[Tinh thần dân chủ] Chương 2: Bùng nổ dân chủ (Phần 2)

[Tinh thần dân chủ] Chương 2: Bùng nổ dân chủ (Phần 2)

VỤ BÙNG NỔ THỨ HAI CỦA LÀN SÓNG THỨ BA

Khi các đảng phái bị chia rẽ ở Nepal đã liên kết lại với nhau trong Phong trào Khôi phục Dân chủ vào tháng 2 năm 1990, họ đã tìm được khát vọng từ những hình ảnh đầy kịch tính của những cuộc chuyển hóa dân chủ ở những nước khác. Nhưng nguồn động viên của họ không phải là Pakistan hay Bangladesh hay bất kì nước châu Á nào khác mà là những sự kiện gây được ấn tượng sâu sắc ở Đông Âu cách đó 6 tháng.

Đường phân chia giữa hai giai đoạn của làn sóng thứ ba được đánh dấu bằng những sự kiện diễn ra năm 1989. Thực ra, những thay đổi do sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu gây ra sâu sắc đến mức một số học giả gọi giai đoạn sau của quá trình dân chủ hóa là làn sóng thứ tư.1 Cuối năm 1989, trên thế giới cứ 5 chính phủ thì chỉ có 2 chính phủ dân chủ mà thôi, xu hướng dân chủ toàn cầu lan tràn từ Tây Âu tới Mỹ Latin và sau đó tới châu Á, nhưng không đi xa hơn. Nhưng một sức mạnh bất ngờ đã làm thay đổi tất cả. Năm 1994, thêm 20% các quốc gia trên thế giới trở thành dân chủ, thậm chí một số quốc gia được tạo ra từ sự tan rã của Nam Tư và đế chế Liên Xô. Trong đúng nửa thập kỉ, 40 nước đã tiến hành quá trình chuyển đổi sang dân chủ với tốc độ chóng mặt.

Dòng thác bắt đầu xảy ra một cách bất thình lình vào tháng 8 năm 1989, khi nước Hungary cộng sản mở cửa biên giới với Áo, và hơn 13 ngàn du khách Đông Đức chạy trốn để đi tìm tự do. Cuộc cải cách “perestroika” của nhà lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, cũng đóng vai trò chủ yếu. Những cuộc cải cách này dường như đã loại bỏ được bóng ma can thiệp từ phía Đông, tức là những cuộc can thiệp dẫn tới vụ đàn áp cuộc nổi dậy của Hungary năm 1956 và Mùa xuân Praha năm 1968. Những cuộc biểu tình chống cộng, được khuyến khích bởi sự lãnh đạo tinh thần và tầm nhìn của những người bất đồng chính kiến dân chủ quả cảm như nhà soạn kịch người Czech, Václav Havel, quét qua Đông Âu và các chế độ cộng sản bị lật đổ. Ngày 18 tháng 10 năm 1989, người đứng đầu đảng cầm quyền ở Đông Đức, già nua nhưng vẫn rất tàn nhẫn là Erich Honecker, kẻ đã dự đoán rằng Bức tường Berlin còn đứng vững “hơn một trăm năm nữa”, đã từ chức trước làn sóng biểu tình của quần chúng, chạy trốn và chẳng bao lâu sau những người kế tục ông ta đã cho phá bức tường. Một năm sau, hai phần của nước Đức thống nhất, trở thành một nước dân chủ.

Quá trình dân chủ hóa nhanh chóng tràn qua những chế độ cộng sản Đông Âu khác. Phần lớn những nước này từ lâu đã sẵn sàng về mặt xã hội và văn hóa cho dân chủ và đã phản kháng mãnh liệt chế độ độc tài cộng sản. Các nhà trí thức, nhà báo, giới tu sĩ, sinh viên, các nhà hoạt động công đoàn bất đồng chính kiến và những nhà hoạt động khác đã trở thành những người nổi tiếng.

Hungary đã và đang chuyển hóa thành hình thức cộng sản mềm dẻo hơn, đa nguyên hơn và có nền kinh tế hỗn hợp suốt hàng chục năm qua, và trong những năm 1980, phong trào phản kháng được nhiều người biết là Công đoàn Đoàn kết đã gây sức ép buộc phải tiến hành cải cách chính trị ở Ba Lan. Sau cả chục năm bãi công, biểu tình, đàm phán và đàn áp mà không mang lại hiệu quả, tháng 4 năm 1989, chế độ đã chấp nhận một loạt cải cách có tính đột phá (dù mới từng phần) với Công đoàn Đoàn kết lúc đó vẫn nằm ngoài vòng pháp luật – chỉ mấy tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Nhưng không phải ở đâu thay đổi cũng diễn ra một cách tương đối bình lặng và được hai bên chấp thuận như thế. Giữa tháng 12 năm 1989, chế độ độc tài trung thành với Stalin nhất và tưởng như không thể nào bị phá vỡ, tức là chế độ của Nicolae Ceausescu ở Romania, đã sụp đổ chẳng khác gì ngôi nhà không có móng. Những cuộc biểu tình chống chính phủ lan tràn trên khắp cả nước, các đơn vị quân đội đứng lên khởi nghĩa, các bên đã đánh nhau, nhà độc tài bị người dân căm ghét và vợ của ông ta bị bắt và bị hành quyết vào ngày 25 tháng 12 năm đó.

Đầu năm 1991, lần đầu tiên, sau hơn 60 năm, Ba Lan bầu được người đứng đầu nhà nước theo lối dân chủ; Hungary và Tiệp Khắc thì đang chiến đấu để tái cơ cấu và củng cố các thiết chế dân chủ; Bulgaria được chính phủ đại nghị phi cộng sản lãnh đạo và đang tiến hành cuộc cải cách kinh tế quyết liệt và dân chủ hóa hoàn toàn; và những cuộc biểu tình có đông người tham gia ở Belgrade đòi trục xuất chính phủ do người Serbia lãnh đạo, đây là vẫn là chính phủ cộng sản, ngoại trừ tên gọi. Cộng sản đã mất chính quyền ở bốn trong sáu nước cộng hòa thuộc Nam Tư trước khi những lực lượng dân tộc hùng hậu được động viên, dẫn tới những cuộc xung đột đầy bạo lực giữa Serbia và Croatia, và sau đó là giữa Serbia và Bosnia-Herzegovina.

Ở Liên Xô – thực thể giả tạo nhất và phức tạp nhất về mặt sắc tộc so với tất cả các quốc gia cựu cộng sản khác, tổng thống Gorbachev không hiểu được rằng chính sách tự do hóa của ông, chứ không phải là việc tạo ra sức sống mới cho chủ nghĩa cộng sản, sẽ tạo điều kiện cho quá trình phân rã. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, lực lượng dân tộc chủ nghĩa kết hợp với tình cảm dân chủ nhằm thủ tiêu quyền lực của chính phủ trung ương Liên Xô. Quyền lực nhanh chóng chuyển sang tay chính phủ trong các nước cộng hòa, nhiều chính phủ đã được bầu cử theo lối cạnh tranh, bán dân chủ, với mức độ hợp pháp nào đó (rõ nhất là chính phủ của Boris Yeltsin ở Nga). Tháng 8 năm 1991, một nhóm những người cộng sản cứng rắn định giành quyền lực từ tay Gorbachev; ngày 25 tháng 12, Gorbachev từ chức tổng thống Liên Xô. Sự sụp đổ đột ngột của chính quyền trung ương tạo ra ba thách thức to lớn đối với Liên Xô: đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, thiết lập và thiết chế hóa các cơ cấu dân chủ mới ở các nước cộng hòa, và tạo ra hệ thống tương tác kinh tế và chính trị mới giữa các nước cộng hòa. Nhiều nước cộng hòa vùng Trung Á và Caucasus đã nhanh chóng chuyển sang những hình thức bá quyền mới, khi các nhà lãnh đạo đảng và những cơ cấu đàn áp vứt nhãn cộng sản đi và trương lên nhãn mác bản sắc dân tộc. Nhưng bốn nước cộng hòa Baltic, Estonia, Latvia và Lithuania, nhanh chóng trở thành những nước dân chủ, còn Nga thì xuất hiện như một nền dân chủ mới, nền dân chủ đang đấu tranh và có tính đa nguyên nhất so với tất cả những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Những thay đổi bất ngờ như vậy ở Đông Âu và Liên Xô đã có ảnh hưởng ngay lập tức tới tình hình châu Phi. Tháng 2 năm 1990, hai sự kiện tạo ra làn sóng của các phong trào quần chúng mà sau này được gọi là công cuộc giải phóng thứ hai. Ở Benin, liên minh các lực lượng của xã hội dân sự tự tuyên bố “chủ quyền”, giành quyền quản lí quốc gia từ tay giới quân nhân theo đường lối Marxist đã cai trị đất nước suốt 18 năm qua và tiến hành quá trình chuyển hóa sang dân chủ. Nhà độc tài Mathieu Kérékou bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1991 và phải rời nhiệm sở để rồi trở lại trong cuộc bầu cử 5 năm sau đó. Cũng trong tháng 2, sau khi đã không còn sợ bóng ma cộng sản và bị khốn khổ bởi những biện pháp cấm vận của quốc tế, tổng thống mới của Nam Phi, F. W.de Klerk,đã có một quyết định dũng cảm: thả Nelson Mandela, sau khi ông này bị ngồi tù tới 29 năm và hợp pháp hóa các đảng phái chính trị, trong đó có Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Mandela. Đấy là khởi đầu cho quá trình thảo luận và hóa giải kéo dài, dẫn đến cuộc chuyển hóa dân chủ, đầy nguy hiểm, trải qua nhiều giai đoạn, qua quá trình thảo luận cam go và phức tạp nhất ở châu Phi. Sau hai năm thảo luận, có tới 26 đảng phái thuộc mọi xu hướng chính trị tham gia với những vụ bạo lực sắc tộc và cánh hữu gây ra, cuối năm 1993, người ta đã thỏa thuận được thành phần chính phủ chuyển tiếp và hiến pháp, xóa bỏ những vết tích cuối cùng của chế độ phân biệt chủng tộc. Tháng 4 năm 1994, ANC thắng lớn trong cuộc bầu cử dân chủ, đa sắc tộc đầu tiên và Nelson Mandela trở thành tổng thống, lèo lái chính phủ chuyển tiếp, phân chia quyền lực, de Klerk là phó tổng thống thứ hai, trong vòng 5 năm.

Được những thay đổi như thế truyền cảm hứng và vốn đã chán ghét cảnh áp bức, tệ tham nhũng, cũng như suy thoái về kinh tế và đạo đức của chế độ độc đảng, làn sóng đòi mở cửa chế độ và dân chủ đa đảng, được nhiều người ủng hộ, đã quét qua phần còn lại của châu lục này. Dưới áp lực của những nhà cung cấp viện trợ quốc tế, cũng như của nhân dân trong nước, phần lớn các nước châu Phi chí ít cũng đã hợp pháp hóa các đảng đối lập và cho xã hội dân sự nhiều quyền tự do hơn. Những nhà độc tài suốt đời như Felix Houphouȅt-Bolgny ở Bờ Biển Ngà (Ivory Coast), Omar Bongo ở Gabon và Kenneth Kaunda ở Zambia, buộc phải chấp nhận bầu cử mang tính cạnh tranh và đa đảng. Thất bại thảm hại của Kaunda trong cuộc bầu cử tháng 10 năm 1991 và việc ông ta rút lui sau 27 năm cầm quyền đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nền chính trị hậu thuộc địa ở châu Phi. Bị ảnh hưởng bởi những sự kiện ở Benin, các chế độ độc tài ở những nước nói tiếng Pháp khác như Congo, Togo, Niger và Madagascar – sau những cố gắng kháng cự đáng kể –buộc phải chấp nhận công thức tương tự do hội đồng dân tộc đưa ra. Đầu năm 1991, các đảo quốc như Cape Verde và Sao Tomé y Principe đã loại bỏ chế độ độc đảng cầm quyền kéo dài trong cuộc bầu cử có tính cạnh tranh, khởi đầu cho quá trình chuyển hóa sang dân chủ. Sự chống đối dữ dội của xã hội cũng buộc tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe phải từ bỏ ước mơ nhà nước độc đảng của ông ta (nhưng không phải sự bám víu vào quyền lực của ông ta) và buộc tổng thống Abdou Diouf của Senegal đưa đại diện các đảng đối lập tham gia chính phủ. Ngay cả các chế độ theo đường lối Marxist ở châu Phi cũng bị sự sụp đổ nhanh chóng của các chế độ cộng sản ở nước ngoài và sự thất bại thảm hại về kinh tế ở trong nước làm cho nghiêng ngả. Chế độ cộng sản ở Ethiopia cuối cùng đã bị sụp đổ sau nhiều năm nội chiến, trong khi Mozambique và Angola thì tiến hành đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, bãi bỏ chủ nghĩa xã hội và mở cửa hệ thống kinh tế và chính trị. Cuối năm 1991, khoảng 27 nước hay một nửa các quốc gia ở châu lục này đã có thể “được coi là dân chủ hoặc cam kết một cách vừa phải hoặc cam kết mạnh mẽ đối với thay đổi dân chủ.”2

Lên án những đòi hỏi dân chủ là do nước ngoài giật dây, những người phản đối chủ nghĩa đa nguyên chính trị và tự do ngoan cố nhất như tổng thống Daniel arap Moi của Kenya, Paul Blya của Cameroon và Hastings Banda của Malawi ngày càng bị cô lập hơn. Thậm chí chế độ của Moi – phụ thuộc nhiều vào viện trợ quốc tế– năm 1992 cũng buộc phải hợp pháp hóa các đảng cạnh tranh và sa thải một vài bộ trưởng tham nhũng nhất. Tháng 5 năm 1994, Banda một người ốm yếu, đã tám mươi tuổi, bị thua nặng trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên. Đến giữa những năm 1990, châu lục vốn bị coi là độc tài cá nhân, độc đảng, do giới quân nhân cai trị đã chứng kiến sự tỏa sáng của nền chính trị dân chủ.

Trên khắp châu Phi, các đảng đối lập đã được hợp pháp hóa, quyền tự do cá nhân và tự do báo chí được mở rộng, hiến pháp mới có hiệu lực. Nhưng đa số nói chung chỉ là giả tạo, đàn áp và những cuộc bầu cử gian lận vẫn tiếp tục, ví dụ như ở Cameroon. Ở Kenya, phe đối lập tự làm hại chính mình, họ bị chia rẽ thành nhiều phe phái cá nhân hay chủng tộc, đến mức Moi có thể bám lấy quyền lực với số phiếu chỉ hơn quá bán một chút, mặc dù bầu cử được tổ chức một cách gian dối và đầy bạo lực. Tuy nhiên, năm 1997 hầu như tất cả các nước châu Phi đều đã có những cuộc bầu cử đa đảng,3 và đã có hơn mười nước nước dân chủ. Trên toàn cầu, làn sóng thứ ba đã đạt đến đỉnh cao và ổn định với khoảng 117 nước dân chủ (xem phụ lục, bảng 2).

Cú bộc phát cuối cùng của thay đổi dân chủ trong thế giới hậu cộng sản một lần nữa thể hiện rõ lòng can đảm, sự khéo léo và cam kết của các phong trào quần chúng, động viên được sức mạnh phi bạo lực theo kiểu Gandhi trong làn sóng thứ ba.4 Sự huy động quần chúng liên tục (làm người ta nhớ tới những sự kiện đã xảy ra ở Philippines năm 1986) đã đánh bại đảng cầm quyền trong các cuộc bầu cử và sau đó, khi các chế độ này tìm cách tuyên bố chiến thắng, đã đưa hàng trăm nghìn người tham gia phản đối một cách ôn hòa và cuối cùng đã vạch trần được gian lận. Ngày 5 tháng 10 năm 2000, sau hai tuần phản đối trong trật tự – đỉnh điểm là cuộc tuần hành của một triệu người tới Belgrade

– đã buộc tổng thống Serbia, Slobodan Miloševič, từ chức. Theo nhà chính trị học Michael McFaul ở đại học Stanford: “Những sự kiện đầy kịch tính tương tự cũng diễn ra ở Georgia sau khi [tổng thống Eduard] Shevardnadze tìm cách gian lận kết quả cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm 2003, dẫn đến việc ông ta phải từ chức tổng thống và thắng lợi vang dội cho nhà lãnh đạo phe đối lập là MikhailSaakashvili.”5 Cuộc nổi dậy của dân chúng ở Georgia được gọi là Cách mạng Hoa hồng vì lực lượng đối lập do Saakashvili dẫn đầu đã cầm hoa hồng tiến vào tòa nhà quốc hội và giành quyền kiểm soát quốc hội một cách hòa bình trong khi Shevardnadze đang đọc diễn văn. Mùa thu năm 2004, lực lượng dân chủ đối lập ở Ukraine đã áp dụng một cách có ý thức chiến thuật của các cuộc cách mạng ở Serbia và Georgia (với sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ (NGO) phương Tây và Serbia) nhằm lật ngược chiến thắng của ứng viên được chế độ lựa chọn và buộc phải công nhận luật sư dân chủ Viktor Yuschenko là tổng thống dân cử hợp pháp. Họ mặc trang phục màu cam, vì thế cuộc cách mạng này được gọi là Cách mạng Cam.

McFaul nhận xét rằng ba cuộc các mạng này có những nét tương đồng đáng chú ý. Mỗi cuộc cách mạng đều tận dụng được không gian hạn chế mà chế độ nửa độc tài dành cho họ nhằm thách thức kẻ đang nắm quyền và tập hợp được các lực lượng đối lập khác hẳn nhau. Mỗi cuộc cách mạng đều có những cố gắng rất lớn, khá chuyên nghiệp trong việc kiểm tra kết quả bầu cử “để cung cấp kết quả độc lập và chính xác số phiếu thực tế ngay sau khi cuộc bầu cử vừa kết thúc” và do đó tiếng nói của họ đã có sức thuyết phục khi kết quả bầu cử bị xuyên tạc. Mỗi cuộc cách mạng đều sử dụng một cách khéo léo “số lượng có hạn các phương tiện tuyền thông độc lập” để truyền đi sự gian lận trong bầu cử và “công bố sự phản kháng ngày càng gia tăng của dân chúng”. Trong mỗi cuộc cách mạng, những tổ chức sinh viên vừa mới thành lập đều cộng tác với các tổ chức phi chính phủ (NGO) khác và với các đảng chính trị đối lập để động viên hàng chục và cuối cùng là hàng trăm ngàn người cho “những cuộc phản đối mang tính quần chúng, có phối hợp và được tổ chức tốt” nhằm chống lại gian lận. Các cuộc cách mạng này có thể giành thắng lợi một phần vì sự chia rẽ trong lực lượng an ninh đã làm họ nản chí hay sử dụng không hiệu quả bộ máy đàn áp nhằm giải tán các cuộc biểu tình và cứu chế độ.6

(Còn nữa)

Chú thích

1. Michael Mcfaul, The Fourth Wave of Democracy and Dictatorship: Noncooperative Transitions in the Postcommunlst World”, World Politics 5 54 (2002): 212-44. Tôi coi cuộc chuyển hóa dân chủ sau năm 1989 là một phần của làn sóng thứ ba vì theo khuôn khổ của Huntington, chưa xảy ra làn sóng ngược khi làn sóng thứ ba kết thúc và trên thực tế toàn bộ giai đoạn từ năm 1974 đến năm 1999 là quá trình mở rộng dân chủ liên tục.

2.  Richard Joseph, “Africa: The Rebirth of Potitical Freedom”, Journal of Democracy 2 (Fall 1991): 11-24.

3.  Michael Bratton, “Second Elections In Africa”, Trong Larry Diamond and Marc F. Plattner, eds.,

Democratization in Africa (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1999), pp. 18-33.

4. Những phong trào này, trên thực tế, bị ảnh hưởng bởi lý thuyết và những ví dụ của hành vi dân sự phi bạo lực được trình bày trong Force More Powerful và phát triển bởi Trung tâm Quốc tế về Xung đột Phi bạo lực (International Center for Nonviolent Conflict, http://www.nonviolent- conflict.org/.

5.  Michael McFaul, “Transitions from Postcommunism”, Journal of Democracy 16 (July 2005): 4.

6.  Ibid., Trích từ trang 10, 11 và 13.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường