[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 8: Thị trường (Phần 3)
Lời, lỗ và doanh nhân
Mọi người đều có thể nhìn thấy vai trò của người tiêu dùng và người sản xuất - nông dân, công nhân, thợ thủ công, hay chủ nhà máy - trong hệ thống thị trường, nhưng vai trò của doanh nhân hay người môi giới thì không phải ai cũng biết. Trong quá khứ, người ta thường có thái độ thù địch đối với người môi giới. [Thường được thể hiện dưới dạng kì thị chủng tộc hay sắc tộc, ở châu Âu và Mỹ thì đấy là thái độ thù địch với doanh nhân người Do Thái, ở châu Phi thì chống lại người Ấn Độ và người Lebanon, ở nhiều nước châu Á thì kì thị người Hoa, còn trong các khu phố nghèo hiện nay thì người ta kì thị người Hàn Quốc, như Thomas Sowell viết trong cuốn Chủng tộc và Văn hóa (Race and Culture). Rõ ràng là, không có kiến thức về kinh tế học không phải là nguồn gốc duy nhất của thái độ đó, nhưng hiểu biết tốt hơn về kinh tế học sẽ giúp giảm bớt thái độ kì thị]. Dường như người ta thường suy nghĩ như sau: nông dân trồng lúa mì, thợ xay xay lúa mì thành bột, thợ làm bánh làm ra bánh mì, thương nhân và các nhà phân phối, tức là những người đưa lúa mì đến người tiêu dùng tạo thêm được giá trị gì? Các thương nhân ở Wall Street, tức là người dùng thì giờ nhằm khai thác sự chênh lệch giá cả trên các thị trường, mang lại lợi ích gì?
Trong nền kinh tế phức tạp, các doanh nhân có vai hết sức quan quan trọng. Thậm chí có thể coi doanh nhân là người tiến hành phối hợp trên thực tế, nghĩa là tiến trình thị trường, là người đưa các nguồn lực đến những nơi cần chúng nhất. Tất cả chúng ta đều là doanh nhân, theo ý nghĩa nào đó. Mỗi người đều tìm cách dự báo tương lai và phân bổ nguồn lực của mình một cách khôn ngoan. Ngay cả Robinson Crusoe cũng phải dự đoán xem với điều kiện thời tiết trong tương lai như thế, ông ta có nên dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng nơi trú ẩn và dành ít thời gian hơn cho việc tìm kiếm thức ăn trong ngày hôm nay hay không. Mỗi người chúng ta đều đoán xem công ty nào cần tay nghề của chúng ta nhất, khách hàng tiềm năng sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để mua các sản phẩm của chúng ta, tuần sau sản phẩm mà chúng ta muốn mua sẽ đắt lên hay rẻ đi, chúng ta nên đầu tư khoản tiền tiết kiệm cho giai đoạn nghỉ hưu vào lĩnh vực nào. Tất nhiên, không ai trong chúng ta thực sự là “con người kinh tế”, tức là người chỉ tính toán trên cơ sở lợi nhuận về mặt tiền bạc, đã bị người đời đem ra giễu cợt. Chúng ta có thể nhận một công việc ít tiền hơn vì nó là công việc mà chúng ta thích hay là ở gần nhà của mình hơn; chúng ta có thể mở một hiệu ảnh vì chúng ta thích chụp ảnh, dù mở cửa hàng bán thiết bị thì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn; chúng ta có thể sẵn sàng mua các sản phẩm do bạn bè hoặc công ty có ý thức bảo vệ môi trường làm ra với giá cao hơn. Phần lớn các quyết định về kinh tế của chúng ta được đưa ra trên cơ sở kết hợp của yếu tố, trong đó có giá cả, thuận tiện, sở thích, những mối quan hệ cá nhân..v.v... Phân tích kinh tế chỉ đưa ra giả định duy nhất là khi lựa chọn, tất cả chúng ta đều xuất phát từ quyền lợi của mình, dù chúng ta có xác định quyền lợi là gì thì cũng thế.
Nhưng các nhà kinh tế học sử dụng thuật ngữ “doanh nhân” để chỉ một người tham gia đặc biệt trên thương trường, đấy không phải là người sản xuất cũng không phải là người tiêu dùng mà là người nhìn thấy và hành động nhằm kiếm lời bằng cách chuyển các nguồn lực từ nơi chúng được đánh giá thấp đến nơi chúng được đánh giá cao hơn. Người đó có thể thấy rằng ở bờ Tây trái kiwi được bán với giá 30 xu, còn ở bờ Đông thì có giá là 50 xu, và chi phí vận chuyển là 10 xu, cho nên anh ta có thể được lời 10 xu nếu mua ở bờ Tây rồi đem về bán ở bờ Đông. Anh ta có thể phát hiện ra rằng một công ty nào đó muốn mua tòa nhà văn phòng giá 10 triệu USD, còn một công ty khác thì có tòa nhà văn phòng đáp ứng yêu cầu của công ty kia, nhưng lại sẵn sàng bán với giá 8 triệu USD. Bằng cách mua rồi bán lại nó (hoặc đơn giản là đưa người mua đến với người bán rồi hưởng hoa hồng), anh ta có thể thu được một món lời kha khá. Anh ta có thể thấy rằng radio sản xuất ở Malaysia có chi phí rất thấp, nếu đem về Mỹ thì giá sẽ thấp hơn giá hiện hành, do đó, anh ta ký hợp đồng với một nhà sản xuất radio và chuyển chúng về Mỹ. Anh ta hoặc doanh nhân khác có thể thấy rằng các công ty Mỹ có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm ở Malaysia rẻ hơn tất cả các công ty Malaysia, và một thương vụ nữa có thể được thực hiện.
Trong mỗi vụ mua bán này, vai trò của doanh nhân là nhận ra tình huống, nơi nguồn lực có thể được sử dụng hiệu quả hơn là hiện đang được sử dụng. Phần thưởng cho sự sáng suốt đó chính là một phần giá trị mà anh ta thêm vào cho cả hai bên. Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu chúng ta – vì muốn đáp ứng thái độ hoài nghi đối với những người môi giới - cấm kinh doanh? Người ở bờ Đông sẽ không được thưởng thức quả kiwi mà họ sẵn sàng mua, người Mỹ sẽ phải mua những chiếc radio với giá cao hơn, một công ty sẽ không có tòa nhà văn phòng để sử dụng còn công ty kia thì không nhận được tiền mà họ cho là có giá trị hơn là tòa nhà. Nhưng đây chỉ là những biểu hiện bên ngoài. Sẽ xảy ra sự kiện là nền kinh tế hiện đại, phức tạp của chúng ta sẽ ngưng hoạt động. Người môi giới có mặt chỉ vì một lý do đơn giản là dịch vụ của họ có giá trị nào đó với những người buôn bán với họ. Nông dân có thể mang hàng của mình ra chợ bán, nhưng đa số nông dân đều thấy rằng tập trung vào nông nghiệp và bán sản phẩm của mình cho thương lái thì sẽ hiệu quả hơn. Người tiêu dùng có thể đến trang trại và mua sản phẩm của nông dân, nhưng rõ ràng là đến cửa hàng tạp hóa gần nhà mua thì sẽ hiệu quả hơn.
Vai trò của doanh nhân trong việc phân bổ tư liệu sản xuất – những nguồn lực dùng để sản xuất hàng tiêu dùng - thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Khi nền kinh tế trở nên giàu có hơn và phức tạp hơn, cơ cấu sản xuất của nó sẽ dài ra. Nghĩa là, trước khi trở thành hàng tiêu dùng, nguyên liệu thô phải trải qua nhiều công đoạn hơn. Tư liệu sản xuất đầu tiên có lẽ là cái lưới bắt cá. Đến thời Adam Smith, phải qua nhiều công đoạn thì mới làm ra được những chiếc máy mà công nhân sử dụng trong quá trình sản xuất đinh ghim. Hôm nay, chỉ cần tưởng tượng những công đoạn liên quan đến việc đưa một chiếc máy tính đến tay người tiêu dùng: cửa hàng, mà một người nào đó đã bỏ tiền đầu tư; hệ thống giao thông vận tải; công ty sản xuất máy tính; các kỹ sư phần mềm, những người phải được đào tạo; những con chip, phải được thiết kế và sản xuất; kim loại, thủy tinh và nhựa, những thứ phải được sản xuất, tinh luyện và đúc..v.v. và v. v... Khi cơ cấu sản xuất dài ra, cần phải đầu tư vào quá trình sản xuất trong một thời gian dài trước khi người tiêu dùng quyết định xem có mua một sản phẩm nào đó hay không, những người liên tục tìm kiếm cơ hội sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Người ta tham gia vào các hoạt động kinh tế là nhằm nhận được những thứ mà họ muốn – rút cục lại là: có nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, nhưng tạm thời là một khoản tiền lương hay một món hàng nào đó. Công nhân được tiền công lao động, nông dân thì bán sản phẩm của mình. Phần thưởng mà doanh nhân được là lợi nhuận. Từ “lợi nhuận” có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Đối với một kế toán viên thì đấy là số tiền còn lại sau một thời gian làm kinh tế. Thường thì đó là tiền lương trả cho nghiệp chủ, vì người đó đã bỏ công sức ra làm việc hoặc tiền lãi trả cho tiền vay của chủ nợ. Lợi nhuận thuần túy mà doanh nhân thu được là do anh ta nhận ra và lợi dụng khoảng cách giữa việc sử dụng nguồn lực ở nơi nó bị đánh giá thấp và sử dụng chính nguồn lực đó ở nơi nó được đánh giá cao hơn. Nó phản ánh dự báo chính xác của anh ta về sở thích của người tiêu dùng. Nghĩa là khi dự đoán sai, các doanh nhân sẽ bị lỗ.
Lợi nhuận cao đôi khi làm cho một số người cảm thấy khó chịu. Họ muốn hạn chế lợi nhuận hoặc đánh thuế để thu hồi bớt, nhất là những khoản “lợi nhuận từ trên trời rơi xuống”. (Ít khi bạn khi nghe thấy người ta nói rằng xã hội nên chung tay giúp những doanh nhân bị những khoản “lỗ từ trên trời rơi xuống”). Trên thực tế, chúng ta phải biết ơn những người kiếm được lợi nhuận. Như nha kinh tế học Murray Rothbard viết: “Lợi nhuận chứng tỏ rằng doanh nhân đã tìm ra và sửa chữa sự mất cân đối [nghĩa là, sử dụng chưa hiệu quả các nguồn lực]”. Hay, như Israel Kirzner của Đại học New York (New York University) giải thích: “Việc tìm kiếm lợi nhuận của các doanh nhân có nghĩa là tìm kiếm những hoàn cảnh, nơi nguồn lực bị phân bổ sai”. Lợi nhuận mà doanh nhân kiếm được càng lớn thì khoảng cách giữa cách thức các nguồn đang được sử dụng lúc đó và cách thức mà đáng lẽ ra chúng có thể được sử dụng càng lớn và do đó ông ta càng làm lợi cho xã hội hơn. Khi những người phê bình phàn nàn rằng lợi nhuận của công ty dược phẩm là quá cao, họ muốn nói rằng kiếm lời quá cao từ những sản phẩm thiết yếu như vậy là vô đạo đức. Trên thực tế, lợi nhuận cao là tín hiệu nói rằng cần đầu tư nhiều hơn vào việc sản xuất thuốc và chữa bệnh. Các công ty dược phẩm kiếm được lợi nhuận cao nhất chính là những công ty lấp đầy khoảng trống lớn giữa nhu cầu của người tiêu dùng và khả năng sản xuất của thị trường lúc đó. Hạn chế lợi nhuận của các công ty dược phẩm sẽ không khuyến khích những khoản đầu tư vào đúng chỗ cần thiết nhất.
Không nên phê phán người kiếm được lợi nhuận mà nên phê phán những người bị lỗ vốn. Nhưng không cần phải đánh thuế những khoản lỗ-từ-trên-trời rơi xuống. Thị trường trừng phạt những doanh nhân dự đoán sai bằng những khoản lỗ, những khoản lỗ lớn sẽ buộc anh ta phải từ bỏ kinh doanh và khuyến khích anh ta đi làm thuê cho người biết phân bổ nguồn lực tốt hơn.
Thông qua quá trình cực kỳ phức tạp – nhưng mới nhìn lại tưởng là đơn giản, với lượng hàng hóa bất tận được đưa vào các cửa hàng – giá cả trên thị trường tự do giúp chúng ta kết hợp những cố gắng của mình và nâng cao hơn nữa mức sống của chúng ta.
Những người nhiệt tình ủng hộ thị trường đôi khi còn nói đến “sự kỳ diệu của thị trường”. Nhưng không có phép thuật gì ở đây hết, đấy chỉ là trật tự tự phát của những con người yêu hòa bình, chăm chỉ lao động, tự do tương tác với nhau, mỗi người đều tìm kiếm lợi riêng cho mình, nhưng lại dẫn đến sự hợp tác với những người khác nhằm đạt được mục đích đó. Nó không xảy ra ngay lập tức mà qua nhiều năm, thậm chí là nhiều thế kỷ, thị trường đã đưa chúng ta từ xã hội đặc trưng bởi lao động nặng nhọc chỉ để sống qua ngày, với tuổi thọ trung bình là 25 năm đến tình trạng phong phú về vật chất, sức khỏe và công nghệ thực sự tuyệt vời của ngày hôm nay.
Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế diễn ra như thế nào? Làm sao chúng ta đi được từ thế giới trong đó mọi người chỉ có sức lao động, đất đai và những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở ngay trước mặt đến cơ cấu kinh tế phức tạp, đủ sức bảo đảm cho chúng ta mức sống cao chưa từng có như hiện nay? Trong cuốn sách mỏng và khá hấp dẫn, nhan đề Những điều mọi người cần biết về kinh tế học và thịnh vượng (What Everyone Should Know about Economics and Prosperity), hai nhà kinh tế học là James D. Gwartney và Richard L. Stroup cung cấp cho chúng ta một bản hướng dẫn ngắn gọn về nguồn gốc của thịnh vượng. Điểm đầu tiên cần lưu ý là muốn tiêu thụ nhiều hơn thì phải sản xuất nhiều hơn. Khan hiếm là một trong những thành phần cơ bản của điều kiện sống của con người, nghĩa là nhu cầu của chúng ta bao giờ cũng cao hơn những nguồn lực sẵn có. Để đáp ứng ngày càng nhiều hơn những nhu cầu của chúng ta, chúng ta phải học cách sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả hơn.
Cần lưu ý rằng mục đích của chúng ta không phải là gia tăng “tốc độ phát triển của nền kinh tế”, càng không phải là gia tăng tổng sản phẩm quốc gia, gia tăng thu nhập quốc dân, hoặc bất kỳ chỉ số thống kê nào khác. Những số liệu thống kê đó còn có nhiều khiếm khuyết (mặc dù trong cuốn sách này thỉnh thoảng tôi cũng sử dụng những số liệu thống kê), đôi khi chúng có thể dẫn người ta đến những kết luận sai lầm, ví dụ, những đánh giá sai lầm cho rằng nền kinh tế Liên Xô lớn hơn rất nhiều so với thực tế hoặc số liệu thống kê lố bịch cho nói rằng GDP trên đầu người của Đông Đức bằng đến một nửa GDP trên đầu người của Tây Đức. Mục đích của hoạt động kinh tế là tăng nguồn cung hàng tiêu dùng cho người dân, điều này sẽ kéo theo việc tăng nguồn cung tư liệu sản xuất dùng cho sản xuất hàng tiêu dùng. Có thể khó đo đạc một cách chính xác, nhưng phải nhớ rằng, chúng ta quan tâm tới những món hàng hóa trên thực tế chứ không phải là những con số thống kê.
Tăng trưởng kinh tế thực sự trước hết là do tiết kiệm và đầu tư. Hôm nay tiêu dùng ít để ngày mai có thể sản xuất và tiêu dùng nhiều hơn. Tiết kiệm mang lại hai lợi ích căn bản. Đầu tiên là cất đi một ít “cho những ngày trời mưa”, ẩn dụ này làm chúng nhớ lại nền kinh tế nguyên thủy, thậm chí là nhớ lại nền kinh tế của Robinson Crusoe. Crusoe cất đi một ít cá và quả dâu mà ông kiếm được trong ngày hôm nay, đề phòng trường hợp ngày mai bị ốm hay thời tiết xấu không đi kiếm ăn được. Lợi ích thứ hai thậm chí còn quan trọng hơn. Chúng ta tiết kiệm và đầu tư để chúng ta có thể sản xuất nhiều hơn trong tương lai. Nếu Crusoe tiết kiệm được thức ăn đủ dùng trong vài ngày, ông có thể dùng một ngày để đan một cái lưới, cái lưới này sẽ tạo điều kiện cho ông bắt được nhiều cá hơn. Trong nền kinh tế phức tạp, tiết kiệm tạo điều kiện cho chúng ta khởi động một doanh nghiệp hoặc làm công việc phát minh hay mua thiết bị, giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Tiết kiệm càng nhiều (cả cá nhân lẫn xã hội) thì càng có nhiều tiền để đầu tư vào sản xuất trong tương lai và mức sống trong tương lai của chúng ta càng cao hơn – mức sống của con cái chúng ta thì cũng thế.
Nền kinh tế phức tạp cần thị trường vốn hiệu quả nhằm thu hút các nguồn tiền tiết kiệm và chuyển chúng thành các khoản đầu tư để làm ra nhiều của cải hơn. Thị trường vốn bao gồm thị trường chứng khoán, bất động sản, các doanh nghiệp, và các tổ chức tài chính, như ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư tương hỗ (mutual funds) và các công ty đầu tư. Như Gwartney và Stroup viết: “Thị trường vốn điều phối hoạt động của những người có tiền tiết kiệm, tức là những người cung cấp tiền bạc cho các thị trường và các nhà đầu tư, tức là những người chuyên tìm kiếm nguồn vốn để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh khác nhau. Các nhà đầu tư tư nhân bao giờ cũng đánh giá các dự án tiềm năng một cách thận trọng và tìm cho ra những dự án có lời”. Các nhà đầu tư sẽ được tưởng thưởng vì có những quyết định đúng – hướng nguồn vốn vào các dự án phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng - và bị phạt (lỗ) vì đã hướng những nguồn vốn khan hiếm vào những dự án sai lầm. Chúng ta thường thấy những nhận xét chê bai các “doanh nhân trên giấy”, tức là những người không “sản xuất đồ vật”, ví dụ như thép và ô tô. Nhưng trong nền kinh tế ngày càng phức tạp hơn, không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn là phân bổ nguồn vốn vào những dự án đúng, và việc thị trường tưởng thưởng một cách hậu hĩnh cho những người có những quyết định đầu tư đúng đắn là hoàn toàn phù hợp.
Một nguồn tăng trưởng kinh tế khác là cải thiện vốn con người, nghĩa là, nâng cao tay nghề của người lao động. Những người cải thiện được tay nghề - bằng cách học đọc và viết, học nghề mộc hoặc lập trình máy tính, hoặc vào trường y – nói chung, thường có thu nhập cao hơn.
Tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ cũng có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Bắt đầu từ cuộc Cách mạng Công nghiệp cách đây khoảng 250 năm, những cải tiến trong lĩnh vực công nghệ đã làm thay đổi thế giới của chúng ta. Máy hơi nước, động cơ đốt trong, điện và năng lượng hạt nhân đã trở thành nguồn năng lượng chính, thay thế sức người và sức kéo của động vật. Giao thông vận tải đã được cách mạng hóa bằng các tuyến đường sắt, ô tô, và máy bay. Những thiết bị giúp tiết kiệm sức lao động, như máy giặt, lò nướng, lò vi sóng, máy tính và rất nhiều loại máy công nghiệp khác nhau, tạo điều kiện cho chúng ta sản xuất được nhiều hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn. Lĩnh vực giải trí cũng thay đổi đến mức không còn nhận ra được nữa, đấy là đĩa hát, băng ghi âm, đĩa compact, phim và truyền hình. Trong thế kỷ XVIII, hoàng đế Áo-Hung và triều đình của ngài mới được nghe Mozart; ngày nay chỉ cần bỏ ra vài USD là ai cũng có thể nghe Mozart, Mancini hay Madonna. Hollywood có thể làm ra nhiều thứ rác rưởi (mặc dù phải nhớ rằng dân chúng xem những thứ rác rưởi đó), nhưng có nhiều người đã được xem vở Richard III của Shakespeare trong bộ phim do Laurence Olivier và Ian McKellen đóng hơn là tất cả số người từng xem vở kịch đó trong toàn bộ giai đoạn lịch sử trước đó.
Cải tiến tổ chức kinh tế, một trong những nguyên nhân tăng trưởng thường bị bỏ qua. Hệ thống quyền sở hữu, quy định của pháp luật và chính phủ tối thiểu cung cấp một không gian rộng tối đa cho người dân thử nghiệm những hình thức hợp tác mới. Sự phát triển của các công ty tạo điều kiện cho việc giải quyết những nhiệm vụ kinh tế lớn mà các cá nhân và hiệp hội không thể nào làm được. Những tổ chức như các hiệp hội nhà chung cư, quỹ đầu tư tương hỗ, các công ty bảo hiểm, ngân hàng, hợp tác xã do người lao động làm chủ và những tổ chức khác là những nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế cụ thể bằng hình thức hiệp hội mới. Một số hình thức hóa ra không hiệu quả; ví dụ, nhiều tập đoàn lớn thời những năm 1960, chứng tỏ là không thể quản lý nổi và các cổ đông đã bị mất tiền. Thông tin phản hồi nhanh chóng của thị trường đảm bảo rằng những hình thức tổ chức mang lại hiệu quả sẽ được người ta bắt chước, còn những hình thức tổ chức thiếu hiệu quả sẽ bị đảo thải.
Tất cả những nguyên nhân tăng trưởng này - tiết kiệm, đầu tư, cải thiện nguồn nhân lực, công nghệ và tổ chức nền kinh tế - phản ánh những lựa chọn của các cá nhân trên thị trường tự do, được thúc đẩy bởi quyền lợi của chính mình. Các thị trường ở Mỹ và Tây Âu chưa được tự do như chúng đáng lẽ được hưởng, nhưng mức độ tự do tương đối như thế cũng đã sản xuất được biết bao nhiêu là hàng hóa rồi. Như Gwartney và Stroup chỉ ra: “Những người công nhân ở Bắc Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản sản xuất được số lượng hàng hóa tính trên đầu người gấp năm lần số hàng hóa mà tổ tiên của họ sản xuất được cách đây 50 năm”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là: “Thu nhập trên đầu người, đã được điều chỉnh theo lạm phát – các nhà kinh tế học học gọi là thu nhập thực tế - cũng cao gấp gần năm lần”.
Chính phủ là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn
Chính phủ có vai trò gì trong nền kinh tế? Trước hết, chính phủ có vai trò rất quan trọng: bảo vệ quyền sở hữu và tự do trao đổi, sao cho giá cả thị trường có thể làm cho kế hoạch của cá nhân có thể phối hợp được với nhau. Nhưng khi chính phủ làm hơn thế, ví dụ, tìm cách cung cấp một số hàng hóa hay dịch vụ cụ thể nào đó hoặc khuyến khích một số kết quả nào đó, là nó không những không giúp cho việc phối hợp, mà trên thực tế, còn làm ngược lại – làm cho người ta khó phối hợp với nhau hơn. Giá cả chuyển tải thông tin. Nếu chính phủ kiểm soát hay can thiệp vào việc định giá thì giá cả sẽ không chuyển tải được thông tin chính xác nữa. Càng can thiệp nhiều thì thông tin càng không chính xác, phối hợp kinh tế càng kém hơn, nhu cầu vì thế mà cũng được đáp ứng kém hơn. Can thiệp vào thông tin được truyền đạt bởi giá cả chỉ có hại đối với tiến bộ kinh tế.
(Còn nữa)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.