[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Phần 1)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Phần 1)

Đồng ý rằng về lý thuyết tự do tốt là một chuyện. Nhưng khi trông thấy các gia đình tan vỡ, môi trường sống bị đe dọa và tội ác gia tăng mà vẫn tuyên bố rằng nhà nước chẳng có vai trò gì trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể đó lại là chuyện hoàn toàn khác. Đấy là lý do vì sao nhiều người theo chủ nghĩa tự do cá nhân tiềm tàng rời bỏ đội ngũ.

Nhưng họ nên ở lại. Chính phủ không thể giải quyết những vấn đề đó. Trên thực tế, chính phủ  thường tạo ra nhiều vấn đề. Chủ nghĩa tự do cá nhân cung cấp một khuôn khổ giải quyết vấn đề tốt hơn những biện pháp cưỡng chế của chính phủ. Khuôn khổ đó được trình bày trong phần sau đây.

Đương nhiên, đây chưa phải là toàn bộ danh mục tất cả những vấn đề chính sách lẫn đáp án của chủ nghĩa tự do cá nhân, có thể thấy những thảo luận kỹ lưỡng hơn về nhiều vấn đề trong những tác phẩm được liệt kê ở phần cuối cuốn sách này. Ngay cả những tác phẩm đó cũng không giải quyết được tất cả các vấn đề thuộc về chính sách. Không được coi các cách tiếp cận của chủ nghĩa tự do cá nhân đối với chính sách công như là một giáo lý mà là một tập hợp những giải pháp kỹ thuật, có thể áp dụng cho nhiều vấn đề. Nhiều đề xuất trong chương này là nỗ lực nhằm “đưa món trứng rán trở lại thành trứng”, tức là áp dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do với những vấn đề của thế giới hiện thực, mà nhiều khi lại do chính phủ quá khổ gây ra. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn không phải chỉ là liệt kê những mục tiêu của chủ nghĩa tự do, mà là vạch ra con đường dẫn đến các mục tiêu của xã hội tự do.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách xác định ba tác nhân, dường như làm cho người hoài nghi với những ý tưởng của chủ nghĩa tự do và ủng hộ việc sử dụng chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế và xã hội:

Không nhận thức được rằng xã hội tự do đã làm được biết bao nhiêu việc. Dễ dàng chỉ ra những vấn đề trên thế giới – đói nghèo, ô nhiễm môi trường, phân biệt chủng tộc…v.v. – nhưng chúng ta không được quên những thành tựu có thật, trong lĩnh vực kinh tế và những lĩnh vực khác, mà chúng ta đã đạt được nhờ thị trường tự do và chế độ pháp quyền.

Nhìn hiện thực như một bức ảnh tĩnh, tức thời. Thường thì chúng ta chỉ nhìn thấy một phần tách rời của xã hội, bất động trong thời gian và đòi hỏi hành động nhằm khắc phục vấn đề. Nhưng chúng ta cần phải hiểu quá trình thay đổi kinh tế và xã hội. Chúng ta lo lắng về việc AT&T công bố sa thải 40.000 công nhân mà không nhận thấy rằng trong 12 tháng qua, các công ty Mỹ - dần dần, hết ngày nọ đến ngày kia, hết công ty này đến công ty khác – đã tạo thêm được 2 triệu việc làm.

Thái độ gia trưởng. Quan niệm cho rằng người khác không có khả năng đưa ra quyết định tốt là khá phổ biến. Chúng ta ít khi đòi hỏi chính phủ quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của chúng ta, nhưng nhiều người trong chúng ta lo lắng rằng những người khác không biết chọn trường cho con em của họ, không biết chọn loại thuốc phù hợp với mình hoặc có những quyết định phi lý về mặt kinh tế.

Không được quên những sai lầm đó, cũng như không được quên các nguyên tắc về trách nhiệm cá nhân, về quyền sở hữu, về chế độ pháp quyền và nguyên tắc cạnh tranh khi ra quyết định1, thì mới có thể phân tích các vấn đề chính sách hiện hành và cách thức giải quyết chúng. 

Phục hồi tăng trưởng kinh tế

Vấn đề lớn nhất đối với hầu hết người Mỹ trong những năm 1990 là giữ vững và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Khi bàn về thịnh vượng ở Mỹ hiện nay, cần chỉ ra hai điểm cơ bản: Thứ nhất, chúng ta có nhiều của cải hơn – trong đó có sức khỏe tốt hơn và đời sống tiện nghi hơn - bất kỳ dân tộc nào khác, trong bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử thế giới. (Người dân ở các nước dân chủ tư bản khác cũng được hưởng một mức sống chưa từng có trước đây, nhưng nói về không gian sống và hàng tiêu dùng, một người trung bình ở Đức hay Nhật Bản tiêu thụ ít hơn khoảng 30% so với một người trung bình ở Mỹ). Thứ hai, sự can thiệp của chính phủ đã làm rối loạn các tiến trình của thị trường, làm cho chúng ta không được thịnh vượng như đáng lẽ chúng ta có thể được hưởng và những người ít của cải nhất và thu nhập thấp nhất cảm thấy điều này rõ ràng hơn ai hết.

Tin vui

Trước hết xin xem vấn đề thứ nhất: Trong những năm 1990, chúng ta nghe nhiều người nói về việc chậm tăng lương, suy giảm tầng lớp trung lưu và sợ rằng thế hệ trẻ sinh ra trong giai đoạn bùng nổ sinh sản thời kì hậu chiến (Thế chiến II –ND) không được khá giả như cha mẹ của họ, còn thế hệ X thì sẽ không bằng thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Mặc dù lo lắng như thế là chính đáng, chúng ta sẽ bàn chuyện này sau; nhưng chúng ta không được quên rằng kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra được một mức sống mà các thế hệ trước đó không thể nào tưởng tượng nổi, theo đúng nghĩa đen của từ này.

Những người phê phán chủ nghĩa tư bản hiện nay thừa nhận rằng, đến năm 1970 hoặc lâu hơn một chút, mức sống đã liên tục gia tăng; họ bảo rằng tiền lương không còn tăng nữa và mức sống bắt đầu giảm trong suốt hai thập kỷ qua. Michael Cox làm cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở Dallas và Richard Alm, phóng viên tờ Dallas Morning News đã phân tích một cách có phê phán những lới tuyên bố kiểu như thế và phát hiện ra một câu chuyện khác. Đúng là từ giữa những năm 1970, lương trả theo giờ có giảm đi một chút, nhưng tổng số tiền mà doanh nghiệp thanh toán thì tiếp tục tăng, tuy có chậm. Trong hai mươi năm qua, người lao động đã nhận được nhiều hơn dưới dạng bảo hiểm y tế, đóng góp vào quĩ hưu bổng và những hình thức phúc lợi khác, tức là những khoản không được tính vào lương trả theo giờ.

Có đúng là chúng ta làm việc vất vả hơn, trong khi thu nhập lại tăng chậm hay không? Không phải. Trong năm 1950, người Mỹ trung bình làm 1.903 giờ, năm 1973 làm 1.743 giờ, năm 1990, làm 1.562 giờ. Chúng tôi làm việc ít năm hơn, vì chúng ta bắt đầu làm việc muộn hơn và nghỉ hưu sớm hơn so với trước đây và nghỉ hưu nhiều năm hơn, vì tuổi thọ gia tăng.

Còn hàng tiêu dùng thì sao? Nói cho cùng, hàng tiêu dùng là mục tiêu đích thực các quá trình kinh tế. Chúng ta không làm việc để kiếm tiền, chúng ta làm việc để có thể mua được nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn. Theo Cox và Alm, từ năm 1970 đến năm 1990, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi trong mức sống của chúng ta: Kích thước trung bình của một ngôi nhà mới tăng từ 1.500 lên 2.080 feet2 ( 1 feet2 = 0,09290304, tức là tăng từ khoảng 139m2  lên 193m2 – ND). Tỷ lệ hộ gia đình có TV màu đã tăng từ 33,9% lên 96,1 %. Số hộ gia đình có truyền hình cáp đã tăng từ 4 triệu lên 55 triệu và số gia đình có VCR (Video Cassette Recording) tăng từ 0 lên 67 triệu. Năm 1970, hầu như không nhà nào nào có lò vi sóng, trong khi năm 1990, 79% số gia đình đã có.

Người nghèo có nằm ngoài tất cả các tiến trình này hay không? Theo định nghĩa, người nghèo có ít của cải hơn người không nghèo. Đó là lý do vì sao mọi người đều cố gắng để trở thành giàu có hơn. Một khi sản phẩm đã được phát minh và sau đó trở thành rẻ hơn thì chúng sẽ lan tràn khắp xã hội. Năm 1971, 44,5% tất cả các hộ gia đình có máy sấy quần áo; năm 1994, 50,2% hộ nghèo có máy sấy. Năm 1971, 83,3% tất cả các hộ gia đình có tủ lạnh; năm 1994, 97,9% hộ nghèo có tủ lạnh. Năm 1971, không nhà nào có lò vi sóng hay VCR; năm 1994, 60% hộ nghèo đã có cả lò vi sóng lẫn VCR. Cũng năm 1994, 92% các hộ gia đình nghèo có TV màu, trong khi đó năm 1971, chỉ có 43% tất cả các gia đình có TV màu mà thôi. Năm 1970, 6,9% nhà ở không có đầy đủ đường ống cấp và thoát nước; năm 1990 con số này chỉ còn là 1,1%.

Người Mỹ hiện nay giàu có hơn, khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và có cuộc sống tiện nghi hơn so với bất cứ dân tộc nào khác trong lịch sử. Đôi khi có người gọi sự tăng trưởng kinh tế như thế là “phép lạ”, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi người dân được phép sản xuất và buôn bán trong thế giới của quyền sở hữu tài sản và chế độ pháp quyền. Điều làm cho nó có vẻ lạ lùng là tại rất nhiều nước trên thế giới, trong phần lớn lịch sử loài người, quyền lực nhà nước đã đàn áp và nghiền nát hệ thống tự do tự nhiên, đơn giản, mà Adam Smith đã nói tới.

Tin buồn

Mặc dù vậy, trong những năm 1990, người Mỹ vẫn cảm thấy lo lắng. Họ thấy rằng mức sống không tăng nhanh như họ kỳ vọng và trẻ em hôm nay có thể không sống sung túc như cha mẹ của chúng. Có lẽ chúng ta đã quên rằng mức sống không tự động gia tăng; nó phải được tạo ra, nhờ tích lũy và làm việc chuyên cần.

Đúng là chúng ta đang gặp khó khăn và tương lai còn có những vấn đề lớn hơn nữa. Mặc dù trong nền kinh tế của chúng ta đã xuất hiện nhiều loại hàng hóa tiêu dùng mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Mỹ đã giảm đáng kể. Từ năm 1973 đến năm 1990, GNP (Gross National Product - Tổng sản phẩm quốc gia - ND) trên đầu người ở Hoa Kỳ chỉ tăng 1,5% một năm, trong khi GNP trên đầu người của Nhật tăng 3.1% một năm. Từ năm 1947 đến năm 1973, sản lượng thực tế của người lao động đã tăng gấp đôi, sau đó gần như đứng lại. Như vậy là, từ năm 1973 trở đi, tổng số tiền trả cho một công nhân chỉ tăng có 20% so với trước.

Tại sao tốc độ tăng trưởng kinh tế lại giảm? Các nhà kinh tế học và chuyên gia đã đưa ra những câu trả lời khác nhau và chắc chắn đây là vấn đề phức tạp. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là chính phủ đánh thuế ngày càng cao, ngày càng có thêm quy định và can thiệp sâu hơn vào quá trình trao đổi đầy hiệu quả trên thương trường. Mỗi giao dịch trên thị trường đều hướng dẫn sao cho các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mọi hành động cản trở quá trình trao đổi tự nguyện đều làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Khi người ta dùng thuế để thu nguồn lực từ những người làm ra chúng và để cho các quan chức chính phủ chi tiêu những khoản này thì các nguồn lực đó không còn hoạt động một cách hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như khi chính các chủ nhân của chúng sử dụng nữa. Khi nhà nước ban hành những quy định cấm người dân tiến hành những cuộc trao đổi có giá trị đối với họ, thì chắc là nền kinh tế sẽ không còn năng suất như trước nữa.

Việc lan truyền của cải - hàng hóa và dịch vụ cho tất cả mọi người trong xã hội -  được các cá nhân tạo ra trên thị trường bằng cách sản xuất và trao đổi với nhau. Chính phủ chỉ có thể thu được nguồn lực bằng cách tước đoạt của những người làm ra chúng. Trong vài thập kỷ qua, chính phủ ngày càng thu nhiều hơn từ khu vực tư nhân. Có nhiều cách đánh giá mức độ cướp bóc của chính phủ từ khu vực sản xuất. Có thể xem xét thuế suất thuế thu nhập hoặc tổng chi tiêu của chính phủ. Chúng ta có thể tính chi tiêu của chính phủ bằng tỷ lệ phần trăm GDP (tổng sản phẩm quốc nội - ND), nhưng vì GDP bao gồm những món hàng hóa và dịch vụ mà chính phủ mua, cả ở tử số lẫn mẫu số, cho nên như thế là tính hai lần. Ông Dean Stansel của Viện Cato có cách tiếp cận tốt hơn, đó là tìm cách đánh giá chi tiêu chính phủ ở tất cả các cấp chính quyền (liên bang, tiểu bang và địa phương) theo tỷ lệ phần trăm của số của cải mà người Mỹ tạo ra. Tất cả các khoản chi của chính phủ - thuế khóa hoặc những khoản vay – đều lấy tiền từ khu vực tư nhân đầy hiệu quả của nền kinh tế và được chi theo nhu cầu chính trị. Tính toán của Stansel tương tự như bảng dưới đây, chúng ta có thể gọi đấy là Chỉ số cướp bóc của chính phủ. Không có gì ngạc nhiên là khi mức độ cướp bóc của chính phủ vượt quá 50% thì nền kinh tế sẽ phát triển chậm lại một cách đáng kể. Hãy tưởng tượng nền kinh tế của chúng ta sẽ mạnh và có năng suất cao đến mức nào nếu chính phủ không thu quá một nửa số số cải do những người sản suất làm ra.

Bảng 1

Phần trăm số của cải trong khu vực tư nhân bị nhà nước tước đoạt.

Năm        

Phần trăm 

1929   

13.7

 

1939

31.4

 

1947

26.4

 

1960 

42.5

 

1970 

51.5

 

1980

52.2

 

1990

55.8

1994

54.5

Nguồn: Dean Stansel, “Tổng chi tiêu của chính phủ, tính bằng phần trăm của khu vực kinh tế tư nhân, tài liệu chưa công bố của Viện Cato, 1995.

Xin xem xét việc chi tiêu của chính phủ. Chính phủ Mỹ hiện nay chi khoảng 2,6 nghìn tỷ USD một năm – nghĩa là 2.600.000.000.000 USD hay số tiền đủ để mua tất cả đất nông nghiệp ở Mỹ cộng với tất cả số cổ phiếu của 100 các tập đoàn lớn nhất trong nước. Tức là mỗi hộ gia đình mất khoảng 24.000 USD/một năm. Bảng sau đây cho thấy khoản chi tiêu đó đã gia tăng như thế nào (đã được điều chỉnh theo lạm phát). Khó tin rằng một gia đình Mỹ nào đó nhận dịch vụ xứng đáng với số tiền đã chi. Nhưng, không nên cho rằng tất cả số tiền này sẽ bị “lãng phí, gian lận và lạm dụng” như Tổng thống Ronald Reagan thường nói. Các khoản chi của liên bang dùng để mua một số thứ thực sự có giá trị: quốc phòng, xây dựng đường cao tốc liên bang, chăm sóc sức khỏe, dự báo thời tiết và an sinh cho người hưu trí, nhưng một số chương trình lại có tính chất phá hoại thực sự: trợ cấp cho các doanh nghiệp, cấm đoán các loại ma túy và những biện pháp quản lý mà xã hội phải trả giá đắt. Không nên nghĩ rằng nếu cắt giảm các khoản chi của chính phủ thì mỗi người chúng ta sẽ có hàng ngàn USD để mua ô tô, quần áo và dành cho các kỳ nghỉ. Ví dụ, nếu chính phủ không cung cấp an sinh xã hội - chương trình lớn nhất của chính quyền liên bang – thì từng người Mỹ sẽ phải quyết định tiết kiệm bao nhiêu để mình có thể sống khi về hưu. Nếu chính quyền địa phương không cung cấp giáo dục miễn phí thì phụ huynh sẽ phải chi tiêu một số trong khoản tiền không phải đóng thuế của họ cho việc học tập của con em mình. Những người theo trường phái tự do cá nhân không nói rằng tất cả các khoản chi của chính phủ đều vô giá trị, họ chỉ khẳng định rằng, trên thương trường, thông qua trao đổi tự nguyện, người dân có thể mua được những món hàng tốt hơn và rẻ hơn là cơ sở độc quyền của bộ máy quản lý hành chính quan liêu cung cấp. 

Bảng 2

Chi tiêu tổng cộng của chính phủ, tính theo từng hộ gia đình (giá USD năm 1990)

Năm

1900

1930

1950

1970

1994

 

Phần trăm

1.651 (USD)

3.301

8.940

17.986

24.400

 

 Nguồn: Stephen Moore, Government: America's #1 Growth Industry (Lewisville, Texas: Viện nghiên cứu đổi mới chính sách, 1995), hình 2—5.

Những biện pháp quản lý của chính phủ cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, như đã thảo luận trong Chương 8. Nhà kinh tế học Thomas Hopkins ở của Đại học Rochester (University of Rochester) ước tính rằng các biện pháp quản lý của chính phủ làm thiệt hại cho nền kinh tế 600 tỷ USD, nếu chúng ta cộng con số này vào Chỉ số cướp bóc của chính phủ thì sẽ thấy rằng chính phủ làm giảm của cải của xã hội nhiều hơn 55% (xem bảng 1).

Biện pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế - gia tăng nhanh chóng tiền lương, nâng cao mức sống, và khôi phục niềm tin của người Mỹ rằng tương lai sẽ tốt hơn hiện tại - là giảm quy mô của chính phủ và trả của cải của nước Mỹ về cho những người làm ra nó. Chương này sẽ bàn một số biện pháp cụ thể nhằm làm giảm quy mô của chính phủ, nhưng xu hướng cơ bản rõ ràng là:

1. Tư nhân hóa các dịch vụ của chính phủ

2. Giảm các khoản chi tiêu, các khoản vay của chính phủ và giảm thuế

3. Không can thiệp vào các quá trình của thị trường

4. Trả lại cho các cá nhân quyền đưa ra quyết định quan trọng đối với cuộc sống của họ

Đấy là con đường dẫn đến cả tự do cá nhân lẫn tăng trưởng kinh tế. Chúng ta có thể đi xa đến mức nào? Điều đó phụ thuộc vào việc chúng ta tin xã hội dân sự và các quá trình thị trường đến mức nào. Những người theo phái tự do cá nhân cho rằng chúng ta có thể và phải đi một chặng đường dài nữa về phía chính phủ tối thiểu; ngoài việc bảo vệ các quyền của chúng ta bằng lực lượng cảnh sát và tòa án, và quốc phòng, khó có thể tưởng tượng được những món hàng hóa và dịch vụ mà bộ máy quan liêu của chính phủ có thể cung cấp tốt hơn là thị trường cạnh tranh.

Cũng chính sách đó: giảm thuế là tôn trọng nhân phẩm của người lao động và những thói quen tốt của sản xuất và gia tăng đến tối đa tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính phủ và các nhà trí thức cung đình thường làm cho người đóng thuế rối trí bằng cách chuyển gánh nặng thuế khóa từ sắc thuế này sang sắc thuế khác hoặc từ một nhóm đối tượng đóng thuế này sang nhóm khác, và đặc biệt là bằng cách che giấu ảnh hưởng của thuế khóa, như đã thảo luận trong Chương 9. Đánh thuế đồng loạt, thuế lũy tiến, thuế doanh thu, thuế đánh vào hàng xa xỉ phẩm - chắc chắn là có sự khác nhau, nhưng chính sách thuế khóa của những người theo phái tự do cá nhân là: giảm thuế, cho tất cả mọi người.

Giảm đến mức nào? Mục tiêu của chủ nghĩa tự do là xã hội thoát khỏi cưỡng chế. Bạn đọc nào nghĩ rằng thuế không phải là cưỡng chế, xin hãy tưởng tượng chính phủ liên bang sẽ thu được bao nhiêu thuế nếu thông báo rằng có sẽ không phạt - không kiểm tra số sách, không phạt tiền, không bắt tù - những người không đóng thuế thu nhập. Nguyên nhân mà những người vui tính ủng hộ thuế khóa không đề xuất chương trình thú vị như vậy là vì họ biết người dân Mỹ sẽ không tự nguyện nộp một nửa số tiền họ kiếm được cho chính phủ. Vì thuế là cưỡng chế, cho nên mục đích tối thượng của chủ nghĩa tự do cá nhân là loại bỏ nó. Lúc đó, chúng ta sẽ tài trợ cho các chức năng hợp pháp của chính phủ - cảnh sát, tòa án và quốc phòng – như thế nào? Một số phương án đã được đưa ra, nhưng không có phương án nào có thể làm người ta hoàn toàn thỏa mãn. Phương án tốt nhất mà chúng tôi có thể đề xuất ở đây là giảm một cách cơ bản các khoản chi tiêu của chính phủ và thuế khóa, cho đến mức thuế khóa chỉ dùng để tài trợ cho những chức năng hợp pháp của chính phủ mà thôi. Bấy giờ có lẽ chúng ta mới có thể tìm được cách loại bỏ được những khoản thuế khóa mang tính cưỡng bức còn lại. Có lẽ mọi người trong xã hội tự do thịnh vượng sẽ tự nguyện sẽ đóng góp, ví dụ, 5% thu nhập cho chính quyền, tức là chính quyền bảo vệ các quyền của họ và không can thiệp vào những việc khác. Có lẽ hàng loạt các tổ chức của xã hội dân sự - các doanh nghiệp, nhà thờ, các hiệp hội của cộng đồng - có thể tạo ra thu nhập mà chính phủ cần. Nếu các tổ chức này không làm được như thế thì mục tiêu của chủ nghĩa tự do là tối đa hóa quyền tự do cá nhân và giảm đến mức tối thiểu các biện pháp cưỡng chế; chính phủ đánh thuế 5% thu nhập nhằm bảo vệ chúng ta khỏi những hành động bạo lực của người trong trong nước hay lực lượng ngoại xâm là chính phủ gần gũi với quan niệm của chủ nghĩa tự do hơn là nhà nước quá khổ hiện nay.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) Ý nói có nhiều phương án, để người ta so sánh.

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan