Chủ nghĩa cá nhân: Thật và Giả (Phần 4/5)
8
Luận điểm mà tôi cố gắng làm sáng tỏ được minh hoạ bằng một nghịch lí rõ ràng là dân tộc Đức, dù thường được xem là rất có tính kỷ luật, cũng thường được mô tả là dân tộc có tính cá nhân chủ nghĩa đặc thù. Ở một mức độ tương đối, cái cũng được gọi là chủ nghĩa cá nhân kiểu Đức này thường được chỉ ra như là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao dân tộc Đức chưa bao giờ thành công trong việc xây dựng các thể chế chính trị tự do. Theo nghĩa của chủ nghĩa duy lí về thuật ngữ này, với việc luôn cho rằng sự phát triển các phong cách “riêng” mà ở mọi khía cạnh là sản phẩm của sự lựa chọn có chủ đích của một cá nhân nào đó, thì thực ra truyền thống trí tuệ của người Đức thiên về một loại “chủ nghĩa cá nhân” ít được biết đến ở những nơi khác. Tôi còn nhớ rõ là mình đã ngạc nhiên và thậm chí bị sốc như thế nào khi còn là một sinh viên trẻ, lần đầu tiên tiếp xúc với các bạn đồng niên người Anh và Mỹ, tôi đã phát hiện ra họ thường rất sẵn lòng hoà mình vào trong tất cả các hoạt động ngoại khóa, thay vì, mà như là bản năng đối với tôi, tự hào là khác biệt và có phong cách riêng trong mọi khía cạnh. Nếu bạn nghi ngờ vào ý nghĩa của một kinh nghiệm cá nhân như thế thì bạn có thể tìm thấy điều đó đầy đủ hơn trong hầu hết các mẩu chuyện của người Đức, ví dụ, về hệ thống trường học công của người Anh, chẳng hạn trong cuốn sách nổi tiếng của Dibelius về nước Anh1. Bạn sẽ bắt gặp nhiều lần cùng cảm giác ngạc nhiên về xu hướng hướng tới sự hòa đồng tự nguyện [của người Anh] và sẽ thấy nó đối nghịch với tham vọng của chàng trai trẻ người Đức mong muốn tạo ra “phong cách riêng”, mà trong mọi cử chỉ luôn có xu hướng thể hiện anh ta là phải và đúng. Sự sùng bái phong cách cá nhân khác biệt, tất nhiên, có nguồn gốc trong truyền thống trí tuệ của dân tộc Đức và qua ảnh hưởng của một số nhân vật tiêu biểu vĩ đại của dân tộc Đức, đặc biệt là Goethe và Wilhelm von Humboldt, đã được đưa ra khỏi phạm vi nước Đức mà rõ ràng có thể tìm thấy được trong tác phẩm On Liberty [Bàn về tự do] của J.S. Mill.
Loại “chủ nghĩa cá nhân” này không những không liên quan gì đến chủ nghĩa cá nhân chân chính mà có lẽ còn tạo ra trở ngại lớn cho sự vận hành trôi chảy của hệ thống xã hội dựa trên chủ nghĩa cá nhân. Vẫn còn là một câu hỏi mở cho việc liệu một xã hội tự do hoặc có tính chủ nghĩa cá nhân có thể vận hành tốt được hay không nếu mọi người quá “vì cá nhân” theo nghĩa sai lệch, nếu họ quá không sẵn sàng tự nguyện hoà đồng vào các truyền thống và tập quán, và nếu họ từ chối công nhận bất cứ cái gì mà không được thiết kế một cách có chủ ý hoặc không được lập luận mạch lạc cho mọi cá nhân. Ít nhất có thể thông cảm được là việc phổ biến loại “chủ nghĩa cá nhân” này thường làm cho những người có thiện chí chán nản về khả năng có được trật tự trong một xã hội tự do và thậm chí khiến họ đòi hỏi một chính phủ độc tài với quyền lực áp đặt lên xã hội thứ trật tự không phải là sản phẩm tự tiến triển.
Cụ thể là, ở Đức, việc ưa thích loại tổ chức thiết kế theo chủ đích và việc coi khinh ở mức độ tương tự các hình thái tự phát và không được kiểm soát, được ủng hộ mạnh mẽ bởi xu hướng hướng tới tập trung hoá vốn được tạo ra trong quá trình thống nhất đất nước. Ở một đất nước nơi mà các truyền thống của nó về cơ bản mang tính địa phương thì một cố gắng thống nhất ngụ ý một sự chống lại có hệ thống đối với hầu hết mọi thứ phát triển tự phát và sự thay thế chúng một cách bài bản bằng các loại thiết chế nhân tạo. Nghĩa là điều mà một nhà sử học gần đây mô tả rất hay là “việc thiêu thân kiếm tìm một truyền thống mà họ chưa từng sở hữu”2 đã đưa dân tộc Đức tới kết cục là dựng lên một nhà nước toàn trị, áp đặt lên dân chúng cái mà họ cảm thấy còn thiếu, có lẽ không phải là điều khiến cho chúng ta quá ngạc nhiên như nó từng xảy ra.
9
Nếu quả thực xu hướng mạnh mẽ hướng tới việc kiểm soát tập trung tất cả các quá trình xã hội là kết quả tất yếu của một hướng tiếp cận khăng khăng cho rằng mọi thứ phải được hoạch định từng li từng tí và yêu cầu phải chỉ ra một trật tự rõ ràng thì thực tế cũng sẽ là: Xu hướng này có chiều hướng tạo ra các điều kiện mà không có gì khác ngoài một chính phủ tập trung tất cả quyền lực với vai trò giữ gìn trật tự và tạo sự ổn định. Việc tập trung tất cả các quyết định vào tay của cơ quan cầm quyền tự nó tạo ra một tình trạng mà tại đó cái cấu trúc mà xã hội vẫn sở hữu bị chính phủ đè lên trên và các cá nhân biến thành những đơn vị có khả năng hoán đổi lẫn nhau, không qua các mối quan hệ qua lại bền vững hoặc xác định nào khác, thay vào đó là những mối quan hệ được quyết định bởi một thứ tổ chức toàn diện. Loại xã hội này được các nhà xã hội học hiện đại đặt cho biệt ngữ “xã hội đại chúng” (mass society) - một cái tên ít nhiều gây ra hiểu lầm bởi vì các thuộc tính đặc trưng của loại xã hội này trở nên bị ảnh hưởng thuần tuý bởi yếu tố số lượng không phải là vì chúng thiếu vắng loại hình thức cấu trúc tự phát nào đó, mà chủ yếu là vì bị đè nén bởi tổ chức được thiết kế có chủ đích, vì bất khả trong việc tự đa dạng hoá, và vì phụ thuộc tất yếu vào một quyền lực tạo khuôn mẫu một cách có chủ đích cho nó. Xã hội trở nên bị gắn với các con số chỉ chừng nào quá trình tập trung hóa trong các quốc gia rộng lớn nhanh chóng đạt tới điểm mà việc tổ chức có chủ đích từ bên trên bóp chết các loại hình tổ chức tự phát, các loại hình vốn dựa trên các mối quan hệ có tính gần gũi và thân mật thay vì những mối quan hệ tồn tại trong một tổ chức rộng lớn.
Hoàn toàn không ngạc nhiên là vào thế kỷ XIX, khi những xu hướng tập trung này bắt đầu trở nên rõ ràng thì nó đã trở thành chủ đề chính mà các triết gia cá nhân chủ nghĩa chống lại. Việc chống đối này cụ thể được ghi nhận trong các trang viết của hai nhà sử học vĩ đại mà tôi đã nhắc tới là đại diện xuất sắc của chủ nghĩa cá nhân chân chính thế kỷ XIX, de Tocqueville và Lord Acton; hai ông thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với nhóm các quốc gia nhỏ bé và loại hình tổ chức liên bang cho các quốc gia rộng lớn. Thậm chí cho đến tận bây giờ, vẫn hoàn toàn hữu lí khi cho rằng các quốc gia nhỏ bé có thể hơn bao giờ hết trở thành những ốc đảo cuối cùng để bảo tồn một xã hội tự do. Có lẽ đã là quá muộn để chấm dứt thảm họa của việc tập trung nhanh chóng thành các quốc gia lớn hơn - mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng việc hình thành những xã hội đại chúng mà tại đó chế độ chuyên quyền tất yếu sẽ xuất hiện để nô dịch xã hội. Liệu các quốc gia, thậm chí ngay cả các nước nhỏ, có thể tránh được tai hoạ này hay không phụ thuộc vào việc liệu họ có thoát khỏi nọc độc của chủ nghĩa dân tộc, cái vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của một ham muốn xây dựng một xã hội được tổ chức một cách có chủ ý từ trên xuống.
Cần có một bài luận riêng để bàn luận về thái độ của chủ nghĩa cá nhân đối với chủ nghĩa dân tộc, mà xét trên khía cạnh học thuật, chính là anh em sinh đôi của chủ nghĩa xã hội. Ở đây tôi chỉ muốn chỉ ra rằng: sự khác biệt nền tảng giữa cái mà ở thế kỷ XIX được nhìn nhận là chủ nghĩa tự do trong cộng đồng nói tiếng Anh và cái cũng được gọi như thế ở châu Âu lục địa có quan hệ mật thiết với cội nguồn của chúng, bắt nguồn tương ứng từ chủ nghĩa cá nhân chân chính và chủ nghĩa cá nhân giả hiệu duy lí trí. Chỉ có một chủ nghĩa tự do duy nhất theo ngôn ngữ của người Anh, thứ chủ nghĩa tự do mà nói chung đối nghịch với sự tập trung hoá, với chủ nghĩa dân tộc và với chủ nghĩa xã hội, trong khi đó, thứ chủ nghĩa tự do phổ biến ở châu Âu lục địa lại ủng hộ cho cả ba. Tuy nhiên, tôi cần phải bổ sung là trong chủ đề này cũng như nhiều chủ đề khác, John Stuart Mill (các loại chủ nghĩa tự do của Anh sau này bắt nguồn từ ông ta), chịu ảnh hưởng của truyền thống châu Âu lục địa nhiều không kém từ truyền thống của Anh; và tôi biết không có cách nào làm sáng tỏ hơn về những cái khác nhau có tính chất nền tảng này bằng phê phán của Lord Acton về sự nhượng bộ mà Mill đã làm đối với các xu hướng thiên về dân tộc chủ nghĩa của chủ nghĩa tự do châu Âu lục địa3.
(Còn nữa)
Chú thích:
(1) W. Dibelius, England (1923), tr. 464-68, bản dịch tiếng Anh ấn hành năm 1934.
(2) E. Vermeil, Germany's Three Reichs (London, 1944), tr. 224.
(3) Lord Acton, “Nationality” (1862), in lại trong The History of Freedom, tr. 270‑300.
Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 1, NXB Tri thức, 2016