[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 9: Tiền tệ và dao động ngành
Học trò của Hayek những năm 1930 đã dựng lên chân dung ông thời kỳ ấy. Trong một bức thư năm 1931, Ralph Arakie viết, “Hôm qua vừa đọc một cuốn sách mới. Đó là tác phẩm của ông bạn già Hayek, hay von Hayek như mọi người ở đây vẫn gọi thế1. Năm nay ông đang chuẩn bị trình bày hai mươi bài thuyết trình bằng thứ tiếng Anh tệ hại (cầu Chúa giúp chúng tôi) và còn đề nghị chúng tôi đọc một cuốn sách bằng tiếng Hà Lan (!) bên cạnh ba mươi cuốn dày cộp khác. Tuy thế, ông ta lại là một gã thông minh.” Năm sau Arakie viết trong một bức thư khác, “Tôi vừa về nhà sau tiết học dài lê thê mà Hayek ít nhiều rơi vào trạng thái bấn loạn, điều khiến chúng tôi bất ngờ với cảm xúc bi hài lẫn lộn. Khi xuất hiện những tình huống như thế, ông bắt đầu xì xồ thay vì nói tiếng Anh và trở nên khá hưng phấn. Chuyện này đã và đang phức tạp khủng khiếp.” Năm 1932, khi Hayek diễn thuyết trước Hội Sinh viên Đại học Xã hội Chủ nghĩa (Socialist Society of University College), Arakie nhận xét ông đã “có buổi nói chuyện thông minh và rất chân thành. Đáng tiếc là có một số holligan trong đám khán giả và bọn chúng rất xấc xược.”2
Theodore Drainmin có mặt tại LSE (The London School of Economics: Trường Kinh tế London) từ năm 1932. Ông kể, “tất cả chúng tôi rất phấn chấn khi hay tin Hayek đã tới và chuẩn bị một khoá giảng cho nghiên cứu sinh. Lúc chúng tôi đến dự buổi thuyết trình đầu tiên, ông bắt đầu nói bằng tiếng Anh. Vài phút sau thì rõ ràng là không ai trong chúng tôi còn có thể hiểu được dù chỉ một từ của ông. Một số đề nghị ông nói tiếng Đức. Ông lại chuyển sang tiếng Đức và những ai trong chúng tôi không hiểu được buộc phải rời lớp.”3 Aubrey Jones là một sinh viên khác đầu thập niên 1930. Ông còn nhớ Hayek “luôn thường trực nụ cười nhân hậu, một đặc điểm không đánh lừa bản chất của ông. Tuy nhiên, chất giọng Anh của ông không rõ ràng và tư tưởng thì xem ra rối rắm. Bạn phải ngồi gần hàng đầu để cố nghe và theo kịp.”4
Ben Higgins là sinh viên tại LSE từ năm 1933 đến 1935. Về quan hệ qua lại giữa LSE và Cambridge, Higgins viết rằng có một “seminar hỗn hợp London-Cambridge mà tôi thỉnh thoảng tham dự. Ở London chúng tôi coi những thứ lạ lẫm đang diễn ra ở Cambridge là vớ vẩn, và rất nguy hiểm. Hơn nữa, chúng tôi có thể nhận thấy một người [Keynes] với vẻ duyên dáng, dí dỏm và quyến rũ đến vậy cùng với sự uyên bác của mình rất có thể thuyết phục được mọi người là ông ta đúng. Điều này thực sự là viễn cảnh đáng sợ. Không phải vì giữa London và Cambridge có cuộc tranh luận sôi nổi nào, bởi hai bên hầu như không có sự giao lưu nào. Chúng tôi chịu ảnh hưởng rất lớn của Hayek. Ông ấy là vị chúa tể của chúng tôi.” Higgins cũng còn nhớ “các biểu đồ ba chiều trên đó Hayek trình bày ý tưởng của mình và khiến chúng có vẻ giống thứ gì đó trong lĩnh vực kỹ nghệ – đó là Cơ cấu Tư bản.”5
P.M. Toms từng tham dự các buổi thuyết trình của Hayek giai đoạn từ 1934 - 1936. Bà còn nhớ ông “trông ít nhất phải 50 tuổi đối với tôi, mặc dù rất lâu sau tôi mới khám phá ra độ tuổi của ông [đang độ tam tuần]. Có thể phần nào do lối ăn mặc theo kiểu cũ của ông, với bộ tuýt dày, Áo ghi-lê và chiếc jacket cắt cao. Tôi đặt cho ông biệt hiệu là ‘ngài Fluctooations’6 do ông thường xuyên sử dụng thuật ngữ này và phát âm theo cách đó.”7 Vera Hewitt thuộc bộ phận quản trị và là sinh viên từ năm 1936. Bà còn nhớ, Hayek “rất điềm đạm và từ tốn. Một người đàn ông trầm lặng và rất to cao.”8
Robert Bryce, cựu sinh viên Cambridge, không chỉ là một người ủng hộ bị Keynes “thuyết phục” mà còn là kẻ “cải đạo”. Sau khi đủ tư cách môn đồ của học thuyết Keynes, anh ta “tìm đến Trường Kinh tế London mùa xuân năm 1935, một hay hai ngày mỗi tuần, với vai trò của kẻ truyền giáo. Tại đây, tôi tham gia seminar của Hayek về lý thuyết tiền tệ và các vấn đề lý thuyết chu kỳ. Đây có lẽ là nơi gần nhất tập trung những kẻ ngoại đạo bên ngoài Cambridge và tôi được cổ vũ đến để cho họ biết điều này. Tôi chuẩn bị bài viết với mục đích trên. Hayek rất nhã nhặn dành cho tôi vài buổi trong seminar để trình bày bài viết ấy với sinh viên của ông. Tôi phải nói đó là một kinh nghiệm lý thú và tôi nhận thấy nhiều người hoàn toàn sẵn sàng dành sự chú ý nghiêm túc cho bài viết.”9
Hicks hồi tưởng về mình và đồng nghiệp ở LSE của ông, “đầu tiên chúng tôi có vẻ như cùng chia sẻ quan điểm chung, hay thậm chí là niềm tin. Niềm tin được thảo luận ở đây là sự tin tưởng vào thị trường tự do, hay ‘cơ chế giá cả’ – mà một hệ thống cạnh tranh, không có sự ‘can thiệp’ nào của chính phủ hay các tổ hợp độc quyền về tư bản hay lao động, sẽ dễ dàng tìm được sự ‘cân bằng.’ (Trong trạng thái ấy, chúng tôi không quan tâm nhiều đến đặc điểm phúc lợi của sự cân bằng này; ‘cân bằng chỉ là cân bằng’ như Robbins vẫn nói.) Khi nhập cuộc với chúng tôi, Hayek đưa vào học thuyết này một phẩm chất quan trọng – đó là tiền tệ (bằng cách nào đấy) phải được giữ ‘trung lập,’ để cho cơ chế ấy vận hành êm ả.” 10
Một trong những giả thuyết về hoạt động kinh tế thịnh hành nhất của giới kinh tế học hàn lâm thế kỷ hai mươi là tính tất yếu của chu kỳ kinh doanh. Xấp xỉ suốt tám mươi năm từ 1860 đến 1840, thế giới trên đà công nghiệp hoá ở Tây Âu và Mỹ đã trải qua những dao động quan trọng có tính định kỳ trong hoạt động kinh tế. Nền kinh tế thực sự bước vào suy thoái khi tình trạng thất nghiệp gia tăng mạnh mẽ và tổng sản phẩm sút giảm nhiều. Tiếp theo những giai đoạn sa sút là thời kỳ bùng nổ thực sự, khi việc làm và tổng sản phẩm gia tăng ghê gớm. Đó là thế giới kinh tế mang tính chu kỳ.
Định đề xuất phát từ thực tế chủ yếu của Hayek trong lý thuyết kinh tế là sự tồn tại những giai đoạn khác nhau trong sản xuất kinh tế. Về bản chất ông tin rằng hoạt động sản xuất sử dụng những loại hàng hoá tư bản có năng lực sản xuất tương đối cố định. Một lượng tư bản chỉ có thể sản xuất được một số loại hàng hoá nhất định. Nếu như số lượng tư bản đó trở nên bất cân xứng với nhu cầu và tiết kiệm thực trong nền kinh tế thì sẽ xuất hiện lãng phí.
Có lẽ ông giải thích ý tưởng của mình rõ ràng nhất qua một liên hệ tương tự trong tác phẩm Các mức giá cả và sản xuất. Ông giả thiết, tình huống sau khi có sự kích thích tiền tệ nhân tạo sẽ “giống như những người dân trên một hòn đảo biệt lập, trong trường hợp sau khi đã xây dựng xong một phần cỗ máy khổng lồ dự định sẽ cung cấp cho họ toàn bộ nhu yếu phẩm, thì trước khi cỗ máy mới khả dĩ cho ra sản phẩm họ mới phát hiện ra rằng tất cả tiết kiệm cùng với lượng tư bản tự do sẵn có đã cạn kiệt. Họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời từ bỏ quy trình sản xuất mới đó và dành toàn bộ sức lao động để làm ra lương thực hàng ngày của mình mà không có chút tư bản nào.”11 Tư bản có tính dị thể (heterogeneous), chứ không phải thuần nhất (homogeneous). Nếu quá nhiều tư bản được dành cho những công đoạn sản xuất trước, thì giống như cỗ máy chưa hoàn thiện của những người dân đảo kia, lượng tư bản này sẽ vẫn không được sử dụng trừ khi lượng hàng hoá tư bản cần để hoàn thành quy trình sản xuất đó cũng được sản xuất.
Dưới con mắt của Hayek, vấn đề của các nền kinh tế hiện đại là sự vận hành hệ thống tiền tệ của chúng làm mất cân bằng cung và cầu kinh tế. Do cung tiền tệ được điều tiết thông qua tăng giảm lãi suất nhân tạo, nên hoạt động sản xuất trong những khu vực nhạy cảm với điều chỉnh lãi suất – theo ông, chẳng hạn như tư bản – thay đổi không dựa trên nhu cầu và tiết kiệm thực tế mà dựa trên những nhân tố tiền tệ. Đến một thời điểm, cơ cấu sản xuất phản ánh không phải nhu cầu của người tiêu dùng và nguồn cung tiết kiệm mà là quyết định của giới lãnh đạo ngân hàng trung ương. Cuối cùng, sự không ăn khớp giữa thực tế và đòi hỏi trong nền kinh tế gây ra chiều hướng suy thoái, vì các hoạt động đầu tư không có lợi nhuận bị đóng cửa. Đầu tư quá mức vào hàng tư bản công đoạn trước (temporally early capital) sẽ không dẫn đến sự gia tăng của sản xuất sản phẩm cuối cùng do không tồn tại tiết kiệm thực để hoàn thành quy trình sản xuất. Tư bản công đoạn trước sẽ bị bỏ dở dang.
Theo Hayek, một điểm quan trọng là sự mất cân bằng còn xảy ra trong nền kinh tế thậm chí ngay cả khi mục đích của chính sách tiền tệ là ổn định giá cả, vì khi nền kinh tế tăng trưởng thì cung tiền tệ phải tăng nếu không muốn xảy ra hiện tượng giảm phát: “Trong trường hợp đó, sự bình ổn giá cả đòi hỏi phải có sự thay đổi lượng tiền tệ trước; nhưng những thay đổi này tất sẽ luôn dẫn đến sai lệch giữa mức tiết kiệm thực sự và đầu tư… và vì thế, bất chấp việc bình ổn giá cả, nó có thể khiến cho sự phát triển theo chiều hướng rời xa vị trí cân bằng là khả dĩ.”12 “Mấu chốt quan trọng là hiệu ứng từ một mức lãi suất thấp nhân tạo vẫn cứ tồn tại bất kể điều kiện như thế cuối cùng có gây tác động trở lại đến giá trị chung của tiền tệ hay không.”13 Nói cách khác, thậm chí giá cả ổn định cũng sẽ dẫn đến các giai đoạn suy thoái mang tính chu kỳ.
Hayek mắc phải sai lầm quan trọng khi đưa ra giải thích thực nghiệm về cuộc đại suy thoái. Tháng 6 năm 1932, trong lời tựa cuốn Lý thuyết tiền tệ và chu kỳ kinh doanh (Monetary Theory and the Trade Cycle), Hayek viết, “cố nhiên, ít ai nghi ngờ là ở thời điểm hiện tại quá trình giảm phát đang diễn ra và sự tiếp diễn bất định của quá trình này sẽ gây tác hại khôn lường. Tuy thế, trong mọi trường hợp, điều này không nhất thiết có nghĩa giảm phát là nguồn gốc khó khăn của chúng ta hay chúng ta sẽ vượt qua khó khăn này thông qua việc khắc phục xu hướng giảm phát bằng cách bơm thêm tiền vào lưu thông. Không có lý do gì để giả thiết cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ hành vi giảm phát chủ định của giới chức tiền tệ, hay giả thiết bản thân tình trạng giảm phát ấy không hề là một hiện tượng thứ cấp, nghĩa là quá trình bắt nguồn từ sự điều chỉnh sai cơ cấu ngành sau giai đoạn bùng nổ.”14
Đấy là sự phân tích rất thiếu chính xác. Khác xa với điều Hayek phát biểu, đã có một “chính sách chủ định về tăng trưởng tín dụng”15 giai đoạn 1929-1932, và tiếp theo là chính sách giảm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Lý lẽ của Hayek, giảm phát là “do sự điều chỉnh sai cơ cấu ngành sau giai đoạn bùng nổ” và nó “không phải là nguyên nhân mà là hệ quả của cơ cấu ngành không sinh lãi”, đã gợi cho thấy ông không hiểu đầy đủ mối quan hệ giữa tiền tệ và giá cả. Quan điểm này hiện cũng không còn được chấp nhận rộng rãi.
Ngoài ra, trong một bài báo tháng 4 năm 1934, ông đã không chuẩn xác khi cho rằng “thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ, được triển khai ngay khi xuất hiện triệu chứng của một phản ứng sắp sửa xảy ra, giới chức tiền tệ Mỹ đã thành công trong việc kéo dài giai đoạn bùng nổ thêm hai năm sau thời điểm lẽ ra là sự kết thúc tự nhiên của nó. Và khi cuộc khủng hoảng rốt cục xảy ra [năm 1929], trong gần hai năm với tất cả biện pháp có thể nghĩ ra, người ta đã thực hiện những nỗ lực có chủ tâm nhằm ngăn chặn quá trình giải thể [hoạt động kinh doanh] tự nhiên.”16 Giờ đây thì hầu như tất cả đều đồng ý rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã theo đuổi chính sách giảm phát trong hai năm 1930 và 1931.
Chú thích:
(1) Nói nhái trong tiếng Anh, von thành old (ông bạn già) (N.D.)
(2) Hồ sơ lưu trữ về lịch sử LSE.
(3) Thư từ của Theodore Draimin với tác giả, 2/8/1995.
(4) Trong tác phẩm do Joan Abse biên tập, My LSE (London: Robson Books, 1977).
(5) Trong tác phẩm do Don Patinkin và J. Clark Leith biên tập, Keynes, Cambridge and The General Theory (University of Toronto Press, 1978), 74.
(6) Phát âm giọng Đức từ fluctuations (các dao động).
(7) Thư từ của P. M. Toms với tác giả, 4/8/1995.
(8) Thư từ của Vera Hewitt với tác giả, 4/8/1995.
(9) Tác phẩm của Patinkin và Leith, 40.
(10) John Hicks, Money Interests and Wages: Collected Essays on Economic Theory, tập 2 (Harvard University Press, 1982), 3.
(11) PP, 94.
(12) Sđd, 114.
(13) Sđd, 118-119.
(14) MTTC, 19.
(15) Sđd, 20.
(16) PP, 162.
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần II, Chương 9, Nhà xuất bản Tri Thức 2007