Chủ nghĩa cá nhân: Thật và Giả (Phần 1/5)
Kể từ thế kỉ XVIII và từ cuộc Cách mạng Pháp, có hai dòng chảy tư tưởng dường như chung một nguồn: Dòng thứ nhất hướng con người tới các thể chế tự do, dòng thứ hai hướng họ về phía quyền lực tuyệt đối.
Alexis de Tocqueville
1
Ngày nay, bất cứ ai cổ xúy cho bất kỳ nguyên lí rõ ràng nào về trật tự xã hội thì gần như cầm chắc sẽ phải gánh chịu điều tiếng là nhà lí luận giáo điều không thực tế. Một người sẽ được xem là có đầu óc sáng suốt đối với các vấn đề xã hội nếu anh ta, thay vì bám chặt vào các nguyên lí cố định, lại nhìn nhận từng vấn đề “dựa trên các giá trị của riêng nó”; nghĩa là người đó, nói chung, được định hướng bằng toan tính lợi ích và sẵn sàng thỏa hiệp với các quan điểm. Tuy nhiên, các nguyên lí tự chúng có cách chiếm lĩnh xã hội ngay cả khi chúng không được công nhận một cách rõ ràng mà chỉ được ngụ ý trong các hành động cụ thể, hoặc ngay cả khi chúng chỉ như là các ý tưởng mơ hồ về cái gì đang diễn ra hoặc chưa diễn ra. Vì thế, dưới tấm biển “không chủ nghĩa cá nhân cũng không chủ nghĩa xã hội”, chúng ta đã thấy một hiện tượng, rằng trên thực tế chúng ta đang nhanh chóng chuyển từ một xã hội của các cá nhân tự do sang một dạng xã hội mang màu sắc tập thể hoàn toàn.
Tôi dự định không chỉ bảo vệ một nguyên lí tổng quát về tổ chức xã hội mà còn cố gắng chỉ ra rằng nỗi sợ hãi động chạm đến các nguyên lí chung và sở thích chuyển từ hết vấn đề cụ thể này sang vấn đề cụ thể khác là sản phẩm của cái trào lưu, mà dưới dạng “nước chảy đá mòn” sẽ đưa chúng ta từ một trật tự xã hội dựa trên việc công nhận tổng quát các nguyên lí chung nhất định trở về một xã hội mà trật tự được hình thành bằng các mệnh lệnh một chiều.
Từ kinh nghiệm của 30 năm vừa qua, có lẽ chúng ta không cần phải nhấn mạnh một thực tế: nếu như không bám vào các nguyên lí, chúng ta đã bị cuốn phăng rồi. Thái độ thực dụng ngự trị trong thời gian đó, thay vì làm tăng năng lực phát triển của chúng ta, trên thực tế, lại đưa chúng ta tới một tình trạng chẳng ai mong muốn, và kết quả duy nhất của việc bỏ qua các nguyên lí có lẽ là việc chúng ta bị dẫn dắt bởi một chuỗi các sự kiện mà chúng ta không thể, dù có muốn, phớt lờ logic của nó. Vấn đề bây giờ không phải là liệu có cần các nguyên lí để chỉ dẫn cho chúng ta hay không, mà là liệu có còn một bộ các nguyên lí chứa đựng khả năng ứng dụng tổng quát hầu có thể chỉ đường cho chúng ta khi cần? Có thể tìm thấy ở đâu những đạo lí làm cẩm nang dẫn đường cho chúng ta để giải quyết các vấn đề của thời đại? Liệu có tồn tại một triết lí nhất quán khả dĩ có thể cung cấp cho chúng ta không chỉ đơn thuần các giá trị đạo đức mà còn cả một phương pháp thoả đáng để đạt tới các giá trị đó?
Các nỗ lực của nhà thờ trong việc xây dựng chi tiết một triết lí xã hội hoàn chỉnh và các thành quả hoàn toàn theo chiều ngược lại thu được từ nền tảng Thiên Chúa giáo là minh chứng cho việc tôn giáo tự nó không trao cho chúng ta cẩm nang dẫn đường trong các vấn đề này. Không còn nghi ngờ gì, sự suy giảm ảnh hưởng của tôn giáo là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt ngày nay về định hướng trí tuệ và đạo đức; mặc dù vậy, sự phục hồi của nó sẽ không làm giảm nhu cầu về một nguyên lí được chấp nhận rộng rãi về trật tự xã hội. Chúng ta sẽ vẫn cần một triết lí chính trị vượt lên trên những đạo lí không chỉ có tính nền tảng mà còn có tính phổ quát của tôn giáo hoặc của các loại luân lí.
Tiêu đề mà tôi chọn cho bài luận này cho thấy, đối với tôi, dường như vẫn tồn tại một loại triết lí như thế - một tập hợp các nguyên lí thực ra được ngụ ý hầu như xuyên suốt trong tập quán chính trị phương Tây hoặc Thiên Chúa giáo nhưng lại chưa bao giờ được diễn giải theo cách không gây ra nhầm lẫn dù có vận dụng bất kỳ thuật ngữ đã biết nào. Do vậy, chúng ta cần trình bày lại những nguyên lí này một cách đầy đủ trước khi có thể kết luận liệu chúng có còn hữu ích cho chúng ta trong vai trò như là các loại cẩm nang hành động hay không.
Khó khăn mà chúng ta gặp phải không chỉ đơn thuần vì một thực tế quen thuộc là các thuật ngữ chính trị hiện tại nổi tiếng là mơ hồ, hoặc thậm chí các trường phái khác nhau có thể thường xuyên sử dụng cùng một thuật ngữ nhưng lại mang những nghĩa gần như trái ngược nhau, mà còn vì một thực tế nghiêm trọng hơn, đó là, có loại thuật ngữ thường xuyên dùng để chỉ những người cùng chí hướng nhưng trong thực tế lại tin vào những lí tưởng mâu thuẫn và không thể dung hòa. Các thuật ngữ như “chủ nghĩa tự do” hay “dân chủ”, “chủ nghĩa tư bản” hay “chủ nghĩa xã hội” ngày nay không còn đại diện cho những hệ thống tư tưởng nhất quán. Chúng có xu hướng mô tả những tập hợp các nguyên lí và các sự kiện hoàn toàn khác biệt mà việc gắn chúng với các thuật ngữ này là do ngẫu nhiên lịch sử, thay vì là do có cùng những điểm chung, dù cho các nguyên lí này được cổ vũ bởi cùng một nhóm người ở những thời điểm khác nhau hoặc thậm chí đơn thuần là dưới cùng một cái tên trường phái.
Ở khía cạnh này, không có thuật ngữ chính trị nào lại có tình trạng tồi dở như thuật ngữ “chủ nghĩa cá nhân”. Nó không những bị các đối thủ bóp méo thành một bức tranh biếm họa không thể nhận biết được - và nên nhớ rằng hầu hết đồng nghiệp của chúng ta biết đến các thuật ngữ chính trị, vốn đã ‘lỗi mốt” trong hiện tại, chỉ qua bức tranh biếm họa do kẻ thù của họ vẽ ra - mà còn được sử dụng để mô tả một vài thái độ xã hội mà thực ra giữa chúng hầu như chẳng có đặc điểm gì chung, tựa như giữa chúng với các thái độ không đội trời chung với chúng. Thực ra, trong quá trình chuẩn bị để viết bài luận này, tôi đã khảo sát một số bài luận được xem là mẫu mực về “chủ nghĩa cá nhân”, nhưng, thật đáng tiếc, phải thú nhận rằng tôi không thể nào nối mạch được các lí tưởng mà mình tin với cái thuật ngữ vốn đã bị lạm dụng và gây hiểu lầm một cách thái quá. Tuy vậy, dù cho thuật ngữ “chủ nghĩa cá nhân” có thêm nhiều nghĩa khác so với các lí tưởng của tôi đi chăng nữa thì vẫn còn hai lí do để giữ lại thuật ngữ theo quan điểm mà tôi sẽ phải bảo vệ: (i) quan điểm luôn được biết đến bởi tên của chính thuật ngữ này, bất kể nó có thể mang những nghĩa khác ở các thời điểm khác nhau, và (ii) thuật ngữ này khác biệt với thuật ngữ “xã hội chủ nghĩa” được xây dựng một cách có chủ ý để bày tỏ sự đối lập với chủ nghĩa cá nhân1. Nó gắn với loại hệ thống có tính loại trừ với chủ nghĩa xã hội mà tôi sẽ đề cập tới.
2
Trước khi giải thích chủ nghĩa cá nhân chân chính là gì, có lẽ sẽ hữu ích nếu tôi trình bày đôi chút về truyền thống trí tuệ của nó. Chủ nghĩa cá nhân chân chính mà tôi sẽ cố gắng bảo vệ khởi đầu giai đoạn phát triển hiện đại nhờ đóng góp của John Locke, đặc biệt là nhờ Mandeville và David Hume, và lần đầu tiên nó có hình hài đầy đủ trong những tác phẩm của Josiah Tucker, Adam Ferguson và Adam Smith, đồng thời cũng trong tác phẩm của một nhà tư tưởng vĩ đại cùng thời với họ - Edmund Burke - nhân vật mà Smith mô tả là người duy nhất trong số những người mà ông từng biết đến có suy nghĩ về các vấn đề kinh tế giống hệt ông trước khi có những trao đổi qua lại2. Ở thế kỉ XIX, tôi thấy dòng tư tưởng này được trình bày hoàn chỉnh nhất trong các tác phẩm của hai nhà sử học và triết học chính trị vĩ đại nhất: Alexis de Tocqueville và Lord Acton. Với tôi, hai người này đã kế thừa những cái hay nhất trong triết học chính trị của các nhà triết học người Scotland, Burke và những người thuộc nhóm Whig của Anh thành công hơn bất kỳ tác giả nào mà tôi biết; trong khi đó, các nhà kinh tế cổ điển của thế kỉ XIX, hoặc ít nhất là những người theo chủ thuyết công lợi (Benthamites) hay các nhà có tư tưởng triết học cấp tiến ngày càng bị ảnh hưởng bởi một dòng chủ nghĩa cá nhân có nguồn gốc khác.
Dòng tư tưởng thứ hai và hoàn toàn khác, cũng dưới cái tên chủ nghĩa cá nhân, được đưa ra chủ yếu nhờ các tác giả khác người Pháp và châu Âu lục địa - mà theo tôi, nguyên nhân là do vai trò thống trị của chủ nghĩa duy lí Descartes trong chủ thuyết này. Những đại biểu xuất sắc nhất của trường phái này là các nhà Bách khoa (Encyclopedist), Rousseau, và những người theo phái trọng nông (physiocrat) và vì những lí do chúng ta xét đến ở đây, chủ nghĩa cá nhân duy lí này luôn có xu hướng phát triển thành thứ đối nghịch với chủ nghĩa cá nhân [chân chính], nghĩa là phát triển thành thứ có tên gọi chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tập thể. Chúng ta phải phân biệt điều này chỉ vì loại chủ nghĩa cá nhân thứ nhất nhất quán với cái tên tôi gọi chủ nghĩa cá nhân chân chính, trong khi đó, loại chủ nghĩa cá nhân thứ hai có lẽ cần phải được xét đến như là nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội hiện đại với ảnh hưởng không kém các triết thuyết thuần túy chủ nghĩa tập thể3.
Tôi không thể đưa ra một minh họa rõ ràng nào cho sự nhầm lẫn phổ biến về nghĩa của chủ nghĩa cá nhân hơn là qua hiện tượng Edmund Burke, một người, theo tôi, là đại diện xuất sắc nhất của chủ nghĩa cá nhân chân chính, người thường được xem (và đúng như vậy) là đại diện đối trọng với cái cũng được gọi là “chủ nghĩa cá nhân” của Rousseau - nhân vật đề xuất những lí thuyết mà Burke sợ rằng nó sẽ nhanh chóng đốt cháy nền thịnh - vượng-chung thành “tro bụi”4, và qua hiện tượng de Tocqueville, một đại biểu vĩ đại khác của chủ nghĩa cá nhân chân chính, đã sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa cá nhân” với một thái độ đầy xót xa trong tác phẩm Democracy in America [Nền dân chủ Mỹ]5. Tới thời điểm này, chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc cả hai người, Burke và de Tocqueville, hoàn toàn đứng về phía Adam Smith, người mà không ai dám tước bỏ danh hiệu đại diện của chủ nghĩa cá nhân, và do đó cái thứ “chủ nghĩa cá nhân” mà hai người bác bỏ là một cái gì đó hoàn toàn khác so với quan điểm của Smith.
(còn nữa)
Chú thích:
(1) Cả hai thuật ngữ “chủ nghĩa cá nhân” và “chủ nghĩa xã hội” đều được những người thuộc học phái Saint‑Simon, những người đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội hiện đại, sáng tạo ra. Đầu tiên, họ đưa ra thuật ngữ “chủ nghĩa cá nhân” để mô tả loại xã hội cạnh tranh mà họ chống lại, và sau đó họ sáng tạo ra từ “chủ nghĩa xã hội” để mô tả loại xã hội được hoạch định tập trung, tại đó mọi hoạt động được định hướng bởi cùng một thứ nguyên lí được áp dụng trong một phân xưởng đơn lẻ. Xem nguồn gốc của những thuật ngữ này trong bài luận của tôi “The Counter‑Revolution of Science”, Economica, VIII (sêri mới, 1941), 146.
(2) R. Bisset, Life of Edmund Burke (ấn bản thứ 2, 1800), II, 429. Cũng xem W. C. Dunn, “Adam Smith and Edmund Burke: Complimentary Contemporaries”, Southern Economic Journal (trường đại học North Carolina), Quyển VII, Số 3 (tháng Một, 1941).
(3) Carl Menger là một trong những người đầu tiên trong thời hiện đại đã công phu khôi phục lại chủ nghĩa cá nhân mang tính hệ thống từ Adam Smith và học phái của ông. Carl Menger có lẽ cũng là người đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa lí thuyết thiên về thiết kế về các thể chế xã hội và chủ nghĩa xã hội. Xem tác phẩm của ông, Untersuchungen über die Methode der Sozialwissenschaften (1883), đặc biệt c. IV, ch. 2, cho tới phần cuối (tr. 208) ông viết “một chủ nghĩa thực dụng mà, ngược lại với chủ ý của những người đại diện nó, sẽ không tránh khỏi việc dẫn đến chủ nghĩa xã hội”.
Đặc biệt là những người thuộc học phái trọng nông đã đi từ chủ nghĩa cá nhân duy lí trí luận - nền tảng của họ - không chỉ tới gần chủ nghĩa xã hội (được phát triển đầy đủ trong Le Code de la nature [1755] [Mật mã của tự nhiên] của Morelly, một tác giả trong thời đại của họ), mà còn cổ vũ cho chế độ chuyên quyền đầy xấu xa. Bodeau viết: “L'État fait des hommes tout ce qu'il veut” [Tạm dịch: Nhà nước có thể tạo ra con người theo tất cả những gì mà nó muốn].
(4) Edmund Burke, Reflections on the Revolution in France (1790), trong Works (ấn bản của World's Classics), IV, 105: “Vì thế khối thịnh vượng chung, chỉ trong một vài thế hệ, tự nó sẽ phân rã thành tro bụi, và rốt cuộc bị cuốn trôi theo gió mây”. Là Burke (như A. M. Osborn chỉ ra trong tác phẩm của bà về Rousseau and Burke [Oxford, 1940], tr. 23), sau khi ông tấn công Rousseau về thứ “chủ nghĩa cá nhân” cực đoan của ông ta, thì lại tấn công tiếp thứ chủ nghĩa tập thể cực đoan của ông ta, thay vì là giữa chúng không có mối liên hệ gì thì ngược lại trong trường hợp của Rousseau, cũng như của tất cả những người thuộc cùng trường phái, chủ nghĩa tập thể đơn thuần là kết quả không thể tránh khỏi của chủ nghĩa cá nhân duy lí trí luận.
(5) Alexis de Tocqueville, Democracy in America dịch bởi Henry Reeve (London, 1864), q. II, c. 11, ch. 2, ở đây de Tocqueville định nghĩa chủ nghĩa cá nhân là “một cảm giác trưởng thành và tĩnh lặng, khiến mỗi thành viên của cộng đồng trở thành chủ nhân của chính mình từ đồng loại, và đối chọi một phần với gia đình và bạn bè của anh ta; để rồi, sau khi đã hình thành cho mình một khoảng trời riêng, anh ta sẵn lòng gần như rời bỏ cộng đồng để thu về ốc đảo của riêng mình“. Trong một chú thích về đoạn này, người dịch đã xin lỗi việc đưa thuật ngữ tiếng Pháp “individualism” vào tiếng Anh và giải thích là ông ta biết rằng “không có từ tiếng Anh nào thực sự tương đương với nghĩa của từ này”. Như Albert Schatz chỉ ra trong cuốn sách đề cập ở chú thích tiếp theo, việc de Tocqueville sử dụng một thuật ngữ tiếng Pháp phổ biến theo nghĩa cụ thể này là hoàn toàn tùy tiện và dẫn tới sự nhầm lẫn nghiêm trọng với nghĩa phổ biến.
Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 1, NXB Tri thức, 2016