[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XV: Tìm hiểu sự thịnh vượng và đói nghèo (Phần 5)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XV: Tìm hiểu sự thịnh vượng và đói nghèo (Phần 5)

TRAO QUYỀN

Ngày 12/5/1978 tưởng như là một ngày bình thường ở nhà máy xe tải Scânia thuộc thành phố São Bernardo, bang São Paulo, Brazil. Nhưng hôm ấy các công nhân đều bồn chồn. Biểu tình đã bị cấm ở Brazil từ năm 1964 khi quân đội lật đổ chính quyền dân chủ của tổng thống João Goulart. Nhưng tin tức vừa lộ ra rằng chính phủ đã sửa đổi số liệu lạm phát quốc gia nhằm làm cho mức tăng chi phí sinh hoạt được ước lượng thấp hơn thực tế. Khi ca sáng bắt đầu lúc 7 giờ, người lao động đã buông dụng cụ xuống. Lúc 8 giờ, nhà tổ chức công đoàn ở nhà máy Gilson Menezes gọi cho công đoàn. Chủ tịch Công đoàn nhà máy São Bernardo Metatworkers là một nhà hoạt động 33 tuổi tên Luiz Inácio Lula da Silva (gọi tắt là “Lula”). Đến trưa, Lula đã có mặt ở nhà máy. Khi công ty yêu cầu ông thuyết phục người lao động trở lại làm việc, ông từ chối.

Cuộc biểu tình Scânia đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình diễn ra sau đó trên khắp đất nước Brazil. Thoạt nhìn qua thì đây là vấn đề về tiền lương, nhưng như Lula nhận xét sau đó:

Tôi nghĩ chúng ta không thể tách biệt giữa các yếu tố kinh tế và chính trị… Cuộc biểu tình này là về tiền lương, nhưng trong khi đấu tranh cho đồng lương, tầng lớp lao động đã giành thắng lợi trên chính trường.

Sự hồi sinh của các phong trào đấu tranh của người lao động Brazil chỉ là một phần nhỏ trong các phản ứng xã hội bao quát hơn đối với 15 năm thống trị quân sự. Nhà trí thức cánh tả Fernando Henrique Cardoso, giống như Lula, trở thành tổng thống Brazil sau khi tái lập nền dân chủ, đã lập luận vào năm 1973 rằng nền dân chủ sẽ được xây dựng ở Brazil bởi nhiều nhóm xã hội chống đối chế độ độc tài quân sự đang hợp lực với nhau. Ông nói rằng điều cần thiết là “tái lập một xã hội dân sự… các hiệp hội chuyên môn, công đoàn, nhà thờ, các tổ chức sinh viên, các nhóm nghiên cứu, các nhóm tranh luận và các phong trào xã hội” - nói cách khác, một liên minh đa thành phần với mục tiêu tái lập nền dân chủ và thay đổi xã hội Brazil.

Sự kiện nhà máy Scânia là điềm báo trước cho sự ra đời của liên minh này. Cuối năm 1978, Lula phổ biến ý tưởng về việc thành lập một đảng chính trị mới, Đảng Công nhân. Tuy nhiên, đây không chỉ là đảng của những người hoạt động công đoàn. Ông nhấn mạnh rằng đây là đảng của tất cả những người làm công ăn lương và người nghèo nói chung. Ở đây, nỗ lực của các nhà lãnh đạo công đoàn nhằm xây dựng nền tảng chính trị đã bắt đầu kết hợp với nhiều phong trào xã hội đang trỗi dậy. Ngày 18/8/1979, một cuộc họp được tổ chức tại São Paulo bàn về việc thành lập Đảng Công nhân, với sự có mặt của các nhà chính trị đối lập, các lãnh đạo công đoàn, sinh viên, trí thức và đại diện cho 100 phong trào xã hội đa dạng được tổ chức vào thập niên 1970 trên khắp đất nước Brazil. Đảng Công nhân, ra đời tại nhà hàng São Judas Tadeo ở São Bernardo vào tháng 10/1979, trở thành đại diện cho tất cả các thành phần đa dạng này.

Đảng nhanh chóng hưởng lợi từ sự mở cửa chính trị mà phe quân đội đang miễn cưỡng thực hiện. Trong cuộc bầu cử địa phương năm 1982, đảng ra tranh cử lần đầu tiên và giành chiến thắng trong hai cuộc đua tranh chức thị trưởng. Xuyên suốt những năm 1980, khi nền dân chủ dần dần được tái lập ở Brazil, Đảng Công nhân bắt đầu tiếp quản các chính quyền địa phương ngày càng nhiều hơn. Đến năm 1988, Đảng Công nhân đã kiểm soát chính quyền ở 36 đô thị, bao gồm những thành phố lớn như São Paulo và Porto Alegre. Năm 1989, trong cuộc bầu cử tổng thống tự do lần đầu tiên từ sau đảo chính quân sự, Lula thắng 16% số phiếu trong đợt đầu trên cương vị ứng cử viên của Đảng Công nhân. Trong đợt sau với Fernando Collor, ông thắng 44%.

Khi việc tiếp quản các chính quyền địa phương bắt đầu tăng tốc trong thập niên 1990, Đảng Công nhân cũng bắt đầu bước vào mối quan hệ cộng sinh với nhiều phong trào xã hội địa phương. Ở thành phố Porto Alegre, nội các đầu tiên của Đảng Công nhân sau năm 1988 đã tiến hành cơ chế “dự toán ngân sách phổ thông”; đây là một cơ chế cho phép những người dân thường tham gia vào quá trình dự toán các khoản mục ưu tiên chỉ tiêu của ngân sách thành phố. Cơ chế này tạo ra một hệ thống hiện đã trở thành mẫu mực thế giới về trách nhiệm giải trình và sự đáp ứng của chính quyền địa phương, và được thực hiện song hành với những cải thiện to lớn trong việc cung ứng dịch vụ công và chất lượng sống trong thành phố. Cơ cấu quản lý nhà nước thành công của Đảng Công nhân ở cấp độ địa phương đã được nhân rộng thành sự huy động chính trị rộng lớn hơn và thành công ở cấp độ quốc gia. Mặc dù Lula thua Fernando Henrique Cardoso trong các cuộc tranh cử tổng thống năm 1994 và 1998, ông được bầu làm tổng thống Brazil năm 2002. Đảng Công nhân vẫn tiếp tục cầm quyền kể từ bấy giờ.

Việc hình thành một liên minh nhiều thành phần ở Brazil như một hệ quả của sự kết hợp các phong trào xã hội đa dạng và lao động có tổ chức đã ảnh hưởng ngoạn mục đến nền kinh tế nước này. Từ năm 1990, nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 45% xuống 30% vào năm 2006. Cách biệt giàu nghèo từng tăng nhanh dưới chế độ quân sự giờ đã giảm mạnh, nhất là sau khi Đảng Công nhân lên cầm quyền, và giáo dục mở rộng, với số năm đi học bình quân của dân chúng tăng từ sáu năm vào năm 1995 lên tám năm vào năm 2006. Ngày nay Brazil là thành viên của khối BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), và là quốc gia châu Mỹ La-tinh đầu tiên thật sự có tiếng nói trên trường quốc tế.

SỰ VƯƠN LÊN CỦA BRAZIL từ những năm 1970 không phải nhờ vào công lao của các nhà kinh tế từ các tổ chức quốc tế đã dìu dắt hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách nước này về cách thức soạn thảo những chính sách tốt hơn hay tránh né thất bại thị trường; đồng thời cũng không phải nhờ vào dòng viện trợ nước ngoài hay là kết quả tự nhiên của quá trình hiện đại hóa. Nói đúng ra, sự vươn lên của Brazil là thành tựu của nhiều thành phần xã hội đa dạng dũng cảm xây dựng các thể chế chính trị dung hợp. Cuối cùng, các thể chế này dẫn đến các thể chế kinh tế dung hợp hơn. Cũng giống như nước Anh vào thế kỷ 17, sự chuyển hóa của Brazil bắt đầu bằng sự ra đời của các thể chế chính trị dung hợp. Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội xây dựng được các thể chế chính trị dung hợp?

Như chúng ta đã thấy, lịch sử đầy ắp ví dụ về những phong trào cải cách song cuối cùng phải chịu khuất phục trước quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ và thay thế các thể chế chiếm đoạt này bằng những thể chế khác thậm chí còn tồi tệ hơn. Chúng ta đã thấy nước Anh năm 1688, nước Pháp năm 1789, và Nhật Bản trong cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân năm 1868 từng bắt đầu quá trình xây dựng các thể chế chính trị dung hợp bằng một cuộc cách mạng chính trị. Nhưng các cuộc cách mạng chính trị thường gian khổ và gây ra đổ vỡ tàn phá, và không phải chắc chắn sẽ thành công. Cuộc Cách mạng Bôn- sê-vích ở Nga từng rao giảng về mục tiêu là thay thế hệ thống kinh tế bóc lột của Nga hoàng bằng một hệ thống công bằng và hiệu quả hơn, mang lại tự do và thịnh vượng cho hàng triệu người dân nước Nga. Than ôi, kết quả thì ngược lại, và thay thế cho những thể chế mà Bôn-sê-vích đã lật đổ là những thể chế thậm chí còn chiếm đoạt hơn và đàn áp hơn. Nhiều cuộc cải cách từ trên xuống dưới ở những nước không theo chế độ cộng sản cũng không khả dĩ hơn. Nasser thề thốt sẽ xây dựng một xã hội công bằng hiện đại ở Ai Cập, nhưng chỉ dẫn đến chế độ tham nhũng của Hosni Mubarak, như đã thấy trong chương 13. Robert Mugabe được nhiều người xem là một chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho tự do, có công lật đổ chế độ Rhodes phân biệt chủng tộc và mang tính chiếm đoạt cao độ của Ian Smith. Nhưng thể chế ở Zimbabwe vẫn không hề trở nên bớt tính chiếm đoạt, và tình hình kinh tế nơi đây còn tệ hơn so với trước khi độc lập.

Điểm chung của những cuộc cách mạng chính trị thành công trong việc lát đường cho các thể chế dung hợp hơn và sự thay đổi thể chế dần dần ở Bắc Mỹ, ở Anh vào thế kỷ 19, và ở Botswana sau khi độc lập - đồng thời cũng dẫn đến sự củng cố đáng kể các thể chế chính trị dung hợp - là ở chỗ, các cuộc cách mạng này đã thành công trong việc trao quyền cho nhiều thành phần đa dạng trong xã hội. Muốn có chủ nghĩa đa nguyên, nền tảng của các thể chế chính trị dung hợp, thì quyền lực chính trị phải được phân phối rộng rãi trong xã hội, và nếu bắt đầu từ thể chế chiếm đoạt vốn chỉ tập trung quyền lực vào tay một số ít người, thì cần phải có một quá trình trao quyền. Như đã nhấn mạnh trong chương 7, điều này chính là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa cuộc Cách mạng Vinh quang so với việc lật đổ giới quyền thế này rồi thay bằng một giới quyền thế khác. Trong trường hợp cuộc Cách mạng Vinh quang, cội rễ của chủ nghĩa đa nguyên nằm ở việc lật đổ vua James II bằng một cuộc cách mạng chính trị dưới sự lãnh đạo của một liên minh rộng lớn bao gồm các thương nhân, các nhà công nghiệp, giới chủ đất nhỏ, và ngay cả nhiều thành viên của giới quý tộc Anh không liên kết với nhà vua. Như ta đã thấy, cuộc Cách mạng Vinh quang được tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc huy động và trao quyền cho một liên minh rộng lớn, và quan trọng hơn, điều này đến lượt nó đã dẫn đến sự trao quyền hơn nữa cho nhiều thành phần hơn trong xã hội so với trước đây - cho dù rõ ràng những thành phần này vẫn chưa phải là toàn bộ xã hội, và phải mất hơn 200 năm nữa, nước Anh mới trở thành một nền dân chủ thực thụ. Những yếu tố dẫn đến sự ra đời của các thể chế dung hợp ở các thuộc địa Bắc Mỹ cũng tương tự, như ta đã thấy trong chương 1. Một lần nữa, con đường bắt đầu từ Virginia, Carolina, Maryland và Massachusetts, rồi dẫn đến Tuyên ngôn Độc lập cùng với sự kiện toàn các thể chế chính trị dung hợp ở Hoa Kỳ là con đường trao quyền cho các thành phần xã hội ngày càng rộng lớn hơn.

Cuộc cách mạng tư sản Pháp cũng là một ví dụ về việc trao quyền cho nhiều thành phần trong xã hội vươn lên chống lại chế độ cũ ở Pháp và xoay sở lát đường cho một hệ thống chính trị đa nguyên hơn. Nhưng Cách mạng Pháp, nhất là thời kỳ Khủng bố dưới sự cầm đầu của Robespierre, một thời kỳ đàn áp và giết chóc, cũng cho ta thấy rằng quá trình trao quyền cũng có nhiều cạm bẫy. Tuy nhiên, cuối cùng rồi Robespierre và nhóm nòng cốt Robin của ông cũng bị hạ bệ, và di sản quan trọng nhất từ cuộc Cách mạng Pháp không phải là những cỗ máy chém mà là công cuộc cải cách sâu rộng mà cách mạng đã tiến hành ở Pháp và các nơi khác ở châu Âu.

Có nhiều điểm tương đồng giữa các quá trình trao quyền lịch sử này với những sự kiện diễn ra ở Brazil bắt đầu từ thập niên 1970. Mặc dù cội rễ của Đảng Công nhân là phong trào công đoàn, ngay từ những ngày đầu, các nhà lãnh đạo như Lula cùng với giới trí thức và các chính khách đối lập ủng hộ Đảng, đã ra sức nhân rộng đảng thành một liên minh rộng lớn. Xung lực này bắt đầu hòa cùng các phong trào xã hội trên khắp đất nước, khi đảng tiếp quản các chính quyền địa phương, khuyến khích sự tham gia dân sự và tạo thành một kiểu cách mạng trong quản lý nhà nước trên cả nước. Trái với nước Anh thế kỷ 17 hay nước Pháp đầu thế kỷ 18, ở Brazil không có một cuộc cách mạng triệt để châm ngòi cho quá trình thay đổi thể chế chính trị trong một cuộc đột kích lật đổ chế độ. Nhưng quá trình trao quyền bắt nguồn từ các nhà máy ở São Bernardo đã phát huy tác dụng một phần vì quá trình này đã chuyển hóa thành sự thay đổi chính trị cơ bản ở tầm vóc quốc gia - chẳng hạn như sự quá độ từ chế độ độc tài quân sự thành một nền dân chủ. Quan trọng hơn, ở Brazil, quá trình trao quyền diễn ra ở cấp độ cơ sở giúp đảm bảo rằng sự quá độ lên một nền dân chủ sẽ tương ứng với phong trào tiến tới các thể chế chính trị dung hợp, và đó là yếu tố chính dẫn đến sự ra đời của một chính quyền tận lực cung cấp dịch vụ công, mở rộng giáo dục, và một sân chơi bình đẳng thực sự. Như chúng ta đã thấy, nền dân chủ không đảm bảo sẽ có chế độ đa nguyên, được minh họa rõ rệt qua sự tương phản giữa thể chế đa nguyên ở Brazil với kinh nghiệm của Venezuela. Venezuela cũng quá độ lên một nền dân chủ sau năm 1958, nhưng điều này xảy ra mà không có sự trao quyền ở cấp độ cơ sở và không giúp phân phối quyền lực chính trị đa nguyên. Thay vào đó, hệ thống chính trị đầy tham nhũng, các mạng lưới ô dù bảo trợ và xung đột tồn tại dai dẳng ở Venezuela, và phần nào cũng vì thế mà khi cử tri đi bầu, họ thậm chí sẵn lòng bỏ phiếu cho những người có tiềm năng trở nên chuyên quyền như Hugo Chávez, có thể vì họ nghĩ rằng chỉ có ông ta mới có khả năng chống lại giới quyền thế kỳ cựu ở Venezuela. Hậu quả là, Venezuela vẫn mỏi mòn trong các thể chế chiếm đoạt trong khi Brazil đã phá vỡ khuôn khổ này.

VẬY TA CÓ THỂ LÀM GÌ để khởi động hay đơn thuần là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao quyền và phát triển các thể chế chính trị dung hợp? Câu trả lời thành thật nhất là: Không có công thức nào để xây dựng các thể chế này. Theo lẽ tự nhiên, có một vài yếu tố hiển nhiên giúp thúc đẩy quá trình trao quyền. Những yếu tố này bao gồm một mức độ trật tự xã hội tập trung nhất định để cho các phong trào đấu tranh thách thức chế độ hiện hữu đừng bị biến chất thành tình trạng vô luật pháp; một vài thể chế chính trị hiện hữu ấp ủ đôi chút chủ nghĩa đa nguyên, như các thể chế chính trị truyền thống ở Botswana, để có thể thiết lập và duy trì các liên minh đa dạng; và sự hiện diện của các tổ chức xã hội dân sự có khả năng phối hợp nhu cầu của người dân sao cho giới quyền thế hiện hữu không thể dễ dàng dập tắt các phong trào đấu tranh hay không bị một nhóm người khác sử dụng làm phương tiện giành lấy quyền kiểm soát các thể chế chiếm đoạt hiện hữu. Nhưng đa số những yếu tố này đã định trước trong lịch sử và chỉ thay đổi một cách chậm chạp. Trường hợp Brazil cho thấy các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức đảng liên quan có thể được xây dựng từ cơ sở đi lên, nhưng quá trình này diễn ra chậm chạp và người ta vẫn chưa rõ mức độ thành công như thế nào trong những tình huống khác nhau.

Có một yếu tố khác, hay một tập hợp những yếu tố khác, có thể đóng vai trò chuyển hóa trong quá trình trao quyền: các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc trao quyền trong xã hội rộng lớn thường rất khó điều phối và duy trì nếu không có thông tin rộng rãi về việc liệu những người đang cầm quyền có lạm dụng quyền hạn về chính trị và kinh tế hay không. Chương 11 đã cho thấy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc thông tin cho người dân và phối hợp các nhu cầu chống lại những thế lực kìm hãm thể chế dung hợp ở Mỹ. Các phương tiện truyền thông cũng đóng vai trò then chốt trong việc biến sự trao quyền cho các thành phần xã hội đa dạng thành công cuộc cải cách chính trị bền bỉ, như thảo luận trong chương 11, cụ thể là trong bối cảnh dân chủ hóa ở nước Anh.

Truyền đơn và sách báo giúp truyền đạt tin tức và vận động dân chúng đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Vinh quang ở Anh, cuộc Cách mạng Pháp và trong quá trình tiến tới nền dân chủ ở Anh thế kỷ 19. Tương tự, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các hình thức mới dựa vào tiến bộ trong ngành thông tin và công nghệ truyền thông như blog, chat, Facebook và Twitter, đóng vai trò trọng tâm trong cuộc đấu tranh của Iran chống lại cuộc tuyển cử gian lận của Ahmadinejad năm 2009 và sự đàn áp sau đó. Chúng xem ra cũng đang đóng vai trò trọng tâm trong cuộc cách mạng nhân dân Mùa xuân Ảrập diễn ra giữa lúc chúng tôi đang viết bản thảo quyển sách này.

Các chế độ độc tài thường ý thức được tầm quan trọng của tự do báo chí và cố gắng hết sức chống lại nó. Sự cai trị của Alberto Fujimori ở Peru là một ví dụ minh họa cực đoan về điều này. Mặc dù thoạt đầu được bầu cử một cách dân chủ, nhưng Fujimori đã sớm thiết lập nên một chế độ độc tài ở Peru, nâng lên thành một cuộc đảo chính trong khi vẫn còn đang cầm quyền vào năm 1992. Sau đó, mặc dù vẫn tiếp tục tổ chức bầu cử, nhưng Fujimori đã xây dựng một bộ máy tham nhũng và cai trị bằng đàn áp và hối lộ. Ông dựa vào trợ thủ đắc lực là Valdimiro Montesinos, người đứng đầu sở mật vụ Peru. Montesinos vốn là một người có tổ chức, ông lưu trữ hồ sơ về những khoản tiền nội các chính phủ đã trả cho những cá nhân khác nhau để mua chuộc lòng trung thành của họ, thậm chí còn quay phim ghi hình hoạt động hối lộ thực tế. Việc làm này có lôgic của nó: Đó không chỉ đơn thuần là lưu trữ hồ sơ, mà những bằng chứng này giúp bảo đảm rằng những kẻ tòng phạm đã được ghi nhận và sẽ được xem là có tội như Fujimori và Montesinos. Sau khi chế độ sụp đổ, những tài liệu này rơi vào tay phóng viên và chính quyền. Những khoản tiền này phơi bày giá trị của phương tiện truyền thông đối với một chế độ độc tài. Một chánh án Tòa án Tối cao có giá từ 5.000 đến 10.000 đô-la một tháng, và các chính khách cùng đảng hoặc khác đảng cũng được trả những khoản tương tự. Nhưng khi dính dáng đến báo chí và truyền hình, số tiền này lên đến hàng triệu đô-la. Fujimori và Montesinos đã có lần trả 9 triệu đô-la và một lần khác là hơn 10 triệu đô-la nhằm kiểm soát các đài truyền hình. Họ trả hơn 1 triệu đô-la cho một tờ báo chính thống, và từ 3.000 đến 8.000 đô-la cho một số tờ báo khác ứng với mỗi bản tin nóng sốt. Fujimori và Montesinos cho rằng kiểm soát các phương tiện truyền thông còn quan trọng hơn việc kiểm soát các chính khách và quan tòa. Một trong những tay sai của Montesinos, tướng Bello, đã đúc kết vấn đề này trong một đoạn video như sau: “Nếu chúng ta không kiểm soát các đài truyền hình thì chúng ta sẽ không làm được gì cả”.

Các thể chế chiếm đoạt ở Trung Quốc hiện nay cũng phụ thuộc vào việc kiểm soát các phương tiện truyền thông của chính quyền. Và như chúng ta đã thấy, việc kiểm soát này ngày càng trở nên tinh vi một cách đáng sợ. Như một nhà bình luận Trung Quốc đúc kết: “Để duy trì vai trò lãnh đạo của đảng trong cải cách chính trị, phải tuân theo ba nguyên tắc: Đảng kiểm soát các lực lượng vũ trang; Đảng kiểm soát cán bộ; và Đảng kiểm soát thông tin”.

Nhưng tất nhiên tự do báo chí và các công nghệ truyền thông hiện đại chỉ có thể hỗ trợ ở một mức độ nào đó thông qua việc cung cấp thông tin và phối hợp các nhu cầu và hành động của những người đấu tranh cho thể chế chính trị dung hợp. Vai trò của phương tiện truyền thông chỉ có thể mang lại sự thay đổi có ý nghĩa khi các thành phần xã hội đa dạng được huy động và tổ chức nhằm tạo ra sự thay đổi chính trị; và điều này được thực hiện không phải vì lý do bè phái hay để giành lấy quyền kiểm soát các thể chế chiếm đoạt, mà là để chuyển hóa các thể chế chiếm đoạt trở nên dung hợp hơn. Quá trình đó có thể diễn ra hay không, và có thể mở ra sự trao quyền nhiều hơn cũng như cải cách chính trị bền bỉ hay không: điều này phụ thuộc vào lịch sử thể chế kinh tế và chính trị, vào những khác biệt tuy nhỏ nhặt nhưng quan trọng cũng như vào chính lộ trình ngẫu nhiên của lịch sử.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh