[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3 - Chúng ta có những quyền gì (Phần 3)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3 - Chúng ta có những quyền gì (Phần 3)

Lý thuyết quyền hưởng về công lý của Nozick (Nozick's Entitlement Theory of Justice)

Trong tác phẩm, nhan đề Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng (Anarchy, State, and Utopia), xuất bản năm 1974, nhà triết học thuộc đại học Harvard (Harvard University), Robert Nozick, đã giải thích quan niệm về quyền sở hữu một cách rất rõ ràng. Đề tài này thường được người ta gọi là “công lý phân phối” (distributive justice), nhưng thuật ngữ này làm cho cuộc thảo luận chệch hướng. Như Nozick đã chỉ rõ, thuật ngữ này hàm ý rằng có một quá trình phân phối nào đó, quá trình này có thể đã đi sai và chúng ta muốn sửa chữa nó. Nhưng, trong xã hội tự do, không có sự phân phối một cách tập trung các nguồn lực. Milton Friedman nói rằng trong chuyến thăm tới Trung Quốc năm 1980, một vị bộ trưởng đã hỏi ông: “Ở Mỹ, ai là người chịu trách nhiệm phân phối vật tư?” Friedman suýt nữa thì cứng họng, nhưng ông vẫn buộc phải giải thích là trong nền kinh tế thị trường không có người nào hay ủy ban nào “chịu trách nhiệm phân phối vật tư” cả. Hàng triệu người sản xuất ra các thứ hàng hóa – dựa vào mạng lưới phức tạp của các hợp đồng trong nền kinh tế tiên tiến – và sau đó thì trao đổi với nhau. Như Nozick nói: “Tất cả những gì mà một người nhận được đều là nhận được từ những người khác, tức là những người đưa cho anh ta để đổi lấy một thứ khác hay là tặng cho anh ta”.

Nozick cho rằng, trong lĩnh vực quyền sở hữu, có hai cách tiếp cận đối với vấn đề công lý. Thứ nhất, cách tiếp cận mang tính lịch sử: nếu người ta đã kiếm được quyền sở hữu một cách chính đáng thì họ có quyền đối với sở hữu đó, và dùng vũ lực nhằm tái phân phối sở hữu là sai. Cách tiếp cận thứ hai dựa trên khuôn mẫu hay kết quả cuối cùng, hay như ông gọi là “nguyên tắc cắt lớp theo thời gian hiện tại” (current time-slide principles). Nghĩa là, “công lý trong phân phối được xác định bởi tiêu chí: các món đồ được phân phối như thế nào (ai có cái gì) và được đánh giá theo nguyên tắc mang tính cơ cấu về phân phối công bằng”. Những người ủng hộ phân phối theo khuôn mẫu không hỏi người ta có kiếm được tài sản một cách chính đáng hay không mà chỉ hỏi cách phân phối hiện thời có phù hợp với cách mà họ cho là công bằng hay không. Người ta có thể thích rất nhiều cách: người da trắng phải có nhiều tài sản (hoặc tiền hoặc bất cứ thứ gì khác) hơn người da đen, người Thiên chúa giáo phải có nhiều hơn người Do Thái, người thông minh phải có nhiều hơn, người tốt phải có nhiều hơn, người ta phải có những thứ mình cần. Một số quan điểm làm người ta ghê tởm. Một số quan điểm có thể được bạn bè của bạn và những người tử tế ủng hộ. Nhưng tất cả đều có chung quan điểm sau đây: Họ đều giả định rằng phân phối công bằng được xác định bằng tiêu chí: ai được cái gì mà không quan tâm tới câu hỏi món đồ đó được làm ra như thế nào. Nhưng quan điểm được phần lớn những người phê phán chủ nghĩa tư bản hiện nay ủng hộ là chủ nghĩa bình quân: mọi người đều phải có tài sản như nhau, hoặc không ai được có tài sản gấp đôi người khác .v.v. Đây là phương án thay thế cho chủ nghĩa tự do cá nhân mà chúng ta sẽ xem xét.

Nozick trình bày lý thuyết về công lý của ông như sau: Trước hết, người ta có quyền thu nhận tài sản vô chủ. Đó là nguyên tắc của công lý trong việc thu nhận tài sản. Thứ hai, người ta có quyền cho người khác tài sản của mình hoặc trao đổi một cách tự nguyện với những người khác. Đó là nguyên tắc của công lý trong chuyển nhượng. Do đó,

nếu thế giới hoàn toàn công bằng thì định nghĩa mang tính quy nạp dưới đây có thể bao trùm một cách thấu đáo chủ đề về công lý nắm giữ tài sản:

1. Một người thu nhận một tài sản phù hợp với nguyên tắc công lý thu nhận thì được quyền nắm giữ tài sản đó.

2. Một người có được một tài sản phù hợp với nguyên tắc công lý chuyển nhượng, từ người có quyền nắm giữ tài sản đó, thì cũng có quyền nắm giữ tài sản đó.

3. Không ai được quyền nắm giữ một tài sản nào đó ngoại trừ việc áp dụng (liên tục) 1 và 2.

Nguyên tắc đầy đủ của công lý phân phối có thể trình bày đơn giản như sau: một phân phối là công bằng nếu mọi người đều có quyền sở hữu đối với những tài sản đưa ra phân phối.

Một phân phối  là công bằng chỉ khi nó khởi sinh từ một phân phối công bằng khác, được thực hiện bằng những phương thức hợp pháp.

Khi người dân có tài sản (trong đó có lao động trí óc và lao động chân tay, là những thứ mà đương nhiên là họ có) thì họ có thể trao đổi với người nào khác để lấy bất kỳ tài sản nào mà người kia đã kiếm được một cách hợp pháp. Họ cũng có thể đem cho. Điều người ta không được làm là lấy tài sản của người khác khi chưa được họ đồng ý.

Sau đó Nozick thảo luận về vấn đề bình đẳng trong chương nổi tiếng của tác phẩm của ông với nhan đề “Tự do đã đánh đổ khuôn mẫu như thế nào”. Giả sử chúng ta bắt đầu với xã hội, trong đó, của cải được phân phối theo cách mà bạn cho là tốt nhất. Đấy có thể là tất cả những người theo Thiên chúa giáo đều có nhiều của cải hơn tất cả những người Do Thái, hoặc các đảng viên của Đảng cộng sản sở hữu tất cả của cải (trừ cơ thể của từng người chúng ta) hoặc bất cứ cách nào khác. Nhưng giả sử rằng khuôn mẫu mà bạn thích hơn là mọi người đều giàu có như nhau và đấy là điều chúng ta thấy trong xã hội giả định của chúng ta. Bây giờ xin xem xét một hành động can thiệp duy nhất.

Giả sử rằng nhóm nhạc rock Pearl Jam đi lưu diễn. Giá vé một người là 10 USD. Có một triệu người đến xem những buổi hòa nhạc của họ. Khi chương trình lưu diễn kết thúc, một triệu người đã nghèo thêm 10 USD so với trước khi ban nhạc này lưu diễn, còn các thành viên của Pearl Jam thì giàu hơn những người khác là 10 triệu USD. Đây là các câu hỏi: Sự phân phối của cải bây giờ là bất bình đẳng? Có bất công không? Nếu có, thì tại sao? Chúng ta đã đồng ý rằng sự phân phối của cải lúc ban đầu là công bằng vì chúng ta đã thỏa thuận rằng nó phù hợp với quan niệm của bạn về phân phối. Mỗi người ban đầu đã có quyền sở hữu số tiền mà người đó có, do đó, anh ta có quyền tiêu nó theo cách mà mình chọn. Nhiều người đã thực hiện quyền của mình và bây giờ các nhạc sĩ của Pearl Jam giàu hơn những người khác. Thế là sai ư?

Tất cả những người đi xem các buổi hòa nhạc đã quyết định tiêu tiền của mình theo cách đó. Họ cũng có thể mua các albums của Michael Jackson hay bữa điểm tâm hay tờ New York Review of Books. Họ cũng có thể góp tiền cho Salvation Army (một tổ chức từ thiện –ND) hay đóng góp cho Habitat for Humanity (một tổ chức từ thiện chuyên xây dựng nhà cửa hoặc trợ giúp người nghèo xây dựng nhà cửa – ND). Nếu họ có quyền đối với số tiền mà họ có lúc ban đầu thì chắc chắn họ là được tiêu số tiền đó, trong trường hợp này, khuôn mẫu phân phối tài sản sẽ thay đổi.

Dù mô hình phân phối có như thế nào thì khi những người khác nhau lựa chọn cách tiêu tiền của mình và lựa chọn cách cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cho người khác để có thêm nhiều tiền tiêu hơn thì các mô hình sẽ liên tục thay đổi. Một số người sẽ đến gặp ban nhạc Pearl Jam và đề nghị quảng cáo các buổi hòa nhạc của họ để đổi lấy một số vé hoặc sản xuất album và bán lấy tiền. Một số người khác sẽ bắt đầu mở xưởng in để in vé cho những buổi biểu diễn của ban nhạc này. Như Nozick nói, muốn ngăn chặn bất bình đẳng về tài sản, người ta sẽ phải “cấm việc trao đổi giữa những người đủ tuổi thành niên”. Ông còn chỉ ra rằng không thể giữ được bất kỳ mô hình phân phối nào “mà không liên tục can thiệp vào đời sống của người dân”. Hoặc là phải liên tục ngăn chặn người ta tiêu tiền theo cách mà họ muốn, hoặc bạn phải liên tục - hay ít nhất là phải thường xuyên – lấy bớt số tiền của những người mà một số người khác quyết định đưa cho họ.

Bây giờ, dễ dàng nói rằng chúng ta không phản đối ban nhạc rock trở thành những người giàu có. Nhưng, dĩ nhiên là nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các nhà tư sản, thậm chí là cho các tỷ phú nữa. Nếu Henry Ford phát minh ra một chiếc xe mà mọi người muốn mua hay Bill Gates phát minh ra hệ điều hành máy tính hay Sam Walton (cha đẻ của hệ thống siêu thị Walmart - ND) phát minh ra phương pháp hiệu quả và chi phí thấp trong việc phân phối hàng tiêu dùng và chúng ta được tiêu tiền của chúng ta theo ý của chúng ta, thì họ sẽ trở thành những người giàu có. Muốn ngăn chặn chuyện đó, chúng ta sẽ phải cấm người trưởng thành tiêu tiền của họ theo ý họ.

Nhưng con cái họ thì sao? Có công bằng không khi con của các ông trùm được sinh ra trong giàu sang, có thể được giáo dục tốt hơn là bạn và tôi? Hỏi như thế là không hiểu bản chất của xã hội phức tạp. Trong một ngôi làng nguyên thủy, chỉ có một vài người, có thể là những người thuộc gia đình lớn, phân phối hàng hóa của bộ lạc trên cơ sở “công bằng” là thích hợp. Nhưng xã hội đa dạng sẽ không bao giờ tìm được đồng thuận về phân phối hàng hóa “một cách công bằng”. Điều duy nhất chúng ta có thể đồng ý là công lý - mọi người có thể giữ những thứ mà họ làm ra. Điều đó không có nghĩa là con trai của Henry Ford có “quyền” thừa kế tài sản, mà có nghĩa là Henry Ford có quyền gây dựng tài sản và sau đó cho bất cứ người nào mà ông chọn, trong đó có những người con của ông. Phân phối do chính quyền trung ương thực hiện – tương tự như cha bạn cho bạn tiền tiêu vặt hay thày giáo cho điểm học sinh - có thể được coi là công bằng hay không công bằng. Quá trình phức tạp mà hàng triệu người sản xuất ra các món hàng hóa rồi bán hoặc cho người khác là quá trình hoàn toàn khác; và hoàn toàn vô nghĩa khi đánh giá nó theo các quy tắc của công bằng - áp dụng cho một nhóm nhỏ nằm dưới quyền lãnh đạo tập trung.

Theo lý thuyết của Nozick về công lý, người ta có quyền trao đổi tài sản mà họ kiếm được một cách công chính. Một số hệ tư tưởng có nguyên tắc gọi là “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”. Nguyên tắc của Marx là “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Xin lưu ý rằng, Marx tách sản xuất ra khỏi phân phối; và ở giữa hai công đoạn này là cơ quan quyền lực quyết định khả năng của bạn và nhu cầu của tôi. Nozick đưa ra giải pháp của chủ nghĩa tự do cá nhân, tích hợp sản xuất và phân phối vào một hệ thống công bằng:

được hưởng từ những công việc mà người đó lựa chọn làm, được sử dụng tuỳ thích trong phạm vi những gì người đó đã làm cho mình (có thể có sự trợ giúp theo hợp đồng với những người khác) và những gì người khác tự nguyện làm cho anh ta và cho anh ta từ những thứ mà trước đó họ đã có được (theo nguyên tắc này) mà chưa sử dụng hoặc chưa chuyển nhượng.

Còn thiếu sự quyết liệt của một khẩu hiệu tốt. Cho nên, chúng ta có thể tóm tắt ý tứ của Nozick vào một câu như sau:

làm theo cách mình chọn, nhận theo cách người ta cho mình.

Tiên đề không xâm phạm

Đâu là giới hạn của tự do? Hệ quả tất yếu của nguyên tắc “mỗi người đều có quyền sống theo cách mà mình thích, miễn là người đó tôn trọng những quyền như thế của những người khác” của chủ nghĩa tự do cá nhân là:

Không ai có quyền xâm phạm thân thể hoặc tài sản của bất kỳ người nào khác.

Đây là điều mà những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân gọi các tiên đề không xâm phạm (nonaggression axiom) và là nguyên lý quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do cá nhân. Xin lưu ý, tiên đề không xâm phạm không cấm việc sử dụng vũ lực để trả đũa, để giành lại tài sản bị chiếm đoạt, để trừng phạt những người đã vi phạm quyền của những người khác, để trả thù cho những thiệt hại mà những kẻ có tội đã gây ra hay thậm chí là để ngăn ngừa thiệt hại mà người khác có thể gây ra. Nó tuyên bố rằng, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm chống lại những người hoặc tài sản của những người không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực là sai. Do đó, công lý cấm giết người, hiếp dâm, hành hung, cướp tài sản, bắt cóc và lừa đảo. (Tại sao lại cấm lừa gạt? Có phải lừa gạt là khởi đầu của bạo lực? Vâng, bởi vì lừa gạt là một hình thức trộm cắp. Nếu tôi hứa bán cho bạn một lon Heineken với giá một dollar, nhưng trên thực tế, tôi lại đưa cho bạn lon Bud Light thì tôi đã đánh cắp tiền của bạn).

Như đã nói trong Chương 1, hầu hết mọi người đều có thói quen tin tưởng và sống theo quy tắc đạo đức này. Những người theo phái tự do cá nhân tin rằng quy tắc đạo đức này phải được áp dụng một cách nhất quán, đối với cả những hành động của chính phủ cũng như hành động của cá nhân. Quyền không phải là đại lượng có thể cộng dồn; không thể nói rằng quyền của sáu người lớn hơn quyền của ba người, do đó, sáu người có thể lấy tài sản của ba người. Cũng không có chuyện một triệu người “kết hợp” quyền của mình thành quyền cộng dồn nhằm chiếm đoạt tài sản của một ngàn người. Đấy là lý do vì sao những người theo phái tự do cá nhân lên án những hành động của chính phủ trong việc bắt giữ chúng ta hay tước đoạt tài sản của chúng ta hoặc đe dọa phạt hay bỏ tù chúng ta vì chúng ta sống theo cách của mình hoặc đe doạ phạt hay bỏ tù chúng ta vì chúng tương tác tự nguyện với người khác (trong đó có các giao dịch thương mại) theo cách của mình.

Tự do, theo quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân, là tình trạng mà quyền tự làm chủ chính mình của cá nhân và quyền sở hữu được đảm bảo. Các nhà triết học đôi khi gọi quan niệm về quyền của chủ nghĩa tự do cá nhân là “tự do không được/bị” (negative liberty), theo nghĩa, nó áp đặt nghĩa vụ không được làm lên tha nhân – trách nhiệm không xâm phạm bất cứ người nào. Nhưng đối với mỗi cá nhân, như Ayn Rand nói, quyền là lời kêu gọi mang tính đạo đức hướng tới có cái gì đó (a positive) -  “quyền tự do hành động theo phán đoán của riêng mình, cho mục đích riêng của mình, bằng cách riêng của mình, một cách tự nguyện, theo sự lựa chọn không bị ai ép buộc”. 

Những người theo phái cộng đồng đôi khi nói rằng, “về mặt đạo đức, ngôn ngữ của các quyền là hoàn hảo”. Đúng thế, quyền chỉ nói đến một lĩnh vực đạo đức nhất định – thực ra là một lĩnh vực hạn hẹp – chứ phải tất cả các lĩnh vực của đạo đức. Quyền lập ra một số tiêu chuẩn tối thiểu về cách thức chúng ta phải đối xử với nhau: không giết người, không hiếp dâm, không trộm cướp hay nói cách khác, không khởi sự dùng vũ lực nhằm chống lại nhau. Nói như Ayn Rand: “Điều kiện tiên quyết của một xã hội văn minh là loại bỏ việc dùng vũ lực khỏi các mối quan hệ xã hội – tức là thiết lập nguyên tắc cho rằng, nếu người dân muốn làm việc với nhau, họ chỉ có thể làm như vậy bằng lý trí: bằng thảo luận, thuyết phục và tự nguyện, thỏa thuận không bị ép buộc”. Nhưng bảo vệ các quyền và thiết lập xã hội hòa bình chỉ là điều kiện tiên quyết cho nền văn minh. Câu trả lời cho hầu hết những vấn đề quan trọng về cách chúng ta đối xử với đồng loại của mình phải được tìm trong những châm ngôn đạo đức khác. Điều đó không có nghĩa là tư tưởng về quyền là không có giá trị hoặc không đầy đủ trong lĩnh vực mà nó được áp dụng; điều đó chỉ có nghĩa là hầu hết các quyết định mà chúng ta làm mỗi ngày đều liên quan đến những lựa chọn mà biên giới của chúng - nói theo nghĩa rộng - bị giới hạn bởi nghĩa vụ tôn trọng quyền của những người khác.

(còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

 

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác giả liên quan