Kinh tế chính trị học về bất bình đẳng và tái phân phối ở Singapore (phần 3)
Tự do kinh tế là chìa khóa nâng cao mức sống
Nếu nâng cao mức sống cho tất cả mọi người chính là mục tiêu của chính sách kinh tế, và nhìn chung nếu Singapore đạt được mức sống cao hơn, thì tự khắc xuất hiện câu hỏi: chúng ta cần chính phủ ban hành những chính sách nào nhằm đạt được kết quả và duy trì xu hướng phát triển này của nền kinh tế?
Các nhà kinh tế chính trị học theo phái tự do cổ điển chỉ ra một cách rõ ràng rằng khi các quốc gia duy trì các thể chế dựa trên thị trường, tức là những thể chế bảo vệ tài sản tư nhân, thực thi các hợp đồng và giữ cho các biện pháp can thiệp của nhà nước ở mức tối thiểu, thì sẽ có tăng trưởng kinh tế (Hanke & Walters, 1997; Gwartney và cộng sự, 1999). Nền kinh tế tự do cung cấp môi trường thuận lợi cho các nhà khởi tạo, hãng kinh doanh, các nhóm xã hội dân sự và các cá nhân tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh tế. Liên kết giữa tự do kinh tế và tăng trưởng cũng mang đến những đóng góp tích cực, được thể hiện qua một loạt các khía cạnh định tính khác của mức sống (xem Tổ chức di sản, 2019).
Các nhà phê bình gọi những chính sách này là "tân tự do". Dù có gọi là gì thì vẫn có rất nhiều bằng chứng cho thấy những lợi ích tích cực xuất phát từ việc mở rộng các quyền tự do thị trường kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Ở cấp độ vĩ mô, trên thế giới, số người sống trong cảnh nghèo đói hiện nay là thấp nhất so với bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử1, và lần đầu tiên tầng lớp trung lưu hoặc khá giả có nhiều người hơn (Kharas & Hamel, 2019). Như nhà kinh tế học có ảnh hưởng Andrei Shleifer (2009) chỉ ra, những phát triển này trùng khớp với “Thời đại của Milton Friedman” kể từ những năm 1980.
Tất nhiên sự bành trướng của "chủ nghĩa tân tự do" không phải là hiện tượng mới đây mà là một xu hướng tiến bộ, kể từ đầu thế kỷ 19. Các nhà sử học về kinh tế tự do cổ điển đã ghi lại sự đảo ngược đáng kinh ngạc về điều kiện tự nhiên của nhân loại từ nghèo đói sang thịnh vượng, một quá trình bắt đầu với các cuộc cách mạng thương mại ở châu Âu bắt đầu từ thế kỷ 17, và đến lượt mình, chúng lại là sản phẩm của sự dichk chuyển trí tuệ và chính sách hướng tới chủ nghĩa tư bản, tự do và chủ nghĩa cá nhân ( North, 2005; McCloskey, 2011; Mokyr, 2016). Chỉ riêng nhận thức này thôi cũng đủ cho chúng ta thấy lý do để thận trọng khi các học giả hàng đầu lên án "hệ tư tưởng tân tự do" trong diễn ngôn chính sách của Singapore.
Lời đáp đối với những phê phán về tăng trưởng theo định hướng thị trường
Chúng tôi tiên đoán những phản đối tiềm ẩn về việc xã hội đang được định hướng bởi các lực lượng thị trường. Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu nghiên cứu có ảnh hưởng của Thomas Piketty, đang tham gia ngày càng tăng vào các diễn ngôn chính sách của Singapore. Chúng tôi đã triệt để bác bỏ lầm tưởng cho rằng tăng trưởng theo định hướng thị trường về cơ bản là ủng hộ những người giàu có hoặc dựa trên ảo tưởng về "kinh tế học nhỏ giọt". [Tức là, khi chính phủ giảm thuế và tạo ra lợi ích cho các doanh nghiệp và những người giàu có, thì những tác động tích cực sẽ được nhỏ giọt xuống các tầng lớp khác trong xã hội - ND]. Chúng tôi xin đưa ra lời cảnh báo quan trọng là bất bình đẳng, trong phạm vi phản ánh phân chia các đặc quyền và quyền lực chính trị, là vấn đề đáng quan ngại hơn nhiều.
Thomas Piketty thì sao?
Tại thời điểm này, thật đáng để xem xét nghiên cứu về bất bình đẳng mà Thomas Piketty và các học giả khác tiến hành - các học giả đã xây dựng luận cứ trên cơ sở công trình trước đó của ông này. Đây là điều cần thiết liên quan đến diễn ngôn chính sách bên trong Singapore vì hầu hết những người ủng hộ nhà nước phúc lợi lớn hơn ở Singapore đều được truyền cảm hứng từ các luận cứ của Thomas Piketty và các cộng sự của ông này. Ví dụ, cả Donald Low2 và Sudhir Vadaketh3 đều đề xuất chính sách đánh thuế tài sản lớn hơn dựa trên nghiên cứu của Piketty. Tương tự, Teo You Yenn cũng trích dẫn Piketty trong nghiên cứu dân tộc học có ảnh hưởng của mình về sự bất bình đẳng ở Singapore4. Một cuốn sách tổng hợp chuyên khảo về vấn đề này cũng trích dẫn nghiên cứu của Piketty, tiếp tục khuyến nghị "nhà nước phúc lợi lớn hơn"5 .
Vấn đề mắc phải khi dựa quá nhiều vào Piketty là nền tảng học thuật của Piketty có nhiều khiếm khuyết về lý thuyết mà chưa được giám sát kỹ lưỡng. Vấn đề đầu tiên đối với quan điểm của Piketty là tập trung hoàn toàn vào vốn vật chất mà loại trừ vốn con người. Đây không phải là sự phân biệt mà không dẫn đến hệ quả khác biệt. Vốn con người, bên cạnh lao động và vốn vật chất, là nhân tố sản xuất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tại các nền kinh tế tiên phong đổi mới sáng tạo. Việc Piketty bỏ qua vốn con người - điều mà ông biện minh một cách khó hiểu qua cách đánh đồng phép đo vốn con người với chế độ nô lệ của con người6 - cho phép ông dễ dàng đi đến kết luận rằng "vốn [luôn] được phân phối bất bình đẳng hơn lao động." Điều này đơn giản là sai lầm nếu người ta xem xét mức độ phổ biến của vốn con người. Cái mang đến giá trị cho người lao động không chỉ là thể chất mà còn là kỹ năng, tài năng và kinh nghiệm mà họ có. Như McCloskey trình bày trong bài phê bình Piketty,
"Nếu bao gồm cả vốn con người - như trình độ hiểu biết của công nhân nhà máy bình thường, kỹ năng được đào tạo của y tá, năng lực điều hành của nhà quản lý chuyên nghiệp đối với các hệ thống phức tạp, sự hiểu biết của nhà kinh tế học về các phản ứng từ phía cung - thì chính bản thân lực lượng lao động sẽ chiếm phần lớn vốn của quốc gia khi được hạch toán thống kê một cách đúng đắn, và vở kịch [về lịch sử kinh tế - ND] từ năm 1848 do Piketty tạo dựng trở nên vô nghĩa (McCloskey, 2014, trang 89).
Ngoài ra, câu chuyện của Piketty cũng lờ đi "Giai đoạn giàu có vĩ đại" được giải thích ở trên. Ngày nay người dân bình thường được hưởng mức sống cao hơn. Điều thú vị là "giai đoạn giàu có vĩ đại" này làm giảm các hình thức bất bình đẳng khác, tức là bất bình đẳng trong tiếp cận tiêu dùng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, nhưng tất cả đều bị loại trừ khỏi, nhường chỗ cho trọng tâm duy nhất của Piketty về chênh lệch thu nhập và giàu có (Delsol, 2017; Eberstadt, 2017). Câu chuyện của ông ta cũng không đề cập đến việc mọi người ngày nay tận hưởng các sản phẩm tiêu dùng chất lượng tốt hơn, giúp cuộc sống thuận tiện hơn, những khía cạnh thường không được đưa vào các chỉ số kinh tế thông thường.
Những phát hiện thực nghiệm của Piketty cũng hứng chịu chỉ trích. Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng phép đo bất bình đẳng giàu nghèo của ông, dựa trên tờ khai thuế, đã bỏ qua cách các quy tắc thuế đã phát triển (Feldstein, 2017) và phép đo bất bình đẳng thu nhập của ông cũng không tính đến việc phân phối lại thu nhập và quy mô hộ gia đình đã thay đổi theo thời gian (Burkhauser, 2017).Trong một đóng góp quan trọng, Phil Magness và Robert Murphy cũng phát hiện ra những điểm không chính xác, không chỉ trong số liệu thống kê thu thập được mà còn trong cách diễn giải lịch sử của Piketty về các quốc gia mà ông chú trong trong nghiên cứu này. Họ nhận thấy cả những sai sót thực tế rõ ràng, chẳng hạn như sự không chính xác về ngày tháng và sự sai lệch trong việc lựa chọn dữ liệu, cho phép xuyên tạc sự thật để củng cố câu chuyện họ ưa thích (Magness & Murphy, 2015). Những lời chỉ trích tương tự này còn lan đến cả những cộng sự của Piketty, chẳng hạn như Emmanuel Saez và Gabriel Zucman - với những đóng góp mà sau này góp phần xây dựng công trình về sau của Piketty. Tính chất gây nhiều tranh cãi trong các tuyên bố của họ thậm chí còn được nhấn mạnh trên một bài viết tiêu điểm của Tạp chí Economist7.
Cuối cùng, nếu luận điểm tổng quát của Piketty là đúng, thì tại sao những người giàu nhất hiện nay lại là những người rất khác so với những người được đưa vào danh sách các tỷ phú hàng đầu của Forbes 20, 30 năm trước? Rốt cuộc, lập luận hấp dẫn của Piketty là lợi nhuận từ vốn của những người giàu có vượt xa tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nói cách khác, trong khi quần chúng đang nhấm nháp miếng bánh giàu có đang tăng chậm nhưng chắc chắn, thì những người giàu nhất thế giới chỉ đơn thuần là ngồi trên chiếc vòng nguyệt quế vàng một cách lười biếng và nhìn tài sản của mình tăng lên gấp bội. Tuy nhiên, như Juan Ramón Rallo (2017, trang 31) chỉ ra, giới siêu giàu của những năm 80 và 90 là các doanh nhân và nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng tài sản của họ đã sụp đổ kể từ đó. Ngày nay, những người giàu nhất là Jeff Bezos, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Larry Page và Sergey Brin, những người không được thừa kế tài sản,mà kiếm được bằng những việc đưa ra những đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao đời sống của người bình thường.
Tăng trưởng kinh tế có vì lợi ích của giới nhà giàu?
Mặc dù hầu hết mọi người đều có thể nhất trí rằng các chính sách dựa trên thị trường nâng cao mức sống, một số người sẽ phản bác lại bằng cách nhấn mạnh rằng tăng trưởng do thị trường dẫn dắt không được phân chia đồng đều cho tất cả mọi người. Những người chỉ trích quan điểm này thậm chí đi xa hơn, khi cho rằng tăng trưởng do thị trường dẫn dắt chủ yếu là mang lại lợi ích cho người giàu. Người ta buộc tội rằng "kinh tế học nhỏ giọt" không có tác dụng. Có người cho rằng định hướng kinh tế của PAP dựa trên "huyễn tưởng" cho rằng "cách tốt nhất để giúp người nghèo là giúp người giàu", ưu tiên tăng trưởng hơn công bằng (Low & Vadaketh, p. 21).
Quan trọng là phải tham khảo các tài liệu học thuật. Nhiều nhà kinh tế học thừa nhận rằng cách tốt nhất để giúp đỡ người nghèo là tạo ra các thể chế tưởng thưởng cho những hành vi hoạt động hiệu quả và tinh thần khởi tạo kinh doanh. Điều này thường xuất hiện dưới hình thức các thể chế dung hợp: bảo vệ tài sản tư nhân, chế độ pháp quyền và thực thi hợp đồng nhằm giải phóng tài năng kinh doanh của mọi người. Một môi trường như vậy không phải là "vì lợi ích người giàu", mà là có tác động gián tiếp, nâng người nghèo lên, những người trong nhiều trường hợp có khả năng tiềm ẩn tạo ra của cải, mà sẽ bị thui chột nếu bị nền quản trị kém đè nén. Độc giả quan tâm nên xem nghiên cứu dân tộc học quan trọng của Emily Chamlee-Wright (2002) về các doanh nhân nữ ở Ghana hưởng lợi từ các thể chế tốt hơn và nghiên cứu của Hernando de Soto (2003) về cách các nhà tư sản bản địa hưởng lợi từ các quyền sở hữu rõ ràng hơn ở Peru. Tăng trưởng do thị trường dẫn dắt hữu dụng không phải vì nó vị người giàu. Nó có tác dụng khai mở tiềm năng tạo ra của cải ngầm ẩn trong mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, có một điểm cần làm rõ. Theo một nghĩa nào đó, người giàu thực sự mang lại lợi ích cho người nghèo. Hầu hết các sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như các phát minh công nghệ, thường là những thứ xa xỉ mà người giàu được hưởng trước khi được thương mại hóa cho tiêu dùng đại chúng. Vai trò của người giàu với tư cách là “những người sử dụng đầu tiên” của các món hàng mới có một chức năng quan trọng, vì nó khiến việc tiêu dùng trở nên khả dĩ đối với mọi người. Hayek nhắc nhở chúng ta về logic đơn giản này khi nghĩ về sự bất bình đẳng:
“Nếu ngày nay ở Hoa Kỳ hoặc Tây Âu, những người tương đối nghèo có thể có ô tô hoặc tủ lạnh, máy bay hoặc đài phát thanh, với chi phí bằng một phần thu nhập hợp lý của họ, điều này trở thành hiện thực vì trước đây những người khác có thu nhập cao hơn cũng có thể chi tiêu cho những thứ mà lúc đó là xa xỉ. Con đường thăng tiến dễ dàng hơn rất nhiều bởi thực tế là nó đã được một số người đi trước ... Những khoản chi tiêu ngày nay nghe có vẻ xa hoa hoặc thậm chí là lãng phí, vì một số ít người và thậm chí là nhiều người không dám mơ tới, lại chính là những khoản chi trả để thử nghiệm một phong cách sống mà cuối cùng nhiều người có thể trải nghiệm được”(Hayek, 2014, trang 40).
Ngoài ra, nghiên cứu của William Baumol (2004) phát hiện ra rằng các tập đoàn và công ty lớn là nguồn gốc to lớn mang đến những hoạt động đổi mới sáng tạo kinh tế và các chính sách hỗ trợ những hoạt động này có thể mang đến lợi ích phát triển cho xã hội lớn hơn. Ở cấp độ triết học hơn, sự tồn tại của bất bình đẳng (với điều kiện chúng xảy ra trong trường hợp không có đặc quyền do nhà nước tạo ra) tạo cơ sở cho việc học hỏi lẫn nhau trong xã hội, khi các cá nhân sao chép và học hỏi từ những người thành công hơn trong chúng ta, dẫn đến những cải tiến tiến bộ trên tổng thể (Pennington, 2011).
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là các chính sách ủng hộ hoạt động kinh doanh như cắt giảm thuế và quy định tối thiểu là liều thuốc chữa bách bệnh cho xã hội. Các chính sách này nên đi kèm với một gói giải pháp ủng hộ thị trường lớn hơn nhằm trao quyền năng rộng rãi cho tất cả công dân, chứ không chỉ các tập đoàn.
Bất bình đẳng nảy sinh như thế nào mới quan trọng
Bảo vệ các quyền tự do thị trường của chúng ta không có nghĩa là chúng ta chấp nhận mọi hình thức bất bình đẳng một cách thiếu xác đáng. Phải thừa nhận rằng bất bình đẳng đôi khi có thể là điều không mong muốn và đáng được nhà nước quan tâm. Điều này dựa trên nỗ lực của các nhà kinh tế chính trị học nhằm phân biệt giữa các hình thức bất bình đẳng khác nhau. Nói cách khác, vấn đề cách thức bất bình đẳng xuất hiện cũng rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn chính hiện tượng bất bình đẳng.
Sự khác biệt này là điểm mấu chốt cần phải chú ý trong bối cảnh bàn luận về chính sách nội địa vì những người theo chủ nghĩa tự do khai phóng cấp tiến đã chỉ trích các chính sách của Singapore là không chú ý đúng mức đến bất bình đẳng và quá tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Theo cách lập luận này, chính phủ PAP đã duy trì định hướng ủng hộ tăng trưởng bằng cách bám vào một huyễn tưởng rằng “bất bình đẳng là một tác nhân cần thiết để mang lại tính năng động kinh tế và khả năng cạnh tranh” (Low & Vadaketh, 2014, trang 18). Theo đó, điều này gây lầm tưởng rằng người Singapore đơn giản là cần chấp nhận bất bình đẳng nếu họ muốn có một nền kinh tế liên tục phát triển.
Sai lầm nghiêm trọng của quan điểm này là không phân biệt được giữa các hình thức bất bình đẳng khác nhau và khăng khăng lên án bất bình đẳng. Ngoài ra, xét xét "bốn huyễn tưởng" của Donald Low và đồng nghiệp cho thấy họ không tham khảo các tài liệu học thuật kinh tế chính trị ở phạm vi rộng hơn xung quanh các hình thức bất bình đẳng khác nhau, và chỉ trích dẫn một câu nói của Thủ tướng Lý Hiển Long khi bắt tay vào bác bỏ ý kiến. Sự hiểu biết kỹ lưỡng về kinh tế chính trị học sẽ cho thấy rằng bất bình đẳng không nhất thiết là một nhân tố mang đến năng động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; nó chỉ là như vậy nếu bất bình đẳng phát sinh thông qua trao đổi tự do không bị cản trở.
Các nhà kinh tế chính trị học phân biệt rõ ràng giữa các hình thức bất bình đẳng khác nhau, cụ thể là, bất bình đẳng tự nhiên xuất hiện thông qua trao đổi tự do của các cá nhân trong nền kinh tế không bị cản trở và bất bình đẳng do các đặc quyền được nhà nước ban tặng mà ra. Trong một nghiên cứu có nhiểu ảnh hưởng, Robert Nozick (1974) nhấn mạnh, thông qua một thử nghiệm tư biện thuyết phục, các giao dịch tự do và không bị ép buộc do các cá nhân thực hiện có thể dẫn đến sự chênh lệch lớn về thu nhập và của cải ở cấp độ vĩ mô như thế nào. Nếu các cá nhân bỏ phiếu bằng túi tiền của mình để Bill Gates trở thành tỷ phú, thì tại sao lại lên án sự bất bình đẳng?
Theo đó, bất bình đẳng phần lớn liên quan tới nỗ lực của từng cá nhân và doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ tiền đề kinh tế cơ bản là "động lực khuyến khích có vai trò quan trọng". Khi các cá nhân không được phép hưởng những phần thưởng bất bình đẳng, họ không có động lực để nỗ lực để tìm kiếm nhiều lợi nhuận hơn, mà thay vào đó sẽ khuyến khích né tránh. Đây là lý do vì sao các hệ thống cộng sản trong suốt lịch sử đã có hiệu quả sản xuất rất kém, không tạo ra động lực cho người lao động, bất chấp những nỗ lực buộc người ta phải làm ngược lại (Boettke, 1990a). Đến lượt mình, điều này có nghĩa là bất bình đẳng là “tác nhân cần phải có của năng động kinh tế và khả năng cạnh tranh” (Low & Vadaketh, 2014, tr. 18) chỉ khi bất bình đẳng xuất phát từ quá trình trao đổi tự do giữa các cá nhân trong một nền kinh tế không bị cản trở8.
Mặt khác, các nhà kinh tế chính trị học cũng lưu ý rằng bất bình đẳng không phải lúc nào cũng xuất phát từ việc trao đổi tự do giữa các cá nhân trong nền kinh tế thị trường không bị cản trở, mà có thể phản ánh những lợi thế đặc biệt, thông qua quá trình chính trị. Các công ty hoặc cá nhân có thể được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp, giảm thuế, lỗ hổng quy định hoặc các điều khoản trợ cấp có lợi, do khả năng tác động đến tiến trình chính trị có lợi cho họ. Bất bình đẳng nảy sinh từ cái mà các nhà kinh tế chính trị họ gọi là “trục lợi” không tạo ra giá trị cho xã hội (Rowley và cộng sự, 2013; Holcombe, 2018). Các nguồn lực sử dụng cho các đặc quyền đó thể hiện những khoản phúc lợi bị mất và chuyển nỗ lực sản xuất sang các kênh không hiệu quả (Baumol, 1996).
Nói một cách dễ hiểu, nếu Bill Gates trở thành tỷ phú nhờ việc cung cấp những sản phẩm hấp dẫn mà người tiêu dùng tự nguyện mua, thì bất bình đẳng đó phản ánh giá trị mà Gates tạo ra cho những người bình thường. Sự chênh lệch là kết quả của cuộc trao đổi này là đáng mừng. Gates không ăn cắp, giết người hay lừa gạt bất kỳ ai. Tuy nhiên, khi các tập đoàn làm giàu thông qua các hoạt động chính trị, thì sẽ làm mất đi phúc lợi kinh tế. Một trường hợp nổi tiếng thuộc loại này là của Archer Daniels Midland. Tập đoàn Mỹ này đã được hưởng trợ cấp nông nghiệp và chính sách bảo hộ, khiến cho người Mỹ thiệt hại hàng chục tỷ đô la do phải trả giá cao hơn (Bovard, 1996). Phần lớn bất bình đẳng ở Hoa Kỳ được cho là kết quả của các hoạt động của tư bản thân hữu (Lewis, 2013). Đây là một lý do khác khiến việc sử dụng chỉ tiêu thống kê bất bình đẳng thông thường như hệ số GINI bị đặt dấu hỏi vì nó không có khuôn khổ kinh tế chính trị cho phép người ta phân biệt giữa các dạng bất bình đẳng khác nhau.
Có phải bất bình đẳng ở Singapore được tạo ra một cách trá hình thông qua các đặc quyền do nhà nước cấp? Rất khó trả lời dứt khoát câu hỏi này, nếu xét đến bản chất hỗn hợp của nền kinh tế Singapore. Trong khi Singapore chủ yếu chấp nhận các lực lượng thị trường trong việc phân bổ nguồn lực, nhà nước vẫn tham gia rất nhiều vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và hoạch định chính sách công nghiệp một cách rất chủ động. Nếu lưu ý đến điều này, không phải là ngoài sức tưởng tượng để đưa ra giả thuyết về việc làm thế nào mà sự tồn tại của các tập đoàn liên kết với chính phủ (GLCs) và các thực thể liên kết với nhà nước khác cho phép một số người duy trì địa vị kinh tế xã hội cao hơn những gì họ được hưởng trong một môi trường tự do hơn.
Điều này có nghĩa là các nhà kinh tế học không nhất thiết phải tuyên bố một cách đơn giản rằng “bất bình đẳng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hoặc khả năng cạnh tranh”. Tuy nhiên, họ đã và đang khẳng định rằng tự do kinh tế thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, còn bất bình đẳng về của cải chỉ là hiệu ứng phụ. Trong khi một số bất bình đẳng là hệ quả không thể tránh được của tự do kinh tế, nó không phải là tác nhân mang tính nhân quả của tăng trưởng kinh tế. Do đó, khẳng định rằng “có rất ít bằng chứng cho thấy các quốc gia bất bình đẳng hơn làm kinh tế tốt hơn” (Low & Vadaketh, 2014, p. 20) là đúng, chỉ bởi vì chưa có bất kỳ nhà kinh tế học nghiêm túc nào đưa ra tuyên bố này.
Mặc dù có thể không có bằng chứng nào cho thấy bất bình đẳng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy tự do kinh tế là nhân tố không thể không có nếu ai đó muốn tìm kiếm một nền kinh tế mạnh mẽ, lành mạnh và năng động. Điều này đúng ở nhiều cấp độ. Về cơ bản, các nhà kinh tế học đã làm các phân tích thống kê và so sánh giữa các nước nhằm xác định mối quan hệ giữa tự do kinh tế với tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh (Gwartney và cộng sự, 1999; Hanke và Walters, 1997). Điều này cho thấy rằng, nói chung, khi xã hội áp đặt thuế suất thấp hơn, chi tiêu của chính phủ thấp hơn, các quy định ở mức tối thiểu và các thể chế thị trường bảo vệ tài sản tư nhân và tôn trọng pháp quyền, thì nền kinh tế thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ (Boettke, 1994). Những kết quả này cũng có mố quan hệ chặt chẽ với thành tựu cao hơn về các chỉ số xã hội như bình đẳng giới, phân phối thu nhập và chất lượng môi trường. Đây là lý do vì sao Singapore cần duy trì môi trường kinh tế ủng hộ doanh nghiệp, ủng hộ thị trường đã được thiết lập kể từ khi giành được độc lập. Đây chính là động cơ của tiến bộ kinh tế đã và đang làm cho các quốc gia đang phát triển khác trở thành giàu có hơn.
(Còn nữa)
Chú thích
(1) CNBC. (2018, September 19). Global poverty rate drops to record low 10%: World Bank. Đường dẫn: https://www.cnbc.com/2018/09/19/world-bank-global-poverty-rate-drops-to-record-low.html.
(2) Vadaketh, S. T. (2014, March 13). Should Singapore tax the wealthy more?. Đường dẫn: https://www.ipscommons.sg/should-singapore-tax-the-wealthy-more/; Vadaketh, S. T. (2016, September 9). GE2015: Final thoughts (1 of 4). Retrieved from: https://sudhirtv.com/2015/09/10/ge2015-final-thoughts-1-of-4/.
(3) Low, D. (2019, February 20). The curious case of missing wealth taxes in Singapore. TODAY online. Trích nguồn từ: https://www.todayonline.com/commentary/curious-case-missing-wealth-taxes-singapore; Daud, S. (2019, February 21). Economist Donald Low explains why wealth taxes are needed for a fairer society. Đường dẫn: https://mothership.sg/2019/02/donald-low-wealth-tax/; Low, D. (2019, March 11). Why Hong Kong and Singapore should tax wealth more. South China Morning Post. Retrieved from: https://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/2189237/why-hong-kong-and-singapore-should-tax-wealth-more.
(4) Teo, Y. Y. (2018, April 27). Step 1: Disrupt the Narrative. Đường dẫn: https://www.ethosbooks.com.sg/blogs/epiphany/step-1-disrupt-the-narrativ inequality-singapore.
(5) Smith, C. J., Donaldson, J. A., Mudaliar, S., Kadir, M. M., & Lam, K. Y. (2015). A handbook on inequality, poverty and unmet social needs in Singapore. Retrieved from: https://ink.library.smu.edu.sg/cgi/viewcontent.cgi?article=1009&context=lien_reports (p. 58).
(6) Theo Piketty, “Việc gán giá trị tiền tệ vào nguồn vốn con người chỉ có ý nghĩa trong những xã hội mà ở đó thực sự có thể sở hữu đầy đủ và toàn bộ bản thân các cá nhân khác - những xã hội mà chỉ cần thoạt nhìn đã dứt khoát không còn tồn tại ”(Piketty, 2014, p. 63).
(7) The Economist. (2019, November 28). Economists are rethinking the numbers on inequality. The Economist. Đường dẫn: https://www.economist.com/briefing/2019/11/28/economists-are-rethinking-the-numbers-on-inequality.
(8) Mặc định ở đây là, mặc dù bất bình đẳng tự nhiên ở một mức độ nào đó là một phần cần thiết của một nền kinh tế năng động, nhưng đó không phải là điều kiện đủ.
Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 6, World Scientific, 2020