[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương IX: Đảo ngược sự phát triển (Phần 4)
SỰ PHÁT TRIỂN BỊ ĐẢO NGƯỢC
Sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới tồn tại ngày hôm nay là bởi vì trong thế kỷ 19 và 20 một số quốc gia có thể tận dụng Cuộc Cách mạng công nghiệp cùng các công nghệ và phương pháp tổ chức mà cuộc cách mạng này đem lại, trong khi các quốc gia khác thì không. Thay đổi công nghệ chỉ là một trong những yếu tố dẫn đến thịnh vượng, nhưng có lẽ là yếu tố quyết định nhất. Những quốc gia không thể tận dụng công nghệ mới thì cũng không thể hưởng lợi từ những yếu tố giúp tăng trưởng khác. Như chúng tôi đã minh họa trong chương này và chương trước, thất bại này bắt nguồn từ các thể chế chiếm đoạt, là hệ quả của việc kéo dài các chế độ chuyên chế hoặc do nhà nước thiếu tập quyền. Nhưng chương này cũng cho thấy trong nhiều trường hợp, các thể chế chiếm đoạt gây ra sự nghèo đói tại các quốc gia này được áp đặt, hay ít nhất là được gia tăng, bởi chính quá trình đã giúp kích thích sự tăng trưởng của châu Âu: sự bành trướng thuộc địa và thương mại châu Âu. Thật vậy, nguồn lợi nhuận của các đế chế thuộc địa châu Âu thường phụ thuộc vào việc phá hủy các thể chế chính trị độc lập và nền kinh tế bản địa trên khắp thế giới, và phụ thuộc vào sự hình thành các thể chế chiếm đoạt ngay từ cấp cơ sở, như đã xảy ra trên các đảo vùng biển Caribê. Tại đây, tiếp theo sau sự suy sụp dân số gần như hoàn toàn của người dân địa phương, người châu Âu đã nhập khẩu người nô lệ châu Phi và thành lập hệ thống đồn điền.
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được các thành bang độc lập trong quần đảo Banda, ở Aceh hay ở Miến Điện (Myanmar) sẽ phát triển theo hướng nào nếu không có sự can thiệp của người châu Âu. Có thể họ đã có được cuộc Cách mạng Vinh quang riêng của họ hay dần phát triển những thể chế chính trị và kinh tế dung hợp hơn dựa trên sự phát triển thương mại gia vị và các hàng hóa giá trị khác. Nhưng khả năng này đã bị phá vỡ bởi sự bành trướng của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Công ty này đã xóa bỏ bất kỳ hy vọng phát triển nào của người bản địa trong quần đảo Banda bằng cách tiến hành chiến tranh diệt chủng. Mối đe dọa từ công ty này còn khiến các thành bang khác trong khu vực Đông Nam Á rút lui khỏi hoạt động ngoại thương.
Chuyện xảy ra tại một trong những nền văn minh cổ xưa nhất ở châu Á, Ấn Độ, cũng diễn ra tương tự như vậy, mặc dù sự đảo ngược phát triển không phải do người Hà Lan mà là do người Anh gây ra. Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất trên thế giới vào thế kỷ 18. Vải calico và vải muslin của Ấn Độ tràn ngập thị trường châu Âu và được buôn bán trên khắp châu Á và thậm chí ở cả Đông Phi. Công ty chính chuyên chở các mặt hàng này đến quần đảo Anh là Công ty Đông Ấn Anh Quốc. Thành lập năm 1600, hai năm trước công ty Đông Ấn Hà Lan, Công ty Đông Ấn Anh Quốc đã dành toàn bộ thế kỷ 17 để cố gắng thiết lập độc quyền buôn bán mặt hàng xuất khẩu giá trị này từ Ấn Độ. Người Anh đã phải cạnh tranh với người Bồ Đào Nha (có căn cứ ở Goa, Chittagong và Bombay), và với người Pháp (có căn cứ ở Pondicherry, Chandernagore, Yanam và Karaikal). Không may cho Công ty Đông Ấn Anh Quốc là cuộc Cách mạng Vinh quang đã nổ ra, như chúng ta thấy trong chương 7. Độc quyền mà Công ty Đông Ấn Anh Quốc có được là do triều đại Stuart ban cho và độc quyền này ngay lập tức bị thách thức sau năm 1688, và thậm chí bị hủy bỏ trong vòng hơn một thập niên. Việc công ty mất quyền lực dẫn đến một hệ quả quan trọng khác, như chúng ta thấy trong một chương trước, bởi vì các nhà sản xuất hàng may mặc Anh đã thuyết phục Nghị viện Anh cấm nhập khẩu vải calico, mặt hàng sinh lợi nhất cho công ty. Sang thế kỷ 18, dưới sự dẫn dắt của Robert Clive, Công ty Đông Ấn Anh Quốc thay đổi chiến lược và bắt đầu xây dựng một đế chế trên lục địa Ấn Độ. Vào lúc đó, Ấn Độ bị phân chia thành những địa hạt chính trị cạnh tranh với nhau, mặc dù nhiều địa hạt trong số này trên danh nghĩa vẫn nằm dưới sự kiểm soát của hoàng đế Mughal ở Delhi. Công ty Đông Ấn đầu tiên mở rộng về phía đông Bengal, đánh bại giới cai trị địa phương ở trận chiến Plassey năm 1757 và Buxar năm 1764. Công ty Đông Ấn cướp bóc của cải trong vùng và tiếp nhận, thậm chí còn đẩy mạnh các thể chế thu thuế mang tính chiếm đoạt của giới cai trị trong đế chế Mughal Ấn Độ. Sự bành trướng của công ty xảy ra cùng lúc với việc ngành dệt may Ấn Độ bị thu hẹp đáng kể, bởi vì suy cho cùng giờ đây đã không còn thị trường cho những hàng hóa này ở Anh. Sự thu hẹp diễn ra cùng với hiện tượng phi đô thị hóa và gia tăng nghèo đói. Nó mở đầu một giai đoạn phát triển bị đảo ngược kéo dài ở Ấn Độ. Trong một thời gian ngắn, thay vì sản xuất hàng may mặc, người Ấn Độ phải mua quần áo từ Anh và trồng thuốc phiện cho Công ty Đông Ấn để họ bán sang Trung Quốc.
Ngành buôn nô lệ qua biển Đại Tây Dương cũng làm nảy sinh những diễn tiến tương tự như ở châu Phi, mặc dù trong những điều kiện kém phát triển hơn ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Nhiều quốc gia châu Phi bị biến thành những cỗ máy chiến tranh với mục đích bắt và bán nô lệ cho người châu Âu. Khi xung đột giữa các thể chế và quốc gia biến thành những cuộc chiến kéo dài không ngừng nghỉ, các thể chế nhà nước, trong nhiều trường hợp, đã không đạt được mức độ tập trung chính trị bao nhiêu và đã sụp đổ tại nhiều nước Phi châu, dọn đường cho sự hiện diện lâu dài của các thể chế chiếm đoạt và các quốc gia thất bại ngày nay mà chúng ta sẽ nghiên cứu ở các phần sau. Ở một vài nơi trên châu Phi không bị tác động của buôn nô lệ, như Nam Phi, người châu Âu đã áp đặt một thể chế khác, lần này nhằm tạo ra một nguồn cung lao động rẻ tiền cho các hầm mỏ và nông trại của họ. Nhà nước Nam Phi tạo ra một nền kinh tế đối ngẫu, ngăn không cho 80% dân số tham gia vào các ngành nghề có kỹ năng, nông nghiệp có tính thương mại và kinh doanh. Tất cả những điều này không những giải thích vì sao công nghiệp hóa đã không xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới mà còn cho thấy bằng cách nào sự phát triển kinh tế đôi khi có thể nuôi dưỡng, thậm chí là tạo ra sự kém phát triển tại một số nơi khác trong nền kinh tế nội địa hay nền kinh tế thế giới.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)