[Nền dân trị Mỹ] - Chương VIII: Về hiến pháp liên bang Hoa Kỳ (Phần 2)
VỊ TRÍ TỔNG THỐNG Ở HOA KÌ KHÁC NHƯ THẾ NÀO VỚI VỊ TRÍ ÔNG VUA LẬP HIẾN Ở NƯỚC PHÁP
Tính hạn hẹp và ngoại lệ của quyền hành pháp ở Hoa Kì, như là cái chủ quyền nhân danh đó nó hoạt động. − Quyền hành pháp ở Pháp mở rộng đến vô hạn. − Nhà vua là một trong những tác giả của luật pháp. − Tổng thống chỉ là người thừa hành luật pháp. − Những chỗ khác biệt nữa sinh ra từ thời hạn của hai loại quyền lực. − Tổng thống thì bị cản trở trong lĩnh vực quyền hành pháp. − Nhà vua tự do hoạt động trong lĩnh vực đó. − Mặc dù có những điều khác biệt đó, nước Pháp giống với một nền cộng hoà hơn, còn Hoa Kì giống với một nền quân chủ chuyên chế hơn. − So sánh số lượng công chức trong nền hành pháp ở hai nước.
Quyền hành pháp có vai trò khá to lớn đối với vận mệnh các quốc gia, khiến tôi muốn dừng lại một lát ở đoạn này để giúp mọi người hiểu rõ hơn, nó có vị trí thế nào ở nước Mĩ.
Để có được một ý niệm sáng sủa và chính xác về vị trí ông tổng thống Hoa Kì, ta cần so sánh nó với vị trí ông vua của một trong những nền quân chủ hiến định ở châu Âu.
Để làm việc so sánh này, tôi ít bám vào những dấu hiệu bề ngoài của quyền lực; những dấu hiệu đó đánh lừa hơn là dẫn dắt con mắt nhà quan sát.
Khi một nền quân chủ chuyên chế biến đổi dần dần sang nền cộng hoà, quyền hành pháp ở đó vẫn giữ nguyên và lâu dài các tước hiệu, các quyền thế, các tôn vinh, cả tiền bạc nữa, ngay cả sau khi những thứ đó đã mất hết giá trị thực lực. Người Anh, sau khi đã chặt đầu một trong các ông vua của họ và đã đuổi cổ một nhà vua khác khỏi ngai vàng, thì lại vẫn quỳ gối xuống khi nói với những kẻ thừa kế những quân vương đó.
Mặt khác, khi các nền cộng hoà bị rơi vào cái ách của duy nhất một người, quyền lực của nó vẫn tỏ ra một vẻ giản đơn, thống nhất, khiêm nhường, tựa hồ như nó chẳng hề đứng lên trên tất cả mọi người. Khi các nhà vua chiếm hữu theo lối chuyên chế tài sản và cuộc sống các đồng bào của mình, thì khi nói với người ấy thiên hạ vẫn tiếp tục gọi những ông đó là các đấng César, và các vị César ấy vẫn thường đi ăn tối thân thiện với bạn bè.
Vậy là ta nên xa rời những gì có trên bề mặt và đi vào bề sâu hơn nữa.
Ở Hoa Kì chủ quyền bị chia sẻ giữa Liên bang và các bang, trong khi ở nước Pháp chúng ta, đó là một khối. Từ đó mà nảy sinh ra điều khác biệt đầu tiên và to lớn nhất tôi nhận ra được giữa ông tổng thống ở Hoa Kì và nhà vua ở Pháp.
Ở Hoa Kì, quyền hành pháp bị hạn chế và mang tính chất ngoại lệ, hệt như cái chủ quyền mà nhân danh đó mọi việc diễn ra ở Hoa Kì; còn ở Pháp, quyền hành pháp mở rộng vô hạn sang mọi việc như cái chủ quyền của nước Pháp vậy.
Người Mĩ có một chính phủ liên bang; chúng ta có một chính phủ quốc gia.
Đây là nguyên nhân đầu tiên kém quan trọng do bản chất sự vật sinh ra; nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Nguyên nhân thứ hai xét theo tầm quan trọng là như sau: nói cho đúng ra thì ta có thể định nghĩa chủ quyền là quyền làm ra luật pháp.
Ở Pháp, nhà vua thực sự là một phần của kẻ nắm quyền tuyệt đối, vì luật pháp sẽ không tồn tại nếu nhà vua từ chối phê chuẩn chúng; hơn thế, nhà vua còn là kẻ thực thi luật pháp.
Tổng thống cũng là người thực thi luật pháp, nhưng ông không thực sự tham gia vào việc làm ra nó, vì, khi từ chối phê chuẩn, ông vẫn không thể ngăn cản nó tồn tại. Vậy, tổng thống không phải là một bộ phận của chủ quyền tối cao mà chỉ là kẻ thừa hành.
Ở Pháp, nhà vua không chỉ là một bộ phận của chủ quyền tối cao mà còn tham gia vào công việc lập pháp là một mảnh khác nữa của quyền lực. Nhà vua tham gia vào công việc đó bằng cách cắt cử những thành viên vào một viện và tuỳ thích cắt bớt nhiệm kì của viện kia. Ông tổng thống Hoa Kì thì không tham gia vào thành phần cơ quan lập pháp và cũng không được quyền giải tán cơ quan đó.
Ông vua chia sẻ với các Viện cái quyền đề nghị luật pháp.
Ông tổng thống chẳng có cái quyền được đề ra sáng kiến về luật.
Ở trong lòng các Viện, ông vua có những người đại diện để trình bày quan điểm của nhà vua, ủng hộ các ý kiến của nhà vua, và làm thắng thế các châm ngôn trị dân của nhà vua.
Ông tổng thống chẳng có lối thâm nhập vào Viện dân biểu; các bộ trưởng của ông tổng thống cũng như ông đều không bén mảng được đến Viện dân biểu. Và tổng thống chỉ có thể phát huy tác dụng và ý kiến mình tới cái tổ chức to tướng kia qua những con đường gián tiếp.
Vua nước Pháp tiến bước ngang hàng với ngành lập pháp là tổ chức không thể làm gì nếu thiếu nhà vua, cũng giống như nhà vua không thể làm điều gì nếu thiếu ngành lập pháp.
Còn ông tổng thống thì bị đặt bên cạnh ngành lập pháp, như một quyền lực thấp hơn và lệ thuộc.
Trong việc thực thi quyền hành pháp đích thực, là nơi vị trí của tổng thống có vẻ như gần gụi nhất với vị trí ông vua ở nước Pháp, còn có vô số nguyên nhân to lớn khiến ông tổng thống phải ở vị trí thấp kém.
Quyền lực nhà vua ở Pháp trước hết có chỗ hơn hẳn ông tổng thống ở cái thời hạn. Thế mà thời hạn là một trong những thành tố của sức mạnh. Người ta chỉ yêu và chỉ e sợ cái gì có thể tồn tại lâu.
Ông tổng thống Hoa Kì là một vị pháp quan được bầu ra trong thời hạn bốn năm. Ông vua ở Pháp là một ông chủ cha truyền con nối.
Trong việc thực thi quyền hành pháp, ông tổng thống Hoa Kì liên tục bị người ta ganh ghét giám sát. ông tổng thống chuẩn bị kí các hiệp ước, nhưng ông không tự làm ra được các hiệp ước đó. Ông ta định ra các ghế trách nhiệm, nhưng ông không được chỉ định người vào các ghế đó[173].
Vua nước Pháp là ông chủ tuyệt đối trong lĩnh vực quyền hành pháp.
Tổng thống Hoa Kì là người chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Luật nước Pháp nói rằng nhân thân nhà vua là bất khả xâm phạm.
Tuy nhiên, bên trên cả nhà vua Pháp cũng như tổng thống Hoa Kì còn có một quyền lực mang tính chi phối, đó là công luận.
Quyền lực này ở Pháp kém được xác định so với ở Hoa Kì; nó kém được thừa nhận và được phát biểu kém rành mạch so với ở Hoa Kì; nhưng trong thực tế có tồn tại cái quyền lực đó. Ở Hoa Kì, nó diễn ra qua các cuộc bầu cử và qua các quyết định luật pháp; ở Pháp nó diễn ra qua các cuộc cách mạng. Vậy là cả nước Pháp lẫn Hoa Kì, mặc dù hiến pháp đôi bên khác nhau, đều có điểm này chung nhau, ấy là kết quả ở cả hai nơi đều cho thấy công luận là một quyền lực mang tính thống ngự. Thực ra thì cái nguyên lí sinh ra luật pháp đó đối với cả hai quốc gia này là như nhau, mặc dù sự triển khai thì chỗ này tự do hơn chỗ kia và hệ quả thì thường là khác nhau chút ít. Bản chất của nguyên lí này mang tính cộng hoà. Vì vậy mà tôi nghĩ rằng nước Pháp có vẻ giống một nước cộng hoà có vua hơn là Liên bang Hoa Kì giống một nền chuyên chế có tổng thống.
Trong tất cả những điều nói ra trên đây, tôi đã cẩn thận chỉ nêu lên những điểm khác nhau cơ bản. Nếu tôi định đi vào chi tiết, bức tranh còn gây nhiều ấn tượng hơn nữa. Nhưng tôi có quá nhiều điều trong lòng muốn tuôn ra cho hết nên khó mà có thể nói ngắn cho được.
Tôi đã nói lên nhận xét là quyền hành của tổng thống Hoa Kì chỉ thực thi trong phạm vi chủ quyền đã bị thu hẹp, còn quyền lực nhà vua Pháp thì thực thi trong phạm vi hoàn toàn là chủ quyền.
Lí ra tôi có thể chỉ rõ quyền lực cai trị của nhà vua Pháp vượt khỏi đến đâu những giới hạn tự nhiên này, nó rộng rãi vô hạn và nó thâm nhập bằng cả ngàn mẹo mực vào việc cai quản các lợi ích cá nhân con người.
Đó là nguyên nhân tạo ra ảnh hưởng của nhà vua, thêm vào đó còn có nguyên nhân là vô thiên lủng công chức mà hầu hết đều chịu ơn thế lực hành pháp về nhiệm kì của họ. Ở nước ta con số đó đã vượt khỏi mọi giới hạn từng biết tới, nó lên tới con số 138.000 người. Mỗi chức danh trong số 138.000 biên chế đó cần được coi như một yếu tố của sức mạnh. Ông tổng thống thì chẳng có cái quyền tuyệt đối cắt cử công chức, và số vị trí công việc đó [ở Hoa Kì] chẳng khi nào vượt khỏi con số 12.000 người.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN NGẪU NHIÊN CÓ KHẢ NĂNG LÀM GIA TĂNG ẢNH HƯỞNG CỦA QUYỀN HÀNH PHÁP
Nền an ninh bên ngoài mà Liên bang được hưởng. − Đường lối chính trị trông đợi. − Một quân đội 6.000 binh sĩ. − Chỉ có vài cái tàu chiến. − Tổng thống có những độc quyền to lớn mà không có dịp đem ra dùng. − Tổng thống lại yếu kém khi có dịp ra tay.
Nếu như quyền hành pháp ở Hoa Kì không mạnh bằng ở Pháp, thì có lẽ ta nên tìm nguyên nhân ở hoàn cảnh hơn là tìm ở luật pháp của họ.
Chính là trong quan hệ với nước ngoài mà quyền hành pháp của một quốc gia có dịp trổ hết sự khéo léo và sức mạnh.
Nếu như cuộc sống của Liên bang không bao giờ hết bị đe doạ, nếu như các lợi ích lớn của quốc gia đó hàng ngày bị xen vào với lợi ích của các cường quốc, ta sẽ thấy quyền hành pháp lớn lên trong con mắt dư luận qua những gì người ta trông đợi ở nó và trong những gì nó sẽ phải đem ra thi thố.
Đúng là tổng thống Hoa Kì đứng đầu quân đội, nhưng đạo quân đó chỉ có 6 nghìn người. Ông là người chỉ huy hạm đội, nhưng hạm đội chỉ có vài ba chiếc tàu chiến. Ông ta điều hành công việc Liên bang mặt đối mặt với các quốc gia bên ngoài, nhưng Hoa Kì lại không có lân bang. Được ngăn cách với thế giới còn lại bởi đại dương mênh mông, lại vẫn còn quá yếu đuối để có thể thống trị mặt biển, Hoa Kì chẳng có kẻ thù, và lợi ích của nó hiếm khi bị cọ xát với lợi ích các quốc gia khác trên hoàn cầu.
Hoàn cảnh như vậy cho thấy rõ là ta không nên đánh giá công việc của chính quyền (Liên bang Hoa Kì) theo những điều đặt ra trên lí thuyết.
Tổng thống Hoa Kì có những đặc quyền gần như của một ông vua mà ông ta không có cơ hội đem dùng, ông có những quyền mà cho tới bây giờ vẫn có thể đem dùng nhưng lại được hạn định chặt. Ấy thế là trong khi luật pháp cho phép ông ta có sức mạnh, thì hoàn cảnh lại buộc ông ta thành kẻ yếu.
Ngược lại, chính là hoàn cảnh chứ không phải luật pháp đã đem lại sức mạnh lớn lao nhất hạng cho uy quyền nhà vua Pháp.
Ở Pháp, quyền hành pháp không ngừng đấu tranh chống lại những trở ngại vô cùng lớn và có trong tay những nguồn lực vô biên để khắc phục các trở ngại đó. Quyền lực đó lớn mạnh lên từ tầm vĩ đại của những điều nó thực thi và từ tầm quan trọng của các sự kiện nó điều hành, và làm như thế mà vẫn không thay đổi thể chế dành cho nó.
