Liệu rằng người tiêu dùng phi lý tính có biện minh cho cuộc chiến chống ma túy?

Liệu rằng người tiêu dùng phi lý tính có biện minh cho cuộc chiến chống ma túy?

Liệu rằng người tiêu dùng phi lý tính có biện minh cho cuộc chiến chống ma túy?

Nếu quả thực thỉnh thoảng con người hành động một cách phi lý tính, hoặc một số người có thói quen hành động phi lý tính, liệu rằng có nên để nhà nước kiểm soát sự tự do lựa chọn của họ? Những hậu quả của việc cấm đoán các chất kích thích như rượu, narcotic và nicotin là gì? Tội ác gây ra bởi việc người ta sử dụng ma túy hay do bản thân việc cấm ma túy? Việc cấm đoán sẽ gây ra những hậu quả gì về sức khỏe đối với cả người lý tính và người phi lý tính? Jeffrey Miron là giảng viên cao cấp và là Giám đốc chương trình bậc đại học tại Khoa Kinh tế, Đại học Harvard đồng thời là Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Viện Cato.

Liệu có khi nào hình thức nhà nước kiểm soát sẽ tốt hơn cơ chế để cho các cá nhân tự kiểm soát những hành động của mình?

Trong mô hình người tiêu dùng lý tính, câu trả lời là không bao giờ. Lý thuyết này giả định rằng người tiêu dùng biết sở thích của riêng họ, nắm giữ mọi thông tin liên quan, xử lý những thông tin này một cách đúng đắn và đưa ra những quyết định nhất quán theo thời gian. Vì thế, sự can thiệp của chính phủ vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân, nói cách khác là sự kiểm soát của nhà nước thay thế cho sự tự kiểm soát, có thể phương hại đến các cá nhân bởi vì chỉ có họ mới có thể đưa ra quyết định tối ưu cho bản thân mình.

Mô hình con người lý tính đã xuất hiện từ lâu. Nhiều nhà kinh tế vẫn coi mô hình này như một cách tiếp cận hữu dụng để trả lời những câu hỏi thực chứng và chuẩn tắc. Tuy nhiên, có những nhà kinh tế khác và những người không phải là nhà kinh tế lại tin rằng con người không hoàn toàn lý tính. Cách đánh giá khác biệt này của họ là kết quả của sự quan sát hành vi thông thường của con người và qua nghiên cứu thực nghiệm trong kinh tế học hành vi và tâm lý học, điều này dường như thách thức lại mô hình con người lý tính.

Nếu người tiêu dùng không hoàn toàn lý tính, khó có thể thuyết phục rằng tự kiểm soát sẽ tốt hơn nhà nước kiểm soát. Sự can thiệp từ chính phủ sẽ không tự động làm giảm phúc lợi của người tiêu dùng phi lý tính, bởi vì những người này có thể đưa ra những quyết định kém tối ưu cho bản thân mình.

Tuy nhiên, tôi cho rằng tính chất phi lý tính trong hành động của người tiêu dùng củng cố, thay vì làm suy yếu luận điểm rằng nên để người tiêu dùng tự kiểm soát hành động của họ. Tôi đưa ra lập luận đó dựa trên bối cảnh "Cuộc chiến chống ma túy" của chính phủ Hoa Kỳ - những nỗ lực kéo dài hàng thế kỷ nhằm loại trừ cần sa, cocain, heroin và các chất kích thích hay gây nghiện khác. Nếu người tiêu dùng đã cân nhắc đầy đủ lợi ích và chi phí của việc sử dụng ma túy, lệnh cấm sẽ khiến họ trở nên tệ hơn. Nhưng nếu người tiêu dùng không nhất thiết lúc nào cũng hành động lý tính thì sao, lệnh cấm liệu có thể ngăn họ đưa ra những quyết định sai lầm nếu việc sử dụng ma túy là không thực sự cần thiết, và vì thế sự cấm đoán có vẻ như đáng được cân nhắc.

Mặc dù vậy, tôi vẫn sẽ chứng minh rằng, "Cuộc chiến chống ma túy" là một chiến dịch kém hiệu quả - thật vậy, thậm chí nó còn tệ hại hơn nếu có một số người tiêu dùng hành động phi lý tính. Sự cấm đoán có thể ngăn chặn một số hành vi sử dụng ma túy không tỉnh táo, nhưng hậu quả về mặt tổng thể của nó có thể gây hại cho những người tiêu dùng hành động phi lý tính nhiều hơn cả những người lý tính. Đối với vấn đề sử dụng ma túy, việc để cho cá nhân tự kiểm soát có thể không phải là giải pháp hoàn hảo, nhưng nếu để cho nhà nước kiểm soát thì mọi chuyện chắc chắn sẽ tệ hơn.

Khung lý thuyết cho cuộc tranh luận về "Cuộc chiến chống ma túy"

Trước khi bàn luận tính chất phi lý tính trong hành vi người tiêu dùng ảnh hưởng đến việc lựa chọn giữa hình thức cấm đoán hay hình thức hợp pháp hóa ma túy như thế nào, tôi sẽ trình bày những điều mà các nhà kinh tế gọi là phân tích thực chứng về sự cấm đoán, nghĩa là mô tả những tác động của sự cấm đoán mà không đề cập rằng liệu nó có thực sự cần thiết về tổng thể hay không.

Sự cấm đoán không thể triệt tiêu hoàn toàn việc buôn bán ma túy. Bằng chứng từ những nghiên cứu về ma túy, rượu, cờ bạc, mại dâm và nhiều hàng hóa và dịch vụ tương tự khác, đều cho thấy rằng: thị trường buôn bán các chất cấm và dịch vụ phi pháp vẫn được duy trì, cho dù lệnh cấm được ban bố và thực thi quyết liệt. Thay vì loại bỏ được thị trường ma túy, sự cấm đoán sẽ làm phát sinh thị trường giao dịch ma túy ngầm.

Tuy nhiên, hình thức cấm đoán có thể làm giảm tỷ lệ sử dụng ma túy một cách tương đối so với hình thức hợp pháp hóa. Về phía cầu, lệnh cấm áp đặt những hình phạt cho việc tàng trữ ma túy, và một số người có thể vì thế mà kiêng thuốc do phải "tuân thủ pháp luật". Những người khác cũng phải tránh tiêu thụ vì họ sợ bị bắt quả tang hay bị trừng phạt. Về phía cung, lệnh cấm làm tăng chi phí sản xuất và phân phối, bởi vì các nhà cung cấp sẽ phải đầu tư vào các thủ đoạn nhằm tránh bị các cơ quan thực thi pháp luật phát giác; điều này đồng nghĩa với việc mức giá sẽ cao hơn và có ít người tiêu thụ hơn. Mặc dù vậy, tác động ròng từ phía cung và phía cầu không phải là lớn. Sự cấm đoán có thể kích cầu bằng cách tạo ra hiệu ứng “trái cấm” cho ma túy, vì một số người dường như có suy nghĩ rằng: nếu nó bị cấm thì nó chắc phải thuộc hàng cực phẩm. Bởi vì hoạt động bí mật, các nhà cung cấp trên thị trường chợ đen sẽ gánh chí phí thấp hơn nhờ việc trốn thuế và lách luật, điều này bù đắp những chi phí phát sinh do việc phải hoạt động ngầm mà sự cấm đoán gây ra. Bên cạnh đó, sự khác biệt trong năng lực quảng cáo của người bán ma túy, lợi nhuận từ quảng cáo và mức độ quyền lực thị trường khi lệnh cấm được ban hành so với hình thức hợp pháp hóa, cũng có thể hạn chế tác động của sự cấm đoán lên việc sử dụng.

Những bằng chứng hiện nay thực sự chỉ ra rằng mức độ tác động của sự cấm đoán đến lượng tiêu dùng ma túy là khiêm tốn. Tác động này được kiểm chứng qua nhiều loại chất gây nghiện và các loại đồ uống có cồn khác nhau, với các quốc gia và trong những giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, bằng chứng này là chưa đầy đủ, do có rất ít xã hội chuyển dịch từ hình thức cấm đoán sang hình thức hợp pháp hóa hoàn toàn, dù nhiều nơi đã giảm lệnh cấm đi đáng kể. Sự tiết chế chính sách cấm đoán này có mối quan hệ rất nhỏ, hoặc gần như không phát hiện được, với mức tăng lượng sử dụng chất gây nghiện. Ngoài ra, không kể đến sự tác động [khiêm tốn] lên tiêu dùng, sự cấm đoán còn có những tác động khác ngoài dự tính.

Sự cấm đoán làm gia tăng tội phạm bạo lực. Những người tham gia thị trường hợp pháp giải quyết mâu thuẫn thông qua tòa án và các cơ chế phi bạo lực có liên quan. Thay vào đó, những người tham gia thị trường chợ đen sử dụng vũ lực, vì nếu khiếu nại với chính quyền họ có thể bị bại lộ danh tính và các hoạt động của mình, đồng thời tòa án coi các hợp đồng dính líu đến hàng hóa phi pháp là vô hiệu. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp hợp pháp cạnh tranh để chiếm thị phần thông qua quảng cáo, trong khi nhà cung cấp trên thị trường chợ đen dựa trên tranh giành lẫn nhau bằng vũ lực.

Các chứng cứ về cơ bản xác nhận rằng sự cấm đoán tạo ra bạo lực. Tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trở nên phổ biến trên thị trường giao dịch ma túy và mại dâm, như nó đã từng xảy ra với thị trường cờ bạc trước khi xổ sổ nhà nước và cờ bạc hợp pháp thịnh hành trong những thập kỷ qua. Vào thế kỷ trước, bạo lực đã gia tăng và suy giảm cùng với hiệu lực của các lệnh cấm ma túy và đồ uống có cồn, như minh họa trong hình 1. Bạo lực gia tăng đặc biệt ở các quốc gia trồng và vận chuyển các loại thuốc phiện bất hợp pháp như cocain và heroin.

Hình 1. Chi tiêu cho thực thi lệnh cấm trên đầu người và tỷ lệ giết người trong giai đoạn từ 10 đến 2006

Nguồn: Tỉ lệ giết người từ FBI UCR (trong nhiều năm). Chi tiêu cho việc thực thi lệnh cấm được phỏng đoán dựa trên Miron (19) với dữ liệu từ Ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ (trong nhiều năm).

Sự cấm đoán cũng dung túng cho những hành vi tạo ra thu nhập phi pháp như trộm cắp hay mại dâm, bởi vì sự cấm đoán làm giá ma túy tăng, đồng nghĩa với việc người sử dụng cần thêm thu nhập để mua được chúng. Sự cấm đoán chuyển hướng các nguồn lực thực thi hình sự dành cho việc ngăn cản mọi loại tội phạm khác [sang việc tập trung vào ngăn cản tội phạm ma túy].

Kết luận này, tức sự cấm đoán tạo ra tội phạm, đối lập với khẳng định trước đó của những người ủng hộ việc cấm đoán, cho rằng sử dụng ma túy gây ra tội phạm. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng xác nhận quan điểm cho rằng sử dụng ma túy một lần sẽ thúc đẩy các hành vi bạo lực hay các hành vi phạm tội khác.

Sự cấm đoán cũng khiến cho chất lượng sản phẩm và mức độ tín nhiệm giảm xuống. Trên thị trường hợp pháp, người tiêu dùng mua phải hàng hóa bị lỗi có thể xử lý nhà cung cấp thông qua khiếu nại pháp lý, tố cáo công khai, tránh mua trở lại hoặc khiếu kiện với các nhóm giám sát của tư nhân hay chính phủ. Tại thị trường chợ đen, các cơ chế này không tồn tại hoặc vô hiệu, vì vậy sự cấm đoán có thể gây ra tình trạng dùng thuốc quá liều hoặc ngộ độc không lường trước được. Việc cấm rượu ở Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình với sự gia tăng đột biến các ca tử vong vì rượu giả như Hình 2. Tương tự, người sử dụng cần sa trở nên ốm yếu hơn vào những năm 10 sau khi chính phủ Mỹ phun thuốc diệt cỏ có độc tố cực mạnh trên những cánh đồng cần sa Mexico nhưng cần sa vẫn được thu hoạch và chuyển đến tay người tiêu dùng Mỹ.

Hình 2. Lượng rượu nguyên chất tiêu thụ trên đầu người.
Tính bằng gallon (1 gallon = 3,7 lít)

Đồ thị mô tả mức tiêu thụ rượu trên đầu người trong những năm không có lệnh cấm cùng với mức tiêu thụ rượu ước tính bình quân đầu người trong tất cả các năm. Đây là kết quả của việc hồi quy tuyến tính mỗi chuỗi biến số đại diện (tỷ lệ tử vong do xơ gan, tử vong do nghiện rượu, người say rượu bị bắt giữ, người bị tấm thần do rượu) và mức tiêu thụ rượu thực tế đầu người. Dữ liệu được mô tả là mức tiêu thụ rượu đầu người trong tất cả các năm được tính toán bằng cách nghịch đảo giá trị hồi quy ước lượng cho mức tiêu thụ rượu trong những năm có lệnh cấm dựa trên chuỗi đại diện và mối quan hệ của nó với mức tiêu thụ rượu. Quy trình ước lượng và nghịch đảo này chuyển đổi đơn vị của mỗi chuỗi biến số đại diện thành đơn vị thể tích của mức tiêu thụ rượu theo đầu người (gallons).

Sự cấm đoán còn gây ra tham nhũng. Trên thị trường hợp pháp, người tham gia có ít động cơ hối lộ cơ quan thi hành pháp luật, và họ có những cơ chế hợp pháp như vận động hành lang hoặc chiến dịch đóng góp cho các nhà chính trị có tầm ảnh hưởng. Với thị trường chợ đen, người tham gia lẩn trốn việc thực thi pháp luật, hoặc trả tiền để đối phó với việc này. Tương tự như vậy, các phương pháp vận động hành lang chuẩn mực trở nên khó khăn hơn.

Không những thế, sự cấm đoán còn làm giàu cho những kẻ sẵn sàng vi phạm pháp luật. Trên thị trường hợp pháp, thu nhập từ việc sản xuất và kinh doanh ma túy bị đánh thuế, và phần thuế thu được này sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người bởi vì nó làm giảm các loại thuế khác hoặc làm gia tăng chi tiêu chính phủ. Trong khi đó, trên thị trường chợ đen, người bán chiếm giữ được khoản thu này như là lợi nhuận của họ. Có những ước tính cho thấy liên bang, nhà nước và chính quyền địa phương có thể thu được khoảng 50 tỷ đô la mỗi năm từ việc hợp pháp hóa ma túy.

Ngoài ra, sự cấm đoán cũng gây ra những hậu quả bất lợi khác. Tội phạm ma túy liên quan đến việc trao đổi lợi ích giữa các bên nên những người tham gia không tố giác nhau với cảnh sát. Vì vậy, cơ quan điều tra buộc phải hành động bằng các biện pháp như giả danh người mua rồi bắt giữ, tịch thu tài sản, lục soát bất ngờ, kiểm tra đột xuất, phân loại chủng tộc, trong khi tất cả những điều này là không chấp nhận được trong một xã hội tự do dân chủ.  Nhìn chung, cuộc chiến ma túy thúc đẩy hàng loạt hành động thực thi pháp luật xâm hại tính riêng tư, chẳng hạn như các vụ nghe lén cuộc gọi (Xem hình 3). Do lệnh cấm, nhiều chính quyền tiểu bang đã cấm buôn bán tự do những ống tiêm sạch, điều này làm gia tăng tình trạng dùng chung kim tiêm và do đó tạo điều kiện cho sự lây lan HIV và các bệnh đường máu khác.  

Wire Taps 2014 (Toàn nước Mỹ)

Trộm cắp và cướp               21
Bắt cóc tống tiền                        4

Giết người & Hành hung     135

Cờ bạc                          13

Tham nhũng                 16

Khác                            

Gian lận                        72

Thuốc phiện                 3,170

 

Tổng cộng (vụ)                           3,524

Hình 3. Các hành vi phạm tội chủ yếu được điều tra thông qua nghe trộm cuộc gọi thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền [Wiretaps] , 2014

Nguồn: uscourts.gov

Do lệnh cấm, cần sa bị kiểm soát chặt chẽ hơn cả morphin và cocain và không được sử dụng cho mục đích y tế. Tương tự, các bác sĩ phải đối mặt với việc bị tước giấy phép hành nghề hoặc thậm chí là bị bắt giam do kê đơn thuốc với mức thuốc tê quá liều trong điều trị cơn đau mãn tính. Việc thực thi lệnh cấm đồng nghĩa rằng chính sách đối ngoại và các cuộc đàm phán thương mại tự do sẽ gắn liền với những quy định về ma túy. Việc không tuân thủ nghiêm ngặt các lệnh cấm, mặc dù được thi hành một cách quyết liệt, làm cho cả người sử dụng và người không sử dụng đều tin rằng luật lệ chỉ áp dụng cho những kẻ non nớt, và việc này làm xói mòn tinh thần tuân thủ tự nguyện, điều thiết yếu của một xã hội tự do. Bên cạnh đó, chi phí cho cảnh sát, tòa án, công tố viên và nhà tù để thực thi lệnh cấm, tính trên tất cả các cấp chính phủ, tổng cộng khoảng 50 tỷ đô la mỗi năm tại Hoa Kỳ.

Tóm lại, hình thức cấm đoán có thể làm giảm lượng sử dụng ma túy so với hình thức hợp pháp hóa. Tuy nhiên cho dù sự giảm thiểu này ít hay nhiều, sự cấm đoán còn gây ra nhiều tác động khác, bao gồm gia tăng tội phạm, suy giảm sức khỏe, thúc đẩy tham nhũng, thu hẹp tự do dân sự, gây thất thu thuế thu nhập và tăng đáng kể chi tiêu chính phủ.

Liệu cấm đoán có phải là chính sách phù hợp?

Với nền tảng phân tích thực chứng ở trên, tôi đặt ra câu hỏi rằng ban hành lệnh cấm có phải là một chính sách hữu hiệu hay không? Các nhà kinh tế gọi điều này là phân tích chuẩn tắc: liệu rằng hình thức cấm đoán có phù hợp hơn là hình thức hợp pháp hóa hay không, cần phân tích thực chứng cụ thể sự khác nhau giữa hai chính sách này.

Các phân tích thực chứng chỉ ra rằng hầu hết tác động của sự cấm đoán là không như mong muốn, ngoại trừ việc lệnh cấm có chăng làm giảm lượng sử dụng ma túy. Vì vậy, phân tích so sánh hình thức cấm đoán với hình thức hợp pháp hóa dường như trở thành phân tích cách thức chính sách này tác động đến tiềm năng cắt giảm tiêu thụ ma túy và xem xét tính chất lý tính trong quyết định của người sử dụng ma túy. Thực tế là kết luận chuẩn tắc đúng đắn không phụ thuộc vào việc người tiêu dùng có hành động lý tính hay không.

Nếu tất cả người tiêu dùng được giả định là hoàn toàn lý tính, khi đó phân tích chuẩn tắc về việc cấm ma túy là vô giá trị.  Trong trường hợp này, tác động của sự cấm đoán đều không đáng mong muốn, bởi vì bất cứ sự cắt giảm nào trong sử dụng đều gây ra phí tổn, chứ không phải là ích lợi từ lệnh cấm. Cụ thể là, khi một người hành động hoàn toàn lý tính, việc họ sử dụng ma túy với mục đích là tác động thần kinh, hay vì các đặc tính của thuốc, hoặc để trông thật ngầu đi chăng nữa đều không quan trọng, vấn đề là họ chủ động chọn sử dụng ma túy. Tương tự, cũng với quan điểm này, dù cho sử dụng ma túy có thể gây nghiện, hoặc là có tác động xấu đến sức khỏe và năng suất thì cũng chỉ là vô nghĩa nếu con người lý tính chấp nhận những rủi ro này vì họ đã nhận thức rằng họ hưởng lợi ích nhiều hơn là chi phí.

Từ lâu người ta đã tin rằng mô hình lý tính về tiêu dùng là không phù hợp với nhiều hành vi quan sát được trong việc tiêu thụ ma túy, chẳng hạn như nghiện ngập, cai nghiện, tái phát và các hành vi tương tự khác. Tuy nhiên, nghiên cứu lý thuyết của Gary Becker và Kenvin Murphy chỉ ra rằng mô hình lý tính vẫn có khả năng giải thích các hiện tượng đặc biệt này, và nghiên cứu thực nghiệm đã có một số thành công nhất định trong việc khớp nối mô hình và dữ liệu.  Nghiên cứu đó không chứng minh rằng mô hình lý tính có thể mô tả tất cả các hành vi tiêu dùng ma túy, nhưng nó làm suy yếu tiền giả định rằng sử dụng ma túy là hành động phi lý tính. Nói cách khác, khó có thể phủ nhận rẳng ít nhất là có một số hành vi sử dụng ma túy tương thích với mô hình lý tính. Thực tế, nhiều người thừa nhận rằng họ cảm thấy thích cảm giác thỏa mãn khi sử dụng cần sa, một số người khác đánh giá cao việc giảm đau đớn và trấn an tinh thần của thuốc gây mê (gồm ma túy hoặc các loại có nguồn gốc từ ma túy), còn một số khác lại ưa chuộng sự kích thích của cocain cũng như của cafein. Vì vậy, ít nhất có một số hành vi sử dụng ma túy rõ ràng là hành động lý tính, hàm ý rằng lệnh cấm làm giảm tiêu dùng là chi phí trong trường hợp này.

Trong trường hợp một số người tiêu dùng có các quyết định phi lý tính về sử dụng ma túy, sự cấm đoán có thể tạo ra lợi ích là ngăn chặn họ sử dụng ma túy. Trong khi tác hại của việc sử dụng ma túy thường được cường điệu hóa, thì nhiều quyết định sử dụng ma túy thực sự là không khôn ngoan.  Điều đó có thể xảy ra với bất kỳ hàng hóa nào, nhưng đối với những hàng hóa tiềm tàng khả năng gây nghiện, mang mầm mống rủi ro sức khỏe không thể coi thường thì rủi ro còn lớn hơn. Chẳng hạn, những người tiêu dùng với suy nghĩ thiển cận có thể lờ đi việc họ có nguy cơ mắc nghiện hoặc đánh giá thấp những rủi ro về sức khỏe. Một chính sách ngăn cấm những người tiêu dùng thử dùng ma túy như thế nhìn chung sẽ giúp ích cho họ.

Lập luận này về việc cấm đoán lúc đầu nghe có vẻ hợp lý, song lại bộc lộ những thiếu sót trầm trọng khi được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Ngay cả khi hiện tượng hành động phi lý tính là phổ biến và chính sách cấm đoán có thể ngăn chặn được những hành động sử dụng ma túy phi lí tính này, vấn đề đặt ra cho bất kỳ chính sách được đề xuất nào không chỉ là liệu nó có tạo ra ích lợi hay không mà còn là liệu rằng những lợi ích đó có vượt quá những chi phí để thực hiện chính sách. Vì vậy bất kỳ lợi ích nào từ lệnh cấm làm giảm tiêu dùng đối với hành động sử dụng ma túy phi lý tính cần phải được cân nhắc so với những chi phí khi thực hiện chính sách để đạt được sự cắt giảm đó. Một chi phí lớn tiềm tàng là mức độ giảm việc sử dụng ma túy lý tính, ngoài ra còn có nhiều chi phí khác.

Các bằng chứng nhấn mạnh rằng sự cấm đoán có rất nhiều tác động phụ bất lợi, chẳng hạn làm gia tăng tội phạm và tham nhũng, tạo điều kiện lây lan HIV, làm suy giảm tự do dân sự, gây thất thu thuế hay các chi phí trực tiếp đáng kể cho cảnh sát, thẩm phán, công tố viên và nhà tù. Hơn nữa, sự cấm đoán có vẻ như không có tác động đáng kể nào đến việc đẩy lùi sử dụng ma túy. Và mặc dù không có sẵn dữ liệu chính xác, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng người sử dụng lý tính dường như bị ngăn cản bởi lệnh cấm, trong khi người tiêu dùng phi lý tính lại bỏ qua những lệnh cấm này. Vì vậy nếu nói ích lợi từ sự cấm đoán có thể lớn hơn chi phí của nó là không thuyết phục. Ngay cả khi sự cấm đoán làm giảm việc sử dụng ma túy phi lý tính, thì đây vẫn là sự lựa chọn kém khôn ngoan nhất trong số các chính sách.

Ngoài những quan ngại trên, những tác hại từ việc sử dụng ma túy không chỉ thường xuyên bị phóng đại mà thực chất còn không khác biệt nhiều lắm so với những sản phẩm hợp pháp khác như rượu, thuốc lá và chất béo bão hòa .v.v; nhiều chất hợp pháp hiện nay lại có tác dụng phụ lâu dài, có thể gây ra bệnh nặng hoặc thậm chí là tử vong (chẳng hạn như xơ gan, ung thư phổi, khí thũng, bệnh tim). Tuy nhiên, việc cấm sử dụng cần sa, heroin, cocain và các loại ma túy bất hợp pháp khác có nghĩa là những hàng hóa này "xấu xa" đến mức không thể dung thứ trong khi các hàng hoá hợp pháp như rượu và thuốc lá dù sao cũng có thể nhân nhượng. Hơn nữa, sự giảm thiểu lượng sử dụng ma túy phi lý tính như là hệ quả của chính sách có thể dẫn đến sự thay thế bởi các hàng hoá hợp pháp mà ảnh hưởng của chúng là tương tự hoặc thậm chí có hại hơn.

Có lẽ hậu quả nghiêm trọng nhất là, sự cấm đoán dường như gây hại cho người tiêu dùng phi lý tính nhiều hơn cả người tiêu dùng lý tính, cho dù những người phi lý tính này tiêu dùng theo cách nào chăng nữa. Cấm đoán gần như đồng nghĩa với việc đẩy những người sử dụng này đến các khu vực nguy hiểm và giao dịch với những tên tội phạm có khả năng gây thương tích cho họ. Sự cấm đoán làm cho người sử dụng đối mặt với không chỉ rủi ro sức khỏe mà với cả nguy cơ bị bắt giữ, bị tịch thu giấy phép chuyên môn, mất khả năng vay vốn sinh viên, và nhiều hơn thế nữa. Sự cấm đoán làm cho người sử dụng gặp khó khăn trong việc đánh giá chất lượng thuốc mà họ mua, vì trong thị trường giao dịch ngầm, người tiêu dùng không thể kiện người bán hay nhà sản xuất nếu hàng hóa bị lỗi, hoặc khiếu nại với các tổ chức giám sát của chính phủ, hoặc làm bạn hàng với bên bán có danh tiếng và chất lượng, hoặc tố cáo công khai các nhà cung cấp sản phẩm giả mạo, gán sai nhãn mác. Do đó, việc cấm sử dụng làm tăng tình trạng dùng thuốc quá liều hoặc ngộ độc thần kinh. Sự cấm đoán làm gia tăng chi phí sản xuất và tiêu thụ, dẫn đến giá ma túy tăng, vì thế người sử dụng có nguy cơ tiêu dùng qua những hình thức không an toàn như dùng chung kim tiêm, dẫn đến khả năng lây nhiễm HIV và viêm gan cao.

Mặc dù những ảnh hưởng tiêu cực của sự cấm đoán gây hại cho cả người tiêu dùng lý tính và phi lý tính, người hành động lý tính hầu như nhận ra các rủi ro và điều chỉnh hành vi của họ để giảm thiểu những tác động bất lợi nhiều hơn. Nhằm giảm thiểu nguy cơ bị bắt giữ, người sử dụng lý tính sẽ tự trồng cần sa hoặc mua ma túy từ các nhà cung cấp thân quen. Nhằm tránh nguy cơ về tạp chất, người tiêu dùng lý tính sẽ mua từ các nhà cung cấp uy tín, hay chỉ thử những liều nhỏ ban đầu, hoặc nói không với các loại ma túy bất hợp pháp và thay thế chúng bằng cách dùng loại rượu đáng tin cậy hay các loại hàng hóa hợp pháp hiện có. Người tiêu dùng lý tính từ chối dùng chung kim tiêm, họ có thể truyền vào cơ thể qua các phương pháp khác, sử dụng các loại ma túy thay thế, hoặc tìm cách có được ống tiêm sạch bằng cách kết hợp giữa thị trường hợp pháp và phi pháp.

Sự cấm đoán cũng có thể gây hại cho người tiêu dùng phi lý tính khi tăng sức "quyến rũ" của ma túy trong mắt những người còn quá trẻ, ngây ngô, thiếu sáng suốt và thiếu thận trọng, không cân nhắc những hậu quả lâu dài. Trong khi đó, điều này thường khó xảy ra đối với những người lý tính. Càng bị cấm đoán, phần thưởng cho việc buôn bán ma túy càng cao, song điều đó chỉ đơn thuần bù đắp cho những nguy cơ cao về thương tích, tử vong và bị bắt giam. Những người hành động lý tính hiểu điều đó và họ sẽ chỉ chấp nhận rủi ro như vậy khi khoản đền bù này bằng với lợi ích có thể nhận được trong các ngành khác. Mặt khác, những thanh thiếu niên thiển cận thường hoa mắt với số tiền thu được nhất thời, do đó họ tự đẩy mình vào nguy cơ tử vong hoặc ngồi sau song sắt. Sự cấm đoán làm cho các bậc cha mẹ ít duy lý nghĩ rằng các chính sách là đủ để ngăn cấm thanh thiếu niên sử dụng ma túy; trong khi đó, các bậc cha mẹ duy lý nhìn nhận rằng lệnh cấm chỉ có những ảnh hưởng nhỏ, do đó họ vẫn phải can thiệp để bảo vệ con cái mình tránh khỏi những lựa chọn dại khờ và những hệ lụy kèm theo. Như vậy, mặc dù sự cấm đoán có thể ngăn cản một số người tiêu dùng ma túy ngay từ đầu, nhưng lại gây nguy hiểm và tai hại hơn đối với những người vẫn cố tình sử dụng cho dù bị cấm, và những ảnh hưởng tiêu cực đó còn tồi tệ hơn nhiều nếu người tiêu dùng hành động phi lý tính. Và bởi vì tác động tổng thể của sự cấm đoán đến việc sử dụng có vẻ khiêm tốn, nên lợi ích từ việc giảm thiểu hành vi sử dụng phi lý tính khó có thể lớn hơn đáng kể so với những tác động tiêu cực gia tăng đối với những người sử dụng.

Kết luận

Khi so sánh giữa cơ chế tự kiểm soát với cơ chế nhà nước kiểm soát, những kết luận thu được có thể áp dụng một cách rộng rãi. Trong nhiều bối cảnh, người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định chưa đúng đắn, nhưng sự kiểm soát của nhà nước là một công cụ kém hiệu quả để cải thiện những quyết định này. Người tiêu dùng lý tính hiểu được ý nghĩa của các chính sách của chính phủ và do đó có thể điều chỉnh hành vi của mình để điều tiết các tác động. Tuy nhiên, người tiêu dùng phi lý tính có thể phản ứng bằng những cách mà làm cho hành động phi lý tính của họ trở nên càng tai hại. Sự tự kiểm soát không phải lúc nào cũng là giải pháp hoàn hảo; không có gì đảm bảo chắc chắn rằng tất cả các cá nhân đưa ra quyết định đúng đắn ở mọi thời điểm. Nhưng thay thế sự tự kiểm soát bằng sự kiểm soát của nhà nước thường mang lại hậu quả còn trầm trọng hơn nhiều; cách tiếp cận này áp đặt các lựa chọn không tối ưu đối với các cá nhân lý tính và tạo ra các động cơ sai lầm nguy hại đến chính những cá nhân hành động phi lý tính mà nhà nước kiểm soát đang cố gắng bảo vệ.

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Dịch giả:
Phạm Thúy Hồng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.