[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 5: Chủ nghĩa đa nguyên và lòng khoan dung

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 5: Chủ nghĩa đa nguyên và lòng khoan dung

Một trong những sự kiện quan trọng nhất của đời sống hiện đại, mà bất kỳ lý thuyết chính trị nào cũng phải giải quyết, đấy là chủ nghĩa đa nguyên về đạo đức. Các cá nhân có những khái niệm khác nhau về ý nghĩa của cuộc đời, về sự tồn tại của Chúa, về những biện pháp nhằm theo đuổi hạnh phúc. Một cách phản ứng với thực tế này có thể được gọi là “chủ nghĩa cầu toàn”, tức là triết lý chính trị tìm kiếm một cơ cấu mang tính thiết chế nhằm hoàn thiện bản chất con người. Marx đã đưa ra câu trả lời kiểu như vậy, khi ông tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội sẽ tạo điều kiện để con người, lần đầu tiên trong lịch sử, thể hiện được đầy đủ tiềm năng của mình. Các tôn giáo thần quyền cung cấp cho chúng ta một câu trả lời khác, khi họ đề nghị liên kết toàn dân bằng một nhận thức chung về quan hệ của họ với Chúa. Các nhà triết học theo phái cộng đồng cũng tìm cách tạo ra cộng đồng với “cuộc đời thực”, mà theo lời của Michael Walzer, một triết gia thuộc đại học Harvard, là “diễn ra theo một con đường xác định, nghĩa là phù hợp với nhận thức chung của các thành viên của nó”. Ngay cả một số người bảo thủ hiện đại, những người cho rằng “Thuật trị nước là thuật cai trị tâm hồn” – theo lời nhà báo George F. Will - đang tìm cách sử dụng sức mạnh của chính phủ nhằm khắc phục hiện tượng đa nguyên về đạo đức.

Những người theo trường phái tự do cá nhân và những người tự do cá nhân chủ nghĩa có một câu trả lời khác. Lý thuyết của chủ nghĩa tự do cho rằng trong các xã hội hiện đại sẽ có những câu trả lời khác nhau một trời một vực cho những câu hỏi như: đối với con người cái gì là tốt, bản chất tối hậu của con người là gì. Một số người tự do theo phái Aristotle khẳng định rằng con người thực sự có chung một bản chất nhưng mỗi người lại có một tập hợp những tài năng, nhu cầu, hoàn cảnh và tham vọng riêng; cho nên cái tốt đối với cuộc sống của một người có thể khác với cái tốt đối với cuộc sống của người khác, mặc dù bản chất của họ là giống nhau. Tự chủ, khả năng lựa chọn cách sống riêng cho mình là một phần của hạnh phúc của con người.

Như vậy là, dù tiếp cận theo cách nào thì chủ nghĩa tự do cũng tin rằng vai trò của chính phủ không phải là áp đặt những nguyên lí đạo đức cụ thể, mà là lập ra một hệ thống những quy tắc đảm bảo để mỗi cá nhân có quyền tự do theo đuổi lợi ích của chính mình theo cách riêng của mình – tự mình hay hợp tác với những người khác - miễn là không vi phạm quyền tự do của người khác. Bởi vì không có chính phủ hiện đại nào có thể giả định rằng tất cả các công dân của mình chia sẻ trọn vẹn một bộ quy tắc đạo đức, cho nên việc sử dụng vũ lực nhằm buộc người dân phải thực hiện các nghĩa vụ phải được giữ ở mức tối thiểu. Theo quan niệm của chủ nghĩa tự do cá nhân, những quy tắc căn bản của hệ thống chính trị về cơ bản là phải mang tính tiêu cực: Không vi phạm quyền của người khác trong việc theo đuổi lợi ích của chính họ theo cách riêng của họ. Nếu chính phủ tìm cách phân bổ nguồn lực và phân công nhiệm vụ trên cơ sở của một quan niệm đạo đức cụ thể - do nhu cầu hay được cho là xứng đáng về mặt đạo đức - thì sẽ tạo ra xung đột xã hội và chính trị. Như vậy, không có nghĩa là không có nguyên tắc đạo đức nào hay tất cả các lối sống đều “tốt như nhau” mà chỉ có nghĩa là không thể có sự đồng thuận về cái tốt nhất là gì và khi những vấn đề như thế được chuyển vào lĩnh vực chính trị thì xung đột là không thể tránh khỏi.

Lòng khoan dung tôn giáo

Một trong những hàm ý rõ ràng của chủ nghĩa cá nhân, đấy là ý tưởng cho rằng mỗi người là một cá nhân có trách nhiệm về đạo đức, là lòng khoan dung tôn giáo. Chủ nghĩa tự do cá nhân phát triển từ cuộc đấu tranh lâu dài vì lòng khoan dung tôn giáo, từ những người theo Thiên chúa giáo đầu tiên ở đế quốc La Mã, đến Hà Lan, rồi những người theo phái Thanh tẩy (Anabaptist) ở Trung Âu, đến những người bất đồng (Dissenters) của Giáo hội Anh, đến những trải nghiệm của Roger Williams và Anne Hutchinson ở các thuộc địa Mỹ và những nơi khác.

Tự làm chủ bản thân mình chắc chắn bao gồm khái niệm về “quyền sở hữu lương tâm của chính mình”, như James Madison nói. Một người theo phái Leveller, Richard Overton viết vào năm 1646 như sau: “Mỗi người thực chất là một cố đạo và một nhà tiên tri trong phạm vi và khu vực của mình”. Locke đồng ý rằng “tự do lương tâm là quyền tự nhiên của mỗi người”.

Bên cạnh những luận cứ về đạo đức và thần học, còn có những luận cứ mang tính thực tiễn ủng hộ lòng khoan dung tôn giáo. Như George H. Smith khẳng định trong tiểu luận “Triết lý của lòng khoan dung (Philosophies of Toleration - xuất bản năm 1991) rằng, một nhóm người ủng hộ lòng khoan dung dường như rất muốn thấy sự thống nhất đức tin tôn giáo, “nhưng họ không muốn áp đặt sự thống nhất trên thực tế vì cái giá khủng khiếp mà xã hội phải trả - những vụ ép buộc trên diện rộng, những cuộc nội chiến và hỗn loạn trong xã hội”. Họ đề nghị khoan dung như là biện pháp tốt nhất nhằm tạo dựng nền hòa bình trong xã hội. Nhà triết học người Do Thái, Baruch Spinoza, khi giải thích chính sách khoan dung của Hà Lan, đã viết: “Muốn cho người dân có thể sống hòa thuận với nhau thì phải cho người ta quyền tự do ý kiến, dù những ý kiến này có khác nhau, thậm chí trái ngược nhau đến mức nào”. Spinoza chỉ ra rằng, sự thịnh vượng mà người Hà Lan đã giành được là vì họ cho phép người dân thuộc mọi tông phái đều được sống một cách hòa bình và làm ăn trong các thành phố của họ. Khi người Anh học hỏi và áp dụng chính sách tương đối khoan dung của người Hà Lan thì Voltaire đã nhận ra những kết quả tương tự và đề nghị người Pháp cũng làm như thế. Mặc dù sau này Marx đã tố cáo thị trường vì bản chất phi cá tính của nó, nhưng Voltaire lại công nhận tính ưu việt của sự phi cá tính đó. Như George Smith viết: “Khả năng làm việc với những người khác một cách phi cá tính, chỉ làm với họ vì hai bên đều có lợi, nghĩa là đặc điểm cá nhân, ví dụ như đức tin tôn giáo, đã không còn ý nghĩa nữa”.

Một số người ủng hộ lòng khoan dung nhấn mạnh những lợi ích về mặt lý thuyết của chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo. Họ nói, sự thật sẽ xuất hiện trong những cuộc tranh luận. Người bảo vệ nổi bật cho quan điểm này là John Milton, nhưng Spinoza và Locke cũng đồng ý như thế. Những người theo phái tự do cá nhân ở Anh thế kỷ XIX đã sử dụng thuật ngữ “thương mại tự do trong tôn giáo” nhằm phản bác giới quyền uy trong Giáo hội Anh.

Một số người bất đồng (Dissenters) người Anh đến Mỹ để được tự do hành đạo theo cách riêng của họ, nhưng lại không cho những người khác được làm như thế. Họ không phản đối những ưu tiên ưu đãi đặc biệt đối với một tôn giáo, họ chỉ muốn đấy phải là tôn giáo của chính họ. Nhưng những người mới tới Mỹ khác không chỉ ủng hộ lòng khoan dung tôn giáo mà còn mở rộng luận cứ nhằm kêu gọi tách nhà thờ ra khỏi nhà nước; vào thời điểm đó, đấy thực sự là một quan điểm cấp tiến. Sau khi bị trục xuất khỏi khu định cư ở Vịnh Massachusetts vào năm 1636 vì những quan điểm dị giáo của mình, Roger Williams đã viết tiểu luận Nguyên lí khủng bố đẫm máu (The Bloudy Tenent of Persecution), thúc giục việc tách nhà thờ ra khỏi nhà nước và tìm cách bảo vệ Thiên chúa giáo khỏi sự kiểm soát chính trị. Tư tưởng của Williams, cùng với tư tưởng của John Locke, lan tràn khắp các thuộc địa ở Mỹ; những nhà thờ được tuyên bố là thuộc nhà nước đã dần dần bị tước danh hiệu này và Hiến pháp được thông qua vào năm 1787 đã không còn nói đến Chúa hay tôn giáo, trừ quy định cấm kiểm tra việc theo hay không theo tôn giáo nào trước khi tiếp nhận vào làm việc trong các cơ sở của nhà nước. Tu Chính Thứ Nhất, thông qua năm 1791, đảm bảo cho mọi người quyền tự do tín ngưỡng và cấm coi bất cứ đạo nào là quốc giáo.

Những người cánh hữu theo đạo thường khẳng định rằng Mỹ hiện nay là - hay ít nhất đã là - quốc gia Thiên chúa giáo với một chính phủ theo Thiên chúa giáo. Mục sư giáo phái Tin lành Baptist ở Dallas, người đọc lời cầu chúc tại Hội nghị Toàn quốc của đảng Cộng hòa năm 1984 nói rằng “không có chuyện tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước”, còn người sáng lập Liên minh Thiên chúa giáo, Pat Robertson, thì viết: “Hiến pháp đã được thiết kế nhằm duy trì vĩnh viễn trật tự Thiên chúa giáo”. Nhưng Isaac Kramnick và R. Laurence Moore đã viết trong tác phẩm Hiến pháp vô thần (The Godless Constitution) rằng tổ tiên của Robertson đã hiểu Hiến pháp tốt hơn ông này. Một số người Mỹ đã phản đối việc phê chuẩn Hiến pháp vì nó “có thái độ thờ ơ đối với tôn giáo” và sẽ để cho “tôn giáo tự thân vận động”. Tuy nhiên, Hiến pháp cách mạng đã được thông qua, và hầu hết chúng ta đều tin rằng việc tách nhà thờ ra khỏi nhà nước đã có một kết thúc có hậu. Như Roger Williams có thể dự đoán, nhà thờ ở Mỹ, nơi mà họ phải tự lo, mạnh hơn hẳn so với ở các nước châu Âu, nơi hiện vẫn còn những nhà thờ chính thống  (ví dụ như Anh và Thụy Điển) hoặc nhà thờ sống bằng tiền thuế do chính phủ thu từ các tín đồ của họ (Đức).

Tách nhà thờ ra khỏi Nhà nước

Tại sao tách nhà thờ ra khỏi nhà nước dường như lại là một ý tưởng khôn ngoan đến như vậy? Trước hết, dùng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước can thiệp vào các vấn đề của lương tâm con người là sai. Nếu chúng ta có quyền, nếu chúng ta là những người có trách nhiệm về đạo đức thì chúng ta phải được tự do ý kiến và tự do xác định mối quan hệ của chúng ta với Chúa Trời. Điều đó không có nghĩa là trong xã hội đa nguyên và tự do thì sẽ không có tuyên truyền tôn giáo và thuyết phục người ta cải đạo – chắc chắn là sẽ có – điều đó có nghĩa là cải đạo phải hoàn toàn là do thuyết phục, hoàn toàn tự nguyện.

Thứ hai, khi tôn giáo được đưa ra khỏi lĩnh vực chính trị thì xã hội hài hòa hơn. Châu Âu đã chịu nhiều đau khổ vì các cuộc chiến tranh tôn giáo, đấy là khi nhà thờ liên minh với nhà cầm quyền và tìm cách áp đặt lý thuyết thần học của họ lên tất cả những người sống trong khu vực. Đàn áp tôn giáo, Roger Williams viết, gây ra “những rối loạn” trong các thành phố. Nếu người dân thực sự có đức tin và nếu chính phủ tìm cách biến một đức tin thành phổ quát và bắt buộc thì mọi người sẽ phải tranh đấu một cách tuyệt vọng – thậm chí là đến chết – để cho đức tin chân chính đó trở thành đức tin chính thức của nhà nước. Đưa tôn giáo vào lãnh vực của sự thuyết phục thì trong xã hội có thể xuất hiện những cuộc tranh luận gay gắt, nhưng sẽ không còn xung đột chính trị. Như kinh nghiệm của Hà Lan, Anh và sau đó là Mỹ đã cho thấy, trong đời sống thế tục, người dân có thể cộng tác với nhau mà mỗi người vẫn có thể giữ ý kiến riêng của mình.

Thứ ba, cạnh tranh tạo ra kết quả tốt hơn là trợ cấp, bảo hộ và tuân phục. “Thương mại tự do trong tôn giáo” là công cụ tốt nhất giúp con người tiến gần tới chân lý. Các doanh nghiệp nấp sau các khoản trợ cấp và thuế nhập khẩu sẽ yếu kém và không có khả năng cạnh tranh, nhà thờ, giáo đường, nhà thờ Hồi giáo, chùa chiền thì cũng thế. Những tôn giáo được bảo vệ khỏi sự can thiệp của chính trị, nhưng trong các lĩnh vực khác đều được tự chủ dường như mạnh hơn và nhiều sức sống hơn hơn so với nhà thờ được sự hỗ trợ của chính phủ.

Điểm cuối cùng này là thành phần thiết yếu của thế giới quan của chủ nghĩa tự do cá nhân: sự khiêm nhường. Những người theo phái tự do cá nhân đôi khi bị chỉ trích vì bị cho là quá “cực đoan”, vì có quan điểm “giáo điều” về vai trò của chính phủ. Trên thực tế, lời cam kết không gì lay chuyển được của những người theo phái tự do cá nhân đối với việc bảo vệ trọn vẹn các quyền cá nhân và chính phủ hạn chế đến mức tối đa phản ánh thái độ khiêm nhường như một trong những đặc trưng căn bản của họ. Một trong những lý do để người ta phản đối việc đưa một tôn giáo hay một nền tảng đạo đức nào khác thành tôn giáo hay nền tảng đạo đức quốc gia vì chúng ta thừa nhận khả năng rất hiện thực là quan điểm của chúng ta có thể sai. Những người theo trường phái tự do cá nhân ủng hộ thị trường tự do và quyền sở hữu tài sản được phân tán vì họ biết rằng những người nắm độc quyền khó có khả năng thực hiện được những bước nhảy vọt, góp phần thúc đẩy nền văn minh. Trong tất cả các tác phẩm của mình, Hayek đều nhấn mạnh ý nghĩa cực kỳ quan trọng của sự thiếu hiểu biết của con người. Trong Hiến pháp của Tự do (The Constitution of Liberty - 1960), ông viết: “Các luận cứ ủng hộ tự do cá nhân chủ yếu xuất phát từ việc thừa nhận rằng chắc chắn là tất cả chúng ta đều không biết rất nhiều yếu tố mà quá trình đấu tranh để giành các mục tiêu và phúc lợi của chúng ta phụ thuộc vào. . . . Tự do là điều tối quan trọng nhằm tạo ra không gian cho những sự kiện lường trước được và không thể lường trước được”. Người theo phái tự do cá nhân ở Mỹ, thế kỷ XIX, bà Lillian Harman (1830-1910), trong khi bác bỏ việc nhà nước quản lý chuyện hôn nhân và gia đình, đã viết trong tiểu luận Tự do (Liberty) vào năm 1895 như sau: “Nếu tôi có thể buộc toàn bộ thế giới sống đúng như cách tôi sống hiện nay, thì điều đó sẽ mang lại lợi ích gì cho tôi sau mười năm năm nữa, khi mà tôi hy vọng rằng tôi sẽ hiểu biết hơn về cuộc đời và do đó cuộc sống của tôi có thể thay đổi?” Vô minh, khiêm tốn, khoan dung - không phải khẩu hiệu chiến đấu mà là luận cứ quan trọng cho việc hạn chế vai trò của những biện pháp mang tính ép buộc trong xã hội.

Nếu những ý tưởng này là đúng thì ý nghĩa của chúng còn vượt ra ngoài tôn giáo. Tôn giáo không phải là thứ duy nhất có ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta và sự phát triển tinh thần của chúng ta và nó cũng không phải là thứ duy nhất có thể dẫn đến những cuộc chiến tranh văn hóa. Ví dụ, gia đình là thiết chế giúp chúng ta học được phần lớn những kiến thức của chúng ta về thế giới và những giá trị đạo đức của chúng ta. Mặc dù Mario Cuomo coi cả nước Mỹ là một gia đình lớn hay bà Hillary Clinton coi cả thế giới là một ngôi làng thì mỗi người chúng ta cũng đều quan tâm đến con cái của mình hơn là con cái của bất kỳ người nào khác và chúng ta muốn truyền đạt những giá trị đạo đức và thế giới quan của chúng ta cho con em của mình. Đó là lý do vì sao sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực gia đình lại làm người ta bực bội và gây ra nhiều tranh cãi như thế. Chúng ta cần phải đặt ra nguyên tắc tách gia đình ra khỏi nhà nước và bức tường ngăn cách này cũng phải vững chắc như bức tường ngăn cách giữa nhà thờ và nhà nước vậy, lý do thì cũng thế: bảo vệ lương tâm của từng cá nhân, giảm xung đột xã hội và giảm bớt những ảnh hưởng không hay của những khoản trợ cấp và những quy định về gia đình.

Một lĩnh vực nữa là giáo dục, đấy nơi chúng ta chính thức dạy các giá trị cho con em của chúng ta. Chúng ta hy vọng các trường học cung cấp cho con em của chúng ta không chỉ kiến thức mà còn giúp chúng có sức mạnh về mặt đạo đức để có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan. Nhưng than ôi, trong xã hội đa nguyên, chúng ta không thể nào thỏa thuận được: Cần những giá trị đạo đức nào? Xin bắt đầu từ việc một số phụ huynh muốn dạy lòng tôn kính đối với Thiên Chúa, nhưng một số người khác thì không. Tu Chính Án Thứ Nhất đã được giải thích một cách chính xác là cấm cầu nguyện trong các trường học công lập, nhưng buộc các phụ huynh phải nộp thuế để chi phí cho trường học rồi sau đó cấm các trường được hưởng những khoản trợ cấp từ thuế để cho con em họ hưởng nền giáo dục mà họ muốn chắc chắn là việc làm không công bằng. Trong Đạo luật về Tự do Tôn giáo ở bang Virginia, Thomas Jefferson viết: “Buộc người ta đóng góp tiền của cho việc tuyên truyền những quan điểm mà người đó không tin là tội lỗi và độc tài”. Dùng tiền thuế của gia đình để tuyên truyền cho con em người ta những quan điểm mà họ không tin còn kinh tởm hơn đến mức nào.

Đây là những vấn đề vượt ra ngoài tôn giáo. Các trường học có nên yêu cầu mặc đồng phục, đọc lời tuyên thệ trung thành với đất nước, có cho phép thày giáo là người đồng tính, có lớp học dành riêng cho con trai và con gái, khuyến khích ủng hộ cuộc chiến vùng Vịnh, tổ chức lễ mừng Giáng sinh và/hoặc lễ Hanukkah của người Do Thái, yêu cầu xét nghiệm ma túy hay không? Tất cả những quyết định này đều liên quan đến những lựa chọn về mặt đạo đức và những phụ huynh khác nhau sẽ có những sở thích khác nhau. Hệ thống độc quyền do nhà nước quản lý phải đưa ra quyết định về những vấn đề đó cho toàn thể cộng đồng. Tách một cách dứt khoát giáo dục ra khỏi nhà nước là tôn trọng quyền tự do lương tâm của mỗi gia đình, làm giảm xung đột chính trị về những vấn đề gây bức xúc lớn và góp phần củng cố mỗi trường học theo nghĩa sứ mệnh của nhà trường và cam kết của cả học sinh lẫn gia đình họ. Cha mẹ có thể chọn trường tư cho con em mình trên cơ sở những giá trị đạo đức và sứ mệnh giáo dục mà trường cung cấp và xung đột chính trị về câu hỏi: dạy cái gì? sẽ không thể phát sinh.

Tương tự như nhà thờ, gia đình và trường học, nghệ thuật cũng thể hiện, truyền đạt và thách thức những giá trị thầm kín nhất của chúng ta. Như ông giám đốc nhà hát Center Stage ở Baltimore đã nói: “Nghệ thuật có sức mạnh. Nó có sức mạnh trong việc duy trì, trong việc chữa trị, trong việc nhân bản hóa. . . trong việc thay đổi một cái gì đó trong con người của bạn. Đó là một sức mạnh đáng sợ và tuyệt vời. . . . Và đó là điều cực kỳ cần thiết đối với xã hội văn minh”. Bởi vì nghệ thuật - bao gồm hội họa, điêu khắc, kịch, văn học, âm nhạc, phim ảnh và nhiều thứ nữa – có ảnh hưởng lớn như vậy đối với những chân lý cơ bản của con người, cho nên chúng ta không có quyền gán ghép nó với sức mạnh cưỡng chế của chính phủ. Điều đó có nghĩa là không thể có kiểm duyệt hay quản lý nghệ thuật. Nó cũng có nghĩa là không được dùng tiền thuế để tài trợ cho nghệ thuật và các nghệ sĩ, vì khi chính phủ tham gia tài trợ thì sẽ xuất hiện xung đột chính trị: Quỹ quốc gia vì nghệ thuật có thể tài trợ cho phim ảnh khiêu dâm hay không? Hệ thống phát thanh, truyền hình nhà nước có thể phát sóng bộ phim Tales of the City, trong đó có những diễn viên đồng tính hay không? Thư viện Quốc hội có thể triển lãm cuộc sống của những người nô lệ trước cuộc Nội chiến hay không? Muốn tránh những trận khẩu chiến về cách chi tiêu tiền thuế của người dân và muốn giữ cho nghệ thuật và sức mạnh của nó trong lĩnh vực của thuyết phục, thì cần phải tách nghệ thuật ra khỏi nhà nước.

Còn vấn đề phân biệt chủng tộc thì sao? Chả lẽ chúng ta không phải chịu đựng quá lâu tệ phân biệt chủng tộc được nhà nước bảo trợ rồi hay sao? Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ - đấy là vi phạm những quyền cá nhân ghê tởm đến mức khó có thể coi là phân biệt chủng tộc một cách đơn thuần - chúng ta đã thông qua ba tu chính Hiến pháp nữa, mỗi sửa đổi đều nhằm hiện thực hóa những lời hứa của Tuyên ngôn Độc lập về việc đảm bảo cho mỗi người Mỹ (nam giới) quyền bình đẳng. Đặc biệt là, những tu chính án này đã bãi bỏ chế độ nô lệ, hứa bảo vệ tất cả các công dân theo pháp luật và đảm bảo rằng không ai bị tước quyền bầu cử vì lý do sắc tộc. Nhưng trong vòng một số năm, chính quyền các bang, được sự chấp thuận của tòa án liên bang, bắt đầu hạn chế quyền bầu cử, quyền sử dụng các công trình công cộng và tham gia vào đời sống kinh tế của người Mỹ gốc Phi. Giai đoạn phân biệt chủng tộc kéo dài mãi tới tận những năm 1960. Sau đó, đáng tiếc là chính phủ liên bang đã bỏ qua các chính sách của chủ nghĩa tự do cá nhân về quyền bình đẳng cho tất cả mọi người ngay trong chớp mắt và bắt đầu thay thế những hình thức cũ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bằng những hình thức mới - hạn ngạch, dành một số hợp đồng của chính phủ cho những khu vực khó khăn, dành ưu tiên bắt buộc trên cơ sở chủng tộc. Luật phân biệt chủng tộc từng làm người da đen (và tất cả những người tin vào quyền bình đẳng) tức giận, thì chế độ hạn ngạch mới lại làm người da trắng (và tất cả những người tin vào quyền bình đẳng) tức giận. Cơ sở cho một cuộc xung đột xã hội nữa đã được thiết lập và thù địch chủng tộc dường như sẽ gia tăng bằng nhiều cách ngay cả khi đang diễn ra quá trình hội nhập và thu nhập của người Mỹ gốc Phi tăng nhanh hơn so với thu nhập của người da trắng. Chắc chắn là mọi sự sẽ tốt hơn nếu người ta áp dụng những bài học của các cuộc chiến tranh tôn giáo và chính quyền nên đứng ngoài khu vực nhạy cảm này: Bãi bỏ những luật cung cấp hay phủ nhận các quyền hay những khoản ưu tiên ưu đãi trên cơ sở chủng tộc và tách chủng tộc ra khỏi nhà nước.

Đồng thời, chúng ta cũng phải có quan điểm phê phán đối với những chính sách có ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với những người đã bị chính phủ làm cho khốn khổ trong một thời gian dài. Ví dụ, thuế khóa và những quy định gây trở ngại cho việc thành lập doanh nghiệp mới và tạo việc làm có ảnh hưởng đặc biệt đối với những người mới bước chân vào nền kinh tế. Benjamin Hooks, sau này trở thành người đứng đầu Hiệp hội quốc gia trợ giúp người da màu (NAACP), có lần đã mua một cửa hàng bán bánh ở Memphis, người chủ cũ đã sở hữu cửa hàng này suốt 25 năm. “Trong 25 năm đó người ta đã thông qua biết bao nhiêu loại luật”, ông ta nói. “Phải có các phòng toilet riêng cho đàn ông và đàn bà, phải có những bức tường chuột không gặm được và đủ thứ chỉ có Trời mới biết. Chúng tôi đã va chạm với tất cả những quy định này và chi phí lên đến 30.000 USD. Chúng tôi đã phải đóng cửa”. Ông ta nói tiếp: “Rõ ràng, bây giờ, trong các khu khu ổ chuột mục nát của người da đen chỉ có khách hàng là người da đen mà thôi. Vì vậy, tác dụng của một số quy định hầu như 100% là nhằm loại trừ người da đen”. Luật cấp môn bài cũng có tác dụng như các bang hội thời trung cổ để không cho người ta có những chỗ làm việc tốt. Trong các thành phố như Miami, Chicago và New York, phải mất hàng chục ngàn USD mới mua được giấy phép lái taxi, đấy cũng là hình thức nhằm chặn đứng những người ít vốn tham gia kinh doanh.

Một ví dụ về chính sách của chính phủ có phân biệt đối xử với người da đen mà ít người nhận thấy là Hệ thống an sinh xã hội không thể động chạm về mặt chính trị. Tôi sẽ nói rõ hơn về hệ thống này trong Chương 10, nhưng tôi xin nhận xét ngay ở đây là, tương tự như tất cả những cơ sở độc quyền do nhà nước quản lý, tức là những cơ sở bắt tất cả mọi người đi chung một loại giày, Hệ thống an sinh xã hội được thiết kế cho gia đình “tiêu chuẩn” của năm 1930. Nó không phù hợp với những người không nằm trong khuôn khổ này. Người chưa lập gia đình và không có con cũng phải mua bảo hiểm cho trường hợp mất người nuôi dưỡng, một việc mà họ sẽ không làm với công ty bảo hiểm tư nhân. Những người phụ nữ có chồng và đang đi làm có thể không được nhận trợ cấp của chồng và của mình cùng một lúc, mặc dù họ phải đóng tiền cho cả hai khoản. Người da đen - vì có tuổi thọ thấp hơn người da trắng – phải đóng thuế giống như người da trắng, nhưng nhận được ít trợ cấp hơn hẳn người da trắng. Một công trình nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Chính sách Quốc gia đã phát hiện ra rằng, một người đàn ông da trắng bước vào thị trường lao động vào năm 1986 có thể sẽ nhận được từ Quĩ hưu trí cao hơn người đàn ông da đen đến 74% và nhận từ quĩ bảo hiểm y tế hơn người da đen tới 47%. Một cặp vợ chồng người trắng đi làm, khi về hưu có thể nhận được khoản trợ cấp cao hơn cặp vợ chồng người da đen đến 35%. Mức thu nhập nào thì chênh lệch cũng đều khá lớn. Nếu có hệ thống tiết kiệm tư nhân, mang tính cạnh tranh, thì chắc chắn là người ta sẽ đưa ra những kế hoạch khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của những người khác nhau chứ không áp dụng một kế hoạch cho tất cả mọi người. Về mặt luật pháp, chúng ta đã loại bỏ những ưu tiên ưu đãi về mặt chủng tộc, chúng ta cũng phải tìm cách bãi bỏ những đạo luật có ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với người nghèo và người thiểu số.

Nhưng, cũng như trong rất nhiều lĩnh vực, giải pháp của chủ nghĩa tự do không phải là thuốc chữa bách bệnh. Xung đột xã hội về giáo dục, nuôi dạy con cái và chủng tộc sẽ không chấm dứt ngay cả sau khi tu chính Hiến pháp chia tách tất cả những vấn đề đó ra khỏi sự can thiệp của chính phủ được thông qua. Nói cho cùng, Tu Chính Án Thứ Nhất đã không chấm dứt được những cuộc chiến mang tính pháp lý và chính trị về mối quan hệ của chính phủ đối với tôn giáo. Nhưng chắc chắn là nó đã hạn chế và kiềm chế được những trận chiến này và những trận chiến pháp lý về đâu là đường ranh giới trong những lĩnh vực khác sẽ không lớn như những xung đột hiện nay, khi những chiếc vòi bạch tuộc của chính phủ đã chui vào mọi ngóc ngách của đời sống của người Mỹ. Phi chính trị hóa bất đồng là biện pháp duy nhất nhằm làm giảm thiểu những xung đột về mặt văn hóa.

(Còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường