[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 2: Dân chủ đi về đâu (Phần 1)

[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 2: Dân chủ đi về đâu (Phần 1)

DÂN CHỦ ĐI VỀ ĐÂU1

I.

Đối với tôi, khái niệm dân chủ mang một nghĩa - tôi tin rằng đó là cái nghĩa đúng và nguyên gốc - rất cao quý, xứng đáng để tôi tranh đấu. Dân chủ đã chứng tỏ rằng, nó không phải là một công cụ bảo vệ chắc chắn chống lại sự chuyên chế và độc tài như từng được hi vọng. Tuy nhiên, với vai trò như là một công ước cho phép bất kì đa số nào cũng có quyền loại bỏ một chính phủ mà mình không ưa, dân chủ có một giá trị không thể đo đếm được.

Vì lí do đó, tôi rất lo ngại khi những người có suy nghĩ thấu đáo ngày càng mất đi niềm tin vào dân chủ. Giờ đây, điều này không thể xem thường. Nó đang trở nên nghiêm trọng đơn giản là do - và có lẽ một phần bởi vì - chữ dân chủ kì diệu đã trở nên quá mạnh đến nỗi phá bung tất cả các hạn chế truyền thống áp đặt lên quyền lực chính quyền (governmental power). Đôi khi, có vẻ cứ như thể là, những đòi hỏi đang được đưa ra dồn dập ở khắp mọi nơi ngày nay dưới cái mác dân chủ đã khiến cho ngay cả những người có lí trí và công tâm phải e ngại rằng một phê phán gay gắt đúng nghĩa đối với dân chủ là một điều hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải là cái khái niệm cơ bản về dân chủ, mà là những nội dung thêm thắt được bổ sung theo tiến trình thời gian vào nghĩa nguyên gốc của một hình thức cụ thể về quy trình ra quyết định mới là điều giờ đây gây nguy hiểm cho niềm tin vào một nền dân chủ vốn có nội dung đã bị mở rộng quá nhiều. Thực ra, điều đang diễn ra cũng chính xác là điều mà một số người ở thế kỉ XIX đã thấu hiểu về dân chủ. Một phương pháp lành mạnh nhằm đạt tới những quyết định chính trị có thể được chấp nhận rộng rãi đã trở thành cái cớ để thực thi các mục tiêu về cơ bản là bình quân chủ nghĩa.

Sự xuất hiện của dân chủ trong thế kỉ trước đã tạo ra một sự thay đổi mang tính quyết định về phạm vi của các quyền lực chính quyền. Trong nhiều thế kỉ những nỗ lực đều hướng tới việc hạn chế các quyền lực của chính quyền; và sự phát triển dần dần của những bản hiến pháp không nhằm mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu này. Nhưng đột nhiên, người ta tin rằng việc kiểm soát chính quyền bởi những vị đại diện được bầu của phái đa số cho phép không cần phải có thêm bất kì sự kiểm soát nào khác đối với các quyền lực của chính quyền, đến nỗi tất cả những biện pháp bảo vệ mang tính hiến pháp này khác, vốn đã được hình thành theo thời gian, có thể được dỡ bỏ.

Như vậy, dân chủ không bị giới hạn đã hình thành - và chính cái dân chủ không bị giới hạn, chứ không phải là dân chủ thực thụ, mới là vấn nạn của ngày hôm nay. Tất cả các nền dân chủ mà ngày nay chúng ta biết đến ở phương Tây ít nhiều đều là dân chủ không bị giới hạn. Điều quan trọng mà chúng ta cần phải nhớ là, nếu như các thể chế đặc thù khác nhau của dân chủ không bị giới hạn mà chúng ta có ngày hôm nay cuối cùng rồi sẽ đi đến hồi thất bại, thì điều này không có nghĩa rằng bản thân dân chủ là sai lầm, mà chỉ chứng tỏ rằng chúng ta đã đi nhầm đường. Trong khi bản thân tôi tin rằng quyết định dân chủ về mọi vấn đề là đòi hỏi cần có sự đồng thuận chung, rằng một hành động nào đó của chính quyền là cần thiết, là một biện pháp không thể thiếu được để có sự thay đổi hòa bình, tôi cũng cảm thấy ghê tởm về một hình thức chính quyền mà ở đấy bất kì đa số tạm thời nào đều có thể ra quyết định, rằng bất cứ vấn đề gì mà họ thích thì cần phải được coi là “công việc chung” và chịu sự kiểm soát của chính quyền.

II.

Biện pháp có ảnh hưởng lớn nhất và quan trọng nhất nhằm giới hạn các quyền lực của dân chủ chính là nguyên tắc “phân quyền”, nhưng điều này đã bị xoá bỏ do sự trỗi dậy của một hội đồng đại diện đầy quyền lực. Rồi chúng ta sẽ thấy, gốc rễ của vấn nạn này nằm ở chỗ, cái gọi là “các cơ quan lập pháp” đã trở thành những cơ quan chính quyền có quyền lực vô hạn, mặc dù những cơ quan này được các nhà lí luận tiền bối (đặc biệt là John Locke) về chính thể đại nghị coi là chỉ có bổn phận làm luật theo nghĩa rất hẹp và cụ thể của từ này. Do đó, hình mẫu lí tưởng cổ điển về “Nguyên tắc Pháp trị” hay “Chính quyền đứng dưới Luật pháp đã bị phá bỏ. Nghị viện “toàn quyền” có thể làm bất cứ việc gì mà các vị dân biểu thuộc phe đa số thấy có lợi nhằm duy trì sự ủng hộ của đa số.

Nhưng thật là một trò đùa nguy hại nếu cứ gọi tất cả những gì mà các vị dân biểu thuộc phe đa số biểu quyết là “luật”, và coi tất cả các chỉ thị của họ là “chính quyền đứng dưới luật pháp” - bất kể chúng mang lại lợi ích hay làm thiệt hại cho một số nhóm cá nhân nào đó. Thực sự thì đó là chính quyền vô luật pháp. Đó chỉ là một trò chơi ngôn từ khi cho rằng, chừng nào đa số vẫn phê chuẩn hành động của chính quyền thì nguyên tắc pháp trị vẫn được giữ vững. Nguyên tắc pháp trị đã được coi là một biện pháp bảo vệ cho tự do cá nhân bởi lẽ nó đã có nghĩa là biện pháp cưỡng chế chỉ được phép dùng để buộc [mọi người] tuân thủ các quy định chung về cách hành xử cá nhân - các quy định được áp dụng bình đẳng đối với tất cả mọi người, cho một số lượng không biết trước các trường hợp trong tương lai.
đặt một cách độc đoán - tức là sự cưỡng chế được tiến hành bởi các vị đại diện được bầu thuộc phe đa số nhưng không theo bất cứ nguyên tắc nào - cũng không khác gì hành động độc đoán của bất cứ kẻ thống trị nào. Việc một kẻ đáng ghét nào đó có nên bị cho vào vạc dầu và bị phanh thây, hay tài sản của anh ta có nên bị tịch thu hay không, xét trên khía cạnh này đều như nhau. Mặc dù việc có một chính quyền dân chủ bị giới hạn được xem là có lí do xác đáng hơn một chính quyền phi dân chủ, nhưng phải thú nhận rằng, tôi muốn có một chính quyền phi dân chủ đứng dưới luật pháp hơn là một chính quyền dân chủ không bị giới hạn (và như vậy về cơ bản là một chính phủ vô luật). Chính quyền đứng dưới luật pháp đối với tôi có giá trị cao hơn và người ta từng hi vọng các cơ quan giám sát dân chủ sẽ giữ vững giá trị đó.

Thực ra tôi tin rằng, đề xuất về một cuộc cải cách dựa trên sự phê phán mà tôi trình bày dưới đây đối với những thể chế dân chủ hiện nay sẽ dẫn đến việc hiện thực hóa trung thực hơn ý kiến chung của đa số công dân so với những dàn xếp hiện nay nhằm làm hài lòng ý muốn của các nhóm lợi ích riêng lẻ cấu thành một đa số.

Đề xuất này không có nghĩa là yêu sách của các vị dân biểu dựa trên nguyên tắc dân chủ về việc phải có tiếng nói mang tính quyết định trong việc chỉ đạo chính quyền nên kém mạnh mẽ hơn so với yêu sách của họ trong việc quyết định hình hài của pháp luật. Bi kịch lớn theo tiến trình lịch sử là hai thứ quyền riêng rẽ này lại được đặt vào trong tay của cùng một hội đồng và do đó chính quyền không còn phục tùng luật pháp nữa. Yêu cầu trịch thượng của Nghị viện Anh về việc phải có toàn quyền, và nhờ vậy có thể cai trị mà không chịu sự ràng buộc của luật pháp, có thể là một minh chứng rằng, hồi chuông báo tử cho cả quyền tự do cá nhân lẫn dân chủ đã điểm.

Chú thích:

1. Bài thuyết trình tại Viện Các vấn đề Xã hội, New South Wales, Sydney, ngày 8 tháng 10 năm 1976. Đăng lại trong The Essence of Hayek, Chiaki Nishiyama và Kurt R. Leube biên soạn, Nhà xuất bản Hoover Institution, Standford, 1984.

Nguồn: Friedrich Hayek (2015). Tự do kinh tế và chính thể đại diện. Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Vi Yên dịch. 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh