[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 1: Tự do kinh tế và chính thể đại diện (Phần 1)

[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 1: Tự do kinh tế và chính thể đại diện (Phần 1)

Bài giảng tưởng nhớ Wincott lần thứ 4 tại The Royal Society of Arts ngày 31/10/1973.

I. NHỮNG MẦM MỐNG CỦA SỰ PHÁ HỦY

Ba mươi năm trước, tôi đã viết một cuốn sách1 lí giải vì sao khuynh hướng chủ nghĩa tập thể hiện hữu rõ ràng vào thời điểm đó gây nguy hiểm cho tự do cá nhân. Ở một góc độ nào đó, nhiều người nhìn nhận cuốn sách đã gieo nỗi hoang mang quá mức. Tôi vui mừng vì những nỗi lo sợ này đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực, nhưng tôi không nghĩ điều này chứng tỏ rằng mình đã sai. Trước tiên, tôi đã không hề khẳng định nếu chính phủ có can thiệp vào các vấn đề kinh tế thì chắc chắn sẽ dẫn đến một hệ thống toàn trị, như nhiều người đã hiểu sai ý tôi. Thay vào đó, nói một cách đơn giản, tôi đã cố gắng tranh luận về điều đó qua thông điệp rằng “Nếu bạn không cải thiện các nguyên tắc của bạn, thì bạn sẽ lụi tàn mà thôi”.

Ở Anh cũng như các nước phương Tây khác, sự phát triển sau Thế chiến II hóa ra diễn tiến theo hướng [xã hội chủ nghĩa] ở cấp độ thấp hơn nhiều so với con đường mà các học thuyết chủ nghĩa tập thể thịnh hành phần nào đề xuất. Thật vậy, hai mươi năm đầu sau chiến tranh cho thấy sự hồi sinh của nền kinh tế thị trường tự do mạnh hơn rất nhiều so với những gì mà ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình nhất của nó có thể hi vọng. Mặc dù luôn nghĩ rằng thành tựu này được đóng góp bởi những người hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ, như Harold Wincott, người mà bài giảng này dành để tưởng nhớ đến, nhưng tôi không đánh giá quá cao những gì mà các cuộc tranh luận trí tuệ có thể mang đến. Đóng góp quan trọng không kém có lẽ là kinh nghiệm của nước Đức, dựa vào nền kinh tế thị trường, đã nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế mạnh nhất của châu Âu - và ở một mức độ nào đó là nỗ lực thiết thực để loại bỏ các trở ngại đối với thương mại quốc tế, chẳng hạn như GATT, và cũng có thể là các dự định, ngay cả khi chưa thành hiện thực, của EEC trong một vài phạm vi nào đó.

Tôi e rằng trong tương lai, chúng ta sẽ nhìn lại Thời kì Đại Thịnh Vượng trong 20-25 năm qua như một sự kiện hi hữu, hệt như hiện nay chúng ta nhìn về cuộc Đại Suy Thoái hồi 1930. Ít nhất tôi cũng thấy rõ ràng rằng, trong giai đoạn đầu sự thịnh vượng này hoàn toàn là do sự giải phóng các lực lượng tự phát trong hệ thống kinh tế, chứ không phải do lạm phát như trong sáu hay tám năm trở lại đây. Vì ngày nay điều này thường bị lãng quên nên có lẽ tôi cần nhắc nhở bạn rằng, trong sự bùng nổ đáng kinh ngạc nhất về sự thịnh vượng ở giai đoạn này, tức sự bùng nổ của Cộng hòa Liên bang Đức, mức tăng giá cả trung bình hằng năm vẫn dưới 2% cho đến năm 1966.

Tôi tin rằng ngay cả tỉ lệ lạm phát khiêm tốn này cũng không phải là điều kiện cần để đảm bảo cho sự thịnh vượng, và quả thực ngày nay chúng ta sẽ có những triển vọng tốt hơn về sự thịnh vượng nếu chúng ta chịu bằng lòng với những gì đã đạt được khi không có lạm phát, và không cố gắng để kích thích nó hơn nữa bằng một chính sách tín dụng mở rộng. Thay vì tạo ra thịnh vượng, một chính sách như vậy đã tạo ra một tình trạng khiến cho người ta nghĩ rằng việc áp đặt một số kiểm soát trở nên cần thiết, vì điều này sẽ phá hủy nền tảng chính yếu của sự thịnh vượng, cụ thể là một thị trường vận hành tốt. Thật vậy, các biện pháp được cho là cần thiết để chống lạm phát - như thể lạm phát là một cái gì đó tấn công chúng ta chứ không phải là cái do chúng ta tạo ra - lại đe dọa phá hủy nền kinh tế tự do trong tương lai không xa.

Lạm phát: mối đe dọa đối với tự do

Chúng ta thấy mình ở trong một hoàn cảnh khá mâu thuẫn, khi mà nền kinh tế thị trường thành công  hơn bao giờ hết trong việc nhanh chóng nâng cao mức sống ở phương Tây, thì sau một giai đoạn, triển  vọng cho sự tiếp diễn ấy trong vài năm tới chợt trở nên manh. Thực sự tôi chưa bao giờ cảm thấy quá bi quan như lúc này, khi nghĩ về khả năng duy trì một nền kinh tế thị trường vận hành tốt - và điều này cũng bao gồm cả triển vọng trong việc duy trì trật tự chính trị tự do, Mặc dù mối đe dọa đối với các thiết chế tự do hiện nay đến từ một căn nguyên khác với nỗi lo của tôi 30 năm trước; song nó đã trở nên trầm trọng hơn trước kia.

Đối với tôi, việc theo đuổi chính sách thu nhập một cách hệ thống đồng nghĩa với việc làm ngừng cơ chế giá cả và chẳng mấy chốc thay thế thị trường bằng một nền kinh tế chỉ huy tập trung; và đây là viễn cảnh mà tôi không hề nghi ngờ sẽ xảy ra. Ở đây, tôi sẽ không thảo luận về những cách thức hay những khả năng để chúng ta tránh khỏi tiến trình này. Mặc dù tôi coi nhiệm vụ chính của mọi nhà kinh tế học lúc này là chống lạm phát - và giải thích tại sao lạm phát bị nén lại thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều so với lạm phát bộc lộ tự nhiên - song tôi dành bài này cho một nhiệm vụ khác. Theo tôi thấy, lạm phát chỉ đơn thuần đẩy nhanh quá trình phá hủy của nền kinh tế thị trường vốn đã và đang diễn ra bởi các lí do khác, và đưa chúng ta tới gần hơn thời điểm mà chúng ta phải suy nghĩ làm thế nào có thể thiết lập lại một nền kinh tế thị trường trên một nền tảng vững chắc hơn và lâu bền hơn khi nhìn vào hệ quả kinh tế, chính trị và đạo đức của một nền kinh tế chỉ huy tập trung.

Chú thích:

(1) Đường về nô lệ, Routledge, 1944.

Nguồn: Friedrich Hayek (2015). Tự do kinh tế và chính thể đại diện. Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Vi Yên dịch.