[Tinh thần dân chủ] Lời giới thiệu

[Tinh thần dân chủ] Lời giới thiệu

LỜI GIỚI THIỆU

CHO BẢN IN TIẾNG VIỆT TÁC PHẨM TINH THẦN DÂN CHỦ

Ấn bản tiếng Việt tác phẩm Tinh Thần Dân Chủ được xuất bản tại thời điểm đầy khó khăn đối với chế độ dân chủ trên toàn thế giới. Khi tôi hoàn thành tác phẩm này mười năm về trước, năm 2007, tôi cảm thấy rằng thế giới đã bước vào “giai đoạn thoái trào của dân chủ”, đấy là giai đoạn khi tự do và chế độ dân chủ bị thách thức và thụt lùi. Dường như đấy là lúc đang diễn ra xu hướng chung là dân chủ đang thất bại hay sự thụt lùi ở những nước quan trọng, có tính chiến lược, như Nga, Venezuela, Nigeria và Thái Lan. Không phải ngẫu nhiên mà ba nước đầu tiên trong số đó là những nước mà dầu và khí đốt giữ thế thượng phong trong nền kinh tế, “lời nguyền của tài nguyên” là một trong những chướng ngại vật khó lay chuyển nhất đối với quá trình xây dựng chính phủ tự do và có trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, năm 2007, xu hướng suy thoái trào mới chỉ bắt đầu và có tính giả định, và dường như triển vọng đảo chiều vẫn còn khá lớn.

Mười năm sau, chúng ta vẫn đang nằm trong gọng kìm của cuộc suy thoái dân chủ trên toàn thế giới. Trong phần lớn giai đoạn suy thoái này, sự tuột dốc của dân chủ diễn ra tương đối nhẹ nhàng, nhưng trong hai năm qua, đã có dấu hiệu tăng tốc. Giai đoạn thụt lùi của dân chủ lần này có những đặc điểm chính sau đây:

Thứ nhất, từ năm 2006, số lượng các nền dân chủ bầu cử đã không còn tiếp tục đà gia tăng nữa, con số này dao động ở mức 60% số nước trên thế giới. Và tỉ lệ tính theo phần trăm các chế độ dân chủ tự do cũng không tăng, sau khi đạt tới đỉnh cao là hơn 40% một chút. Trong số những nước với dân số hơn một triệu người, tỉ lệ tính theo phần trăm các chế độ dân chủ bầu cử đã giảm từ 58% trong năm 2006 xuống còn dưới 55% hiện nay (phụ thuộc vào cách tính).

Tính từ năm 2006, tự do cũng đã thụt lùi. Các quyền chính trị và tự do dân sự trên thế giới, tính chung, đã xấu đi phần nào. Đáng lo ngại hơn là cán cân giữa các nước tiến bộ và các nước thụt lùi về tự do. Mỗi năm trong mười một năm qua (từ năm 2006 đến cuối năm 2016) Freedom House đều phát hiện ra rằng số nước thụt lùi về tự do (các quyền chính trị và/hoặc các quyền tự do dân sự) gia tăng nhanh hơn hẳn số nước có cải thiện.

Nhiều nhà quan sát đã nghiêng nhiều hơn về quan điểm cho rằng mười năm qua là giai đoạn cân bằng đối với chế độ dân chủ trên toàn thế giới. Chế độ dân chủ đã lan đến một số nước với những điều kiện bất lợi (như nghèo đói hoặc lân bang là nước độc tài), điều đó nói lên rằng chế dân chủ sống sót (hoặc hồi sinh) ở rất nhiều nơi, và (cho đến nay) làn “sóng ngược”của vụ thụt lùi dân chủ chưa triển khai hết mức. Hơn nữa, trong khi tiến trình dân chủ tạm dừng, đa số các nước trên thế giới vẫn là dân chủ; đa số người dân trên thế giới vẫn sống trong chế độ dân chủ; và, như tôi nhấn mạnh trong cuốn sách này, dân chủ đã trở thành hiện tượng phổ quát về mặt văn hóa, theo nghĩa là rất nhiều người trong tất cả các nền văn hoá lớn trên thế giới đều có những người hoặc là đang thực hành dân chủ hay ít nhất là mong muốn được thấy đất nước mình trở thành chế độ dân chủ .

Tuy nhiên, có một số lý do để lo lắng. Một là, tỷ lệ những vụ thụt lùi bề dân chủ là khá lớn và đang tăng nhanh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Bangladesh trong những năm gần đây. Thứ hai, chất lượng hay sự ổn định của chế độ dân chủ ở một số nước đang phát triển và hậu cộng sản, trong có Philippines trong thời gian gần đây – đã giảm. Thứ ba, chế độ độc tài, nói chung, đã và đang bắt rễ sâu hơn - trở thành áp bức hơn, kiểm soát xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông đại chúng một cách khắc nghiệt hơn. Và thứ tư, thành tích dân chủ trong các chế độ dân chủ vững chắc ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ còn lâu mới đáp ứng được kì vọng. Trên thực tế, cử tri bất mãn với hiện tượng nhập cư, thành tích kinh tế yếu kém, bất bình đẳng về thu nhập, thái độ kiêu căng và lãnh đạm của giới ăn trên ngồi trốc đã làm cho chủ nghĩa dân túy cánh hữu, bài tự do, ngóc đầu dậy, mà kết quả là vụ trưng cầu dân ý của Anh trong việc ra khỏi Liên minh châu Âu, việc bầu Donald Trump lên làm tổng thống ở Mỹ, và sự ủng hộ đang ngày càng gia tăng đối với các đảng chống nhập cư ở những nước như Áo, Pháp và Hà Lan.

Nếu chia làn sóng dân chủ thứ ba theo bốn thập kỉ, ta sẽ thấy thất bại của dân chủ gia tăng từ giữa những năm 1980 (xem bảng bên dưới):

Năm

1974-83

1984-93

1994-2004

2005-2015

Tỉ lệ thất bại

16%

8%

11%

17%

Ít nhất, dân chủ đang chứng tỏ rằng chế độ này dễ bị thất bại hơn trước.

Từ năm 2000 đến cuối năm 2015, tôi đếm được 27 vụ thụt lùi của dân chủ trên thế giới - không chỉ vì những cuộc đảo chính quân sự hay của nhánh hành pháp, mà thường xuyên hơn là do suy giảm từng bước các quyền và thủ tục dân chủ, mà cuối cùng là đẩy chế độ dân chủ bước qua ngưỡng và rơi vào chế độ độc tài. Đôi khi rất khó chỉ ra ngày giờ cụ thể của kiểu thất bại vừa nói, vì không có hành động mang tính đổ vỡ đơn lẻ, như vụ tự đảo chính của Alberto Fujimori. Nhưng, Vladimir Putin và Hugo Chavez đã bóp chết dần chế độ dân chủ ở Nga và Venezuela, gần đây hơn Thủ tướng, nay Tổng thống, Recep Tayyip Erdoğan và đảng AK của ông ta đã làm như vậy ở Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách tập trung quyền lực vào tay lãnh đạo dân cử, mở rộng quyền kiểm soát mang tính đảng phái đối với tư pháp và bộ máy quản lí hành chính; bắt giữ và đe dọa những người phê phán trong lĩnh vực báo chí, giới hàn lâm và xã hội dân sự; đe dọa trả đũa các doanh nghiệp nếu họ tài trợ các đảng đối lập; và lạm dụng các thủ tục pháp lý.

Chỉ có 8 trong 27 vụ thụt lùi dân chủ, tính từ năm 2000 đến nay, là kết quả của sự can thiệp quân sự mà thôi. Phần lớn là do kết quả của sự lạm dụng quyền lực và vi phạm các luật lệ của hiến pháp dân chủ, cũng như những biện pháp cưỡng ép do những người cầm quyền được bầu theo lối dân chủ thực hiện. Do đó, thách thức quan trọng nhất đối với các nước và các tổ chức phi chính phủ cam kết bảo vệ chế độ dân chủ là tìm cho bằng được những biện pháp nhằm ngăn chặn các nhà lãnh đạo dân cử, không cho họ lạm dụng quyền hành và xoá bỏ cơ chế kiểm soát và đối trọng.

Các nhà quan sát bên ngoài không phải lúc nào cũng thấy được xu hướng xói mòn tự do và trách nhiệm giải trình. Chúng ta cần quan tâm tới không chỉ những vụ đảo chiều trắng trợn (thường hay xảy ra trong các chế độ dân chủ thu nhập thấp) mà còn phải chú ý tới những vụ xói mòn tinh vi hơn, thường thấy trong các nước thu nhập trung bình như Nam Phi, nơi mà dân chủ thụt lùi, trong khi tham nhũng ngày càng gia tăng và cam kết với chế độ pháp quyền giảm sút. Trên thực tế, thách thức đáng lo ngại nhất đối với chế dân chủ thời gian gần đây là do các đảng dân túy cánh hữu nắm được quyền lực ở các nước châu Âu, như Hungary và Ba Lan, rồi sau đó tìm cách phá hoại ngầm tính độc lập của Tòa Bảo Hiến, trong khi thu hẹp không gian hoạt động của các phương tiện truyền thông độc lập và các tổ chức của xã hội dân sự. Việc thông qua các đạo luật phi tự do nhằm kiểm soát xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông đại chúng và thúc đẩy thái độ bất dung và đam mê tôn giáo, trong thời gian gần đây cũng đã đặt ra thách thức đối với chất lượng của chế độ dân chủ ở Ấn Độ - chế độ dân chủ lớn nhất thế giới và lâu đời nhất ở châu Á.

Tại sao ở nhiều nước, tự do và dân chủ lại bị suy thoái? câu trả lời quan trọng nhất và phổ biến nhất là quản trị tồi. Hàng năm Freedom House đều tiến hành đánh giá các quyền chính trị và tự do dân sự ở từng nước trên thế giới. Hai thước đo đều có tiêu chí về chế độ pháp quyền và minh bạch (trong đó có tham nhũng.)1 Nếu chúng ta bỏ các tiêu chí phụ ra khỏi điểm đánh giá về quyền chính trị và tự do dân sự của Freedom House để tạo ra thước đo thứ ba với điểm về chế độ pháp quyền và minh bạch, thì vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn. Nếu chúng ta tổ chức lại dữ liệu của Freedom House vào ba thước đo như thế - các quyền chính trị, các quyền tự do dân sự và minh bạch và chế độ pháp quyền – thì sẽ thấy rằng tất cả các khu vực trên thế giới đều có thành tích về tính minh bạch (chủ yếu là ngăn chặn tham nhũng) kém hơn thành tích các quyền chính trị và tự do dân sự.2 Từ năm 2005 trở đi, sự suy giảm tính minh bạch và chế độ pháp quyền đặc biệt rõ, thậm chí ngay cả trong chế độ dân chủ tự do, ví dụ như Nam Phi.

Trên khắp thế giới, ở đâu chế độ dân chủ cũng phải đấu tranh với sự trỗi dậy của cái mà Francis Fukuyama gọi là xu hướng “neo-patrimonial” (neopatrimonialism là hệ thống thứ bậc trong xã hội, trong đó các ông chủ sử dụng nguồn lực của nhà nước để mua sự trung thành của khách hàng trong dân chúng. Đây là quan hệ xin-cho phi chính thức, có thể vươn từ những nấc thang cao nhất trong cơ cấu của nhà nước xuống từng cá nhân trong những ngôi làng nhỏ - ND). Những người lãnh đạo nghĩ rằng họ có thể thành công bằng cách đó đã và đang làm xói mòn cơ chế kiểm soát và đối trọng dân chủ, đang làm băng hoại chính phủ của họ, bắt giữ hay mua chuộc những người phê phán họ, và tích cóp quyền lực và của cải cho bản thân và gia đình họ, cho những người được họ bảo trợ, cho khách hàng, và đảng của họ.

Ở nhiều nước, không gian cho các đảng đối lập, cho xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông đại chúng đã và đang thu hẹp dần. Sự phân chia về sắc tộc, tôn giáo, và bản sắc khác đã làm cho nhiều xã hội trở thành phân cực, vốn thiếu những thiết chế dân chủ được thiết kế một cách phù hợp để quản lý những sự chia rẽ như thế. Rất hay xảy ra là cơ cấu của nhà nước không thể đảm bảo trật tự, không bảo vệ được các quyền, và không đáp ứng được những nhu cầu xã hội cơ bản nhất. Các thiết chế dân chủ như các đảng phái và quốc hội thường chưa phát triển đầy đủ và bộ máy quản lí hành chính thiếu sự tinh tường về chính sách, và thậm chí còn thiếu tính độc lập và thẩm quyền, để có thể quản lý một cách hiệu quả nền kinh tế. Thành tích kinh tế yếu kém và bất bình đẳng gia tăng làm trầm trọng thêm sự bất mãn của dân chúng.

Một yếu tố khác góp phần làm cho dân chủ suy thoái là sự hồi sinh của các chế độ độc tài trên toàn thế giới, những chế độ này đã và đang tăng cường đàn áp, tăng cường những biện pháp kiểm soát kỹ thuật đối với mạng Internet và các luồng thông tin khác, và phối hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn. Ở Nga, không gian cho phe đối lập chính trị, bất đồng chính kiến có tổ chức và các hoạt động của xã hội dân sự ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chính quyền đã bị thu hẹp dần theo năm tháng, đến mức hầu như tất cả các hình thức đối lập có tổ chức đều bị cho ra rìa, bị giết, hoặc bị ép phải ngưng hoạt động. Ở Trung Quốc, các nhà hoạt động của xã hội dân sự cũng phải đối mặt với những mối đe dọa và đàn áp ngày càng gia tăng, còn nhà nước thì đã xây dựng được hệ thống giám sát Internet toàn diện và có tính ám ảnh hơn bất kì nước nào khác trên thế giới. Ở hai nước này, bộ máy tuyên truyền sâu rộng và tinh vi của nhà nước đã thổi bùng lên thái độ khinh bỉ phương Tây và sùng bái cá nhân đối với vị tổng thống/ chủ tịch không ai được quyền công kích, Vladimir Putin ở Nga và Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Được dẫn dắt bởi hai chế độ đầy sức mạnh này, các chế độ độc tài trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã phối hợp với nhau chặt chẽ hơn và trở thành quyết đoán hơn. Nga và Trung Quốc đều thể hiện sức mạnh cơ bắp của mình trước những vấn đề lãnh thổ một cách khá hung hăng. Ngoài ra, càng ngày họ càng tìm cách đẩy lùi các tiêu chuẩn dân chủ bằng cách sử dụng những công cụ của quyền lực mềm của mình ở nước ngoài nhằm làm mất uy tín của các chế độ dân chủ, đồng thời thúc đẩy các mô hình và tiêu chuẩn của chính họ. Đây là một phần của xu hướng rộng lớn hơn trong kỹ năng và năng lực của các chế độ độc đã đổi mới trong việc sử dụng những phương tiện truyền thông của nhà nước (cả truyền thống lẫn kỹ thuật số) để đưa lên không trung sự pha trộn mang tính chiết trung giữa những chương trình ủng hộ chế độ, hình ảnh các nhà bất đồng chính kiến đã bị bôi nhọ, và những lời công kích có tính bài ngoại và phi tự do.1

Việc truyền bá những công cụ chung, ví dụ, những đạo luật nhằm hình sự hóa sự trợ giúp về mặt tài chính và kĩ thuật của các chế độ dân chủ cho các đảng, các phong trào dân chủ, cho các phương tiện truyền thông, cho những người theo dõi bầu cử, và cho các tổ chức của xã hội dân sự trong các nước độc tài cũng làm cho việc hồi sinh các chế độ độc tài diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, còn có nhiều biện pháp nhằm hạn chế khả năng xây dựng và hoạt động của các NGO và thành lập các tổ chức NGO-giả mạo để thực hiện mệnh lệnh của những nhà cầm quyền độc tài.2 Và ngoài Trung Quốc ra, các nhà nước độc tài khác (và thậm chí là một số nước dân chủ) cũng đang ngày càng có nhiều nguồn lực hơn, ngày càng tinh vi hơn và hung bạo hơn trong việc ngăn chặn tự do trên Internet và sử dụng không gian mạng nhằm vô hiệu hóa, phá hoại và kiểm soát xã hội dân sự.

NHỮNG TÍN HIỆU CỦA HI VỌNG VÀ KHẢ NĂNG PHỤC HỒI CỦA DÂN CHỦ

Nếu thời điểm hiện tại dường như là đáng lo và thách thức đối với những người dân chủ, khó có thể coi nó là giai đoạn mà các chế độ độc tài có thể tự tin. Trong thời đại toàn cầu hóa nhanh chóng, giáo dục mở rộng cho tất cả mọi người và những luồng thông tin luân chuyển nhanh hơn hẳn so với trước đây, chính phủ ở đâu cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Các nhà cầm quyền ở đâu cũng phải đối mặt với đám đông quần chúng có nhiều quyền lực hơn và công dân với nhiều kì vọng hơn. Mặc dù họ đã tìm cách ngăn chặn những lời chỉ trích và những người bất đồng chính kiến, các chế độ độc tài, như Nga và Trung Quốc, đang gặp phải mâu thuẫn mà họ không thể nào giải quyết được. Tham nhũng đang xói mòn tính chính danh và năng lực quản lý một cách hiệu quả của họ. Tuy nhiên, cách kiểm soát tham nhũng duy nhất là xây dựng chế độ pháp quyền thực sự, trong đó, Đảng Cộng sản ở Trung Quốc và nhóm ăn trên ngồi trốc trong Điện Kremlin ở Nga phục tùng trách nhiệm giải trình của cơ quan tư pháp thực sự độc lập và được trao quyền hành, cũng như các phương tiện truyền thông độc lập. Không có nhóm ăn trên ngồi trốc đang cầm quyền nào tự nguyện làm việc đó, vì vậy, dù họ có nói gì về cuộc chiến chống tham nhũng thì bản năng cướp bóc của giới ăn trên ngồi trốc cũng ngày càng tham lam và mục ruỗng hơn. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc năng động hơn hẳn nền kinh tế Nga, hiện nay nước này cũng đang bước vào giai đoạn dễ bị tổn thương lớn hơn hẳn vì những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, có liên quan tới tham nhũng và chủ nghĩa tư bản ô dù. Không nên đặt cược vào sự ổn định của các chế độ này trong giai đoạn dài, nhưng đây là hai chế độ độc tài mạnh mẽ nhất thế giới. Các chế độ Ả Rập cũng đối mặt với những nan đề như thế – các nước này đã trải qua những cú sốc mang tính cách mạng trong những cuộc nổi dậy tự phát trong Mùa Xuân Ả Rập, những sự kiện như thế có khả năng tái diễn tại một thời điểm nào đó trong những năm sắp tới – và ở những nước chuyên quyền như Iran, Venezuela, và trên khắp châu Phi, châu Á và các nước thuộc Liên Xô cũ. Không có nền quản trị hữu hiệu, chế độ độc tài khó mà giữ được ổn định, nhưng các chế độ độc tài không thể thực hiện được những cuộc cải cách về quản trị mà không – ở một mức độ nào đó – từ bỏ độc tài.

Hơn nữa, bức tranh dân chủ không phải ở đâu cũng làm người ta nản lòng như nhau. Năm 2015, lần đầu tiên sau khi giành được độc lập vào năm 1960, Nigeria đã có chuyển giao quyền lực qua tuyển cử. Cùng năm đó, Sri Lanka đã quay trở lại với chế độ dân chủ với thất bại gây ngạc nhiên của vị tổng thống đương nhiệm đầy thủ đoạn, sau cuộc nội chiến đầy cay đắng và đẫm máu. Cuối năm 2015, lực lượng đối lập dân chủ lập được thành tích có tính đột phá trong cuộc bầu cử ở Myanmar và Venezuela. Ở những nước này, các đòn bẩy quyền lực vẫn bị giới ăn trên ngồi trốc độc tài tham nhũng chi phối, họ sợ rằng từ bỏ quyền lực thì sẽ mất tất, nhưng rõ ràng là tình cảm của nhân dân đang ủng hộ lực lượng dân chủ; đặc biệt là, giới ăn trên ngồi trốc độc tài Venezuela dường như đang lao đầu vào thùng rác của lịch sử. Tunisia, nước duy nhất trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập giành được dân chủ, đang vật lộn với cuộc chiến chống khủng bố và tình trạng trì trệ về kinh tế, nhưng dân chủ đang được nhân dân ủng hộ. Tháng 12 năm 2016, lần thứ ba trong vòng mười sáu năm, ở Ghana có sự thay đổi đảng cầm quyền. Cũng trong tháng này, cử tri Gambia sử dụng hòm phiếu để tống khứ một bạo chúa, kẻ đã khủng bố đất nước này suốt hơn hai thập kỷ qua, và các nền dân chủ khác ở Tây Phi đã tập hợp lại để bảo vệ họ và buộc nhà độc tài phải ra đi.

Một sự kiện lớn nữa trong năm 2015 cũng làm rung chuyển nền tảng tự tin của độc tài: giá dầu giảm, từ trung bình trên 100 USD một thùng trong giai đoạn 2011-2014, sau tháng tháng 6 năm 2014 đã giảm hơn 60% (rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004 ). Các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu khí hầu như đều là những nước độc tài và đã bị thiệt hại nặng. Nước Nga của Putin đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, nó sẽ là vụ thử thách đầy đau đớn khả năng của ông ta trong việc mua chuộc phe đối lập (cả giới ưu tú lẫn quần chúng) và tài trợ cho những lực lượng quân sự có tinh thần dân tộc của nghĩa của ông ta ở nước ngoài. Chế độ độc tài do cố Tổng thống Hugo Chavez lập ra ở Venezuela đang rơi vào tình trạng hỗn loạn về chính trị, sau khi gặp thất bại to lớn trong cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp (mặc dù có lợi thế lớn về mặt thiết chế), vì không thể tiếp tục thanh toán cho những khoản trợ cấp xã hội đủ sức che đậy nạn tham nhũng và những thất bại trong chính sách của chế độ. Ở vùng Vịnh Ba Tư, Saudi Arabia và các nước lân bang nhỏ bé nhiều dầu mỏ có đủ nguồn lực để vượt qua bão táp trong một thời gian dài nữa, nhưng không phải là mãi mãi, và do đó, họ đang thắt chặt việc kiểm soát vì sợ sự thất vọng của quần chúng đang ngày càng gia tăng. Mặc dù gần đây những biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran đã được rỡ bỏ, như là một phần của thỏa thuận hạt nhân, nước này cần giá dầu cao hơn hẳn, hoặc phải tiến hành những cuộc cải cách kinh tế sâu rộng, thì mới đáp ứng được nhu cầu của dân số ngày càng tăng (hiện có khoảng 80 triệu người). Danh sách này có thể kéo dài thêm, nhưng vấn đề muốn nói ở đây là những trụ cột của chế độ độc tài trông có vẻ yếu và tàn tạ.

Nhưng các chế độ dân chủ phải có những biện pháp quản lý và có những biện pháp nhằm giảm bớt những căng thẳng chính trị như thế bằng những tiến trình mang tính thiết chế bình thường như các phương tiện truyền thông tự do, cạnh tranh trong những cuộc bầu cử đa đảng được tiến hành thường xuyên và chuyển giao quyền lực qua những cuộc bầu cử theo định kì. Các chế độ độc tài không có những cơ chế giảm xóc như thế, vì vậy, khi thành tích của họ bị tiết lộ - hiện nay, thành tích của họ thường không cao hơn ngưỡng đủ sức làm cho sự cai trị của họ trở thành chính danh – họ có khả năng sụp đổ rất nhanh.

Cần phải nhấn mạnh điểm cuối cùng nữa. Mặc dù các chế độ độc tài đang làm hết sức mình nhằm kiểm duyệt các phương tiện truyền thông đại chúng và tung ra những luận điệu tuyên truyền nhằm củng cố sự ủng hộ của dân chúng và làm mất uy tín dân chủ, đối với phần lớn người châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, dân chủ tiếp tục là hình thức chính phủ hấp dẫn nhất. Ngay cả khi người dân tỏ ra thất vọng với thành tích dân chủ ở đất nước của mình, thì dường như cái mà người ta mong muốn hơn không phải là chế độ độc tài mà là chế độ dân chủ minh bạch hơn và phản ứng nhanh hơn. Các nhà cầm quyền độc tài muốn tin rằng họ đã giành được hợp đồng làm việc suốt đời, nhưng họ bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi và bất an. Nỗi sợ hãi cao nhất của họ là nếu một lúc nào đó nhân dân thực sự có quyền tự do lựa chọn, họ sẽ lựa chọn trách nhiệm giải trình về mặt chính trị, mà việc này chỉ có thể được bảo đảm bằng các phương tiện truyền thông độc lập và xã hội dân sự và những cuộc bầu cử thật sự tự do, công bằng và cạnh tranh Nói cách khác: chế độ dân chủ.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) Xin mời đọc https://freedomhouse.org/report/freedom-world/freedom-world-2016?gclid=CMrr4s_ N0tECFUtNfgodzjUPzQ.

(2) Xin mời đọc Larry Diamond, In Search of Democracy, Chapter 4 (London: Routledge, 2016).

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường