[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 13: Kinh tế học, tri thức và thông tin

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 13: Kinh tế học, tri thức và thông tin

Tags: Tiểu sử

Tiểu luận “Kinh tế học và tri thức” (Economics and Knowledge) là tác phẩm riêng rẽ quan trọng nhất của Hayek trong giai đoạn chuyển tiếp sang những chủ đề khiến ông bận tâm suốt phần lớn sự nghiệp còn lại. Đầu tiên nó là bài diễn văn của ông trên cương vị chủ tịch tại Câu lạc bộ Kinh tế London (London Economic Club) ngày 10 tháng 10 năm 1936. Ở tác phẩm này, ông đề xuất ý tưởng về sự phân hữu tri thức, mà – nếu đúng – thì xem ra nó đã khiến cho khả năng của chủ nghĩa xã hội cổ điển bị lung lay thực sự.

Sự phân hữu tri thức chứa đựng một vấn đề hoàn toàn tương tự vấn đề phân công lao động, hay chí ít cũng quan trọng như thế. Tuy nhiên, trong khi phân công lao động là đối tượng nghiên cứu chính ngay từ khi xuất hiện chuyên ngành khoa học của chúng ta thì phân hữu tri thức lại hoàn toàn bị bỏ rơi, dù đối với tôi nó dường như là vấn đề trung tâm thực sự của kinh tế học với tư cách một khoa học xã hội… So với bất kỳ ngành khoa học xã hội nào khác, kinh tế học đã tiến gần hơn đến lời giải đáp cho vấn đề trung tâm của mọi khoa học xã hội: Sự chắp nối các mảnh tri thức từ những bộ óc khác nhau làm thế nào có thể đưa tới những kết quả mà, nếu sự kết hợp đó là có chủ định, chúng sẽ đòi hỏi tri thức của một bộ óc chỉ huy mà vốn không một cá nhân nào khả dĩ có? Hành động tự phát của các cá nhân, dưới những điều kiện mà chúng ta có thể xác định, sẽ đưa tới sự phân bổ các nguồn lực theo cách thức có thể hiểu là cứ như thể nó được thực hiện dựa trên một kế hoạch đơn nhất, dù không ai lập nên kế hoạch đó.1

“Kinh tế học và tri thức” đánh dấu sự đoạn tuyệt với tư tưởng phương pháp luận trước đó của Hayek. Trước bài luận này, ông nhấn mạnh phương pháp nghiên cứu có tính chất nội quan, lý thuyết và tiên nghiệm (tiền thực nghiệm)2, hầu như mang dấu ấn riêng của Wieser và Mises. Trong “Kinh tế học và tri thức” Hayek đã tách khỏi cách quan niệm về tri thức thuần túy nội quan và đã đạt đến tầm vĩ đại.

Vấn đề bàn luận trong “Kinh tế học và tri thức” xuất phát từ các cuộc tranh luận về cân bằng kinh tế – cân bằng hình thành như thế nào, cân bằng được định nghĩa ra sao? Trong bài viết này ông lưu ý quan niệm của mình về cân bằng: “đối với tôi việc tách biệt khái niệm cân bằng khỏi khái niệm trạng thái tĩnh tại (stationary state) dường như là một kết cục tất yếu của một quá trình [nghiên cứu] đã diễn ra từ khá lâu,” 3 và trong lần tái bản bài viết này năm 1948 ông đã chỉ cho độc giả tìm tới Chương II tác phẩm Lý thuyết thuần túy về tư bản để thấy “những phát triển sâu hơn.”4 Ở đây ông lập luận, “phần lớn thiếu sót của lý thuyết tư bản hiện nay đều xuất phát từ thực tế là nó chỉ được nghiên cứu dưới những giả thuyết về một trạng thái tĩnh tại, trạng thái mà ở đó vắng bóng hầu hết các chủ đề lý thú và quan trọng về tư bản.” 5

John Stuart Mill có lẽ đã trình bày rõ ràng nhất và nổi tiếng nhất khái niệm trạng thái tĩnh tại qua tác phẩm Những nguyên lý kinh tế chính trị (Principles of Political Economy), ở chương “Về trạng thái tĩnh tại” (Of the Stationary State) của mình,

“Các nhà kinh tế chính trị hẳn luôn nhận thấy, với mức độ sáng tỏ khác nhau, rằng sự gia tăng của cải không phải là vô tận: cuối mỗi giai đoạn mà người ta gọi là trạng thái thăng tiến thì lại đến trạng thái tĩnh tại.”

Đó là “giai đoạn tĩnh tại của tư bản và của cải.”6 Công bố của Hayek về lý thuyết cân bằng khác với của Mill ở hai điểm. Thứ nhất, cân bằng không diễn ra trong nền kinh tế tĩnh tại mà là nền kinh tế động; và thứ hai, cân bằng không xuất hiện tại một thời điểm mà là theo dòng thời gian.

Hayek đã xem xét quan niệm của mình về cân bằng trong tiểu luận “Kinh tế học và tri thức.” Ông lập luận,

“Trong những điều kiện nhất định thì trạng thái cân bằng khó có thể hàm ý điều gì khác hơn là giả định tri thức và dự định của các thành viên xã hội khác nhau càng lúc càng đi tới hoà hợp hay, nói một cách thiếu tính khái quát và kém chính xác nhưng lại cụ thể hơn là, những mong muốn của mọi người và đặc biệt của các doanh nhân sẽ trở nên ngày một đúng đắn hơn.” 7

Ông nhấn mạnh ý tưởng tri thức tiên nghiệm, nghĩa là trong thị trường “tất cả tri thức đều là khả năng phán đoán.” Ông khẳng định “khái niệm cân bằng đơn giản chỉ là sự tiên liệu của tất cả thành viên xã hội khác nhau đều đúng đắn. Sự tiên liệu chính xác là đặc trưng xác định trạng thái cân bằng.”8

Israel Kirzner, thủ lĩnh hiện nay của trào lưu Áo trong kinh tế học, nhận xét về đoạn trên đây của Hayek,

“nói cách khác, trạng thái cân bằng là trạng thái mà ở đó tất cả hành động đều được phối hợp hoàn hảo, mỗi thành viên tham gia thị trường đều khiến cho quyết định của mình ăn khớp chặt chẽ với những quyết định mà anh ta (với độ chuẩn xác hoàn toàn) dự liệu được từ những thành viên khác. Tri thức hoàn hảo xác định nên trạng thái cân bằng sẽ bảo đảm sự phối hợp hoàn toàn giữa các kế hoạch cá nhân.”

Kirzner tiếp tục,

“sự chuyển dịch từ bất cân bằng sang cân bằng là sự chuyển dịch đồng thời từ tri thức không hoàn hảo sang tri thức hoàn hảo và từ bất phối hợp sang phối hợp. Sự chuyển dịch từ bất cân bằng sang cân bằng là một quá trình trao đổi thông tin.” 9

Theo quan điểm của Hayek, hệ thống giá cả là nhân tố khiến cho cân bằng diễn ra. Giá cả và lợi nhuận là công cụ chuyển tải thông tin và tri thức. Giá cả và lợi nhuận khiến cho sự phân hữu tri thức không còn là vấn đề. Hayek giải thích là yếu tố thực nghiệm thâm nhập vào kinh tế học thông qua sự phân hữu tri thức và trao đổi thông tin. Trong bài viết chưa đầy đủ sau này của mình về trường phái kinh tế học Áo, ông nhận xét, dù trên thực tế “logic thuần túy về lựa chọn ” (pure logic of choice) theo đó trường phái Áo dùng để giải thích hành vi cá nhân chỉ là sự “suy diễn thuần túy, thì ngay khi cách giải thích trên được vận dụng cho hoạt động giữa người với người trong thị trường, quá trình quyết định lại là quá trình qua đó thông tin được chuyển tải giữa các cá nhân, và mang tính thực nghiệm thuần túy theo đúng nghĩa.”10

Năm 1978, trong cuộc phỏng vấn với nhà kinh tế học Axel Lei, ông đã thảo luận về những quan điểm phương pháp luận của mình qua sự khác biệt tương phản với của Mises:

Hỏi: Ông đã phát triển quan điểm của riêng mình về phương pháp luận trong nhiều năm. Vậy ông có mâu thuẫn gì với Mises về vấn đề phương pháp luận không?

Đáp: Không, không một mâu thuẫn, dù tôi đã thất bại trong nỗ lực trình bày với ông ta quan điểm của mình… Tôi tin là chính trong bài viết về kinh tế học và tri thức đó tôi đã chỉ ra rằng mặc dù sự phân tích kế hoạch cá nhân ở mức độ nào đấy là một hệ thống logic tiên nghiệm, thì yếu tố thực nghiệm lại thâm nhập vào quá trình những người này tìm hiểu xem người khác làm gì. Và bạn cũng không thể giống như Mises khi cho rằng toàn bộ lý thuyết thị trường là một hệ thống tiên nghiệm, vì có sự hiện diện của nhân tố thực nghiệm mà thâm nhập vào quá trình một người tìm hiểu xem người khác đang làm gì.11

Năm 1983, trong bức thư gửi lý thuyết gia và sử gia kinh tế Terence Hutchison, Hayek bổ sung, “dự định chính” của ông trong tiểu luận “Kinh tế học và tri thức” là nhằm “nhẹ nhàng giải thích với Mises tại sao mình không thể chấp nhận thuyết tiên nghiệm của ông.”12 Kinh tế học không thể là chuyên ngành thuần túy suy diễn, tiên nghiệm bởi vì nó không chỉ quan tâm đến hành động cá nhân mà còn đến cách thức con người trao đổi thông tin, đó chính là quá trình thực nghiệm mà không thể đưa ra một phát biểu tiên nghiệm nào về nó.

Sau khi tiểu luận “Kinh tế học và tri thức” ra đời nhiều năm, Hayek thuật lại,

“trong quá trình suy xét kỹ thêm về những vấn đề này [bài toán xã hội chủ nghĩa], vốn khiến chúng tôi rất bận tâm mười hay mười lăm năm trước đó ở Vienna, không hiểu sao tôi lại bắt gặp một ý tưởng khai sáng giúp tôi nhận ra toàn bộ đặc điểm của lý thuyết kinh tế dưới thứ ánh sáng hoàn toàn mới mẻ đối với mình.” 13

Hayek nhận ra giá cả thể hiện bản chất của xã hội thị trường, và cùng với giá cả là tư hữu, hợp đồng, lợi nhuận, khả năng trao đổi hàng hoá và dịch vụ, pháp luật và các chuẩn mực xã hội xác định và duy trì chúng. Không chỉ trong trường hợp tiêu cực với chủ nghĩa xã hội khi ông khẳng định sự phân hữu tri thức khiến quản lý kinh tế tập trung là bất khả thi, Hayek còn khẳng định trong trường hợp tích cực với chủ nghĩa tư bản là đối với xã hội thị trường cạnh tranh, các mức giá cả dao động và những thứ đồng hành với chúng là cách thức tốt nhất, và có lẽ duy nhất, để vượt qua sự phân hữu tri thức. Vai trò thích hợp của chính phủ là tạo điều kiện cho hoạt động hữu hiệu giữa con người với con người thông qua việc tạo dựng một trật tự thị trường mà ở đó các cá nhân có thể khai thác tối đa tri thức phân tán nhờ các mức giá cả dao động và lợi nhuận.

Hayek nhận xét trong tự truyện về “Kinh tế học và tri thức”: cùng với các bài liên quan khác được in lại trong cuốn Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế (Individualism and Economic Order) (1948), loạt bài trên “xem ra đối với tôi là đóng góp sáng tạo nhất của mình cho lý thuyết kinh tế.”14 Bài viết tiếng tăm nhất của ông sau “Kinh tế học và tri thức” có lẽ là “Sử dụng tri thức trong xã hội” (The Use of Knowledge in Society), công bố lần đầu tiên năm 1945 trên chuyên san American Economic Review và tái bản trong cuốn Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế. Theo Milton Friedman, giá cả “chuyển tải thông tin. Ý nghĩa quyết định của chức năng này từng có xu hướng bị bỏ mặc cho đến khi Hayek công bố bài viết vĩ đại ‘Sử dụng tri thức trong xã hội’ của mình.”15 Hayek lập luận,

“đặc trưng riêng của vấn đề trật tự kinh tế duy lý được xác định chính xác qua thực tế là tri thức về những hoàn cảnh mà chúng ta phải sử dụng không bao giờ tồn tại dưới dạng tập trung hay hợp nhất mà chỉ dưới dạng những mảnh tri thức phân tán, không hoàn chỉnh, do tất cả thành viên riêng rẽ sở hữu. Bài toán kinh tế của xã hội là vấn đề khai thác tri thức vốn không được trao cho bất kỳ ai dưới hình thái toàn vẹn của nó.” 16

Chủ nghĩa xã hội cổ điển bắt nguồn từ giả thuyết sai lầm là tất cả tri thức có thể được tập hợp vào một bộ óc.

Trong các công trình nghiên cứu của mình từ nửa cuối thập niên 1930 cho tới cuối sự nghiệp, Hayek nhấn mạnh,

“nếu nói kế hoạch hoá theo hình thức mà chúng ta đang ám chỉ đến là phi lý trí thì điều này cũng không đồng nghĩa với việc khẳng định hình thái chủ nghĩa tư bản duy nhất có thể được ủng hộ một cách duy lý là hình thái laissez-faire hoàn chỉnh theo cách hiểu cũ. Chúng ta không được phép bỏ qua sự khác biệt quan trọng giữa hệ thống pháp luật bền vững và hệ thống… chỉ huy tập trung. Đây mới chính là chủ đề thực sự, chứ không phải là vấn đề duy trì trật tự hiện hành đối nghịch với việc xác lập những thiết chế mới. Về một mặt nào đó, cả hai hệ thống (chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội) đều có thể được xem là sản phẩm của việc lập kế hoạch duy lý. Nhưng việc lập kế hoạch này chỉ liên quan đến hệ thống thiết chế trường tồn trong một trường hợp mà thôi.” 17

Hàng thập kỷ sau ông viết trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty),

“mặc dù trật tự tự phát dựa trên những nguyên tắc có thể mang đặc điểm tự phát, thì điều này không nhất thiết phải luôn luôn đúng trong thực tế… Đặc điểm tự phát của trật tự đang thành hình phải… được phân biệt với nguồn gốc tự phát của các nguyên tắc mà nó dựa vào, và có thể xảy ra khả năng là một trật tự vẫn buộc phải được xem là mang tính tự phát lại dựa trên những nguyên tắc hoàn toàn là kết quả của việc hoạch định chủ ý.” 18

Hayek ủng hộ việc thiết lập những thiết chế xã hội vĩ mô mới, “hệ thống thiết chế bền vững.” Ông phản đối chính phủ chỉ huy nền kinh tế.

Mục tiêu của Hayek là mức sống vật chất cao nhất cho tất cả mọi người. Theo ông, khả năng nhiều nhất để đạt được điều này là thông qua trật tự thị trường cạnh tranh được thiết kế phù hợp. Đến lượt, trật tự thị trường cạnh tranh lại dựa trên giá cả dao động, tư hữu, lợi nhuận, hợp đồng, cùng khả năng trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Tất cả cơ chế mang tính thiết chế trên lại được đặt ra vì “tính bất hoàn chỉnh tất yếu trong tri thức của con người” – nghĩa là, tri thức của một cá nhân.

Ông hào hứng kể về những năm tháng trước Thế chiến II của mình tại LSE. Phòng hội đồng dành cho giảng viên thâm niên là “một nhóm hết sức lý thú,” và với quy mô “khiến cho người ta có thể biết rõ hầu hết thành viên của nó. Tại đây luôn diễn ra thảo luận sôi nổi; cuối thập niên 1930, nội dung chủ yếu là về những diễn biến chính trị đương thời của thế giới.”19

Ông mô tả giai đoạn chuyển tiếp của mình từ kinh tế học kỹ thuật sang các lĩnh vực khoa học xã hội khác bắt đầu với tiểu luận “Kinh tế học và tri thức”:

“Một mặt, tôi cảm nhận điều mình đang chuẩn bị dấn thân vào là thứ công việc đặc thù mà không biết liệu ai đó khác có thể làm được hay không. Và tôi cũng hy vọng là những gì mà mình làm được trong ‘Lý thuyết tư bản’ (Capital Theory) sẽ được những người khác tiếp tục phát triển. Đó là một sự khởi đầu mới. Nếu không như thế thì có nghĩa sự kế tục chỉ để hướng tới kết quả mà tôi đã biết, nhưng còn phải chứng minh, một điều thật buồn tẻ. Vấn đề còn lại là một bài toán mở: Hình hài kinh tế học sẽ như thế nào khi bạn nhận ra nó là nguyên mẫu của loại khoa học mới về những hiện tượng phức tạp? Đây là một vấn đề trí tuệ có sức cuốn hút hơn rất nhiều.” 20

Ông cũng nhận xét về tiểu luận “Kinh tế học và tri thức” là nó

“thực sự khởi đầu cho việc đánh giá sự vật của tôi dưới ánh sáng của quan niệm mới. Đến tận thời điểm ấy, tôi vẫn còn phát triển ý tưởng theo truyền thống. Với bài thuyết trình năm 1936 này, tôi bắt đầu suy nghĩ theo cách riêng của mình. Đó là một vài ý tưởng cùng hội tụ vào một chủ thể. Đó là những bài luận của tôi về chủ nghĩa xã hội, việc vận dụng lý thuyết chu kỳ kinh doanh về giá cả vào vai trò định hướng sản xuất, cuộc thảo luận hiện hành về sự phán đoán (anticipation),… có lẽ ở một mức độ nhất định là tác phẩm Rủi ro, bất trắc và lợi nhuận (Risk, Uncertainty and Profit) của Knight – tất cả cùng xuất hiện với nhau. Và tôi viết bài thuyết trình đó với cảm giác tường tận, phấn chấn đến không ngờ. Tôi ý thức được rằng mình đang xếp đặt những điều được biết tới khá nhiều dưới một khuôn thức mới, và có lẽ khoảnh khắc phấn khích nhất trong sự nghiệp là khi nhìn thấy nó được in ra.” 21

Giá cả và lợi nhuận đóng vai trò then chốt trong trao đổi thông tin. Phần lớn sự nghiệp còn lại của ông được dành cho việc nghiên cứu và mô tả trật tự xã hội trong đó nhân loại có thể khai thác tối đa tri thức phân tán. Tiêu điểm quan tâm của ông đến lúc lại chuyển sang các nguyên tắc, hay pháp luật. Các nguyên tắc cho phép con người sống cùng nhau đạt tới hiệu quả nhất định, năng suất vật chất cao nhất và với mức độ tri thức cao nhất – những phán đoán chính xác nhất về tương lai.

Bất chấp sự xuất chúng mà tác phẩm “Kinh tế học và tri thức” đạt được trong tư tưởng của ông, thời kỳ ấy độc giả của nó chỉ dừng lại ở con số vài trăm nhà kinh tế học hàn lâm và sinh viên trên toàn thế giới. Hầu hết thời gian của Hayek cuối thập niên 1930, khi ông không còn giảng dạy, được dành cho những nghiên cứu chưa hoàn chỉnh của mình về tính động (dynamics) của tư bản và lý thuyết tiền tệ.

Những đề xuất sáng tạo trong “Kinh tế học và tri thức” có ý nghĩa to lớn đối với Hayek. Khi nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Rikkyo, Tokyo, năm 1964, ông nhận xét:

Kết luận chính của bài tiểu luận là: nhiệm vụ của lý thuyết kinh tế là nhằm giải thích làm thế nào đạt tới trật tự hoạt động kinh tế chung khi sử dụng số lượng lớn tri thức vốn không tập trung trong bất kỳ một khối óc nào mà chỉ tồn tại như những tri thức phân tán trong các cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, điều này vẫn còn xa mới vươn tới sự thấu đạt đầy đủ về mối quan hệ giữa các quy luật trừu tượng mà cá nhân tuân theo qua hành vi của mình với trật tự chung trừu tượng được hình thành [theo đó]… Chỉ thông qua việc kiểm tra lại khái niệm lâu đời về tự do trong khuôn khổ pháp luật, quan niệm nền tảng của chủ nghĩa tự do truyền thống, và về những vấn đề triết học của pháp luật mà nó đề xuất, tôi mới hình dung ra bức tranh khá rõ ràng về bản chất của trật tự tự phát mà các nhà kinh tế học tự do vẫn đang đề cập đến từ rất lâu.22

Chú thích:

(1) IEO, 50, 54.

(2) Introspective, theoritical, a priori (before experience) approach.

(3) EO, 41.

(4) Sđd, 42.

(5) PTC, 14.

(6) John Stuart Mill, Principles of Political Economy, tập II (New York: Colonial Press, 1899), 259-261.

(7) IEO, 44-45.

(8) Sđd, 51, 42.

(9) Kirzner, Competition and Market Entrepreneurship, 218-219.

(10) CW IV, 55-56.

(11)  UCLA, 57-58.

(12) T. W. Hutchison, “Hayek and ‘Modern Austrian’ Methodology,” Research in the History of Economic Thought and Methodology, tập 10 (JAI Press, 1992), 23.

(13) CW IX, 62.

(14) HH, 79.

(15) Milton Friedman, The Essence of Friedman (Stanford: Hoover Institution Press, 1987), 22.

(16) EO, 77-78.

(17) Sđd, 134-135.

(18) LLL I, 45-46.

(19) HH, 80-81.

(20) North/Skousen phỏng vấn Hayek.

(21) UCLA, 425-426.

(22) Studies, 91-92.

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek- Cuộc đời và sự nghiệp, Phần II, Chương 13, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan