![[Tinh thần dân chủ] Chương 12: Trung Đông có thể dân chủ hóa hay không (Phần 4)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_14.4_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 12: Trung Đông có thể dân chủ hóa hay không (Phần 4)
TƯƠNG LAI CỦA DÂN CHỦ
Cản trở đối với dân chủ ở Trung Đông không phải là văn hóa hay đạo Hồi, hay xã hội, mà chính là các chế độ ở đấy và địa chính trị đặc thù của khu vực này. Trước khi chương trình “Phong vũ biểu Ả Rập” đầu tiên cho toàn bộ khu vực sẵn sàng nghiên cứu vào năm 2009, một vài cuộc điều tra dư luận xã hội hạn chế hơn đã cung cấp được bức tranh sơ bộ đầy hi vọng về sự ủng hộ dân chủ trong thế giới Ả Rập.1
Ví dụ, ít nhất 84% người được khảo sát ở Jordan và Palestine năm 2006, ở Iraq và Algeria năm 2004, và ở Ai Cập và Morocco trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2002 đã đồng ý rằng “mặc dù có những khó khăn, dân chủ vẫn là hình thức chính phủ tốt nhất”. “Tỉ lệ cao nhất là Jordan, Ai Cập và Morocco: 90%.2 Và theo giáo sư Mark Tessler ở Đại học Michigan thì niềm tin vào dân chủ tồn tại trong tất cả các phạm trù nhân khẩu học; “hầu như không có sự khác biệt trong quan điểm của đàn ông và đàn bà, của những người có học và ít học, của những người trả lời ở những độ tuổi khác nhau.”3 Năm 2006, khi được hỏi hình thức chính phủ của phương Tây có tương thích với đạo Hồi hay không, hai phần ba số người được khảo sát ở Jordan và Palestine đã trả lời: Có.
Chắc chắn là, khi người dân Ả Rập nói rằng họ ủng hộ dân chủ, đấy không nhất thiết phải là chế độ dân chủ thế tục mà chúng ta nghĩ trong đầu. Trong từng quốc gia Ả Rập được khảo sát, có sự chia rẽ khá đều về việc người Hồi giáo có nên tích cực hoạt động chính trị hay không. Năm 2006, ở Jordan 85% những người tin rằng dân chủ là hệ thống tốt nhất, chia thành hai nhóm gần như bằng nhau, một nhóm cho rằng “đàn ông có đạo nên có ảnh hưởng quyết định trong những quyết định của chính phủ và nhóm kia gồm những người không đồng ý với ý kiến đó. 15% người không ủng hộ dân chủ cũng chia làm hai nhóm, nhóm theo tôn giáo và nhóm thế tục. Năm 2004, ở Iraq cũng phát hiện được mô hình gần giống như thế, mô hình tương tự cũng được phát hiện Algeria và Palestine. Những người ủng hộ dân chủ trong cả bốn nước cũng chia làm hai nhóm gần như bằng nhau, một nhóm ủng hộ chế độ dân chủ thế tục và nhóm kia thì ủng hộ chế độ dân chủ Hồi giáo (mặc dù không thật rõ những người được hỏi ngụ ý gì khi họ lựa chọn như thế). Phân tích thống kê do Tessler tiến hành về cuộc khảo sát ở Jordan gần đây cho thấy lòng mộ đạo của cá nhân không có ảnh hưởng nhiều trong việc định hình thái độ đối với dân chủ; giáo dục có ý nghĩa quan trọng hơn. Và yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất cho định hướng chính trị Hồi giáo: cảm giác không có quyền lực. Những vấn đề chính trị và kinh tế, trong đó có: thiếu vắng niềm tin vào các thiết chế chính trị, cũng có liên quan tới thái độ ủng người theo đạo Hồi tham gia chính trường.4 Quản trị tốt hơn và dân chủ hơn dường như là chiến lược dài hạn tốt nhất – rất có thể là chiến lược duy nhất – trong cuộc chiến đấu với sự ngóc đầu dậy của Hồi giáo cực đoan.
Đáng chú ý là, ngay cả những nước độc tài trong thế giới Ả Rập đã đẩy con lắc về phía đóng cửa về mặt chính trị, nhiều thành tố của xã hội dân sự – các nhà trí thức, các tổ chức phi chính phủ, các blogger bất đồng chính kiến, và thậm chí những tín đồ Hồi giáo ôn hòa – vẫn tiếp tục làm việc để giữ cho chương trình cải cách dân chủ nằm trong chương trình nghị sự quốc gia. Mối nguy của thời điểm này là, khi con đường tham gia hòa bình và đối thoại (dù bị hạn chế đến đâu và đang lớn dần) đã bị đóng lại thì nhiều tín đồ Hồi giáo – thành viên của phe đối lập có tổ chức tốt nhất và mạnh nhất trong hầu như tất cả các nước Ả Rập – có thể quay sang sử dụng bạo lực, như họ đã làm ở Algeria năm 1992. Các nước như Ai Cập, Jordan và Ả Rập Saudi vẫn là những nước mạnh, có đủ nguồn lực và thành thạo khi áp dụng những biện pháp đàn áp. Nhưng, khi bất đồng chính kiến bị đập tan và cải cách chính trị bị trì hoãn ngày càng lâu hơn, thiếu tính chính danh ngày càng trở nên gay gắt hơn, thanh niên ngày càng xa lánh và trở thành cực đoan hơn và cuối cùng chế độ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước cuộc nổi dậy mang tính bạo lực khi xảy ra thất bại trong quản lí, ví dụ, kinh tế suy thoái một cách đột ngột hoặc tính toán sai trong một vụ đàn áp dã man.
Có thể, đến một lúc nào đó, các chế độ độc tài Ả Rập sẽ khởi động lại công cuộc cải cách chính trị vừa đủ để – bằng cách khôi phục lại chu kỳ “tự do hóa mang tính chiến thuật” – có được một cái gì đó như hai lá phổi, thở vào và thở ra, nhưng không bao giờ phình ra mãi. Sự thay đổi thật sự trong mô hình tĩnh đó sẽ không xảy ra cho đến khi có một sự thay đổi trong bối cảnh an ninh khu vực – khi xung đột Israel-Palestine bớt căng thẳng một cách đáng kể, nếu không nói là hòa bình thực sự và mức độ bình ổn nhất định ở Lebanon, ở chính Palestine và hầu hết lãnh thổ Iraq. Cải thiện rộng khắp như thế sẽ khuyến khích ba thay đổi: Thứ nhất, nó sẽ giảm bớt sự sợ hãi đã ăn sâu bén rễ rằng chế độ sẽ mất kiểm soát, làm cho họ càng thắt chặt sự kìm kẹp độc đoán. Thứ hai, nó sẽ loại bỏ lý do đáng chú ý mà các chế độ thường sử dụng nhằm biện minh cho sự trì trệ về chính trị và áp bức với cả dư luận trong nước và quốc tế. Và thứ ba, nó sẽ giảm bớt hẳn những mối lo lắng mang tính chiến lược làm cho Hoa Kỳ và châu Âu không thể áp lực mạnh mẽ, buộc những nước trong khu vực này phải tiến hành cải cách dân chủ.
Trong mấy năm vừa qua, không chỉ trong khu vực Ả Rập Trung Đông, hi vọng về dân chủ mới bị nghiền nát. Ở Trung Đông, hi vọng về dân chủ và các phong trào dân chủ bị đàn áp dữ dội nhất là Iran. Trong mấy năm đầu, tổng thống Mohammed Khatami, ông này làm tổng thống liên tục hai nhiệm kì (1997-2005), nước Cộng hòa Hồi giáo này bắt đầu giảm áp lực. Chủ nghĩa đa nguyên chính trị và đa nguyên dân sự lớn mạnh dần, có tới “hơn 200 tờ báo và tạp chí độc lập, đại diện cho một loạt quan điểm khác nhau.”5 Thảo luận nội bộ và giao lưu quốc tế được đẩy nhanh, đa nguyên chính trị gia tăng, những rào cản mang tính áp bức của Cộng hòa Hồi giáo được nới lỏng. Nhưng Khatami chưa bao giờ nắm được quyền lực áp đảo, quyền lực còn lại nằm trong tay các nhà thần học bảo thủ, không do dân bầu, bắt đầu từ lãnh tụ tối cao Ali Khameni và Hội đồng giám hộ, trong đó có quyền phủ quyết và bác bỏ những ứng viên được đưa vào nội các. Từ cuộc bầu cử năm 2000, những tổ chức tăng lữ theo đường lối cứng rắn kiểm soát cơ quan tư pháp và bộ máy an ninh quốc gia, bắt đầu phản công. Họ đóng cửa những tờ báo và những cơ quan nghiên cứu có tinh thần cải cách, phủ quyết cải cách chính trị và kinh tế, và bỏ tù hàng trăm nhà báo và sinh viên theo tư tưởng tự do, cũng như các nhà hoạt động dân sự (một số người bị tra tấn dã man). Mặc dù Khatami được bầu lại vào năm 2001, đó là một chiến thắng vô giá trị của một vị tổng thống khiêm nhường, làm cho những người ủng hộ trong xã hội dân sự thất vọng sâu sắc. Phong trào cải cách đi vào thoái trào và tan rã. Những phần tử cứng rắn càn quét các cuộc bầu cử địa phương trong năm 2003 và sau đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2004 “sau khi hội đồng giám hộ không cho hầu hết các chính trị gia theo đường lối cải cách – kể cả những người các đương nhiệm – ứng cử.”6 Cuối cùng, năm 2005, bọn phản động của chế độ đã tìm được cách lèo lái và thao túng để đưa ứng cử viên bí mật của họ, Mahmoud Ahmadinejad, vào chức tổng thống bằng cách loại những ứng viên theo đường lối cải cách được lòng dân nhất. Sau khi cố gắng tập hợp thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn bằng cách phủ nhận Holocaust (hủy diệt người Do Thái trong thế chiến II – ND) và thề sẽ “quét Israel ra khỏi bản đồ thế giới”, ông Ahmadinejad đã tiến hành xóa sổ những năm tháng tự do hóa chính trị và xã hội khiêm nhường dưới thời Khatami.
Ở Iran, sự bóp nghẹt khát vọng dân chủ diễn ra với một khúc quanh duy nhất. Trái ngược với thế giới Ả Rập, nơi các tổ chức quyền uy thế tục đã mất tính chính danh chính trị và lực lượng Hồi giáo trở thành lực lượng thay thế chủ yếu, ở đây, những người Hồi giáo phản động lập ra tổ chức cầm quyền tham nhũng và đàn áp tàn bạo, bất hợp pháp và thậm chí bị đa số người Iran khinh bỉ. Và đa số bất mãn – một số là những người không theo đạo nào, một số có đạo, nhưng bị vỡ mộng với hệ thống của Velayat Faqih (Hộ pháp vụ của các luật gia Hồi giáo) – đấy là những người có tư tưởng tự do, ủng hộ dân chủ và do đó, thậm chí là những người thân Mỹ. Về khía cạnh này, Iran có một lợi thế có một không hai trong việc thiết lập chế độ dân chủ trong ngắn hạn: chuyển đổi tất yếu từ chủ nghĩa không tưởng Hồi giáo (và trước đó là không tưởng Marxist) sang chủ nghĩa hiện thực tự do và chủ nghĩa hoài nghi đã được nhiều nhà trí thức và xã hội dân sự thực hiện từ trước rồi. Khi những công trình do những người theo trường phái tự do cổ điển như Isaiah Berlin, Karl Popper và Hannah Arendt chấp bút thì hạt giống triết học của một cuộc cách mạng dân chủ đã được gieo xuống rồi. Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của chế độ, một “vệ binh của cách mạng trở thành nhà báo điều tra,”7 Akbar Ganji, là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chuyển đổi về tư tưởng; cuộc tuyệt thực kéo dài 80 ngày năm 2005, gần cuối thời gian tù đầy kéo dài 6 năm, là áp dụng phương pháp phản kháng phi bạo lực của Gandhi và đặt ra thách thức đáng kể về đạo đức và chính trị đối với chế độ. Gandhi sẵn sàng trả giá nhưng nhất định là chế độ cũng phải trả giá – có nghĩa là tuyệt thực trong khi thế giới đang dõi theo.8
Trong gần ba thập kỉ tồn tại của Cộng hòa Hồi giáo, nhiều người Iran khác, đa số không được phương Tây biết đến, đã đứng lên chống lại chế độ và phải trả giá đắt. Trong khi tầng lớp thống trị bảo thủ cực đoan đang củng cố, nhiều người dễ dàng tin rằng cuộc đấu tranh của họ là vô ích, nhưng đấy là kết luận đáng ngờ. Mặc dù giá dầu trên thế giới tăng mạnh, Ahmadinejad quản lý nền kinh tế yếu kém đến nỗi trong nhiệm kì tổng thống của ông này, giá trị thị trường chứng khoán Iran đã sụt giảm mạnh. “Trong một bức thư ngỏ công bố tháng 6 năm 2006, 50 nhà kinh tế học lỗi lạc của Iran đã tố cáo tổng thống là không ổn định được môi trường đầu tư, theo đuổi chính sách lạm phát, mở cửa ồ ạt cho hàng nhập khẩu và tiến hành những chính sách can thiệp sai lầm, dựa trên tiền đề sai lầm là tiền từ dầu khí sẽ không bao giờ cạn.”9 Theo số liệu chính thức, năm 2007, tỉ lệ thất nghiệp là 15%, nhưng trong khu vực đô thị con số có thể là gấp đôi. Tăng trưởng kinh tế chậm chạp, không thể tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cần thiết mỗi năm để có thể đáp ứng được thành phần dân cư quá trẻ – hai phần ba dân số dưới ba mươi lăm tuổi – tức là những người tìm cách tham gia lực lượng lao động. Khoảng 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ, còn lạm phát thì ở mức hai chữ số, “vượt xa tốc độ tăng lương.”10 Các vấn đề đều mang tính cơ cấu sâu sắc. Nền kinh tế của nước này phải chiến đấu chống lại sự cản trở quá mạnh của “khu vực nhà nước quá cồng kềnh và không hiệu quả, quá phụ thuộc vào lĩnh vực dầu khí và các chính sách lấy nhà nước làm trung tâm, gây ra những biến dạng lớn trong tất cả các lĩnh vực,”11 trong đó có những khoản trợ cấp khổng lồ cho những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, làm cạn kiệt những khoản đầu tư cho những mục đích có lợi hơn. Mỗi năm ngành công nghiệp dầu khí cần hàng chục tỉ USD đầu tư nước ngoài, mà nó không thu hút được.
Trong nhiều khía cạnh, chế độ cách mạng ở Iran giống như chế độ không tưởng cách mạng khác đã bị phá vỡ từ bên trong trong những năm 1980: Liên Xô. Niềm tin vào hệ tư tưởng đã hết. Tham nhũng lan tràn. Nền kinh tế không hoạt động và sống sót qua ngày nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi những khoản trợ cấp khổng lồ đánh cắp khả năng sống còn trong tương lai. Đất nước bị cô lập, không nhận được dòng vốn quốc tế. Điều khác biệt ở Iran là chế độ này chưa bao giờ thiết lập được chế độ kiểm soát toàn trị tuyệt đối và trong những khu vực nhỏ bé, xã hội đa nguyên vẫn còn khá mạnh: “Hơn 8.000 tổ chức phi chính phủ tiếp tục hoạt động; các luật sư nhân quyền chiến đấu với nhà nước; những cơ quan truyền thông tương đối độc lập vẫn còn hoạt động,”12 và hơn 80.000 blogger Iran đang hàng ngày hàng giờ thách thức hay tranh luận với hệ thống.13 Hơn nữa, tổ chức tôn giáo bảo thủ và công cụ đàn áp của nó (như Vệ binh cách mạng và lực lượng Basljis (tình nguyện – ND) bán quân sự) chia thành nhiều phe phái phức tạp chưa từng thấy. Trong khi chế độ dường như có đủ tự tin về mặt chiến lược, có thể thách thức Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc trong việc tìm kiếm vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ gặp rủi ro rất lớn vì những biện pháp trừng phạt và bị cô lập nếu tiếp tục làm như vậy. Nước này còn phải đối mặt với mối nguy hiểm nghiêm trọng trong môi trường chiến lược của chính mình. Với những sắc dân đông người như người Kurd, người Azerbaijan, người Ả Rập, và các dân tộc thiểu số khác – và người Iran chiếm tới gần một nửa dân số – nếu Iraq tan vỡ thì chế độ này sẽ bị lâm vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Sử gia và học giả dân chủ người Mỹ gốc Iran ở Viện Hoover (Hoover Institution) Abbas Milani khẳng định: “Chế độ về chiến thuật là mạnh, nhưng dễ bị tổn thương về chiến lược”, vì thiếu – tương tự như Liên Xô – kế hoạch dài hạn nhằm ổn định và đổi mới.14 Cái mà lực lượng đối lập thiếu là ban lãnh đạo và tổ chức, một số đã sẵn sàng xuất hiện từ các phong trào của học sinh và công nhân, đã từng bị đàn áp nhưng không khuất phục. Trong ngắn hạn chế độ còn tàn bạo nhưng dễ vỡ. Nếu Hoa Kỳ tránh được cuộc đối đầu về quân sự – cuộc đối đầu này sẽ tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo Hồi giáo đang thất bại sự hồi sinh về chính trị – thì những mâu thuẫn sâu sắc chắc chắn, không chóng thì chày, cũng sẽ lộ ra.
Tuy nhiên, triển vọng tốt nhất cho cải cách dân chủ nghiêm túc trong thế giới Ả Rập hiện nay dường như nằm ở đất nước nằm cách xa hẳn chảo dầu của khu vực: Morocco. Tương tự như Jordan và Bahrain, sau khi vua Hassan II – một người đàn áp khốc liệt, trị vì trong 38 năm – chết năm 1999, ở Morocco, một ông vua mới, trẻ hơn nhiều và hiện đại hơn về chính trị kế vị ngai vàng. Trong thập niên cuối cùng dưới thời vua Hassan, công cuộc cải cách hiến pháp và chính trị tạo cho Morocco hệ thống đảng phái sôi nổi nhất và quốc hội có ý nghĩa nhất so với tất cả các chế độ quân chủ trong thế giới Ả Rập, nhưng quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay nhà vua. Việc Mohammed VI, lên ngôi khi vừa tròn 36 tuổi, đã mở ra một kỉ nguyên mới trong quá trình tự do hóa chính trị của Marocco. Bộ trưởng nội vụ của vua Hassan bị sa thải, hàng chục ngàn chính trị phạm được thả và những nhân vật nổi tiếng của phe đối lập sống lưu vong đã trở về. Cuộc bầu cử quốc hội năm 2002 và hội đồng hàng tỉnh năm 2003 “được coi là dân chủ nhất từ ngày giành được độc lập” từ tay Pháp vào năm 1956.15 Đầu năm 2004, vua Mohammad thành lập Ủy ban Công lí và Hòa giải nhằm cung cấp tài liệu về những vụ vi phạm nhân quyền dưới thời cha ông và đền bù cho các nạn nhân. Ủy ban gồm cả những cựu tù nhân chính trị, không cho phép nạn nhân nhận dạng những người đã lạm dụng họ, mà tổ chức những vụ điều trần “chính thức thừa nhận trách nhiệm của nhà nước về những vụ vi phạm nhân quyền” rồi sau đó trả tiền đền bù – đã vẽ ra một lộ trình mới cho nhân quyền trong thế giới Ả Rập.16 Sau đó, cũng trong năm 2004, với sự ủng hộ của nhà vua, Morocco đã tiến hành cải cách luật về địa vị của cá nhân nhằm cải thiện quyền trong gia đình và ngoài xã hội của phụ nữ.
Hiện nay “Marocco cạnh tranh với Lebanon để giành địa vị nước cởi mở nhất trong thế giới Ả Rập, nhưng lại ổn định hơn hẳn.”17 Nếu không kể Lebanon (và chủ nghĩa đa nguyên trong bầu cử ở Iraq) thì đây là nước đa nguyên chính trị nhất trong tiến trình bầu cử, phụ nữ có nhiều quyền nhất, các phương tiện truyền thông tự do nhất, phê bình thoải mái nhất và nhiều sáng kiến nhất trong xã hội dân sự hơn bất cứ quốc gia Ả Rập nào khác. Tuy nhiên, dù các cuộc cải cách đã tự do hóa đời sống chính trị và cải thiện quyền con người thì vẫn không thay đổi được sự phân bố căn bản của quyền lực. “Chính quyền trong bóng tối của các cố vấn của nhà vua để mắt tới hoạt động của tất cả các bộ và các cơ quan của chính phủ.”18 Các chính khách của các đảng phái chính và thậm chí ngay cả những nhà hoạt động trong xã hội dân sự cũng bị “mạng lưới những mối liên hệ chủ/khách” – xuất phát từ vương triều – kìm kẹp.”19 Theo nghĩa này, Marocco không khác một nước Ả Rập bình thường bao nhiêu. Quyền lực của nhà vua vẫn là vô giới hạn, ông có thể rút lại những chính sách đã ban hành bất cứ lúc nào. Khi đất nước bị rung chuyển vì một loạt vụ đánh bom tự sát giết chết 45 người ở Casablanca tháng 5 năm 2003, đạo luật chống khủng bố khắc nghiệt đã nhanh chóng được áp dụng, “và hàng ngàn người đã bị bắt giam và kết án ngay lập tức.”20
Nếu muốn quá trình dân chủ hóa về mặt chính trị vượt qua sự cải thiện mong manh về nhân quyền, quyền của phụ nữ và không gian chính trị cũng như dân sự – tiến tới dân chủ hóa thực sự quyền lực và hạn chế mang tính hiến định quyền lực của vương triều – thì sáng kiến phải xuất phát từ bên dưới, mà trước hết là từ các đảng phái chính trị.21 Nhưng các đảng cánh tả và tự do truyền thống, mặc dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn hẳn những đảng phái cùng loại trong các nước Ả Rập khác, đã bị mua chuộc và sợ rằng các lực lượng Hồi giáo sẽ được dân chúng ủng hộ mạnh hơn.22 Xu hướng của họ, cũng như ở Ai Cập, là chấp nhận vai trò mà chế độ độc tài dành cho họ, chứ không liên kết với các lực lượng Hồi giáo để đòi thay đổi dân chủ. Như vậy là, cải cách dân chủ thực sự đòi hỏi “sự xuất hiện của những lực lượng chính trị độc lập mà nhà vua không thể đàn áp cũng như mua chuộc.”23 Có nghĩa là các đảng phái thế tục truyền thống phải dân chủ hóa cơ cấu nội bộ và trẻ hóa lực lượng lãnh đạo trì trệ của mình, và đảng Hồi giáo ôn hòa mang tên Công lí và Phát triển (hay PJD) phải liên kết chứ không để bị lôi kéo vào liên minh với chế độ quân chủ sau khi họ chứng tỏ được sự ủng hộ ngày càng gia tăng trong các cuộc bầu cử.
Morocco thể hiện rõ thách thức của tất cả các chế độ độc tài Ả Rập, tức là những chế độ luôn luôn điều chỉnh một cách cẩn thận và tái điều chỉnh để có sự cân bằng giữa dân chủ hóa và đàn áp. Những chế độ này và những lực lượng thế tục có tổ chức được dành cho những địa vị nào đó trong chế độ có sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tái phân bố quyền lực, mà việc này chắc chắn sẽ có nghĩa là các lực lượng Hồi giáo sẽ có vai trò lớn hơn trước? Và một lúc nào đó có vươn tới tầm nhìn và sự tự tin để có thể đàm phán với những lực lượng Hồi giáo ôn hòa hơn (những người sẵn sàng cam kết với luật chơi dân chủ) về hệ thống quyền lực mới? Cuộc bầu cử tháng 9 năm 2007 (được coi là khá tự do và công bằng) dường như cho thấy rằng lực lượng Hồi giáo không nhất thiết sẽ lấp đầy khoảng trống chính trị, vì đảng PJD chỉ thu được kết quả khá khiêm tốn. Nhưng với tỉ lệ cử tri đi bầu thấp kỉ lục, 37% (nhiều cử tri hủy phiếu để phản đối), bài học thực tế có thể rút ra là cử tri muốn có quyền lực thực sự và muốn thay đổi thực sự.
Có nhiều lí do giải thích vì sao giới chóp bu cầm quyền đã được khai sáng có thể quan tâm tới cuộc cải cách dân chủ thật sự nếu giá phải trả cho việc chống lại cải cách sẽ gia tăng đáng kể do áp lực chính trị từ bên dưới. Hiện nay, lực lượng Hồi giáo cứng rắn bên cánh hữu của đảng PJD vẫn nằm ngoài hệ thống, làm giảm thiểu nguy cơ của quá trình mở rộng quyền lực. Nhưng nạn nghèo đói, bất bình đẳng và thất nghiệp trong các đô thị (20%) tiếp tục làm người ta mất hết ảo tưởng và có thể làm cho xu hướng cấp tiến trở thành sâu sắc hơn. Cho đến nay, quy mô cải cách khiêm tốn đã không thể ngăn chặn được nạn tham nhũng lan tràn, làm mất hết tiềm năng phát triển của đất nước và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Và các khoản viện trợ và đầu tư của phương Tây có thể được rót ồ ạt vào nước Ả Rập nào đang di chuyển một cách rõ ràng về phía dân chủ, minh bạch và chế độ pháp quyền. Khả năng của cuộc chuyển hóa như thế ở Morocco trong vài năm tới không phải là cao, nhưng vẫn là cao nhất so với tất cả những nước Ả Rập khác. Kịch bản của công cuộc chuyển hóa có thể có sác xuất cao hơn nếu Hoa Kỳ và châu Âu giúp đỡ “quá trình chuyển hóa bên trong các đảng phái thế tục lớn bằng cách gây áp lực lên ban lãnh đạo của họ.”24 Nhưng phương Tây cũng cần gây áp lực hơn nữa đối với chế độ quân chủ và phương Tây cũng phải cam kết công khai hơn nữa với PJD và những lực lượng Hồi giáo trong khu vực, tức là những lực lượng đã thể hiện lòng trung thành với dân chủ.
Chú thích:
(1) Dự án Phong vũ biểu Ả Rập (Arab Barometer) được quản lí theo lối tập thể, các nhà nghiên cứu chính là Mark Tessler từ Đại học Michigan và Amaney Jamal từ Đại học Princeton và năm giám đốc quốc gia Ả Rập. Tôi xin cảm ơn Mark Tessler, ông đã cung cấp cho tôi với một số dữ liệu từ năm cuộc khảo sát năm 2006. Website của dự án: http://www.arabbarometer.org/index1.html
(2) Mark Tessler and Eleanor Gao, “Gauging Arab Support for Democracy”, Journal of Democracy 16 (July 2005): 83-97.
(3) Ibid., p. 88.
(5) Mark Tessler cung cấp cho tôi kết quả phân tích.
(6) Freedom House, Freedom in the World, 2006, p. 338.
(7) Ibid. Xin mời đọc thêm giải thích có tính lịch sử: Ladan Bouramand, “Iran’s Peculiar Election: The Role of Ideology”, Journal of Democracy 16 (Occober 2005): 52-63.
(8) Ibid., p. 55.
(9) Phỏng vấn Akbar Ganji, September 8, 2006, Palo Allo, California.
(10) International Crisis Group, “Iran: Ahmadi-Nejad’s Tumultuous Presidency”, Middle East Briefing no. 21, February 6, 2007, p. 8.
(11) Bahman Baktiari, “Iran’s Conservative Revival”, Current History 106 (January 2007): 13, and “The World Factbook: Iran”, U.S. Central Intelligence Agency, https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/ir.html#Econ.
(12) Ibid.
(13) Michael McFaul, Abbas Milani, and Larry Diamond, “A Win-Win U.S. Stracegy for Dealing with Iran”, Washington Quarterly 30 (Winter 2006-7): 133.
(14) Vali Nasr, “Iran’s Peculiar Election: The Conservative Wave Rolls On”, Jounral of Democracy 16 (October 2005): 11.
(15) Abbas Milani, “Whither Iran? Nukes, Kooks, or Democracy?” bài tường tình ở Hoover Institulion, Stanford University, june 5, 2007.
(16) Freedom House, Freedom in the World, 2006, p. 488.
(17) John Damis, Morocco, in Freedom House, Countries at the Crossroads, 2006: A Survey of Democratic Governance (New York: Rowman and Littlefield, 2006), p.362.
(18) Marina Ottaway and Meredith Riley, “Morocco: From Top-down Reform to Democratic Transiton?” Carnegie Paper, Middle East Series, no. 71, September 2006, p. 18.
(19) Ibid., p. 3.
(20) Ibid., p. 10.
(21) Freedom House, Freedom in the World, 2006, p. 487.
(22) Đây là luận điểm quan trọng nhất của Ottaway and Riley, “Morocco”, pp. 10-17
(23) Hai đảng thế tục quan trọng nhất là Socialist Union of Popular Forces (USFP) và the Istiqlal (Độc lập) Party, đã hình thành hạt nhân liên minh cộng tác với chính phủ trong quốc hội và làm khối nghị sĩ lớn nhất, mặc dù vẫn là thiểu số ít ỏi. Ibid., pp. 6-9.
(24) Ibid., p. 11.
(25) Ibid., p. 19.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)