[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 8: Thị trường (hết chương 8)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 8: Thị trường (hết chương 8)

Chính phủ và quá trình sản xuất

Như vậy là, chính phủ tìm mọi cách nhằm can thiệp vào sự hợp tác và phối hợp, mà đấy chính là những quá trình diễn ra trên thương trường. Để cho chính phủ can thiệp vào thị trường chẳng khác gì đưa một thanh sắt vào một chiếc máy phức tạp đang chạy. Nó chỉ có thể làm cho hiệu quả giảm đi mà thôi. May là, những tiến trình diễn ra trên thương trường giống như một mạng máy tính, chứ không phải một cái máy tính; tiến trình này không dừng hẳn, nó đưa thông tin đi vòng qua những biện pháp can thiệp có tính phá hoại như thế. Hiệu quả có giảm, nhưng không dừng hẳn. Nền kinh tế lớn có thể dễ dàng vượt qua những vụ can thiệp riêng lẻ. Một lần, khi thấy một thanh niên phàn nàn về chính sách mới: “Chính sách này sẽ phá tan nước Anh mất thôi”, Adam Smith trả lời: “Anh bạn ạ, có nhiều vụ phá hoại đất nước như thế rồi”. Tương tự như thế, Thomas Babington Macaulay, một nhà sử học lớn người anh, từng viết: “Thường thấy là những khoản chi tiêu hoang phí, thuế khóa nặng nề, những rào cản thương mại vô lý, những tòa án tham nhũng ..v.v.. không có khả năng phá hoại nguồn vốn với tốc độ mà những cố gắng của người dân có thể tạo ra nó”.

Chúng ta có may mắn lớn là quá trình diễn ra trên thương trường dẻo dai đến mức nó có thể tiếp tục tiến triển và sản xuất ra của cải, mặc dù có những gánh nặng thuế khóa và luật lệ như thế. Nhưng phí tổn là có thực. Chỉ nhìn vào sự suy giảm năng suất của mỗi người công nhân Mỹ (tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế), từ đầu những năm 1970 – chủ yếu là do thuế khóa và quy định của nhà nước trong những năm 1960 và 1970 đã gia tăng đột biến - người Mỹ trung bình hiện nay có thể có thêm khoảng 40% của cải, nếu năng suất tiếp tục tăng với tốc độ như trong vòng 25 năm trước đó. Đối với người giàu, tăng thêm 40% của cải và thu nhập có thể không phải là việc quan trọng (mặc dù chắc chắn là tôi muốn nhìn thấy những ngành công nghệ và sản phẩm mới, tức là những thứ sẽ là thành phần của sự gia tăng đó), nhưng không nghi ngờ gì rằng, đời sống của những người Mỹ có thu nhập thấp sẽ được cải thiện nhờ sự tăng trưởng đó.

Mỗi sắc thuế mới, mỗi quy định mới lại làm cho quyền sở hữu bị mất an toàn thêm một chút, làm cho quyền lực tăng thêm một chút, làm giảm đi một chút sáng kiến của mỗi cá nhân trong việc tạo ra của cải và làm cho xã hội của chúng ta khó thích nghi hơn một chút trước thay đổi. Có quá nhiều vụ phá hoại đất nước, nhưng sự dẻo dai của xã hội dân sự thì không phải là vô hạn.

Cái nhìn thấy được và cái không nhìn thấy được

Mỗi đề xuất cho sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế đều là một trò ảo thuật. Tương tự như ảo thuật gia, các chính khách đề xuất một khoản thuế, một khoản trợ cấp hay một chương trình đều muốn cử tri chỉ nhìn vào bàn tay phải của ông ta mà không chú ý quan sát những việc mà bàn tay trái của ông ta đang làm.

Ngay từ đầu thế kỷ XIX, Frederic Bastiat đã viết một bài tiểu luận tuyệt vời và sau này đã khuyến khích Henry Hazlitt chấp bút một tác phẩm thuộc hàng besrseller, nhan đề Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson). Như Hazlitt viết: “Toàn bộ môn kinh tế học có thể rút lại thành một bài học duy nhất…: Nghệ thuật của kinh tế học là xem xét không chỉ những tác động trực tiếp mà còn xem xét những tác động lâu dài hơn của bất kỳ hành động hay chính sách nào; là truy tìm những hậu quả của chính sách đó không chỉ đối với một nhóm mà đối với tất cả các nhóm” (nhấn mạnh trong nguyên tác).

Cả Bastiat lẫn Hazlitt đều bắt đầu với câu chuyện về cái cửa sổ bị vỡ. Trong một thị trấn nhỏ, có một cậu thiếu niên làm vỡ cửa sổ của một cửa hàng. Ban đầu mọi người đều gọi cậu bé là tên phá hoại. Nhưng sau đó, có người nói rằng, cuối cùng thì cũng có người phải thay cái cửa sổ này. Số tiền mà ông chủ cửa hàng trả cho người thay cửa sổ sẽ giúp anh ta mua một bộ quần áo mới. Người thợ may kia có thể dùng số tiền đó để mua một cái bàn mới. Khi số tiền đó lưu thông, tất cả mọi người trong thành phố đều có thể được hưởng lợi từ trò nghịch ngợm đó của cậu bé. Cái thấy được là do thay thế cửa sổ mà tiền được đưa vào lưu thông; cái không thấy được: chuyện gì sẽ xảy ra với khoản tiền đó nếu không có cái cửa sổ nào bị vỡ. Hoặc là ông chủ cửa hàng có thể tiết kiệm nó, rồi bổ sung vào vốn đầu tư và sau này sẽ tạo ra mức sống cao hơn hoặc là ông ta có thể tiêu nó. Có lẽ ông ta sẽ đã mua một bộ quần áo mới hay một cái bàn mới. Thị trấn này sẽ không giàu hơn nếu người dân phải chi tiền để thay thế một cái gì đó, chứ không phải để làm ra những tài sản mới.

Nếu trình bày đơn giản như vậy thì sai lầm rõ ràng là vô lý. Ai dám nói rằng một cái cửa sổ bị vỡ có thể mang lại lợi ích cho xã hội? Nhưng, như Bastiat và Hazlitt chỉ ra, ngày nào chúng ta cũng có thể thấy những sai lầm tương tự trên báo chí. Ví dụ rõ nhất là những câu chuyện xuất hiện sau khi xảy ra một thảm họa thiên nhiên nào đó. Vâng, bão Andrew là một trận bão khủng khiếp, hai ngày sau người ta nói như thế, nhưng xin hãy suy nghĩ về công việc xây dựng, tức là những công việc sẽ xuất hiện khi chúng ta xây dựng lại nhà cửa và nhà máy của chúng ta. Một tờ báo ở Florida còn giật tít: “Trận bão Andrew là tin mừng cho nền kinh tế Nam Florida”. Tờ Washington Post viết rằng, Nhật Bản đang xem xét việc xây dựng một thủ đô mới thay cho thành phố Tokyo. Có thể tìm được những luận cứ tốt cho ý tưởng này, nhưng không phải là luận cứ sau đây: “Những người ủng hộ khẳng định rằng thủ đô mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của Nhật Bản. Dự án xây dựng to lớn này sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế của quốc gia”. Đúng là như thế, nhưng chúng ta phải nhìn vào những thứ không nhìn thấy được trong cả hai trường hợp này. Cơn bão đã phá hủy nhiều tài sản có thực trong xã hội - nhà ở, nhà máy, nhà thờ, trang thiết bị. Vốn và lao động dùng cho việc tái thiết những công trình đó sẽ không được sử dụng để sản xuất thêm của cải. Còn về xây dựng một thủ đô mới: nó cũng sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm tương tự như xây dựng các kim tự tháp; nhưng nếu không có lý do chính đáng cho việc xây dựng thủ đô mới thì vốn và lao động bị đưa ra khỏi những lĩnh vực mà chúng có thể được sử dụng hiệu quả hơn.

Sai lầm tương tự là lời khẳng định nói rằng sau Thế chiến II, Tây Đức và Nhật Bản phát triển quá nhanh không phải vì các nước đó đánh thuế thấp hơn và thị trường tự do hơn so với một số nước giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh, mà vì các nhà máy của họ đã bị phá hủy và họ đã xây dựng nhiều nhà máy mới hơn, hiện đại hơn. Theo tôi biết, những người tuyên bố như thế không bao giờ kêu gọi, ví dụ, Pháp và Anh đánh bom các nhà máy của mình nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sai lầm liên quan đến cái cửa sổ bị hỏng được người ta sử dụng trong rất nhiều trường hợp:

• Mỗi khi các chính trị gia địa phương đề nghị đánh thuế nhằm xây dựng sân vận động cho đội bóng tham gia giải ngoại hạng - chủ sở hữu những đội bóng đó thường là các tỷ phú – thì tay phải của họ lại giơ lên lời hứa nói rằng hoạt động kinh doanh tăng lên sẽ mang lại nhiều tiền hơn là số đã tiêu. Nhưng họ không muốn bạn nhìn vào bàn tay trái - việc làm và của cải được tạo ra từ số tiền mà người dân có thể chi tiêu nếu số tiền đó không bị thu thuế để xây sân vận động.

• Sau khi chính phủ liên bang đảm bảo cho Tập đoàn Chrysler vay 1,5 tỷ USD, báo chí viết rằng nỗ lực này là một thành công vì Chrysler tiếp tục kinh doanh. Nhưng điều họ không viết – điều họ không thể viết – về những điều không được nhìn thấy: những ngôi nhà không được xây dựng, những doanh nghiệp không được mở rộng, bằng số tiền mà những người khác không thể vay vì chính phủ đã hướng những khoản tiết kiệm khan hiếm sang cho Chrysler.

• Kể từ thời Cách mạng công nghiệp, người ta thường xuyên lo lắng rằng tự động hóa sẽ xóa bỏ công ăn việc làm. Năm 1945, Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Eleanor Roosevelt, viết: “Hiện nay chúng ta đã tiến đến bước ngoặt, khi các thiết bị tiết kiệm lao động chỉ tốt nếu chúng không đẩy công nhân ra rìa”. Nhưng như thế thì dường như máy móc không thể tiết kiệm được nhiều sức lao động. Gunnar Myrdal, người từng nhận giải Nobel về kinh tế học, viết trong tác phẩm Thách thức của nạn nghèo đói trên thế giới (The Challenge of World Poverty), xuất bản năm 1970, rằng không nên đưa máy móc tiết kiệm sức lao động vào các nước kém phát triển vì chúng sẽ “làm giảm nhu cầu về lao động”. Dĩ nhiên là tự động hóa làm giảm nhu cầu đối với một số lao động đặc biệt, nhưng điều đó có nghĩa là nó giải phóng sức lao động, để người ta làm việc khác. Nếu hàng hóa có thể được sản xuất với ít nguồn lực hơn, thì có thể sản xuất được nhiều hàng hóa hơn – nhiều quần áo hơn, nhiều nhà ở hơn, nhiều thuốc kháng sinh hơn, nhiều thực phẩm hơn cho những người suy dinh dưỡng, nhiều nhà máy xử lý nước thải hơn để có thể chống lại bệnh tả và kiết lỵ.

Mỗi một kế hoạch nhằm tạo thêm công ăn việc làm, dựa vào chi tiêu của chính phủ, có nghĩa là người dân sẽ phải đóng thuế để có tiền cho dự án đó. Chính phủ chi tiền nghĩa là người dân –những người kiếm được món tiền đó – sẽ không được chi cho dự án mà họ muốn. Đài truyền hình quay phim về những người nhận được việc làm hoặc dịch vụ từ những chương trình đó, họ không thể tìm thấy những người không nhận được công việc vì mỗi người trong xã hội đều mất một ít tiền để thanh toán cho chương trình có thể nhìn thấy này.

Chủ nghĩa tư bản và tự do

Trong tiểu luận mang tính khai phá nhan đề “Sử dụng tri thức trong xã hội” (The Use of Knowledge in Society), Friedrich Hayek viết:

Chúng ta thường xuyên coi công việc của [hệ thống giá cả] là đương nhiên. Tôi tin chắc rằng nếu nó là kết quả của tính toán có ý thức của con người và nếu những người được những thay đổi của giá cả điều khiển hiểu được rằng quyết định của họ có ý nghĩa lớn hơn hẳn mục tiêu trước mắt của họ, thì cơ chế này có thể được đánh giá là một trong những thành tựu to lớn nhất của đầu óc của con người.

Nhưng, như tôi thường xuyên nhấn mạnh trong tác phẩm này, những thiết chế tự phát vĩ đại của xã hội - luật pháp, ngôn ngữ và thị trường - không phải là thiết kế của bất cứ người nào. Tất cả chúng ta đều tham gia, một cách vô tình, để làm cho chúng hoạt động, nhưng chúng ta lại coi chúng là đương nhiên. Nói cho cùng, chúng tiến hóa một cách tự phát. Việc chúng ta có thể làm là để cho tiến trình của thị trường thực hiện những điều kì diệu của nó và không để cho các chính phủ can thiệp quá sâu sắc đến mức làm cho nó bị ngắt quãng.

(Hết)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan