.png)
Những thách thức kinh tế Việt Nam phải giải quyết trong kỷ nguyên vươn mình
Việt Nam có tham vọng vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 trong bối cảnh thế giới chuyển dịch nhanh chóng về công nghệ, kinh tế và chính trị. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải giải quyết đồng thời nhiều vấn đề có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Tăng trưởng cao phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô
Việt Nam đã ghi nhận những thành tựu kinh tế ấn tượng trong gần 40 năm qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giảm dần qua từng thập kỷ. Để có thể trở thành một quốc gia thu nhập cao trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam không còn cách nào khác là phải tạo ra được một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong một thời gian dài.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam không còn cách nào khác là phải cải thiện được mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế chứ không phải là kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn. Kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn bằng các giải pháp mở rộng cung tiền hoặc nới lỏng tài khóa sẽ dẫn đến một hệ quả khó tránh được là bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ diễn ra sau đó như lạm phát cao, đồng tiền mất giá, và mặt bằng lãi suất tăng. Để kéo kinh tế vĩ mô ổn định trở lại, không còn cách nào khác, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước sẽ phải áp dụng các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ. Khi đó, những dự án khởi động được nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng trước đó buộc phải dừng, dẫn đến lãng phí nguồn vốn, và làm chậm tốc độ phát triển những năm sau đó. Bài học phát triển kinh tế nóng vội giai đoạn sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 vẫn còn.
Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vì vậy cần phải luôn được ưu tiên ngay cả trong kỷ nguyên mới. Chỉ khi đó, những bất cập cản trở cải thiện mức tăng tưởng tiềm năng của nền kinh tế mới được bộc lộ. Chính phủ sẽ nhìn thấy được những điểm nghẽn cần cải phải cách để cải thiện năng suất, thu hút vốn đầu tư, giảm chi phí giao dịch, tinh gọn bộ máy nhà nước v.v. như chúng ta đã nhìn thấy trong hơn 10 năm qua.
Mở cửa thị trường vốn nhưng vẫn đảm bảo an ninh tài chính
Là một nước đang phát triển, để duy trì tăng trưởng tỷ lệ tăng trưởng cao và giữ vững ổn định vĩ mô, Việt Nam không thể trông đợi vào nguồn tiết kiệm trong nước mà buộc phải thu hút nguồn vốn từ nước ngoài.
Tư duy thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta từ trước tới nay vẫn là làm thế nào để tăng vốn chảy vào (qua các biện pháp khuyến khích) và giảm vốn chảy ra (qua các rào cản). Với cách tư duy này, chúng ta chỉ có thể thu hút được vốn thông qua các biện pháp ưu đãi (chủ yếu về đất đai và thuế). Trong khi đó, trong nền kinh tế thị trường, mấu chốt của việc dòng vốn nước ngoài có thực sự chảy vào và ở lại hay không là triển vọng phát triển của nền kinh tế. Nếu chúng ta tự tin là Việt Nam sẽ trở thành một nền kinh tế phát triển trong 15-20 năm nữa thì cần phải tạo ra một thị trường vốn hiện đại với ít rào cản nhất, nhưng vẫn đảm bảo an toàn nhất về quyền sở hữu, cho dòng vốn chuyển từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác, từ loại tài sản này sang loại tài sản khác, từ nước ngoài vào trong nước và từ trong nước ra nước ngoài.
Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, bất cứ nơi đâu tạo ra được cơ chế khiến cho vốn có thể chuyển nhượng được dễ dàng thì ở đó sẽ trở thành trung tâm tài chính, trở thành bộ não tính toán kinh tế của cả khu vực, thậm chí là thế giới. Mở cửa thị trường vốn sẽ giúp Chính phủ Việt Nam tập trung vào cải cách gỡ bỏ các rào cản đầu tư, duy trì kỳ vọng liên tục về sự phát triển dài hạn của nền kinh tế. Khi đó dòng vốn nước ngoài khổng lồ sẽ tự chảy đến và ở lại Việt Nam.
Một vấn đề cần lưu ý là khi mở cửa thị trường vốn thị trường trong nước có thể sẽ phải đối mặt với các biến động trên thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là sự dao động mạnh của tỷ giá hối đoái. Sự bất ổn về mặt tài chính và kinh tế toàn cầu có thể khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư tạm hoãn hoặc giảm đầu tư vào các dự án dài hạn tại Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức của cơ quan quản lý trong việc xây dựng các quỹ dự phòng cũng như các kịch bản ứng phó để chủ động thực hiện khi có biến cố xảy ra.
Mở rộng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân trong nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng
Mở cừa thị trường vốn cần phải đi kèm với mở rộng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chỉ có doanh nhân trong nước mới gắn bó lâu dài với tổ quốc. Dòng vốn nước ngoài khi đó sẽ đóng vai trò là phương tiện để các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển nhanh chóng chứ không phải trở thành những ông chủ nước ngoài kiểm soát các hoạt động kinh tế trong nước. Doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển nhanh và chắc chắn thì tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng cao mà không dẫn đến bất ổn vĩ mô.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước không chỉ ở trong nước mà còn phải là trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và chính sách kinh tế khi các siêu cường cạnh tranh nhau, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng. Vai trò của Nhà nước vì thế không chỉ là trao cơ hội đầu tư trong nước cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước mà còn phải thiết lập và duy trì những kênh “an toàn” để doanh nghiệp trong nước vươn ra thị trường bên ngoài. Khi đó, tốc độ phát triển của doanh nghiệp trong nước mới nhanh được. Xét trên khía cạnh này, Chính phủ có thể phải cân nhắc tái cấu trúc lại Ngân hàng phát triển để cho phép doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể tiếp cận được với nguồn vốn với lãi suất hợp lý để tham gia đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà Nhà nước muốn phá triển.
Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài để làm đòn bẩy cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong nước
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam muốn đi nhanh thì không thể trông đợi Hệ thống giáo dục và đào tạo nghề hiện tại ở Việt Nam để nhanh chóng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, do hệ thống này còn nhiều hạn chế. Ngay cả chúng ta cải cách hệ thống này ngay tức thì thì cũng cần 5 đến 10 năm nữa mới có thể nhìn được thành quả.
Vì vậy để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng công nghệ, nhờ đó cải thiện năng suất của nền kinh tế, chúng ta cần phải chủ động thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài. Điều này là đặc biệt cần thiết khi Việt Nam mở cửa thị trường vốn. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ yên tâm khi họ có những lao động tin cậy tham gia vào các hoạt động quản lý, vận hành doanh nghiệp.
Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bên ngoài không chỉ vào trong khu vực doanh nghiệp mà còn phải mở rộng sang cả khu vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu. Nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài sẽ góp phần thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong nước một cách nhanh chóng hơn thay vì chỉ trông đợi vào bản thân nguồn nhân lực trong nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh một cách công bằng thông qua cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo
Một thách thức đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong nước khi cạnh tranh trong môi trường quốc tế là năng lực cạnh tranh còn yếu. Đây là điều hiển nhiên khi doanh nghiệp của các nước phát triển đã có bề dày nhiều năm tích lũy năng lực. Để cạnh tranh, doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn cần có những hỗ trợ nhất định từ nhà nước. Tuy nhiên, khác với giai đoạn 1960-1980, khi mà các con hổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan v.v. có thể trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển thông qua các chính sách tài khóa hoặc bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ, Việt Nam rất khó có thể áp dụng cách hỗ trợ kiểu này cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong giai đoạn hiện nay. Thay vào đó, Chính phủ cần hướng đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách kết nối các doanh nghiệp tiềm năng vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, qua đó có thể nhận được những hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước.
Cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bao trùm và bền vững
Tăng trưởng kinh tế nhanh có thể dẫn đến những hệ lụy về xã hội và môi trường. Một bộ phận dân chúng có thể không được hưởng thành quả từ quá trình phát triển, dẫn đến chênh lệch giàu-nghèo quá lớn, có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Tăng trưởng nhanh cũng có thể dẫn đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, v.v. đến mức khó có thể khắc phục. Nếu không có giải pháp phù hợp sự phát triển bền vững của đất nước sẽ bị đe dọa.
Vấn đề đặt ra với các cơ quan nhà nước trong kỷ nguyên mới là phải giải quyết được vấn đề phát triển bao trùm và bền vững thông qua cơ chế thị trường thay vì các biện pháp hành chính hoặc thiết lập các hàng rào quy định áp đặt lên khu vực doanh nghiệp. Những giải pháp như thế sẽ cản trở sự phát triển của khu vực doanh nghiệp và do đó cản trở tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: Trích Phần III, Phạm Hồng Chương và Tô Trung Thành (đồng chủ biên). Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2024: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới. NXB Đại học Kinh tế quốc dân. (xem đầy đủ báo cáo tại đây)