Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 7: Xã hội dân sự (Phần 1)
Theo quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân, vai trò của chính phủ là bảo vệ các quyền của người dân – tất cả chí có thế thôi. Như thế cũng là nhiệm vụ quá lớn rồi, chính phủ mà làm tốt công việc đó là xứng đáng được chúng ta tôn trọng và chúc mừng rồi. Nhưng, bảo vệ các quyền chỉ mới là điều kiện tối thiểu cho việc theo đuổi hạnh phúc. Như Locke và Hume khẳng định, chúng ta lập ra chính phủ nhằm bảo vệ cuộc sống, bảo vệ các quyền tự do và tài sản của chúng ta, tức là bảo vệ những điều kiện để chúng có thể sống sót và thịnh vượng.
Không tương tác với những người khác, chúng ta chỉ có thể tồn tại chứ khó mà phát triển được. Chúng ta muốn liên kết với những người khác nhằm đạt được những mục tiêu mang tính công cụ - sản xuất được nhiều thực phẩm, trao đổi hàng hóa, phát triển công nghệ mới - nhưng còn bởi vì chúng ta cảm thấy một nhu cầu sâu sắc là phải có mối liên kết, phải có tình yêu và tình bạn và tình làng nghĩa xóm. Các hiệp hội mà chúng ta cùng với những người khác lập ra tạo thành cái mà chúng ta gọi xã hội dân sự. Có rất nhiều hình thức hiệp hội khác nhau - gia đình, nhà thờ, trường học, câu lạc bộ, đoàn thể, hội khu phố, hội đồng hương, và rất nhiều loại hình hiệp hội thương mại, ví dụ, các đối tác, các tập đoàn, liên đoàn lao động và các hiệp hội buôn bán khác. Tất cả những hiệp hội đó đều phục vụ nhu cầu của con người, nhưng theo những cách khác nhau. Xã hội dân sự có thể được định nghĩa một cách bao quát là tất cả các hiệp hội được hình thành một cách tự nhiên và tự nguyện. Một số nhà phân tích chia ra thành các tổ chức thương mại và các tổ chức phi lợi nhuận, họ khẳng định rằng các doanh nghiệp là một phần của thị trường, không phải là của xã hội dân sự; nhưng tôi, theo truyền thống cho rằng khác biệt thực sự là giữa những hiệp hội mang tính cưỡng chế (nhà nước) và những hiệp hội được hình thành một cách tự nhiên hoặc tự nguyện (tất cả các tổ chức khác). Dù một hiệp hội cụ thể nào đó được thành lập nhằm tìm kiếm lợi nhuận hay nhắm tới mục đích nào khác thì đặc điểm quan trọng nhất của nó lá người ta tự nguyện tham gia. Các hiệp hội trong xã hội dân sự được lập ra nhằm đạt được một số mục đích cụ thể nào đó, nhưng toàn bộ xã hội dân sự thì không có mục đích nào cả; đấy là kết quả xuất hiện một cách tự phát, không có sự sắp xếp từ trước của tất cả những hiệp hội nhắm tới những mục đích nhất định.
Một số người không thực sự thích xã hội dân sự. Ví dụ như Karl Marx. Khi bình luận về tự do chính trị trong một trong những bài báo viết hồi còn trẻ với nhan đề Bàn về vấn đề Do Thái (On the Jewish Question), Marx viết rằng “cái gọi là quyền của con người … chẳng là gì khác ngoài những quyền của thành viên của xã hội dân sự, tức là một người ích kỷ, một người tách ra khỏi những người khác và tách ra khỏi cộng đồng”. Ông khẳng định rằng “con người khi là thành viên của xã hội dân sự” là “một cá nhân thu mình lại đằng sau những lợi ích cá nhân và những ý tưởng bất chợt của người đó, một người tự tách mình ra khỏi cộng đồng”. Xin nhớ rằng Thomas Paine phân biệt xã hội với chính phủ, xã hội dân sự với xã hội chính trị. Marx đã làm sống lại sự phân biệt đó, nhưng đã bị bóp méo: Ông muốn xã hội chính trị đẩy xã hội dân sự ra ngoài. Khi mọi người được tự do thực sự, ông nói, họ sẽ coi mình là những người công dân của cộng đồng chính trị thống nhất, chứ không phải “chia tách” thành những vai trò khác nhau, những vai trò riêng rẽ như thương nhân, người lao động, người Do Thái, người theo đạo Tin lành. Mỗi người đều sẽ là “một con người của cộng đồng”, hiệp nhất với tất cả các công dân khác, và nhà nước sẽ không còn được coi là một công cụ nhằm bảo vệ các quyền để các cá nhân có thể theo đuổi mục đích ích kỷ của mình, mà như một thực thể, thông qua đó mọi người sẽ đạt được “bản chất người, tức là chủ nghĩa tập thể của con người”. Chưa có ai giải thích rõ ràng việc giải giải phóng sẽ xảy ra như thế nào, còn kinh nghiệm thực tế của các chế độ Marxist thì khó có thể coi là giải phóng, nhưng thái thù địch đối với xã hội dân sự thì rất rõ ràng.
Chủ nghĩa Marx hiện nay là một từ bị mọi người ghét bỏ (và như thế là đúng), nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài của chủ nghĩa Marx đối với nhiều người như thế chứng tỏ rằng ông nắm được một điều gì đó khi ông viết về những người cảm thấy bị vong thân và tách biệt hẳn với những người khác. Tất cả chúng ta đều muốn có một mối liên hệ nào đó với những người khác. Trong những cộng đồng truyền thống, tiền tư bản, người ta không có nhiều sự lựa chọn về mối liên hệ này; trong làng, những người ta biết trong cuộc đời đều sống xung quanh ta. Dù muốn dù không, bạn không thể tránh được ý thức về cộng đồng. Khi chủ nghĩa tự do và cuộc Cách mạng Công nghiệp đã mang đến tự do, sung túc cho nhiều người và tạo điều kiện cho họ đi từ địa phương này tới địa phương khác thì ngày càng có nhiều người quyết định rời bỏ làng quê, thậm chí là rời bỏ cố quốc, nhằm xây dựng cuộc sống tốt hơn ở nơi khác. Quyết định ra đi cho thấy người ta kỳ vọng rằng sẽ tìm được cuộc sống tốt hơn; và di chuyển và di cư tiếp tục, hết hệ nọ sang thế hệ kia trong xã hội hiện đại, dường như chứng tỏ rằng người ta quả thật đã tìm thấy những cơ hội tốt hơn ở những địa điểm mới. Nhưng ngay cả có cảm thấy vui khi rời bỏ làng quê hoặc cố quốc thì người ta cũng có thể cảm thấy đã đánh mất ý thức cộng đồng, hệt như một người rời bỏ gia đình để sống cuộc đời tự lập có thể cảm thấy sâu sắc về sự mất mát, mặc dù người đó thích cuộc sống tự chủ và độc lập. Đó là khao khát mà đối với nhiều người, chủ nghĩa Marx dường như có thề cung cấp câu trả lời.
Nực cười là, chủ nghĩa Marx hứa hẹn tự do và cộng đồng nhưng lại mang đến chế độ độc tài và sự cách biệt giữa người với người. Nạn độc tài của các nước theo chủ nghĩa Marx thì nhiều người biết rõ, nhưng chủ nghĩa Marx đã tạo ra xã hội của những con người cô độc hơn bất cứ xã hội nào trong thế giới tư bản chủ nghĩa thì có lẽ nhiều người chưa hiểu rõ. Các nhà lãnh đạo theo đường lới Marxist ở đế quốc Liên Xô, trước hết, tin tưởng về mặt lý thuyết rằng người dân trong điều kiện của “nền tự do chân chính” sẽ không cần các tổ chức chăm lo cho những lợi ích cá nhân của họ, và thứ hai, hiểu rằng các hiệp hội độc lập là mối đe dọa đối với quyền lực nhà nước. Vì vậy, họ không chỉ loại bỏ hoạt động kinh tế tư nhân mà còn tìm cách xóa sổ nhà thờ, xóa sổ trường học độc lập, xóa sổ các tổ chức chính trị, các hội đồng hương và tất cả những tổ chức khác, thậm xóa sổ cả những câu lạc bộ làm vườn. Cuối cùng, người ta đã tạo ra lý thuyết nói rằng các tổ chức không bao trùm lên tất cả mọi người góp phần chia rẽ con người với nhau. Kết quả đương nhiên là con người, sau khi không còn hình thức cộng đồng nào và không còn mối liên hệ giữa gia đình và nhà nước toàn năng, đã trở thành những cá nhân cô đơn theo nghĩa chính xác nhất của từ này. Như nhà triết học và nhân chủng học Ernest Gellner viết : “Hệ thống này đã tạo ra những kẻ vô liêm sỉ, vô đạo đức, cô đơn, không có cơ hội tự thể hiện, chỉ giỏi nịnh hót và nói một đằng làm một nẻo”. Những mối liên hệ tự nhiên với hàng xóm láng giềng, với những người đồng đạo, với những người cùng làm ăn đã bị phá hủy, làm cho họ trở thành những người đầy ngờ vực và không còn tin tưởng nhau, không còn thấy lý do hợp tác với người khác hay thậm chí là tôn trọng người khác nữa.
Thậm chí trớ trêu hơn nữa, có thể là chủ nghĩa Marx cuối cùng đã tạo ra một cách đánh giá mới về xã hội dân sự. Khi nạn tham nhũng dưới thời Brezhnev được thay thế bằng tiến trình tự do hóa trong những năm cầm quyền của Gorbachev, người ta bắt đầu tìm kiếm phương án thay thế cho chủ nghĩa xã hội và họ đã tìm thấy nó trong các khái niệm về xã hội dân sự, chủ nghĩa đa nguyên và tự do lập hội. Nhà đầu tư-tỷ phú George Soros, nóng lòng muốn thấy quê hương ông (nước Hungary) và các nước láng giềng của nó được tự do, đã bắt đầu bằng những khoản đóng góp to lớn, nhưng không phải nhằm kích động những cuộc cách mạng chính trị mà để xây dựng lại xã hội dân sự. Ông tìm cách trợ cấp cho tất cả những thứ, từ những câu lạc bộ cờ vua đến những tờ báo độc lập, để cho mọi người lại được làm việc cùng với nhau trong các tổ chức không phải do nhà nước quản lý. Quá trình hồi sinh của xã hội dân sự không chỉ là yếu tố trong việc khôi phục chế độ tự do cho các nước Trung và Đông Âu, mà xã hội dân sự mạnh hơn sẽ giúp bảo vệ nền tự do mới, cũng như cung cấp cho tất cả mọi người những lợi ích khác nhau, mà người ta chỉ có thể giành được khi nằm trong hiệp hội.
Ngay cả những người không theo chủ nghĩa Marx cũng có những lo lắng về cộng đồng và sự tách biệt giữa người với người như Marx. Các triết gia theo phái cộng đồng, những người tin rằng cá nhân nhất định phải được coi là một phần của một cộng đồng, lo ngại rằng người ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ, nhấn mạnh quá mức những đòi hỏi về quyền cá nhân làm thiệt hại đến quyền lợi của cộng đồng. Quan niệm của họ về quan hệ của chúng ta với những người khác có thể được thể hiện như là một loạt các vòng tròn đồng tâm: mỗi cá nhân là một phần của một gia đình, của một xóm, một thành phố, một khu vực của một đô thị lớn, một bang, một nước. Ẩn ý của luận cứ này là, đôi khi chúng ta quên chú ý đến tất cả những vòng tròn đó và cần phải khuyến khích chúng ta làm như thế.
Nhưng những vòng tròn này có đồng tâm không? Đúng hơn, nên coi cộng đồng trong thế giới hiện đại như là một loạt những vòng tròn giao nhau, với rất nhiều mối liên hệ phức tạp giữa chúng với nhau. Mỗi người chúng ta có rất nhiều cách quan hệ với người khác – đấy chính là điều Marx phàn nàn, còn những người theo phái tự do cá nhân thì ca ngợi. Một người có thể vừa là một người vợ, một người mẹ, một người con gái, một người em gái, một người em họ; một nhân viên của doanh nghiệp, một chủ sở hữu của một doanh nghiệp khác, một cổ đông trong những doanh nghiệp khác nữa; một người thuê nhà và một chủ đất; một quan chức trong hiệp hội nhà chung cư; hoạt động trong tổ chức Hướng đạo sinh; một thành viên của Giáo hội Trưởng lão; một nhân viên trong khu vực bầu cử của Đảng Dân chủ; một thành viên của một hiệp hội nghề nghiệp; một thành viên của câu lạc bộ cầu đường, một thành viên câu lạc bộ những người hâm mộ Jane Austen, một thành viên của nhóm nữ quyền, một bảo vệ khu phố .v.v.. (Người này có thể cảm thấy khá mệt mỏi, nhưng về nguyên tắc, có thể có rất nhiều hiệp hội và mối liên hệ). Hầu hết các hiệp hội này nhắm đến mục đích cụ thể nào đó – kiếm tiền, ngăn ngừa tội phạm, giúp đỡ con em của họ - nhưng chúng cũng tạo điều kiện cho người nọ liên kết với người kia. Nhưng không hiệp hội nào thu hút được hết cá tính và định nghĩa được một cách trọn vẹn cá tính của bất kỳ người nào. (Có thể tiến gần đến định nghĩa trọn vẹn bằng cách tham gia một cộng đồng tôn giáo nắm trọn tất cả, ví dụ, một dòng tu nữ tu thiền định thuộc Công giáo La Mã, nhưng đấy là lựa chọn tự nguyện và có thể rời bỏ dòng tu vì người ta không bị tước mất quyền lựa chọn).
Theo quan niệm này của chủ nghĩa tự do, chúng ta kết nối với những người khác nhau bằng những cách khác nhau, trên cơ sở thỏa thuận tự do và tự nguyện. Ernest Gellner nói rằng xã hội dân sự hiện đại đòi hỏi “con người modul”. Không những không phải là sản phẩm của riêng một nền văn hóa và bị tan biến vào nền văn hóa đó, con người modul “có thể tham gia hiệp hội nhắm đến một mục đích cụ thể và hạn chế, không ràng buộc mình bằng một nghi thức không thể gỡ ra được”. Người đó có thể liên kết với những người khác, đấy là “những mối liên kết hiệu quả, đồng thời linh hoạt, cụ thể và có ích”.
Cộng đồng xuất hiện từ rất nhiều những mối liên hệ giữa các cá nhân với nhau: không phải là cộng đồng gắn bó trong làng hay cộng đồng mang tính cứu chuộc như chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa xã hội quốc gia và tất cả những tôn giáo hứa hẹn thực hiện tất cả những ước muốn, mà là một cộng đồng của các cá nhân tự do trong những hiệp hội mà họ lựa chọn một cách tự nguyện. Cộng đồng không làm nên cá nhân, mà cá nhân sinh ra cộng đồng. Cộng đồng sinh ra không phải vì một người nào đó muốn tạo nó và chắc chắn không phải vì nhà nước tạo ra nó, mà vì đấy là nhu cầu. Các cá nhân phải kết hợp với những người khác thì mới thỏa mãn được nhu cầu và ước muốn của mình. Xã hội là hiệp hội của các cá nhân được cai trị bởi các quy tắc pháp lý, hay có lẽ là hiệp hội của những hiệp hội, nhưng không phải là một cộng đồng lớn, hoặc một gia đình, như quan niệm sai lầm của Mario Cuomo và Pat Buchanan. Những quy tắc của gia đình hoặc nhóm nhỏ không - và không thể - là những quy tắc của xã hội to lớn.
Sự tách biệt hẳn giữa cá nhân và cộng đồng có thể dẫn đến hiểu nhầm. Một số nhà phê bình nói rằng cộng đồng đòi hỏi người ta phải từ bỏ cá tính. Nhưng tư cách thành viên của một nhóm không đòi hỏi phải làm giảm bớt cá tính; nhóm có thể làm cho cá tính tăng lên, bằng cách làm cho người ta thoát khỏi những giới hạn mà họ gặp khi chỉ là những cá nhân đơn độc và làm gia tăng cơ hội để họ có thể đạt được mục đích của mình. Quan điểm như vậy về cộng đồng đòi hỏi rằng tư cách thành viên là do người ta tự lựa chọn, chứ không phải là bắt buộc.
Hợp tác
Bởi vì người ta không thể làm được phần lớn những điều họ muốn, nếu làm một mình, cho nên họ hợp tác với những người khác theo nhiều cách khác nhau. Những biện pháp của chính phủ nhằm bảo vệ các quyền và quyền tự do hành động tạo ra môi trường để cho các cá nhân có thể theo đuổi những mục tiêu của mình và tin rằng thân thể và tài sản của họ sẽ được an toàn. Kết quả là xuất hiện một mạng lưới phức tạp của những hiệp hội tự do, trong đó mọi người tự nguyện chấp nhận và thực hiện những nghĩa vụ và hợp đồng mà mình đã ký.
Tự do lập hội giúp làm giảm xung đột xã hội. Nó tạo điều kiện cho các thành viên của xã hội liên kết lại với nhau và tạo ra nhiều mạng lưới những mối quan hệ cá nhân chồng chéo lên nhau. Nhiều mối quan hệ vượt qua ranh giới tôn giáo, chính trị, và sắc tộc. (Tất nhiên là có những mối quan hệ, ví dụ, tôn giáo và sắc tộc, liên kết những người trong một nhóm cụ thể nào đó). Kết quả là những người khác nhau và không quen biết nhau đến với nhau trong tình thân hữu. Những mối liên kết xuất hiện vì những lý do khác nhau làm giảm căng thẳng mà nếu không thì có thể làm cho người ta càng xa cách nhau hơn. Người Công giáo và Tin Lành, những người có thể xung đột với nhau, gặp nhau trong vai người mua và bán trên thương trường, trong vai các thành viên của hội phụ huynh học sinh hay tham gia vào hiệp hội bóng chày, nơi họ còn gặp và liên kết với người Hồi giáo, người Do Thái giáo, người Ấn giáo, người theo Đạo Lão và những người không theo đạo nào. Họ có thể bất đồng về tôn giáo, thậm chí người này có thể nghĩ rằng người kia đang mắc những tội lỗi chết người, nhưng xã hội dân sự cung cấp không gian, nơi họ có thể hợp tác với nhau một cách hòa bình. Một bài báo trên tờ Washington Post viết về những buổi hành lễ đang ngày càng thịnh hành vào lúc giữa trưa bắt đầu như sau: “Trên đường phố, những người này – công nhân viên chức và luật sư, người thuộc Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, cư dân thành phố và dân ngoại ô. Nhưng, ở đây, tất cả đều là người Thiên chúa giáo”. Một bài báo khác có thể bắt đầu như sau: “Ở ngoài kia, đấy là những người Công giáo và người theo phái Baptist, người da đen và người da trắng, người đồng tính và bình thường, người đã kết hôn và người độc thân. Nhưng ở trong này, họ đều là nhân viên của hãng America Online”. Hay: “Ở đây, họ là những thày giáo dạy cho những trẻ em kém may mắn”. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, những người có thể cảm thấy không được thoải mái nếu họ đều là thành viên của một cộng đồng chật hẹp trong một nhóm nào đó lại có thể liên kết với nhau vì một mục đích cụ thể nào đó, đây là quá trình học tập để nếu không yêu nhau thì chí ít cũng là để tồn tại cùng với nhau.
Không ai có thể tạo lập được cái trật tự phức tạp này. Không có người thiết kế. Nó là sản phẩm của vô vàn hành động của con người, nhưng không phải là kết quả của một bản thiết kế từ trước.
Trách nhiệm cá nhân và lòng tin
Trong chương trước tôi đã kể lại câu chuyện về mạng lưới tuyệt vời của lòng tin tưởng, chính lòng tin đã tạo điều kiện để tôi có thể nhận tiền mặt và thuê xe ô tô ở địa điểm cách nhà tôi nửa vòng trái đất. Nếu những người phê bình chủ nghĩa tự do cá nhân nói đúng thì xã hội thương mại “tách biệt hẳn” sẽ dẫn tới xu hướng làm giảm mức độ tin cậy và hợp tác, tức là những hiện tượng tạo điều kiện cho các máy ATM trả tiền cho những người xa lạ hay không? Bằng chứng xung quanh chúng ta bác bỏ những lời chỉ trích này.
Nếu chúng ta định theo đuổi hạnh phúc bằng cách ký kết hợp đồng với những người khác, thì điều quan trọng là chúng ta có thể tin nhau. Ngoài những nghĩa vụ tối thiểu là không vi phạm các quyền của người khác, trong một xã hội tự do, chúng ta chỉ phải thực hiện những nghĩa vụ chúng ta tự nguyện chấp nhận mà thôi. Nhưng khi chúng ta chấp nhận nghĩa vụ bằng cách ký kết hợp đồng hoặc tham gia và các hiệp hội, chúng ta phải có trách nhiệm, cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý, thực hiện những thỏa thuận đó. Có mấy yếu tố buộc chúng ta phải làm: cảm nhận của chúng ta về đúng và sai; chúng ta muốn những người khác ủng hộ; khích lệ đạo đức; và, khi cần, bằng nhiều cách khác nhau nhằm buộc người khác thực thi trách nhiệm, trong đó có từ chối làm việc với người không thực hiện nghĩa vụ mà mình đã nhận.
Khi xã hội phát triển và có những người muốn làm những việc lớn thì sự tin cậy lẫn nhau của ngày càng nhiều người hơn trở thành tác nhân cực kỳ quan trọng. Ban đầu, người ta chỉ có thể tin những người trong cùng một gia đình hay những người trong cùng làng hay cùng bộ lạc với mình. Mở rộng dần số người có thể tin cậy là một trong những ưu điểm lớn của nền văn minh. Hợp đồng và hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lòng tin trong chúng ta.
Tương tự như người anh hùng được ca ngợi trong một bài dân ca, cha tôi là một người “có thể vay tiền ở các ngân hàng đơn giản vì ông đã hứa”. Danh dự và đáng tin có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với thị trường và nền văn minh. Nhưng, trong xã hội rộng mở thì như thế là chưa đủ. Chẳng mấy người bên ngoài cái thị trấn mà cha tôi sống biết được tiếng tốt về cha tôi và khi cấp bách ông sẽ khó mà vay được tiền ở mấy thị trấn bên cạnh, chứ chưa nói trên toàn quốc hay trên toàn thế giới. Nhưng như tôi đã nói bên trên, tôi có thể nhận ngay lập tức tiền mặt và tín dụng hầu như ở bất cứ nơi nào trên thế giới không phải vì tôi có uy tín hơn hơn cha tôi, mà vì thị trường tự do đã xây dựng được những tổ chức tín dụng hoạt động trên toàn thế giới. Khi tôi còn có khả năng thanh toán những hóa đơn của mình thì các mạng lưới tài chính phức tạp của American Express và Visa và MOST còn tạo điều kiện cho tôi mua hàng hóa, dịch vụ, hay nhận tiền mặt ở bất cứ nơi nào tôi tới. Những hệ thống này hoạt động tốt đến nỗi chúng ta coi là đương nhiên, nhưng đấy thực sự là điều kỳ diệu. Dĩ nhiên là hệ thống này hoạt động trên một quy mô rộng lớn hơn hẳn so với việc tôi rút tiền mặt và thuê xe. Sự kết hợp của các thiết chế xác minh mức độ tin cậy và các thiết chế pháp lý nhằm trừng phạt những vi phạm hợp đồng, nếu cần; đã tạo điều kiện cho người ta thực hiện những dự án kinh tế lớn, từ việc thiết kế và lắp ráp máy bay, xây dựng đường hầm dưới eo biển Manche, đến những mạng máy tính toàn cầu như CompuServe và America Online.
Tín dụng đã trở phổ biến và sẵn đến mức một số người bắt đầu coi nó như là một quyền. Họ cảm thấy như bị xúc phạm về mặt đạo đức khi có người không được vay tín dụng. Họ đòi nhà nước ban hành quy định về các quỹ tín dụng, hạn chế thông tin về tín dụng xấu, giới hạn lãi suất .v.v... Những người đó không hiểu tầm quan trọng sống còn của niềm tin. Họ dường như không nhận thức được rằng chẳng ai muốn cho những người không đáng tin vay những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Nếu không có thông tin tín dụng đáng tin cậy thì lãi suất sẽ tăng đề bù cho những khoản rủi ro đã gia tăng. Nếu thông tin không đáng tin thì việc cấp tín dụng sẽ chấm dứt hoặc sẽ chỉ được cấp thông qua những mối liên hệ cá nhân và gia đình, điều đó chắc chắn là trái ngược với những điều mà những người phê phán các quỹ tín dụng mong muốn.
Mạng lưới của lòng tin và tín dụng dựa trên tất cả các thiết chế của xã hội tự do: Quyền và trách nhiệm cá nhân, quyền sở hữu, quyền tự do ký kết hợp đồng, thị trường tự do và chế độ pháp quyền. Một trật tự phức tạp dựa trên nền tảng đơn giản nhưng an toàn. Như trong lý thuyết hỗn độn, một phương trình phi tuyến đơn giản có thể tạo ra một vấn đề toán học giải mãi vẫn không hết, cũng vậy, những quy tắc đơn giản của xã hội tự do có thể tạo ra những mối quan hệ xã hội, kinh tế và pháp lý vô cùng phức tạp.
(Còn nữa)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.