[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 7: Robbins

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 7: Robbins

Tags: Tiểu sử

Lionel Robbins trạc tuổi với Hayek và trở thành trưởng khoa kinh tế tại LSE một cách đặc biệt. Người tiền nhiệm của ông, Allyn Young1, nhà kinh tế học người Mỹ xuất chúng được chỉ định thay thế Cannan, qua đời đột ngột vì viêm phổi năm 1929. Robbins thuật lại, vào thời điểm Cannan nghỉ hưu năm 1927, người ta “cảm thấy rằng toàn bộ công tác tổ chức giảng dạy kinh tế học” tại nhà trường cần được “cải tổ thực sự,” đây lẽ ra là nhiệm vụ mà Young phải hoàn thành. Vì thế ở tuổi 30, Robbins có cơ hội to lớn định hình khoa kinh tế tại LSE. Ông tìm cách xây dựng một chuyên khoa hàng đầu thế giới, và đã thành công đáng kể.

Robbins bị cuốn hút và chịu ảnh hưởng quyết định bởi tư tưởng Hayek ngay từ lần đầu tiên được giới thiệu, mặc dù ông dần dần tìm cách tránh xa nó trong kinh tế học kỹ thuật theo chiều phát triển sự nghiệp của mình. Điều gì trong “‘Nghịch lý’ của tiết kiệm” lại khiến Robbins quan tâm đến vậy? Đầu tiên, đó là sự công kích mà Hayek nhằm vào luận thuyết Keynes đang nổi lên (dù Keynes không được đề cập trong bài viết) cho rằng tiết kiệm quá mức là căn nguyên của chu kỳ kinh doanh – quan điểm của Keynes là nước Anh chịu tổn hại từ tiết kiệm quá mức và do đó tiêu dùng không đủ mức. Hayek còn nhớ suy nghĩ của Robbins về “‘Nghịch lý’ của tiết kiệm” là “đây chính là thứ mà chúng ta cần ở thời điểm này để chống lại Keynes.”

Trong cuốn tự truyện của mình, Robbins đã nhận xét chống chế về quan hệ giữa LSE và Cambridge, nơi Keynes sinh sống và làm việc, rằng đây là “vấn đề gây hiểu nhầm tràn lan. Bức tranh mà người ta thường mô tả gợi lên tình trạng thù địch sâu sắc và ngờ vực lẫn nhau. Điều này quả thật đã phản ánh sai lạc.” Dù vậy, ông thừa nhận là có “những khác biệt trong bầu không khí”; “bất đồng trong những vấn đề chính sách thực tiễn mà điều này thỉnh thoảng lại tạo cớ cho sự cáo buộc về mâu thuẫn thế giới quan”; và “trong khi lẽ ra tôi nên do dự khi kéo tất cả đồng nghiệp của mình vào cái thế giới quan mà bây giờ tôi tin là sai lầm ấy, thì tôi lại nghĩ rằng ở đây đã đủ bằng chứng cho thấy có sự phản đối những chính sách vốn được Cambridge ủng hộ rộng rãi và từ đấy người ta thấy đủ căn cớ để cáo buộc về sự xung đột giữa hai nhóm.” Tháng 10 năm 1931, Keynes cùng vài nhà kinh tế học tại Cambridge gửi một bức thư cho tờ Times ở London, với nội dung khuyến khích đầu tư công cộng nhằm đẩy lùi suy thoái. Robbins, Hayek, và các nhà kinh tế học khác ở LSE đả phá lại bằng bài phản hồi ủng hộ chính sách cân bằng ngân sách của chính phủ.

Thế hệ học giả đầu tiên của LSE không mảy may dành chút tình cảm nào cho Cambridge. Cannan có tranh chấp lâu dài với Alfred Marshall, và một nhà kinh tế học khác của LSE, H.S. Foxwell, đã giận dữ rời Cambridge khi không được chỉ định thay thế Marshall. Giảng viên LSE hầu hết là từ Đại học Oxford. Theo sử gia kinh tế Gerard Koot, trước Thế chiến I, LSE đã tìm cách “đúc kết lý thuyết kinh tế và kinh tế học ứng dụng thành một thứ kinh tế học có thể thay thế cho tầm nhìn của Marshall trong cái lĩnh vực đang bén rễ tại Cambridge này.” 

Cạnh tranh giữa LSE và Cambridge lên tới đỉnh điểm sau khi Robbins trở thành trưởng khoa kinh tế. Ông cùng Keynes tham gia “Uỷ ban các nhà kinh tế học” gồm 5 thành viên do thủ tướng Ramsay MacDonald chỉ định năm 1930 nhằm xem xét điều kiện kinh tế trong thời gian đại suy thoái, nghiên cứu nguyên nhân và khuyến nghị giải pháp. Keynes là chủ tịch uỷ ban. Robbins và Keynes xung đột với nhau trong uỷ ban – Robbins từ chối ký vào bản báo cáo cuối cùng, sau khi Keynes từ đầu đã đề xuất việc chỉ định ông vào uỷ ban. Sau chuyện này hai năm, Keynes từ chối tranh luận với Robbins về vấn đề thất nghiệp, và nói “Ông ta thật khó tính và kỳ quặc! Đồng thời cái lý do bất đồng của ông ta cũng thật quái gở và hoàn toàn khác với một người bình thường đến mức khó có thể làm sáng tỏ những điểm thực sự đang làm cho công chúng rối trí.” 

Bài phê bình chủ đạo của Hayek về tác phẩm Luận thuyết tiền tệ (A Treatise on Money) của Keynes – được Robbins đăng trên tờ Economica số tháng 8 năm 1931, một tháng trước khi Hayek đảm nhiệm công việc tại LSE – có ý nghĩa quyết định tạo nên một Hayek nổi bật trong giới kinh tế học hàn lâm Anh suốt vài ba năm sau đó, dù có lẽ phản ứng không đúng mực của Keynes trên số kế tiếp còn đóng vai trò lớn hơn trong việc củng cố vị thế của Hayek so với chính bài phê bình đầu tiên. Hayek chỉ trích Keynes gay gắt trong bài phê bình. Mặc dù ông đưa ra lời nhận xét, giới thiệu Keynes là một “tác gia đã tạo nên danh tiếng gần như độc nhất và rất xứng đáng nhờ dũng khí và tri thức thiết thực” và tán dương “những trích đoạn qua đó tác giả đã bộc lộ tất cả những phẩm chất đáng kinh ngạc về học vấn, sự uyên bác, và kiến thức thực tế,” thì đó lại là những lời mào đầu cho sự chỉ trích gay gắt, toả khắp:

Luận thuyết chứng tỏ rất rõ nó là sự trình bày về một giai đoạn quá độ trong quá trình phát triển trí tuệ nhanh chóng, đến mức rõ ràng là sẽ không công bằng nếu như coi nó là cái gì khác chứ không phải một công trình mang tính thử nghiệm…

Đối với một nhà kinh tế học ở Châu Âu lục địa, cách tiếp cận đó dường như không có gì là mới mẻ như đối với tác giả…

Không còn nghi ngờ gì, tính cấp thiết mà ông ta gán cho những đề xuất thực tiễn được ông ta cho là chính đáng theo lập luận lý thuyết của mình, là điều đã khiến ngài Keynes công bố tác phẩm trong tình trạng còn chưa hoàn thiện…

Lối trình bày rất khó hiểu, không có hệ thống, và tối nghĩa…

Người ta không bao giờ có thể tin chắc là đã hiểu đúng ngài Keynes hay chưa…

Cái phương pháp tiếp cận kỳ quặc mà ngài Keynes áp dụng…

Và những lời lẽ tương tự. Ở phần ghi chú, Hayek khuyến khích Keynes phản hồi, “số lượng câu hỏi đã chồng chất đến mức có lẽ sẽ là khôn ngoan hơn khi dừng lại lúc này với hy vọng những sáng tỏ tiếp theo sẽ tạo thêm cơ sở vững chắc để cuộc thảo luận khả dĩ tiếp tục.”

Keynes giải thích, và công kích lại. Sau khi bảo vệ quan điểm của mình và phê bình quan điểm của Hayek chừng hai phần ba đầu bài hồi âm dài 11 trang của mình, ông nhận xét tiếp, “độc giả có thể nhận thấy là tôi đang chuyển sang đánh giá tác phẩm Các mức giá cả và sản xuất của tiến sỹ Hayek… Cuốn sách này đối với tôi dường như là một trong những thứ rối rắm khủng khiếp nhất mà tôi từng đọc, hiếm có một nhận định ra hồn nào trong đó bắt đầu từ trang 45. Nó là một ví dụ tuyệt vời cho thấy bằng cách nào, khởi đầu với một sai lầm, mà một nhà logic kiên định có thể tìm thấy mình ở Bedlam.3 Tuy tiến sỹ Hayek nhìn thấy một cảnh tượng chiêm bao, và dù khi tỉnh dậy anh ta đã kể một câu chuyện vô bổ do việc ghép sai tên những sự vật xuất hiện trong đó, thì bài thơ Khubla Khan4 của anh ta cũng không phải không xuất phát từ nguồn cảm hứng nào đấy và nó chắc hẳn sẽ buộc độc giả suy nghĩ về những mầm mống cho cái ý tưởng trong đầu anh ta.”

Cho dù Hayek thường ít phàn nàn chuyện Keynes đã bất công với mình đến thế nào khi hồi âm bài phê bình tác phẩm Luận thuyết về tiền tệ, ông cũng đã công kích hết khả năng của mình, không chỉ qua bài phê bình đầu tiên mà còn cả khi hồi âm bài của Keynes: “Thật không may, phần trả lời của ngài Keynes đối với tôi dường như không làm rõ nhiều điểm gây tranh cãi mà tôi đã nêu lên. Thay vì dành phần trả lời của mình để làm sáng tỏ những những điểm mơ hồ mà tôi đã chỉ ra cẩn thận và chi tiết, và sự tồn tại của chúng là điều ông ta không thể chối cãi, thì ông ta lại đáp lại chủ yếu bằng sự cáo buộc chụp mũ về sự nhầm lẫn… ở trong một công trình khác (Các mức giá cả và sản xuất – N.D.). Tôi không thể tin là ngài Keynes lại mong muốn tạo ấn tượng rằng bằng việc lăng mạ đối thủ ông ta làm người đọc lãng đi và không chú ý tới những lý do phản đối đã nêu.” 

Tại Cambridge, Hayek dần dần được coi như người lính tiên phong của Robins và LSE trong trận chiến trí tuệ với trường phái Cambridge. Richard Kahn hồi tưởng, “ở Cambridge chúng tôi có ấn tượng, có thể không đúng, là người ta định dựng Hayek lên như một thần tượng đóng vai trò đối trọng với Keynes.” Kahn bổ sung, mối hiềm khích giữa LSE và Cambridge đã đưa đến “kết quả là Friedrich von Hayek được mời về từ Vienna.” 

Trong tác phẩm kinh điển Lý thuyết tổng quan về việc làm, lãi suất và tiền tệ (The General Theory of Employment, Interest and Money) của mình, Keynes đã công kích Robbins. Đánh giá về xu hướng các nhà kinh tế học hậu Thế chiến I không theo tới cùng những định đề kinh tế học cổ điển trong việc đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính thực dụng hơn – điều mà Keynes cho là tốt – ông châm biếm, “giáo sư Robbins thì lại khác, ông ta, hầu như chỉ còn một mình, vẫn tiếp tục theo đuổi một khung tư tưởng nhất quán, các khuyến nghị thực tiễn của ông thuộc cùng một hệ thống giống với lý thuyết của mình.”

Robbins từng được coi là thủ lĩnh trí thức của giới kinh tế học LSE thập niên 1930, điều mà ngày nay người ta thường không nhớ đến do mức độ nổi bật về sau của Hayek. Arthur Shenfield, người từng làm việc tại Trung tâm Dịch vụ Kinh tế London và Cambridge (London and Cambridge Economic Service5), còn nhớ những năm 1930, ông “nhận thấy ánh hào quang mà Hayek toả ra xung quanh, nhưng dù toả sáng đến vậy, tôi vẫn cho rằng ông ta cũng chỉ là một ngôi sao bên cạnh ngôi sao sáng nhất trong số các nhà kinh tế học đương thời, đó là Lionel Robbins. Vì lần đầu tiên đọc tác phẩm Bản chất và ý nghĩa của khoa học kinh tế (The Nature and Significance of Economic Science) của Robbins, tôi có cảm giác ‘giống như một người đang quan sát bầu trời thì một hành tinh mới bay vào choán tầm mắt mình.’ Vì thế tôi nghĩ, Hayek không phải là một hành tinh chói sáng như Robbins.” Hicks nhận xét trong lời tựa năm 1939 cho tác phẩm Giá trị và tư bản (Value and Capital) rằng những ý tưởng ở đây “không hề hoàn toàn là của tôi; chúng đi đến hiện hữu qua một quá trình xã hội diễn ra giữa những người làm việc ở đây, dưới sự lãnh đạo của giáo sư Robbins”; hàng thập kỷ sau, Hicks đặt tên cho bài dẫn luận giới thiệu những bài viết kinh tế đầu tay trong tuyển tập tác phẩm của mình là “LSE và nhóm Robbins.” Ronald Coase, cựu sinh viên và viên chức trẻ tại LSE, sau này được trao giải Nobel Kinh tế, còn nhớ Robbins là “nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất” về kinh tế học ở trường giai đoạn này. Theo Arthur Seldon, giám đốc biên tập lâu năm của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (Institute of Economic Affairs) ở London và là sinh viên LSE lúc đó, “Robbins là thủ lĩnh trí tuệ giai đoạn đầu và giữa thập niên 1930 trong khi Hayek đang bận bịu với tiền tệ và cơ cấu ngành”; “Robbins là người có ảnh hưởng hàng đầu về tư tưởng tự do suốt những năm tháng sinh viên đầu tiên của tôi. Các bài thuyết trình và bài viết của ông là tiếng kèn đồng của chủ nghĩa tự do cổ điển phản công chủ nghĩa xã hội”; và Robbins là “ngọn hải đăng trong giới giảng viên kinh tế.” Năm 1951 Hayek viết, Robbins trở thành “hạt nhân của một nhóm các nhà kinh tế học trẻ tuổi xuất hiện tại Trường Kinh tế London những năm 1930.”

Trong số các nhà kinh tế học xuất chúng nhất xuất hiện tại LSE thập niên 1930, ngoài Hayek và Robbins, còn có John Hicks6, Ronald Coase7, Arthur Lewis8, Nicholas Kaldor9, Abba Lerner10, Arnold Plant11, và Arthur Seldon. Hicks, được trao đồng giải Nobel Kinh tế năm 1972, là một trong những nhà kinh tế học hàn lâm có ảnh hưởng nhất thế kỷ hai mươi. Hicks giảng dạy tại LSE từ năm 1926 đến 1935. Danh tiếng của ông là kết quả của những công trình lý thuyết, gồm Lý thuyết về tiền công (The Theory of Wages) (1932) và đặc biệt Giá trị và tư bản (Value and Capital) (1939). Ông đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng lý thuyết cho trường phái Keynes (Keynesianism), dù bản thân không phải là người theo Keynes.

Ronald Coase nổi tiếng nhất với tác phẩm “Định lý Coase” (Coase Theorem), trong đó ông nhận định, việc phân bổ ban đầu về quyền lợi pháp lý, hay quyền sở hữu tài sản, không ảnh hưởng đến việc sử dụng cuối cùng của chúng chừng nào mà chi phí giao dịch vẫn bằng không. Nghĩa là, thị trường cạnh tranh hoàn hảo sẽ phân bổ các nguồn lực theo thời gian với cách thức hiệu quả nhất, vì các nguồn lực sẽ hướng tới những mục đích sử dụng cao hơn và tốt hơn. Một điểm khác cũng quan trọng trong tư tưởng của Coase: việc xác lập quyền sở hữu tài sản cùng hình thái của chúng là sự khởi đầu thiết yếu cũng như định hình nên nội dung của giao dịch thị trường. Giống như Hayek, Coase cũng từng đảm nhiệm cương vị tại LSE, đến năm 1951, và tại Đại học Chicago, đến tận hôm nay.

Arthur Lewis, người da đen đầu tiên nhận giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1979, tới LSE từ thời sinh viên năm 1933 và là giảng viên ở đây đến năm 1948. Ông mô tả sự khởi đầu sự nghiệp kinh tế học của mình, “Số phận đã quyết định tôi trở thành một nhà kinh tế học. Chuyên khoa kinh tế của tôi cũng được xếp đặt luôn: kinh tế học ứng dụng. Điều này không có nghĩa tôi sẽ áp dụng kinh tế học vào những vấn đề ngành hay cơ cấu. Mà nó có nghĩa là tôi sẽ tiếp cận vấn đề từ nền tảng thiết chế của nó… Giáo sư Sir Arnold Plant là người thầy của tôi, và nếu không có lời giáo huấn của ông ở những thời điểm quyết định thì tôi đã không nhận được cả kiến thức chuyên môn cũng như vị trí trợ giảng. (Đây là lần đầu tiên một người da đen được chỉ định tại trường, và gặp phải chút ít phản đối.) Ông và tôi có những bất đồng về mặt tri thức, vì ông là nhà kinh tế laissez-faire12 còn tôi thì không; tuy nhiên điều này không cản trở quan hệ của chúng tôi.”

Nicholas Kaldor là một nhà kinh tế học có ảnh hưởng khác của thế kỷ hai mươi, nhất là với tư cách một người theo học thuyết Keynes ở Anh, mặc dù đầu tiên ông chịu nhiều ảnh hưởng của Robbins và Hayek. Mối quan hệ của ông với Hayek đầy giông tố. Mặc dù ông là một trong những người dịch các công trình đầu tay của Hayek sang tiếng Anh, quan hệ cá nhân và chuyên môn của họ về sau vẫn xấu đi. Kaldor mô tả mối quan hệ đổi khác của họ khi thuật lại là Hayek bắt đầu “bực mình kinh khủng đối với tôi. Lúc đầu ông ta khiến tôi rất khó chịu. Nhưng sau đó tôi phát hiện là ông ta thật kỳ cục, tôi liền trêu tức, khiến ông trở nên tức cười, và đối lập với ông trong hội thảo. Tôi còn nhớ một lần khi tranh luận với Hayek, tôi nói, ‘thưa giáo sư Hayek, đó là thứ kinh tế học trung cấp.’ Hayek mỗi lúc một đỏ mặt, và sau đó tại phòng trà ông bước vào [và nói,] ‘Các vị có biết Kaldor đã nói gì không, Nicky đã nói gì không? Anh ta nói “Thưa giáo sư Hayek, đó là kinh tế học trung cấp và ngài cần phải biết điều đó chứ.” Tôi nói, ‘Tôi phản đối. Tôi chưa bao giờ nói ngài phải biết điều đó chứ.’ Mọi người oà ra cười.” Kaldor là sinh viên và giảng dạy tại trường từ năm 1927 đến 1947, trước khi chuyển tới Cambridge, nơi ông trở thành giảng viên của King’s College, ngôi trường cũ của Keynes, một môi trường phù hợp hơn với sở thích của ông.

Giống như Kaldor, Abba Lerner khởi đầu là người theo Hayek sau đó dần dần chuyển theo hướng xã hội chủ nghĩa suốt những năm 1930. Không giống như Kaldor, ông không bao giờ đánh mất tình cảm và sự kính trọng đối với Hayek, và được Hayek đáp lại. Lerner là sinh viên buổi tối nhập học tại LSE vào thời điểm bắt đầu cuộc đại suy thoái. Với tư cách sinh viên, ông cố gắng thúc đẩy quan hệ giữa LSE và Cambridge. Theo Tibor Scitovsky, nghiên cứu sinh tại LSE nửa cuối những năm 1930, Lerner là một “nhà xã hội chủ nghĩa, người chủ trương định giá theo thị trường nhờ tính hiệu quả phân bổ của nó, và là người đặt niềm tin vào doanh nghiệp tư nhân, ông coi nguồn việc làm mà nó tạo ra là sự bảo đảm thiết yếu cho tự do cá nhân.” Cùng với Oskar Lange, Lerner là nhà sáng lập khái niệm chủ nghĩa xã hội theo cơ chế thị trường.

Arthur Seldon có ảnh hưởng từ những công trình sáng tạo của mình ít hơn từ hoạt động biên tập, nhờ đó mà tác phẩm của hàng trăm nhà khoa học hàn lâm và trí thức xuất chúng, đầy khát vọng, theo chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa tự do cá nhân, đã được xuất bản và hoàn thiện. Với vai trò giám đốc biên tập của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (Institute of Economic Affairs) từ năm 1957 đến 1988, ông là người có ảnh hưởng trong việc tạo ra bầu không khí chính trị nhờ đó Margaret Thatcher có thể thực thi công cuộc cải cách kinh tế theo định hướng thị trường ở Anh những năm 1980. Trong một bài viết tưởng nhớ Hayek khi ông mất, Seldon viết rằng tại LSE, “nơi ông dạy tôi từ giữa những năm 1930 (và kể từ đó về sau), ông nổi bật như một người Áo nghiêm nghị được Lionel Robbins mời về giảng dạy.” 

Arnold Plant là nhân vật có ảnh hưởng thứ ba về kinh tế học tại LSE những năm 1930, sau khi Hicks chuyển tới Cambridge năm 1935. Plant là bạn thân của Robbins và Hayek. Ronald Coase viết về người thầy của mình, “Plant từng là học trò của Cannan, người cùng thời với Robbins, nhưng không chia sẻ đam mê của Robbins về lý thuyết bậc cao. Plant là nhà kinh tế học ứng dụng và mối quan tâm chính của ông là lĩnh vực mà ngày nay được gọi là tổ chức công nghiệp.” Coase cũng còn nhớ năm 1931 ông từng tham gia seminar của Plant, và đó là một “sự khai tâm. Ông giới thiệu tôi với ‘bàn tay vô hình’ của Adam Smith.” Seldon còn nhớ Plant là thầy giáo kèm cặp khi ông theo đuổi văn bằng thương mại, “Ông dạy tôi những chân lý kinh điển về kinh tế học, đặc biệt là sức mạnh thị trường trong thương mại và công nghiệp và vai trò của tư hữu dưới nhãn quan của Locke và Hume13.” Plant là nhà giáo thành công hơn Robbins và Hayek trên nhiều khía cạnh, và lời nói của ông có ảnh hưởng nhiều hơn những gì ông viết.

Robbins nhận xét trong tự truyện, “Arnold Plant có ảnh hưởng chủ yếu đến sự phát triển chung của hai khoa liên hợp (kinh tế và kinh doanh),” và Plant là một “nhà thuyết trình cự phách và nhà giáo vĩ đại.” Plant kể lại mối tương giao của mình với Hayek, ông “bắt đầu ngày càng quan tâm đặc biệt đến phạm vi và chức năng của tài sản và sở hữu, cả công hữu lẫn tư hữu. Thật thích thú khi thấy Hayek cũng bị hút hồn bởi ý nghĩa kinh tế của các nhánh luật tài sản. Tôi còn nhớ sự hứng thú của ông khi tôi đề nghị ông chú ý sang nội dung bàn luận chuyên sâu những vấn đề này trong Phần III: Về công lý (Section III: Of Justice), của cuốn Tìm tòi các nguyên lý luân lý (Enquiry Concerning the Principles of Morals) của David Hume.” Trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, Hayek nhận xét, “nhiều năm về trước” Plant đã khiến ông lưu ý tới tính chất quan trọng mà Hume gắn cho những nguyên tắc cố định và không biến đổi, đặc biệt là về tài sản.

Bên cạnh tài năng của mình, LSE còn thu hút nhiều nhà kinh tế học từ khắp nơi trên thế giới tới thăm. Robbins nhớ rằng những người này gồm có Gottfried Harberler và Fritz Machlup từ Vienna, các nhà kinh tế học Berti Ohlin14 và Ragnar Frisch15 (cả hai đều về sau đoạt giải Nobel) từ Scandinavi, và Frank Knight cùng Jacob Viner16 đến từ Chicago. Nhà trường là một thánh địa của tư tưởng tự do cổ điển mới. Theo Hayek, nó “có lẽ đã trở thành trung tâm quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do mới.” Ông cũng nói, “nền móng đã được tạo dựng cho bước tiến mới” của chủ nghĩa tự do cổ điển tại LSE thập niên 1930, cùng với sự phát triển của nó ở Vienna và Chicago.

Tổng cộng có khoảng 3.000 sinh viên tại LSE khi Hayek bắt đầu giảng dạy năm 1931: 1.250 chính quy, gồm 200 nghiên cứu sinh; 1.250 sinh viên bán thời gian; và 500 sinh viên học nhiều trường (ghi danh đồng thời). Khoảng phân nửa nghiên cứu sinh và 200 sinh viên đại học là từ nước ngoài. Nhà trường bao trùm toàn bộ phạm vi của khoa học xã hội: kinh tế học, khoa học chính trị, nhân chủng học, xã hội học, lịch sử, triết học, và trong một thời gian có cả sinh học xã hội, bên cạnh các lĩnh vực ứng dụng và khoa học hàn lâm khác.

Seminar Robbins-Hayek là điểm nổi bật của LSE suốt giai đoạn đó. Robbins thuật lại, seminar là “tâm điểm nhiều hoạt động trí tuệ của chúng tôi.” Seminar gồm các giáo chức và sinh viên lâu năm gặp mặt hàng tuần để nghiên cứu, thảo luận và trao đổi ý kiến. Robbins tiếp tục, “Về hình thức, người ta thường hình dung là nó do Hayek với tôi tổ chức, và tôi thường chủ toạ. Nhưng một khi đã vào cuộc thì không còn có thứ bậc nào nữa. Giáo chức và sinh viên đều như nhau, một nhóm người háo hức tìm kiếm chân lý và thứ bậc nổi bật tuỳ thuộc vào khả năng thể hiện xuất sắc đến đâu. Thỉnh thoảng chương trình được ấn định trước cho một học kỳ; thường xuyên hơn là một số nội dung gần gũi với nhau sẽ được chọn; sau đó chúng tôi theo đuổi ý tưởng khi chúng tự hé mở, đôi khi thay đổi toàn bộ chu trình nếu xuất hiện viễn cảnh nào mới trong tầm nhìn.”

Hayek miêu tả các cuộc gặp như sau, “luôn có một chủ đề chính cho cả năm. Theo tôi thì không hề bất công khi có thể nói rằng Robbins đã đảm nhiệm mọi công tác tổ chức, kể cả chủ đề chung. Tuy nhiên một khi đã khai màn, tôi lại ít nhiều chi phối cuộc thảo luận. (cười) Đó là một seminar lớn. Tôi nghĩ có khoảng ba mươi, bốn mươi người tham dự. Nhưng ở đây luôn có một hàng đầu gồm những người đã là thành viên của seminar hai hay ba năm, và họ chi phối cuộc thảo luận. Không chỉ có sinh viên… [mà] còn cả các trợ lý và giảng viên trẻ.”

Plant cũng còn nhớ, “seminar kinh tế của Robbins tại LSE đã trở thành một diễn đàn cho những cuộc thảo luận bất tận các ý tưởng của Hayek về ảnh hưởng của tiền tệ đến cơ cấu sản xuất và các dao động ngành, cùng ý nghĩa nhiều mặt của chúng đối với toàn bộ chính sách kinh tế, xã hội và chính trị. Sự có mặt của Hayek góp phần to lớn vào sức thu hút mạnh mẽ của seminar.” Các công trình nghiên cứu của các thành viên seminar khác cũng được thảo luận.

Robbins thích thú kể lại, tất cả đều rất hứng thú. Cảm giác chung là sau một giai đoạn tương đối bế tắc, kinh tế học lại tiếp tục cuộc hành trình, và chúng tôi đang tham gia vào những hoạt động tích cực.

Hạnh phúc biết bao khi bình minh quanh ta

Nhưng tuổi trẻ mới là thiên đường đích thực!

Hayek nhận xét về việc tham gia vào seminar chung là ông “chắc chắn không bao giờ còn có thể khơi dậy được mối quan tâm mê hoặc như thế đối với những khía cạnh kỹ thuật của kinh tế học lý thuyết hay thu được lợi ích vô bờ bến từ việc thảo luận với những bộ óc hàng đầu có quan tâm giống nhau.” Ông hết sức thoả mãn cũng như gặt hái được rất nhiều từ những năm tháng ở Trường Kinh tế London thập niên 1930.

Chú thích:

(1) Allyn Abbott Young (1876-1929): Nhà kinh tế học người Mỹ, trưởng khoa kinh tế LSE (1927-1929), chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Hoa Kỳ (1925). (N.D.) 

(2) Đại học Cambridge, đôi khi đồng nghĩa với trường phái kinh tế học Cambridge. (N.D.) 

(3) Bedlam: Một bệnh viện tâm thần ở London. (N.D.) 

(4) Khubla Khan (còn có phụ đề A Vision in a Deam): Bài thơ của Samuel Taylor Coleridge (1772-1834, thi sỹ và triết gia người Anh) về Khubla Khan (Hốt Tất Liệt, hoàng đế Nguyên-Mông, 1215-1294), viết năm 1797 và công bố lần đầu năm 1816. Tác giả khẳng định bài thơ được truyền cảm hứng từ một giấc mơ của mình sau khi dùng thuốc phiện song lại bị dứt mạch khi một người khách đánh thức ông. Bài thơ vì thế không bao giờ hoàn thành. Điều này được cho là rất không thể, bởi người dùng thuốc phiện hết sức khó khăn trong việc thuật lại giấc mơ của mình khi dùng thuốc phiện ngay trước lúc ngủ. Ý nghĩa bài thơ cũng huyền bí không kém, với nhiều tranh cãi và phỏng đoán. (N.D.) 

(5) Trung tâm Dịch vụ Kinh tế London và Cambridge là tổ chức hợp tác giữa LSE và Đại học Cambridge, thành lập năm 1923. Trong giai đoạn trước khi có nhiều số liệu thống kê chính thức, mục đích của nó là hỗ trợ hoạt động kinh doanh bằng cách cung cấp số liệu thống kê có sẵn dưới hình thức có thể sử dụng và phát triển các chỉ số như giá cố phiếu, lương trả bằng tiền và sản xuất công nghiệp. Lãnh đạo LCES là Uỷ ban Điều hành gồm William Beveridge cùng Arthur Bowley của LSE, và John Maynard Keynes cùng Hubert Henderson từ Đại học Cambridge. (N.D.)  

(6) John Hicks (1904-1989): Nhà kinh tế học người Anh, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1972 (cùng với Kenneth Arrow, Mỹ) nhờ các lý thuyết giúp đánh giá rủi ro trong kinh doanh và các chính sách kinh tế của chính phủ. (N.D.) 

(7) Ronald Coase (1910-): Nhà kinh tế học người Anh, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1991. (N.D.) 

(8) Sir William Arthur Lewis (1915-1991): Nhà kinh tế học người Anh gốc West Indies, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1979 (cùng với Theodore Schultz, Mỹ) nhờ nghiên cứu về các vấn đề kinh tế của các nước đang phát triển. (N.D.) 

(9) Nicholas Kaldor (1908-1986): Nhà kinh tế học người Anh, đại diện quan trọng nhất của trường phái Cambridge sau Thế chiến II. (N.D.) 

(10) Abba Learner (1903-1982): Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Rumani, nghiên cứu tại LSE, về sau cộng tác với Keynes và sang Mỹ năm 1937. Tác phẩm chính: The Market Anti-Inflation Plan (1970). (N.D.) 

(11) Sir Arnold Plant (1898-1978): Nhà kinh tế học người Anh. (N.D.) 

(12) Học thuyết kinh tế phản đối sự điều tiết hay can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế vượt quá mức tối thiếu cần thiết để cho hệ thống tự do kinh doanh vận hành theo các quy luật kinh tế của nó. (N.D.) 

(13) David Hume (1711-1776): Triết gia và sử gia người Anh. Ông cho rằng tri thức con người chỉ bắt nguồn từ sự trải nghiệm giác quan. Các công trình chủ yếu là A Treatise of Human Nature (1739-1740) và Political Discourse (1752). (N.D.) 

(14) Berti Gottard Ohlin (1899-1979): Nhà kinh tế học người Thuỵ Điển, được trao đồng giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1977 vì những đóng góp và các lý thuyết về thương mại và tài chính quốc tế (cùng với James Meade người Anh). (N.D.) 

(15) Ragnar Frisch (1895-1973): Nhà kinh tế học người Na Uy, được trao đồng giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1969 nhờ áp dụng toán học và các phương pháp thống kê vào kinh tế học (cùng với Jan Tinbergen người Hà Lan. (N.D.) 

(16) Jacob Viner (1892-1970): Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Canada. Các tác phẩm chính The Long View and the Short (1931), Studies in the Theory of International Trade (1937) and Essays on the Intellectual History of Economics (Douglas A. Irwin biên tập, 1991). (N.D.)

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek- Cuộc đời và sự nghiệp, Phần II, Chương 7, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

 

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan