Thay đổi hệ thống thể chế và khuyến khích

Thay đổi hệ thống thể chế và khuyến khích

Những vấn đề cốt tử nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, thể hiện một cách tập trung nhất qua các thước đo năng suất và hiệu quả, đều bắt nguồn từ các nguyên nhân có tính thể chế. Vì vậy, nếu như không thay đổi hệ thống thể chế (và những khuyến khích hay ràng buộc do hệ thống thể chế này tạo ra) thì không thể thay đổi cách thức và hiệu quả của việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.

Sau gần năm tháng chuẩn bị khẩn trương, Chính phủ đã đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản Báo cáo về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất, và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (gọi tắt là Đề án tái cơ cấu).

Nhìn một cách tổng thể, các nội dung quan trọng của Đề án tái cơ cấu, từ việc nhận dạng về thực trạng cơ cấu kinh tế và nguyên nhân dẫn đến cơ cấu kinh tế hiện tại, cho đến mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, và giải pháp tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng đều không mới so với những gì đã được thảo luận từ trước đến nay.

Thậm chí đề án nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng mục tiêu của Đề án tái cơ cấu lần này là nhằm “hoàn thành tốt mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua”.

Nếu quan niệm rằng tái cơ cấu kinh tế là quá trình phân bổ lại nguồn lực nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô và nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thì những câu hỏi tối thiểu mà bất kỳ một đề án tái cơ cấu nào cũng cần phải trả lời là: thực trạng hệ thống phân bổ nguồn lực hiện nay của nền kinh tế như thế nào? Tại sao hệ thống phân bổ nguồn lực này lại dẫn tới nhiều mất cân đối vĩ mô nghiêm trọng và lặp đi lặp lại với tần suất ngày càng cao như hiện nay? Tại sao hệ thống phân bổ nguồn lực này lại đưa tới một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng năng suất vốn dĩ đã thấp lại đang tiếp tục suy giảm, hiệu quả sử dụng nguồn lực (đặc biệt là vốn và tài nguyên tự nhiên) ngày một kém, tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng khối lượng nhân tố đầu vào trong khi đóng góp của năng suất cứ ngày một giảm dần?  

Các quốc gia có thể thoát nghèo nhờ vào hệ thống thể chế kinh tế tốt, trong đó đặc biệt quan trọng là quyền sở hữu tư nhân và cạnh tranh bình đẳng.

 

Những câu hỏi trên chắc chắn là không dễ trả lời, và trên thực tế chúng chưa được Đề án tái cấu trúc trả lời một cách khách quan và thỏa đáng. Trong đó, điều đáng lưu ý nhất có lẽ nằm ở chỗ mặc dù không khó để nhận ra rằng những vấn đề cốt tử nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, thể hiện một cách tập trung nhất qua các thước đo năng suất và hiệu quả, đều bắt nguồn từ các nguyên nhân có tính thể chế, nhưng Đề án tái cấu trúc hầu như không phân tích các nguyên nhân này, và do vậy đa số những giải pháp đưa ra vẫn chưa đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề, đó là nếu như không thay đổi hệ thống thể chế (và những khuyến khích hay ràng buộc do hệ thống thể chế này tạo ra) thì không thể thay đổi cách thức và hiệu quả của việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.

Hãy thử trả lời câu hỏi với hệ thống thể chế hiện nay, liệu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, có động cơ và bị bắt buộc phải trở nên hiệu quả hay không? Thực tiễn và lý thuyết đã chỉ ra rằng chừng nào các DNNN vẫn còn được bao cấp, không phải chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”, được hưởng đặc quyền trong việc tiếp cận đất đai và tín dụng giá rẻ, có vị thế độc quyền trên thị trường nội địa và được bảo hộ khỏi áp lực cạnh tranh quốc tế thì chừng đó chúng không thể có động cơ cải thiện hiệu quả. Sâu xa hơn, chừng nào DNNN vẫn được coi là chỗ dựa sống còn của Nhà nước, được coi là xương sống, đóng vai trò chi phối, chủ đạo, chủ lực trong nền kinh tế bất chấp kết quả hoạt động kém cỏi của chúng thì chừng đó không thể hy vọng chúng sẽ tự tái cơ cấu để trở nên hiệu quả và có sức cạnh tranh.

Tương tự như vậy, liệu hệ thống thể chế hiện nay có khuyến khích hay buộc các dự án đầu tư công phải trở nên hiệu quả hay không? Hãy nhìn vào một ví dụ cụ thể - đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Theo dự toán năm 2006, tổng đầu tư cho con đường này là 6.500 tỉ đồng, nhưng đến khi quyết toán, giá trị đầu tư lên tới gần 10.000 tỉ, tức là cao gấp rưỡi dự toán ban đầu. Để bù đắp chi phí đầu tư rất cao này, dự án được phép nâng mức phí, khiến nhiều phương tiện vốn sử dụng đường cao tốc này chuyển ngược trở lại đi đường quốc lộ 1A. Để tận thu phí giao thông từ các phương tiện chuyển luồng này, doanh nghiệp lại được phép đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A, và do vậy những xe chuyển luồng có thể sẽ phải đóng phí do… không sử dụng đường cao tốc. Rõ ràng là nếu DNNN thực hiện đầu tư công với giá bị đội lên cao như vậy, sau đó được Nhà nước tạo mọi điều kiện để chuyển gánh nặng chi phí này lên vai doanh nghiệp và người tiêu dùng thì sẽ không có động cơ để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Cũng tương tự như vậy, liệu các biện pháp tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong Quyết định 254 của Chính phủ có tạo ra khuyến khích để buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) trở nên hiệu quả hơn hay không? Quyết định 254 không dưới một lần nhấn mạnh rằng mục tiêu của tái cơ cấu là làm cho các NHTM nhà nước đóng vai trò chi phối, thực sự trở thành chủ lực và chủ đạo trong hệ thống NHTM. Một số NHTM cổ phần làm mất vốn của cổ đông, tổn hại lợi ích của người gửi tiền và phát tán rủi ro cho toàn hệ thống được yêu cầu “sáp nhập tự nguyện” nhưng không bị tước quyền sở hữu và quyền kiểm soát, không những thế lại còn được NHNN bơm thêm thanh khoản. Rõ ràng những “khuyến khích ngược” như thế này không những không giúp tăng hiệu quả của NHTM mà còn làm tăng rủi ro đạo đức hay tâm lý ỷ lại trong toàn hệ thống.

Mới đây hai học giả Acemoglu (MIT) và Robinson (Harvard) trong cuốn sách mới xuất bản nhan đề “Tại sao các quốc gia thất bại?” đã chứng minh một cách hết sức thuyết phục rằng các quốc gia có thể thoát nghèo nhờ vào hệ thống thể chế kinh tế tốt, trong đó đặc biệt quan trọng là quyền sở hữu tư nhân và cạnh tranh bình đẳng. Nhiều nước, vào những thời điểm quyết định trong lịch sử dân tộc, đã chuyển hóa thành công hệ thống thể chế, và nhờ đó vươn tới sự thịnh vượng; trong khi nhiều quốc gia khác không làm được điều này để rồi rơi vào cảnh đói nghèo. Hy vọng rằng bản Đề án tái cơ cấu cuối cùng sẽ bao gồm các giải pháp thể chế hướng tới việc thay đổi hệ thống khuyến khích, từ đó thay đổi hành vi và dẫn tới một nền kinh tế hiệu quả hơn.

Nguồn: Vũ Thành Tự Anh, Thay đổi hệ thống thể chế và khuyến khích, TBKTSG, 26/4/2012