Singapore có phải là thiên đường của chủ nghĩa tự do cá nhân?
Singapore là một quốc gia trẻ, chỉ mới giành được độc lập từ nước Anh vào năm 1965. Kể từ đó, đất nước này được cai quản chỉ bởi Đảng Hành động Nhân dân (PAP), đứng đầu là chính khách đáng kính Lý Quang Diệu, người thường được coi là “người khai quốc”của Singapore. Ông hưởng thọ 91 tuổi, mất vào năm 2015.
Sự đa dạng sắc tộc của quốc gia này được hình thành chủ yếu từ thành phần người Singapore gốc Hoa (76%), người Mã Lai (15%) và người Ấn Độ (7%) thuộc các sắc tộc thiểu số. Ngôn ngữ chính được người dân sử dụng là tiếng Anh. Đối với một quốc gia nhỏ bé chỉ có diện tích 719,1 km² (bằng ⅔ diện tích của Thành phố New York), Singapore rất đông dân, khoảng 5,61 triệu người (tính đến tháng 6 năm 2016). Chưa tới ⅔ dân số (3,41 triệu) có quyền công dân, trong khi lao động nước ngoài và những người không có quốc tịch chiếm 39% (2,19 triệu) dân số.
Thành công của Singapore trong việc thu hút lượng lao động nước ngoài tương đối cao trong những thập niên qua một phần là do lập trường kiên định của đảng cầm quyền không theo mô hình nhà nước phúc lợi truyền thống. Tuy nhiên, số lượng lao động nước ngoài trong những năm gần đây gia tăng chậm lại do tình trạng bất mãn của người dân.
Triết lý dẫn dắt PAP là chế độ trọng dụng nhân tài và chủ nghĩa thực dụng dù việc theo đuổi triết lý này đã bị người Singapore phản đối gay gắt vì những bất bình đẳng mà nó tạo ra. Chính phủ Singapore bị xếp hạng cao về chỉ số tư bản thân hữu của Toà báo Economist, dù rằng nó vẫn thường được xem là hình mẫu tiêu biểu về chính quyền ít tham nhũng.
Thiên đường kinh tế
Là một trong bốn “con hổ” kinh tế ở châu Á bước qua thời kỳ công nghiệp hóa nhanh chóng vào nửa sau thế kỷ 20, thành quốc Singapore hiện nay thường được coi là một hình mẫu về việc áp dụng các biện pháp kinh tế tự do và mở cửa đem lại sự thịnh vượng.
Trong phạm vi những nhóm cổ vũ chủ nghĩa tự do cá nhân, Singapore nói chung được đánh giá tốt về tự do kinh tế. Quốc gia này thường đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do kinh tế thường niên, cũng như Chỉ số Tự do kinh tế thế giới của Viện Fraser với tư cách là một trong những nền kinh tế tự do nhất trên thế giới. Quyền tư hữu được bảo vệ và tôn trọng (tuy nhiên cần lưu ý điều này không xảy ra xuyên suốt trong lịch sử), các hợp đồng luôn được thực thi và chính phủ Singapore thường được coi là một bộ máy chính quyền lý tưởng không tham nhũng, xếp thứ 9 về Chỉ số nhà nước pháp quyền năm 2016.
Công dân Singapore cũng được hưởng một trong những mức thuế thấp nhất trên thế giới, dựa trên biểu thuế lũy tiến bắt đầu từ 0% (cá nhân có thu nhập dưới 22.000 đô la hàng năm được miễn thuế) và giới hạn ở mức 22% đối với cá nhân có thu nhập trên 320.000 đô la Singapore. Singapore không có thuế lợi tức vốn trong khi đó thuế thừa kế cũng như thuế di sản đã được chính phủ bãi bỏ từ năm 2008.
Các lĩnh vực độc quyền nhà nước: Nhà ở, Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải
Cách tiếp cận của chính phủ Singapore về chăm sóc sức khỏe, nhà ở và hưu trí dựa vào Quỹ Phòng Xa Trung ương (CPF), một kế hoạch tiết kiệm hưu trí bắt buộc. Chính phủ yêu cầu người dân Singapore trả 20% tiền lương hàng tháng vào tài khoản CPF cá nhân, trong khi đó các chủ lao động đóng thêm 17% thu nhập của họ. Các quỹ CPF này chỉ có thể được rút một phần ở tuổi 55, mặc dù nó có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như mua bảo hiểm y tế hoặc nhà ở công cộng trước tuổi đó.
Cục nhà ở và phát triển (HDB), cơ quan quản lý nhà ở công cộng của nhà nước, cung cấp nơi ở cho hơn 80% dân cư ở trong các căn hộ chung cư cao tầng. Trung bình một căn hộ 4 - 5 phòng ở Singapore có giá khoảng 215.000 USD - 360.000 USD trong khi một căn hộ chung cư tư nhân có giá dao động từ 700.000 USD đến 860.000 USD.
Hệ thống Giáo dục từ cấp tiểu học trở lên cho đến cấp đại học phần lớn do nhà nước độc quyền quản lý (mặc dù các trường đại học tư nhân cũng được quản lý bởi Hội Đồng Giáo dục Tư nhân của nhà nước). Các trường đại học của Singapore như Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang nằm trong số những trường tốt nhất thế giới, trong khi các trường đại học tư thường được đánh giá thấp hơn.
Cũng cần lưu ý rằng giáo dục tiểu học ở Singapore là bắt buộc. Mặc dù lên cấp hai (trung học cơ sở), học sinh có thể chọn một nhóm các môn học, nhưng vẫn có những môn học thường bị bắt buộc tham gia, chẳng hạn như các lớp Nghiên cứu xã hội, một môn học bị nhiều người chỉ trích vì lịch sử quốc gia được đảng cầm quyền hiện nay trình bày một cách phiến diện.
Vậy còn giao thông vận tải thì sao? Do diện tích nhỏ, Singapore khét tiếng vì giá xe hơi cao ngất trời nhằm tránh ùn tắc giao thông; giá một chiếc Toyota Prius có thể tới 150.000 USD. Vì lý do đó, người dân Singapore sử dụng tương đối nhiều các phương tiện công cộng của chính phủ như đường sắt công cộng hay xe buýt và chính họ cũng có khá nhiều lời phàn nàn về những bất cập cũng như những sự cố mặc dù hệ thống giao thông công cộng của Singapore là tương đối tốt nếu so sánh với các nước khác trên thế giới.
Sự bất bình đẳng về quyền dân sự
Singapore đang thiếu tự do báo chí trầm trọng, xếp hạng thứ 151 ở mức báo động về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới (xem thêm Báo cáo Tự do Báo chí năm 2017 của Freedom House), xếp dưới cả các nước chuyên chế như Nga và Pakistan.
Đạo luật Báo chí và In ấn yêu cầu bất kỳ ai thành lập một tờ báo in phải đăng ký với chính quyền địa phương, và do đó bị ràng buộc bởi các quy tắc nghiêm ngặt và thủ tục hành chính phức tạp. Như vậy, cho đến nay các phương tiện truyền thông truyền thống bị nhà nước nắm độc quyền. Tuy nhiên, sự ra đời của internet và phương tiện truyền thông xã hội vào đầu những năm 1990 đã mang lại một số đa dạng về phương tiện truyền thông, mặc dù chúng cũng bị kiểm soát gắt gao theo Đạo luật Phát thanh truyền hình.
Dưới ảnh hưởng của các luật hạn chế như Đạo luật Điện ảnh, ấn phẩm nội dung truyền thông như phim hoặc truyện tranh có dấu hiệu chống đối nhà nước có thể dễ dàng bị xoá bỏ một cách nhanh chóng. Trong một trường hợp gần đây, blogger 17 tuổi Amos Yee đã bị bỏ tù sau khi bị kết tội theo Bộ luật Hình sự Singapore vì “xúc phạm các giá trị tôn giáo” thông qua các video YouTube của anh ấy.
Nhà nước cũng kiểm soát việc phát sóng công cộng từ truyền hình cho đến đài phát thanh. Các chính trị gia có tư tưởng đối lập như J.B. Jeyaratnam và Chee Soon Juan cũng như những người bất đồng tư tưởng chính trị và các bloggers (xem Roy Ngerng) đã bị chính Thủ tướng cầm quyền đưa ra tòa.
Trong lĩnh vực quyền LGBT, các hành vi đồng tính luyến ái được xem là bất hợp pháp, mặc dù tình trạng này vẫn được một số cộng đồng tôn giáo ủng hộ. Tuy nhiên, các tổ chức của người đồng tính nam được phép hoạt động hợp pháp và những ranh giới này đã dần được nới lỏng nhờ các nhà hoạt động LGBT tại sự kiện Pink Dot LGBT hàng năm.
Singapore có lẽ nổi tiếng nhất cho sự nghiêm khắc và không khoan nhượng trong vấn đề ma tuý. Người sử dụng ma túy có thể bị bỏ tù hoặc bị giam trong các trung tâm phục hồi chức năng lên đến ba năm và những kẻ buôn bán ma túy phải đối mặt với mức án tử hình.
Đạo luật An ninh Nội bộ khét tiếng (ISA) mặc dù chủ yếu được tạo ra để loại trừ các mối đe dọa từ cộng sản trong quá khứ, nhưng ngày nay được sử dụng để bắt giữ và khám xét mà không cần lệnh, dưới danh nghĩa giữ gìn trật tự công cộng và an ninh quốc gia, và đã được sử dụng vài lần trong những năm gần đây.
Nam giới Singapore, khi đến 18 tuổi, bắt buộc phải tham gia nghĩa vụ quân sự trong khoảng thời gian tối đa là 2 năm, theo đạo luật có hiệu lực từ năm 1967. Quyền sở hữu dân sự đối với súng là bất hợp pháp ở Singapore và vấn đề quyền sử dụng súng không khi nào được nhắc đến trong sinh hoạt chính trị.
Chính trường
Các nhà chính trị phải đối mặt với những hạn chế và điều luật cứng rắn ở Singapore.
Việc tổ chức các cuộc bầu cử không được tiến hành bởi một cơ quan độc lập. Thay vào đó, việc bầu cử được tổ chức bởi Văn phòng Thủ tướng. Điều này có nghĩa là văn phòng thủ tướng có toàn quyền đưa ra quyết định về việc phân chia địa bàn bầu cử (được thông báo trước kỳ bầu cử ít nhất 8 tuần), cũng như các quyết định về hạn mức chi tiêu nhằm phục vụ chiến dịch bầu cử của mỗi ứng viên và lên danh sách các điểm vận động tranh cử. Các đảng phái đối lập không có tiếng nói trong việc đưa ra các quyết định này và các quyết định này được đảm bảo bí mật tuyệt đối.
Theo Đạo luật bầu cử, giai đoạn vận động thường kéo dài ít nhất 9 ngày và nhiều nhất là 8 tuần. Kể từ năm 1963, các đảng phải đối lập không được phép kéo dài chiến dịch tranh cử quá mức tối thiểu 9 ngày. Không dừng lại ở đó, các phương pháp vận động cũng phải được thực hiện dưới các hạn chế nghiêm ngặt. Ví dụ như Đạo luật Điện ảnh nghiêm cấm sản xuất các bộ phim hoặc đoạn video mang tính chính trị trong khi Đạo luật Bầu cử cộng đồng đặt ra các hạn chế dành cho việc diễn thuyết và các cuộc mít tinh chính trị, trừ khi có giấy phép của nhà nước.
Đạo luật Quyên góp chính trị không cho các đảng phái và tổ chức chính trị mà chính phủ cho là có “bản chất chính trị” (các trang tin tức, các nhóm hoạt động, v.v.) nhận tài trợ nước ngoài. Các khoản quyên góp lớn phải kê khai tên tuổi, ngăn cản tình trạng các nhà tài trợ ẩn danh.
Đồng thuận văn hóa
Mặc dù thực tế là Singapore liên tục được Ngân hàng Thế giới xếp vào hàng đầu về chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business Insdex), chính phủ nước này thường bị các chính trị gia đối lập và người dân chỉ trích vì đã chỉ đạo đào tạo nên một môi trường trí thức ngột ngạt thông qua hệ thống giáo dục công lập chú trọng nhiều vào các kỹ năng kỹ trị. Các nhà phê bình cho rằng hệ thống giáo dục này bóp nghẹt đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và sáng tạo nghệ thuật.
Cử tri nhìn chung ủng hộ sự cai trị độc đoán của đảng cầm quyền, mặc dù cũng cần lưu ý rằng phần lớn các công dân Singapore có thái độ thờ ơ với chính trị. Vì các phương tiện truyền thông ở Singapore đều do nhà nước kiểm soát, nên các nội dung chống đối chế độ cầm quyền mạnh mẽ nhất thường được tìm thấy trên Internet, thông qua các trang tin tức chính trị - xã hội, diễn đàn và mạng xã hội.
Phần lớn người dân tin rằng tự do ngôn luận là điều viển vông, và nghĩa vụ quân sự bắt buộc là cần thiết cho an ninh của đất nước có dân số ít và vị trí địa lý bấp bênh như Singapore. Cuối cùng, phần lớn dân chúng có cùng quan điểm cho rằng chính phủ có vai trò điều tiết và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp và cá nhân (từ Uber và Airbnb đến hút thuốc). Tất nhiên, đây là những thông tin bao quát chung, nhưng đã cung cấp cho người đọc một khởi đầu tốt để tìm hiểu về sự đồng thuận văn hóa ở Singapore.
Nguồn: Donovan Choy, Is Singapore a Libertarian Paradise?, Fee, 30/5/2017