Kinh tế học thể chế: Quá khứ và hiện tại (Phần cuối)

Kinh tế học thể chế: Quá khứ và hiện tại (Phần cuối)

Thể chế luận cũ và mới

Không chỉ mình thể chế luận suy giảm vị trí trong kinh tế học Mỹ mà bản chất thay đổi của kinh tế học dòng chính cũng dẫn đến sự thu hẹp phạm vi những công trình có thể chấp nhận được và chắt lọc những nội dung mang tính thể chế đã từng tồn tại. Cần nhấn mạnh rằng bất chấp những lời chỉ trích của các nhà thể chế luận về kinh tế học “chính thống”, kinh tế học Mỹ trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến khá đa nguyên và cách tiếp cận của các nhà thể chế luận và các cách tiếp cận chính thống hơn thường chồng lấn lên nhau. Thậm chí Frank Knight, có lẽ là nhà phê bình thẳng thắn nhất về các khía cạnh chính sách trong phong trào của các nhà thể chế, cũng biết Clarence Ayres và các nhà thể chế luận khác khá rõ; ông đã dạy một khóa vào những năm 1930 về “Các vấn đề kinh tế học nhìn từ góc độ thể chế” có đề cập đến Veblen, Commons và một số các tác giả thể chế luận khác cũng như những vấn đề chung về nguồn gốc và sự phát triển của các thể chế và “vai trò của thể chế luận” trong “giải thích mang tính lịch sử những yếu tố được coi là dữ liệu trong kinh tế học lý thuyết về giá, được xây dựng dựa trên hành vi lý tính”1. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ cuối những năm 1940 cho tới năm 1970, thể chế trở thành chủ đề bị cấm đoán nhiều nhất trong kinh tế học dòng chính – và bị trục xuất đến bộ môn xã hội học, vốn kém danh giá hơn. Như Furubotn và Richter (1991, trang 2) kết luận: “Sự tồn tại của các hệ thống chính trị, luật pháp, tiền tệ cũng như các hệ thống khác dĩ nhiên đã được công nhận; nhưng hoặc những hệ thống này bị coi là trung lập trong tác động đến các sự kiện kinh tế và bị bỏ qua, hoặc bị coi như là hiển nhiên và rồi được đề cập một cách hời hợt; điều này chỉ ra rằng ảnh hưởng mang tính thể chế không thực sự quá quan trọng”.

Điều gì đã dẫn đến sự hồi sinh của tư duy thể chế luận trong những năm gần đây?  Sự thiếu hụt của nội dung thể chế luận trong phần lõi của lý thuyết tân cổ điển cuối cùng trở thành một chủ đề trên cả hai cấp độ lý thuyết, đặc biệt khi những khái niệm mới và những công cụ phân tích mới được phát triển, và ứng dụng, khi so sánh các kết quả thị trường trong những môi trường quy định pháp lý khác nhau. Martin Shubik (1975, trang 545) đã từng gọi lý thuyết cân bằng tổng thể là một “chiếc áo khoác chỉ thuần tuý tồn tại trên khái niệm” (conceptual straightjacket), chỉ trích này khá gần về mặt bản chất với những chỉ trích đối với lý thuyết chuẩn trong phong trào của các nhà thể luận “cũ”. Harold Demsetz (1969, trang 1) chủ trương phát triển cách tiếp cận “thể chế mang tính so sánh” trong việc đánh giá chính sách thay cho cách tiếp cận “niết-bàn” (irvana) trong việc “so sánh một hình mẫu lý tưởng với những cấu trúc thể chế “không hoàn hảo” đang tồn tại”, một quan điểm đang chiếm xu thế cho rằng bất kỳ chệch hướng khỏi những điều kiện “tối ưu” đều biện minh cho sự cần thiết phải can thiệp vào thị trường. Lo lắng về những thị trường không được điều tiết là một trong những nhân tố đằng sau phong trào thể chế luận nguyên bản, trong khi đó lo lắng sự điều tiết quá mức các các thị trường lại góp phần thúc đẩy sự phục hồi mối quan tâm đến các thể chế, nhưng trong cả hai trường hợp này những lý thuyết hình thức thượng phong bị cho là thiếu những nhân tố quan trọng của thực tiễn.

Bất chấp những động lực và nguồn lực khác nhau, rất nhiều sự phát triển trong kinh tế học đương thời đã tìm cách này hay cách khác để tham gia vào những chủ đề từng là một phần của truyền thống thể chế luận trước đây. Ví dụ, có nhiều nỗ lực chuyển kinh tế học theo hướng trở thành một lý thuyết đáng tin cậy hơn của tâm lý học, bao gồm cả những công trình về quá trình ra quyết định, lý tính bị bó buộc và các kỳ vọng. Sự hứng thú tận dụng những công trình gần đây của ngành tâm lý học nhận thức và tiến hóa gợi lại sự hứng thú của các nhà thể chế luận cũ với cái đã từng được coi là tâm lý học “hiện đại”. Tương tự, những công trình hiện đại về lý thuyết trò chơi đã dành sự quan tâm đáng kể tới cả việc mô hình hóa những tình huống thể chế có sẵn (những thứ định ra những quy tắc của trò chơi) cũng như vấn đề về sự tiến hóa của những quy ước xã hội (social conventions). Những công trình gần đây theo đuổi một chủ đề từng là trung tâm trong đường hướng phát triển của các nhà thể chế luận, đó là tầm quan trọng của quyền tài sản. Khái niệm chi phí giao dịch đã tiềm ẩn trong tổng luận nghiên cứu của thể chế luận cũ, và chính sự phát triển tường minh khái niệm này gần đây đã tạo nền cho sự tăng trưởng bùng nổ các nghiên cứu về tổ chức, hợp đồng cũng như vai trò của các thể chế trong phát triển kinh tế. Những bước tiến trong nghiên cứu mối quan hệ giữa luật học và kinh tế học hiện đại khai phá một lĩnh vực trước đây từng được thống trị bởi các nhà thể chế luận. Nhiều công trình gần đây về tài chính công ty hợp doanh và các lý thuyết về đại diện, kiểm soát công ty hợp doanh đã tiếp quản những công trình tiên phong của các nhà thể chế luận về sự tách biệt giữa quyền sở hữu và kiểm soát như là điểm bắt đầu.

Sự phục hồi mối quan tâm đối với các thể chế đã mang đến một số hiệu ứng. Có lẽ kết quả rõ ràng nhất được tạo ra là sự phát triển của “kinh tế học thể chế mới”, bao gồm một phần lớn các phân tích chi phí giao dịch về quyền tài sản, hợp đồng và các tổ chức. Kinh tế học thể chế mới nhìn chung đã định vị bản thân nó như một nỗ lực mở rộng phạm vi của lý thuyết tân cổ điển bằng việc giải thích những nhân tố thể chế vốn dĩ được coi như có sẵn, ví dụ như quyền tải sản và cấu trúc quản trị định hướng (governance structure), và không giống thể chế luận cũ, nó không cố gắng thay thế lý thuyết cơ bản (Eggertson, 1990; Furubotn và Richter, 1991, 1997). Trong nhánh nghiên cứu này, các thể chế và thay đổi thể chế nhìn chung được phân tích theo hướng làm giảm chi phí giao dịch, tạo ra lợi ích tập thể từ những hành vi hợp tác và phối kết hợp. Xu hướng mạnh mẽ trong dự án này là lập luận cho rằng các thể chế hướng đến cung cấp những giải pháp “hiệu quả” cho các vấn đề kinh tế, một lập luận đôi khi được bổ sung bởi những ý niệm về hoạt động cạnh tranh giúp chọn ra được hình thức tổ chức hiệu quả nhất, hoặc một bộ các thường trình (routine), hay các quy tắc. Một khảo cứu gần đây về tổng luận các nghiên cứu thể chế luận thế hệ mới đã được Furubotn và Richter công bố năm 1997; thế nên bài viết này sẽ không lặp lại một khảo cứu tương tự. Điều sẽ được bàn tới ở đây là một số khía cạnh quan hệ giữa thể chế luận cũ và mới.

Các nhà thể chế luận mới có cùng một nỗi ưu tư lớn chung, đó là tách biệt bản thân họ khỏi thể chế luận Mỹ “cũ” (Langlois, 1986; Eggertson, 1990). Rõ ràng có những khác biệt trong phương pháp luận, trong những công cụ lý thuyết và phân tích được sử dụng cũng như trong định hướng cơ bản hướng tới thị trường và các định chế “kinh doanh”. Tuy nhiên, một số khía cạnh của thể chế luận mới thực sự có liên hệ với thể chế luận cũ, trong đó có xu hướng vươn xa khỏi những giới hạn của tân cổ điển chuẩn mực.

Một kết nối giữa thể chế luận cũ và mới có thể được tìm thấy trong những lưu ý của Williamson về nguồn gốc các ý tưởng của ông về kinh tế học về chi phí giao dịch và các tổ chức (Williamson và Masten, 1995). Williamson (2000, trang xiii-xiv) ghi nhận kế thừa ý niệm “giao dịch” của Commons như là đơn vị cơ bản của hoạt động kinh tế và tham chiếu trực tiếp đến truyền thống về mối quan hệ giữa luật học và kinh tế học của các nhà thể chế luận thế hệ trước.

Một mối liên kết nữa được tìm thấy trong những trích dẫn ngày càng phổ biến về lý tính bị bó buộc, thậm chí đã được coi là nguyên lý trung tâm của thể chế luận mới (Furubotn và Richter, 1991). Rõ ràng, rất nhiều lý do được đưa ra để biện giải cho sự tồn tại của những “thường trình” hay phương pháp thử sai trong quá trình ra quyết định, các tổ chức, các quy ước và những quy tắc chung đã được thể chế hóa, đều có liên quan một phần hay toàn bộ đến những giới hạn về lý tính do các hạn chế về thông tin và nhận thức (Nelson và Winter, 1992, trang 35; Heiner 1983). Điểm này khá nhất quán với những phê phán của thể chế luận cũ đối với quan điểm duy lý, coi  con người chẳng khác gì một “cái máy tính được bật sáng” (Veblen, 1898, trang 1973), và cũng nhất quán với thảo luận của J. M. Clark về chi phí của việc ra quyết định. Herbert Simon (1979, trang 499) đã xác nhận chịu ảnh hưởng của các nhà thể chế luận cũ như J.R.Commons trong tư duy của mình và lập luận rằng thể chế luận (cũ) như là “tiền bối chính” (principal forerunner) của lý thuyết hành vi về hãng kinh doanh.

Trong kinh tế học thể chế mới, ngày càng có nhiều người thừa nhận thực tế là những thể chế có thể tạo ra lợi ích xã hội có thể sẽ không xuất hiện trong khi các thể chế không hiệu quả có thể xuất hiện và tồn tại. Nguồn gốc của phát kiến này đến từ nhiều hướng khác nhau. Lý thuyết trò chơi đã chứng minh rằng trong một loạt các trò chơi lặp lại một số lần hữu hạn và vô hạn, trạnh thái cân bằng không hiệu quả vẫn tồn tại và duy trì (Binger và Hoffman, 1989). Lý thuyết kinh tế đã làm sáng tỏ hiện tượng “phụ thuộc theo lối mòn” (path-dependence) và “sập khóa” (lock-in). Hơn nữa, một khi những vấn đề phân phối được tính đến trong việc giải thích sự phát triển và thay đổi thể chế, rất dễ để tạo dựng những câu chuyện theo đó lợi ích kinh tế của những nhóm nắm giữ quyền lực sẽ không trùng khớp với lợi ích của xã hội như một chỉnh thể thống nhất (North, 1981). Những dòng tư duy này đôi khi quấn lấy nhau trong các công trình thể chế luận gần đây; điển hình là nhấn mạnh của Jack Knight (1992) vào sự xung đột lợi ích nổi lên từ các hiệu ứng phân phối của các thể chế, những liên minh phân phối, sự tương tác giữa các nhóm được hưởng lợi ích và các nhóm bị thua thiệt, và về sự phát triển thể chế như là một “trò chơi mặc cả tiếp diễn giữa các nhóm khác nhau”; quan điểm này có những tương đồng gần gữi với những khái niệm tổng thể trong kinh tế học thể chế của Commons, mặc dù được diễn đạt theo ngôn ngữ thiên về hình thức của lý thuyết trò chơi.

Công trình của Douglass North (1990) là một ví dụ có trọng lượng về một tác giả không chỉ từ bỏ phương pháp giải thích dựa trên hiệu quả ban đầu của mình về thay đổi thể chế, mà còn đề cập sâu rộng đến tầm quan trọng của những “mô hình tâm thức” (mental model), hành vi được định hướng bởi chuẩn mực xã hội, và cả những xác tín tư tưởng. North (1981, trang 58) lập luận rằng “sự thật đơn giản là, một lý thuyết động về sự thay đổi thể chế bị giới hạn chặt chẽ trong phạm vị ràng buộc tân cổ điển về hoạt động có mục đích mang tính cá nhân, có tính duy lý sẽ không bao giờ cho phép chúng ta giải thích được phần lớn sự thay đổi trường kỳ, từ cuộc đấu tranh ngoan cường của người Do Thái trong việc giữ gìn phong tục cho đến việc thông qua Đạo luật An sinh xã hội năm 1935.” Nhiều nhà bình luận cho rằng những công trình gần đây của North đã cho thấy “phần nào sự hội tụ” với những ý tưởng của các nhà thể chế luận cũ (Hodgson, 1998, trang 185; Rutherford, 1994, 1995).

Thể chế luận mới đã làm khuấy động những cuộc tranh luận quan trọng không chỉ về những quy tắc chính thức và cấu trúc quản trị định hướng mà còn cả về những chuẩn mực phi chính thức và mạng lưới xã hội và mối quan hệ giữa chúng. Một vài thảo luận này đã kết nối lại kinh tế học với những hướng nghiên cứu trong xã hội học và khoa học chính trị2. Tương tự cũng có nhiều quan tâm hơn đến vai trò của những giá trị được chia sẻ chung và về những hướng nghiên cứu xã hội học xung quanh các khái niệm như vốn xã hội, tín thác, cộng đồng và xã hội dân sự (Knight, 1998) và về vai trò của tính nội sinh của các sở thích trong quá trình thay đổi thể chế (Bowles, 1998). Sự phát triển của cuộc đối thoại giữa kinh tế học thể chế mới và những hướng nghiên cứu về “thể chế luận mới” trong xã hội học, khoa học chính trị và nhân chủng học là cực kỳ thú vị (Brinton và Nee, 1998; Hall và Taylor, 1996; DiMaggio và Powell, 1991; Richter. 1998). Chưa từng có mức trao đổi như vậy giữa kinh tế học và các khoa học xã hội khác kể từ những ngày đầu của thể chế luận cũ. Nếu thể chế luận mới thực sự nỗ lực phát triển theo hướng kết nối này, thì nó sẽ khó tránh khỏi việc tạo ra bầu không khí căng thẳng, như đã được nhìn thấy rõ ràng trong công trình của North, giữa những giả định tân cổ điển chuẩn và những chủ đề rộng hơn về chuẩn mực xã hội và các giá trị chia sẻ chung.

Hướng nghiên cứu mới về các thể chế cũng có những tác động khác, những tác động vượt ra bên ngoài thế giới thể chế luận mới. Các khía cạnh trong hướng nghiên cứu này cũng góp phần khuấy động những nỗ lực làm mới lại thể chế luận cũ bằng cách mang những công trình gần đây trong tâm lý học, các mô hình tiến hóa và các lý thuyết dựa trên nguồn lực hoặc năng lực về hãng kinh doanh đến với những tư tưởng của Veblen, Common và các nhà thể chế cũ. Ví dụ tốt nhất cho xu hướng này có thể tham khảo từ Geoff Hodgson (1998, 1999). Hodgson đưa ra luận điểm rằng lằn ranh chính giữa thể chế luận cũ và mới chính là thể chế luận mới bị ràng buộc bởi mô hình về hành vi cá nhân duy lý và giả định về các hàm sở thích cá nhân có sẵn. Các ý tưởng tổng hợp của ông sẽ tiến triển như thế nào và liệu chúng có thể tiếp thêm sinh lực cho truyền thống thể chế luận cũ hay không vẫn còn là câu chuyện để ngỏ, cần được tiếp tục quan sát.

Hiệu ứng cuối cùng từ sự phục hồi mối quan tâm với các thể chế là việc tạo nên cảm hứng với những công trình đã bị lãng quên trước đây trong lịch sử của kinh tế học. Nó không chỉ bao gồm một vài công trình của riêng tôi về kinh tế học thể chế, mà còn cả những công trình về nguồn gốc của luật học và kinh tế học trong chủ nghĩa lịch sử Đức (Pearson, 1997), về “kinh tế học xã hội” của Schmoller, Durkheim và Weber (Nau và Steiner, 2000; Nau, 2000), về sự ảnh hưởng của Schmoller đến những công trình ban đầu của Schumpeter (Ebner, 2000), về các cấu phần mang tính thể chế trong công trình của Frank Knight (Hodgson, 2001), về truyền thống “hậu-Marshallian” trong bản chất tiến hóa của hãng kinh doanh (Finch, 2000) và nhiều nữa. Những công trình gần đây này đã thay đổi tư duy của tính chính thống tân cổ điển Anglo/ Mỹ thống trị trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh bằng một quan điểm đa nguyên và quốc tế hơn (Morgan và Rutherford. 1998; Hodgson, sắp xuất bản). Những câu hỏi thú vị này đã làm sống lại mối quan tâm về mối quan hệ lẫn nhau giữa những hướng nghiên cứu đa dạng này cũng như mối quan hệ đang thay đổi giữa kinh tế học và các bộ môn khoa học xã hội có liên quan như tâm lý học và xã hội học.

Rất nhiều “thể chế luận” khác nhau đã đâm chồi trong những thời điểm khác nhau và ở nhiều nơi trong lòng khoa học xã hội cũng như kinh tế học. Theo thời gian, mối quan tâm đến các thể chế đã đến từ nhiều nguồn khác nhau và với những động cơ khác nhau, thậm chí là đối nghịch nhau. Phân tích từ góc độ thể chế đã được dùng vừa để giải thích sự thất bại của các thị trường không được kiểm soát và nhu cầu nhiều hơn đối với sự can thiệp của chính phủ cũng như sự thất bại của các chính phủ và nhu cầu nhiều hơn trong việc đảm bảo tự do cho thị trường vận hành. Nhưng có một chia sẻ chung là các thể chế thực sự là một vấn đề lớn và các nhà kinh tế cần suy nghĩ thấu đáo về cách các thể chế định hình hành vi kinh tế và kết quả được tạo ra, và bản thân chúng lại bị định hình bởi các nhân tố kinh tế, chính trị và tư tưởng. Đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Như các nhà thể chế cũ nhận thức đầy đủ trước đây, cuộc thảo luận về các thể chế có xu hướng dẫn đến những lĩnh vực khó có thể giải quyết được bằng những công cụ tân cổ điển chuẩn mực.  

Nghiên cứu này dựa trên một loạt các công trình nghiên cứu gần đây của tôi về lịch sử của kinh tế học thể chế (Rutherford, 1997, 1999, 2000a, 2000b, 2000c) và trong các công trình trong kho lưu trữ về các nghiên cứu của Clarence Ayres, Trung tâm lịch sử Mỹ, Đại học Texas; các nghiên cứu của Walton Halminton, thư viện Luật Tarlton, Đại học Texas; các nghiên cứu của Allyn Young, Lưu trữ của Đại học Havard; các lưu trữ của học viện Brookings; các nghiên cứu của James Bonbright, các nghiên cứu của J.M. Clark, các nghiên cứu của Morris Copeland, các nghiên cứu của Carter Goodrich, các nghiên cứu của Robert Hale, các nghiên cứu của Wesley Mitchell, tất cả đều nằm tại Thư viện các bản viết tay và sách hiếm, Đại học Columbia; các nghiên cứu của John.R.Commons và Edwin E.Witte tại Hiệp hội nghiên cứu lịch sử bang Wisconsin; các nghiên cứu của Ủy ban các chính sách lao động thời chiến tại Lưu trữ Quốc gia, College Park. Tôi cũng được tạo điều kiện tiếp cận các công trình của Allan Gruchy thuộc quyền sở hữu của con trai ông, được phỏng vấn John Adams, Warren Samuels, Harry Trebing, Mark Perlman và những hồi tưởng của Walter Neale. Nghiên cứu này cũng được hỗ trợ bởi Hội đồng nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn theo học bổng nghiên cứu Canada (dự án #410-99-0465).

-Hết-

Chú thích:

(1) Knight đã gửi đề cương khóa học cho Ayres để góp ý. Trong lá thư bên ngoài, Knight khẳng định “không cần phải nói đến chuyện tôi không dành sự đánh giá cao cho những giá trị đóng góp của những trước tác thể chế luận mà tôi được biết, bao gồm cả những bài viết của C. E. Ayres! Điều tôi muốn làm có lẽ là đương đầu với “thử thách” một cách nghiêm túc và tạo nên những đóng góp thực sự cho việc hiểu sự phát triển thể chế (Frank Knight gửi Clarence Ayres, 16 tháng Hai 1937).

(2) Một vài trong số những lực đẩy dẫn tới việc kết hợp kinh tế học thể chế với xã hội học và các nhánh khác đến từ những chỉ trích cho rằng khái niệm của Williamson về hành động con người đã thất bại trong việc nhúng hành động kinh tế vào trong cấu trúc của các mối quan hệ xã hội (Granovetter, 1985; Nee và Ingram, 1998). Đáp trả của Williamson về vấn đề “nhúng” rõ ràng tạo nên những cuộc thảo luận tiếp sau. 

Danh mục tài liệu tham khảo

(Vì danh mục tài liệu tham khảo của bài tiểu luận rất dài, đề nghị độc giả tham khảo ở bản gốc)

Nguồn: The Journal of Economic Perspectives, Vol. 15, No. 3 (Summer, 2001), trang 173-194