[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 1)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 1)

"Tôi cho rằng phương pháp luận của kinh tế học thường gặp trong chương đầu tiên của hầu như mọi cuốn sách giáo khoa về lí thuyết kinh tế đều không sai nhiều, cái sai là các nhà kinh tế học không thực hành những điều họ rao giảng."
                                                                               -Mark Blaug, The Methodology of Economics


Vì các nhà kinh tế học là những người lãnh đạo cuộc chiến chống lại những biện pháp cấm đoán ma túy cho nên hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng họ đã có vai trò quan trọng trong việc thiết lập và bảo vệ những biện pháp cấm rượu trong những năm 1920. Câu hỏi là các nhà kinh tế học tạo ra dư luận xã hội hay họ chỉ là những người phản ánh nó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng mối liên hệ giữa các nhà kinh tế học và những biện pháp cấm đoán cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc về nghề kinh tế học, về nguồn gốc Luật cấm rượu và cuộc tranh luận hiện nay về việc hợp pháp hóa ma túy.

Trong những năm gần đây, các nhà kinh tế học đã tiến hành cuộc đấu tranh nhằm hợp pháp hoá, thực chất là tái hợp pháp hóa ma túy. Milton Friedman, một nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, là người lãnh đạo trực tính của các lực lượng đấu tranh cho việc tái hợp pháp hóa. Bức thư ngỏ của Milton Friedman gửi cho William Bennett, người được mệnh danh là “Bạo chúa của ma túy”, được công bố trên tờ Wall Street Journal, chỉ là loạt đạn mới nhất bắn vào lực lượng cấm đoán mà thôi1. Friedman bắt đầu trận chiến đấu này ngay từ những năm 1960, khi ông viết trên tờ Newsweek rằng những biện pháp cấm đoán ma túy là không hiệu quả và đã có những cách tiếp cận hợp lí và khôn ngoan hơn đối với các vấn đề về lạm dụng ma túy. Sau đó, Friedman (cùng với vợ, bà Rose Friedman) đã tấn công những biện pháp cấm đoán ma túy trong tác phẩm Tự do lựa chọn (Free to Choose) và Sự Chuyên chế của Giữ Nguyên Hiện trạng (The Tyranny of the Status Quo), bằng cách liên kết những tác hại mà nó gây ra với kinh nghiệm của việc cấm đoán rượu trong những năm 1920. Vợ chồng Friedman là những người theo dõi lịch sử một cách thận trọng, họ phản đối những biện pháp cấm đoán ma túy cả trên cơ sở đạo đức lẫn thực tế.

Gary S. Becker (1987), một trong những đồng nghiệp cũ của Friedman ở trường Đại học Chicago (University of Chicago), cũng kiên quyết chống lại những biện pháp cấm đoán ma túy bằng những phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự ủng hộ của ông cho quá trình tái hợp pháp hóa ma túy có ý nghĩa đáng kể vì vị trí của ông trong nghề và ông lại là người đã từng đoạt giải Nobel về kinh tế học. Becker khẳng định rằng cấm đoán không có hiệu lực và chi phí phải trả lớn hơn là lợi ích thu được. Quan điểm của ông được xây dựng trên kết quả được tìm thấy cũng như những công trình nghiên cứu lí thuyết của chính ông. Becker là một chuyên gia và người ủng hộ kiên quyết nhất giả định về tính hữu lí đối với việc nghiên cứu hành vi của con người. Trong số nhiều bài báo viết về kinh tế học hành vi của con người có bài “Lí thuyết về hiện tượng nghiện ngập duy lí” (A Theory of Rational Addiction - viết chung với Kevin Murphy), trong đó hiện tượng nghiện ngập được mô hình hóa như một hành vi duy lí.

Một nhà kinh tế học quan trọng khác tuyên bố ủng hộ việc tái hợp pháp hóa là ông cựu Bộ trưởng Ngoại giao, George Shultz. Vì Shultz từng là yếu nhân trong chính quyền của Tổng thống Reagan cho nên lời tuyên bố công khai của ông là một sự kiện quan trọng trong cuộc tranh luận về chính sách đối với ma túy. Quan điểm ủng hộ việc hợp pháp hóa của William F. Buckley-con và việc Shultz chạy sang phe ủng hộ hợp pháp hóa đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tư duy của phái bảo thủ.

Một cuộc thăm dò dư luận các nhà kinh tế học cho thấy rằng đa số phản đối cấm đoán và ủng hộ chuyển chính sách theo hướng phi hình sự hóa. Những nhà kinh tế học chuyên về lí thuyết tiền tệ và tài chính công dường như thích phi hình sự hóa hơn, trong khi những chuyên gia trong lĩnh vực quản trị kinh doanh lại có khuynh hướng bảo vệ các biện pháp cấm đoán. Những nhà kinh tế học làm việc trong khu vực tư nhân nói chung đều ủng hộ phi hình sự hóa, trong khi các nhà kinh tế học làm việc cho chính phủ dường như thích ủng hộ những biện pháp cấm đoán hơn. Cần phải ghi nhận rằng so với dân chúng nói chung (trung niên, đàn ông, có học vấn cao, thu nhập cao, theo Do Thái giáo hoặc không theo tôn giáo nào), các nhà kinh tế học nằm trong nhóm những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc hợp pháp hóa. Phần lớn những người đã tốt nghiệp những chương trình giáo dục tốt nhất và phần lớn những nhà kinh tế học được đào tạo ở Chicago, theo chương trình lựa chọn công hay theo trường phái Áo đều ủng hộ việc phi hình sự hóa các chất ma túy bất hợp pháp (Thornton 1991).

Tầm quan trọng ngày càng gia tăng của những biện pháp cấm đoán và việc nhiều người quan tâm hơn đến những biện pháp cấm đoán đã khiến cho một số nhà kinh tế học đưa những cuộc thảo luận về những bộ Luật cấm rượu, ma túy, cờ bạc và phim ảnh khiêu dâm vào những cuốn sách giáo khoa của họ. Một số tác giả của những cuốn sách giáo khoa vốn là những người thận trọng và có thái độ trung lập về chính trị cũng có quan điểm hoài nghi đối với những biện pháp cấm đoán. Ví dụ, khi khảo sát những biện pháp cấm đoán đang được áp dụng đối với ma túy, Edwin G. Dolan và John C. Goodman (1989, 35) đã trình bày “những quan ngại xuất hiện trên cơ sở của tính hiệu quả, công bằng và quyền tự do”. Robert B. Ekelund và Robert D. Tollison (1988, 108) cho rằng “phân tích kinh tế đưa ra những mối nghi ngờ về hiệu quả của việc đưa ngày càng nhiều nguồn lực hơn vào việc thực hiện những biện pháp cấm đoán mà không phân tích một cách cẩn thận những hậu quả có thể có của những chương trình như thế”, và họ đề nghị rằng “nếu chi tiêu của chính phủ hướng vào phía cầu thì sẽ tốt hơn”2

Richard McKenzie và Gordon Tullock (1989) còn coi cấm đoán là việc làm đáng báo động nữa. Họ thấy rằng “có thể phải đưa chi phí cho việc thi hành luật lệ vào đánh giá hiệu quả của những điều luật chống lại những loại ma túy nguy hiểm và phim ảnh khiêu dâm”. McKenzie và Tullock còn khẳng định rằng các nhà kinh tế học luôn luôn đồng ý với nhau trong việc phản đối các biện pháp cấm đoán và đã biết cái giá phải trả là rất cao, như mô hình kinh tế chuẩn đã cảnh báo: “Nếu những người ủng hộ cấm đoán tham khảo các nhà kinh tế học thì chắc chắn là họ sẽ được bảo cho biết rằng việc thi hành luật sẽ rất khó khăn và tốn kém. Với lời khuyên như thế có thể họ sẽ không thực hiện chương trình nhấn mạnh quá về mặt đạo đức”.

Đúng là các nhà kinh tế học đã thật sự đồng ý với nhau trong những năm hình thành chính sách cấm rượu. Nhưng bấy giờ họ ủng hộ chứ không phản đối chính sách này.

Chú thích:

(1) Xem Friedman 1989

(2) Kết luận của Ekelund và Tollison dựa một phần vào Thornton 1986, phiên bản trước đây của chương 4 trong cuốn sách này. 

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường