[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3: Chúng ta có những quyền gì? (Phần 5)
Muốn là người theo phái tự do cá nhân thì phải tin vào quyền tự nhiên?
Hầu hết các nhà khoa bảng, những người tự coi mình là người theo phái tự do cá nhân tin vào các khái niệm về quyền tự nhiên của cá nhân và nói chung là đồng ý với những điều trình bày bên trên. Những luận cứ ủng hộ cho các quyền được trình bày ở đây phản ánh quan điểm của John Locke, David Hume, Thomas Jefferson, William Lloyd Garrison và Herbert Spencer; và những người theo phái tự do cá nhân thế kỷ XX như Ayn Rand, Murray Rothbard, Robert Nozick và Roy Childs; và các nhà triết học đương đại như Jan Narveson, Douglas Rasmussen, Douglas Den Uyl, Tibor Machan và David Kelley.
Nhưng, một số người theo phái tự do cá nhân, đặc biệt là các nhà kinh tế học, không chấp nhận lý thuyết về quyền tự nhiên của cá nhân. Jeremy Bentham, một nhà triết học theo trường phái tự do cá nhân người Anh, thế kỷ XIX, chế diễu các quyền tự nhiên là “vô nghĩa”. Các nhà kinh tế học hiện đại như Ludwig von Mises, Milton Friedman và con trai của Milton Friedman là David Friedman bác bỏ quyền tự nhiên và thiết lập chính sách của chủ nghĩa tự do cá nhân trên cơ sở những lợi ích mà chính sách này mang lại.
Quan điểm đó thường được gọi là chủ nghĩa công lợi. Định nghĩa kinh điển của thuyết công lợi là tiêu chuẩn của đạo đức và của triết lý chính trị: “nhiều lợi ích nhất cho nhiều người nhất”. Nghe cũng được, nhưng có một số vấn đề. Làm sao chúng ta biết cái gì là tốt đối với hàng triệu người? Và nếu đa số áp đảo trong xã hội muốn điều không tốt – tước đoạt tài sản của các địa chủ người Nga, cắt bộ phận sinh dục của các cô gái trẻ hay giết người Do Thái thì sao? Chắc chắn là người theo phái công lợi khi đối mặt với tuyên bố rằng rất nhiều người nghĩ chính sách như vậy sẽ là tốt đẹp nhất sẽ quay lại với một nguyên tắc nào khác - có khả năng là một ý thức bẩm sinh nào đó cho rằng một số quyền cơ bản nào đó là đương nhiên.
Chủ nghĩa công lợi của Mises
Nhà kinh tế học Ludwig von Mises vừa là một người theo chủ nghĩa công lợi kiên định, vừa là người ủng hộ không khoan nhượng nền kinh tế tự do (laissez-faire). Làm sao ông có thể biện hộ cho việc bác bỏ sự can thiệp mang tính cưỡng chế vào quá trình thị trường mà không sử dụng học thuyết về quyền cá nhân? Ông nói, là một người nghiên cứu kinh tế, ông có thể chứng minh rằng chính sách can thiệp như thế sẽ dẫn tới những kết quả mà ngay cả những những người ủng hộ chính sách đó cũng phải coi là không đáng mong muốn. Nhưng, một người học trò của Mises, Murray Rothbard, lại hỏi làm sao Mises biết những người ủng hộ chính sách can thiệp muốn gì? Mises có thể chứng minh rằng kiểm soát giá cả sẽ dẫn đến hiện tượng khan hiếm, nhưng có lẽ những người ủng hộ chính sách kiểm soát giá cả là những người xã hội chủ nghĩa, tức là những người muốn coi kiểm soát giá cả là bước dẫn tới sự kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, hay những người bảo vệ môi trường cực đoan, tức là những người lên án việc tiêu thụ quá nhiều và nghĩ rằng ít hàng hóa hơn là tốt, hay những người theo chủ nghĩa bình quân, tức là những người cho rằng khan hiếm thì người giàu sẽ không thể mua được nhiều hơn người nghèo.
Mises giải thích rằng, ông “nghĩ là người ta thích sống hơn chết, khỏe mạnh hơn bệnh tật, được ăn hơn là bị đói, giàu có hơn là nghèo đói”. Nếu đúng như thế thì nhà kinh tế học này có thể chứng minh rằng sở hữu tư nhân và thị trường tự do là biện pháp tốt nhất để đạt được mục tiêu đó. Ông nói đúng, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này trong Chương 8, nhưng ông còn đưa ra một giả định lớn nữa. Mọi người cũng có thể thích bớt đi một chút của cải để có bình đẳng hơn hoặc để giữ lại trang trại của gia đình hay đơn giản là làm khổ những người giàu có chỉ vì ghen tị. Người theo phái công lợi làm sao phản đối việc tước đoạt tài sản nếu đa số dân chúng quyết định rằng họ không phản đối nếu chính sách đó làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi? Vì vậy, hầu hết những người theo phái tự do cá nhân kết luận rằng, dùng hệ thống các quyền cá nhân thì dễ bảo vệ tự do hơn dùng chủ nghĩa công lợi hay phân tích kinh tế.
Đây không phải là: Dù trời có sập thì cũng cứ thực thi công lý. Tất nhiên, hậu quả là quan trọng và sẽ chẳng có mấy người trong chúng ta tiếp tục là những người theo phái tự do cá nhân nếu chúng ta nghĩ rằng bám chặt vào các quyền cá nhân sẽ dẫn đến xã hội đầy xung đột và nghèo đói. Bởi vì tất cả các quyền cá nhân đều có nguồn gốc từ bản chất của con người, cho nên đương nhiên là những xã hội tôn trọng những quyền đó là những xã hội hài hòa và giàu có hơn những xã hội khác. Chính sách kinh tế tự do (Laissez-faire), trên cơ sở tôn trọng một cách nghiêm ngặt các quyền, sẽ dẫn đến thịnh vượng cao nhất cho nhiều người nhất. Nhưng xuất phát điểm của các quy tắc xã hội của chúng ta phải là bảo vệ quyền của mỗi người: sống, tự do và sở hữu.
Tình trạng khẩn cấp
Trong cuốn Cơ chế của tự do (The Machinery of Freedom), sau khi trình bày những luận cứ đầy sức mạnh nhằm ủng hộ cho lợi ích của chính sách tự do, David Friedman đưa ra một số luận cứ phản đối nguyên tắc của chủ nghĩa tự do, được thể hiện trong quy luật tự do ngang nhau và tiên đề không xâm phạm. Nhiều luận cứ có liên quan đến trường hợp khẩn cấp hay tình huống “xuồng cứu sinh”. Ví dụ cổ điển về xuồng cứu sinh là, giả sử bạn đang ở trong một con tàu đắm và chỉ có một xuồng cứu sinh chở được bốn người, nhưng có tám người đang tìm cách bám vào nó. Bạn sẽ quyết định ra sao? Xin hỏi những người theo phái tự do cá nhân hay những người ủng hộ các quyền tự nhiên khác: Lý thuyết về quyền của các vị trả lời câu hỏi này như thế nào? David Friedman nói, giả sử phải ăn cắp một khẩu súng bạn mới có thể ngăn chặn một người điên bắn chết hàng chục người dân vô tội hoặc phải ăn cắp thiết bị khoa học thì mới ngăn chặn được tiểu hành tinh đâm xuống bang Baltimore. Bạn có làm không và tính sao với quyền sở hữu?
Đấy là những câu hỏi có giá trị trong việc kiểm tra những hạn chế của lý thuyết về quyền. Trong một số trường hợp khẩn cấp, cân nhắc về các quyền là không phù hợp. Nhưng khi nghiên cứu về đạo đức thì đây không phải là những vấn đề phải quan tâm trước hết, chúng chẳng nói được gì nhiều về các hệ thống đạo đức mà con người cần, bởi vì đấy là những câu chuyện liên quan đến các tình huống mà con người có thể sẽ không bao giờ gặp trong suốt cuộc đời mình. Nhiệm vụ đầu tiên của hệ thống đạo đức là tạo điều kiện cho người dân sống một đời sống hòa bình, có năng suất, hợp tác với nhau trong khi các sự kiện diễn ra một cách bình thường. Chúng ta không sống trong những chiếc xuồng cứu sinh, chúng ta đang sống trong thế giới của những nguồn lực khan hiếm, mà tất cả chúng ta đều tìm cách cải thiện cuộc sống của mình cũng như cuộc sống của những người mà chúng ta yêu thương.
Giới hạn của các quyền
Chúng ta có thể tưởng tượng được những thách thức khác, không đến mức cực đoan như thế đối với khái niệm cho rằng quyền tự nhiên là tuyệt đối, mà theo lời của hai nhà triết học Douglas Rasmussen và Douglas Den Uyl thì: Chúng “vượt qua tất cả những suy tư về đạo đức khác trong việc xác định, theo hiến pháp, những vấn đề về đạo đức nào sẽ là những vấn đề hợp pháp”. Một người đàn ông đang chết đói có phải tôn trọng quyền của người khác và không ăn cắp miếng bánh mì hay không? Nạn nhân của lũ lụt hoặc nạn đói có phải chết vì đói hoặc không có chỗ che thân trong khi những người khác có thừa thực phẩm và nhà ở hay không?
Lũ lụt và nạn đói là những điều kiện không bình thường. Khi xảy ra, như Rasmussen và Den Uyl viết trong tác phẩm Tự do và Tự nhiên (Liberty and Nature), chúng ta có thể phải thừa nhận rằng các điều kiện cho đời sống xã hội và đời sống chính trị đã không còn, ít nhất trong một giai đoạn ngắn. Những quy tắc của chủ nghĩa tự do cá nhân tạo điều kiện cho sự tồn tại của đời sống xã hội và đời sống chính trị và tạo ra môi trường, trong đó mọi người có thể theo đuổi những mục đích riêng của họ. Trong trường hợp khẩn cấp, khi hai người tranh nhau một xuồng cứu sinh, khi nhiều người bị thiên tai làm cho mất hết nhà cửa – đời sống xã hội và đời sống chính trị có thể trở thành bất khả thi. Nghĩa vụ đạo đức của mỗi người là phải đảm bảo chí ít là những điều kiện tối thiểu cho sự tồn tại của chính mình. Rasmussen và Den Uyl viết: “Khi đời sống xã hội và đời sống chính trị trở thành bất khả thi, khi về nguyên tắc là “người ta không thể sống với nhau và không thể theo đuổi sự thịnh vượng của mình thì suy tư về quyền cá nhân là không đúng lúc, không thể áp dụng được những quyền này”.
Trong xã hội đang vận hành bình thường, một người - không phải do lỗi của mình –mà không tìm được việc làm hoặc sự trợ giúp và đang sắp chết đói là hiện tượng cực kỳ hiếm. Hầu như bao giờ cũng có những công việc với mức lương đủ để duy trì cuộc sống (mặc dù luật về tiền lương tối thiểu, các sắc thuế và những biện pháp can thiệp khác của chính phủ có thể làm giảm chỗ làm việc). Những người thực sự không thể tìm được việc làm thì sẽ có người thân và bạn bè giúp đỡ. Những người không có bạn bè thì có nhà dành cho người vô gia cư, tổ chức truyền giáo và những hình thức từ thiện khác. Nhưng để cho việc phân tích lý thuyết được hoàn hảo, hãy giả sử rằng có một người không tìm được việc làm, không được ai hỗ trợ và sắp chết đói. Giả sử rằng người đó đang sống trong một thế giới, nơi đời sống xã hội và đời chính trị đang vận hành bình thường, nhưng chúng ta có thể nói rằng người đó đã rơi vào tình trạng khẩn cấp và phải có những hành động cần thiết cho sự sống còn của chính mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là ăn cắp một ổ bánh mì. Tuy nhiên, nếu câu chuyện không làm cho người bị mất cái bánh mì động tâm và cho rằng cần đưa người đàn ông đói khát này ra tòa và cáo buộc tội trộm cắp. Trật tự pháp lý vẫn còn, dù quan tòa hay bồi thẩm đoàn, sau khi nghe trình bày có thể quyết định tha bổng người ăn cắp, mà không vi phạm những quy tắc chung của công lý và tài sản.
Xin lưu ý rằng phân tích ở đây không cho rằng người đói hoặc các nạn nhân của lũ lụt có quyền được người khác giúp đỡ hoặc có quyền có tài sản; nó chỉ nói rằng khi đời sống xã hội và đời sống chính trị là bất khả thi thì quyền không còn giá trị. Nhưng chúng ta có phủ nhận hoàn toàn các quyền và mở tung cửa cho việc phân phối lại của cải cho tất cả những người cho rằng mình đang nằm trong tình trạng khẩn cấp hay không? Không. Xin nhấn mạnh rằng những trường hợp ngoại lệ này chỉ được áp dụng cho những tình huống khẩn cấp mà thôi. Thành tố quan trọng phải là: người đó rơi vào tình trạng tuyệt vọng, mặc dù đấy không phải do lỗi của anh ta. Đơn giản là có ít hơn những người khác hay thậm chí là có quá ít, không thể tồn tại được chưa phải là điều kiện đủ. Rasmussen và Den Uyl viết: “Nghèo đói, thiếu hiểu biết và bệnh tật không phải là những trường hợp khẩn cấp trừu tượng. Tài sản và kiến thức không phải tự động mà có, không phải là thứ từ trên trời rơi xuống. Bản chất của cuộc sống và sự tồn tại của con người là mỗi người đều phải sử dụng lý trí và trí thông minh của mình để tạo ra của cải và kiến thức”.
Nếu một người không chịu học hành cho nên không có kiến thức và kỹ năng cần thiết lại không chịu làm những công việc nhàm chán hoặc lương thấp, hoặc phá hủy sức khỏe của chính mình thì người đó không thể tuyên bố rằng mình rơi vào tình trạng tuyệt vọng, mặc dù không phải lỗi của mình. Một người phụ nữ đã viết thư cho Ann Landers (một nhà báo nổi tiếng ở Mỹ - ND) để hỏi xem bà ta có bắt buộc phải cho người em gái một quả thận – mặc dù người này đã được cảnh báo nhiều lần và được gia đình giúp đỡ - vì đã uống rượu và tiêm chích ma túy quá mức và coi thường những lời khuyên của bác sĩ. Lý thuyết quyền không thể cho chúng ta biết nghĩa vụ đạo đức mà chúng ta phải có đối với các thành viên trong gia đình, dù những thành viên đó có phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với hoàn cảnh của mình; nhưng nó có thể nói cho chúng ta biết rằng, theo quan niệm đạo đức thì người đó không ở trong hoàn cảnh của người bị đắm tàu hay nạn nhân của một vụ mất mùa.
Chúng ta chấp nhận một số ngoại lệ đối với việc bảo vệ các quyền, đấy là khi một số điều kiện sau đây đã được thỏa mãn: một hoặc một số người có thể bị chết đói hoặc không có nơi trú ẩn, hay bệnh tật; họ rơi vào tình trạng này mà không phải do lỗi của mình; không có thời gian hay cơ hội cho bất kỳ giải pháp nào khác; dù đã làm hết sức mình nhưng họ vẫn không thể tìm được công ăn việc làm hay tổ chức từ thiện tư nhân; và họ công nhận rằng họ có nghĩa vụ với những người cung cấp cho họ tài sản, nghĩa là, ngay sau khi đứng vững trên đôi chân của mình, họ sẽ tìm cách hoàn trả những tài sản mà họ đã nhận.
Việc những quyền này có thể không được áp dụng trong những hoàn cảnh, khi đời sống xã hội và chính trị là bất khả thi, không làm xói mòn quan hệ về mặt đạo đức và lợi ích về mặt xã hội của quyền trong những hoàn cảnh bình thường. Chúng ta sống hầu như toàn bộ cuộc đời trong những hoàn cảnh bình thường. Đạo đức của chúng ta phải được xây dựng cho đời sống và sự thịnh vượng trong những điều kiện bình thường.
Xin có ý kiến cuối cùng về chủ nghĩa tự do cá nhân của phái công lợi: những người theo phái tự do cá nhân nhưng không coi các quyền tự nhiên là nền tảng quan điểm cũng đi đến những chính sách tương tự như những người theo phái tự do cá nhân lấy các quyền tự nhiên làm nền tảng cho những quan điểm của mình. Một số thậm chí còn nói rằng, chính phủ phải hoạt động như thể người dân đã có các quyền tự nhiên – nghĩa là chính phủ phải bảo vệ từng người (được hiểu là thân thể và quyền tự do của mỗi người – ND) và tài sản của mỗi cá nhân, không để cho những người khác xâm phạm, còn những việc khác thì để người ta tự do quyết định. Richard Epstein, một nhà luật học, trong cuốn Những quy tắc đơn giản cho một thế giới phức tạp (Simple Rules for a Complex World), sau khi trình bày những luận cứ, thực chất là theo thuyết công lợi, nhằm bảo vệ nguyên tắc tự làm chủ chính mình và tài sản tư nhân, đã rút kết luận bằng cách khẳng định rằng nguyên tắc tự làm chủ chính mình mang lại “hạnh phúc và năng suất lao động cao đến mức nó phải được coi là nhu cầu đạo đức, mặc dù lời biện hộ mạnh mẽ nhất cho quy tắc này là từ thực tiễn chứ không phải suy diễn mà ra”.
(Còn nữa)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.