[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 6: Trường kinh tế và Chính trị London

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 6: Trường kinh tế và Chính trị London

Tags: Tiểu sử

Trường Kinh tế và Chính trị London (London School of Economics and Political Science – LSE) là một trong những học viện hàng đầu thế giới về nghiên cứu và giáo dục cao trong lĩnh vực khoa học xã hội thế kỷ 20. Robert Skidelsky, người viết tiểu sử của John Maynard Keynes, nêu tên năm nhà tư tưởng kiệt xuất trong “sự hồi sinh bài chủ nghĩa tập thể” khởi đầu từ những năm 1930: Keynes, Hayek, Karl Popper, Joseph Schumpeter và William Beveridge1. Hayek, Karl Popper và William Beveridge từng gắn bó với LSE.

Ảnh hưởng của LSE đến chủ nghĩa xã hội dân chủ thế kỷ 20 cũng rộng lớn như thế. Harold Laski2, Richard Tawney3, Graham Wallas4, Clement Attlee5, Hugh Dalton6 và Sidney Webb7 đều từng làm việc và giảng dạy ở đây. LSE là ngọn nguồn mà từ đó sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do cổ điển cùng chủ nghĩa xã hội dân chủ hậu Thế chiến II và nhà nước phúc lợi xuất hiện ở Anh cũng như ở những nơi khác.

Cuối thập niên 1920, Hayek viết một số bài trong đó ông bắt đầu chắp nối lý thuyết chu kỳ kinh doanh của mình. Một trong số này, “‘Nghịch lý’ của tiết kiệm” (“The paradox” of Saving) (1929) đã khiến ông lọt vào mắt Lionel Robbins, người mới được bổ nhiệm trưởng khoa kinh tế tại LSE. Đơn giản mà nói, Hayek không tin có một “nghịch lý” trong tiết kiệm. Trong bài này ông đề cập đến công trình “Tính thế tiến thoái lưỡng nan của tằn tiện” (The Dilemma of Thrift) (1926) của William Foster8 và Waddill Catchings, đề xuất lý thuyết theo thuyết tiêu dùng dưới ngưỡng về các dao động kinh doanh (underconsumptionist theory of business fluctuations) – cho rằng hoạt động kinh tế suy giảm khi người tiêu dùng mua ít hàng hoá hơn.

Trong tác phẩm Lợi nhuận (Profit) một năm trước đó, Foster và Catchings đã khởi xướng cuộc thi tìm kiếm sự phê phán lý thuyết của họ, với 5.000 dollar phần thưởng dành cho bài phê bình tốt nhất. Cuộc thi năm 1925 ấy là một thành công ngoạn mục. Không ít hơn 435 bài luận đã được các thí sinh từ ít nhất 50 trường đại học và 25 nước gửi tới, bao gồm 40 tác giả sách kinh tế, 50 giáo sư kinh tế chính trị, các chuyên gia tài chính khác, và “một số nhà kinh tế lừng lẫy nhất của Đế chế Anh.” 

Tuy không tham gia cuộc thi, nhưng việc Hayek xem xét giả thuyết theo thuyết tiêu dùng dưới ngưỡng về các dao động kinh doanh đã dẫn ông đi đến xây dựng lý thuyết về chu kỳ kinh doanh của chính mình, dựa trên công trình của Ludwig von Mises. Phân tích của Mises là, lãi suất nhân tạo thấp do hoạt động của ngân hàng trung ương sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh tế thông qua mua sắm, đặc biệt là hàng hoá tư bản. Đến một thời điểm, sự gia tăng về tiêu dùng này sẽ không thể tiếp tục diễn ra, vì nền kinh tế không có tiết kiệm thực để duy trì nó. Ngân hàng trung ương đối mặt với sự lựa chọn, hoặc cho phép thị trường tái lập cân bằng bằng cách tăng lãi suất, qua đó khiến nền kinh tế co lại, hoặc cố tiếp tục tăng trưởng bằng cách hạ lãi suất thấp hơn nữa, bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Kết cục của diễn tiến thứ hai là lạm phát, và đến lúc lạm phát sẽ huỷ hoại nền kinh tế bằng việc xóa sổ một nền tảng ổn định cho các giao dịch kinh tế.

Hayek xây dựng lý thuyết trên nền móng của Mises qua việc nhấn mạnh đến khái niệm “giai đoạn sản xuất” của Böhm-Bawerk. Đối với Hayek, chu kỳ kinh doanh được tạo ra thông qua đầu tư quá mức vào hàng hoá tư bản, kéo dài giai đoạn sản xuất. Khi đó nền kinh tế không thể hoàn thành các quá trình sản xuất dài hơn vì không tồn tại các mức tiết kiệm thực để hoàn tất chúng. Cơ cấu kinh tế trở nên sai lệch với lượng tư bản công đoạn trước quá nhiều khi ngân hàng trung ương giảm các mức lãi suất xuống dưới mức xác định bởi mức độ tiết kiệm và và nhu cầu tư bản thực tế của nền kinh tế. Lượng tư bản công đoạn trước (temporally early capital) này phải bị từ bỏ vào cuối chu kỳ.

Lần đầu tiên Hayek tới Anh vào cuối thập niên 1920 cùng với Viện Nghiên cứu Chu kỳ Kinh doanh Áo. Hayek thuật lại, Mises từng khám phá ra cái “tinh thần chung” ở Edwin Cannan10 tại LSE đầu những năm 1920, và từ giai đoạn ấy, “giao thiệp giữa các nhóm tự do ở Áo và London bắt đầu.” Năm 1929 Hayek đã trao đổi thư từ với T.E. Gregory thuộc khoa kinh tế của LSE.

Có lẽ vì Harold Laski về sau trở nên nổi tiếng và gắn bó với LSE đến mức vị trí của Edwin Cannan thường bị bỏ quên. Dù vậy, hơn bất kỳ ai khác, Edwin Cannan đã có công tạo lập học phái tự do cổ điển tại trường và, cũng giống như ảnh hưởng tư tưởng xã hội chủ nghĩa của trường, nó có tác động mang tính toàn cầu.

LSE được thành lập năm 1895 từ sáng kiến của Sidney Webb, thủ lĩnh phái xã hội chủ nghĩa và Fabian Anh, người có ảnh hưởng nổi bật đến chính trị và xã hội Anh suốt hơn nửa thế kỷ. Trong số các giảng viên đầu tiên có ảnh hưởng lớn nhất đến học viện non trẻ này có Cannan và Graham Wallas, cả hai đều có mặt ở trường từ những ngày đầu. Cannan ở khoa kinh tế còn Wallas ở khoa chính trị.

Cannan đã thấu đạt bản chất tự do – sự dấn thân vô tư mà đam mê vì tri thức và chân lý trong khuôn khổ nền tảng luân lý vị lợi chủ nghĩa vì lợi ích lớn nhất cho đa số người. Năm 1951, Hayek dành cho Cannan lời ca tụng đầy ý nghĩa là, một cách độc lập, nhưng cùng với Ludwig von Mises ở Vienna và Frank Knight11 ở Chicago, ông đã “bảo vệ bộ phận chính của tư tưởng tự do qua giai đoạn lu mờ trong lịch sử trí tuệ của chủ nghĩa tự do kéo dài 15 hay 20 năm sau Thế chiến I.” 

Vào thời điểm Cannan mất năm 1935, A.L. Bowley, đồng nghiệp và là bạn của Cannan, viết rằng ông “được liên tưởng với Trường Kinh tế trong những năm trước chiến tranh [Thế chiến I], nơi ông dường như luôn hiện diện trong Phòng Giáo viên và trong hội đồng để rồi mang theo mình cuộc sống và nét đặc trưng chính của học viện.” Hayek nói, Cannan “tạo nên một học phái mà, hơn bất kỳ thứ gì khác, đã xác định bầu không khí học thuật ngay tại chính khoa trung tâm của nhà trường.” Đáp lại dòng chính thống Cambridge-Marshall (Cambridgian-Marshallian Orthodoxy) đang nổi lên trong kinh tế học và sự nhấn mạnh đến toán học, Cannan ủng hộ dòng phi chính thống và giao tiếp thường thức (commonsense), sử dụng cách truyền đạt bằng ngôn từ thay vì qua các phương trình.

Bộ phận cấu thành tư tưởng Cannan tương xứng nhất với Hayek là sự nhấn mạnh quá trình biến đổi chậm chạp của cộng đồng. Bằng chứng là trong các trước tác của mình, Cannan viết, “Kinh tế Chính trị không cho ta biết trước tiến hoá xã hội sẽ đi theo đường hướng nào,” và “tất cả thay đổi quan trọng đều diễn ra từng bước, và các thiết chế xã hội không phải do các thiên tài cảm hứng sáng tạo ra mà là chúng ‘tự’ lớn lên, thông thường diễn ra còn chậm hơn cả quá trình sinh trưởng của cây sồi.” Ông là thủ lĩnh giới hàn lâm Anh chủ trương kim bản vị và là một sử gia kinh tế vĩ đại.

Cannan có quan niệm tương tự Hayek về vai trò thích hợp của chính phủ, “Việc phải có một cơ quan quyền lực có quyền phán xử đối với mọi người mọi vật tồn tại trong một lãnh thổ nhất định là điều hoàn toàn cần thiết cho sự duy trì bất kỳ hình thức xã hội văn minh và ổn định nào. Nếu không có cơ quan quyền lực như thế thì nỗ lực cá nhân chủ nghĩa sẽ không thể diễn ra. Cá nhân sẽ không thể bình yên làm việc cho lợi ích của mình, và tư hữu không thể được bảo vệ hữu hiệu nếu thiếu bất kỳ một tổ chức bảo vệ nào trước những kẻ bất lương và thiếu luật lệ quy định rõ ràng những gì được coi là xấu xa.” Vì thế, luật lệ làm nên xã hội, và cần thiết cho sự vận hành của nó.

Giống như Hayek trong phần lớn sự nghiệp của mình, Cannan cho rằng chức năng thích hợp của nhà nước bao gồm “những lợi ích như sự bảo vệ ít nhiều hoàn toàn khỏi bị tấn công, cướp bóc và gian lận; sự tự do di chuyển và vận tải nhờ việc nhà nước duy trì đường và phố xá; và sự điều tiết nhà nước đối với giao thông đường thuỷ, thoát nước và các quy định vệ sinh khác, công viên công cộng, giáo dục cơ sở; [và] sự cưu mang những kẻ không thể hay sẽ không tự cưu mang mình cũng như những kẻ không được bạn bè hay các viện cứu tế cưu mang.” Ông là nhà tự do cổ điển theo truyền thống Adam Smith (mà ông là một học trò vĩ đại), người ủng hộ một phạm vi hoạt động chính phủ đáng kể. Tuy thế, Cannan không phải là kẻ giáo điều. Ông tự hào là suốt những năm Thế chiến [I] ông đã giữ bức chân dung Carl Menger treo trên tường của văn phòng mình ở LSE.

Hayek thuật lại chuyện ông được giới thiệu đến thế giới kinh tế học hàn lâm Anh, “tình cờ tôi trở nên thân thiết với học phái Cannan. Tôi từng xem xét sách của ông và rất thích chúng, và Robbins là học trò của Cannan, vì thế tôi hoà mình vào cái nhóm theo truyền thống Edwin Cannan dễ hơn nhiều so với nhóm theo học phái Marshall mà lẽ ra tôi đã gia nhập.” Alfred Marshall12 từng ở Cambridge, và là nguồn cảm hứng của Keynes – “Tất cả đều ở trong Marshall” là đường lối của Cambridge ngày ấy. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Hayek nhận xét, “Học phái Cannan từng có ý nghĩa quan trọng hơn so với những gì mà giờ đây người ta biết.”

“Chủ nghĩa quốc tế,” như Lionel Robbins vẫn gọi, là một yếu tố nằm trong cái thế giới quan được Cannan xem là then chốt. Quan điểm ấy cấu thành nên tầm nhìn của các nhà tự do cổ điển và nay là các nhà tự do cá nhân chủ nghĩa (libertarian). Robbins viết, Cannan là người “không đếm xỉa gì tới biên giới và ông coi nền văn minh là một. Ông thực sự coi thường niềm tin vào sự khác nhau giữa thương mại trong phạm vi biên giới và qua biên giới đến mức kiên quyết từ chối thuyết trình về thương mại quốc tế và thay vì thế, như thể khoe mẽ, ông lại chọn những ví dụ của mình về sự trao đổi giữa các vùng hơn là giữa các quốc gia… Nếu có sự khác biệt giữa một người theo truyền thống Cannan với người khác thì theo tôi đó là ở chỗ anh ta có lẽ sẽ cảm thấy sự phẫn nộ theo bản năng lớn hơn phần lớn những người khác trước cuộc thảo luận về sự cần có lợi thế hạn chế này nọ cho khu vực quốc gia này nọ – một cảm giác lớn hơn về sự bội phản trước cảnh phân tích kinh tế phục vụ cho chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế.” Hayek cũng phản đối chủ nghĩa dân tộc kinh tế, và với lý do tương tự – nó kìm hãm giấc mơ về một loài người.

Cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm 1931, Hayek trình bày bốn bài thuyết trình về “Các mức giá cả và sản xuất,” được đón nhận hết sức nồng nhiệt tại LSE. Trong tác phẩm vĩ đại Lịch sử phân tích kinh tế (History of Economic Analysis, 1954) của mình, Schumpeter viết rằng lý thuyết chu kỳ kinh doanh của Hayek, lý giải qua các bài thuyết trình, được “trình bày trước cộng đồng các nhà kinh tế Anh-Mỹ [và] được đón nhận với thành công mà hoàn toàn chưa từng có một cuốn lý thuyết chặt chẽ nào sánh ngang, bởi người ta thiếu sự bù đắp cho tính xơ cứng của các cuốn sách này bằng việc tích hợp những bản kế hoạch và khuyến nghị chính sách hay sự tiếp xúc với cái yêu cái ghét của độc giả bằng cách này hay cách khác. Tiếp theo là phản ứng phê bình gay gắt mà, thoạt tiên, nó chỉ càng làm nổi bật thành công ấy, và rồi giới chuyên môn lại quay đi với những nhà lãnh đạo khác và mối quan tâm khác. Tâm lý học xã hội của hiện tượng này là một nội dung nghiên cứu lý thú. Những thành công khác thì lâu dài hơn và vì thế cuối cùng vĩ đại hơn. Nhưng chúng thiếu vẻ ngoạn mục như trong thành công của Hayek.” Cùng thời điểm đó, nhà Mácxít John Strachey viết, với ấn bản Các mức giá cả và sản xuất (Prices and Production) của Hayek năm 1931, một “ngôi sao băng đã lọt vào tầm mắt của các nhà kinh tế học Anh-Mỹ.” Hàng chục năm sau, John Hicks, người được trao giải Nobel kinh tế, vốn là viên chức trẻ ở LSE năm 1931, thuật lại rằng sự chú ý dành cho các bài thuyết trình của Hayek phần nhiều là vì đấy là “thời điểm ngay khi quy mô đầy đủ của cuộc đại khủng hoảng thế giới đang hé lộ nên nhu cầu tri thức mới về chủ đề Dao động (Fluctuations) đang hết sức cao.”

Ngay trước khi trình bày các thuyết trình đầu năm 1931 của mình tại LSE, như một sự ra mắt với trường, Hayek đã dành một buổi trình bày một bài thuyết trình tổng hợp cho Hội Marshall (Marshall Society), nơi Keynes có ảnh hưởng chi phối, ở Cambridge. Richard Kahn, học trò và về sau là thư ký ghi chép của Hayek, đã ghi lại cảnh tượng ấy. Hayek được đón tiếp với “lượng khán giả sinh viên đông đảo, ngoài ra còn có các thành viên hàng đầu của đội ngũ giảng viên. (Keynes khi đó đang ở London.) Toàn bộ khán phòng – trước một diễn giả duy nhất – hoàn toàn sững sờ. Buổi nói chuyện của Hội Marshall thường theo sau là những tràng tranh luận và câu hỏi dồn dập và kéo dài. Trường hợp này lại là một sự lặng im tuyệt đối. Tôi cảm thấy mình cần phá tan bầu không khí băng lặng đó. Vì vậy tôi đứng dậy và cất tiếng, ‘Có phải quan điểm của ngài là nếu ngày mai tôi ra đường và mua cái Áo choàng mới, thì sẽ làm gia tăng thất nghiệp?’ ‘Đúng vậy,’ Hayek đáp. ‘Tuy nhiên,’ chỉ tay vào những tam giác của mình trên bảng, ông tiếp tục ‘để giải thích điều này cần một luận cứ toán học rất dài.’”

Khác biệt cơ bản giữa phương pháp tiếp cận của Hayek và của Keynes có thể được nhận thấy qua phát biểu của ông trong một cuộc phỏng vấn, “Tôi không bao giờ tin hay đi đến tin rằng có một hàm số đơn giản giữa tổng cầu và việc làm. Tôi nhấn mạnh là nếu các bạn coi toàn bộ nền sản xuất như một dòng suối thì những phần ở đầu nguồn có thể chảy với cường độ lớn, độc lập với những gì diễn ra ở cuối dòng. Và một lần tôi gần như đã dẫn ông ta [Keynes] đi đến hiểu điều mình muốn nói khi tôi cố gắng giải thích cho ông ta là trong một số tình huống nhất định, sự gia tăng nhu cầu hàng hoá cuối cùng sẽ làm nản lòng đầu tư vì lúc này điều trở nên quan trọng là sản xuất nhanh ngay cả với chi phí cao, trong khi đó nhu cầu thấp sẽ thúc đẩy đầu tư để giảm chi phí. Thế nên mối quan hệ có thể là giảm cầu làm kích thích đầu tư và tăng cầu làm nản lòng đầu tư. Lúc ấy ông ta tỏ ra rất quan tâm, rồi sau đó lại nói, ‘Nhưng điều này sẽ trái với tiên đề là việc làm phụ thuộc vào nhu cầu hàng hoá cuối cùng…’ Tiên đề này gắn với đời ông đến mức theo ông giữa nhu cầu hàng hoá cuối cùng và tổng việc làm tồn tại mối tương quan thuận chiều, vì thế bất cứ điều gì mâu thuẫn với nó đều bị bác bỏ và xem như ngớ ngẩn.”

Quan điểm của Hayek là, trong ngắn hạn, sự gia tăng nhu cầu hàng hoá tiêu dùng có thể tái định hướng hoạt động sản xuất từ các quá trình sản xuất hàng hoá tư bản dài hơn sang sản xuất nhanh hàng hoá tiêu dùng, qua đó kéo tụt đầu tư vốn vào các quá trình dài hơn. Điều này sẽ làm nản lòng hoạt động đầu tư thực.

Quan niệm sai lầm cơ bản của Hayek liên quan đến hoạt động sản xuất kinh tế là về bản chất của tư bản. Luận đề thực tiễn chủ yếu của ông trong lý thuyết kinh tế kỹ thuật là lãi suất nhân tạo thấp làm méo mó cơ cấu sản xuất thông qua sự khuyến khích việc sản xuất hàng hoá tư bản công đoạn trước (temporally early capital). Luận đề này dựa trên quan niệm của Böhm-Bawerk về tư bản theo đó khi nền kinh tế phát triển thì sản xuất diễn ra ngày một tăng qua việc xuất hiện ngày càng nhiều quá trình “đường vòng,” hay kéo dài và phức tạp.

Theo Hayek, suy thoái kinh tế là kết quả của sự mất cân bằng giữa khả năng của nền kinh tế trong việc duy trì các quá trình sản xuất hàng tư bản dài hơn và khả năng sản xuất hàng hoá tiêu dùng ngay của nó. Trong điều kiện như thế, hành vi mua một hàng hoá tiêu dùng sẽ ngăn cản việc hoàn thành các quá trình tư bản dài hơn, và dẫn tới lãng phí. Trong “‘Nghịch lý’ của tiết kiệm” Hayek cho rằng “nếu như quá trình mở rộng thiết bị sản xuất quá mức một khi đã diễn ra, và sự bất khả thi để hoàn thành quá trình đó biểu hiện qua một cuộc khủng hoảng, thì sự xuất hiện của tình trạng thất nghiệp và sự thu nhỏ theo đó của nhu cầu hàng hoá tiêu dùng có thể là cách thức duy nhất nhằm giải phóng những phương tiện cần thiết để hoàn thành chí ít một phần trong số thiết bị sản xuất mở rộng đó.”18 Mặt khác, Keynes lại cho rằng nước Anh chịu ảnh hưởng từ việc tiêu dùng chưa đủ mức và vì thế bất cứ hành vi mua sắm nào cũng là một bước đi đúng hướng. Robert Skidelsky nhận xét, quan điểm của Hayek trong các bài thuyết trình năm 1931 là “sự tương phản không thể còn rõ nét hơn với câu nói của Keynes, ‘Cứ mỗi khi bạn tiết kiệm 5 shilling là bạn đã khiến một người phải thất nghiệp một ngày.’”

Hayek “từng mong đợi chí ít” là các bài thuyết trình của mình ở London sẽ đem đến lời mời làm giảng viên. Robbins viết trong tự truyện, “Tôi còn có thể nhìn thấy cánh cửa phòng mình mở đón cái dáng cao, khoẻ khoắn, dè dặt, với cái tên tự phát lên nghe yên ắng và chắc chắn, ‘Hayek.’” Ông đã có mặt. Hayek hồi tưởng, ông và Robbins trở thành “bạn bè rất thân thiết, chúng tôi làm việc ăn ý tuyệt vời với nhau.”

Robbins đã làm cho Hayek nổi bật trên tờ Economica, chuyên san của LSE, suốt mấy tháng sau các bài thuyết trình của Hayek ở London. Bản dịch từ tiếng Đức của bài “‘Nghịch lý’ của tiết kiệm,” bài đầu tiên khiến Robbins chú ý tới Hayek, được đăng tải đặc biệt trên số tháng 5 của tờ Economica, số đầu tiên mà Robbins có thể đưa bất kỳ nội dung gì đấy. Bài phê bình gay gắt của Hayek đối với tác phẩm Luận thuyết tiền tệ (A Treatise on Money) của Keynes được đặt ở vị trí thứ hai trên số tháng 8 tiếp theo, chỉ đứng sau bài viết ngắn tưởng nhớ Leonard Trelawny Hobhouse. Trong số tháng 11 năm 1931, bài của Keynes trả lời bài viết hồi tháng 8 của Hayek được đặt ở vị trí thứ nhất, tiếp sau là bài hồi âm của Hayek. Trên số tiếp theo, tháng 2 năm 1932, phần thứ hai bài phê bình của Hayek về tác phẩm Luận thuyết tiền tệ của Keynes được dành vị trí thứ hai. Công trình của Hayek bao trùm tờ Economica trong đầy đặn một năm.

Nước Anh vẫn là quyền lực lớn nhất trên thế giới, dù còn tranh cãi, suốt thập niên 1920 và đầu thập niên 1930, trước khi Hitler lên cầm quyền. Nó vẫn là một đế chế mà “mặt trời không bao giờ lặn” trên đất mình. Sự cai trị của nó hiện diện tại những vùng đất trên mọi lục địa có người ở và chiếm gần một phần tư dân số thế giới. Tính cả nước Mỹ thì thế giới nói tiếng Anh có lẽ chiếm 30% nhân loại, dù phần lớn cư dân thuộc địa của Anh không nói tiếng Anh.

Trước Thế chiến II, thế giới chính trị quốc tế xoay xung quanh Châu Âu – gần như toàn bộ Châu Phi, Trung Đông, tiểu lục địa Ấn Độ, và Đông Nam Á đều nằm dưới sự cai trị thuộc địa của các nước Châu Âu. Chủ nghĩa dân tộc là một trong những hiện tượng nổi bật nhất của chính trị thế giới thế kỷ hai mươi. Số quốc gia giành được độc lập tăng lên suýt soát mười lần trong suốt thế kỷ.

Một trong số những người khuyến khích trật tự chính trị thế giới mới là nhà khoa học chính trị của LSE, và là nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ, Harold Laski. Laski là người Do Thái và hơn Hayek sáu tuổi. Laski tới LSE năm 1920 và trở thành giáo sư chính trị năm 1926. William Ebenstein, nhà chính trị học người Mỹ và học trò của Laski, từng viết rằng Laski “có lẽ có nhiều ảnh hưởng trong vai trò nhà giáo hơn là học giả hay người thúc đẩy tích cực các mục đích chính trị.”

Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia chủ nghĩa của các khu vực và thuộc địa trở thành những quốc gia độc lập sau Thế chiến II từng là học trò của Laski. Daniel Patrick Moynihan, cựu sinh viên LSE, khi làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc đã viết, LSE là “học viện giáo dục cao quan trọng nhất ở Châu Á và Châu Phi,” và Laski “đã hun đúc nên đầu óc của rất nhiều nhà lãnh đạo số đông mới.” Nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith, cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ và là thành viên seminar của Hayek ở LSE, cho rằng “trung tâm” tư tưởng của thủ tướng Ấn Độ thứ nhất Jawaharlal Nehru13 là Laski, và “Ấn Độ là đất nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ ý tưởng của Laski.” Milton Friedman, từng làm việc tại Ấn Độ năm 1955, viết là lúc bấy giờ Ấn Độ “theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với bầu không khí trí tuệ chủ yếu do Harold Laski của Trường Kinh tế London cùng những đồng môn Fabian của ông định hình nên.” Trong bản thảo tác phẩm cuối cùng của mình, Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit), nửa thế kỷ sau khi ông tới LSE, Hayek viết rằng khi đi qua Châu Á và Châu Phi lúc đó, ông phát hiện những người thành danh trong chính phủ từng đến LSE những năm 1930 và 1940 và chủ yếu được Laski truyền cảm hứng.

Một thành tựu vĩ đại của nền văn minh Phương Tây là đặc điểm xuyên quốc gia và xuyên sắc tộc tiềm tàng của nó. Không giống như các nền văn minh khác, nền văn minh Phương Tây không bị giới hạn về không gian và thời gian. Xét mức độ mà Laski đã đóng góp cho cái truyền thống vĩ đại của Phương Tây về bình đẳng luân lý giữa tất cả nam nữ, thì đóng góp của ông là lâu dài. Văn minh Phương Tây không phải là một thực thể địa lý cố định, và ý tưởng về bình đẳng luân lý của tất cả mọi con người và dân tộc trên khắp thế giới được phát triển trong thế kỷ hai mươi có lẽ là tiến bộ chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ.

Là người biết rõ Laski, Hayek phản đối ông ta quyết liệt. Mặc dù bảo vệ Laski trước những cáo buộc thường kỳ nhằm vào ông ta vì sự bộc lộ chính kiến thái quá, thì quan niệm của Hayek về Laski vẫn gần như hoàn toàn tiêu cực. Ý kiến cuối cùng của ông nằm trong bức thư gửi ban biên tập năm 1984 nhằm phản ứng trước một bài tạp chí. Ông viết, “John Hunt mô tả Harold J. Laski với tư cách đại diện của quan điểm cánh tả là muốn nói ông ta hoàn toàn sáng suốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm với ông ta trong một dịp có ý nghĩa then chốt lại thuyết phục tôi rằng điều này không đúng. Đó là vào tháng 8 năm 1939. Sau bữa chiều, ông ta phát biểu lê thê đến hơn một giờ về những kỳ tích của chủ nghĩa Bolshevik Nga. …Ông ta khi đó buộc phải dừng lại để chúng tôi nghe bản tin 9 giờ của đài BBC. Chúng tôi được thông báo kết luận về Hiệp ước Hitler-Stalin. Kết quả trên là một tiếng nổ đột ngột ngang tai Laski, không chỉ về sự phản bội của hành động cụ thể ấy, mà còn là sự lên án nói chung và không giới hạn đối với toàn bộ cái hệ thống mà ông ta vừa hào phóng ca ngợi hai mươi phút trước đó… Sau lần ấy, tôi không thể còn coi ông ta là người sáng suốt thêm nữa.”

Vào một dịp khác thể hiện thái độ thiện chí hơn, Hayek nói, “thật đáng tò mò, Laski và tôi từng giao thiệp với nhau rất nhiều vì cả hai chúng tôi đều đam mê sưu tầm sách. Chỉ duy nhất theo cách ấy.” Nhưng sau khi tác phẩm Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom) xuất bản năm 1944, quan hệ giữa họ “kết thúc.” Laski “bị xúc phạm một cách đáng sợ. Ông ta tin đó là cuốn sách được viết đặc biệt nhằm chống lại mình.” Laski là diễn giả chính tại một cuộc hội nghị ở New York tháng 12 năm 1945 với sự có mặt của Eleanor Roosevelt14. Ông lớn tiếng bài bác “tình trạng vô chính phủ của tự do kinh doanh.” “Không tồn tại đường lối trung dung nào,” ông tuyên bố, với ý nghĩa khác hẳn với Hayek15. “Tự do kinh doanh và kinh tế thị trường nghĩa là chiến tranh; chủ nghĩa xã hội và kinh tế kế hoạch hoá nghĩa là hoà bình.” Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa của Mỹ là “con đường thẳng tới nô lệ.”

Theo Isaac Kramnick, người viết tiểu sử có uy tín của ông, thì trong một thời gian Laski là “nhà trí thức xã hội chủ nghĩa quan trọng nhất thuộc thế giới nói tiếng Anh.”31 Khi ông qua đời năm 1950, một bài cáo phó từng tiên đoán “các sử gia tương lai có thể sẽ nhắc đến giai đoạn 1920-1950 như là ‘Kỷ nguyên Laski’” Dù tương đối bị lãng quên sau khi mất, thì Laski, cùng với Keynes, vẫn là tác gia, nhà tư tưởng và nhà giáo xuất chúng nhất về những vấn đề xã hội của thế giới nói tiếng Anh suốt cuộc đời hành nghiệp của mình.

Các nhân vật xuất chúng khác nằm về phía cánh tả trong dải quan điểm chính trị tại LSE xung quanh thời gian Hayek ở đây gồm có Graham Wallas, Clement Attlee, Hugh Dalton, Richard Tawney, và Sidney Webb. Wallas, giống như Cannan, là giảng viên của trường từ ngày đầu. Robbins viết rằng với tư cách nhà giáo, Wallas “vượt trội hơn bất kỳ ai mà tôi từng biết.” Trong bài viết lịch sử của Hayek nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LSE năm 1945, ông mô tả, Wallas “nằm trong số những thành viên đầu tiên của Hội Fabian, là một trong những tác gia hàng đầu của tác phẩm trứ danh Các bài luận về Fabian (Fabian Essays) năm 1889, và cùng với những người khác, ông đã lên kế hoạch cho ngôi trường mới từ lúc khởi đầu. Ông rõ ràng là người đầy đủ phẩm chất nhất để phát triển chính trị học, chuyên ngành mà cả hai người [Webb và Wallas] đều sẵn đam mê tràn trề trong trái tim đến mức họ đã ghép nó với kinh tế học thành tên của trường.” Wallas là người theo chủ nghĩa xã hội mang tính nhân văn chủ nghĩa hơn là khoa học. Ông gửi gắm hy vọng cụ thể vào quá trình chuyển hoá xã hội thông qua giáo dục.

Clement Attlee, thủ tướng Anh từ 1945 đến 1951 và là thủ tướng Công Đảng đầu tiên với tư cách đứng đầu một chính phủ đa số, là giảng viên và trợ giáo tại LSE từ 1912 đến 1922, trừ giai đoạn Thế chiến I. Hugh Dalton, bộ trưởng tài chính của Attlee và, giống như Attlee, từng phục vụ trong chính phủ liên hiệp thời chiến của Churchill, là một nhân vật quan trọng hơn ở LSE. Robbins còn nhớ Dalton nổi bật trong năm đầu tiên là sinh viên tại LSE. 

Richard Tawney là sử gia kinh tế xã hội chủ nghĩa và, cùng với giáo sư G.D.H. Cole tại Oxford và Laski, là một trong ba vị “giáo sư đỏ” những năm cuối 1920 và 1930 ở Anh. Đây là giai đoạn của “các nhà xã hội chủ nghĩa khoa học,” nhóm hàn lâm và trí thức thiểu số ở Anh suốt những năm đại suy thoái vốn thực sự tin rằng chế độ xã hội chủ nghĩa cổ điển sở hữu và quản lý toàn bộ phương tiện sản xuất kinh tế của xã hội – toàn bộ tư bản vật chất – sẽ là hình thái trật tự xã hội hiệu quả nhất, cũng như công bằng nhất. Tawney là tác giả một số cuốn sách có ảnh hưởng, gồm Xã hội tích trữ (The Acquisitive Society) (1920) và Tôn giáo và sự thăng tiến của chủ nghĩa tư bản (Religion and the Rise of Capitalism) (1926).

Hayek rất quý trọng Tawney dù bất đồng với ông ta. Hayek kể, “Có nhiều người tôi rất kính trọng, giống như ông bạn già Tawney. Ông ta có vẻ như một vị thánh xã hội chủ nghĩa, thứ mà người Mỹ gọi là do-gooder16, với ý nghĩa hơi châm biếm. Tuy thế, ông thực sự chỉ quan tâm đến việc làm những điều tốt đẹp – nguyên mẫu xã hội chủ nghĩa Fabian của tôi – và là một người rất thông thái.”

Sidney Webb, cùng với vợ ông, Beatrice, là linh hồn dẫn dắt chủ nghĩa xã hội Anh và đặc biệt là Hội Fabian suốt những năm cuối thế kỷ mười chín và một số thập niên đầu thế kỷ hai mươi. Mục đích của họ là tái thiết xã hội theo đường lối xã hội chủ nghĩa và đường lối kỹ trị về sở hữu tập thể đối với phương tiện sản xuất kinh tế. Các sử gia hàng đầu của chủ thuyết Fabian (Fabianism), Norman và Jeanne MacKenzie, mô tả mục đích của vợ chồng Webb cùng các nhà Fabian khác là “cái gì đó rất giống với kiểu nhà nước thực chứng chủ nghĩa bắt nguồn cảm hứng từ Tôn giáo Nhân văn và dưới sự cai trị của một nhóm người ưu tú chí công vô tư.” Sidney đóng vai trò hàng đầu trong việc dự thảo bản hiến pháp năm 1918 của Công Đảng kêu gọi quốc hữu hoá công nghiệp và từng tham gia hai nội các chính phủ Công Đảng thiểu số của Ramsay MacDonald17 năm 1924 và 1929-1931.

Người có ảnh hưởng nhiều nhất đến LSE với danh nghĩa một học viện những năm 1920 và 1930 là Sir William (về sau là Lord) Beveridge, giám đốc nhà trường từ năm 1919 đến 1937, người mà Hayek cùng nhiều thành viên khác của trường có tranh chấp kéo dài suốt thập niên 1930. Beveridge là đảng viên Đảng Tự do và năm 1942 là tác giả chính của tác phẩm tiếng tăm Báo cáo về bảo hiểm xã hội và các dịch vụ liên kết (Report on Social Insurance and Allied Services) – “Báo cáo Beveridge” – đề xuất một hệ thống dịch vụ xã hội tham vọng ở Anh, và phần lớn số đó đã được thực thi sau Thế chiến II. Giống như Keynes, ông không phải là nhà xã hội chủ nghĩa, mặc dù ông ủng hộ kế hoạch hoá chính phủ và quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế nhiều hơn Keynes. Tác phẩm Việc làm đầy đủ trong xã hội tự do (Full Employment in a Free Society, 1944) là một công trình nổi tiếng khác của Beveridge.

Beveridge là một người gây quỹ tài ba, ngay cả những kẻ chỉ trích ông cũng thừa nhận như thế. Nhân sự, điều kiện làm việc, các chương trình và phòng ban đã tăng lên đáng kể suốt nhiệm kỳ của ông; đặc biệt được lợi là thư viện. Phát triển quan trọng nhất là sự gia tăng số lượng giáo viên biên chế. Beveridge thuật lại trong tự truyện là khi ông tới nhậm chức giám đốc, số giảng viên biên chế gồm có hai giáo sư, cả hai đều mới được cất nhắc, một phó giáo sư, và vài người thấp hơn, cả thảy bảy tám người gì đó. Khi tôi rời trường, có mười chín giáo sư, mười lăm phó giáo sư, hai mươi mốt giảng viên, và hai mươi mốt trợ giảng và trợ lý – bảy mươi sáu người biên chế cả thảy, ngoài ra còn bốn mươi người khác làm việc bán thời gian.” Suốt nhiệm kỳ giám đốc của ông, người ta vẫn thường đùa rằng LSE là một trường mà “ở đó bê-tông không bao giờ ngưng kết.” Bất chấp sự đối lập tột bực của mình với Beveridge, Robbins vẫn nhận xét về những thành tựu ban đầu của ông ta là “thành tích rất xuất sắc.” Beveridge đã đề nghị vị trí chính thức tại LSE cho Hayek sau các bài thuyết trình thành công rực rỡ, mặc dù theo Hayek, là từ lời khuyên của Robbins.

Chú thích: 

(1) William Beveridge (1879-1963): Nhà kinh tế học và nhà cải cách xã hội người Anh, giám đốc LSE (1919-1937), hiệu trưởng University College (Oxford University) (1937-1944). (N.D.) 

(2) Harold Laski (1893-1950): Nhà chính trị học, nhà kinh tế học, tác gia người Anh, từng là giảng viên Đại học McGill (1914-1916), Harvard (1916-1920), LSE (1920-1950), chủ tịch Công Đảng (1945-1946). Các tác phẩm chính: Political Thought in England from Locke to Bentham (1920), Karl Marx (1921), Communism (1927), Democracy in Crisis (1933), The American Presidency (1940), Faith, Reason, and Civilisation (1944), The American Democracy (1948), và Liberty in the Modern State (1948). (N.D.) 

(3) Richard Henry Tawney (1880-1962): Nhà kinh tế học, sử gia, nhà phê bình xã hội, giáo sư đại học, và là một chủ suý của chủ nghĩa xã hội thiên chúa giáo, người Anh. Một số tác phẩm chính: The Acquisitive Society (1921), Secondary Education for All (1922), Education: the Socialist Policy (1924), Religion and the Rise of Capitalism (1926), và Equality (1931). (N.D.) 

(4) Graham Wallas (1858-1932): Nhà chính trị học và tâm lý học người Anh. Các tác phẩm chính: Human Nature in Politics (1908), The Great Society (1914), Our Social Heritage (1921), và The Art of Thought (1926). (N.D.) 

(5) Clemente Attlee (1883-1967): Chính khách, thủ tướng Anh từ 1945-1951. (N.D.) 

(6) Edward Hugh John Neale Dalton (1887-1962): Chính khách, bộ trường tài chính Anh 1945-1947. (N.D.) 

(7) Sydney James Webb (1859-1947): Nhà xã hội chủ nghĩa, nhà kinh tế học và nhà cải cách người Anh. Hai vợ chồng ông (vợ là Beatrice Webb) cùng ủng hộ Liên bang Xô Viết. Tác phẩm chính của hai người là History of Trade Unionism (1894). (N.D.) 

(8) William Trufant Foster (1879-1950): Nhà kinh tế học người Mỹ. (N.D.) 

(9) Waddill Catchings (1879-1969): Nhà kinh tế học và doanh nhân người Mỹ. (N.D.) 

(10) Edwin Cannan (1861-1935): Nhà kinh tế học người Anh, trưởng khoa kinh tế tại LSE từ 1907-1926. Tác phẩm chính: History of the Theories of Production and Distribution, 1893, 1903; History of Local Rates in England, 1896, 1912. (N.D.) 

(11) Frank Knight (1885-1972): Nhà kinh tế học người Mỹ, người sáng lập trường phái kinh tế học Chicago. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Risk, Uncertainty and Profit, lập luận rằng cạnh tranh hoàn hảo không triệt tiêu lợi nhuận do sự bất trắc. (N.D.)

(12) Alfred Marshall (1842-1924): Nhà kinh tế học người Anh, được coi là nhà kinh tế học quan trọng nhất trong thời đại của ông, có ảnh hưởng lớn đến thế hệ các nhà kinh tế học Châu Âu và Mỹ tiếp theo. Đóng góp chủ yếu của ông nằm ở việc hệ thống hoá các lý thuyết kinh tế cổ điển và phát triển khái niệm tính thỏa dụng cận biên (marginal utility). Tác phẩm chính: Principles of Economics (1890), và Industry and Trade (1919). (N.D.) 

(13) Jawaharlal Nehru (1889-1964): Lãnh tụ và chính khách theo đuổi chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ, thủ tướng đầu tiên của nhà nước Ấn Độ độc lập (1947-1964) và một số nhiệm kỳ sau đấy. (N.D.) 

(14) Eleanor Roosevelt (1884-1962), vợ của tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt (1882-1945), nhà hoạt động xã hội và đại sứ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc giai đoạn 1945-1953 và 1961. (N.D.)

(15) Hayek cũng không ủng hộ đường lối trung dung. (N.D.)

(16) Nhà duy tâm chủ nghĩa ngây thơ vì mục đích nhân đạo hay cải cách. (N.D.)

(17) Ramsay MacDonald (1866-1937): Chính khách, thủ tướng Anh (1924, 1929-1935). (N.D.)

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek- Cuộc đời và sự nghiệp, Phần II, Chương 6, Nhà xuất bản Tri Thức 2007. Tiêu đề do Thitruongtudo Academy tự dặt.

 

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan