[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XI: Những vấn đề của chủ nghĩa xã hội

[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XI: Những vấn đề của chủ nghĩa xã hội

Trong giai đoạn kéo dài từ Thế chiến I đến Thế chiến II, ở châu Âu, chủ nghĩa xã hội dường như là lực lượng vô địch, không gì có thể ngăn chặn được. Rất nhiều mô hình được đưa ra - trong đó có chủ nghĩa xã hội quốc tế, chủ nghĩa xã hội nhà nước và nền kinh tế kế hoạch hóa. Nhưng dù có mang tên gọi nào thì theo Mises, tư tưởng căn bản của chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] vẫn là tất cả các phương tiện sản xuất đều nằm dưới quyền kiểm soát toàn diện và tuyệt đối của cộng đồng đã được tổ chức1.

Hàng hóa sản xuất và hàng hóa tiêu dùng

Những người xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ] chú tâm vào sở hữu công cộng các phương tiện sản xuất vì ý tưởng về sở hữu chung những thứ khác rõ ràng là vô nghĩa. Sở hữu nghĩa là có quyền quyết định một cái gì đó. Ta không thể gọi một người nào đó là chủ sở hữu ngôi nhà nếu người đó không có quyền quyết định cách thức sử dụng toà nhà hoặc có thể cho hoặc bán nó cho người khác. Quyền sở hữu bình đẳng nghĩa là có quyền kiểm soát hoặc sử dụng một cách bình đẳng.

Nhưng kiểm soát hoặc sử dụng một cách bình đẳng hàng hóa tiêu dùng - như thức ăn, quần áo, xe hơi, thú cưng, thuốc lá, đồng hồ đeo tay - là việc bất khả thi. Những người khác nhau không thể mặc cùng một cái áo khoác trong cùng một thời gian được. Hai đứa trẻ chỉ có thể chia nhau thanh socola sau khi nó đã được cắt thành từng phần. Sự kiện là ngay cả các nước xã hội chủ nghĩa (theo mô hình Liên Xô cũ] cũng sử dụng cơ cấu thị trường để phân phối những món hàng như thế và cho phép mua bán những món hàng đó cho nhu cầu hoàn toàn cá nhân là chỉ dấu rõ ràng bản chất phi tập thể của những món hàng đó.

Nhưng hàng hóa sản xuất thì lại có vẻ hoàn toàn khác. Chúng chỉ phục vụ một cách gián tiếp, chúng được sử dụng để làm ra hàng hóa tiêu dùng. Nhiều người có thể được hưởng lợi mà không cần phải chia cắt chúng thành từng phần riêng biệt. Ví dụ những người nắm giữ cổ phần được công ti chia cổ tức. Cho nên chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] không phải là mở rộng quyền sở hữu chung đó cho đến từng người hay sao?

Vấn đề tính toán trong chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô cũ)

Rất khó, Mises khẳng định. Đầu tư cho nền sản xuất hiện đại là công việc tốn kém, đa dạng và liên kết với nhau. Bằng cách nào đó, chúng ta phải quyết định lựa chọn quy trình nào trong số rất nhiều các quy trình có thể thực hiện được. Và ngay cả như thế, chúng ta vẫn phải đối mặt với những sự thay đổi liên tục của những lựa chọn về cách vận hành, cải tiến và thay thế các quy trình đó. Khó khăn lớn nhất đối với chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] là chúng ta cần một nền tảng hữu lí nào đó để có thể đưa ra những quyết định khó khăn như thế; nhưng không có giá cả và lợi nhuận thì đây đúng là khó khăn nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trước năm 1900, những người trí thức theo trường phái xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ] chỉ coi đây là vấn đề hoàn toàn có tính kĩ thuật - chỉ là vấn đề giải cùng một lúc rất nhiều phương trình cung và cầu mà thôi. Nhưng Mises chỉ ra rằng vấn đề tính toán trong chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] khó khăn hơn thế nhiều.

Trước hết, có rất nhiều loại hàng hóa cần phải quản lí - đây không chỉ là các nhà máy và thiết bị mà còn có các sản phẩm dở dang đang đi qua các quy trình sản xuất khác nhau và lao động cần đưa đến đó. Hơn nữa, các quyết định được đưa ra tại mỗi điểm trong cái hệ thống cực kì phức tạp đó lại không chỉ là quyết định hoàn toàn có tính kĩ thuật. Chúng phụ thuộc vào cách những người liên quan đánh giá các món hàng khác nhau đó. Nhưng những người lập kế hoạch trong chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] không thể đo lường được cách đánh giá của con người. Cách đánh giá vốn đã có tính cá nhân. Người ta thường bất đồng với nhau. Vậy thì những người lập kế hoạch lựa chọn như thế nào?

Nhưng vấn đề còn khó khăn hơn. Để đạt được mục tiêu mà ta đánh giá cao ta phải bỏ một số mục tiêu khác. Ví dụ, chúng ta có thể đánh giá cao lợi ích của điện, nhưng chúng ta sẽ sản xuất điện bằng cách khai thác than hay xây đập thuỷ điện mới? Dù chúng ta chấp nhận quy trình nào thì cũng có nghĩa là chúng ta phải bỏ thì giờ, đất đai, công lao động và những nguồn lực khác vào đó, tức là đầu tư vào đó những thứ có thể được sử dụng cho những mục tiêu khác. Mỗi quyết định sản xuất mà chúng ta đưa ra đều có ảnh hưởng đến rất nhiều người khác. Và không phải người nào cũng đồng ý với lựa chọn của chúng ta: những người bảo vệ môi trường có thể đánh giá cánh đồng không bị đào xới hay thác nước cao hơn là năng lượng điện được mỏ than mới hay đập thuỷ điện mới cung cấp.

Cần phải có đơn vị tính toán

Nếu muốn sử dụng các nguồn lực một cách hợp lí thì chúng ta phải so sánh chúng và so sánh những sản phẩm khác nhau mà chúng tạo ra. Nhưng cơ cấu sản xuất càng phức tạp thì càng phải cân nhắc để lựa chọn nhiều quy trình sản xuất và sản phẩm hơn. Và càng nhiều người bị ảnh hưởng thì càng nhiều bất đồng hơn, và quyết định lại càng khó khăn hơn.

Chúng ta cần, theo Mises, một kiểu đơn vị tính toán, dựa vào đó ta có thể tính xem công việc kinh doanh là hợp lí hay bất hợp lí. Nhưng không có đơn vị nào có thể đo lường được cách đánh giá của những người khác nhau về những đồ vật hay sự kiện khác nhau. Cách đánh giá của người này, chẳng khác gì nỗi đau buồn hay hạnh phúc của họ, không thể đem ra so sánh với cách đánh giá của người khác.

Tính toán bằng tiền

Trong nền kinh tế tự do, có một con đường thẳng - dù là gián tiếp - đưa chúng ta tiếp cận những cách đánh giá của dân chúng. Đấy là nghiên cứu những lựa chọn của họ. Chúng ta có thể đo được số lượng của một vật mà người ta sẵn sàng từ bỏ để đổi lấy một vật khác - tức là tỉ lệ trao đổi giữa các hàng hóa khác nhau mà ta gọi là giá cả.

Giá thị trường là tổng hòa những sự lựa chọn của tất cả những người tham gia vào một vụ buôn bán cụ thể nào đó. Có giá thị trường cho quá trình sản xuất, cho sản phẩm trung gian cũng như cho hàng hóa tiêu dùng. Giá cả cho phép ta quy giản tất cả những lựa chọn kinh tế mà ta phải làm xuống một đơn vị chung cho tất cả mọi người: tiền.

Dĩ nhiên là tiền không mua được tình yêu, hay đức hạnh hoặc lòng thành thực. Nhưng nó chỉ cho ta thấy người ta sẽ đổi bao nhiêu vật này để lấy một vật khác và cung cấp cho ta kim chỉ nam đơn giản để có thể thoát ra khỏi mê hồn trận của những triển vọng kinh tế khác nhau.

Sản xuất 1.000 lít rượu vang hay sản xuất 500 lít dầu thì lợi hơn? Không có giá cả thì không có cơ sở để tính toán xem nên sản xuất cái gì, không có số liệu để đưa vào các phương trình của những nhà hoạch định kinh tế của chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ]. Lựa chọn sẽ được giao cho một số chính trị gia hay quan chức quyết định. Sự kì quặc của chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] là: vì nó đã bỏ giá cả cho nên nhất định nó phải thay việc ra quyết định trên cơ sở những lựa chọn của cả cộng đồng bằng sự ngẫu hứng của một cá nhân hay một nhóm người.

Hàng hóa sản xuất không có giá

Những người xã hội chủ nghĩa có thể phản đối vì cho rằng nền kinh tế của chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô cũ] hiện thực không xoá bỏ hoàn toàn tiền tệ. Công nhân vẫn được trả lương bằng tiền, và hàng hóa tiêu dùng vẫn được mua và bán bằng tiền mặt. Như vậy là đơn vị tính toán vẫn còn.

Nhưng trong chế độ xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ], hàng hóa sản xuất nằm trong tay sở hữu chung. Chúng không bao giờ được đem ra bán hay mua, mà là tài sản chung của toàn thể nhân dân. Cho nên chúng không có giá. Ngay cả khi trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ] tiền vẫn được sử dụng ở khu vực nào đó, Mises nói, thì vai trò của nó trong việc ra quyết định trong sản xuất vẫn bị phủ nhận.

Thiếu sót này ảnh hưởng không chỉ đối với hàng hóa tư bản mà còn ảnh hưởng tới tất cả hàng hóa liên quan tới quá trình sản xuất. Chỉ có một vài quá trình sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng hoàn thiện mà thôi: đa số còn lại sản xuất ra hàng hóa tư bản và sản phẩm dở dang (Như Carl Menger nói, muốn làm một cái bánh mì thì phải có bột, hạt lúa mì, lưỡi cày và quặng sắt). Tại mỗi giai đoạn trong “cuộc đời” của hàng triệu sản phẩm trung gian như thế người quản lí đều phải quyết định có cần bỏ thêm công sức vào nó hay không và nếu cần thì làm gì. Không có giá thì không thể tính toán được giá thành sản phẩm cho đến lúc đó hay giá của những giai đoạn khác trong tương lai. Toàn bộ nền kinh tế sẽ bị suy yếu vì không có thông tin về giá cả.

Những phép tính quá lớn so với đầu óc con người

Mục đích của cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đều là đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người. Chủ nghĩa tư bản làm điều đó một cách thường xuyên và có hệ thống vì họ có đơn vị để tính toán - đấy là giá cả - dựa trên những lựa chọn thực tế của dân chúng. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ] quá trình này không diễn ra một cách trực tiếp như thế. Một người nào đó phải quyết định xem xã hội cần gì, nhu cầu nào là khẩn thiết nhất, phải hướng sản xuất như thế nào để đạt những mục tiêu đó. Nhưng không một nhà lập kế hoạch nào có thể biết dân chúng thực sự coi cái gì là có giá trị và dù có bao nhiêu công nghệ hoặc bao nhiêu nhà toán học
thì cũng không thể giải quyết được vấn đề này. Công nghệ và tính toán chỉ có thể cho biết chúng ta có thể làm được gì chứ không thể nói cho chúng ta biết chúng ta phải hướng đến mục tiêu nào.

Thậm chí, ngay cả khi có công nghệ và cách tính toán thì cũng không có người nào có thể giải quyết được những vấn đề sản xuất phức tạp đến như thế. Có cần xây dựng đường sắt mới không? Tuyến đường nào có lợi nhất? Giá bỏ ra có tương xứng với lợi ích về vận tải và môi trường đem lại hay không? Tỉ lệ giữa công nhân có tay nghề và không có tay nghề bao nhiêu là tối ưu? Đem nhiên liệu, sắt thép và thiết bị sử dụng cho những dự án khác thì có lợi hơn không? Không có tiền, giá cả và lợi nhuận, hàng núi khả năng sản xuất như thế sẽ làm rối trí, không ai có thể giải quyết được.

Nhưng đối với các nhà lập kế hoạch xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ] thì vấn đề còn khó khăn hơn vì ngay cả thu thập các thông tin cần thiết để tính toán cũng là việc bất khả thi. Đấy không chỉ là vì các điều kiện kinh tế thay đổi rất nhanh và trong khi thông tin được thu thập và chuyển đến trung tâm lập kế hoạch thì nó đã trở thành lỗi thời rồi. Còn có khó khăn cơ bản hơn thế nữa. Như Hayek đã nhận định (trên cơ sở công trình của Mises), thông tin về thực tế của thị trường, chuyển động của giá cả và nhu cầu nhất định phải là thông tin có tính khu vực và phân tán trong toàn bộ nền kinh tế. Nó lại có tính chủ quan: những người khác nhau chỉ nhìn thấy những phần khác nhau của bức tranh; quan điểm của họ lại có thể rút lại thành hiểu ngầm, bản năng và kinh nghiệm, tức là những thứ không thể truyền đạt cho người khác - ví dụ như người lập kế hoạch ở trung ương. Ngay cả nếu các nhà lập kế hoạch có những chiếc máy tính tuyệt vời nhất thế giới thì thông tin mà cái máy này xử lí cũng sẽ không đầy đủ, lỗi thời và thường mâu thuẫn với nhau.

Chủ nghĩa xã hội thị trường

“Chủ nghĩa xã hội thị trường” là câu trả lời cho vấn đề tính toán do Mises đưa ra. Những nhà tư tưởng có nhiều ảnh hưởng như Oskar Lange2 và Abba Lerner3 nghĩ rằng có thể xây dựng được thị trường “lí tưởng”, mà giá cả là do các nhà quản lí quyết định. Lerner đưa ra những quy định đơn giản nhằm hướng dẫn các nhà quản lí - ví dụ, họ phải đạt mục tiêu là sản phẩm đầu ra phải có giá bán phù hợp với giá thành sản xuất (nghĩa là ở bất kì chỗ nào, năng lực sản xuất cũng không tạo ra sản phẩm thừa).

Mises phản bác rằng khái niệm này chỉ có tính lí thuyết và quá tĩnh tại. Các quá trình kinh tế trong thế giới thực không bao giờ có thể đạt được sự hoàn hảo và cân đối, hầu như liên tục phải điều chỉnh vì các sự kiện liên quan đa dạng, phức tạp và thay đổi. Lựa chọn sản xuất cũng không bao giờ có thể tóm tắt và điều khiển bằng những nguyên tắc đơn giản.

Lange giữ quan điểm cho rằng giá cả có thể được điều chỉnh cho phù hợp khi thặng dư hay thiếu hụt xuất hiện, các nhà quản lí sẽ điều chỉnh đầu ra cho phù hợp. Nhưng Mises cho rằng đấy chắc chắn sẽ là phương tiện thay thế rất không hoàn thiện so với nền kinh tế thị trường đích thực, nơi có vô số doanh nhân liên tục phản ứng với những biến động trong cung và cầu đang diễn ra từng phút một - đồng thời thường xuyên dự đoán những thay đổi sẽ diễn ra trong ngày mai.

Chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ thị trường có vẻ như bao giờ cũng đi sau nền kinh tế thị trường đích thực một vài bước. Và chủ nghĩa xã hội, dù thuộc trường phái nào, cũng chỉ có thể sống còn được là vì bên cạnh đó vẫn có những nền kinh tế thị trường đích thực với những mối tương quan về giá cả mà nó có thể sao chép. Ước mơ truyền bá chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ ra toàn thế giới chắc chắn sẽ khó có thể thực hiện, Mises khẳng định. Nó sẽ làm tiêu tan hi vọng cuối cùng về tính toán kinh tế một cách hữu lí.

Chú thích:

(1) Quan điểm này là từ tác phẩm Omnipotent Government, nhưng luận điểm chính thức được trình bày trong Socialism

(2) Oskar Ryszard Lange (1904-1965): nhà kinh tế học và nhà ngoại giao Ba Lan. Ông được biết đến như là người ủng hộ cho việc sử dụng các công cụ trong việc tính toán giá cả trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, và là người đề xuất mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường đầu tiên trên thế giới - ND

(3) Abba Ptachya Lerner (1903-1982): nhà kinh tế học Mỹ, gốc Do Thái, sinh ra ở Nga - ND

Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường