết luận cuốn sách, tôi thật ngạc nhiên là sự chú ý của mình lại không chỉ tìm đến lĩnh vực triết học chính trị mà còn tìm đến sự phân tích các quan niệm kinh tế sai lầm về phương pháp luận, thứ xem ra đối với tôi lại dẫn tới những quan niệm ngây thơ như: ‘Rốt cục, những gì thị trường thực hiện được thì chúng ta có thể làm tốt hơn về mặt tư duy trí tuệ.’”8 Ông từ bỏ kinh tế học kỹ thuật bởi ông “quá quan tâm đến các vấn đề chính sách bán triết học – sự tương tác giữa kinh tế học và cấu trúc chính trị.”9

Quá trình chuyển tiếp của ông từ lý thuyết kinh tế sang những chủ đề khác là vì ông nhận ra rằng những giả thuyết mà mình thừa nhận còn lâu mới đạt tới sự đồng thuận chung. Giả thuyết chủ yếu là xã hội có tính hiệu quả kinh tế cao hơn khi tập hợp các quy định và pháp luật của nó cho phép cá nhân khai thác kiến thức và khả năng của mình vì mục đích bản thân thay vì yêu cầu mỗi cá nhân phải tuân theo kế hoạch do chính phủ trung ương xác lập. Trong bài diễn văn mở đầu năm 1933 của mình tại LSE, “Xu hướng của tư tưởng kinh tế” (The Trend of Economic Thinking), Hayek lần đầu tiên công bố một số chủ đề khiến ông bận tâm trong cuộc tranh luận về bài toán xã hội chủ nghĩa và trong suốt sự nghiệp còn lại. Ông phát biểu, “đa số nhân loại vẫn chịu ấn tượng sai lầm là do tất cả các hiện tượng xã hội đều xuất phát từ hành động của chính chúng ta, nên tất cả những gì tuỳ thuộc vào những hiện tượng đó đều là đối tượng chủ định của chúng”; “sự phối hợp của những nỗ lực cá nhân trong xã hội không phải là sản phẩm của kế hoạch hóa có chủ định”; và quá đỗi lạc quan khi tiếp tục, “niềm tin về việc kế hoạch hóa chủ định là sự cải thiện cần thiết điều kiện hiện tại, vốn xuất phát từ nhận định là ở đâu không có ý chí định hướng thì ở đấy chắc chắn có hỗn loạn, đang càng lúc càng được nhận ra là kết quả của sự hiểu biết thiếu đầy đủ của chúng ta về hệ thống hiện hành.”10 

Trong tác phẩm Kế hoạch hóa kinh tế tập thể, ông phản bác ý tưởng có thể quản lý một xã hội có công nghệ tiên tiến từ một điểm đơn lẻ. Thay vì thế, ông nhấn mạnh ý tưởng trật tự tự phát (mặc dù ông chưa sử dụng thuật ngữ này) – cho rằng mục đích đúng đắn của chính phủ là cần tạo điều kiện cho cá nhân khai thác càng nhiều càng tốt kiến thức và tài năng của mình theo cách thức mà họ đánh giá là tốt nhất.

Ông tin rằng không thể có tiến bộ nào nếu không có tự do kinh tế. Nỗ lực áp buộc sự hoà hợp giữa người với người thông qua việc yêu cầu tất cả thành viên xã hội phải sống theo sự áp đặt của một hay một số người làm cản trở sự xuất hiện của hình thái trật tự xã hội mà ở đó sẽ diễn ra tiến bộ vật chất và công nghệ. Luật lệ cần thắng thế mệnh lệnh cá nhân. Sở hữu tư nhân có tính cốt yếu đối với trật tự đó.

Luận điểm phản bác chủ nghĩa xã hội của ông phần lớn dựa trên thực tế. Ông nhận xét, “quá trình phân phối các nguồn lực sẵn có cho những mục đích khác nhau, vốn mang bản chất kinh tế, là vấn đề mà mức độ đòi hỏi nó đặt ra cho xã hội [trong nền kinh tế chỉ huy] không kém so với cho cá nhân.”11 Điều gì còn thiếu trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cổ điển là một “chuẩn mực giá trị”12 nào đấy. 

Vấn đề khác được Hayek nêu lên trong tác phẩm Kế hoạch hóa kinh tế tập thể là: Các quyết định đầu tư bất trắc sẽ được đưa ra như thế nào? Ông phân tích tỉ mỉ, “so với chủ nghĩa tư bản thì ở đây [dưới chủ nghĩa xã hội] kinh doanh rủi ro, ngay cả đầu cơ thuần tuý, cũng sẽ không kém phần quan trọng. Thậm chí nếu sự tiến bộ có mối liên quan tất yếu đến cái khái niệm vẫn thường được gọi là ‘lãng phí,’ thì liệu điều này có đáng mong muốn hay không nếu như xét tổng thể lợi ích vẫn vượt quá tổn thất?”13 Trong nền kinh tế chỉ huy, những quyết định đầu tư tương đối bất trắc sẽ được đưa ra dựa trên tiêu chí nào?

Cả Mises và Hayek đều xem xét chủ đề động lực trong phê phán của họ đối với chủ nghĩa xã hội. Đây không phải là chủ đề hàng đầu của cả hai người, mặc dù đối với Mises nó là mối quan tâm có ý nghĩa quan trọng hơn. Mises viết, “sức mạnh động cơ biến mất với sự loại trừ lợi ích vật chất cá nhân.”14 Theo Hayek, “Vấn đề là ở chỗ liệu việc ra quyết định cùng trách nhiệm có thể được phó thác thành công cho những cá nhân vốn không phải là chủ nhân hay có lợi ích trực tiếp nằm trong những phương tiện sản xuất mà mình quản lý hay không.”15

Trong tác phẩm Kế hoạch hóa kinh tế tập thể, Hayek nhấn mạnh,

“sự chuyển đổi nguồn lực thường xuyên giữa các doanh nghiệp diễn ra dưới chủ nghĩa tư bản cũng sẽ mang lại lợi ích ngang bằng như dưới xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, việc chuyển giao tư bản từ doanh nhân kém hiệu quả sang doanh nhân hiệu quả hơn diễn ra thông qua việc người trước làm ra lỗ còn người sau làm ra lợi nhuận. Vấn đề ai là người sẽ có quyền mạo hiểm với các nguồn lực và mức độ phó thác cho anh ta ở đây được chính người đã thành công trong việc giành được và duy trì những nguồn lực đó quyết định.” 16

Với nền kinh tế thị trường, vấn đề người nào sẽ quản lý các nguồn lực hữu hiệu nhất được quyết định thông qua việc ai là người làm ra nhiều lợi nhuận nhất. Những người làm ra lợi nhuận có năng lực tài chính để quản lý nhiều nguồn lực hơn.

Dưới chủ nghĩa xã hội, việc ai là người quản lý hiệu quả nhất các nguồn lực là một vấn đề không kém tính thực tế so với dưới chủ nghĩa tư bản, và gắn liền với những ý tưởng của Hayek về tiến hóa xã hội phi định hướng. Không nhất thiết cứ hễ ai là người có thể kiếm được nhiều lợi nhuận nhất thì khả dĩ diễn đạt được những hiểu biết của mình về quá trình kinh tế. Mà đúng hơn, (dưới chủ nghĩa tư bản) hành vi của họ quyết định họ có được nhiều nguồn lực hơn để quản lý. Hayek coi “chủ nghĩa xã hội theo cơ chế thị trường” – nỗ lực hợp nhất sở hữu nhà nước với thị trường cạnh tranh – “là một khái niệm hầu như không có tính thuyết phục.”17 

Hayek tin tưởng sâu sắc rằng chủ nghĩa xã hội, như bất kỳ hình thái nào của chủ nghĩa tập thể, thực sự không thể mang lại tốt đẹp. Xã hội không thể – chứ không phải là có thể không – được cấu trúc nhằm cho phép quản lý nhà nước những phương tiện sản xuất kinh tế nếu muốn vươn tới mức sống vật chất đầy đủ. “Quản lý tập trung toàn bộ hoạt động kinh tế cho thấy là một nhiệm vụ không thể giải quyết được một cách duy lý trong điều kiện phức tạp của đời sống hiện đại.”18 

Chủ nghĩa xã hội là một lý thuyết có tính thực tế cũng như đạo đức. Luận điểm kinh tế của Hayek chống lại chủ nghĩa xã hội cổ điển không chỉ vì nó là chuẩn mực không đáng mong muốn, mà chủ yếu là vì nó thực sự phi hiệu quả.19 

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần II, Chương 12, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Chú thích:

(1) Henry W. Spiegel, The Growth of Economic Thought (Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall, 1971), 539.

(2) CEP, 87-88.

(3) Thư của Bettina Bien Greaves gửi tác giả ngày 18/2/1999.

(4) Mises, Human Action, 698.

(5) CEP, 110.

(6) Karen Vaughn, Austrian Economics in America (Cambridge University Press, 1994), 50.

(7) Richard Ebeling, “An Interview with Friedrich Hayek,” Libertarian Review (9/1977), 11.

(8) UCLA, 225-226.

(9) UCLA, 415.

(10) CW III, 19, 26, 32.

(11) IEO, 121.

(12) CRS, 122.

(13) IEO, 174.

(14) CEP, 118.

(15) CEP, 219.

(16) IEO, 175.

(17) RS, 30.

(18) CEP, 202.

(19) Hàng thập kỷ sau, Hayek trở lại với cuộc tranh luận về bài toán xã hội chủ nghĩa. Năm 1982, ông gửi cho Seldon một lá thư, nói rằng ông “đặc biệt phẫn nộ về câu chuyện kỳ cục lặp đi lặp lại về việc Lange đã bác bỏ Mises” (Hayek’s ‘Serfdom’ Revisited [London: IEA, 1984], xxvi) và kèm theo một bài viết mà ông đề nghị IEA công bố. Hayek mở đầu bài viết: “Người ta cứ lặp đi lặp lại rằng giáo sư Oskar Lange… bác bỏ luận điểm do Ludwig von Mises đưa ra là ‘bài toán kinh tế là bất khả thi trong một xã hội xã hội chủ nghĩa.’”

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh