[Tinh thần dân chủ] Chương 4: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Nhân tố bên trong (Phần 2)

[Tinh thần dân chủ] Chương 4: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Nhân tố bên trong (Phần 2)

CÁC GIÁ TRỊ CỦA TỰ DO

Phát triển kinh tế chuyển hóa xã hội theo một số con đường, làm cho việc tập trung quyền lực vào tay một người, một đảng hay một nhóm những kẻ ăn trên ngồi trốc, không có trách nhiệm giải trình ngày càng trở thành khó khăn hơn. Thứ nhất, nó làm thay đổi cơ cấu kinh tế và xã hội, nó làm cho quyền lực và nguồn lực trở thành phân tán hơn. Thứ hai, nó làm cho quan điểm và giá trị chuyển mạnh theo hướng dân chủ.

Về phía cơ cấu, phát triển kinh tế làm cho giai cấp trung lưu gia tăng, nâng cao trình độ học vấn và trao đổi thông tin trong quần chúng nói chung. Sau khi đất nước đạt được mức phát triển và thu nhập trung bình, bất bình đẳng có xu hướng giảm, làm giảm khoảng cách xã hội và phân hóa chính trị giữa các giai tầng. Đối với Lipset, trước vụ bùng nổ của làn sóng dân chủ thứ ba, đây là tác nhân quan trọng nhất làm cho dân chủ trở thành khả thi: “Phát triển kinh tế, làm cho thu nhập tăng lên, bảo đảm về kinh tế vững chắc hơn và nhiều người có điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học hơn, là tác nhân quyết định chính hình thức của ‘cuộc đấu tranh giai cấp’ bằng cách tạo điều kiện cho những giai tầng thấp hơn nhìn về tương lai trong thời gian dài hơn và hình thành những quan điểm phức tạp hơn và mang tính tiệm tiến hơn về chính trị.”1 Trong mấy năm gần đây, Carles Boix, nhà chính trị học tại đại học Princeton, đã chứng minh rằng đây không chỉ là lý thuyết suông. Khi các nước phát triển, thu nhập được phân phối một cách công bằng hơn, điều đó làm mối đe dọa của thuế khóa quá cao và xung đột giai cấp, cũng như tạo điều kiện cho những người giàu có chấp nhận tình trạng không chắc chắn của việc chia tay với chế độ độc tài – và những người nghèo khó hơn kiên nhẫn hơn trong việc chờ đợi thay đổi. Do đó, bình đẳng hơn sẽ làm gia tăng cơ hội cho cả quá trình chuyển hóa sang dân chủ lẫn sự tồn tại của dân chủ.2

Thường thì phát triển kinh tế còn sắp xếp lại các liên minh quyền lợi, lúc đó những kẻ ăn trên ngồi trốc khôn ngoan hơn hay có tầm nhìn xa hơn nhận thức được rằng không còn những mối đe dọa quá khích thì nhà độc tài trở thành lỗi thời và cần phải loại bỏ tình trạng phát triển thất thường dưới chế độc tài – như ở Brazil và Nam Phi – để giữ cho đất nước được ổn định, hay những nhóm xã hội mới xuất hiện và có quyết tâm hơn phải được sáp nhập vào hệ thống chính trị. Phần lớn, đấy có thể là do ngày càng nhiều người trở thành trung lưu, sức mạnh của các tổ chức lao động và nông dân có tính dân túy giảm. Khi dân chúng đang hân hoan với phát triển kinh tế, các nhóm thuộc tầng lớp trung lưu “trở thành ngày càng tự tin hơn về khả năng thúc đẩy quyền lợi của họ thông qua nền chính trị dân cử.”3

Tầng lớp trung lưu mới xuất hiện này có thể đi theo cái mà nhà xã hội học đã quá cố, Daniel Lerner, gọi là “sự năng động về tinh thần.”4 Khi người dân rời bỏ làng quê ra thành phố, họ không chỉ cắt đứt mối liên hệ với những ông trùm chính trị, những ông chủ hay tù trưởng truyền thống, mà còn tiếp thu những quan điểm và niềm tin chính trị mới, những quan điểm và niềm tin mới này lại được trình độ học vấn và thông tin liên lạc trên toàn cầu gia tăng làm cho biến đổi. Cùng với quá trình phát triển, số lượng và sự đa dạng của thông tin gia tăng đột biến và quan trọng hơn, sự kiểm soát thông tin trở thành phân tán hơn. Đài phát thanh, chảo thu truyền hình, máy tính, Internet, điện thoại cầm tay… và các công nghệ khác trở thành dễ dàng hơn về mặt vật lí và tài chính đối với nhiều tầng lớp dân cư hơn. Cùng với các cuộc cách mạng công nghệ vừa diễn ra trong thời gian dần đây, thông qua sóng FM, truyền hình cáp, blog và những nguồn tin quốc tế, thông tin và ý kiến đã trở thành phi tập trung hóa một cách triệt để. So với các phương tiện thông tin đại chúng trong quá khứ thì kiểm soát những nguồn thông tin này là công việc khó khăn hơn hẳn. Khi người dân có nhiều thu nhập hơn và nhiều thông tin hơn, họ sẽ có nhận thức chính trị cao hơn và tự tin hơn, có khuynh hướng tham gia chính trị nhiều hơn, thích tự lo cho mình hơn và do đó mà giải phóng khỏi những mối liên hệ chủ-tớ truyền thống.

Với những thay đổi cực kì sâu rộng về xã hội và tâm lí như thế, ngày càng có nhiều người thành lập và tham gia các tổ chức – trong đó có các hiệp hội nghề nghiệp và học tập, công đoàn, các nhóm dân sự và nhân quyền – nhằm phục vụ các quyền lợi và nhu cầu của họ. Khi các tổ chức độc lập này phát triển về số lượng, nguồn lực và độ phức tạp thì chúng sẽ trở thành tự tin hơn và có nhiều khả năng hơn trong việc ngăn chặn và thách thức nhà nước, có nhiều khả năng tạo ra nền tảng cho xã hội dân sự sống động hơn. Cho nên, khi đất nước trở thành giàu có hơn thì cán cân quyền lực sẽ dịch chuyển từ nhà nước sang xã hội.

Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là có nhiều dữ liệu đã được thu thập cho thấy khi phát triển kinh tế làm cho đời sống của người dân thay đổi thì họ cũng ngày càng tán thành các giá trị dân chủ hơn: trình độ học vấn càng cao, thu nhập càng tăng, phương tiện thông tin đại chúng càng nhiều và tay nghề càng cao thì quan điểm, giá trị và hành vi càng dân chủ hơn. Cụ thể là, người càng có giáo dục càng có xu hướng khoan dung hơn trước sự khác biệt và đối lập, có thái độ tôn trọng hơn với quyền của các nhóm thiểu số, đánh giá cao hơn các quyền tự do và tin cậy người khác hơn. Họ có xu hướng tham gia tích cực hơn vào chính trị và các tổ chức, cũng như tự tin hơn vào khả năng của mình trong việc gây ảnh hưởng đối với chính phủ.5 Một số giá trị của dân chủ – tin cậy, lòng khoan dung, chống độc tài, tự tin về khả năng tạo ảnh hưởng đối với chính trị – dường như còn được thúc đẩy chỉ đơn giản là vì người ta sống trong đất nước phát triển hơn, không phụ thuộc vào địa vị kinh tế của cá nhân người đó.6

Công trình phân tích toàn diện và tham vọng nhất về quan hệ giữa phát triển, thay đổi giá trị và dân chủ là của Ronald Inglehart thuộc trường đại học Michigan (the University of Michigan), cũng là người sáng lập World Values Survey – ông đã dựa vào những định hướng giá trị nền tảng trong hơn ba mươi năm để tiến hành phân tích các xu hướng toàn cầu. Inglehart bắt đầu từ những năm 1970 với một lập luận đơn giản, dựa trên lý thuyết về tháp nhu cầu của nhà tâm lí học Maslow. Theo Maslow, những nhu cầu “bậc thấp” về an toàn, an ninh và ăn uống phải được ưu tiên trước hết, sau đó người ta sẽ chú trọng tới những nhu cầu “bậc cao hơn” như tình cảm, được tôn trọng và tự thể hiện. Thông qua một thiết kế nghiên cứu khéo léo, Inglehart chỉ ra rằng – ban đầu là qua một loạt các xã hội phương Tây – những người lớn lên trong những giai đoạn thịnh vượng về kinh tế và an toàn có xu hướng đề cao những giá trị “hậu vật chất”, ví dụ, họ quan tâm nhiều hơn tới tự do và môi trường, trong khi những người lớn lên và định hình các giá trị trong những giai đoạn khó khăn về kinh tế và căng thẳng thường đề cao các giá trị “vật chất” (quan tâm nhiều hơn tới an toàn về kinh tế và sức khỏe). Cùng với phát triển kinh tế và thay đổi thế hệ, theo thời gian đã có sự chuyển biến rõ rệt từ các giá trị vật chất sang hậu vật chất.7

Khi cuộc khảo sát World Values Survey mở rộng ra, bao gồm 81 nước trong tất cả các khu vực lớn trên thế giới, Inglehart và Christian Welzel, một nhà chính trị học người Đức, từ năm 1981 đến năm 2001 đã tiến hành bốn đợt khảo sát nhằm đánh giá xem những sự khác biệt về giá trị này đã tạo được ảnh hưởng như thế nào đối với dân chủ. Kết quả thật là ấn tượng. Bên cạnh sự khác biệt vật chất/hậu vật chất, họ còn phân tích những câu hỏi khảo sát nhằm đo lường mức độ tin cậy, lòng khoan dung về sự khác biệt và sẵn sàng phản đối, tức là những thông số tạo ra đánh giá về những “giá trị quan trọng sống còn” của xã hội so với “những giá trị tự thể hiện của cá nhân”, tức là những giá trị nhấn mạnh “sự tự chủ và lựa chọn của con người.”8 Các xã hội thường xuyên có xu hướng tập hợp xung quanh những định hướng giá trị này. Các quốc gia hậu Xô Viết và những nước đang phát triển có thu nhập thấp thường hướng mạnh tới những giá trị quan trọng sống còn (và hướng tới những giá trị truyền thống và tôn giáo), trong khi các nước phương Tây, thu nhập cao, lại tập trung xung quanh những giá trị tự thể hiện (và những giá trị “thế tục-duy lí”). Các nước đang phát triển có thu nhập trung bình và trung bình cao ở Mỹ Latin và châu Á nằm ở giữa – dường như đang chuyển từ truyền thống sang tự thể hiện, rõ nhất là ở Hàn Quốc và Đài Loan, mặc dù các giá trị “châu Á” bị áp đặt thường nhấn mạnh trật tự, uy quyền và cộng đồng. Các giá trị tự thể hiện đơm hoa kết trái ở các nước hậu công nghiệp, tức là ở những nước mà các ngành công nghiệp dịch vụ chiếm ưu thế và các giá trị được định hình bởi sự thịnh vượng và chủ nghĩa đa nguyên. Vì thế mà Inglehart và Welzel viết: “Phát triển kinh tế-xã hội có xu hướng đẩy các xã hội đi theo một hướng chung” – về phía các giá trị tự thể hiện và “giải thoát khỏi quyền uy” – “không phụ thuộc vào di sản văn hóa của họ.”9 Vì vậy, có mối liên hệ rất cao giữa mức độ phát triển của đất nước và các giá trị tự thể hiện của nước đó.10

Sự dịch chuyển văn hóa về phía khoan dung, tin cậy những người khác, nghi ngờ quyền uy và đánh giá cao tự do tạo ra những hậu quả chính trị sâu đậm. Thứ nhất, nó tạo ra nhiều hoạt động phản đối một cách hòa bình (như thỉnh nguyện thư, biểu tình và tẩy chay của người tiêu dùng) nhằm thách thức những kẻ ăn trên ngồi trốc đang nắm quyền. Điều này có ảnh hưởng cả đối với các chế độ dân chủ lâu đời lẫn các chế độ dân chủ mới, trong các nước dân chủ mới thậm chí nó còn có ảnh hưởng ngay cả khi việc huy động quần chúng nhằm hạ bệ chế độ độc tài đã lắng xuống từ trước rồi.11 Và khi người dân bắt đầu nắm lấy những giá trị tự thể hiện và bằng cách đó thách thức quyền uy thì họ cũng bắt đầu đòi hỏi dân chủ – và không phải bất kì chế độ dân chủ nào mà là chế độ dân chủ với những thiết chế nhằm bảo vệ các quyền tự do và quyền lựa chọn cá nhân – chế độ dân chủ tự do. Inglehart và Wetzel phát hiện ra rằng, quy mô của các giá trị tự thể hiện trong xã hội có liên quan mật thiết với mức độ dân chủ, thậm chí còn mạnh hơn khi so sánh với mức độ dân chủ tự do (trên cở sở xếp hạng của Freedom House) và cũng gây ngạc nhiên khi liên kết nó với mức độ “dân chủ có hiệu lực” (cũng là các nhân tố trong chỉ số phòng chống tham nhũng của Ngân hàng Thế giới.)12 Trên thực tế, “không có ngoại lệ, bất cứ xã hội nào mà hơn một nửa dân cư nhấn mạnh những giá trị tự thể hiện thì đều có ít nhất 90% điểm số cao nhất trên thang dân chủ tự do.”13 Hơn nữa, phân tích thống kê của họ chỉ ra rằng đây không chỉ là mối liên hệ. Mà sự gia tăng của những giá trị tự thể hiện còn có “ảnh hưởng nhân-quả mạnh mẽ” đối với việc xuất hiện chế độ dân chủ bầu cử và chế độ dân chủ tự do, hiệu quả; một phần là vì những giá trị này tạo ra các hiệp hội và hành động dân sự buộc những người cầm quyền phải trung thực hơn, có trách nhiệm giải trình và tôn trọng pháp luật hơn.14

Từ công trình nghiên cứu đặc biệt này, chúng ta thấy rằng, phát triển kinh tế là một quá trình tích hợp và đầy sức mạnh trong việc giải phóng quyền tự chủ và lựa chọn của con người. Khi thu nhập, học vấn, khả năng tiếp cận thông tin và địa vị nghề nghiệp của người dân được nâng lên thì họ sẽ trở thành những người độc lập hơn về tài chính và trí tuệ. Đồng thời họ cũng trở thành những người độc lập hơn và có khả năng hơn về mặt xã hội và vì vậy mà họ có nhiều điều kiện thành lập và tham gia các tổ chức và cùng nhau phản kháng hơn trước. “Khi các nguồn lực kinh tế-xã hội làm cho các lĩnh vực hoạt động mà người dân có thể lựa chọn trở thành rộng hơn thì các giá trị tự thể hiện cũng mở rộng thêm những lĩnh vực hoạt động mà họ khao khát”. Trước sau gì thì những người đã “độc lập hơn về vật chất, trí tuệ và xã hội” cũng sẽ muốn độc lập về chính trị. Do đó, họ sẽ coi “tự do cao hơn kỉ luật, da dạng cao hơn tuân phục và độc lập cao hơn uy quyền” – và vì vậy mà họ “tìm kiếm các quyền dân sự và chính trị, tức là tìm những đặc điểm định hình nên chế độ dân chủ tự do.” 15 Những giá trị này nhất định sẽ xuất hiện, cho nên Inglehart và Welzel tiên đoán rằng trong 20 năm nữa Trung Quốc và Việt Nam – với tốc độ phát triển kinh tế như vũ bão – sẽ chuyển hóa sang dân chủ; và trong 10 năm nữa, Singapore, một nước đã phát triển sẽ có chế độ dân chủ đầy đủ. Trong Chương 10 tôi sẽ khảo sát tương lai dân chủ ở châu Á một cách kĩ lưỡng hơn và giải thích lý do vì sao tôi lại nghĩ rằng Inglehart và Welzel dường như đã dự đoán đúng, nếu có sai cũng chỉ vài năm các giá trị tự thể hiện trong mỗi xã hội. Mối liên hệ sau sắc giữa hai hiện tượng hoàn toàn độc lập với nhau (một bên là giá trị, bên kia là cách thiết chế) gần như chưa bao giờ xuất hiện trong các công trình nghiên cứu chính trị mang tính so sánh.

SỰ VÙNG LÊN CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ

Inglehart và Welzel là những người theo “chủ nghĩa cấu trúc” hàng đầu, tức là những người thuộc nhóm các học giả nghiên cứu về dân chủ, chuyên tìm cách xác định những thay đổi rộng lớn trong cơ cấu xã hội được thúc đẩy bởi phát triển kinh tế và thay đổi trong xã hội – như những động cơ chính của dân chủ. Những người theo phái cấu trúc luận phê phán sự “thiển cận” của những lý thuyết nhấn mạnh sự lựa chọn của giới tinh hoa và các thiết kế về mặt thể chế: “Bản chất của dân chủ là phản ánh quyền lực của nhân dân, chứ không đơn giản là lựa chọn hiến pháp của giới ăn trên ngồi trốc đã được khai minh.”15

Một nhóm các nhà nghiên cứu khác lại xem xét trước hết những kích hoạt theo hướng chuyển hóa dân chủ do giới tinh hoa khởi xướng. Trong khi Guillermo O’Donnell và Philippe Schmitter công nhận vai trò quan trọng của việc gây men trong xã hội dân sự thì luận cứ lấy “giới tinh hoa” làm trung tâm của họ không thể giải thích được xu hướng dân chủ trên khắp thế giới. Khiếm khuyết trước hết trong lý thuyết của O’Donnell và Schmitter là hình ảnh xã hội dân sự mà họ trình bày – hình ảnh của sự tái sinh, hồi sinh và tái cơ cấu – tức là trở về với quyền thể hiện một cách công khai và tự do lập hội, phần lớn chỉ đúng đối với châu Âu và Mỹ Latin, nhưng hoàn toàn sai đối với phần lớn các chế độ dân chủ xuất hiện sau năm 1974. Họ đã bỏ qua quá trình phát triển kinh tế, tức là quá trình đã tạo ra những tổ chức và khả năng mà trước đây chưa hề có.

Thứ hai, họ không tính đến đóng góp có tính quyết định của xã hội dân sự trong giai đoạn sau khi chế độ độc tài đã bị chia rẽ, khi những người “mềm dẻo” đang lên bắt đầu tự do hóa chế độ. Theo họ, tại thời điểm này, sự năng động của quần chúng “đột ngột” tăng lên đã đẩy quá trình chuyển hóa về phía trước. O’Donnell và Schmitter công nhận rằng điều đó đã làm cho một số người theo đường lối cứng rắn cũ chuyển sang phía những người mềm dẻo đang xuất hiện là do họ “ngày càng nhận thức được rằng trong tương lai có thể thấy được, cái chế độ mà họ giúp cắm vào mảnh đất quê hương… phải áp dụng ở mức độ nào đó hay hình thức nào đó tính chính danh của chế độ bầu cử” và do đó phải bắt đầu bằng cách đưa vào một số quyền tự do nhất định.16 Nhưng chế độ “nhìn xa trông rộng” nhất thực hiện những cuộc cải cách dân chủ không phải vì bất kì cam kết bên trong hay chuyển sang các tiêu chuẩn dân chủ nào, mà đều vì những lý do chiến lược, được tính toán kĩ lưỡng. Họ biết trước rằng mình không thể nắm quyền được mãi. Mà lý do họ không nắm được mãi thường là cội nguồn thực sự của các chuyển hóa dân chủ: những thay đổi và vận động trong xã hội dân sự. Trong khi một số chế độ giải thể vì họ không bao giờ muốn nắm giữ quyền lực thì một số nhà cầm quyền độc tài chỉ rời bỏ quyền lực vì xã hội không cho họ giữ mãi với cái giá mà giới ăn trên ngồi trốc không muốn trả.

Một trong một vài thay đổi cũng có thể giải thích vì sao xã hội dân sự không thể để cho chế độ độc tài tiếp tục tồn tại. Thứ nhất, các giá trị chính trị có thể dịch chuyển theo hướng dân chủ. Phát triển kinh tế, như chúng ta đã thấy, là nguyên nhân tiềm tàng cho sự dịch chuyển đó, nhưng không phải là lý do duy nhất. Ở Mỹ Latin trong những năm 1970 và đầu những 1980, những vụ đàn áp tàn bạo đã làm chuyển hóa giá trị của một số nhóm có ảnh hưởng, làm kích hoạt “sự phục hồi” dân chủ, nhất là trong phái tả.17 Quá trình tương tự cũng diễn ra ở châu Phi, đấy là khi người dân thuộc tất cả các tầng lớp trong xã hội đều hiểu được những lời hứa dối trá và sự sụp đổ kinh hoàng của chế độ độc đảng. Khi xã hội bắt đầu đưa tự do chính trị và các quyền tự do công dân lên vị trí cao hơn – trong lòng họ và cho chính họ – thì sẽ có nhiều người nói ra, nhiều người thể hiện và tổ chức, bắt đầu bằng cách tố cáo những vụ vi phạm nhân quyền.

Thay đổi thứ hai có thể xảy ra trong quá trình sắp xếp lại các quyền lợi trong xã hội. Bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển hóa sang dân chủ có thể xảy ra khi những người có đặc quyền đặc lợi – điền chủ, các chủ doanh nghiệp, thương nhân và chủ ngân hàng – “rút ra kết luận rằng chế độ độc tài là không cần thiết” nữa, dù chế độ đó từng thành công hay thất bại và nếu cứ tiếp tục tồn tại, nó có thể làm hại những quyền lợi lâu dài của họ.18 Những dịch chuyển trên quy mô rộng lớn như vậy là tác nhân cực kì quan trọng trong việc khởi động quá trình chuyển hóa dân chủ ở Philippines và Indonesia và cũng quan trọng (mặc dù ít hơn) đối với Thái Lan và Đài Loan. Đấy cũng là những áp lực chủ yếu đối với quá trình chuyển hóa ở Nam Phi, nơi mà các nhóm lợi ích lớn trong lĩnh vực công nghiệp và ngân hàng nổi lên như là những người phê phán hàng đầu chế độ phân biệt chủng tộc – khi họ nhận ra chế độ này không phù hợp với sự ổn định lâu dài của hệ thống tư bản chủ nghĩa đang ngày càng phụ thuộc vào lao động da đen có tay nghề.

Thứ ba, thay đổi sâu sắc xuất hiện cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức – cả chính thức lẫn phi chính thức – trong xã hội dân sự, và cùng với sự gia tăng khả năng, nguồn lực, sự độc lập và sáng kiến của các tổ chức này, tất cả những điều này cùng góp phần làm thay đổi cán cân quyền lực. Chế độ độc tài đã có thời từng dễ dàng khống chế buộc phải chuyển sang phòng ngự. Sinh viên biểu tình trên đường phố đòi thay đổi. Công nhân bãi công làm tê liệt các ngành sản xuất. Các luật sư từ chối hợp tác trong những phiên tòa trá hình. Các nguồn tin tức bên ngoài nhà nước đập tan ảo tưởng về tính chính danh và bức màn bí mật cũng như tin tức giả mạo. Các nhóm phát triển khu vực phá vỡ sự phụ thuộc của nông dân vào các điền chủ hay nhà nước, góp phần tạo ra những nguồn lực chính trị và những hoạt động chính trị khác. Các mạng lưới sản xuất và trao đổi phi chính thức, không đóng thuế cho nhà nước, bắt đầu xuất hiện. Không phải tất cả những hình thức phát triển này đều có tác dụng tích cực đối với quá trình phát triển dân chủ, nhưng tất cả đều có đóng góp vào việc làm suy yếu sự kiểm soát của chế độ độc tài.

Ở nhiều khu vực trên thế giới, chính sự gia tăng về khả năng và mật độ của các tổ chức là nguồn gốc nội tại, thực sự của chế độ dân chủ. Và đây không phải là phát triển mới, đó cũng là nhân tố quan trọng nhất trong việc truyền bá dân chủ ở Hoa Kỳ cách đây hai thế kỉ, 19 cũng như trong trong quá trình vận động cho và thành công sau đó của chế độ dân chủ ở Ấn Độ trước và sau khi giành được độc lập.20 Ở Đông Âu, Liên Xô và Trung Quốc, sự phát triển của đời sống tinh thần, văn hóa và tổ chức độc lập đã tạo ra tiền đồn cho các phong trào dân chủ.21

Thay đổi dân chủ ở Đài Loan trong những năm 1980 được kích hoạt và thúc đẩy bởi nhiều phong trào – người tiêu dùng, công nhân, phụ nữ, người bản địa, nông dân, sinh viên, giáo viên và những người quan tâm tới môi trường – đã giải thoát khỏi thái độ qui phục truyền thống hay sự đe dọa và kiểm soát của nhà nước để tìm ra những đòi hỏi cụ thể và những mục tiêu dài hạn. 22 Ở Thái Lan, những phong trào tương tự như thế trong những năm 1990 đã dẫn đến cải cách hiến pháp và làm cho dân chủ trở thành sâu sắc hơn, còn ở Indonesia, lực lượng đối lập phát triển đã tạo điều kiện mở cửa dân chủ cho quốc gia này.

Ở Philippines dưới quyền Ferdinand Marcos, Nigeria dưới quyền độc tài quân sự, Kenya dưới quyền Daniel arap Moi, và Mỹ Latin dưới các chế độ độc tài quân sự khác nhau, các hiệp hội đủ mọi loại – ban đầu là của sinh viên, của các nhà khoa bảng, các luật sư và những người hoạt động nhân quyền, sau đó là công đoàn, những người kinh doanh, sản xuất, phụ nữ, các bác sĩ, giáo viên và nông dân – đã giữ lửa cho khát vọng dân chủ, phản đối những vụ lạm dụng của chế độ độc tài và sau đó là áp lực đòi dân chủ.23 Ở Tây Ban Nha, Peru và Argentina, phong trào phản đối và bãi công của người lao động “là những tác nhân cực kì quan trọng trong việc làm mất ổn định chế độ độc tài và dọn đường cho dân chủ hóa”, bằng cách tạo ra những rạn nứt ngay trong lòng các chế độ độc tài và buộc họ từ bỏ quyền lực trước khi họ sẵn sàng làm việc đó.24 Trên khắp lục địa châu Phi, sự phát triển của các tổ chức và phong trào phi chính thức và việc đưa chính trị vào những phong trào đó đã duy trì áp lực đòi dân chủ cho đến khi thời cơ thuận lợi hơn xuất hiện vào năm 1990. 25 Ở nhiều nước – đặc biệt là Brazil, Chile, El Salvador, Nicaragua, Philippines, Nam Hàn, Ba Lan, Haiti, Nam Phi và Kenya – các thiết chế tôn giáo (nhất là Thiên chúa giáo) đóng vai trò nổi bật trong các phong trào đối lập, tố cáo, vô hiệu hóa và loại bỏ các chế độ độc tài.26 Không có sự vận động rộng khắp trong xã hội dân sự, ban đầu là những cố gắng được chuẩn bị kĩ lưỡng nhằm theo dõi các cuộc bầu cử và sau đó là những cuộc phản đối đông người và phối hợp nhịp nhàng thì những cuộc cách mạng màu không thể xảy ra ở Serbia, Georgia và Ukraine. 27 Cuối cùng, ở những nước dưới chế độ độc tài mà báo chí có một phần tự chủ hoặc có báo chí ngoài luồng – như ở Philippines, Nam Phi, Nigeria và Ban Lan – tố cáo những vụ lạm dụng và tuyên truyền các quan điểm tự do là đóng góp quan trọng cho thúc đẩy dân chủ.28

Nhiều thứ phụ thuộc vào khả năng của xã hội dân sự trong việc liên kết các chính đảng cạnh tranh với nhau và các giai cấp khác nhau vào một mặt trận hay phong trào rộng rãi, và điều này đòi hỏi không chỉ phát triển kinh tế mà còn đòi hỏi sự phân tán các nguồn lực ngoài vòng kiểm soát của nhà nước. Như chúng ta đã thấy, nhiều chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới – không chỉ ở Trung Đông mà ở châu Phi, như Angola, Gabon và Cộng hòa Congo – giữ được quyền lực và nguồn lực do kiểm soát được những món hàng hóa có giá trị cao như dầu mỏ. Với những áp lực chính trị sẽ hình thành khi nhà độc tài tạo ra sự phát triển kinh tế với nền tảng rộng rãi, nhà độc tài muốn tồn tại trong một thời gian dài sẽ tìm cách nắm độc quyền khoản thu nhập từ xuất khẩu tài nguyên khoáng sản và sử dụng nó để mua chuộc một số người thuộc phe đối lập và đàn áp một số người khác. Viện trợ quốc tế là nguồn thu quan trọng khác – đối với nhiều nước nghèo nguồn thu nhập này, cũng như dầu mỏ, góp phần duy trì chế độ độc tài. Không còn viện trợ, chế độ độc tài có thể phải đối mặt với khủng hoảng hoặc sụp đổ, ví dụ như Benin. Trong làn sóng thứ ba, môi trường bên ngoài có ảnh hưởng tiềm tàng trong việc cản trở hay trợ giúp cho thay đổi dân chủ hơn bao giờ hết, như chúng ta sẽ thấy trong chương sau.

 

Chú thích:

[1] Lipset, Political Man, p] 45] Cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào năm 1960, trích dȁn ở đây nằm trong chương mà thực chất là bản sao của bài báo viết năm 1959: “Some Social Requisites of Democracy” của chính Lipset]

[2] Carles Boix, Democracy and Redistribution (Cambridge: Cambridge University Press, 2003)]

[3] Huntington, The Third Wave, p] 67] Nhưng đây không chỉ đơn giản là phát triển kinh tế] Ở nhiều nước Mĩ Latin quyền lực của các nhóm dân túy đã suy giảm chính vì sự đàn áp của chế độ độc tài]

[4] Daniel Lerner, The Passing of Traditional Society: Modernizing the Middle East (New York: Free Press, 1958)]

[5] Những nghiên cứu đầu tiên xác lập được mối quan hệ này là của Gabriel Almond and Sidney Verba, The Civic Culture (Princeton, N]J]: Princeton University Press, 1963), và Alex Inkeles, “Participant Citizenship in Six Developing Countries”, American political Science Review 63 (1969): 1120-41] Nhưng những mối liên hệ này còn xuất hiện trong những công trình nghiêm cứu gần đây về quan điểm và giá trị đối với dân chủ, được trích dȁn trong Chương 1 cũng như trong công trình khảo sát World Values Survey] Xin đọc Inglehart and Wetzel, Modernization, Cultural Change and Democracy, và các tác phẩm tham khảo mà họ trích dȁn trên trang 164]

[6] Alex Inkeles and Larry J] Diamond, “Personal Development and National Development: A Cross-National Perspective”, in Alexander Szalal and frank M] Andrews, eds], The Quality of Life: Comparative Studies (London: Sage, 1980), pp] 73-109]

[7] Ronald Inglehart, The Silent Revolution (Princeton, NJ]: Princeton University Press, 1977) and

Culture Shift in Advanced Industrial Societies (Princeton, NJ]: Princeton University Press, 1990)]

[8] Inglehart and Welzel, Modernization, Cultural Change and Democracy, p] 54]

[9] Ibid], pp] 58 and 76] Chuyển từ các giá trị truyền thống sang các giá trị thế tục liên quan tới quá trình công nghiệp hóa và vì vậy mà là giai đoạn đầu của dịch chuyển về mặt văn hóa]

[10] Ibid], p] 150]

[11] Ibid], pp] 123-24]

[12] Ibid], p] 151] Mối liên hệ giữa các giá trị tự thể hiện và “dân chủ hiệu quả” là:… nghĩa là 80% sự thay đổi trong mức độ của dân chủ hiệu quả trên thế giới có thể được giải thích bởi quy mô của

[13] Ibid], p] 153]

[14] Ibid], p] 209] Xem thêm bằng chứng trong Chương 8] Họ còn phát hiện ra rằng không có hiệu ứng ngược lại, nghĩa là tự thân trải nghiệm dân chủ dường như không nâng những giá trị tự thể hiện lên mức độ đáng kể]

[15] Ibid], p] 166]

[16] O’Donnell and Schmitter, Transition from Authoritarian Rule, p] 16]

[17] Robert Barros, “The Left and Democracy: Recent Debates In Latin America”, Telos 68 (1986): 49-70; Juan Linz and Alfred Stepan, “Political Crafting of Democratic Consolidation of Desstruction: European and South American Comparisons”, in Robert A] Pastor, ed], Democracy in the Americas: Stopping the Pendulum (New York: Holmes and Meier, 1989), p] 47]

[18] O’Donnell and Schmitter, Transition from Authoritarian Rule, p] 50]

[19] Alexis de Tocqueville, Democracy in America (New York: Random House, 1945), first published in 1835]

[20] Jyotirindra Das Gupta, “India: Democratic Becoming and Combined Development”, in Larry Diamond, Juan J] Linz, and Seymour Martin Lipset, eds], Democracy in Developing Countries: Asia (Boulder, Colo]: Lynne Rienner, 1990), pp] 53-104; Richard Sisson, “Cullure and Democratization in India”, in Larry Diamond, ed], Political Culture and Democracy in Developing Countries (Doulder, Colo]: Lynne Rienners, 1993)]

[21] Christine M] Sadowski, “Autonomous Groups as Agents of Democratic Change in Communist and Post-Communist Eastern Europe”, in Diamond, Pilitical Culture and Democracy, pp] 163-95; S.Frederick Stair, “Soviet Union: A Civil Society”, Foreign Policy 70 (Spring 1988): 26-41; Gall Lapidus, “State and Society: Toward the Emergence of Civil Society in the Soviet Union”, in Seweryn Bialer, ed], Politics, Society and Nationality: Inside Gorbachev’s Russia (Boulder, Colo]: Westview Press, 1989), pp] 121-47; Andrew Nathan, “Is China Ready for Democracy?” Journal of Democmcy 1 (Spring 1990): 56; Mixin Pel, “Societal Takeover in China and the USSR”, Journal of Democracy 3(January 1992): 108-18] Xem thêm các tiểu luận của Robert Weller, Richard Madsen, và Merie Goldman và Ashley Esarey trong Larry Diamond và Bruce Gilley, eds], Political Change in China and the Taiwan Experience (Bould~r] Colo]: Lynne Rienners, 2008, forthcomIng)]

[22] Thomas Gold, “Civil Society and Taiwan’s Quest for Identity”, báo cáo tại cuộc họp hằng lần thứ 86 của Hiệp hội khoa học chính trị Mĩ, San Francisco, August 30 – Seplember 2, 1990]

[23] O’Donnell and Schmitter, Transition from Authoritarian Rule, pp] 48 - 56; Larry Diamond, “Introduction: Civil Society and the Struggle for Democracy”, In Diamond, ed], The Democratic Revolution: Struggles for Freedom and Pluralism in the Developing World (New York: Freedom House, 1991), pp] 6-18; Clement Nwankwo, “The Civil Liberties Organization and the Struggle for Human Rights and Democracy In Nigeria”, in Diamond, The Democratic Revolution, pp] 105-23; Larry Diamond, “Nigeria’s Search for a New Political Order”, Journal of Democracy 2 (Spring 1991): 54-69; and Gibson Kamau Kuria, “Confronting Dictatorship in Kenya”, Journal of Democracy 2 (October 1991 ): 115-26]

[24] Ruth Berins Collier and James Mahoney, “Adding Collective Actors to Collective Outcomes: Labor and Recent Democratizallon in South American and Southern Europe”, Comparative Politics 29, no] 3 (1997): 287, 295]

[25] Naomi Chazan, “The New Politics of Participation in Tropical Africa”, Comparative Politics 14, no] 2 (1982): 169- 89] Xem thêm các tiểu luận trong John W] Harbeson, Donald Rothchild, and Naomi Chazan, eds], Civil Society and the State in Africa (Boulder, Colo]: Lynne Rienners, 1994)]

[26] Huntington, The Third Wave, pp] 73-85] Về Philippines, xin đọc thêm Carl H] Lande, “The Political Crisis” in John Bresnan, ed], Crisis in the Philippines: The Marcos Era and Beyond (Princeton, NJ]: Princeton University Press, 1986), pp] 118-22] Ở Kenya, các giáo sĩ đạo Tin lành và đạo Thiên Chúa có thái độ dứt khoát về chính trị khơi gợi được những quan điểm dũng cảm, cả trong từng cá nhân lȁn thông qua các tổ chức tôn giáo, như Hội đồng quốc gia hay Giáo hội Thiên chúa và Ủy ban Hòa bình và Công lí, nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền] Họ bị chính quyền và đảng cầm quyền trả thù bằng bạo lực] Đọc thêm Africa Watch, Kenya: Taking Liberties (New York: Human Rights Watch, 1991), pp] 217-36]

[27] Michael McFaul, “Transitions from Postcommunism”, Journal of Democracy 16 (July 2005): 5-19]

[28] Felix B] Bautista, “The Philippine Alternative Press and the Topling of a Dictator”, pp] 145-66; Anthony Hazlitt Heard, “The Struggle for Free Expression In South Africa”, pp] 167-79; and Ray Ekpu, “Nigeria’s] Embattled Fourth Estate”, pp] 181-200, In Diamond, The Democratic Revolution]

Nguồn: Tinh thần dân chủ: Cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội tự do trên toàn thế giới

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường