Các giá trị châu Á và chủ nghĩa tự do cổ điển (phần 1/6)

Các giá trị châu Á và chủ nghĩa tự do cổ điển (phần 1/6)

Singapore, các giá trị châu Á và sự ác cảm với Chủ nghĩa Tự do

Một trong những chỉ trích chống lại triết lý chính trị của chủ nghĩa tự do bắt nguồn từ mâu thuẫn mang tính ý thức hệ với “các giá trị châu Á”. Cùng với việc các xã hội châu Á ‘vươn lên những vị trí nổi bật trên trường quốc tế’, vào cuối thế kỷ 20, cốt lõi của các giá trị châu Á, trong đó có tính đồng thuận và tính cộng đồng, đã chạm trán trực diện với chủ nghĩa tự do của phương Tây. Dựa vào sự khác biệt căn bản của chúng, các học giả khẳng định rằng mô hình quản trị của phương Tây không có khả năng áp dụng phổ quát, cả ở cấp độ quy chuẩn lẫn mô tả. Về mặt quy chuẩn, chủ nghĩa tự do phương Tây không nhất thiết là đáng mong ước. Nó có thể không tính đến các giá trị văn hóa chính đáng mà xã hội phi phương Tây đề cao và thậm chí có thể có hại nếu lạm dụng quá mức. Về khía cạnh mô tả, đã có nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á, đã thu được thành công và thịnh vượng bằng cách không làm theo hướng dẫn của phái tự do (Amsden, 2000).

Luận cứ "các giá trị Á châu" là một trường phái tư tưởng xuất hiện do sự phát triển vượt bậc của các quốc gia phi phương Tây và sự phơi bày các vấn đề đương đại đang làm các xã hội phương Tây khốn khổ. Sự đắc thắng của phương Tây vào cuối Chiến tranh Lạnh chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và nhường chỗ cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, làm suy giảm niềm tin vào các quốc gia phương Tây và ở một mức độ nào đó, làm giảm niềm tin vào các tổ chức tài chính toàn cầu. Ngày nay, các xã hội phương Tây đang trải qua những áp lực gia tăng của chủ nghĩa dân túy do lo ngại về sự bất ổn kinh tế, thái độ chống toàn cầu hóa và một loạt các thách thức kinh tế xã hội. Trong bầu không khí như vậy, câu hỏi hợp lý đặt ra là: chủ nghĩa tự do phương Tây có gì tốt?

Singapore là nơi diễn ra cuộc tranh luận lớn này. Người cha lập quốc của Singapore, Lý Quang Diệu, đã từng có một nhận xét nổi tiếng rằng “người phương Tây coi trọng các quyền tự do và tự do của cá nhân. Là một người châu Á có nền tảng văn hóa Trung Quốc, các giá trị của tôi là hướng tới một chính phủ trung thực, có năng lực và hiệu quả” (Lee, 1992). Trong khi một số người tố cáo rằng đây là lời biện minh phản động của chế độ độc tài, thì xuất hiện "trường phái tư tưởng Singapore" , do các nhà ngoại giao và các chuyên gia nước ngoài nổi tiếng dẫn đầu, cụ thể là Tommy Koh, Bilahari Kausikan và Kishore Mahbubani (xem Barr, 2000b).

Trong bối cảnh của Singapore, có những lập luận dựa trên thực tế chỉ ra rằng phương Tây đã tỏ ra kiêu ngạo và đạo đức giả trong việc thúc đẩy các giá trị tự do của họ; ngay cả khi họ thuyết giáo về chân lý của tự do trên toàn thế giới, thì bản thân họ đã lại dính vào những điều không hay. Điều này được ghi lại rõ nhất trong tiểu luận1 của Kishore Mahbubani, bài nghiên cứu đã chỉ ra cái mà ông gọi là "dị giáo" mà nền tự do phương Tây đã không thừa nhận, trong đó thực tế là các chính phủ phương Tây đã "làm việc với những kẻ thống trị diệt chủng khi nó phục vụ lợi ích của họ" và rằng họ sẽ “vui vẻ hy sinh nhân quyền của các quốc gia thuộc thế giới thứ ba khi nó phục vụ các lợi ích của phương Tây” (Mahbubani, 2018a, trang 122–127). Do đó, câu hỏi đặt ra là: Tại sao các quốc gia phương Tây dám rao giảng cho người khác về nhân quyền và dân chủ khi họ đã làm quá nhiều điều trái với những nguyên tắc ấy?

Điều này không chỉ làm giảm đi uy tín đạo đức của phương Tây, mà các chính sách thất bại còn làm vị thế và an ninh trên toàn cầu của họ bị sụt giảm. Kishore Mahbubani đặc biệt chỉ trích cách mà “phương Tây đã cố áp đặt hệ tư tưởng của mình lên thế giới”, và kết luận rằng “họ phải ngừng tìm cách can thiệp, về mặt chính trị và quân sự, vào công việc của các quốc gia khác” (Mahbubani, 2018b). Với sự phát triển đồng loạt của các cường quốc mới như Trung Quốc và Ấn Độ, các thể chế toàn cầu cũng cần được cải cách để thích ứng với sự thay đổi này.

Luận đề về các giá trị châu Á, ở một mức độ nào đó, đã ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của chính phủ Đảng Hành động Nhân dân (PAP). Ai cũng biết rằng Singapore đã không duy trì tốt quyền tự do báo chí, tự do dân sự và cạnh tranh chính trị, duy trì luật hình sự đối với cá nhân LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) và có án tử hình đối với tội phạm ma túy (Freedom House, 2019). Về những vấn đề này, các nhà hoạch định chính sách PAP đã phản đối những gì mà họ cho là những lời kêu gọi không phù hợp do các tổ chức ở phương Tây, chính trị gia và phương tiện truyền thông đưa ra nhằm thúc giục Singapore tự do hóa các chính sách ở nước này. Trong một cuộc phỏng vấn tiết lộ với BBC, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng “thế giới rất đa dạng, không ai độc quyền về phẩm hạnh hay sự thông thái” và “Tôi sẽ không dám nói Hội đồng Báo chí của bạn nên vận hành như thế nào. Vậy cớ gì bạn lại phải dạy tôi cách vận hành đất nước của mình?” (BBC, 2017). Hàm ý ở đây là Singapore có bộ giá trị và thực hành của riêng mình, đang hoạt động rất hiệu quả, xin chân thành cảm ơn.

Sự thành công tương đối về kinh tế - xã hội và sự ổn định chính trị của Singapore đã chứng minh rằng lập luận này đã phải được xem xét một cách nghiêm túc, ngay cả khi bị những người khác phản đối. Quả thật Singapore đã có ý thức xây dựng đường lối quản trị của riêng mình, đôi khi tuân thủ các thông lệ phương Tây, nhưng cũng không ít lần đi theo những hướng đi khác. Nhà trí thức xã hội chủ nghĩa hàng đầu ở Singapore, Chua Beng Huat, đã viết một cách khéo léo rằng Singapore đã “từ chối chủ nghĩa tự do”; điều này không chỉ đúng ở cấp độ chính trị mà còn đúng theo cách mà Singapore đã xây dựng thương hiệu chủ nghĩa tư bản nhà nước của mình, khác hẳn với kinh tế học tự do (Chua, 2017). Việc hoạch định chính sách thực tế của Singapore dường như đã mang lại nhiều thành công. Đứng trước một thành công như thế, nói phương Tây có thể đem lại một thứ gì đó còn tốt hơn gần như là vô nghĩa.

Vấn đề đang được thảo luận này không chỉ đơn thuần là các vấn đề học thuật mà còn có ý nghĩa về mặt chính sách. Những người ủng hộ trường phái Singapore khi xem xét các vấn đề trong các xã hội phương Tây ngày nay tin rằng sẽ có hại nếu mô phỏng chúng. Người dẫn đầu đề xướng cho quan điểm này, Kishore Mahbubani, nói rõ rằng chủ nghĩa cá nhân thái quá của phương Tây đã dẫn đến “kết quả thật thảm khốc”, với sự gia tăng tội phạm bạo lực, tỷ lệ ly hôn và tỷ lệ trẻ em sống trong những gia đình chỉ có bố hoặc mẹ (Mahbubani, 2018a, p. 111). Đây là "sự suy thoái xã hội quy mô lớn" mà các quốc gia khác nên tránh. Trên phương diện kinh tế, có ý kiến ​​cho rằng “các xã hội phương Tây đang cố gắng bất chấp các quy luật trọng lực của kinh tế”, với thực tế là “kỷ luật ngân sách đang biến mất, các chương trình xã hội tốn kém và các dự án tư lợi ngày càng tăng mà không cân nhắc đến chi phí” (Mahbubani , 2018a, tr. 111).

Do đó, có thể tóm tắt một cách công bằng "luận điểm trường phái Singapore" như sau:

1. Phương Tây tỏ ra kiêu ngạo và đạo đức giả trong việc quảng bá các giá trị tự do, tức là họ không áp dụng những gì mà mình rao giảng. Họ không có thẩm quyền đạo đức để ủng hộ chủ nghĩa tự do trên toàn thế giới.

2. Chủ nghĩa tự do phương Tây có những vấn đề của chính nó, tức là, xét cho cùng thì đó không phải là một mô hình tốt để noi theo. Những sai lệch so với các quy định của phương Tây về chủ nghĩa tự do, nhân quyền và dân chủ là phù hợp, thậm chí là đáng mong muốn, để đảm bảo các kết quả xã hội tốt đẹp.

Người ta có thể dễ dàng bác bỏ “luận điểm trường phái Singapore” như đơn giản là được sinh ra từ các lợi ích chính trị ngắn hạn, hơn là sở hữu bất kỳ hình thức nghiêm ngặt nào về mặt học thuật. Tuy nhiên, chúng tôi chọn xem xét những ý kiến này một cách nghiêm túc. Chúng tôi cũng tham khảo các tài liệu rộng lớn hơn về các giá trị châu Á, cụ thể là cách các xã hội Đông Á được cho là sở hữu các giá trị văn hóa, lịch sử và xã hội rất khác biệt với phương Tây, ngụ ý rằng chủ nghĩa phổ quát tự do của phương Tây nên nhường chỗ cho chủ nghĩa đặc thù văn hóa (Bell, 2008). Đáp lại, chúng tôi đề xuất rằng lập luận của những người ủng hộ các giá trị châu Á không nhất thiết thể hiện bất kỳ sai sót cố hữu nào với các tư tưởng tự do và việc nhấn mạnh vào chủ nghĩa đặc thù văn hóa cho thấy sự cần thiết của một trật tự tự do cổ điển được định vị tốt nhất để đối phó với thách thức này.

Cụ thể, chúng tôi đưa ra các tuyên bố sau:

1. Các nước phương Tây quả thực là những tấm gương kém mẫu mực về các giá trị mà họ rao giảng, nhưng điều này không đủ để kết luận rằng bản thân các giá trị tự do là thứ mà chúng ta không mong muốn đạt được.

2. Các nước phương Tây thực tế đã phải gánh chịu những vấn đề nghiêm trọng của riêng họ. Phần lớn những vấn đề này ở phương Tây, như chương này sẽ nêu bật, không xuất phát từ bất kỳ khiếm khuyết cố hữu nào của chủ nghĩa tự do, mà là sự thất bại trong việc bảo tồn di sản tự do của họ.

3. Các lý thuyết gia và những người ủng hộ trường phái Singapore bảo vệ chủ nghĩa đặc thù văn hóa Đông Á và chế độ dân chủ chính trị không tính đến vấn đề nghiêm trọng của sự đa dạng văn hóa và những bất đồng đạo đức đi kèm của nó. Do đó, cần có sự đa dạng về thể chế để đối phó với vấn đề này, cho thấy giá trị của chủ nghĩa tự do nhận thức.

Chúng tôi đưa ra những lập luận này từ quan điểm độc đáo của chủ nghĩa tự do cổ điển. Theo đó, chúng tôi cung cấp những hiểu biết mới cho những cuộc thảo luận về các giá trị châu Á vốn đã bắt đầu từ những năm 1990. Chúng tôi đồng ý với phần lớn những lời chỉ trích do luận điểm của trường phái Singapore đưa ra, nhưng kết luận rằng chủ nghĩa tự do vẫn là một mô hình hấp dẫn đáng để những người khác học hỏi. Chúng tôi thừa nhận rằng các nước phương Tây đã thực sự sử dụng các cách thức thiếu chuẩn mực trong nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và dân chủ trên toàn thế giới, và thường mang lại kết quả tiêu cực. Tuy nhiên, sự nhượng bộ đó cũng cần được cân bằng với thực tại là nhiều nước đang phát triển vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng kém phát triển do thiếu vắng các thể chế dựa trên thị trường và mang tính toàn diện, vốn là nền tảng của thịnh vượng và tiến bộ. Chúng tôi củng cố mối quan ngại của các nhà phê bình phương Tây rằng không thể áp đặt các cải cách tự do bằng các yếu tố ngoại sinh, nhưng nhấn mạnh rằng chúng phải được phát triển một cách tự nhiên.

Chúng tôi cũng thừa nhận rằng đã có những vấn đề kinh tế - xã hội nghiêm trọng trong các xã hội phương Tây, cụ thể là ở Hoa Kỳ, quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu. Mặc dù những vấn đề này là có thật, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng không nhất thiết đưa chúng ta đến kết luận rằng chủ nghĩa tự do đã thất bại hay vốn có khiếm khuyết. “Những hậu quả xã hội đang hiện hữu” ở phương Tây, mà chúng tôi thừa nhận, không phải bắt nguồn từ “tự do cá nhân không bị ràng buộc” (Mahbubani, 2018a, p. 112). Thay vào đó, những mối quan tâm này cung cấp cho những người theo chủ nghĩa tự do và không theo chủ nghĩa tự do một thời điểm thích hợp để suy ngẫm về cách phương Tây đã đi chệch hướng khỏi di sản tự do cổ điển và giá trị trường tồn của chủ nghĩa tự do cổ điển trên thế giới ngày nay.

Một trong những luận điểm quan trọng trong lập luận của chúng tôi là thừa nhận rằng các xã hội châu Á có những mối quan tâm và giá trị rất chính đáng của riêng họ, có thể khác với các xã hội phương Tây. Chúng tôi không có ý nói rằng chủ nghĩa cá nhân, tự do và tự chủ vượt trội hơn tất cả các giá trị bản địa, địa phương khác của các dân tộc nằm ngoài lãnh thổ châu Á. Chủ nghĩa tự do cổ điển không cho rằng chúng ta biết rõ nhất điều gì là đúng cho người khác. Thay vào đó, chủ nghĩa tự do cổ điển mà chúng tôi phác thảo dựa trên niềm tin rằng chúng ta không biết, hay chính xác hơn, không thể biết điều gì tốt nhất cho vô số cá nhân tạo nên xã hội phức tạp mà chúng ta đang sống ngày nay. Sự khiêm tốn trong nhận thức này cũng kéo theo sự khiêm tốn trong hoạch định chính sách. Đó chính là bởi vì không có cơ quan trung tâm nào có thể tích lũy tất cả kiến ​​thức về những gì tốt nhất mà hệ thống quản trị phi tập trung được ưu tiên và chủ nghĩa không can thiệp, một kim chỉ nam cho các nhà hoạch định chính sách.

(còn nữa)

Chú thích:

(1) Bài luận này ban đầu được trình bài tại một hội thảo vào năm 1993, và vừa được tái bản trong ấn phẩm mới nhất của cuốn Can Asians Think?

Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 2, World Scientific, 2020

 

 
 
Dịch giả:
Nguyễn Văn Dương
Hiệu đính:
Hoàng Văn Trung