[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VI: Đâu là những lợi thế thực sự mà xã hội Mĩ có được nhờ chính quyền dân trị (Phần 3)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VI: Đâu là những lợi thế thực sự mà xã hội Mĩ có được nhờ chính quyền dân trị (Phần 3)

VỀ LÒNG TÔN TRỌNG LUẬT PHÁP Ở HOA KÌ

Người Mĩ tôn trọng luật pháp. − Người Mĩ yêu luật pháp như yêu cha mẹ. − Lợi ích cá nhân của mỗi người trong việc gia tăng sức mạnh luật pháp.

Chẳng phải bao giờ người ta cũng rảnh rỗi để có thể hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp lôi toàn thể nhân dân đi làm luật. Nhưng ta cũng không thể không thừa nhận điều này, ấy là một khi việc đó có thể thực hiện được, thì luật pháp càng lắm uy danh. Cái nguồn gốc nhân dân đó, là điều lắm khi có hại cho ngành lập pháp về tính tốt đẹp và về sự khôn ngoan, thì lại đặc biệt góp phần làm cho ngành lập pháp có thể mạnh.

Khi toàn thể nhân dân nói rõ nguyện vọng mình ra, điều đó có một sức mạnh thần kì. Khi nhân dân xuất hiện công nhiên trần trụi, dường như nó làm điêu đứng đầu óc tưởng tượng của ngay cả những kẻ nào có ý muốn chống lại nhân dân.

Chân lí này được các đảng phái hiểu rất rõ.

Vì vậy mà ta thấy bất kì ở đâu mà có thể làm được thì các đảng đều giành giật phe đa số. Khi không có phe đa số trong những người bỏ phiếu ủng hộ, các đảng phái gọi đó là những người bỏ phiếu trắng, và nếu như phe đa số tuột khỏi tay các đảng phái, họ gọi đó là những người không có quyền bầu cử.

Ở Hoa Kì, trừ những người nô lệ, những người hầu và những người nghèo khổ được công xã nuôi, không có ai không là cử tri hết, và không ai theo danh nghĩa đó lại không gián tiếp dính dáng đến xây dựng luật pháp. kẻ nào định tiến công vào luật pháp thì buộc phải làm một trong hai việc này: họ phải làm thay đổi ý kiến toàn thể nhân dân, hoặc là ý kiến nhân dân bị họ xéo dưới chân.

Thêm vào lí do thứ nhất đó một lí do thứ hai còn mạnh hơn nữa, khi ở Hoa Kì ai ai hình như cũng có được một thứ lợi ích cá nhân đối với mọi thứ gì dính dáng đến pháp luật. Bởi vì người nào hôm nay chưa thuộc phe đa số thì rất có thể ngày mai lại nằm trong phe đó. Và nếu hôm nay anh ta tỏ rõ sự tôn trọng ý chí của nền pháp chế, thì anh ta sẽ có cơ hội đòi những người khác cũng tôn trọng các nguyện vọng của phe mình. Vậy mà, cho dù luật pháp có gây khó chịu bao nhiêu chăng nữa, người dân Hoa Kì vẫn dễ dàng chấp nhận, không coi đó là việc của phe đa số mà coi là của chính cá nhân mình. Người dân Mĩ nhìn việc đó dưới góc độ một bản khế ước mà anh ta là một bên kí kết.

Vì thế mà ta chẳng thấy ở Hoa Kì cái đám đông dân chúng lúc nào cũng ngỗ ngược coi luật pháp như một thứ kẻ thù tự nhiên, nhìn vào với vẻ đầy e ngại và nghi ngờ. Và ngược lại cũng không thể nào thấy tất cả các tầng lớp đều hết sức tin cậy nền pháp chế đang chi phối đất nước và nhìn vào với tình cảm cha con ruột thịt.

Khi nói tất cả các tầng lớp là tôi đã nhầm. Ở Mĩ, cái thước đo quyền lực kiểu châu Âu đã bị đảo lộn, người giàu ở vào cái thế tương tự như của người nghèo ở châu Âu. Họ mới chính là những người đôi khi thách đố luật pháp. Tôi đã nói tới điều đó ở một đoạn khác rồi: ưu thế thực thụ của chính quyền dân trị không phải là bảo đảm lợi ích của tất cả mọi người như đôi khi vẫn cho là như vậy, mà chỉ là bảo vệ lợi ích phe đa số hơn cả. Ở Hoa Kì nơi người nghèo cầm quyền, người giàu bao giờ cũng lo sợ bị người nghèo dùng chính quyền để lạm dụng họ.

Cái tâm thế đó ở người giàu có thể tạo ra một sự bất bình thầm lặng. Nhưng xã hội không vì thế mà bị lung lay dữ dội. Bởi vì cùng cái lí do nào ngăn cản người giàu tin tưởng vào nhà lập pháp lại ngăn cản họ chống lại những điều răn cấm của nhà lập pháp. Anh ta không làm ra luật pháp vì anh ta là người giàu, và không phải vì anh ta là người lắm của mà lại dám vi phạm luật pháp. Nói chung, ở các quốc gia văn minh, chỉ có những con người chẳng có gì để mất thì mới nổi loạn. Vậy là, nếu như luật pháp của nền dân trị không phải là bao giờ cũng đáng được tôn trọng, thì hầu như bao giờ nó cũng vẫn được tôn trọng. Bởi vì nói chung những ai vi phạm luật pháp thì vẫn cứ phải tôn trọng những gì mình làm ra và cầu lợi từ đó, và những công dân nào có thể có lợi trong việc vi phạm chúng đều vì tính cách của họ và vì vị trí của họ mà phải tuân thủ theo ý chí của nhà lập pháp. Vả chăng, ở Mĩ, nhân dân không chỉ tuân thủ luật vì đó là luật của họ, mà còn bởi vì nhân dân có quyền thay đổi luật đó khi ngẫu nhiên nó làm tổn thương họ. Trước hết người dân tuân thủ luật như phải theo một cái xấu tự mình áp đặt cho mình, và sau đó coi như phải tuân theo một cái xấu không vĩnh viễn.

HOẠT ĐỘNG CHỦ ĐẠO CỦA TẤT CẢ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ Ở HOA KÌ; ẢNH HƯỞNG CỦA HOẠT ĐỘNG ĐÓ ĐỐI VỚI XÃ HỘI

Khó có thể hình dung hoạt động chính trị ở Hoa Kì mà lại thiếu tính tự do và sự bình đẳng. − Sự chuyển động lớn không ngừng khuấy động công cuộc pháp chế chỉ là một khúc kéo dài của sự chuyển động phổ quát kia. − Người Mĩ khó lòng chỉ biết chăm chăm đến việc riêng của mình thôi. − Sự xáo động về chính trị lan sang cả xã hội dân sự. − Hoạt động công nghiệp của người Mĩ có phần bắt nguồn từ đó. − Những thuận lợi gián tiếp đối với xã hội trong thể chế chính quyền dân trị.

Khi ta chuyển từ một xứ sở tự do sang một xứ sở khác không có tự do, ta liền bị choáng trước một cảnh tượng kì lạ: ở nơi này là cả một quốc gia luôn luôn hoạt động và chuyển động, ở nơi kia mọi sự như là yên tĩnh và bất động. Ở nơi này, vấn đề đặt ra chỉ là cải thiện và tiến bộ; còn ở nơi kia, có cảm giác xã hội sau khi đã thu vén về đủ thứ tài sản, nay chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi hưởng thụ mấy thứ đó. Ấy vậy mà, cái xứ sở khuấy động biết bao nhiêu kia để được hạnh phúc nói chung lại giàu hơn và thịnh vượng hơn cái xứ sở có vẻ như rất thoả mãn với số phận mình. Và khi xem xét cả hai, ta khó mà hiểu nổi vì sao biết bao điều mới mẻ ngày lại ngày hiện ra trong cái xứ sở tự do kia, trong khi ở nơi kia những chuyện như vậy lại diễn ra rất ít.

Nếu nhận xét vừa rồi được đem áp dụng vào các quốc gia tự do mà vẫn duy trì hình thức quân chủ và vào các quốc gia dân trị, sự khác biệt càng rõ rệt hơn ở những nước cộng hoà dân chủ. Ở các nước này, không phải chỉ là một nhóm người dân tính chuyện cải thiện thực trạng xã hội, mà toàn thể nhân dân chăm lo việc đó. Không chỉ là chuyện cung ứng nhu cầu và tiện nghi cho một tầng lớp người, mà cung ứng cùng một lúc cho tất cả các tầng lớp.

Ta hoàn toàn có khả năng hình dung cái tự do vô biên mà người Mĩ được hưởng; ta còn có thể nhận thấy là họ cực kì bình đẳng. Nhưng điều mà ta hẳn là không sao hiểu nổi nếu không thực mục sở thị, đó là trạng thái hoạt động chính trị trên đất nước Hoa Kì.

Vừa đặt chân lên đất Mĩ là bạn thấy mình đứng giữa một thứ huyên náo, một thứ ồn ào hỗn độn dâng lên từ tứ phía. Mỗi một cái ồn ào huyên náo đó biểu lộ một vài nhu cầu xã hội nào đó. Xung quanh bạn, mọi thứ đều cựa quậy: chỗ này, nhân dân một khu phố họp nhau để bàn chuyện có nên xây nhà thờ không; chỗ kia họp bàn nhau bầu một người đại diện; đi xa hơn chút nữa, các đại biểu một huyện đang vội vã đi lên thành phố về vài ba công chuyện cấp thiết cho địa phương mình; ở một địa điểm khác nữa là các ông nông dân gác bỏ chuyện cấy cày để thảo luận quy hoạch một con lộ hoặc một ngôi trường. Có những công dân họp nhau lại, mục đích duy nhất chỉ là tuyên ngôn rằng họ không đồng tình với cung cách điều hành chính quyền, còn có những công dân khác họp nhau lại để tuyên ngôn những người xứng đáng được coi là cha đẻ của đất nước. Lại có những người khác xem chuyện nghiện ngập rượu chè như là nguồn gốc sinh ra thói hư tật xấu của đất nước, họp nhau lại để nêu tấm gương “giới tửu”[220].

Phong trào chính trị lớn không ngừng khuấy đảo các nhà pháp chế Mĩ, phong trào duy nhất thấy lộ diện ra ngoài, chỉ là một tình tiết, chỉ là một sự kéo dài cái cuộc chuyển động phổ quát bắt đầu từ những tầng lớp nhân dân thấp nhất để rồi dần dần lan tới toàn thể các tầng lớp công dân. Không còn thấy cách nào tốt hơn cách con người ở đây cần cù lao động cho cuộc sống hạnh phúc của mình.

Khó mà nói chắc, trong cuộc đời một con người ở Hoa Kì, hoạt động chính trị chiếm vị trí nào. Can thiệp vào việc điều hành xã hội và nói về công việc ấy, đó là công việc lớn nhất hạng và cũng có thể nói là thú vui duy nhất mà người Mĩ từng biết. Ta nhận ra điều này từ những thói quen nhỏ nhặt nhất trong đời sống người Mĩ: ngay chị em phụ nữ cũng thường đến các cuộc hội họp công cộng, nghe diễn thuyết về chính trị và giải lao để quên đi những chuyện cửa nhà bếp núc ngán ngẩm. Với chị em, câu lạc bộ thay thế đến mức nào đó các nhà hát. Người Mĩ không biết nói chuyện, họ tranh luận; họ không trình bày, họ bình luận. Bao giờ họ cũng nói với ta như nói trước một đám người đang hội họp. Bất chợt có hăng tiết lên, người Mĩ nói “Thưa các vị” với chỉ một người đang được hân hạnh tiếp chuyện.

Có những nước người dân chỉ chấp nhận với chút khó chịu các quyền chính trị do luật pháp đem lại. Làm cho ông ta quan tâm đến những lợi ích chung tưởng đâu như là lấy cắp thời giờ của ông ta vậy. Và ông ta thích co mình trong một thứ ích kỉ chật hẹp giới hạn chính xác bằng bốn cái hố có rào cao che chắn.

Trái lại, khi mà người Mĩ bị buộc phải lo cho riêng công việc của chính mình thôi, khi đó tưởng như nửa cuộc đời họ bị cướp đoạt mất. Người dân Mĩ khi đó sẽ cảm thấy một sự trống rỗng mênh mông trong cuộc đời mình, và họ sẽ đau khổ không sao tưởng tượng nổi[221].

Tôi tin chắc rằng nếu có khi nào nền độc trị được thiết lập ở Mĩ, nó sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc khắc phục những thói quen mà nền tự do đã đẻ ra hơn là khắc phục chính cái tình yêu tự do.

Cái sự khuấy động không ngừng sinh sôi đó mà chính quyền dân trị đã đem du nhập được vào đời sống chính trị sau đó chuyển sang khuấy động xã hội dân sự. Xét toàn cục, tôi không hiểu liệu đó có phải là ưu thế mạnh hơn cả của chính quyền dân trị, và tôi còn ca tụng chính quyền đó nhiều hơn ở chỗ nó kích thích con người làm được nhiều hơn là cái chính quyền đem đến cho họ.

không thể phủ nhận việc nhân dân lắm khi điều khiển việc công rất tồi. Nhưng nhân dân không thể can thiệp vào việc công mà không bộc lộ phạm vi ý tưởng mới mở mang của họ, và hẳn ta cũng thấy ý tưởng của nhân dân cũng chỉ vừa mới thoát khỏi nếp nghĩ thông thường thôi. Những con người bình thường khi được giao cai quản xã hội có một niềm tin nhất định vào bản thân. Khi họ thành một thế lực, thì có những trí tuệ rất cao đến trợ giúp. Người ta không ngừng đến để tìm hỗ trợ, và khi thiên hạ dùng thiên vạn cách để đánh lừa, thì cũng khiến nó mở mắt ra. về chính trị, nó tham gia vào những công trình không phải của nó, nhưng lại gây cho nó sự thích thú chung đối với những công việc lớn. Ngày nào người ta cũng chỉ cho nó thấy những gì phải cải thiện có lợi cho việc công; và nó sẽ cảm thấy cái ước vọng cải thiện cái gì mang tính chất riêng của nó. Có thể là nó không đạo đức lắm và cũng chẳng may mắn lắm, nhưng nó sáng láng hơn và năng động hơn các chính quyền có trước nó. Tôi không hồ nghi gì việc các thiết chế dân trị khi gần với cái thiên nhiên vật chất của đất nước có thể là nguyên nhân, dù không trực tiếp như nhiều người vẫn nói, mà là gián tiếp của sự chuyển động thần kì về công nghiệp ai cũng thấy ở Hoa Kì. Không phải luật pháp đẻ ra nền công nghiệp đó, mà chính nhân dân học cách tạo ra nền công nghiệp khi họ làm ra luật pháp.

Khi những kẻ thù của nền dân trị bảo rằng trách nhiệm trong tay chỉ một người thôi tốt hơn cái chính quyền của mọi người, tôi cảm thấy họ có lí. Chính quyền của một người, giả định là cũng sáng láng như bên kia, mang tính cách liên tục trong các công trình của mình hơn là chính quyền của số đông. Chính quyền đó kiên trì hơn, nhìn mọi việc một cách toàn cục hơn, chăm lo đến chi tiết hơn, chọn người công tâm hơn. Những ai phủ nhận những điều vừa rồi là những người chưa bao giờ nhìn thấy một nước cộng hoà dân chủ và chỉ phán xét theo vài ba cái thí dụ. Nền dân trị, xét cả về những điều kiện tự nhiên của địa phương lẫn những quyền hạn nhân dân trao cho nó, không hiển hiện cái vẻ chính quy về phương diện hành chính và cái cung cách cầm quyền cho ra vẻ quy cách; đúng là có chuyện đó thật. Không phải làm việc gì to nhỏ thì nền tự do dân trị cũng đều hoàn thiện ngang tầm với một nền chuyên chế thông minh. Lắm khi nền dân trị bỏ dở các công trình trước khi thành kết quả hoặc lại liều lĩnh tiến hành những công cuộc nguy hiểm mới. Nhưng về lâu về dài thì nền dân trị vẫn làm được nhiều hơn nền chuyên chế. Trong từng việc nó làm chất lượng kém hơn, nhưng lại có số lượng lớn hơn. Dưới nền dân trị, cái vĩ đại không phải là những gì chính quyền làm được, mà là cái gì mọi người làm được không có bàn tay chính quyền hoặc ở bên ngoài chính quyền. Nền dân trị không đem lại cho nhân dân một chính quyền khôn khéo nhất, nhưng nó khiến cho ngay cả cái chính quyền khôn khéo nhất lắm khi cũng bất lực không làm nổi. Nó tạo ra trong toàn xã hội một sự hoạt động biết âu lo, một sức mạnh dư thừa, một năng lượng mà thiếu nền dân trị sẽ không tài nào tồn tại nổi, và một khi có đủ điều kiện tối hảo, nó có khả năng tạo ra những điều thần kì. Đó chính là những ưu thế thực sự của nền dân trị.

Trong thế kỉ này, khi những thân phận người Công giáo vẫn còn như đang bị treo lơ lửng, có những người thì vội vã công kích nền dân trị như đánh vào một kẻ thù, lại có những người tôn thờ nó như một thần linh mới từ hư không chui ra. Nhưng cả đôi bên đều chỉ biết một cách không đầy đủ đối tượng của lòng thù hằn hoặc của lòng ham muốn của mình; đôi bên đánh nhau trong bóng nhập nhoạng tối và đôi khi đã choảng trúng phải nhau.

Ta muốn gì ở xã hội và chính quyền của nó? Trước hết, cần thống nhất với nhau đôi ba điều.

Bạn có muốn đem lại cho tư tưởng con người một tầm cao nào đó, một cung cách độ lượng khi xem xét mọi vật của thế giới này? Bạn có muốn gợi lên trong con người một thứ tình cảm khinh ghét những tài sản vật chất? Bạn có muốn làm nảy sinh hoặc duy trì những niềm tin sâu xa và chuẩn bị cho những sự hi sinh to lớn?

Phải chăng bạn lo chuyện trau chuốt tập tục, nâng cao lối sống, làm cho các nghệ thuật bừng lên chói lọi? Bạn muốn có thơ ca, có sấm rền, có vinh quang?

Bạn có định tổ chức cả một dân tộc sao cho nó có thể tác động mạnh mẽ tới các dân tộc khác? Bạn có định dẫn dắt dân tộc đó tới những công trình vĩ đại, và bất kể cố gắng đến đâu và thành tựu ra sao, chỉ cốt sao cho nó để lại được một dấu vết mênh mang trong lịch sử?

Nếu theo bạn đó là mục tiêu chính con người trong xã hội phải đặt ra, thì bạn hãy chớ có chọn kiểu chính quyền dân trị; nó không dẫn bạn một cách chắc chắn tới đích.

Nhưng nếu bạn cảm thấy sự hữu ích của việc xoay chuyển hoạt động trí tuệ và đạo đức của con người hướng tới những nhu cầu của đời sống vật chất và dùng thành tựu vật chất đó để tạo ra ấm no hạnh phúc cho con người; nếu theo bạn lí trí có lợi cho con người hơn là thiên tài; nếu đối tượng của bạn không phải là tạo ra những đạo đức kiểu người hùng mà chỉ là những thói quen hiền hoà; nếu bạn ưng chịu những tật xấu hơn là những trọng tội và bạn ưng bắt gặp bớt đi những hành vi cao cả với điều kiện là cũng bắt gặp ít đi những điều đại ác; nếu thay vì hoạt động trong lòng một xã hội sáng láng bạn chỉ cần được sống trong một xã hội thịnh vượng; và cuối cùng nếu theo bạn đối tượng chính của một chính quyền chẳng phải là đem lại cho quốc gia càng thêm nhiều sức mạnh và vinh quang càng tốt, mà chỉ là đem lại cho từng cá nhân con người trong xã hội thêm càng nhiều hạnh phúc càng tốt, và tránh cho nó càng đỡ khốn cùng càng hay; nếu thật vậy thì bạn hãy san bằng các điều kiện và hãy tạo ra chính quyền dân trị.

Nhưng giả sử bạn chẳng còn thời giờ để mà chọn lựa, và một sức mạnh lớn hơn sức con người, nó chẳng hỏi han gì bạn mà vội lôi cuốn bạn tới một trong hai hình thức chính quyền, khi đó xin bạn hãy tìm cách ít nhất là tận dụng được những cái gì hay ho nhất mà mỗi chính quyền đó có thể có. Và vì đã biết đâu là những bản năng tốt đẹp và đâu là những xu thế xấu, xin bạn hãy cố mà thu hẹp tác động của những xu thế xấu và phát triển những bản năng tốt đẹp.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn