[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 4)
VỊ TRÍ GIỐNG DA ĐEN Ở HOA KÌ; NHỮNG HIỂM NGUY GIỐNG DA ĐEN GÂY RA CHO GIỐNG DA TRẮNG (2/2)
Khi xoá bỏ nguyên tắc sử dụng nô lệ, người Mĩ vẫn chẳng cho dân nô lệ có tự do.
Có thể những điều sẽ nói tiếp dưới đây là khó hiểu nếu tôi không đưa ra một thí dụ; tôi sẽ chọn thí dụ đó từ bang New York. Năm 1788, Bang New York cấm bán nô lệ bên trong phạm vi bang này. Đó là một cách vòng vo để cấm nhập nô lệ. Từ đó, số lượng nô lệ chỉ gia tăng cùng với sự gia tăng tự nhiên dân số da đen. Tám năm sau, người ta tiến hành một biện pháp quyết liệt hơn, và người ta tuyên bố kể từ 4 tháng Bảy năm 1799 tất cả trẻ em do bố mẹ nô lệ sinh ra đều được tự do. Mọi con đường gia tăng như vậy là đã khép chặt; tuy vẫn còn người nô lệ, nhưng thân phận nô lệ thì không còn nữa.
Bắt đầu từ thời kì khi có một bang miền Bắc cũng cấm việc nhập nô lệ, người ta không rút dân da đen từ miền Nam lên để bổ sung vào trong bang nữa.
Khi có một bang miền Bắc cấm việc bán người da đen, người nô lệ do chỗ không ra khỏi bàn tay của kẻ sở hữu anh ta liền trở thành một tài sản cồng kềnh, và người ta thấy đưa anh ta về miền Nam thì có lợi hơn.
Như vậy là, cùng một bộ luật cấm người nô lệ miền Nam không được đi lên miền Bắc thì lại đẩy người nô lệ miền Bắc đi xuống miền Nam.
Nhưng đây còn có một nguyên nhân nữa mạnh mẽ hơn tất cả các nguyên nhân tôi vừa kể ra.
Chừng nào mà số lượng nô lệ giảm đi ở một bang, thì nhu cầu người lao động tự do ở đó nổi lên rõ rệt. Chừng nào mà người lao động tự do chiếm lấy ngành công nghiệp, lao động nô lệ càng lộ ra là kém năng suất, lao động nô lệ trở thành một sở hữu kém cỏi hoặc vô ích và chỉ còn ở miền Nam thì người ta vẫn thích khai thác vì ở đó sự cạnh tranh không có gì đáng ngại hết.
Sự xoá bỏ chế độ nô lệ không làm cho người nô lệ thành tự do. Nó chỉ làm cho người nô lệ thay đổi chủ: từ ông chủ miền Bắc sang ông chủ miền Nam.
Còn với những người da đen đã được tự do hoặc sinh ra sau khi chế độ nô lệ đã bị xoá bỏ, họ chẳng rời bỏ miền Bắc để xuống miền Nam, nhưng lại phải đối mặt với người châu Âu trong một tình cảnh tương tự như của người bản địa. Họ là những con người nửa văn minh, trong tay chẳng có quyền gì, lại sống giữa những con người cao hơn họ vô cùng cả về phương diện giàu sang lẫn trí tuệ. Họ trở thành con mồi cho sự bạo hành của luật pháp[294] và sự không khoan nhượng của tập tục. Càng khốn khổ hơn nữa so với người Anh điêng bản địa về một mặt nào đó, họ phải đối mặt với kí ức về chế độ nô lệ, và họ không có quyền đòi hỏi sở hữu một nơi chốn nào trên mặt đất. Rất nhiều người chết vì nghèo khổ[295]. Những người không chết thì tập trung vào các thành phố, ở đây họ làm những công việc cơ cực nhất, cuộc sống thì vất vưởng và khốn cùng.
Ngoài ra, khi số lượng người da đen tiếp tục gia tăng theo cùng tốc độ so với thời kì họ vẫn chưa có tự do, thì số lượng người da trắng lại gia tăng với tốc độ gấp đôi sau khi xoá bỏ chế độ nô lệ, và như vậy người da đen tựa hồ như đã bị nuốt chửng giữa những làn sóng cư dân xa lạ.
Một đất nước được nuôi dưỡng bởi người nô lệ nói chung bao giờ cũng kém đông dân hơn một đất nước được nuôi dưỡng bởi những con người tự do. Hơn nữa, nước Mĩ là một miền đất mới. Vậy là khi ở một bang nào đó người ta xoá bỏ chế độ nô lệ, thì dân số ở bang đó vẫn vơi một nửa. Chế độ sử dụng lao động nô lệ vừa mới bị thủ tiêu đi, thế là nhu cầu người lao động tự do nổi lên ngay, và ta thấy từ khắp nơi trên đất nước đổ về bang đó đàn đàn lũ lũ những kẻ phiêu lưu mạo hiểm nhất. Họ tới để khai thác những nguồn lực tự nhiên rồi sẽ được đem dùng vào hoạt động công nghiệp. Đất đai được chia chác cho họ. Trên từng khoảnh đất đều có một gia đình người da trắng chiếm lấy để lập nghiệp. Công cuộc di cư của người châu Âu tiến hành như vậy theo hướng đi về các bang tự do. Một con người nghèo khó của châu Âu đi tìm cuộc sống ung dung và hạnh phúc nơi Tân thế giới sẽ hành động ra sao khi anh ta tới sống ở một xứ sở mà lao động bị nhuốm những vết ô nhục như vậy?
Vậy là sự gia tăng dân số giống da trắng diễn ra đồng thời theo xu thế tự nhiên và theo con đường di dân đồ sộ, trong khi giống da đen không hề có bổ sung di dân mà chỉ yếu kém dần đi thôi. Đến một lúc tỉ lệ cũ giữa hai giống người bị đảo ngược lại. Người da đen chỉ còn là những mảnh vụn khốn khổ, thành một bộ lạc nhỏ bé sống du cư, mất tăm giữa những con người vừa đông lại vừa làm chủ đất đai. Và ta chỉ còn thấy người da đen hiện diện qua những cảnh bất công và những cách đối đãi nặng nề với họ mà thôi.
Ở nhiều bang miền Tây, giống da đen không khi nào xuất hiện. Tại tất cả các bang miền Bắc, nó biến mất hút. câu hỏi lớn về tương lai như vậy được thu lại trong một phạm vi hẹp. Nó có vẻ đỡ ghê sợ hơn, song chẳng vì thế mà vấn đề dễ giải quyết.
Càng đi xuống miền Nam, càng khó xoá bỏ chế độ nô lệ, sao cho xoá bỏ mà lại có ích. Điều này do nhiều nguyên nhân tự nhiên mà ta cần xem xét.
Nguyên nhân thứ nhất là từ khí hậu; rõ ràng là khi người châu Âu càng đi gần xuống vùng nhiệt đới, thì công việc lao động với họ càng khó khăn lên. Nhiều người Mĩ còn tin rằng có một vĩ tuyến nào đó với họ là vĩ tuyến chết, trong khi người da đen chịu đựng khí hậu đó chẳng gặp nguy hiểm gì[296]. Nhưng tôi không tin rằng ý kiến này, là thứ rất tiện cho tính lười của người da trắng, lại có cơ sở từ trải nghiệm của con người. Ở miền Nam Liên bang Mĩ, trời cũng không nóng hơn miền Nam của Tây Ban Nha và Italia[297]. Tại sao người châu Âu lại không làm được cũng những công việc đó? Và nếu như chế độ nô lệ đã bị xoá bỏ ở Italia và Tây Ban Nha mà các ông chủ nô không bị chết theo, tại sao lại không có chuyện cũng như thế ở Liên bang Mĩ? Tôi chẳng tin là thiên nhiên đã cấm đoán doạ chết người châu Âu ở Georgia hoặc ở Florida, cấm họ cũng thu được từ đất đai những thứ bỏ vào miệng nuôi sống mình. Nhưng chắc chắn là thứ lao động đó nặng nhọc hơn với họ và kém năng suất hơn[298] so với cư dân New England. Vậy là lao động tự do ở miền Nam bị mất đi một phần thế trội so với lao động nô lệ, ở đây xoá bỏ chế độ nô lệ ít có ích lợi.
Tất cả các loài cây của châu Âu đều mọc được ở Bắc Hoa Kì; miền Nam có những sản vật đặc biệt khác.
Người ta đã thấy rằng chế độ nô lệ là một phương tiện cần thiết để canh tác cây ngũ cốc. Người nào thu hoạch lúa mì ở một xứ sở không có lao động nô lệ thường chỉ giữ làm việc cho mình một số ít người làm công. Đến vụ gặt, và trong vụ gieo hạt, đúng là họ có thuê thêm nhiều nhân công nữa. Nhưng những người này chỉ ở tạm trong dinh cơ của họ thôi.
Công việc cất lúa vào vựa và công việc gieo hạt đòi hỏi nhà nông trong một bang có lao động nô lệ buộc lòng phải nuôi quanh năm một số lớn người phục dịch mà mỗi năm chỉ cần dùng đến họ trong vài ba ngày. Bởi vì, khác với những nhân công tự do, người nô lệ không thể lao động cho riêng mình trong khi chờ đợi người ta đến thuê kĩ năng khéo léo của mình. Phải mua nô lệ để rồi đem dùng họ.
Không kể những chuyện rầy rà nói chung như thế, chế độ nô lệ cũng tự nhiên kém có khả năng ứng dụng ở những nơi trồng cây ngũ cốc so với những nơi trồng những nông sản khác.
Trồng thuốc lá, bông, và nhất là trồng mía thì khác, chúng đòi hỏi chăm sóc liên tục. Ở những nơi này có thể thuê phụ nữ và trẻ em là loại lao động không dùng được vào canh tác lúa mì. Vì vậy mà chế độ nô lệ đặc biệt thích hợp cho nơi nào làm ra những sản phẩm như tôi vừa kể.
Thuốc lá, bông, và mía chỉ mọc ở miền Nam. Chúng là nguồn tài phú chính yếu của vùng đó. Khi thủ tiêu chế độ nô lệ đi, người miền Nam đứng trước một trong hai lựa chọn sau: hoặc là họ sẽ phải thay đổi hệ thống canh tác, khi ấy họ sẽ cạnh tranh được với những người miền Bắc năng động hơn và giàu kinh nghiệm hơn họ; hoặc là họ vẫn trồng các cây như trước đây mà không có lao động nô lệ, khi đó họ sẽ phải chịu đựng sự cạnh tranh từ các bang khác của miền Nam vẫn còn duy trì lao động nô lệ.
Vậy là miền Nam có những lí do riêng mà miền Bắc không có để duy trì chế độ nô lệ.
Nhưng đây nữa lại còn một động lực mạnh mẽ hơn mọi động lực khác. Dẫu sao thì miền Nam cũng có thể xoá bỏ chế độ nô lệ, nhưng rồi sẽ quăng các người da đen đi đâu? ở miền Bắc, người ta cùng một lúc xua đi cả chế độ nô lệ lẫn người nô lệ. Ở miền Nam, người ta khó có thể hi vọng cùng một lúc đạt kết quả kép như thế.
Bằng cách chứng minh rằng việc sử dụng lao động nô lệ ở miền Nam vốn tự nhiên hơn và sinh lợi hơn ở miền Bắc, tôi đã nói khá rõ vì sao số lượng nô lệ ở đó phải cao hơn. Chính miền Nam là nơi những nô lệ đầu tiên từ châu Phi được người ta mang vào Mĩ. Cũng chính đó là nơi càng ngày càng nhập nô lệ vào với số lượng lớn. Càng đi xuống miền Nam, cái định kiến nhàn rỗi là vinh dự càng có giá. Tại các bang càng gần hơn với vùng nhiệt đới, chẳng thấy một người da trắng nào lao động cả. Do đó mà người nô lệ da đen ở đây càng đông hơn ở miền Bắc. Như tôi đã nói ở bên trên, mỗi ngày họ lại càng đông thêm lên. Bởi vì càng thủ tiêu chế độ nô lệ đi ở một đầu này của Liên bang, thì người da đen lại càng tập trung đông lên ở đầu đằng kia. Vậy là, số lượng người da đen tăng lên ở miền Nam không chỉ vì dòng chảy tự nhiên của dân cư, mà còn vì sự di dân bắt buộc đối với người da đen miền Bắc. Việc giống người châu Phi phát triển lên ở phần đất này của Liên bang có nguyên nhân tương tự như nguyên nhân làm gia tăng khá nhanh giống người châu Âu ở miền Bắc.
Ở bang Maine, cứ 300 cư dân thì có 1 người da đen; ở bang Massachusetts , 1 trên 100 cư dân; ở bang New York, 2 trên 100; ở bang Pennsylvania, 3 trên 100; ở bang Maryland, 30 trên 100; ở bang Virginia, 42 trên 100; và sau hết ở bang Carolina Nam, 55 trên 100[299]. Đó là tỉ lệ người da đen so với người da trắng vào năm 1830. Nhưng tỉ lệ đó thay đổi không ngừng: mỗi ngày qua, ở miền Bắc thì nó bé đi còn ở miền Nam thì nó lại to lên.
Hiển nhiên là tại các bang càng ở về phía Nam của Liên bang, người ta càng khó có thể xoá bỏ chế độ nô lệ như cách tiến hành ở các bang miền Bắc mà không sợ gặp nhiều nguy cơ to lớn, những nguy cơ mà ở miền Bắc thì người ta chẳng sợ chút nào.
Chúng ta đã thấy cách thức các bang ở miền Bắc đắn đo giữa việc chuyển tiếp từ chế độ nô lệ sang chế độ tự do. Họ giữ trong kìm kẹp cái thế hệ nô lệ hiện thời và họ giải phóng cho các thế hệ tương lai. Theo cách này, người ta chỉ đưa dần dần người da đen du nhập vào xã hội, và trong khi tìm cách duy trì thân phận nô lệ của con người có thể sử dụng tệ hại cái quyền độc lập của anh ta, người ta giải phóng cho kẻ nào trước khi được làm chủ chính mình hãy có được thời giờ học lấy cách sống tự do đã.
Thật khó mà áp dụng phương pháp này vào miền Nam nước Mĩ. Khi người ta tuyên bố, tính từ thời kì nào đó trở đi, con trai của một người nô lệ sẽ được tự do, làm như vậy là du nhập nguyên tắc và ý tưởng tự do vào giữa lòng chế độ nô lệ: những người da đen bị luật pháp giữ trong vòng nô lệ mà được nhìn thấy con mình ra khỏi cái vòng ấy, thì họ sẽ ngạc nhiên vì số phận sao lại tạo ra cho họ sự phân chia bất bình đẳng đó; họ rơi vào trạng thái lo âu và bứt rứt. Kể từ đó, trước mắt họ chế độ nô lệ đã mất đi cái thứ sức mạnh đạo đức được thời gian và tập quán mang lại. Họ thấy mình chỉ còn là một thứ nạn nhân bị sức mạnh lạm dụng một cách hiển nhiên. Miền Bắc thì chả có gì e sợ sự tương phản đó, vì ở miền Bắc người da đen số lượng ít, còn người đa trắng thì rất đông. Nhưng nếu như cái buổi bình minh đầu tiên của tự do này lại loé ra cùng lúc cho hai triệu con người, thì những kẻ áp bức sẽ phải run sợ.
Sau khi đã trả tự do cho con trai những người nô lệ, những người châu Âu ở miền Nam sẽ bị buộc phải mở rộng điều tốt lành này ra cho toàn bộ chủng tộc da đen.
Ở miền Bắc, như tôi đã nói ở bên trên, khi chế độ nô lệ bị xoá bỏ, và ngay cả khi sắp sửa thấy ngày nó bị xoá bỏ đang tới gần, diễn ra hai biến chuyển: người nô lệ bỏ đất đó ra đi để được chuyển xa mãi xuống miền Nam; người da trắng của các bang miền Bắc và những người di dân châu Âu sẽ tràn vào thế chỗ họ.
Hai nguyên nhân đó không thể diễn ra theo cùng một cách thức tại các bang cuối cùng ở miền Nam. Một mặt, khối lượng nô lệ ở đó quá lớn để có thể hi vọng thấy họ bỏ đất đó mà đi; mặt khác, người châu Âu và người Mĩ gốc Anh ở miền Bắc e ngại không dám “tràn tới” một xứ sở nơi lao động vẫn chưa được phục hồi giá trị. Vả lại, họ có lí khi nhìn các bang ở đó tỉ lệ người da đen cao hơn người da trắng như là sự đe doạ sẽ xảy ra những điều đại bất hạnh, và họ ngừng đem kĩ năng lao động sang hoạt động ở vùng đó.
Như vậy, khi xoá bỏ chế độ nô lệ, người miền Nam vẫn không thể, như anh em của họ ở miền Bắc, làm cho người da đen dần từng bước được tự do. Họ không tìm cách làm giảm mạnh số lượng người da đen, và chỉ còn có họ là vẫn giữ lại những người nô lệ da đen. Trong vòng vài ba năm, ta sẽ chứng kiến rất nhiều người nô lệ da đen được tự do nằm trong lòng một quốc gia có số lượng người da trắng gần tương đương với họ.
Ngày nay, những lối lạm dụng quyền lực để duy trì chế độ nô lệ ở miền Nam trở thành nguồn gốc của những hiểm nguy lớn mà người da trắng cần biết sợ. Giờ đây chỉ có những con cháu của người châu Âu là có đất đai trong tay. Họ là ông chủ tuyệt đối của nền công nghiệp. Chỉ duy nhất họ là giàu có, thông tuệ và có vũ khí trong tay. Người da den không có mảy may ưu thế đó. Nhưng người da đen bất cần điều đó, vì họ là nô lệ. Khi được tự do, được tự mình mang sứ mệnh tự chịu trách nhiệm số phận mình, liệu người da đen có thể thiếu mọi thứ như thế mà vẫn sống nổi và không chết? Cái tạo thành sức mạnh cho người da trắng khi chế độ nô lệ còn tồn tại, lại khiến cho người da trắng đứng trước vô vàn hiểm nguy sau khi chế độ nô lệ bị xoá bỏ.
Để mặc cho người da đen sống đời nô lệ, người ta có thể duy trì họ trong cảnh đời gần như thú vật; khi được tự do, không ai có thể ngăn cản anh ta trau dồi tri thức đủ để biết cảnh khổ của mình tới đâu và để hình dung ra đâu là phương thuốc. Vả chăng cũng có một nguyên tắc đặc biệt về tính công lí tương đối ăn sâu trong trái tim con người. Con người bị đau khổ nhiều hơn vì tính bất bình đẳng tồn tại trong nội bộ một tầng lớp hơn là giữa các giai tầng khác nhau. Con người hiểu thế nào là chế độ nô lệ; nhưng làm sao con người lại chịu đựng nổi sự tồn tại của hàng triệu công dân oằn lưng bất tận dưới sự ô nhục và cảnh khốn cùng đời đời kiếp kiếp? Ở miền Bắc, một đám cư dân da đen đã được tự do nhận ra được những điều xấu xa tồi tệ đó và cảm nhận được nỗi bất công. Nhưng họ còn yếu và số lượng không đông. Còn ở miền Nam, họ sẽ đông hơn và mạnh hơn.
Khi người ta chấp nhận rằng người da trắng và người da đen tự do đều cùng sống trên một mảnh đất như hai dân tộc xa lạ với nhau, khi đó thấy ngay là chỉ có hai kịch bản cho tương lai thôi: người da đen và người da trắng phải hoà vào với nhau hoặc là phân liệt hoàn toàn.
Ở một đoạn xa bên trên, tôi đã nói rõ cách tôi hiểu về phương pháp thứ nhất (da trắng da đen hoà vào với nhau)[300]. Tôi không tin rằng giống da trắng và giống da đen lại không thể nào sống chung bình đẳng.
Nhưng tôi tin rằng khó khăn ở Hoa Kì sẽ to lớn hơn nhiều so với bất cứ nơi đâu. Có thể có một ai đó đứng ngoài định kiến tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, và nếu con người đó là một ông vua, ông ta có thể tạo ra những cuộc cách mạng xã hội khiến ai cũng phải trố mắt: cả một dân tộc như thế là có cái gì đó đặt lên đầu mình.
Rất có thể một kẻ chuyên chế sẽ đủ sức khiến cho người Mĩ và những kẻ nô lệ cũ của họ hoà lẫn được vào với nhau để sống chung trong cùng một cái ách: song chừng nào mà nền dân trị của Mĩ vẫn còn điều hành mọi việc, thì chẳng có anh nào dám làm thử một việc lớn đến thế, và ta có thể tiên đoán rằng, người da trắng Hoa Kì càng được tự do bao nhiêu, thì họ càng tìm cách tách riêng rẽ ra bấy nhiêu[301].
Tôi cũng từng nói rằng mối liên hệ đích thực giữa người châu Âu và người Anh điêng bản địa chính là những người lai. Tương tự như vậy, cuộc chuyển tiếp thực sự giữa người da trắng và người da đen chính là người “da nâu” (mulâtre − ND): bất kì ở đâu khi có đại đa số người “da nâu”, thì việc hoà lẫn hai giống trắng và đen không phải là không có khả năng xảy ra.
Có những nơi ở nước Mĩ ở đó người châu Âu và người da đen đã lai giống nhau nhiều đến độ khó mà gặp được một người nào thuần trắng hoặc thuần đen: đạt tới điểm đó, ta có thể nói thật đúng rằng các giống người đã hoà vào với nhau rồi. Hoặc nói cách khác, ở vùng họ sống, đã xuất hiện một người thứ ba chẳng hoàn toàn là anh nọ cũng chẳng hoàn toàn như anh kia.
Trong tất cả những người châu Âu, chỉ có người Anh là ít pha máu hơn cả với dòng máu người da đen. Ta thấy ở miền Nam Liên bang Hoa Kì nhiều người “da nâu” hơn là ở miền Bắc, song số lượng lại vô cùng ít so với bất kì khẩn địa châu Âu nào khác. Người “da nâu” có số lượng rất ít ở Hoa Kì. Họ không có sức mạnh riêng, và trong những cuộc tranh chấp chủng tộc, họ thường về phe với người da trắng. Vì vậy mà ở châu Âu người ta thường thấy những tên tay chân của các đại quân vương làm ra vẻ quý tộc cho khác với nhân dân.
Cái tính kiêu hãnh vì nguồn gốc đó, vốn dĩ tự nhiên đối với người Anh, lại được đặc biệt gia tăng nơi người Mĩ cùng với cái kiêu hãnh cá nhân sinh ra từ việc hưởng thụ nền tự do dân chủ. Người da trắng ở Hoa Kì kiêu hãnh vì giống da trắng và vì bản thân mình.
Vả chăng người da trắng và người da đen vốn dĩ chẳng hoà được vào nhau ở miền Bắc Hoa Kì, làm sao có thể hoà vào với nhau ở miền Nam? Liệu ta có thể giả định một chút rằng miền Nam nước Mĩ là nơi luôn luôn “mất đoàn kết” giữa người da trắng có tầm cao vật chất và tinh thần với người da đen, liệu những người da trắng đó lại có thể hoà vào với những người da đen kia? Người Mĩ ở miền Nam có hai thứ đam mê mãnh liệt khiến họ luôn luôn có xu thế tách mình riêng ra: anh ta sợ mình giống với anh da đen nô lệ cũ của mình, và anh ta sợ hạ xuống thấp hơn người da trắng lân bang với mình.
Nếu thực sự cần phải tiên đoán tương lai, tôi sẽ nói rằng, thể theo diễn tiến của sự vật, việc xoá bỏ chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mĩ sẽ làm gia tăng sự khó chịu của đám người da trắng đối với người da đen. Ý kiến này của tôi dựa trên cơ sở những gì tương tự đã xảy ra ở miền Bắc tôi đã quan sát được. Tôi đã nói rằng người da trắng ở miền Bắc tìm mọi cách xa lánh người da đen nhiều hơn những gì lập pháp quy định sự chia cách hợp pháp giữa hai bên: làm sao lại không thể có chuyện như thế ở miền Nam cho được? Ở miền Bắc, khi người da trắng e ngại phải đi tới chỗ hoà vào với người da đen, họ mới chỉ e sợ một mối hiểm nguy trong tưởng tượng. Ở miền Nam, nơi hiểm nguy sẽ diễn ra có thật, tôi không dám tin rằng sự e ngại lại có thể nhỏ đi.
Nếu như, một mặt, người ta thừa nhận rằng (sự kiện này không có gì phải nghi ngờ) ở cực phía Nam, người da đen không ngừng tích tụ lại và tốc độ gia tăng thì nhanh hơn người da trắng rất nhiều; nếu như, một mặt khác, người ta chịu thừa nhận rằng không thể tiên báo cái thời kì người da đen và người da trắng sẽ đi tới chỗ hoà vào nhau để rút ra được cùng những thuận lợi như nhau từ thực trạng xã hội, liệu từ đó ta có thể kết luận rằng, tại các bang miền Nam, người da đen và người da trắng cuối cùng rồi sẽ đi đến đánh lộn nhau?
Kết quả cuối cùng của cuộc chiến tranh đó sẽ là gì?
Thật dễ hiểu là về chuyện này ta chỉ có thể thảo luận những điều giả định mà thôi. Đầu óc con người vẫn có thể vạch ra nổi một đường vòng tương lai to tát; nhưng bên trong cái vòng đó thì lại là nơi hoạt động của cái ngẫu nhiên ta không thể nắm bắt nổi. Trong bức tranh tương lai, cái ngẫu nhiên luôn luôn là một điểm màu tối mà con mắt trí tuệ khó có thể thâm nhập. Điều ta đủ sức nói là thế này thôi: ở quần đảo Antilles, giống da trắng dường như sẽ phải gục ngã; còn ở trong lục địa, gục ngã lại là giống da đen.
Ở quần đảo Antilles, người da trắng bị cô lập giữa mênh mông cư dân da đen; trên lục địa, người da đen bị đặt nằm giữa một biển cả cư dân đông vô kể đang trùm lên họ như một khối cứng rắn kéo dài từ vùng băng giá Canada cho tới biên thuỳ bang Virginia, từ đôi bờ sông Missouri cho tới bờ Đại Tây Dương. Nếu người da trắng Bắc Mĩ đoàn kết thành một khối, thì khó mà tin rằng người da đen có thể thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt; họ sẽ bị gục ngã dưới gươm đao hoặc trong sự khốn cùng. Nhưng cư dân da đen tích tụ dọc vịnh Mexico có cơ may được cứu vớt nếu như cuộc chiến tranh giữa hai giống người diễn ra khi Liên bang Hoa Kì bị giải thể. Một khi cái vòng liên bang bị gãy, người miền Nam sẽ khó mà trông đợi có được một sự hỗ trợ lâu bền từ những người anh em miền Bắc. Những người này biết rằng mối hiểm nguy không sao có thể vươn được tới chỗ họ; nếu không bị bắt buộc thực hiện nghĩa vụ “Nam tiến” cứu bồ, thì ta có thể tiên đoán rằng tình cảm chủng tộc sẽ bất lực.
Vả lại, bất kể cuộc chiến tranh sẽ diễn ra vào lúc nào, người da trắng miền Nam, cho dù có phải đấu tranh đơn độc, thì cũng vẫn tiến vào võ đài với chiều cao vô cùng lớn về trí tuệ và phương tiện, trong khi người da đen trong tay chỉ có số đông và năng lượng của sự tuyệt vọng. Đó lại là những nguồn lực lớn khi cầm súng tiến hành chiến tranh. Có thể khi đó sẽ diễn ra với người da trắng miền Nam cái gì đã xảy ra với người Maures[302] ở Tây Ban Nha. Sau khi chiếm được cả đất nước trong nhiều thế kỉ, cuối cùng người da trắng sẽ dần dần lui bước tới những vùng tổ tiên xưa của họ đã đặt chân lên, bỏ mặc cho người da đen chiếm lĩnh một xứ sở Chúa Trời đã ban cho chính họ, vì ở đất này họ sống dễ dãi và lao động dễ dàng hơn người da trắng rất nhiều.
Mối hiểm nguy ít nhiều xa hơn, nhưng vẫn không sao tránh khỏi, là cuộc chiến tranh giữa người da đen và người da trắng sống ở miền Nam Liên bang, cái mối hiểm nguy không ngừng hiện ra trong tưởng tượng người Mĩ như ác mộng. Mỗi ngày, con người ở miền Bắc đều đứng trước sự huỷ diệt đó, mặc dù họ chẳng có gì phải lo ngại trực tiếp. Họ cố công nhưng vô vọng tìm ra một phương cách ngăn chặn những bất hạnh đã được họ tiên đoán.
Ở các bang miền Nam, người ta im tiếng không nói gì hết. Người ta chẳng nói gì với người nước ngoài về tương lai. Người ta tránh tranh cãi chuyện đó với bạn bè. Có thể nói là mỗi người cố giữ điều đó cho riêng mình thôi. Cái im lặng miền Nam có cái gì đó đáng sợ hơn là những điều e ngại nói ra mồm ồn ào ở miền Bắc.
Điều mà mọi đầu óc đều lo nghĩ đó đã gây nên một sự kiện hầu như không ai biết song lại đủ sức thay đổi số phận của một bộ phận loài người.
Lo lắng trước những hiểm nguy như tôi vừa mới mô tả, một số công dân Mĩ bàn nhau lập Hội và tự bỏ tiền ra nhập những người da đen tự do nào muốn thoát khỏi bạo quyền sang bờ biển Guinea[303].
Năm 1830, Hội này lập được ra ở châu Phi tại vĩ tuyến 7 Bắc một cơ sở gọi tên là Liberia. Những tin tức cuối cùng cho biết hai nghìn năm trăm người da đen đã tập trung tại đây. Được chuyên chở về tổ quốc cũ của họ, người da đen đem áp dụng ở đó cách lập ra những thiết chế kiểu Mĩ. Liberia có hệ thống chính quyền dân cử, các bồi thẩm đoàn toàn người da đen, các pháp quan da đen, các giáo sĩ da đen. Ở đó có cả nhà thờ, có báo chí, và thật là một sự lặp lại đặc biệt éo le trong cuộc đời này, họ cấm người da trắng được tới ở đó [304].
Đó rõ ràng là một trò đùa của số mệnh! Hai thế kỉ trôi qua kể từ khi người cư dân châu Âu tìm cách lôi người da đen ra khỏi gia đình và đất nước họ để chở họ tới bến bờ Bắc Mĩ. Bây giờ người ta lại bắt gặp người châu Âu lo chuyện chở vượt Đại Tây Dương con cháu của chính những người da đen ấy, đưa họ trở về mảnh đất xưa kia cha ông họ bị lôi đi khỏi. Những con người mông muội đã đi nhận ánh sáng văn minh trong lòng thân phận nô lệ và học làm người tự do trong lòng chế độ nô lệ.
Cho tới nay, châu Phi bị đóng cửa trước nghệ thuật và khoa học của người da trắng. Các luồng sáng tư tưởng châu Âu do người châu Phi nhập cảng có lẽ sẽ nhập được vào châu Phi. Tư tưởng lập ra nước Liberia thật đẹp và vĩ đại; song cái tư tưởng có thể rất sinh sôi đó nơi Cựu thế giới lại có thể khô cằn nơi Tân thế giới.
Trong mười hai năm, Hội thuộc địa hoá người da đen đã chở về châu Phi hai nghìn năm trăm người da đen. Cũng trong khoảng thời gian đó, ở Hoa Kì đã có khoảng bảy trăm nghìn người da đen ra đời.
Cho dù thuộc địa Liberia có đủ sức tiếp nhận mỗi năm cả ngàn cư dân mới và những cư dân này cũng đủ khả năng sống có ích ở đó; cho dù Liên bang thay thế được Hội để hàng năm sử dụng tiền bạc[305] và tàu thuyền của mình để xuất cảng người da đen sang châu Phi, và như vậy cũng mới chỉ làm cân bằng được điều tiến bộ tự nhiên duy nhất trong đám dân cư da đen; và nếu chỉ bằng cách mỗi năm lấy đi chừng nấy người mới ra đời, thì Liên bang cũng chẳng thể nào đạt tới chỗ gác được sang một bên cái điều tồi tệ vẫn đang từng ngày mọc ra và lớn lên ngay trong lòng đất nước[306].
Giống người da đen sẽ chẳng chịu từ bỏ bến bờ lục địa Mĩ, nơi các đam mê và các tật xấu của châu Âu đã buộc họ cập bến tại đó; họ sẽ chỉ biến mất khỏi Tân thế giới một khi họ chết hết. Những cư dân của Hoa Kì có thể tránh được những bất hạnh mà họ gờm, nhưng giờ đây họ chẳng sao chặt đứt được nguyên nhân tạo ra mối lo ấy.
Tôi bị buộc phải thú nhận rằng tôi không coi việc xoá bỏ chế độ lao động nô lệ là một phương tiện làm chậm được bước chân cuộc chiến tranh chủng tộc tại các bang miền Nam.
Người da đen trong thời gian dài có thể tồn tại như là nô lệ mà không kêu ca than phiền; nhưng khi bước vào thế giới con người tự do, họ sẽ bất mãn với việc thiếu hầu hết những quyền công dân; và một khi không thể bình đẳng được với người da trắng, họ sẽ sớm tỏ ra họ là kẻ thù của người da trắng.
Ở miền Bắc, người ta có đủ mọi điều lợi trong việc giải phóng nô lệ. Làm việc đó, người ta thoát khỏi chế độ nô lệ mà chẳng có gì phải sợ những người nô lệ tự do. Nô lệ tự do ở đây quá ít ỏi để có thể đòi hỏi các quyền nọ kia. Nhưng tình hình ở miền Nam lại không như thế.
Vấn đề chế độ nô lệ đối với chủ nô lệ ở miền Bắc là vấn đề thương mại và thủ công nghiệp; ở miền Nam đó là vấn đề sống hay chết với ông chủ nô lệ. Ta chớ nên bao giờ lẫn lộn chế độ nô lệ ở miền Nam với chế độ đó ở miền Bắc.
Xin Chúa ngăn cho tôi không theo cách của nhiều nhà nghiên cứu người Mĩ tìm cách biện bạch cho nguyên tắc tồn tại chế độ lao động nô lệ. Tôi nói một điều rằng, tất cả những ai trước đây đã chấp nhận nguyên tắc xấu xa gớm ghiếc đó, thì nay họ vẫn chưa hoàn toàn rũ bỏ được chuyện đó đâu.
Tôi thú nhận là, khi xem xét tình hình các bang miền Nam, tôi chỉ thấy ở giống da trắng cư trú các vùng này có hai cách cư xử mà thôi: hoặc là họ phải giải phóng nô lệ và sống hoà nhập vào với họ; hoặc là họ tách ra khỏi họ và duy trì họ trong cảnh nô lệ càng lâu càng tốt. Tôi cảm thấy những phương tiện trung gian có vẻ sẽ dẫn tới một cuộc nội chiến kinh hoàng nhất, và có thể dẫn tới sự huỷ hoại hoàn toàn một trong hai giống người đó.
Người Mĩ ở miền Nam xem xét vấn đề dưới quan điểm này, và họ hành động theo quan điểm ấy. Không muốn hoà vào với người nô lệ, nên họ cũng chẳng muốn cho người nô lệ được tự do.
Không phải là tất cả cư dân miền Nam đều coi chế độ nô lệ như là điều cần thiết cho sự giàu sang của ông chủ nô lệ. Về điểm này, rất nhiều người trong họ lại đồng ý với người miền Bắc và cũng như họ, tự nguyện coi chế độ nô lệ là một điều xấu xa; nhưng họ lại nghĩ rằng cần phải duy trì điều xấu xa đó để mà tồn tại.
Ánh sáng trí tuệ một khi được gia tăng ở miền Nam đã cho cư dân vùng đất này thấy rằng chế độ nô lệ là có hại cho chủ nô lệ, và cũng những điều thông tuệ đó cho họ thấy rõ hơn bao giờ hết rằng hầu như không thể có khả năng thủ tiêu được chế độ nô lệ. Từ đó mà có một sự đối lập lạ kì: sự ích lợi của chế độ nô lệ càng ngày càng bị phản đối, thì nó lại càng đứng vững trong luật pháp; và trong khi nguyên tắc tồn tại của nó dần dần bị xoá số ở miền Bắc thì ở miền Nam từ nguyên tắc đó người ta lại làm thêm nhiều điều càng ngày càng mạnh mẽ.
Ngày nay, nhìn vào những thành tựu lập pháp của các bang miền Nam liên quan đến nô lệ, chúng ta thấy đó là điều khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi, mà chỉ riêng nó cũng đủ chứng tỏ tình trạng “loạn” ghê gớm của luật pháp loài người. Chỉ cần ta đọc quy định của các bang miền Nam để hiểu hoàn cảnh tuyệt vọng của hai giống người đang sinh sống nơi đây.
Không phải là vì người Mĩ sống ở vùng này của Liên bang đã tự mình làm gia tăng những chuyện ghê gớm của chế độ nô lệ; ngược lại, chính họ đã tìm cách làm dịu nỗi khổ đau vật chất của người nô lệ. Con người thời cổ đại chỉ biết đến xiềng xích và cái chết để duy trì chế độ nô lệ. Người Mĩ ở miền Nam Hoa Kì đã tìm ra những bảo đảm mang tính trí tuệ hơn nhiều để kéo dài quyền lực của họ. Cho phép tôi diễn đạt thế này, họ đã làm cho chuyên chế và bạo hành trở thành thiêng liêng. Ở thời cổ đại, người ta tìm cách ngăn ngừa người nô lệ phá xiềng; thời nay, người ta tìm cách làm cho người nô lệ không còn có ý muốn phá xiềng nữa.
Người cổ đại trói cơ thể người nô lệ, nhưng họ để cho đầu óc người nô lệ được tự do và để người nô lệ được trau dồi trí khôn. Về điểm này, người cổ đại rất trung thành với chính họ; vào thời đó, có một lối thoát tự nhiên cho chế độ lao động nô lệ: một ngày nào đó, người nô lệ có thể được tự do và bình đẳng với ông chủ của mình.
Người Mĩ ở miền Nam không hề nghĩ là vào một thời kì khác người nô lệ có thể hoà vào với họ, bằng những hình phạt nặng nề họ ngăn cấm người nô lệ học đọc và học viết. Không muốn nâng cao người nô lệ lên ngang tầm mình, họ tìm mọi cách giữ người nô lệ sống gần với tình trạng thú vật.
Vào thời nào cũng vậy, hi vọng tự do đều là điểm trung tâm của chế độ nô lệ nhằm làm dịu đi những nỗi khổ đau của nó đi.
Người Mĩ ở miền Nam hiểu rằng, cho người nô lệ được tự do bao giờ cũng là điều nguy hiểm một khi kẻ được tự do không sao thích nghi được với ông chủ. Đem trao tự do cho một con người, và để cho anh ta sống trong khốn cùng và ô nhục, có nghĩa là gì nếu không phải là cung cấp sẵn một lãnh tụ tương lai cho các cuộc nổi loạn của người nô lệ? Vả chăng, ta cũng nhận xét thấy rằng từ lâu rồi, sự hiện diện của người nô lệ tự do tạo ra một nỗi lo âu mơ hồ trong đáy lòng những ai không được tự do, và như một luồng ánh sáng hoài nghi làm cho họ tiêm nhiễm tư tưởng về các quyền họ phải có. Người Mĩ ở miền Nam, trong đại bộ phận trường hợp, đã tước đi của các chủ nô cái quyền cho nô lệ được tự do[307].
Tôi gặp ở miền Nam Hoa Kì một cụ già xưa kia có quan hệ phi luật pháp với một trong những nữ nô lệ nhà mình. Vô số con cái ra đời từ đó, và sinh ra là thành nô lệ ngay lập tức của bố đẻ ra chúng. Rất nhiều lần ông cụ này nghĩ tới việc ít nhất thì cũng cho chúng được tự do, nhưng bao nhiêu năm trôi qua mà không biết khi nào thì ông cụ gỡ bỏ được những trở ngại do luật pháp gây nên. Trong thời gian đó, tuổi già đã tới, và ông sắp chết. Ông cụ hình dung các con mình bị lôi đi qua từng phiên chợ và chuyển từ quyền uy của ông bố sang cây roi của một kẻ xa lạ. Những hình ảnh khủng khiếp đó đến với cơn hôn mê của ông trước khi trút hơi thở cuối cùng. Tôi thấy ông sống trong lo âu tuyệt vọng, và khi đó tôi đã hiểu, thiên nhiên đã biết cách báo thù ra sao cho những vết thương do luật pháp gây nên.
Những điều xấu xa đó thật khủng khiếp, đúng vậy. Nhưng phải chăng đó chính là những hệ quả được biết trước và tất yếu của chính nguyên tắc chế độ lao động nô lệ trong lòng những con người hiện đại?
Vào lúc người châu Âu đến tận quê quán để lôi những người nô lệ ra khỏi một chủng tộc khác với họ, cái chủng tộc rất nhiều người trong đám dân châu Âu đó coi là thấp hèn hơn mọi chủng tộc trên đời, và những người châu Âu này hết thảy đều thấy ghê tởm khi nghĩ mình lại có khi nào phải hoà vào với họ, khi ấy họ hình dung chế độ nô lệ sẽ tồn tại vĩnh viễn. Bởi vì giữa sự bất bình đẳng đến tột cùng do chế độ nô lệ tạo ra và sự bình đẳng hoàn toàn, sự độc lập được con người tạo ra một cách tự nhiên, thì chẳng thể có một điểm trung gian nào mà lại bền vững cho được. Người châu Âu đã mơ hồ cảm nhận thấy cái chân lí đó mà chẳng chịu thú nhận. Bất kể khi nào có vấn đề liên quan đến người da đen, bao giờ họ cũng xử lí khi thì đáp ứng lợi ích hoặc tính kiêu căng của họ, khi thì cư xử theo tình thương. Họ đã vi phạm mọi quyền con người của người da đen, rồi sau đó họ lại dạy người da đen về giá trị và tính bất khả xâm phạm của các quyền đó. Họ mở rộng hàng ngũ cho các nô lệ của mình, và khi những người nô lệ này tìm cách định nhảy vào, họ liền xua đuổi đến mức ô nhục. Vẫn mong muốn có chế độ nô lệ, song vô tình hay hữu ý họ lại bị lôi cuốn hướng tới tự do mà vẫn chẳng có gan hoặc hoàn toàn là kẻ bất công hoặc hoàn toàn là kẻ công bằng.
Nếu biết trước là không thể có khi nào người Mĩ miền Nam sẽ hoà trộn máu với người da đen, thì liệu người Mĩ có cho phép người da đen đạt tới tự do với không chút nguy cơ chết người nào? Và nếu như, để cứu vãn chủng tộc của mình mà người da đen bị buộc phải sống trong gông xiềng, liệu ta có tha thứ cho họ khi họ chọn phương tiện hữu hiệu nhất để đạt tới đích?
Tôi cảm thấy những gì xảy ra ở miền Nam Liên bang là hệ quả khủng khiếp nhất và tự nhiên nhất của chế độ nô lệ. Khi tôi thấy trật tự của tự nhiên bị đảo ngược, khi tôi nghe tiếng nhân loại kêu la và biện luận vô ích trong vòng luật pháp, xin thú nhận là tôi chẳng hề thấy nổi giận đến nỗi phải xỉ nhục những con người thời đại ngày nay tác giả của những điều nhơ nhuốc đó; nhưng tôi sẽ huy động toàn bộ lòng căm thù để chống lại những ai, sau hơn một nghìn năm con người được sống trong bình đẳng, lại bắt đầu du nhập chế độ lao động nô lệ vào thế giới này.
Vả chăng, bất kể người Mĩ ở miền Nam Hoa Kì cố công cố sức tới đâu để duy trì chế độ nô lệ, thì chẳng phải khi nào họ cũng vẫn sẽ thành công. Chế độ nô lệ, bị xiết lại tại một điểm duy nhất của địa cầu này, bị đạo Ki Tô công kích là một chế độ bất công, bị khoa chính trị kinh tế coi là tai hoạ; chế độ nô lệ, giữa nền tự do dân chủ và trí tuệ thời đại chúng ta, không thể là một thứ thiết chế đủ sức sống kéo dài được mãi. Nó sẽ chấm dứt do hành động của người nô lệ hoặc của người chủ nô lệ. Trong cả hai trường hợp, ta đều phải trông chờ sẽ xảy ra những điều đại bất hạnh.
Nếu người ta từ chối trao tự do cho người da đen ở miền Nam Hoa Kì, họ sẽ tự tay chiếm lấy. Nếu người ta trao tự do cho họ, sớm muộn họ sẽ lạm dụng thành quả đó.