Cho dù luật pháp có khiến cho nền hành pháp ở Pháp cũng yếu và cũng bị bó hẹp như ở Liên bang Hoa Kì, thì ảnh hưởng của nó rồi cũng sẽ to lớn.
TẠI SAO TỔNG THỐNG HOA KÌ KHÔNG CẦN PHẢI CÓ ĐA SỐ TRONG QUỐC HỘI MÀ VẪN ĐIỀU HÀNH ĐƯỢC CÔNG VIỆC
Một tiên đề được xác lập ở châu Âu nói rằng một ông vua hiến định không có khả năng cai trị khi quan điểm các Viện lập pháp không trùng với quan điểm nhà vua.
Người ta từng thấy vô số tổng thống Hoa Kì không được sự ủng hộ của đa số trong tổ chức lập pháp thế mà vẫn không bị buộc phải từ bỏ quyền lực và cũng chẳng vì thế mà đem lại một chút đại hoạ nào cho xã hội.
Tôi muốn dẫn ra điều này để chứng minh tính chất độc lập và sức mạnh của quyền hành pháp ở nước Mĩ. Và ngược lại, chẳng cần suy nghĩ lâu la gì để có thể thấy ngay ở đó sự bất lực của nó.
Một ông vua ở châu Âu cần có sự ủng hộ của tổ chức lập pháp để hoàn thành nhiệm vụ hiến pháp giao cho, bởi vì nhiệm vụ đó thật là lớn. Một ông vua hiến định ở châu Âu không chỉ là người thực thi luật pháp; người ta đã giao hoàn toàn quyền đó cho nhà vua đến độ ông ta có thể làm cho quyền lực đó bị tê liệt một khi bị trái ý. Nhà vua cần đến các Viện để làm ra luật pháp, các Viện lại cần đến nhà vua để thực thi luật pháp; đó là hai thế lực không thể sống thiếu nhau. Các bánh xe răng của chính quyền ngừng quay khi có sự bất đồng giữa hai thế lực đó.
Ở nước Mĩ, ông tổng thống không thể ngăn cản việc hình thành các đạo luật; ông ta cũng không trốn thoát khỏi nghĩa vụ phải thực thi các bộ luật đó. Sự hợp tác hăng hái và chân thành của tổng thống hẳn là điều hữu ích nhưng lại chẳng cần thiết để cho cỗ máy chính quyền chạy được. Trong những điều cơ bản ông tổng thống làm được, trực tiếp hoặc gián tiếp ông ta bị buộc phải tuân thủ ngành lập pháp; khi nào ông tổng thống hoàn toàn độc lập với ngành lập pháp, hầu như ông chẳng còn làm được gì nữa. Chính là chỗ yếu của ông, chứ không phải là chỗ mạnh, đã cho phép ông sống đối lập với quyền lập pháp.
Ở châu Âu, cần phải có sự đồng tình giữa nhà vua và các Viện, bởi vì có thể có sự đấu tranh thực sự giữa đôi bên. Ở nước Mĩ, không bắt buộc phải có sự đồng tình, bởi vì không thể có cuộc đấu tranh giữa đôi bên.
VỀ VIỆC BẦU TỔNG THỐNG
Mối nguy của hệ thống chính quyền do bầu cử gia tăng theo tỉ lệ thuận với phạm vi các độc quyền của ngành hành pháp. − Người Mĩ có thể chấp nhận hệ thống đó, bởi vì họ có thể không cần đến một ngành hành pháp mạnh. − Các điều kiện hoàn cảnh tạo thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống chính quyền do bầu cử như thế nào. − Tại sao việc bầu cử tổng thống lại không hề thay đổi nguyên tắc chính quyền. − Ảnh hưởng của việc bầu cử tổng thống đến số phận các công chức cấp dưới.
Hệ thống chính quyền do bầu cử, khi đem áp dụng cho người đứng đầu ngành hành pháp của một quốc gia lớn, tạo ra những nguy cơ đã thấy trong quá khứ và các nhà sử học đã kể ra khá đủ.
Vì vậy tôi chỉ muốn nói tới nội dung đó trong những gì liên quan đến nước Mĩ mà thôi.
Những mối nguy cơ được người ta lo ngại trong hệ thống chính quyền do bầu cử đều ít nhiều quan trọng, tuỳ theo vị trí của quyền hành pháp và tầm quan trọng của nó trong Nhà nước, tuỳ theo cách thức bầu cử và những điều kiện hoàn cảnh của người cử tri.
Điều mọi người trách cứ không phải là không có lí đối với hệ thống chính quyền do bầu cử áp dụng vào người đứng đầu Nhà nước, ấy là nó chìa ra một miếng mồi khá lớn cho những tham vọng đặc biệt, và nó hun nóng những tham vọng ấy trong cuộc săn đuổi quyền lực, đến nỗi là thường khi các phương tiện hợp pháp không còn đủ nữa và khi thấy thiếu quyền thì người ta liền cầu viện ngay đến sức mạnh.
Rõ ràng là ngành hành pháp càng có nhiều đặc quyền thì miếng mồi càng to. Tham vọng của những ứng viên càng bị kích thích, nó càng tìm thấy sự ủng hộ trong một loạt tham vọng thứ yếu mong muốn được chia sẻ quyền lực một khi ứng viên của họ thắng cử.
Vậy là những nguy cơ của hệ thống chính quyền do bầu cử gia tăng theo tỉ lệ trực tiếp với cái ảnh hưởng của quyền hành pháp đối với mọi công việc Nhà nước.
Không thể quy nguyên nhân những cuộc cách mạng ở Ba Lan chỉ là do hệ thống chính quyền do bầu cử nói chung, mà phải coi nguyên nhân là vì người pháp quan được bầu ra lại là một kẻ đứng đầu một nền đại quân chủ chuyên chế.
Trước khi thảo luận về sự tốt đẹp tuyệt đối của hệ thống chính quyền do bầu cử, bao giờ cũng còn đó một câu hỏi mang tính định kiến: liệu cái vị trí địa lí, rồi luật lệ, thói quen, tập tục và quan niệm của người dân nơi ta định du nhập hệ thống chính quyền do bầu cử ấy có thiết lập tại đó một quyền lực hành pháp yếu kém và lệ thuộc. Bởi vì theo ý tôi, muốn ngay một lúc có một người đại diện Nhà nước có quyền lực mạnh mẽ và muốn người đó cũng lại do bầu cử mà nên, thì đó là hai ý muốn mâu thuẫn nhau. Về phần mình, tôi chỉ thấy có một phương tiện chuyển vương quyền cha truyền con nối sang trạng thái quyền lực do bầu cử, đó là: thu hẹp sẵn phạm vi hoạt động của nó, giảm dần các đặc quyền của nó, và làm cho người dân quen dần với việc mình sống mà không cần đến sự hỗ trợ của quyền lực ấy. Nhưng đó lại là những điều mà các nền cộng hoà ở châu Âu chẳng hề quan tâm. Do chỗ rất nhiều nền cộng hoà đó chỉ ghét bỏ bạo quyền vì vấp phải quyền hành của bạo chúa, còn thì chẳng quan tâm đến phạm vi rộng của quyền hành pháp đó. Họ chỉ tiến đánh vào cái gốc mà không chú ý tới mối dây liên hệ chặt chẽ giữa hai điều đó.
Cũng chưa từng khi nào thấy ở Hoa Kì một con người để cho danh dự và cuộc sống mình lâm nguy chỉ để trở thành tổng thống, bởi vì vị tổng thống chỉ có quyền lực nhất thời, hạn hẹp và lệ thuộc. Cần phải thấy mối lợi có giá vô cùng lớn thì mới có những tay chơi tuyệt vọng nhảy vào cuộc. Cho tới nay, chưa có một ứng viên nào đủ sức tạo cho mình những mối thiện cảm nồng nàn và những đam mê nguy hiểm của công chúng. Lí do thật đơn giản: khi leo lên tới chức vụ đứng đầu chính quyền, ông tổng thống chẳng thể nào ban phát cho bè bạn cả quyền lực, cả tài sản lẫn vinh quang, và ảnh hưởng của ông ta trong bộ máy Nhà nước lại quá yếu ớt để cho các phe phái thấy mình có lợi lộc hoặc là bị huỷ hoại một khi ông ta leo lên được chức quyền kia.
Các nền quân chủ chuyên chế cha truyền con nối có ưu thế rất lớn là lợi ích gia đình luôn luôn gắn bó chặt chẽ với lợi ích Nhà nước, không một giây phút nào nó bị bỏ rơi. Tôi không rõ liệu trong các nền chuyên chế đó công việc có trôi chảy hơn ở nơi khác chăng. Nhưng ít ra thì tốt xấu ra sao bất biết, bao giờ cũng luôn luôn có một ai đó chăm lo mọi việc.
Còn ở các Nhà nước do bầu cử, khi gần tới kì tuyển cử và một thời gian dài trước kì bầu cử, các guồng máy chính quyền như thể bị bỏ mặc cho nó tự vận hành mà thôi. Không hồ nghi gì hết, ta có thể kết hợp luật lệ sao cho việc tuyển cử được tiến hành một lần là xong và tiến hành cho nhanh, sao cho cái ghế hành pháp không một lúc nào bị trống. Nhưng bất kể ra sao, mặc cho các nỗ lực của nhà lập pháp, thì vẫn cứ có chỗ trống trong đầu óc con người.
Khi sắp tới kì tuyển cử, người đứng đầu ngành hành pháp chỉ còn nghĩ tới cuộc đấu đang tới. Ông ta không còn tương lai nữa. Ông ta không thể quyết định điều gì và chỉ có thể yếu ớt theo dõi điều gì đó có thể sẽ do một người khác hoàn thành. “Tôi rất sẵn sàng chờ lúc rút lui,” tổng thống Jefferson viết ngày 21 tháng Giêng năm 1809 (sáu tuần trước ngày bầu cử), “đến nỗi tôi chẳng còn tham dự gì nữa vào công việc ngoài chuyện phát biểu ý kiến. Dường như tôi đang để cho người kế tục mình có cái quyền tiến hành những biện pháp hành pháp và chịu lấy trách nhiệm.”
Về phía mình, nhân dân cả nước chỉ còn ngước mắt nhìn về duy nhất một điểm; nhân dân chỉ còn dõi theo cái công việc sinh nở đang sắp diễn ra.
Vị trí của quyền hành pháp trong việc điều hành công việc càng rộng bao nhiêu, thì hành động thông thường của nó càng lớn và cần thiết bấy nhiêu, và một tình trạng như vậy lại càng chừng bấy nguy hiểm. Với một dân tộc đã quen được điều hành bởi một thế lực hành pháp, hơn nữa lại còn quen bị cai trị bởi quyền lực đó, thì việc tuyển cử không thể không gây ra một sự rối loạn tâm lí sâu xa.
Ở Hoa Kì, hành động của ngành hành pháp có thể bị giảm tốc độ mà không bị trừng phạt, bởi vì hành động này yếu ớt và có phạm vi hẹp xác định.
Khi người đứng đầu chính quyền đã được bầu ra, luôn luôn có sự trục trặc trong sự ổn định chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước. Đó là một trong những khiếm khuyết chính của hệ thống này.
Nhưng khiếm khuyết này ít nhiều nhạy cảm là do phần quyền lực người ta gán cho vị pháp quan đã được bầu. Ở La Mã xưa, các nguyên tắc chính quyền không hề thay đổi cho dù các vị tổng tài hàng năm đều thay đổi, bởi vì Thượng viện vốn dĩ là một thế lực điều hành và Thượng viện cũng là một tổ chức truyền từ khoá trước sang khoá sau. Trong phần lớn các nền quân chủ chuyên chế châu Âu, nếu có bầu ra một ông vua, thì vương quốc sẽ thay đổi bộ mặt sau mỗi lần chọn lựa mới.
Ở nước Mĩ, ông tổng thống có ảnh hưởng khá lớn đến công việc Nhà nước, nhưng tổng thống không dẫn dắt mọi công việc. Cái thế lực có sức nặng hơn vẫn nằm hoàn toàn trong tổ chức đại diện mang tính toàn quốc. Vậy là muốn cho các đường lối chính trị thay đổi, thì phải thay đổi toàn bộ khối nhân dân, chứ không phải là thay đổi một mình ông tổng thống. Và ở nước Mĩ hệ thống tuyển cử áp dụng cho người đứng đầu quyền hành pháp cũng chẳng phương hại gì rõ rệt đến sự bất biến của chính phủ.
Vả chăng sự thiếu bất biến là một tật xấu cố hữu rành rành của hệ thống chính quyền do bầu cử, và nó cũng thể hiện rất rõ trong phạm vi hành động của tổng thống, dù rằng phạm vi này được khoanh vùng rõ rệt đến đâu chăng nữa.
Người Mĩ nghĩ một cách có lí rằng, để hoàn thành nhiệm vụ và chịu đựng được hoàn toàn gánh nặng trách nhiệm, người đứng đầu ngành hành pháp phải càng tự do càng tốt trong việc chính tay mình tuỳ nghi tuyển chọn và sa thải người giúp việc. Cơ quan lập pháp giám sát tổng thống hơn là điều hành tổng thống. Cơ quan lập pháp theo dõi số phận như là bị treo của tất cả các công chức Liên bang từ đó cho tới từng cuộc tuyển cử mới.
Trong các nền quân chủ chuyên chế hiến định ở châu Âu, người ta than phiền rằng thân phận các nhân viên làm việc kín tiếng trong bộ máy hành chính bị lệ thuộc vào số phận các ông bộ trưởng. Chuyện đó càng tồi tệ hơn ở những nước có chế độ bầu ra người đứng đầu nhà nước. Nguyên nhân thật đơn giản: trong các nền quân chủ chuyên chế hiến định, các ông bộ trưởng thay thế nhau thật nhanh; thế nhưng lại chẳng bao giờ thay người đại diện chính của ngành hành pháp, điều đó làm cho tinh thần sáng tạo bị bó hẹp lại trong những giới hạn nhất định. Các hệ thống hành chính ở đó thay đổi trên chi tiết chứ không thay đổi về nguyên lí; người ta không thể nào đột ngột thay thế hệ thống này bằng hệ thống khác mà không ngại gây ra một thứ cách mạng. Ở nước Mĩ, thứ cách mạng đó nhân danh luật pháp cứ bốn năm lại diễn ra một lần.
Còn về những khốn đốn cá nhân coi như là hệ quả tự nhiên của nền lập pháp kiểu đó, thì ta phải thú nhận rằng sự thiếu bất biến trong thân phận người công chức ở nước Mĩ không tạo ra những mặt xấu như có thể xảy ra ở những nơi khác. Ở Hoa Kì, thật dễ dàng tạo ra một cuộc sống độc lập, cho nên việc tước bỏ vị trí của một công chức đôi khi lấy đi mất của người đó sự thoải mái của cuộc sống, nhưng chẳng bao giờ lấy mất được các phương tiện trụ đỡ cho cuộc sống đó.
Tôi đã nói từ đầu chương này rằng phương thức bầu cử áp dụng vào người đứng đầu ngành hành pháp tạo ra những nguy cơ to nhỏ ít nhiều tuỳ theo hoàn cảnh môi trường sống của quốc gia làm công việc bầu cử đó.
Người ta cố công vô ích để giảm thiểu vai trò ngành hành pháp, song vẫn còn một chỗ để ngành hành pháp tạo ảnh hưởng mạnh mẽ bất kể luật pháp đã quy định những gì, đó là lĩnh vực chính trị đối ngoại. Việc thương thuyết chỉ có thể tiến hành và liên tục đeo đuổi cho đến kết quả bởi duy nhất một con người.
Một quốc gia càng ở vào một tình huống bất ổn và hiểm nguy bao nhiêu, nó càng cần bấy nhiêu đến sự liên tục và bất biến trong điều hành công việc đối ngoại, và trong trường hợp đó việc áp dụng hệ thống chính quyền do bầu cử người đứng đầu nhà nước lại càng nguy hiểm.
Đường lối chính trị của người Mĩ đối diện với toàn thế giới thật đơn giản. Ta gần như có thể nói là chẳng ai cần đến người Mĩ hết, và người Mĩ cũng chẳng cần đến ai hết. Nền độc lập của nước Mĩ chẳng khi nào bị đe doạ cả.
Vì thế mà với người Mĩ vai trò hành pháp cũng bị hoàn cảnh và luật pháp thu hẹp lại. Ông tổng thống có thể thường xuyên thay đổi quan điểm song nhà nước chẳng vì vậy mà bị ảnh hưởng hoặc bị thủ tiêu.
Bất kể ngành hành pháp có được những đặc quyền gì, ta phải luôn luôn coi thời gian sát nút trước cuộc bầu cử và thời gian trong khi tiến hành bầu cử là giai đoạn khủng hoảng toàn quốc.
Tình hình bên trong quốc gia càng lúng túng bao nhiêu thì những hiểm hoạ bên ngoài đối với nó càng lớn bấy nhiêu, và thời điểm khủng hoảng đó càng nguy hiểm đối với quốc gia đó. Trong các quốc gia châu Âu, thật ít có nước nào phải lo lắng chuyện bị xâm lăng hoặc tình trạng hỗn loạn mỗi khi họ tiến hành bầu chọn một người đứng đầu mới cho đất nước.
Ở Mĩ, xã hội được vào khuôn hiến định để có thể tự mình đứng vững chẳng cần ai giúp đỡ hết; các nguy cơ từ bên ngoài chẳng mấy khi tỏ ra bức bách với người Mĩ. Việc bầu cử tổng thống là một nguyên nhân kích thích xã hội, không phải nguyên nhân huỷ hoại.
PHƯƠNG THỨC BẦU CỬ
Sự khéo léo của các nhà lập pháp Mĩ thể hiện trong việc họ chọn phương thức bầu cử tổng thống. − Lập ra một tổ chức bầu cử riêng. − Bỏ phiếu bầu riêng các cử tri đặc biệt. − Trong trường hợp nào thì Hạ viện phải đứng ra chọn tổng thống. − Chuyện gì đã xảy ra trong mười hai cuộc bầu tổng thống kể từ khi hiến pháp có hiệu lực thi hành.
Bất kể là có những nguy cơ cố hữu trong nguyên tắc bầu cử, vẫn còn có vô số nguy cơ khác sinh ra ngay từ các hình thức bầu cử mà con người có thể tránh được nhờ các nhà lập pháp biết thu xếp trước.
Khi nhân dân một nước mang vũ khí tụ tập nhau ở quảng trường để chọn người cầm đầu, họ không chỉ hứng chịu những nguy cơ do bản thân chế độ bầu cử gây ra, mà còn những nguy cơ nội chiến sinh ra từ phương thức bầu cử tương tự.
Khi luật pháp ở Ba Lan gắn việc chọn một nhà vua với việc duy nhất một người có quyền phủ quyết, luật pháp đó dẫn đến việc giết chết kẻ phủ quyết đó hoặc là yếu tố tạo ra sự hỗn loạn.
Một khi ta đi sâu nghiên cứu các thiết chế của Hoa Kì và ta để tâm chú ý kĩ đến tình hình chính trị và xã hội nước này, ta sẽ thấy ở đó có sự hoà hợp tuyệt diệu giữa vận hội và nỗ lực của con người. Nước Mĩ là một miền đất mới. Song người dân sinh sống trên miền đất mới ấy lại quen với tự do từ lâu đời. Đó là hai nguyên nhân lớn tạo ra trật tự nội tại. Ngoài ra, nước Mĩ chẳng sợ bị ai xâm lăng cả. Biết nắm lấy những điều kiện hoàn cảnh tối hảo đó, các nhà lập pháp Mĩ đã lập ra chẳng mấy khó khăn một nền hành pháp yếu và lệ thuộc. Và khi đã lập nó ra như vậy, các nhà lập pháp có thể tổ chức bầu cử ra nó mà chẳng lo nguy cơ nào hết.
Còn lại là việc chọn lựa hệ thống nào kém nguy hiểm trong số những hệ thống chính quyền do bầu cử khác nhau. Về phương diện này, các quy tắc được vạch sẵn để tạo ra những bảo đảm tuyệt vời đã có rồi trong thể chế vật chất và chính trị của đất nước.
Vấn đề phải giải quyết là tìm ra phương thức bầu cử vừa biểu đạt được ý nguyện thực thụ của người dân lại vừa ít kích động những đam mê của họ và ít kìm giữ họ hơn cả trong chờ đợi. Trước hết người ta chấp nhận nguyên tắc thắng thế của cái đa số đơn giản. Nhưng vẫn còn một việc khá khó khăn ấy là làm cách nào để đạt tới cái đa số đó mà lại không ngại những sự dai dẳng mà ai cũng muốn tránh.
Thực ra thì ở một quốc gia to lớn, hiếm khi có thể có một người ngay một lần đầu đã nhận đủ đa số phiếu. Khó khăn lại càng gia tăng trong một quốc gia theo hình thức liên bang, nơi các loại ảnh hưởng địa phương càng đa dạng và càng mạnh.
Nhằm ngăn ngừa trở ngại thứ nhì “địa phương tính” này, có một phương tiện là bầu những đại biểu mang thẩm quyền bầu cử quốc gia vào một tổ chức đại diện chung.
Phương thức bầu cử này làm cho cái đa số mang tính khả thi hơn. Bởi vì, số người đi bỏ phiếu càng bớt đông đi, thì họ càng dễ thoả thuận được với nhau nhiều lên. Như thế cũng có nhiều bảo đảm hơn để cho sự chọn lựa được tốt hơn.
Nhưng liệu có nên giao phó cái quyền bầu cử như thế cho chính ngành lập pháp, coi như đó là người đại diện tự nhiên của cả quốc gia, hay là ngược lại nên tổ chức ra một bầu cử đoàn với mục đích duy nhất là tiến hành đề cử tổng thống?
Người Mĩ đã chọn cách làm sau. Họ nghĩ rằng những người được họ cử ra để xây dựng các bộ luật thông thường sẽ đại diện không đầy đủ nguyện vọng của nhân dân khi bầu chọn ra viên pháp quan số một của họ. Tổ chức lập pháp vốn đã được bầu ra có thâm niên hơn một năm rồi, rất có thể đã đại diện cho một ý nguyện cũng đã có phần đổi thay rồi. Người Mĩ cho rằng, nếu giao cho cơ quan lập pháp chọn người đứng đầu ngành hành pháp, thì rất sớm trước khi có chuyện bầu cử, các thành viên của tổ chức lập pháp đã có thể là đối tượng của những thao túng làm họ hủ hoá đi và trở thành món đồ chơi của sự mưu đồ. Còn nếu cũng giống như các viên quan toà, những bầu cử đoàn đặc biệt sẽ vô danh trong đám đông nhân dân, cho đến tận cái ngày họ ra tay hành động, và cũng chỉ vụt xuất hiện chút xíu để tuyên bố quyết định của mình.
Vậy là người ta quyết định mỗi bang sẽ bầu ra một số lượng nhất định các [đại] cử tri, những người này đến lượt họ sẽ bầu ra tổng thống. Và như ta đã nhận xét thấy rằng các cuộc đại hội làm công việc chọn người đứng đầu chính quyền các nước theo chế độ bầu cử không sao tránh khỏi trở thành những trung khu của đam mê và mưu đồ; rằng đôi khi những cuộc đại hội đó lại chiếm lấy cái quyền lực không thuộc về họ, và thường khi các hoạt động của họ và sự hoang mang họ gây ra sau đó bị kéo dài khá lâu khiến Nhà nước bị hiểm hoạ; và người ta tìm ra giải pháp là các cử tri sẽ cùng bỏ phiếu vào cùng một ngày, nhưng không ở cùng một nơi.
Phương thức bầu cử hai bậc khiến cho có khả năng có được ý kiến của đa số, nhưng không bảo đảm chắc chắn điều đó, bởi vì vẫn có khả năng các cử tri không cùng ý kiến như nhau, cũng như các cử tri được uỷ thác cũng có thể không có ý kiến giống nhau.
Gặp trường hợp như vừa nói tới, người ta bắt buộc phải thực hiện một trong ba biện pháp sau: hoặc là bầu ra những cử tri khác, hoặc là lấy ý kiến các cử tri đã được bầu chọn rồi, hoặc là chuyển việc xin ý kiến tới một cơ quan có thẩm quyền mới.
Hai biện pháp đầu, ngoài việc chúng có vẻ ít chắc chắn, đều dẫn tới những sự chậm trễ và kéo dài tình trạng sôi sục luôn luôn là hiểm hoạ.
Vì thế người ta chọn biện pháp thứ ba, và người ta quy ước rằng các phiếu bầu của cử tri sẽ được dán kín rồi gửi về chủ tịch Thượng viện. Đến một ngày nhất định, và trước sự hiện diện của cả Thượng và Hạ viện, vị chủ tịch Thượng viện sẽ mở thùng phiếu và kiểm phiếu. Nếu không có ứng viên nào được đa số thì Hạ viện sẽ tiến hành ngay lập tức việc bầu cử. Nhưng người ta cũng cẩn thận giới hạn quyền của Hạ viện lúc này. Các đại biểu chỉ có quyền bầu ra từ một trong ba ứng viên đã thu được số phiếu bầu nhiều nhất.
Như ta đã thấy, đó chỉ là một trường hợp hiếm hoi và khó tiên liệu khi công việc bầu cử được giao vào tay những người đại diện bình thường của quốc gia, và cho dù như vậy, họ cũng chỉ có thể chọn lựa một công dân đã được một số lớn đại cử tri chọn. Đó là một sự kết hợp may mắn hoà hợp cả sự tôn trọng ý nguyện nhân dân và sự nhanh chóng khi thực thi cùng những bảo đảm về trật tự mà lợi ích Nhà nước đòi hỏi. Vả chăng, bằng cách trao quyết định cho Hạ viện khi có chia rẽ ý kiến, người ta vẫn chưa giải quyết được dứt điểm mọi khó khăn. Vì rồi cái đa số vẫn có thể nghi ngờ Hạ viện, và đến như thế thì hiến pháp cũng vẫn chưa có giải pháp gì hết. Thế nhưng khi định ra chế độ ứng viên bắt buộc, khi hạn chế số lượng ở ba ứng viên, và khi trao quyền lựa chọn cho một số người sáng láng, thì mọi trở ngại đáng kể đã được dẹp; còn có những trở ngại khác thì đó là những thứ cố hữu trong bản thân hệ thống chính quyền do bầu cử.
Kể từ bốn mươi tư năm tồn tại Hiến pháp Hoa Kì, cả thảy đã mười hai lần người ta bầu tổng thống.
Mười cuộc bầu chỉ tiến hành một lần qua con đường đại cử tri cùng bầu một lượt tại các điểm khác nhau trên lãnh thổ.
Hạ viện chỉ mới sử dụng quyền đặc biệt của mình có hai bận khi có chia rẽ ý kiến. Lần đầu là vào năm 1801 khi bầu ra tổng thống M. Jefferson và lần thứ hai vào năm 1825 với ứng viên là ông Quincy Adams.
KHỦNG HOẢNG BẦU CỬ
Có thể coi thời gian bầu tổng thống như là thời gian quốc gia gặp khủng hoảng. − Tại sao vậy. − Những đam mê của người dân. − Mối bận tâm của tổng thống. − Cảnh bình lặng tiếp theo cảnh sục sôi thời gian bầu cử.
Tôi đã nói đến những hoàn cảnh tối hảo của Hoa Kì khi nước này chọn lựa hệ thống chính quyền do bầu cử, và tôi cũng đã nói rõ các nhà lập pháp của họ đã có những biện pháp đề phòng thận trọng ra sao để giảm thiểu các nguy cơ của cách làm đó. Người Mĩ đã quen với việc tiến hành các kiểu bầu cử khác nhau. Kinh nghiệm đã dạy cho họ biết có thể để cảnh sôi sục diễn ra tới mức nào và tới đâu thì phải dẹp. Lãnh thổ bao la và dân cư tán phát rộng khiến cho đụng độ giữa các phe phái ít khả năng xảy ra và có xảy ra thì ít nguy hiểm so với bất cứ nơi nào khác. Các điều kiện môi trường chính trị qua các cuộc bầu cử vẫn chưa thấy bộc lộ nguy cơ thực thụ nào.
Tuy vậy vẫn phải coi thời gian bầu cử tổng thống ở Hoa Kì như là một thời kì khủng hoảng toàn quốc.
Ảnh hưởng của tổng thống đến tiến trình công việc đúng là yếu và gián tiếp, song nó lại trải lên trên toàn bộ quốc gia. Một lựa chọn của tổng thống chỉ tác động có chừng mực đến từng người công dân, nhưng nó lại liên quan đến tất cả các công dân. Ấy thế mà một lợi ích dù to nhỏ ra sao chăng nữa thì cũng vẫn vô cùng quan trọng một khi nó trở thành lợi ích chung.
So sánh với một ông vua ở châu Âu, ông tổng thống hẳn nhiên là có ít phương tiện tạo cho mình những người ủng hộ. Dẫu sao thì những ghế ông ta có trong tay cũng có số lượng khá nhiều để cho hàng ngàn cử tri được trực tiếp hoặc gián tiếp quan tâm đến sự nghiệp của tổng thống.
Hơn nữa, ở Hoa Kì cũng như mọi nơi, các phe phái đều cảm nhận được nhu cầu tập hợp chung quanh một con người để có thể nhanh chóng vươn tới sự thừa nhận của đám đông. Vậy nên nói chung là họ sử dụng tên tuổi của ứng viên tổng thống như một biểu tượng. Họ nhân hoà các lí thuyết vào trong cá nhân con người ấy. Vì thế mà các phe phái rất quan tâm đến việc làm sao cho cuộc bầu cử có lợi cho phe mình, không phải là nhằm cho luận thuyết của họ thắng thế nhờ ông tổng thống đắc cử, mà muốn qua cuộc bầu cử để cho thấy các luận thuyết của họ đã được đa số dân chúng theo.
Một thời gian dài trước khi tới thời điểm ấn định, cuộc bầu cử trở thành công việc lớn lao nhất, có thể nói là duy nhất nữa, làm bận rộn đầu óc mọi người. Các phe phái gia tăng nhiệt huyết. Mọi đam mê giả tạo mà trí tưởng tượng có thể tạo ra trong một đất nước hạnh phúc và thanh bình vào lúc đó đều xuất đầu lộ diện múa may quay cuồng.
Về phần mình, ông tổng thống bị ngập vào việc lo chuyện tự bảo vệ. Ông ta không cai quản đất nước nữa vì lợi ích đất nước, mà vì lợi ích của cuộc tái đắc cử. Ông ta quỳ gối cúi đầu trước đa số, và thường khi thay vì chống lại các đam mê của mình, tựa hồ như ông có nghĩa vụ phải thế, ông ta thả mình cho những bất thường của tính khí.
Càng gần tới kì bầu cử, các mưu đồ càng mãnh liệt, cuộc sống càng mạnh mẽ sôi sục khắp nơi. Công dân chia ra thành năm bè bảy mối, cánh nào cũng mang danh ứng viên tổng thống của mình. Cả nước rơi vào cảnh phát sốt phát rét, chỉ còn một đề tài là bầu cử trên báo chí và công luận hàng ngày, trong câu chuyện của mọi người, thành mục đích của mọi đường đi nước bước, thành đối tượng của mọi đầu óc nghĩ suy, lợi ích duy nhất của thời hiện tại chỉ còn là bầu cử.
Quả tình là thế, vì ngay khi nghe tuyên bố vận hội rơi vào tay ai, bầu nhiệt huyết đó tan lắng dần, tất cả trở về yên tĩnh, và dòng sông có một lúc bị tràn bờ nay lại đã êm ả trôi theo dòng cũ. Nhưng liệu có gì đáng ngạc nhiên không khi thấy đời từng sóng gió bão giông?
VỀ VIỆC TÁI CỬ TỔNG THỐNG
Khi người đứng đầu ngành hành pháp có khả năng được bầu lại, thủ phạm của âm mưu và hủ hoá chính là Nhà nước. − Mong ước được tái đắc cử chế ngự đầu óc tổng thống Hoa Kì. − Điều trắc trở của tái bầu cử, chuyện chỉ ở Hoa Kì mới có. − Khiếm khuyết tự nhiên của mọi nền dân trị đó là làm cho mọi quyền lực bị nô lệ dần từng bước vào từng ước vọng nhỏ nhặt nhất của đa số. − Tái bầu cử tổng thống tạo thuận lợi cho khiếm khuyết đó.
Các nhà lập pháp Hoa Kì sai lầm hay đúng đắn khi cho phép tái bầu cử tổng thống?
Thoạt nhìn thì thấy ngay việc ngăn cản khả năng người đứng đầu quyền hành pháp tái đắc cử hình như trái với lẽ phải. Ta biết rằng tài năng hoặc tính cách của một con người có thể tác động đến số phận cả một dân tộc tới đâu, nhất là trong những điều kiện hoàn cảnh khó khăn và vào thời điểm khủng hoảng. Ngăn cấm công dân được bầu lại viên pháp quan số một của họ là tước đi của họ phương tiện tốt nhất để làm cho đất nước thịnh vượng hoặc để cứu nguy cho đất nước. Vả chăng làm như vậy có thể dẫn tới cái kết cục kì quặc là một con người có thể bị đẩy ra khỏi chính quyền đúng vào lúc người đó tỏ rõ được khả năng cai quản tốt đẹp đất nước.
Hẳn là những lí lẽ đó đều mạnh mẽ. Liệu ta có thể đem những lí lẽ mạnh hơn chống đối lại?
Mưu mô và hủ hoá là những khiếm khuyết tự nhiên của các chính quyền lập ra theo lối bầu cử. Nhưng một khi người đứng đầu Nhà nước có khả năng được tái đắc cử, các khiếm khuyết đó được mở rộng đến vô cùng và làm tha hoá chính cuộc sống của đất nước. Khi một ứng viên bình thường muốn dùng mưu mô để được đắc cử, các biện pháp anh ta dùng chỉ có thể tác động vào một phạm vi hẹp được khoanh sẵn. Nhưng nếu như bản thân người đứng đầu Nhà nước lại tự mình đứng ra làm công việc như thế, thì ông này có thể huy động sức mạnh của chính quyền ra dùng cho riêng mình.
Trong trường hợp thứ nhất, đó là một con người với những phương tiện yếu kém; trong trường hợp thứ hai, đó là chính Nhà nước với các nguồn lực vô biên đứng ra để âm mưu và hủ hoá.
Một công dân bình thường dùng các biện pháp thao túng tội lỗi để đạt tới chính quyền chỉ có thể gây hại một cách gián tiếp đến sự thịnh vượng chung. Nhưng nếu người đại diện của quyền hành pháp lại bước vào đấu trường, việc chăm chút công tác chính quyền đối với ông ta trở thành lợi ích thứ yếu, lợi ích chính yếu là tái đắc cử. Các cuộc thương thuyết, cũng như luật pháp, đối với ông ta chỉ là những trù liệu cho cuộc bầu bán. Các ghế trong chính quyền sẽ trở thành phần thưởng trả nợ các công việc phục vụ ứng viên ông chủ của mình chứ không phải là phục vụ quốc gia nữa. Vậy là, ngay cả khi hành động của chính quyền không hẳn là đã đi ngược với lợi ích đất nước, thì chí ít nó cũng không còn phục vụ đất nước nữa. Khi ấy, nó chỉ làm việc cho nó mà thôi.
Ta không thể xem xét bước đi bình thường của mọi công việc ở Hoa Kì mà lại không nhận ra ngay cái ước vọng được tái đắc cử chế ngự đầu óc của ông tổng thống, lại không thấy ngay rằng toàn bộ đường lối của bộ máy chính quyền trong tay ông ta chỉ hướng tới một điểm ấy, lại không thấy từng sự vận động nhỏ nhặt nhất của ông ta đều quy vào đối tượng ấy, và một khi nhất là vào lúc thời điểm khủng hoảng cận kề thì trong đầu óc ông ta lợi ích cá nhân thay thế luôn cho lợi ích chung.
Vậy là nguyên tắc tái bầu cử làm cho tác động hủ hoá của các chính quyền thành lập do bầu cử trở nên rộng khắp hơn và nguy hiểm hơn. Nó làm cho đạo lí chính trị của nhân dân bị xuống cấp và thay thế cho lòng ái quốc sẽ là sự khéo léo.
Ở nước Mĩ, nguyên tắc tái bầu cử xâm phạm sát sạt vào nguồn gốc của sự sinh tồn quốc gia.
Mỗi chính quyền mang trong lòng nó một khiếm khuyết tự nhiên dường như gắn chặt vào nguyên tắc tồn tại của nó. Thiên tài của nhà lập pháp là ở chỗ nhận cho rõ khiếm khuyết đó. Một Nhà nước có thể khắc phục được rất nhiều luật lệ xấu, và người ta thường nói quá lên về những tác động xấu của chúng. Nhưng bất kì luật nào thì cũng phát triển cái mầm chết không thể thiếu đó và về lâu về dài làm cho nó thành không thể tránh nổi, cho dù các ảnh hưởng xấu của chúng không hiện ra ngay tức thời.
Nguyên tắc huỷ hoại trong các nền quân chủ chuyên chế nằm ở sự mở rộng vô hạn và phi lí quyền hành của nhà vua. Một biện pháp tước đi những đối trọng của hiến pháp đối với quyền lực đó hẳn là tuyệt đối xấu ngay cả khi trong một thời gian dài chẳng ai cảm nhận thấy các tác động xấu của nó.
Tương tự như vậy, tại các quốc gia dân trị và ở nơi nhân dân không ngừng lôi cuốn mọi thứ về phía mình, những bộ luật nào khiến cho hành động của nhân dân càng ngày càng nhanh nhạy đúng lúc và không gì cưỡng nổi lại xâm phạm trực tiếp vào sự tồn tại của chính quyền.
Công lao to lớn nhất của các nhà lập pháp Hoa Kì là đã nhận rõ chân lí đó và đã dũng cảm đem nó ra thực hiện.
Họ nghĩ ra một điều là, ngoài quyền lực của nhân dân ra, còn phải có một số quyền lực tuy không hoàn toàn độc lập với nhân dân song trong phạm vi của chúng lại vẫn có sự tự do tương đối lớn. Những quyền lực này, một mặt bị buộc phải chịu sự điều khiển thường xuyên của đa số, song lại có khả năng đấu tranh chống lại những thất thường của đa số và từ chối thực hiện những đòi hỏi nguy hiểm của đa số.
Để làm được điều này, các nhà lập pháp Mĩ tập trung toàn bộ quyền hành pháp của đất nước vào tay một con người. Họ trao cho tổng thống những đặc quyền rộng rãi và cho ông cả quyền phủ quyết để cưỡng lại những chỗ nào bị ngành lập pháp lấn chân.
Thế nhưng khi đưa ra nguyên tắc tái bầu cử, họ lại thủ tiêu từng phần công trình của mình. Các nhà lập pháp đã trao cho tổng thống một quyền hành to lớn và tước đi của ông ta ý chí thực thi quyền hành đó.
Nếu không được quyền tái bầu cử, ông tổng thống chẳng còn độc lập với nhân dân nữa, vì ông ta không bao giờ ngừng chịu trách nhiệm với nhân dân. Nhưng hảo tâm của nhân dân lại cũng không hoàn toàn cần thiết cho ông ta để ông bị buộc phải làm theo tất tật ý nguyện của họ.
Một khi được tái bầu cử (và điều này là có thật, nhất là vào thời nay khi đạo đức chính trị có suy yếu đi và khi các tính cách lớn cũng biến mất), tổng thống Hoa Kì chỉ còn là một công cụ ngoan ngoãn trong tay đa số. Ông ta yêu cái gì đa số yêu, ghét cái gì nó ghét, ông ta đi trước để thực hiện ý nguyện của đa số, ông ta đoán được họ kêu ca gì, ông ta ép mình theo từng ước vọng nhỏ nhặt nhất của đa số: các nhà lập pháp những muốn ông ta dẫn dắt đa số, nhưng ông ta lại theo đuôi đa số.
Vậy là, để cho Nhà nước không thiếu tài năng của một con người, các nhà lập pháp tìm cách làm cho các tài năng đó thành vô ích. Và để sẵn có nguồn lực trong tình huống đặc biệt, họ làm cho đất nước luôn luôn bị phơi mình trước các hiểm nguy.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)