Điểm sách: "Economic controversies" của Murray Rothbard
Giới thiệu
Murray Rothbard(1) (1926-1995) là kinh tế gia trường phái Áo người Mỹ. Ông được xem như là một trong những nhà tư tưởng quan trọng nhất của trường phái Áo nói riêng và chủ nghĩa tự do cá nhân nói chung, trên cả bình diện phát triển lý thuyết bên trong lẫn tầm ảnh hưởng ra công chúng bên ngoài.
Kế thừa truyền thống từ Ludwig von Mises và F. A. Hayek, Murray Rothbard cùng Israel Kirzner đã tiếp tục phát triển nền tảng lý thuyết của trường phái Áo từ những năm 1960 của thế kỉ XX. Tuy vậy, sự phát triển này vốn dĩ không nhất quán, và thậm chí là đi theo hai hướng khác nhau. Mặc dù những kết luận về kinh tế và chính trị giữa các kinh tế gia trường phái Áo là không có nhiều khác biệt, nhưng họ thường bất đồng nhau về các phân tích dẫn đến các kết luận đó, hay nói cách khác, là khác biệt trong một vài khía cạnh của phương pháp luận(2). |
Trong khi Hayek phần nhiều bị ảnh hưởng bởi Friedrich von Wieser, và sau đó đến lượt Kirzner bị ảnh hưởng bởi Hayek, thì Rothbard lại phát triển lý thuyết của mình một cách nhất quán dựa trên phương pháp luận của Bohm‐Bawerk và Mises(3). Bằng việc tiếp tục áp dụng phương pháp của Mises, Rothbard đã phát triển và hoàn thiện hóa các lý thuyết của tiền bối, trong đó có thể kể đến lý thuyết về quyền tài sản, lý thuyết về độc quyền, lý thuyết về địa tô, kinh tế học phúc lợi, v.v..
Ngoài những đóng góp cho lý thuyết kinh tế học kĩ thuật, Rothbard còn là một người đấu tranh cần mẫn cho trường phái Áo trước ảnh hưởng của các trường phái khác. Rothbard qua nhiều năm đã mạnh mẽ phê phán nhiều trường phái kinh tế, từ cổ điển đến hiện đại, qua lăng kính của trường phái Áo, và những luận điểm của ông đã được văn bản hóa trong bộ An Austrian Perspective on the History of Economic Thought. Hai tập đầu của bộ sách đã bao quát được các trường phái kinh tế tiền Adam Smith (tập 1), kinh tế học cổ điển (tập 2), và trong tập 3, Rothbard dự định sẽ viết về các trường phái kinh tế hiện đại. Dù vậy, đáng tiếc là Rothbard đã qua đời trước khi ông kịp hoàn thành tập 3. Tuy thế, những phê phán trung tâm của ông về các cách tiếp cận khác đã được ông khái quát một cách tương đối trong nhiều bài luận riêng lẻ, và tất cả được tổng hợp lại trong tác phẩm The Logic of Action, nay được in lại dưới tên Economic Controversies.
Thực chất, mục đích của Rothbard khi viết các bài luận trong Economic Controversies không chỉ nhằm để phê phán các tư tưởng đối lập, mà còn là nhằm tổng hợp lại những kết luận trung tâm của trường phái Áo theo phương pháp luận của Mises cho những vấn đề kinh tế cốt lõi như vai trò của chính phủ, thuế khóa, tiền tệ và ngân hàng trung ương, v.v. Xuyên suốt tác phẩm Rothbard liên tục đối chiếu, phân tích, phê phán những quan điểm bên ngoài trường phái Áo và thậm chí là phê bình chính những đồng nghiệp chia sẻ cùng tư tưởng với ông như Hayek, Kirzner, Lachmann hay Shackle. Trong bài viết này, thay vì nhắc lại các kết luận trung tâm của Mises cũng như Rothbard, bài giới thiệu này sẽ chỉ tóm tắt lại quan điểm của Rothbard về những khía cạnh mà theo ông đã đi lệch khỏi truyền thống của Mises, nằm trong chương II, The Austrian School của tác phẩm Economic Controversies, gồm phương pháp luận (bao gồm chủ quan luận, logic về hành động con người), và sau đó là các lý thuyết nền tảng (tính bất trắc, lý thuyết về nghiệp chủ, tính toán kinh tế XHCN, lý thuyết về điểm cân bằng).
Về phương pháp luận
1. Logic về hành động con người (Praxeology)
Đối với các kinh tế gia trường phái Áo, thì công cụ phân tích để có thể giải thích các hiện tượng kinh tế phải là praxeology. Tuy vậy, có nhiều khác biệt giữa praxeology của Mises và Hayek, vốn đến từ hai quan điểm khác nhau của họ về lý trí (reason). Với Mises, bất cứ hành động nào của con người đều là có mục đích (purposeful) và có ý thức (consciously), và bằng lý trí của mình, lựa chọn phương thức để theo đuổi nó. Dù rằng Mises hiểu rõ là không phải lúc nào con người cũng hành động theo lý trí, nhưng điều đó không phải là điều đáng bận tâm, vì rằng có lý trí chính là điểm đặc trưng của có người, làm cho con người khác với loài vật. Thế nên, ta luôn phải chấp nhận một thực tế là con người có lý trí, bất kể là con người có luôn hành động theo lý trí hay không. Thực chất, xuyên suốt tác phẩm kinh điển Human Action của mình, Mises không hề đề cập tới khái niệm lý tính (rationality) của con người.
Dù vậy, Hayek đã loại bỏ lý trí và mục đích ra khỏi phân tích về hành động về con người của mình, mà thay vào đó ông đặt tri thức (knowledge) làm trung tâm. Vì tri thức của con người tồn tại dưới dạng phân tán, con người không thể hội tụ tri thức cá nhân hoàn hảo. Kết quả là, con người chỉ hành động một cách vô ý thức dựa vào các quy tắc có sẵn trong xã hội. Đồng ý là các quy tắc có sẵn là một yếu tố quan trọng, nhưng đưa nó làm trung tâm của phân tích không thể trả lời được hai câu hỏi, thứ nhất, tại sao những quy tắc này lại có sẵn từ đầu, và thứ hai, bằng cách nào nó lại luôn luôn thay đổi, và bằng cách nào con người có thể thích nghi với sự thay đổi này. Hayek đưa ra ba cơ sở cho phân tích của mình: trật tự tự phát, kết quả không tiền định được cho hành động của con người, và sản phẩm của hành động con người, chứ không phải là thiết kế của họ. Với Rothbard, vì hành động con người luôn là có mục đích và là các hành động tự nguyện, thành ra các trật tự xã hội luôn gắn với các mục đích của các hành động này, và đó là một trật tự tự nguyện (voluntary order) chứ không mang tính tự phát (spontaneous). Nếu các trật tự xã hội mang tính tự phát, thì phải chăng nó cũng tự phát từ các hành động mang tính cưỡng bức (coercive action) hơn là các hành động tự nguyện.
Thứ nhì, nếu Hayek cho rằng các trật tự xã hội vốn là sản phẩm không định trước từ hành động con người, thì điều này hàm nghĩa rằng hành động của con người luôn đưa tới những kết quả mà họ không định trước. Thế thì ngay từ đầu con người hành động làm gì nếu hành động của họ đưa tới những kết quả mà họ không lường trước được? Với Mises, con người hành động vì họ có mục đích, lý trí của con người cho phép họ biết rằng mục đích của họ có thể đạt được qua hành động, nếu không thì con người sẽ không khác gì các loài vật khác.
Việc đưa tri thức vào praxeology của Hayek cũng đồng nghĩa là chúng ta phải quan tâm không chỉ đến hành động của con người như với Misesian praxeology, mà còn phản ứng của họ nữa, cũng như việc các phản ứng này ảnh hưởng thế nào thế việc sử dụng và lan tỏa tri thức. Praxeology của Mises chỉ quan tâm đến logic nguyên nhân – kết quả của hành động chỉ trong phạm vi cá nhân (individual causation), tuy nhiên Hayek lại tự tạo ra mâu thuẫn cho chính mình khi những lý thuyết như phân hữu tri thức, trật tự tự phát, v.v. lại phải được mở rộng ra thành mối quan hệ nguyên nhân – kết quả ở phạm vi xã hội (social causation), cũng như phải giải thích các mối quan hệ ở tầm xã hội đó. Mặt khác, muốn giải thích, ta lại phải giải thích đến bản chất (content) của hành động, trong khi Misesian praxeology chỉ quan tâm tới sự hình thành (formation) của hành động mà thôi, nói cách khác, là mục đích của hành động.
2. Chủ quan luận (Subjectivism)
Một trong những lý thuyết quan trọng của Trường phái Áo là lý thuyết về giá trị chủ quan (theory of subjective value). Dù vậy, lý thuyết Misesian là một sự cân bằng giữa tính chủ quan và tính khách quan. Praxeology của Mises nhấn mạnh nguyên nhân ‐ kết quả (cause‐effect), và nếu mệnh đề A đúng suy ra một mệnh đề B đúng thì quy luật đó hoàn toàn đúng một cách khách quan. Nói cách khác, Misesian praxeology nhấn mạnh tính khách quan của logic diễn dịch. Ngoài ra, Misesian praxeology còn bao hàm sự tồn tại khách quan của thế giới bên ngoài mà trong đó con người đang sinh sống, hành động khách quan của con người, cũng như lý trí khách quan tuyệt đối của con người (objective absolute reason).
Việc đưa lý thuyết về giá trị chủ quan thành ultra‐subjectivism vốn cho rằng tất cả mọi thứ đều chủ quan, Hayek, Lachmann và Shackle đã đưa ra nhiều quan điểm về tính bất trắc, vai trò nghiệp chủ và tính cân bằng mà theo Rothbard là sai lạc.
Các lý thuyết nền tảng
1. Logic về hành động con người (Praxeology)
Với lý thuyết Misesian, tính bất trắc đến từ việc con người sở hữu một phần tri thức về thế giới xung quanh, và con người phải sử dụng tri thức đó cùng lý trí tuyệt đối để đưa ra phán đoán cho những vấn đề mà mình vốn dĩ không biết hoặc không có khả năng biết. Con người của Mises, dù biết rất ít nhưng cũng biết rất nhiều: anh ta biết về việc một tài nguyên nhất định tồn tại ở một vài nơi và chắc chắn không tồn tài ở một vài nơi khác, anh ta biết hàng hóa gì khi bán ra sẽ thỏa mãn người tiêu dùng, và anh ta cũng biết các kiến thức thuần túy kỹ thuật để sản xuất hàng hóa, v.v. Cái anh ta thiếu là bức tranh về tương lai, về cầu trong tương lai, về các đối thủ cạnh tranh, cũng như về giá cả và chi phí, những thứ dẫn đến tính bất trắc mà một nghiệp chủ phải đối mặt. Bất trắc của Mises, vì thế, có thể tạm cho là bất trắc có mức độ (moderate‐uncertainty).
Tuy nhiên, Lachmann, dưới ảnh hưởng của Shackle, đã đẩy quan điểm này lên thành bất trắc tuyệt đối (radical‐uncertainty), rằng con người thì rất tường minh về quá khứ, nhưng hoàn toàn vô minh về tương lai. Nói cách khác, trong tương lai, con người hoàn toàn ngu muội và bị động. Quan điểm này, với Rothbard, là hoàn toàn sai lệch. Lấy thí dụ, con người có thể không viễn kiến đủ tốt để trở thành một nghiệp chủ thành công, nhưng anh ta biết chắc hẳn rằng mình sẽ không bao giờ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Hay ngược lại, dù có thể chúng ta biết rằng Đức Quốc Xã và Liên bang Soviet đã phá vỡ hòa ước Molotov–Ribbentrop, nhưng chúng ta không thể biết rõ trăm phần trăm vì sao hiệp ước lại bị phá vỡ. Ở trường hợp này, tri thức của con người về tương lai thực sự rõ ràng hơn nhiều tri thức về quá khứ, đối lập với quan điểm của Shackle và các nhà ultra‐subjectivist. Với việc bác bỏ hoàn toàn tri thức về tương lai cũng như các sự thật khách quan mà con người hiểu rõ, các ultra‐subjectivist đã gián tiếp bác bỏ luôn việc các chủ thể kinh tế áp dụng các quy luật cung‐cầu, quy luật giá cả‐tiền tệ để tính toán lợi nhuận ‐ thua lỗ, và do đó biến họ thành những người theo phái Cựu Thể chế (old‐institutionalist) chỉ biết thuần túy miêu tả lịch sử như Thorstein Veblen.
2. Lý thuyết về nghiệp chủ (entrepreneurship)
Với việc hạ thấp lý trí của con người, quan điểm của những người Misesian và phi‐Misesian vềnghiệp chức cũng khác nhau.
Với Hayek‐Kirzner, thì tri thức của những người nghiệp chủ chỉ đến từ thị trường và hệ thống giá cả. Vì con người vốn vô minh, anh ta phải học lấy từ thị trường, phải chấp nhận những quy luật được khai triển và tiến hóa (evolved rules). Người nghiệp chủ chỉ có một công cụ duy nhất là hệ thống giá cả để đưa ra quyết định đầu tư. Người nghiệp chủ của Mises thì biết nhiều hơn thế, tín hiệu giá cả là một thông tin quan trọng cho người nghiệp chủ, nhưng không phải là tri thức duy nhất.
Với Hayek‐Kirzner, tín hiệu giá cả là một báo hiệu (alertness), nếu người nghiệp chủ nhìn ra nó trước những người khác thì anh ta sẽ có lợi nhuận. Nhưng nếu hình ảnh tín hiệu là minh họa cho lợi nhuận (profit), thì Hayek‐Kirnzer lại không giải thích được cho trường hợp thua lỗ (loss). Từ ban đầu, nếu giả định rằng người nghiệp chủ không biết gì từ thông tin từ hệ thống giá cả, thì cũng hàm nghĩa với việc rằng anh ta chỉ tuân theo và hành động theo hệ thống giá cả một cách bị động và không chịu rủi ro gì cả.
Mặt khác, lợi nhuận ‐ thua lỗ của Mises được giải thích bằng khả năng viễn kiến của nghiệp chủ, anh ta có lợi nhuận khi viễn kiến tốt tương lai và chịu lỗ ở trường hợp ngược lại, nhưng người nghiệp chủ của Hayek‐Kirzner lại chỉ nhìn thấy hiện tại, và không làm gì cả trước khi hệ thống giá cả báo hiệu cho anh ta. Nói tóm lại, thông tin mà người nghiệp chủ của Hayek‐Kirzner có là thông tin định lượng (giá cả), trong khi người nghiệp chủ của Mises sở hữu cả thông tin định tính (lý trí, logic) cũng như định lượng.
3. Lý thuyết về điểm cân bằng (equilibrium)
Trường phái Áo phê phán lý thuyết Tân cổ điển về cân bằng tổng thể của nền kinh tế. Lachmann và Shackle đã miêu tả thị trường là một quá trình (process) diễn biến liên tục, và gạt đi điểm cân bằng trong phân tích của họ. Với họ, điểm cân bằng không đi từ một điểm này sang một điểm khác, mà nền kinh tế luôn ở trạng thái không cân bằng (disequilibrium). Tuy vậy, Mises không bác bỏ sự tồn tại của điểm cân bằng, mà là vì điểm cân bằng liên tục thay đổi, thế nên nó không phải là vấn đề quan tâm chính của Trường phái Áo, mà thay vào đó là quá trình trao đổi (exchange). Tuy vậy, vì hành vi con người là có chủ đích, nên việc con người hành động thì trong tâm trí anh ta đã mường tượng một điểm cân bằng nào đó khi hành động của anh ta kết thúc. Mặt khác, việc đưa ra các quy luật kinh tế ta phải kết hợp điều kiện ceteris paribus, nên việc giả định các biến khác không đổi cũng ngầm ẩn việc ta đi từ một điểm cân bằng này đến một điểm cân bằng khác.
Hayek và Kirnzer, tuy giữ lại điểm cân bằng trong phân tích của mình, lại cho rằng điểm cân bằng vốn có sau (ex post), rằng con người hành động trong nền kinh tế đang đưa thị trường đến điểm cân bằng nhưng lại không biết mình đang làm vậy. Với Mises, điểm cân bằng lại có trước (ex ante) vì tính có chủ đích trong hành động của các chủ thể kinh tế, tức là anh ta đã mường tượng ra kết quả của hành động ngay trước khi thực hiện hành đồng, và chính kết quả này là xung lực đưa thị trường đến điểm cân bằng. Ở đây, tính có trước (ex ante) của hành động mặc nhiên sinh ra hiệu ứng theo sau (ex post).
Với Hayek, tương tác giữa các con người kinh tế là qua việc học hỏi tri thức của nhau, hay qua sự kết hợp giữa các kế hoạch (plan coordination). Dù vậy, với Rothbard, việc các kế hoạch tương hợp được với nhau để đi đến điểm cân bằng là bất khả. Rothbard cho rằng, trước khi đạt tới điểm cân bằng thì không có bất cứ khả năng nào để cho các kế hoạch có thể tương hợp được, vì sự thay đổi liên tục của kì vọng, cũng như sự thăng giáng liên tục của giá cả. Với Mises và Rothbard, sự kết hợp giữa các cá nhân chỉ thuần túy dựa vào hệ thống giá cả (price coordination). Thu nạp tri thức chỉ là một quá trình của riêng biệt một cá nhân. Mặt khác, sự thăng giáng liên tục giá cả là một quá trình mang tính xã hội của thị trường, đưa ra thông tin cho tất cả các chủ thể kinh tế. Tri thức và kế hoạch không phải là các công cụ để kết hợp giữa các đối tượng kinh tế, mà chỉ là phương tiện để đưa ra các tính toán kinh tế từ hệ thống giá cả.
4. Lý thuyết về tính toán kinh tế XHCN (socialist economic calculation)
Một hệ quả nữa của việc sử dụng tri thức làm trung tâm cho phân tích của Hayek là quan điểm của ông về tính toán kinh tế XHCN (socialist calculation). Hayek cho rằng nền kinh tế kế hoạch hóa thất bại vì chính quyền trung ương không hội tụ đủ kiến thức để ra một tính toán kinh tế duy lý. Đặt vấn đề một cách ngược lại, nếu bằng cách nào đó chính quyền trung ương có đủ tri thức của thị trường, nếu chiếu theo quan điểm của Hayek thì mặc nhiên chính quyền có khả năng đưa ra một tính toán kinh tế duy lý. Dù phái Lựa chọn công sau này đã lý luận rằng nếu chính quyền có đủ tri thức thì họ vẫn sẽ đưa chính sách sai vì hiện tượng trục lợi kinh tế (renk‐seeking), nhưng với Mises thì vấn đề của chính quyền trung ương không phải là ở tri thức cũng chẳng ở rent‐seeking, mà là nằm ở khả năng tính toán (calculability). Vì không có thị trường thì sẽ không có chi phí và giá cả, và vì thế chính quyền trung ương dù có đủ tri thức đi nữa thì vẫn không thể đưa ra một tính toán kinh tế duy lý. Tính khả toán không nằm ở tri thức, thứ mang tính tĩnh và thuộc về thực tại, nhưng lại nằm ở chi phí và giá cả, vốn thuộc về tương lai, thứ mà nếu chính quyền trung ương dù có đủ tri thức ở hiện tại vẫn không thể biết được.
Kết luận
Trong Economic Controversies, cách thức phê phán của Rothbard hầu hết là reductio ad absurdum (reduction to absurdity), nghĩa là dù những người mà ông phê phán không trực tiếp đưa ra một số những kết luận mà ông vốn dĩ bất đồng, thì các kết luận này cũng có thể suy ra một cách logic khi Rothbard đẩy những quan điểm của họ đến điểm cực đoan. Nhìn chung, Rothbard lo ngại rằng các phương pháp luận mà đi lệch khỏi Mises đều bằng cách này hay cách khác có thể gợi mở cho các can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, và điều này đi ngược với quan điểm không thỏa hiệp của Mises cũng như Rothbard: thị trường hoặc chính phủ, không có giải pháp thứ ba. Phương pháp luận của Mises và Rothbard cũng bác bỏ luôn các cách tiếp cận khác mà vốn dĩ cũng ủng hộ thị trường, bao gồm Trường phái Tân thể chế của Coase – Demsetz, Lựa chọn công của Buchanan – Tullock, hay Trọng tiền của Friedman. Tuy nhiên, phạm vi bài viết này vốn không đủ để bao quát một chủ để rộng lớn như thế, nên quan điểm của Rothbard về các trường phái này sẽ được trình bày ở một bài viết khác.
Tài liệu tham khảo:
Hayek, Friedrich A. von. Individualism and Economic Order. University of Chicago Press, 1948.
Mises, Ludwig von. Human Action: A Treatise on Economics. The Scholar's Edition ed., Ludwig von Mises Institute, 1990 [1949].
_______ . Socialism: An Economic and Sociological Analysis. New Heaven: Yale University Press, 1952.
Rothbard, Murray N. Economic Controversies. Ludwig von Mises Institute, 2011.
_______ . Man, Economy, and State. Ludwig von Mises Institute, 2009 [1962].
Selgin, George A. Praxeology and Understanding: An Analysis of the Controversy in Austrian Economics. Ludwig von Mises Institute, 1990.
White, Lawrence H. The Methodology of the Austrian School Economists. Ludwig von Mises Institute, 1984.
Nguồn: Nguyễn Việt Hải Triều, Bài điểm sách: ECONOMIC CONTROVERSIES - MURRAY ROTHBARD, F-Group’s Working Paper Series 1, 6/2019, 1-8
Chú thích:
(1) Kinh tế gia trường phái Áo người Mỹ; đồng sáng lập viên của Viện Cato và Viện Ludwig von Mises
(2) Boettke, Peter, Hayek a Misesian, Boettke a Rothbardian, Coordination Problem
F. A. Hayek, Coping with Ignorance. In Friedrich A. Hayek, Knowledge, Evolution and Society, The Adam Smith Institute, London, p. 18. Hayek viết:
"Although I do owe [Mises] a decisive stimulus at a crucial point of my intellectual development, and continuous inspiration through a decade, I perhaps most profited from his teaching because I was not initially his student at the university, an innocent young man who took his word for gospel, but came to him as a trained economist, trained in a parallel branch of Austrian economics from which he gradually, but never completely won me over. Though I learned that he was usually right in his conclusions, I was not always satisfied by his arguments, and retained to the end a certain critical attitude which sometimes forced me to build different constructions, which however, to my great pleasure, usually led to the same conclusions."
(3) F. A. Hayek, ibid.