[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương IX: Tiền tệ và lạm phát

[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương IX: Tiền tệ và lạm phát

Tiền là một trong những thành tố quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường. Giao dịch kinh tế phụ thuộc vào nó. Một lần nữa, theo Mises, chúng ta chỉ có thể hiểu được vai trò và hiệu quả kinh tế của tiền tệ nếu ta hiểu được ý nghĩa của nó đối với các cá nhân.

Tiền như là một hàng hoá trao đổi

Bản chất của tiền luôn làm các nhà kinh tế học bối rối. Nó không phải là hàng hoá tư liệu sản xuất, thực ra, doanh nhân phải bỏ tiền ra mua hàng hóa vốn mà họ cần để sản xuất ra các loại hàng hóa. Nó cũng không phải là hàng hoá tiêu dùng: người ta không giữ tiền cho vui, ngoại trừ một vài kẻ keo kiệt bệnh hoạn. Vậy tiền là gì?

Chỉ trong một tác phẩm làm nhiều người phải kinh ngạc1, Mises đã giải quyết được vấn đề rắc rối này. Tiền, Mises biện luận, là hàng hoá kinh tế, đúng hơn là một hàng hoá không bình thường. Mục đích của nó không phải là sản xuất, cũng chẳng phải là tiêu dùng. Mục đích của nó là trao đổi. Người ta thích cất giữ tiền vì nó tạo thuận lợi cho việc trao đổi để lấy những món hàng khác.

Dễ dàng thấy được vì sao lại như vậy. Không có tiền thì chúng ta phải tìm cho bằng được người có món hàng mà chúng ta cần và đấy lại phải là người muốn nhận chính món hàng mà chúng ta đưa ra trao đổi. Anh thợ cắt tóc đói phải lùng sục khắp cả nước để tìm cho ra anh bán bánh mì cần cắt tóc. Nhưng thông qua phương tiện trung gian là tiền anh thợ cắt tóc có thể cắt tóc lấy tiền rồi đem tiền đó mua bánh mì của bất kì anh bán bánh mì nào, tại bất cứ thời điểm nào trong tương lai.

Cung, cầu và giá của tiền

Tương tự như các hàng hoá kinh tế khác, tiền là của hiếm và vì thế có nhu cầu về tiền. Người ta muốn có một khoản dự trữ, sẵn sàng để có thể đổi lấy những món hàng mà họ có thể cần trong tương lai.

Và cũng giống như các hàng hoá kinh tế khác, tiền cũng có giá - đấy là tỉ lệ mà nó có thể trao đổi với những món hàng khác. Giá này được thể hiện một cách hơi kì quặc - không phải bằng lượng hàng có thể đổi được một dollar (mấy quả trứng một dollar) mà là mấy dollar mua được một món hàng (mấy xu mua được một quả trứng); và chúng ta thường không nói về “giá” của tiền mà nói đến sức mua của nó. Nhưng dù gì thì đấy vẫn là giá, được quyết định bởi các lực cung và cầu, tương tự như những món hàng khác.

Cầu tiền phụ thuộc vào cách đánh giá của những cá nhân liên quan. Số tiền mà một người muốn giữ nhằm thực hiện các giao dịch trong tương lai phụ thuộc vào tính khí và hoàn cảnh của người đó. Thực ra, số tiền người ta giữ phụ thuộc không chỉ vào cách người ta đánh giá đồng tiền như là phương tiện trao đổi mà còn phụ thuộc vào cách người ta đánh giá những món hàng khác nhau mà họ có thể mua với số tiền đó. Và nhu cầu như thế sẽ ảnh hưởng đến giá, hay sức mua của đồng tiền.

Nói cách khác, tiền không phải là một cái gì đó đứng bên ngoài thương trường. Nó cũng không phải là một bản vị giá cả bất di bất dịch. Trên thực tế, tiền có giá của nó, giá này được xác định bởi cách thức những cá nhân có liên quan, tại thời điểm nhất định và thời gian nhất định, đánh giá về những dịch vụ mà nó cung cấp.

Cung tiền cũng phức tạp không kém so với cầu tiền. Có nhiều loại tiền khác nhau. Có loại tiền hàng hóa thương phẩm (commodity money) như vàng và bạc, tức là những đồ vật, bên cạnh vai trò là trung gian trao đổi chúng còn có giá trị thương mại nữa. Có loại tiền mà Mises gọi là tiền tín dụng (credit money), như tín phiếu do các ngân hàng phát hành trên cơ sở dự trữ của họ. Và còn có tiền pháp định (fiat money), tức là tiền giấy và tiền xu do các chính phủ phát hành; những loại tiền này không còn được bảo đảm bằng tài sản dự trữ của ngân khố nhà nước nữa: chúng chỉ còn là những tờ giấy hay miếng thẻ hình tròn, nhưng vẫn được mọi người coi là phương tiện trao đổi.

Nhiều thứ chúng ta gọi là tiền trên thực tế lại chỉ là vật thay thế cho tiền mà thôi – chỉ là lời tuyên bố là được bảo đảm bằng tiền, tương tự phiếu nhận bánh và được bảo đảm bằng bánh mì vậy. Đấy là ngân phiếu và tài khoản vãng lai. Nhưng chúng rất tiện lợi - chúng ta không phải mang theo người những thương phẩm có thể trao đổi được như vàng và bạc - chúng ta vui vẻ sử dụng và trao đổi như thể chúng là tiền thật.

Sự phức tạp của cung và cầu tiền  - được xác lập bởi cách đánh giá của những cá nhân liên quan - dẫn đến việc các mô hình đơn giản hoá những đặc tính phức này có thể làm người ta lầm lẫn. Ví dụ, thuyết trọng tiền cho rằng cung tiền tăng sẽ làm cho sức mua của tiền giảm tương đương: giống như phần lớn các hàng hóa khác, giá giảm khi có nhiều hàng hóa hơn. Mises chấp nhận tính hợp lệ tổng quát của lí lẽ này. Nhưng ông khẳng định rằng kết quả thực sự không hoàn toàn chắc chắn như thế. Ví dụ, cách dân chúng nghĩ về các loại tiền khác nhau hoặc về nguồn gốc của chúng (chính phủ, ngân hàng hay thỏa thuận giữa các thương nhân) sẽ ảnh hưởng đến cách đánh giá và thay đổi trong những đồng tiền đó. Những biến động về cung của các loại tiền và vật thay thế tiền khác nhau - hoặc biến động trong sự cân bằng tương đối giữa chúng với nhau - có thể tạo ra những kết quả không lường trước được.

Những mối đe dọa đối với giá trị của đồng tiền

Đôi khi kết quả thật là tồi tệ. Ví dụ, nếu khối lượng vật thay thế cho tiền quá lớn, như phiếu lĩnh bánh mì nhiều hơn nhiều lần số bánh hiện có (cái gọi là vấn đề tín thác) thì người ta sẽ không còn tin vào giá trị của nó nữa. Điều đó có thể làm cho người ta lao tới ngân hàng để rút tiền hoặc dẫn tới một vụ sụp đổ của đồng tiền quốc gia.

Thực ra, dù tiện lợi, nhưng việc người ta có thể dễ dàng gia tăng lượng tiền hoặc những vật thay thế cho tiền có thể tạo ra những mối nguy rất lớn. Cung tiền hàng hoá thương phẩm như vàng và bạc là tương đối ổn định, mặc dù việc phát hiện ra các mỏ mới hay công nghệ mới (ví dụ như kĩ thuật khai mỏ được cải thiện) có thể làm cung gia tăng đột biến. Nhưng sau này, các ngân hàng hoặc ngân hàng trung ương chỉ cần một chữ kí là đã có thể ngay lập tức tăng tài khoản tiền gửi của người dân rồi.

Trong hệ thống ngân hàng dự trữ một phần2 đang giữ thế thượng phong hiện nay, có những giới hạn về mặt pháp lí hoặc các ngân hàng tự giới hạn trong việc phát hành tiền một cách tuỳ tiện. Nhưng ngay cả như thế, bằng cách phát hành, dự trữ trong kho của các ngân hàng cũng có thể bị thổi phồng lên gấp mấy lần. Chính phủ ít bị hạn chế hơn, chính phủ có thể in thêm tiền hoặc tạo ra các khoản tiền gửi, nhiều hoặc ít tuỳ thích. Càng có nhiều tiền hoặc vật thay thế cho tiền thì giá của nó - tức là sức mua của đồng tiền - càng giảm. Và điều đó được thể hiện trong việc tăng giá của các hàng hóa khác - thường gọi là lạm phát3.

Hậu quả lên nền kinh tế thực của chính sách nới lỏng tiền tệ

Quan điểm giản đơn của chủ nghĩa trọng tiền là việc gia tăng đột ngột lượng tiền hay tín dụng chỉ làm tăng giá “danh nghĩa”, nhưng không tạo ra ảnh hưởng lâu dài đối với nền kinh tế. Mises không chấp nhận quan điểm này, ông cho rằng ảnh hưởng là có thực và có hại.

Một trong những lí do là việc nới lỏng diễn ra không đồng đều. Nó phải bắt đầu từ một nơi nào đó và từ đấy lan rộng ra, những người khác nhau sẽ bị nó tác động trong những giai đoạn khác nhau. Nó có thể bắt đầu bằng việc chính phủ in thêm tiền, để chính phủ có thể mua thêm nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn. Những người cung cấp dịch vụ cho chính phủ là những người được lợi đầu tiên, và khi bán được nhiều hàng hơn thì họ cũng trả lương cho những người cung cấp và công nhân nhiều hơn trước. Như vậy là công nhân và những nhà cung cấp cho họ là những người được hưởng lợi tiếp theo; và vụ nổ sẽ lan truyền từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Giống như một vụ lở tuyết, Mises nói, các mức giá và tiền công tăng; các nguồn lực như nguyên vật liệu và lao động bị kéo từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, rồi lại sang lĩnh vực khác nữa... Thay đổi trong chính sách tiền tệ dẫn đến những thay đổi trong cách phân bố các nguồn lực kinh tế, chứ không chỉ thay đổi các mức giá “danh nghĩa”.

Ngay cả việc nới lỏng có được thực hiện một cách đồng đều thì ảnh hưởng tới giá cả cũng hoàn toàn không như nhau. Một số người có thể tiêu ngay số tiền gia tăng, một số khác lại tiết kiệm. Và nhiều tiền chui vào túi người dân không có nghĩa là họ có thể mua mọi thứ hàng hóa theo tỉ lệ tương ứng. Họ có thể mua nhiều đồ xa xỉ hơn và mua ít hàng hóa kém chất lượng hơn. Như vậy là chính sách nới lỏng tiền tệ không phải là chính sách trung tính mà nó sẽ có ảnh hưởng thực đối với cách thức tiêu dùng và sản xuất.

Khi vụ nổ đổ ập xuống nền kinh tế, một số người sẽ làm ăn thành công hơn một số người khác. Những người ở gần trung tâm nhất sẽ được lợi nhất, trong khi những người ở xa có thể phải chịu tác động của làn sóng tăng giá rất lâu trước khi được hưởng lợi ích trực tiếp của vụ nổ đang lan toả. Việc được hay mất của người dân còn phụ thuộc vào việc họ dự đoán vụ nổ giá cả chính xác đến mức nào. Một số người có thể cho rằng tăng giá chỉ là tạm thời và không thay đổi thói quen chi tiêu; nhưng nếu giá cả cứ gia tăng liên tục thì họ sẽ gặp khó khăn vì số tiền họ có sẽ mua được ngày càng ít hàng hơn. Trong khi những người khác, tức là những người nhận thức được chuyện đó, sẽ lao đi mua hàng trước khi sức mua của đồng tiền giảm thêm.

Nếu giá cả tiếp tục tăng thì sẽ ngày càng có nhiều người tiêu ngay lập tức số tiền mà họ có trước khi tiền mất giá thêm. Việc chi tiêu sẽ gia tăng đột biến, giá cả cũng thế và sẽ xuất hiện nguy cơ là vụ nổ sẽ biến thành cái mà Mises gọi là vụ nổ vỡ tung, đấy là khi người dân cuống cuồng chi bằng hết số tiền đang ngày càng mất giá của họ cho đến khi toàn bộ hệ thống tiền tệ sụp đổ dưới áp lực của cách chi tiêu như thế. Dĩ nhiên là chính ông đã chứng kiến những chuyện như thế ở châu Âu trong những năm 1920.

Mục đích của chính sách tiền tệ

Nguy cơ của hiện tượng bùng nổ và sụp đổ như trên là có thực. Nhưng các chính phủ bao giờ cũng thích chính sách mở rộng tiền tệ vì chính phủ nằm ở trung tâm của vụ nổ cho nên được lợi trước tiên và được lợi nhiều nhất.

Vậy thì chúng ta phải có chính sách như thế nào nhằm ngăn chặn những vụ mở rộng như thế? Buộc chính phủ phải hướng đến một mức giá cả ổn định là không thể được, Mises khẳng định. Không có cái gọi là “mức giá” - các loại giá khác nhau liên tục lên rồi lại xuống. Ta có thể tóm lược sự chuyển dịch của giá cả của một “rổ” hàng hóa cụ thể nào đó vào chỉ số giá cả; nhưng kết quả sẽ phụ thuộc vào nội dung của “rổ” hàng hóa đó - và chính quyền sẽ là người quyết định “rổ” đó bao gồm những gì.

Trong quá khứ, Mises tuyên bố, các quy định quản lí của nhà nước đối với những ngân hàng phát hành giấy tờ có giá và những định chế độc quyền của nhà nước đối với việc phát hành tiền giấy đã tỏ ra kém xa các định chế tư nhân không bị nhà nước kiểm soát trong việc giữ cho giá cả ổn định. Cho nên ông cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền là phê chuẩn và ủng hộ nguyện vọng của dân chúng trong việc sử dụng bất kỳ loại tiền hàng hóa thương phẩm nào mà họ ưa thích trong giao dịch. Đấy có thể là vàng hoặc bạc hay bất cứ thứ nào khác; nhưng dù dân chúng có chọn cái gì thì chính sách vẫn phải nhắm đến mục tiêu là không bị các mục đích chính trị làm cho sai lạc đi.

Bản vị hàng hóa thương phẩm?

Nếu chúng ta muốn xây dựng một hệ thống tiền tệ an toàn, Mises kết luận, thì chúng ta phải dựa vào một loại bản vị hàng hóa thương phẩm (ví dụ như vàng); và việc phát hành tiền giấy hoặc chứng nhận tiền gửi ngân hàng phải bị giới hạn. Ông công nhận rằng bản vị hàng hóa thương phẩm cũng không phải là lí tưởng: phải tốn chi phí để khai thác và lưu giữ hàng hoá đó; giá trị của nó dao động theo cung cầu; và chúng ta vẫn phải cần giấy tờ chứng chỉ và hệ thống kế toán để có thể sử dụng nó một cách hữu hiệu. Nhưng ưu việt quan trọng nhất của tiền hàng hoá thương phẩm là nó không phụ thuộc vào chính phủ - hoặc nói một cách cụ thể hơn là không phụ thuộc vào những chính khách đang tìm cách lấy lòng dân chúng bằng cách tạo ra những vụ tăng trưởng nóng để rồi sẽ biến thành những vụ sụp đổ đầy tai họa.

Mặc dù Mises và nhiều nhà kinh tế học Áo tiếp tục cổ vũ, chỉ còn ít người ủng hộ dùng bản vị vàng. Các chính trị gia tin rằng tiền pháp định nhìn chung vẫn có tác dụng tốt. Tuy có xảy ra lạm phát nhưng họ phản bác rằng hiện tượng này đã được nhận thức thấu đáo hơn và có thể ngăn chặn được. Và, tuy có những vụ sụt giảm kinh tế, một số vụ khá nghiêm trọng, song trong những thập kỉ qua, từ ngày không còn coi vàng là bản vị nữa, nền kinh tế thế giới đã phát triển một cách nhanh chóng.

Chừng nào còn có nhiều người tin rằng tiền pháp định quả thực đã và đang giúp nền kinh tế thế giới mở rộng một cách an toàn thì đề xuất bản vị vàng của Mises còn khó có được nhiều người ủng hộ. Kể cả như vậy, các ý tưởng của ông vẫn có nhiều giá trị đối với việc điều hành hệ thống tiền tệ quốc gia hiện nay. Đặc biệt là ý tưởng về “nghiệp vụ ngân hàng hẹp" - theo đó, số lượng tiền mới mà các ngân hàng có thể phát hành sẽ bị hạn chế một cách chặt chẽ - chịu ơn rất lớn của Mises; và đối với những người đã trải qua vụ sụp đổ tài chính theo sau vụ bùng nổ tín dụng trong những năm trước năm 2007, chính sách tiền tệ quả thực đã gây ra sức ảnh hưởng nhất định.

Chú thích:

(1) Xin đọc Theory of Money and Credit

(2) Hoạt động mà các ngân hàng THƯƠNG MẠI thực hiện duy trì dự trữ các tài sản có khả năng chuyển hoán cao ở một mức nào đó, thường là mức thấp nhất trong tổng danh mục tài sản của họ.

(3) Đối với Mises thì lạm phát là phát hành quá nhiều tiền hoặc nới lỏng tín dụng, vượt quá nhu cầu của chúng, nhưng nhiều người lại sử dụng thuật ngữ này để chỉ sự tăng giá do nới lỏng tiền tệ và tín dụng gây ra

Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014). [Bản dịch trên thitruongtudo.vn đã được Đinh Tuấn Minh hiệu đính].

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường