Kinh tế học thể chế: Quá khứ và hiện tại (Phần 2)
Sự nổi lên của thể chế luận Mỹ trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến
Thể chế luận Mỹ nổi lên như một phong trào mang bản sắc riêng vào năm 1918. Thời điểm này còn rất nhiều điều cần làm do vừa kết thúc Thế chiến I. Cuộc chiến tranh đã ghi dấu tầm quan trọng lớn lao của phân tích chính sách và dữ liệu kinh tế khi được cải thiện, và vai trò to lớn của chính phủ trong nền kinh tế. Giai đoạn tái cấu trúc dường như đem lại nhiều cơ hội đáng kể để mang đến những thay đổi trong nghiên cứu kinh tế, giáo dục, và chính sách. Rõ ràng, Hamilton, Stewwart, và Harold Mouton cảm thấy hứng thú với những cơ hội này và họ cùng với Mitchell đã lên kế hoạch cho phiên hội thảo năm 1918, tại đây, Hamilton (1919) đã công bố bản tuyên ngôn của ông về “The Institutional Approach to Economic Theory [Phương pháp tiếp cận thể chế cho lý thuyết kinh tế]”1. Nhóm này cũng đã tham gia mạnh mẽ vào việc thành lập các viện nghiên cứu như Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), Viện Kinh tế học (Brookings), và trong những chương trình thử nghiệm giáo dục, ví dụ New School for Social Research [Trường Nghiên cứu Xã hội Mới] và Robert Brookings Graduate School [Trường đào tạo sau đại học Robert Brookings]2. Trường đào tạo sau đại học Robert Brookings dừng hoạt động như là một thực thể riêng biệt vào năm 1928, nhưng trước thời điểm đó nó đã đào tạo được nhiều sinh viên nghiên cứu thể chế luận - ví dụ như Isador Lubin, Mordecai Ezekiel, và Winfield Riefler - tất cả những nhân vật này đều nắm giữ vị trí quan trọng trong chính phủ.
Hơn thế nữa, Columbia và Wisconsin đã trở thành những trung tâm chính về thể chế luận. Columbia có Wesley Mitchell, J. M. Clark, F. C. Mills, Rexford Tugwell, và các học giả trong các lĩnh vực khác nhưng cùng chia sẻ quan điểm như James Bonbright về kinh doanh, William Ogburn về khoa xã hội học, John Dewey về triết học, và A. A. Berle, Robert Hale, và Karl Llewellyn về luật học.3 Gardiner Means tham gia đội ngũ nghiên cứu kinh tế của Trường Luật Columbia (Columbia Law School) vào năm 1927. Các giảng viên của Wisconsin bao gồm John Commons, Edwin Witte, Selig Perlman, Martin Glaeser và nhiều tên tuổi khác là tín đồ của kinh tế học thể chế. Hai trường đại học này nằm trong tốp bốn trong việc đào tạo ra những tiến sĩ kinh tế học trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến ở Mỹ (Froman, 1942). Các nhóm thể chế luận khác sống ở Texas (nơi Ayres Clarence được tuyển dụng vào năm 1930), và trong một số trường đại học và cao đẳng khác.
Trào lưu của các nhà thể chế luận đã tạo ra một số đóng góp tích cực trong suốt giai đoạn này. Đầu tiên, từ quan điểm khoa học của họ, các nhà thể chế luận đã thực hiện việc cải tiến các vấn đề đo lường kinh tế một cách nghiêm túc. NBER không chỉ tạo ra nhiều nghiên cứu thực nghiệm liên quan tới chu kỳ kinh doanh, lao động, sự biến động giá cả, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cách thức tính toán thu nhập quốc gia, cụ thể là thông qua công trình nghiên cứu của Simon Kuznets, một sinh viên của Mitchell. Dự án về chu kỳ kinh doanh của NBER phát triển cách thức sử dụng những chỉ tiêu kinh tế dẫn dắt (leading economic indicators). Kết hợp với Cục Dự trữ Liên bang (Fed), NBER cũng phát triển nhiều dữ liệu tài chính và tiền tệ, bao gồm công trình nghiên cứu về các dòng tiền tệ của Morris Copeland (bắt đầu năm 1944), sau đó trở thành tính toán dòng tiền ra vào quỹ. Hơn nữa, các nhà thể chế luận cũng tham gia mạnh mẽ vào nỗ lực cải tiến các công tác thống kê cho các cơ quan chính phủ. Walter Stewart đã cải tiến phòng nghiên cứu và thống kê của Fed, công việc này được tiếp tục bởi Winfield Riefler và nhiều tên tuổi khác. Isador Lubin, được hỗ trợ bởi Ewan Clauge (một sinh viên của Commons), đã cải tiến nhiều công việc thống kê của Phòng Lao động (Department of Labor). Copeland, Thorp, và Mills đều cùng gia vào dự án phối hợp giữa Hiệp hội Thống kê Mỹ (American Statistical Association) và Ủy ban Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội về Các Dịch vụ Thông tin và Thống kê Chính phủ (COGSIS) giữa những năm 1933 và 1935. Copeland là Thư ký Điều hành của Hội đồng Thống kê Trung ương (Central Statistical Board) giữa những năm 1933 và 1939; Hội đồng này cũng có cả Lubin, Ezekiel, và Riefler. COGSIS và Hội đồng Thống kê Trung ương đã cải tiến rất nhiều dịch vụ thống kê của chính phủ.4 Công việc này đôi khi bị đánh giá thấp, nhưng bản thân nó đã đặt nền móng lâu dài cho sự phát triển của kinh tế học thực nghiệm.
Thứ hai, các nhà kinh tế học thể chế đã đóng góp nhiều tranh luận quan trọng về các vấn đề trong kinh tế học, ví dụ như mối liên hệ giữa tâm lý học và kinh tế học, chu kỳ kinh doanh, hành vi định giá của hãng kinh doanh, mối quan hệ giữa quyền sở hữu và kiểm soát doanh nghiệp, cạnh tranh và độc quyền, thị trường lao động và công đoàn, các vấn đề về khuyết tật và thất bại của thị trường, quy định điều tiết và các ngành cung ứng hàng hóa công ích, và mối liên hệ giữa luật học và kinh tế học. Những đóng góp đó được định hình bởi quan điểm của các nhà thể chế luận. Một vài đóng góp trong đó được nêu ra dưới đây.
Trong lĩnh vực nghiên cứu về mối liên hệ giữa tâm lý học và kinh tế học, bài tiểu luận (1918) của J. M. Clark "Economics and Modern Psychology [Kinh tế học và Tâm lý học Hiện đại]" đáng chú ý hơn cả bởi nó đoán trước một cách rõ ràng các công trình nghiên cứu hiện đại sau này về các chi phí của quá trình ra quyết định và tính duy lí bó buộc. Về chu kỳ kinh doanh, công trình của Mitchell (1913, 1927) và của Burns và Mitchell (1946) dựa trên cùng quan điểm coi các chu kỳ kinh doanh như là kết quả tương tác phức hợp giữa các quyết định kinh doanh, hệ thống tiền tệ và ngân hàng, và chuyển động trước và chuyển động trễ trong sự chuyển dịch của giá cả. Công trình của họ chứa nhiều giả thuyết cụ thể, và các kiểm định giả thuyết (bao gồm cả những kiểm định hình thức) liên quan đến các hiện tượng mang tính chu kỳ. Clark (1917) cũng phát triển khái niệm gia tốc nhờ việc tham khảo cuốn Chu kỳ Kinh doanh của Mitchell, và tiếp tục đóng góp cho các cuộc tranh luận về lý thuyết và chính sách về lý thuyết chu kỳ, toàn dụng lao động và kiểm soát giá (Shute, 1997).
Hành vi định giá của các hãng kinh doanh khi đối diện với chi phí gián tiếp cao, và khả năng gây ra tác động nghịch của sự cạnh tranh dưới các điều kiện trong đó việc định giá chi phí cận biên có thể không trang trải đủ chi phí gián tiếp, là những chủ đề trong phân tích lý thuyết của Clark (1923). Ý niệm rằng, dưới một số điều kiện nhất định, sự cạnh tranh có thể gây ra hệ quả tiêu cực hoặc dẫn đến các hậu quả nghịch là phổ biến trong các nhà thể chế luận. Nghiên cứu của Hamilton về ngành công nghiệp than đá đã mô tả chi tiết một ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh, nhưng đáng buồn là lại xảy ra hiện tượng công suất thừa kinh niên và các điều kiện làm việc nghèo nàn (Hamilton và Wright, 1925). Luận án Tiến sỹ Columbia của George Stocking (1925) đã giải quyết các vấn đề tài nguyên chung với tựa đề "The “Oil Industry and the Competitive System: A Study in Waste [Ngành công nghiệp dầu mỏ và hệ thống cạnh tranh: Một nghiên cứu về sự lãng phí]". Ezekiel (1938) nghiên cứu về định giá trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng mô hình mạng nhện (cobweb model) và đưa ra những hàm ý của nó đối với quan điểm chính thống về các thị trường “tự điều tiết”. Có nhiều thảo luận về tính không phù hợp của các mô hình chuẩn về cạnh tranh hoàn hảo và độc quyền thuần khiết, được hỗ trợ bởi hàng loạt các nghiên cứu tình huống trong các lĩnh vực công nghiệp (Hamilton và cộng sự, 1938). Means (1935) phát triển lý thuyết về định giá mang tính hành chính, đã truyền lửa cho nhiều nghiên cứu về tính cứng nhắc tương đối của giá cả. Sau đó, Clark (1940) đã phát triển khái niệm của ông về “cơ chế cạnh tranh khả thi”.
Vấn đề tài chính hợp doanh và quyền sở hữu đã được hai tác giả Bonbright và Means (1932) đề cập trong công trình The Holding Company [Công ty mẹ], và Berle và Means (1932) trong nghiên cứu The Modern Corporation and Private Company [Công ty hợp doanh hiện đại và Công ty Tư nhân]. Những công trình này đã mở rộng đáng kể những thảo luận trước đó của Veblen về sự phân tách giữa kiểm soát và quyền sở hữu. Về các vấn đề thị trường lao động, số lượng lớn các công trình nghiên cứu đã được thực hiện dựa trên nghiên cứu về nghiệp đoàn, bao gồm những nghiên cứu thực nghiệm về thành viên nghiệp đoàn (Wolman, 1924), và những nghiên cứu thảo luận lý thuyết ví dụ như Theory of the Labor Movement [Lý thuyết Chuyển dịch Lao động] của Selig Perlman (1928). Các vấn đề xác định tiền công nói chung được thảo luận bởi Walton Hamilton và Stacy May (1923) trong công trình nghiên cứu The Control of Wages [Kiểm soát tiền công], và dưới dạng các chủ đề về "mặc cả tiền công" hoặc "mặc cả lao động" của các nhà kinh học tổ chức lao động khác như Commons (1924) và Sumner Slichter (1931). Trong tác phẩm này, phần lớn sự tập trung được dành cho các vấn đề về quan hệ lao động của mặc cả tập thể và các hệ thống dàn xếp và hoà giải.
Clark (1926) thảo luận nhiều về những hình thức thất bại của thị trường trong nghiên cứu Social Control of Business [Kiểm soát xã hội đối với hoạt động kinh doanh] của ông. Nghiên cứu đề cập về các vấn đề độc quyền, duy trì mức độ đạo đức trong cạnh tranh, các vấn đề đại diện, vấn đề bị chiếm mất công ăn việc làm của dân chúng gây ra bởi sự thay đổi kinh tế và công nghệ nhanh chóng, đói nghèo, quảng cáo và thiếu hụt thông tin cũng như các tiêu chuẩn chuẩn xác, thiếu bình đẳng cơ hội, các hiện tượng ngoại ứng (“các chi phí ẩn của ngành công nghiệp”), hàng hoá công cộng (“các dịch vụ không phù hợp”), và sự lãng phí của các hình thức cạnh tranh theo kiểu “chạy đua vũ trang” (chẳng hạn như quảng cáo cạnh tranh), thất nghiệp, vấn đề không tính đến các lợi ích của hậu thế hay các thế hệ tương lai, và sự thiếu nhất quán trong việc ghi nhận tính toán chi phí-lợi ích cá nhân và xã hội.
Công trình Valuation of Property [Định giá tài sản] của Bonright (1937) cũng đã giải quyết sự khác biệt giữa định giá thương mại và định giá xã hội, dù là trọng tâm của công trình là về các vấn đề định giá các hàng hoá công ích. Bonbright (1937), Hale (1921), và Glaeser (1927) đã viết nhiều về các vấn đề liên quan đến quy định điều tiết các ngành cung ứng hàng hoá công ích, và có lẽ Hale có ảnh hưởng lớn nhất đến khuynh hướng quyết định của tòa án thông qua chiến dịch chỉ trích của ông về khái niệm "giá trị công bằng" tạo cơ sở cho việc quy định giá (Bonbright, 1961, trang 164). Sự thay đổi về cách diễn giải của tòa án đối với học thuyết về “sự thờ ơ với lợi ích công” đã được dùng để biện minh cho sự can thiệp bằng quy định điều tiết, và những đặc tính “công cộng” trong những hoạt động kinh doanh được ngầm định là “tư” cũng được thảo luận bởi Tugwell (1922), Clark (1926), Hamilton (1930) và Hale (Fried, 1998).
Mối liên hệ tổng quát hơn giữa luật học và kinh tế học và hoạt động của thị trường đã được đề cập trong các công trình nghiên cứu của Hamilton (1938), Hale (1923), và Commons (1924, 1934). Theo đó, các giao dịch thị trường được hình thành như là sự chuyển nhượng các quyền, không phải là hàng hoá vật chất, và sự chuyển nhượng diễn ra trong bối cảnh có sự hiện diện của quyền lực kinh tế và luật pháp, và luôn liên quan ở một mức độ nào đó đến sự "ép buộc", theo nghĩa có một mức độ hạn chế nhất định về các phương án lựa chọn (Commons, 1932; Samuels, 1973). Commons (1934, tr. 55-67), phân biệt giữa các giao dịch có tính mặc cả (các giao dịch thị trường) và các giao dịch có tính quản lý (hệ thống hành chính cấp bậc), và nhìn thấy được khả năng thay thế giữa chúng. Ông đã mở ra cuộc thảo luận về cách nhìn các tổ chức như là “những đơn vị hoạt động liên tục” (going concerns) tham gia vào các giao dịch "chiến lược" và giao dịch "theo thường trình". Ông cũng đưa ra một lý thuyết về hành vi của các cơ quan lập pháp dựa trên "sự nhượng bộ qua lại (log-rolling)," và lý thuyết về quá trình ra quyết định pháp lý dựa trên khái niệm về “tính hợp lý”, một khái niệm hàm chứa mối quan tâm về tính hiệu quả nhưng không chỉ giới hạn trong phạm vi đó (Commons, 1932, tr. 24-25; 1934, tr. 751-755).
Cuối cùng, các nhà thể chế luận đã có nhiều đóng góp và có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, bồi thường cho công nhân, an sinh xã hội, khung pháp lý về lao động, quy định điều tiết về cung ứng hàng hoá công ích, các chương trình trợ giá nông nghiệp, và thúc đẩy chính phủ “lập kế hoạch” nhằm tạo ra các mức sản lượng cao và ổn định. Commons là người tiên phong trong việc đưa ra quy định điều tiết hoạt động cung ứng dịch vụ công ích, bảo hiểm thất nghiệp, và bồi thường cho công nhân ở Wisconsin, và mô hình Wisconsin đã có ảnh hưởng rộng rãi. Nhiều nhà thể chế luận là các thành viên nhiệt huyết của Hiệp hội Pháp chế Lao động Mỹ (American Association of Labor Legislation), bao gồm cả Mitchell, Hamilton, Slichter, Commons, và nhiều sinh viên của Commons khác (và cả Thư ký thường trực, John B. Andrews). AALL đã thúc đẩy nhiều cải cách về khung pháp lý lao động cũng như các chương trình bảo hiểm y tế (Chasse, 1994). Lĩnh vực bảo hiểm y tế tiếp tục được Ủy ban về Chi phí Y tế theo đuổi, với sự tham gia của cả Hamilton và Mitchell.
Các nhà thể chế luận có ảnh hưởng đáng kể trong Thoả thuận mới (New Deal). Nhiều sinh viên của Commons, ví dụ như Witte, Arthur J. Altleyer, và Wilbur Cohen, đóng vai trò dẫn dắt trong việc phát triển các chương trình An sinh Xã hội Liên bang. Hamilton là thành viên của Hội đồng Điều hành Khôi phục Quốc gia (National Recovery Administration Board), và cũng đảm nhận vị trí Giám đốc của Cục Nghiên cứu và Thống kê (Bureau of Research and Statistics) của Ủy ban An sinh Xã hội (Social Security Board). Berle và Tugwell là hai “Bộ óc đáng tin cậy” đầu tiên của Roosevelt, và Tugwell và Means là những người cổ vũ hàng đầu cho cách tiếp cận “cấu trúc (structuralist)” hoặc kế hoạch hoá, vốn có ảnh hưởng mạnh trong giai đoạn đầu của Thoả thuận mới. Trong đó, Tugwell là Thứ trưởng bộ Nông nghiệp (Assistant Secretary of Agriculture). Means cũng làm việc như là một cố vấn kinh tế trong Cục Nông nghiệp (Department of Agriculture), và sau đó dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Ủy ban Nguồn lực Quốc gia, nhóm này còn có Lubin, Ezekiel, và Thorp, cũng như Lauchlin Currie. Riefler đã trở thành Cố vấn Kinh tế cho Hội đồng Điều hành. Thorp đảm nhiệm vị trí Giám đốc Bộ phận Người tiêu dùng của Hội đồng Khẩn cấp Quốc gia và Chủ tịch trong Hội đồng Cố vấn của Hội đồng Quản lý Khôi phục Quốc gia. Ezekiel trở thành cố vấn kinh tế cho Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế chính sách nông nghiệp. Lubin trở thành Ủy viên Hội đồng Thống kê Lao động, và, sau đó, là Trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Roosevelt. Glaeser trở thành cố vấn đặc biệt của Chính Quyền Tennessee Valley.
(còn nữa)
Chú thích:
(1) Trong suốt cuộc chiến tranh, Mitchell đứng đầu Phòng Giá cả của Hội đồng Công nghiệp Chiến tranh [Prices Section of the War Industries Board]. Stewart, Leo Wolman và Stewart, tất cả cùng làm việc với Mitchell. Hamilton và bạn của ông là Harold Moulton nghiên cứu về các vấn đề tái thiết cho Hội đồng Chính sách Lao động - Chiến tranh [War Labor Policies Board]. Họ cũng có quan hệ thân thiết với J. M. Clark. Kỳ họp của Hiệp hội Kinh tế Mỹ bao gồm các bài viết được chuẩn bị bởi Walton Hamilton, J. M. Clark, William Ogburn, và Walter Stewart là chủ tịch. Thông tin chi tiết hơn về phiên thảo luận này được đề cập trong Rutherford (2000b, trang 279-280).
(2) Mitchell đã tham gia vào việc thành lập NBER và là Giám đốc nghiên cứu đầu tiên tại đây. Moulton trở thành Giám đốc đầu tiên của Viện Kinh tế học. Mitchell đã tham gia vào việc thành lập của New School và đã dạy ở đó cho một vài năm. Veblen và Wolman cũng làm việc ở đây. Năm 1923, Hamilton được thuê và đứng đầu Robert Brookings Graduate School. Trường này được thành lập với ý định đào tạo sinh viên sau đại học về kinh tế học và quản trị nhà nước. Ý tưởng ban đầu đó là các sinh viên sẽ làm việc không chỉ với các nhân viên của nhà trường, mà còn với các nhân viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản trị nhà nước [Institute for Government Research], Viện Kinh tế học [Institute of Economics]. Trường đã tạm ngừng hoạt động sau khi sự hợp nhất hai Viện vào Viện Brookings [Brookings Institution] năm 1928. Một bài viết về Walton Hamilton và Brookings Graduate School sẽ là một dự án nghiên cứu trong tương lai.
(3) Điều thú vị cần lưu ý đó là J. M. Clark, Hale, Llewellyn, và những tên tuổi khác tại Columbia cùng dạy một seminar về Kinh tế học, Luật học và Chính trị học (Fried, 1988, trang 222).
(4) Sự tham gia của các nhà thể chế luận vào việc cải thiện chất lượng các dịch vụ thông tin và thống kê của chính phủ, có thể tham khảo thêm trong Rutherford (2000c).
Nguồn: The Journal of Economic Perspectives, Vol. 15, No. 3 (Summer, 2001), trang 173-194