Triết lý về hòa bình hay triết lý về sự xung đột (Phần 1/2)

Triết lý về hòa bình hay triết lý về sự xung đột (Phần 1/2)

 “Chiến tranh là người cha sinh ra mọi thứ và là vị vua đứng trên mọi thứ, chiến tranh biến một số kẻ trở thành thánh và giữ số còn lại làm người; biến người này thành nô lệ và cho người khác tự do. — Heraclitus of Ephesus1

Chiến tranh đã từng được coi là một điều thông thường. Không chỉ đơn thuần xã hội loài người, mà toàn thế giới đã ở trong chiến tranh, được đúc khuôn bởi chiến tranh, ngập chìm trong chiến tranh. Chiến tranh đã từng là một điều hiển nhiên. Nó được xem như là một điều tốt. Mặc dù nó diễn ra một cách đầy đau đớn, nhưng nỗi đau này được xem như là nền tảng cần thiết của sự tiến bộ và đạo đức của loài người. Nhà văn, nhà phản biện xã hội người Pháp Joseph de Maistre đã tuyên bố rất ấn tượng rằng chiến tranh là “trạng thái thường xuyên của nhân loại, cảnh máu chảy đầu rơi không thể bị gián đoạn ở bất cứ nơi nào hoặc người nào, và hòa bình ở quốc gia nào đó chỉ là một trạng thái nhất thời”.2 Giết chóc là điều tất yếu của cuộc sống.

Sự ca tụng này khiến cho hầu hết con người ngày nay cảm thấy kỳ lạ và đáng ghê tởm. Xã hội loài người đã thay đổi. Chiến tranh đã trở thành điều bị căm ghét trong mắt của hầu hết con người đang sống hiện nay.

Con người ngày nay căm ghét việc ca tụng chiến tranh. Ngày nay, một hệ tư tưởng khác đang thịnh hành trong xã hội loài người, chiếm ưu tế hơn và được nhiều định chế áp dụng hơn. Tuy nhiên, hệ tư tưởng này chưa được áp dụng cho toàn bộ cá nhân và chưa được thực thi trên toàn thế giới. Thế giới ngày nay đang sống trong hòa bình hơn bao giờ hết. Nghe có vẻ như một tuyên bố gây tranh cãi, nhưng nó được hỗ trợ bởi những chứng cứ không thể đầy đủ hơn được. Giáo sư đại học Harvard Steven Pinker đã trình bày trong khảo cứu The Better Angels of Our Nature: A History of Violence and Humanity [Những thiên sứ tốt hơn trong bản chất của chúng ta: Một lịch sử của bạo lực và nhân tính]3. Đó không chỉ là xung đột quân sự giữa những quốc gia, loại bạo lực này đã và đang giảm trong một thời gian rất dài. Đó còn là bạo lực gây ra bởi người chồng đối với người vợ, bố mẹ đối với con cái, và của những tội phạm đường phố gây ra đối với những nạn nhân của chúng. Mỗi loại bạo lực này đều có thể đang tăng lên hoặc giảm xuống trong hàng tháng hoặc hàng năm, nhưng tất cả những điều đó đang có xu hướng giảm và tiếp tục giảm trong một khoảng thời gian khá dài.4 Những lý lẽ mà Pinker đưa ra cho một xu hướng giảm dần bạo lực trong dài hạn là:

- Xây dựng chính phủ có thể làm việc để giữ độc quyền bạo lực (và do đó để kiểm soát bạo lực trong chừng mực);

- Tăng trưởng của thương mại - con người có giá trị hơn khi sống và làm việc;

- Thay thế dần dần văn hóa “danh dự” bằng văn hóa “khiêm cung” (tức là sự trả thù vì danh dự thì không quan trọng bằng việc duy trì sự tự kiểm soát hành vi và sự khiêm cung của bản thân);

- Cuộc cách mạng nhân bản của thời đại Khai sáng, nhấn mạnh vào giá trị của cuộc sống loài người, cho bản thân và cuộc sống của những người khác, cùng với việc thay thế mê tín bằng lý lẽ và bằng chứng (để lấy một ví dụ, cả hai điều này đều là những tin tốt cho những người bị tố cáo là sử dụng “ma thuật”);

- Sự xuất hiện và lớn mạnh của những tổ chức quốc tế, trong cả xã hội dân sự và chính phủ, để thúc đẩy ngoại giao và đàm phán, hơn là chiến tranh;

- Sáng tác và phổ biến tiểu thuyết, được thúc đẩy bởi cách mạng thị trường tự do và đã giúp một lượng người ở quy mô lớn hơn bao giờ hết tưởng tượng ra được cuộc sống của những người khác (và giúp họ cảm thông được với nhiều số phận);

- Vai trò đang tăng lên của trao đổi, đầu tư quốc tế, và du lịch trong việc tạo ra lợi ích đối với duy trì hòa bình;

- Mục tiêu của chủ nghĩa tự do truyền thống được chấp nhận rộng rãi, đó là “sự tự do cho mỗi cá nhân khỏi sự cưỡng chế của một nhóm hay một tổ chức độc tài, và sự khoan dung đối với những lựa chọn cá nhân, miễn là họ không vi phạm về quyền tự chủ và hạnh phúc của những người khác”;5

- Tầm quan trọng ngày càng tăng của lý lẽ trừu tượng, cũng được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của thương mại và công nghệ, điều giúp con người bảo vệ những nguyên lý nền tảng, những nguyên lý hỗ trợ cho những ý tưởng của chủ nghĩa tự do truyền thống/chủ nghĩa tự do cá nhân về các quyền phổ quát của con người.

Đây là một câu chuyện phức tạp vì lịch sử loài người đa dạng, được hình thành bởi nhiều nguyên nhân và luôn biến đổi. Nhưng đó là một câu chuyện ngày càng được làm sáng tỏ để bác bỏ niềm tin rằng “cảnh máu chảy đầu rơi không khi nào bị gián đoạn ở nơi này hoặc nơi khác trên thế giới”. Duy trì hòa bình là một điều hoàn toàn khả thi và dĩ nhiên không phải là một “trạng thái nhất thời”.

Sự khoan dung và cùng chung sống, cam kết và hợp tác, sở hữu và trao đổi đã thay thế một phần đáng kể, tuy không phải toàn bộ, sự đàn áp và tiêu diệt, ép buộc và đấu tranh, trộm cắp và nô lệ, chiến tranh và xung đột như những lý tưởng luân lý. Trào lưu này đã thay đổi thế giới và thay thế chiến tranh bằng hòa bình, tẩy chay bằng khoan dung, cướp bóc bằng thương thuyết đàm phán, điều này đã được biết đến bởi những cái tên khác nhau ở những thời điểm khác nhau, nhưng từ thông dụng nhất là “chủ nghĩa tự do” (liberalism) và ở những nước nói tiếng Anh thì đang được gọi là “chủ nghĩa tự do truyền thống” (classical liberalism) hoặc “chủ nghĩa tự do cá nhân” (libertarianism).6 Chủ nghĩa tự do cá nhân là một triết lý bảo vệ cho hòa bình. Hòa bình là điều cốt lõi trong suy nghĩ của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, và cũng là điều cốt lõi trong ý niệm về tự do. John Locke – một triết gia có ảnh hưởng lớn – đã tuyên bố: “tự do là tình trạng thoát khỏi sự cưỡng chế hay bạo lực đến từ những người khác”.7 Chiến tranh là bạo lực – đó là thứ bạo lực được chỉ đạo, quản lý, áp dụng, hợp lý hóa, tôn vinh và cực kỳ khốc liệt.

Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân duy trì sự hợp tác hòa bình và tự nguyện như một lý tưởng và một khả năng có thực cho xã hội loài người. Một số triết lý khác – thuộc về “tả khuynh” hay “hữu khuynh”, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tiến bộ, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chính trị thần quyền, và tất cả những sự kết hợp và thay đổi có khả năng xảy ra giữa chúng – thừa nhận rằng cuộc sống con người không thể tránh khỏi sự xung đột, sự mâu thuẫn, sự đấu tranh, thậm chí cả chiến tranh, những điều thường xảy ra giữa những giai cấp, chủng tộc, nền văn minh, quốc gia, nhóm lợi ích hay giữa các tôn giáo.

Thế giới đang trở nên hòa bình hơn bởi những giá trị, nguyên tắc, thể chế của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, và càng ngày chúng càng thẩm thấu vào cuộc sống của chúng ta. Và kể cả một thế giới hòa bình hơn cũng sẽ yêu cầu những giá trị, nguyên tắc, thể chế, và việc thực hành chúng được duy trì, bảo vệ, nâng cao và mở rộng.

Triết lý của hợp tác

Mặc dù rất nhiều người và nhiều sự kiện đã đóng góp vào sự nảy nở các ý tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân, nhưng việc xây dựng một cách có hệ thống những ý tưởng này, như khoan dung, tự do thương mại, chính phủ hợp hiến, nhà nước pháp quyền, và những quyền bình đẳng, lần đầu tiên được thực hiện bởi trào lưu chính trị của nước Anh vào thế kỷ 17, được biết đến như là phong trào Levellers.8 Như vào năm 1646, Richard Overton đã viết từ trong phòng giam, tất cả mọi của cải đều phụ thuộc vào quyền sở hữu của từng cá nhân, một quyền có giá trị bình đẳng cho bất cứ người nào:

Tôi và anh không có quyền gì khác ngoại trừ quyền sau: Không có người nào có quyền xâm phạm đến các quyền và tự do của tôi, và tôi cũng không có quyền xâm phạm đối với những người khác.9

Overton và các đồng sự của mình đã kết nối tạo ra một tầm nhìn tiến bộ giữa các quyền bình đẳng và hòa hợp xã hội dựa trên hành động khoan dung và suy nghĩ hòa bình. Kết hợp với quyền bình đẳng của cá nhân, dựa trên triết lý đạo đức, các quan điểm về trật tự tự phát, (như trật tự xã hội có thể hình thành mà không cần được thiết kế hay áp đặt chủ quan của người thống trị), và ý tưởng về chế độ pháp quyền (dựa trên những quy tắc đơn giản, được biết đến một cách rộng rãi, và được áp dụng một cách công bằng) đã tạo ra một khuôn khổ thích hợp cho việc sử dụng các quyền cá nhân và cho việc hình thành trật tự xã hội và hòa hợp xã hội. Quan niệm về một trật tự loài người không có bạo lực, một xã hội quay lưng lại với chiến tranh và chinh phạt, đã làm nhiều người lo lắng, trong số đó, không đơn thuần chỉ bao gồm những nhà quý tộc và binh lính, mà còn một số trí thức lớn của châu Âu - những người chống đối quyết liệt đối với những ý tưởng về tự do và việc thực thi những ý tưởng đó. Với những triết gia này, thương mại không thể là một công cụ chiến đấu, tự do chỉ là một cái tên được cấp giấy phép, và đó là không thể là một hình thức thể hiện luật của Chúa.

Tự do, quyền sở hữu, và thương mại đã có những người ủng hộ của riêng mình, đó là những người can đảm nổi bật trong thời đại của họ. Triết gia nổi tiếng người Pháp Montesquieu xác định thương mại với “những đặc trưng tinh tế” (gentle mores), tức là, với các cách cư xử và hành vi tinh tế.

Thương mại điều chỉnh những định kiến mang tính phá hoại. Có thể dễ nhận thấy một quy luật phổ biến, đó là: ở nơi có những đặc trưng tinh tế thì có sự hiện diện của thương mại và nơi nào có thương mại, thì có những đặc trưng tinh tế.

Vai trò của thương mại trong việc tạo ra những đặc trưng tinh tế được mặc nhiên thừa nhận trong ngôn ngữ Hy Lạp, như nhiều học giả đã chỉ ra rằng, động từ katallassein nghĩa là “để trao đổi”, và còn có nghĩa là “được thừa nhận trong cộng đồng” và “để thay đổi từ kẻ thù thành bạn bè”.10

Thế giới của thương mại, đề cao lợi ích chung, với những cuộc chơi có tổng dương, chứ không phải vinh quang. Vinh quang kéo theo chinh phạt, và sự chinh phạt thì kéo theo thất bại. Loại vinh quang này đòi hỏi phải có sự đối lập. Và như vậy thì thương mại được xem như là làm mất đi sự vinh quang, và do đó đưa đến một nhận thức đã cổ động cho rất nhiều phản ứng chống lại những ý tưởng dựa trên tự do.

Trước khi qua đời, Frédéric Bastiat - nhà kinh tế học cổ vũ cho tự do và cũng là một nhà hoạt động hòa bình - đã có một bài diễn thuyết “cho tuổi trẻ của nước Pháp”, trong đó ông đã đưa ra điểm cốt lõi để hiểu về chủ nghĩa xã hội. Ông tin rằng:

Những người theo chủ nghĩa xã hội tin rằng lợi ích của con người về cơ bản là đối kháng (antagonism) nhau, nếu không thì họ đã không trông cậy vào vũ lực.

Chính vì vậy, họ đã tìm thấy nền tảng là sự đối kháng ở mọi nơi:

Giữa người sở hữu tài sản và công nhân.

Giữa tư bản và lao động.

Giữa những người lao động bình thường và giai cấp tư sản.

Giữa nông nghiệp và công nghiệp.

Giữa nông dân và thị dân.

Giữa người bản địa và người nước ngoài.

Giữa người sản xuất và người tiêu thụ.

Giữa xã hội văn minh và trật tự.

Và có thể tóm gọn tất cả những sự đối kháng trên vào một câu duy nhất:

Giữa tự do cá nhân và một trật tự xã hội hài hòa.

Và điều này giải thích vì sao, mặc dù họ có một loại tình yêu đa cảm dành cho nhân loại từ trong trái tim, nhưng họ vẫn luôn nói về lòng thù hận. Họ dành tất cả tình yêu của mình cho một xã hội mà mình tưởng tượng ra; nhưng xã hội mà ta đang sống ngày nay không thể ngay lập tức bị thay thế, để từ đó thiết lập nên hình thái xã hội Jerusalem mới như họ mong muốn.11

Bastiat đã dự đoán nỗ lực của những người theo chủ nghĩa tập thể trong thế kỷ 20 - những người muốn chiếm đoạt quyền kiểm soát nhà nước và đại bộ phận dân số, để nỗ lực thay đổi người dân trở thành “Con người mới” (New Man) – là hiện thân cho tầm nhìn của họ. Việc tạo ra Con người mới là nỗi ám ảnh của tư tưởng chống lại tự do của ở cả tả khuynh và hữu khuynh – nhưng Con người mới của hai phe khác nhau về đặc điểm và tính cách. Ngược lại, Bastiat viết: “Nhà kinh tế học quan sát một người, các quy luật tính cách của người đó và những mối quan hệ xã hội bắt nguồn từ những quy luật đó. Người theo chủ nghĩa xã hội kêu gọi một xã hội vượt ra ngoài trí tưởng tượng của họ và sau đó nhào nặn suy nghĩ của mọi người cho phù hợp với xã hội đó”.12

Loài người rõ ràng đang đi vào những cuộc xung đột. Trào lưu tự do truyền thống, trong tất cả những biểu hiện của nó, đã tìm kiếm những cách thức để đối phó với các vấn đề của xung đột. Sự khoan dung giữa các tôn giáo, chính phủ hạn quyền (tức là chính phủ loại bỏ các vấn đề gây tranh cãi ra khỏi phạm vi “lựa chọn công”), hòa giải và bồi thường thay cho trừng phạt, tự do ngôn luận, và tự do trao đổi đều nằm trong những phương tiện mà chủ nghĩa tự do truyền thống tiên tiến đang tiến hành. Điều tiên quyết là phải làm giảm sự xung đột và thay thế bằng hợp tác, hơn là đi tán dương nó.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) Presocratic Philosophers: A Critical History with a Selection of Texts, G.S. Kirk, J.E. Raven và M. Schofield (tái bản lần hai tại Cambridge, NXB Đại học Cambridge, 1957), tr. 193. Heraclitus cũng tuyên bố: “Một điều cần thiết là góc nhìn cho thấy chiến tranh là điều bình thường và sự xung đột là điều hiển nhiên, và tất cả mọi thứ xảy ra bởi sự xung đột và điều cần thiết đó” (tr. 193).

(2) Joseph de Maistre, Considerations on France, dịch bởi Richard A. Lebrun (1797; Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 2000), tr. 23.

(3) Steven Pinker, The Better Angels of Our Nature: A History of Violence and Humanity (London: NXB Penguin, 2011). Sách của Pinker là một ví dụ xuất sắc về một nghiên cứu khoa học xã hội nghiêm túc, tìm kiếm và đưa ra những bằng chứng, đề xuất và thử nghiệm các giả thuyết mang tính giải thích, và thừa nhận sự không chắc chắn khi không có đủ những bằng chứng thuyết phục.

(4) Pinker đối mặt với lập luận phản đối cho rằng rõ ràng là thế kỷ 20 đã chứng kiến những mức độ của sự kinh hoàng, sửng sốt và bệnh hoạn của những hành động bạo lực được tổ chức bởi nhà nước; ngay cả khi cân nhắc đến những điều đó thì loài người trải qua những hành động bạo lực đã có xu hướng giảm trong thế kỷ 20. Xem The Better Angels of Our Nature: A history of Violence and Humanity, tr. 233-78.

(5) Sđd., tr. 769.

(6) Những thuật ngữ được sử dụng thay thế cho nhau trong bài tiểu luận này. “Libertarianism” (chủ nghĩa tự do cá nhân) được biết đến ở hầu hết các nước giống như là “liberalism” (chủ nghĩa tự do) hoặc “classical liberalism” (chủ nghĩa tự do cổ điển) để tránh nhầm lẫn trong cách sử dụng thuật ngữ “liberalism” (chủ nghĩa tự do) ở Mỹ. Nhà kinh tế học Joseph Schumpeter đã chỉ ra rằng ở Mỹ, “như một lời khen tối thượng, nếu không cố ý, thì những kẻ thù của hệ thống các doanh nghiệp tư nhân nghĩ rằng họ đủ thông thái để xứng đáng với với cái nhãn mác mà họ đang đeo”. Joseph Schumpeter, History of Economic Analysis (New York: NXB Đại học Oxford, 1974), tr. 394. Xem thêm George H. Smith, The System of Liberty: Themes in the History of Classical Liberalism (Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 2013), đặc biệt là chương 1, “Liberalism, Old an New”. Lịch sử của từ “liberalism” được mô tả trong cuốn Guillaume de Bertier de Saugigny, “Le Libéralism. Aux orgines d’un mot”, Commentaire, số 7 (Autumn), tr. 420-24, tr. 420, có thể tải xuống tại http://www.commentaire.fr/pdf/articles/1979-3-007/1979-3-007.pdf http://www.commentaire.fr/pdf/articles/1979-3-007/1979-3-007.pdf.

(7) John Locke, Two Treatises of Government, do Peter Laslett biên tập (Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 1988), II, chương VI, mục 57, tr. 507.

(8) Để có một cái nhìn tổng quan, xem The English Levellers, do Andrew Sharp biên tập (Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 1998).

(9) “Mỗi cá nhân trong tự nhiên có được quyền sở hữu tài sản của mình mà không bị xâm lược hay bị chiếm đoạt bởi bất kỳ ai khác. Đối với mỗi người, vì người đó là chính bản thân mình nên người đó sẽ tự có hành động thích đáng, nếu không anh ta không còn là mình nữa; điều này là không có ngoại lệ khi việc tước đoạt tài sản của người khác là vi phạm một cách hiển nhiên những nguyên tắc tự nhiên và các quy tắc về công bằng và công lý giữa con người với con người. Tài sản của tôi là của tôi, còn của bạn là của bạn. Không người nào có quyền chà đạp lên quyền và tự do của tôi, và tôi cũng không có quyền chà đạp lên quyền và tự do của người khác. Tôi là một cá thể, mà chỉ có thể có các quyền đối với bản thân mình và tài sản của mình, ngoài ra không có quyền gì hơn thế; nếu tôi có quyền đối với những thứ vượt khỏi bản thân mình, thì tôi là một kẻ xâm lược và đứng trên người khác – điều mà tôi không có quyền. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng như nhau như quyền được tự do và tự quyết; và bởi bàn tay của Tạo hóa đã mang chúng ta đến với thế giới này, mỗi người sinh ra đã có quyền tự do và tự quyết – như nó đã có sẵn ở trong trái tim của mỗi người, không bao giờ có thể biến mất – ngay cả khi chúng ta sống, mọi người đều bình đẳng như nhau trong quyền thừa kế và các đặc quyền của mình; thậm chí ngay cả khi tất cả thuộc về Chúa Trời thì Ngài cũng đã làm cho nguời ta được tự do”. Richard Overton, “An Arrow against All Tyrants and Tyranny”, trong cuốn The English Levellers, do Andrew Sharp biên tập, tr. 55.

(10) Xem cuộc thảo luận về “catallaxy” hay là “trật tự thị trường”, F.A. Hayek, Law, Legislation, and Liberty, Tập 2, The Mirage of Social Justice (Chicago: NXB Đại học Chicago, 1978) tr. 108, trích dẫn bởi Liddell và Scott, A Greek – English Dictionary (Từ điển Anh – Hy Lạp).

(11) Frédéric Bastiat, “To the Youth of France”, trong cuốn Economic Harmonies, dịch bởi W. Hayden Boyers (Irvington-on-Hudson: Nền tảng cho giáo dục kinh tế, 1964), tr. xxiv.

(12) Frédéric Bastiat, sđd., tr. xxv.

Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 8, Jameson Books, Inc., 2014

 

 

Dịch giả:
Chu Diệu Hiền
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.