Bảo vệ môi trường, cần giảm chi phí chứ không phải thêm quy định

Bảo vệ môi trường, cần giảm chi phí chứ không phải thêm quy định

Để đến nơi làm việc ở Washington D.C., tôi phải đi một chuyến xe buýt dài. Hầu hết mỗi sáng, tôi đều mải mê đọc tin tức mới nhất hoặc một bài báo học thuật, nhưng sáng hôm kia, tôi nghĩ về một vấn đề nan giải và tìm được câu trả lời khi nhìn ra cửa sổ. Câu trả lời trở nên rõ ràng khi tôi nhận ra có biết bao ô tô chở hàng ngoài kia, và mỗi chiếc xe đều tham gia vào một giao dịch kinh tế thuộc loại này hay loại khác. Tất cả đều liên quan đến chi phí giao dịch.

Ronald Coase, người từng đoạt giải Nobel, lần đầu tiên khiến chúng ta chú ý đến chi phí giao dịch vào những năm 1930. Nghiên cứu của ông, Bản chất của hãng (The Nature of the Firm), đã xem xét vai trò của cái mà sau đó được gọi là “chi phí marketing” trong việc cho phép một giao dịch kinh tế diễn ra và bản chất cụ thể của hợp đồng lao động trong việc giảm các chi phí này.

Chi phí giao dịch, hiểu một cách đơn giản nhất, là chi phí phát sinh khi thực hiện một giao dịch kinh tế như mua điện thoại mới, tư vấn pháp lý hoặc đến Maui nghỉ dưỡng. Nếu chi phí giao dịch quá cao, giao dịch sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, chính những giao dịch này là cơ sở của việc tạo ra của cải. Như David R. Henderson đã nói: “Cách duy nhất để tạo ra của cải là chuyển các nguồn lực từ nơi sử dụng ở giá trị thấp hơn sang nơi sử dụng với giá trị cao hơn. Hệ quả là cả hai bên đều có lợi từ trao đổi”.

Vì vậy, nếu chi phí giao dịch quá cao, các tài nguyên sẽ bị giữ lại ở các mục đích sử dụng ít giá trị. Ví dụ tôi giữ tiền ở trong túi thay vì mua một chiếc điện thoại mới, luật sư đầu tư vào các kỹ năng nhưng không mang lại lợi nhuận hoặc máy bay cất cánh với khoang chứa đồ trống rỗng. Giảm chi phí giao dịch có lợi cho tất cả mọi người. Công nghệ đã là một yếu tố thúc đẩy điều này trong nhiều thập kỷ kể từ khi Coase viết nghiên cứu đầu tiên. Tuy nhiên, có những cách khác để giảm chi phí giao dịch – chẳng hạn như thể chế pháp trị giúp tiết giảm chi phí giao dịch của tham nhũng.

Thật vậy, sự thịnh vượng của nước Mỹ có thể được giải thích bởi việc giảm chi phí giao dịch. Ví dụ, việc phát minh và sử dụng ô tô đã làm giảm chi phí giao dịch của giao thông đường dài. Tất cả những ô tô chở hàng vút qua xe buýt của tôi đều tham gia vào các giao dịch kinh tế mà một trăm năm trước còn là điều không tưởng.

Giữ chi phí ở mức thấp

Những điều kể trên không phải tất cả những gì giảm chi phí giao dịch có thể làm được. Trong nghiên cứu xuất sắc thứ hai của mình, Coase đã xem xét “Vấn đề chi phí xã hội”. Phân tích của Coase ở đây, cái gọi là “ngoại ứng (externalities)” của kinh tế không chỉ là câu chuyện về một bên gây tổn thất cho bên khác, mà là xung đột lợi ích có thể được giải quyết bằng một giao dịch kinh tế nếu chi phí giao dịch đủ thấp.

Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới mà Venmo1 giúp việc trả tiền khi mua chung bánh pizza trở nên dễ dàng. Liệu có quá khó để tin rằng các vấn đề phiền toái về môi trường không thể được giải quyết một cách nhanh chóng và dễ dàng bằng các cơ chế chia sẻ chi phí phù hợp? Mặc dù chúng ta có thể chưa đạt được điều đó, nhưng chúng ta đã tiến gần hơn rất nhiều so với cách đây vài năm. Như tôi đã viết2, công nghệ chia sẻ nhà và chia sẻ xe đã tạo ra thị trường mới chỉ đơn giản bằng cách giảm chi phí giao dịch khi giúp mọi người kết nối với nhau. Vậy thì các thị trường môi trường mới cũng có thể được tạo ra theo những cách tương tự.

Nếu bạn muốn cứu loài cú đốm? Hãy sử dụng nền tảng huy động vốn cộng đồng, bạn có thể góp phần đền bù cho chủ sở hữu rừng không thể khai thác gỗ.

Thật không may, trong khi nhiều chi phí giao dịch đang có xu hướng giảm, một số lại đang tăng lên. Điều này thường là do các quy định. Các quy định thanh toán có thể khiến các ứng dụng như Venmo trở nên quá đắt để sử dụng. Các quy định cấp giấy phép hành nghề có thể khiến việc kinh doanh các kỹ năng của bạn bất hợp pháp trừ khi bạn có được giấy phép sau khi phải trải qua hàng nghìn giờ học và tiêu tốn hàng trăm đô la. Các quy định về môi trường cản trở khả năng thực hiện một chiến dịch gây quỹ cộng đồng để cứu loài cú đốm (thay vào đó, số tiền này sẽ được chuyển cho các nhóm hoạt động vì môi trường, những người chỉ vận động hành lang để đẻ ra thêm quy định).

Đây chính là vấn đề vì tất cả những quy định đó đang cản trở việc làm ra nhiều của cải hơn. Không phải ngẫu nhiên mà tình trạng thu nhập trì trệ ở Mỹ cũng bắt đầu cùng với thời điểm các quy định sinh sôi nảy nở. Công nghệ đã khiến chúng ta đi trước một số quy định, nhưng chúng ta vẫn sẽ được hưởng lợi khi trút bỏ gánh nặng gần 1,9 nghìn tỷ đô la Mỹ3 hàng năm.

Nếu có thể dỡ bỏ gánh nặng đó, chi phí giao dịch sẽ giảm xuống và thậm chí sẽ có nhiều ô tô chở hàng hơn tăng tốc trên đường cao tốc. Nếu bạn lo lắng về chi phí tắc đường, thì công nghệ xe tự lái và dịch vụ chia sẻ xe có thể giải quyết vấn đề đó, miễn là chi phí giao dịch đủ thấp. Bởi lẽ, cuối cùng thì tất cả đều liên quan đến chi phí giao dịch.

Chú thích:

(1) Venmo là dịch vụ thanh toán qua di động, do Paypal sở hữu tại Mỹ

(2) https://cei.org/blog/the-sharing-economy-is-more-than-just-uber/

(3) Ước tính của Viện Competitive Enterprise Institute vào năm 2012, chi phí do các luật liên bang tại Mỹ vượt quá 1,8 ngàn tỷ USD

Nguồn: Iain Murray, FEE’s Essential Guide to protecting the environment, FEE, 18/7/2018

Dịch giả:
Vũ Huệ Ngân
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh