Covid-19 - Đừng đổ lỗi cho toàn cầu hóa
Giống như mọi khủng hoảng, đại dịch Covid-19 đã mở đường cho bao ý tưởng. Một số ý tưởng là tốt nhưng phần lớn thì rất tệ. Ý tưởng tồi tệ nhất trong số đó chính là cho rằng nguyên nhân gây ra và làm lan rộng đại dịch này chính là toàn cầu hóa và thị trường tự do.
Điều này thực ra thật phi thường theo một cách đầy trái khoáy. Trong khi chính phủ Mỹ rất kiên định duy trì thâm hụt ngân sách khổng lồ, và tạo ra hàng triệu luật định quy định chi li chúng ta có thể làm gì, không thể làm gì, làm như thế nào và không làm như thế nào, thì một số người vẫn nhất mực khăng khăng rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà chủ nghĩa thị trường tự do (market fundamentalism) đang tràn lan – một địa ngục vô chính phủ đích thực (laissez-faire) mà không thể tìm đâu được hình bóng của chính quyền. Và thậm chí còn khôi hài hơn khi họ buộc tội chủ nghĩa tư bản nói chung, và đặc biệt là toàn cầu hóa, là thủ phạm gây ra đại dịch này. Cứ như thể những đại dịch khiến hàng triệu người chết chưa từng xảy ra bao giờ trước thời đại công nghiệp hoá vậy.
Tôi đoán những người đổ lỗi cho toàn cầu hóa và thị trường tự do gây ra đại dịch này đã quên rằng những đại dịch trong quá khứ đã giết hại hàng triệu người, và cần đến hàng thế kỷ trước khi Louis Pasteur vào năm 1885 dựa vào kiến thức tích lũy qua nhiều thế kỷ đã tạo ra vắc xin đầu tiên để phòng bệnh dại và các bệnh dịch chết người khác. Những người khác đã tiếp nối bước chân của ông nhưng việc đó không bao giờ dễ dàng hay nhanh chóng.
Covid-19 không phải là bệnh dịch của toàn cầu hóa và thị trường tự do. Thực tế là toàn cầu hóa và thị trường tự do sẽ giải cứu chúng ta khỏi cơn ác mộng này nhanh hơn bất kỳ giải pháp nào khác. Sự thật là, nhờ có toàn cầu hóa của khoa học, kiến thức và đổi mới sáng tạo được lan toả với tốc độ nhanh kỷ lục vượt qua biên giới quốc tế.
Một vài tuần trước, Johan Norberg đã được đưa ra một lịch trình trong một video ngắn để phản biện ý kiến cho rằng toàn cầu hóa phải chịu trách nhiệm cho đại dịch này.
Ông chỉ ra rằng, các nhà khoa học Trung Quốc chỉ cần chưa đến một tuần để phát hiện ra chuỗi DNA của vi rút nhờ sử dụng công nghệ từ các nơi khác trên thế giới. Cũng nhờ có sự hợp tác quốc tế mà các nhà khoa học Đức sản xuất ra được xét nghiệm đầu tiên chỉ trong 1 tuần lễ, sau đó nhanh chóng nhiều xét nghiệm khác được tạo ra, và cho đến hôm nay, có đến hàng trăm nhà khoa học và các công ty trên toàn thế giới đang tìm kiếm cách điều trị và các loại vắc xin. Như Ron Bailey của tờ Reason đã nhắc lại cho chúng ta:
“Các công ty công nghệ sinh học đang trong cuộc đua phát triển một loại vắc xin chống lại dịch bệnh mới này trong khi những người khác đang thử nghiệm cách điều trị kháng vi rút mới của họ để xem liệu họ có thể giảm nhẹ triệu chứng của những người nhiễm bệnh. Công ty công nghệ sinh học Moderna đã phát triển vắc xin chống Covid-19 chỉ trong 42 ngày sau khi công ty nhận được thông tin về chuỗi gen của vi rút Corona. Họ đã chuyển vắc xin này tới Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health) để thử nghiệm lên người và kết quả của đợt thử nghiệm này sẽ được công bố vào cuối tháng tư. Tuy nhiên cho dù thành công, vắc xin cũng sẽ không thể triển khai rộng rãi trong vòng ít nhất 1 năm tới”.
Gần đây Bailey cũng đã nói về một yếu tố tiềm năng có thể thay đổi cục diện cuộc chiến với vi rút này trong vòng dưới 3 tháng:
“Các nhà nghiên cứu đã tạo ra các thẻ tag phân tử (molecular tags) bám vào các phần của gen virus và phát ra tín hiệu khi sự hiện diện của chúng được phát hiện. Thử nghiệm mới tên là STOPCovid có thể xác định ra được virus dù chỉ có 100 bản sao ít ỏi của coronavirus trong một mẫu xét nghiệm. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Kết quả cho thấy thử nghiệm STOPCovid cho phép phát hiện Covid-19 nhanh chóng, chính xác và có độ nhạy cao, có thể được tiến hành bên ngoài môi trường phòng thí nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm ban đầu sử dụng các mẫu dịch nhầy tiêu chuẩn từ mũi, nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy thử nghiệm cũng sẽ khả thi ngay cả khi chỉ sử dụng các mẫu nước bọt được thu thập dễ dàng hơn nhiều”.
Thông qua sự cạnh tranh gay gắt nhưng cũng có sự hợp tác sâu rộng, các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nỗ lực tìm ra phương pháp chữa bệnh và vắc xin mà chúng ta cần, các công ty dược phẩm đang đầu tư hàng triệu đô la vào hoạt động nghiên cứu và phát triển cần thiết để cuối cùng sản xuất ra loại thuốc chúng ta cần, và các thị trường tự do đang hỗ trợ những nỗ lực này nhờ khối tài sản khổng lồ được tạo ra trong nhiều thập kỷ qua.
Nhưng bạn có biết ai mới là người vô tích sự không? Chính là CDC (Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh) và FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Các cơ quan chính phủ này đã thất bại trong việc chuẩn bị đối phó với đại dịch và kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng này, họ cũng đã dựng lên rất nhiều rào cản đối với các nhà sáng chế. Thật không may, tôi nghi ngờ rằng họ sẽ chỉ bị người ta “giơ cao đánh khẽ” vì những thất bại và thậm chí họ còn được thưởng nhiều ngân sách hơn để có thể “sửa chữa” các lỗi lầm.
Sự thật của vấn đề là cả những người thuộc phe cánh tả và phe cánh hữu, những ai say mê đổ lỗi cho toàn cầu hóa và chủ nghĩa thị trường tự do (thuật ngữ này có nghĩa là gì cũng được) đã gây ra đại dịch này, đang lấy cuộc khủng hoảng làm cái cớ để thay đổi thế giới theo hướng mà họ ủng hộ trước khi cả cuộc khủng hoảng này bắt đầu.
Họ muốn thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, hạn chế hoặc không có nhập cư, nhiều chính sách từ trên xuống (top-down policies) và đánh thuế cao hơn đối với người giàu. Trước đây, họ đã phản đối thương mại, nhập cư, công nghệ và thị trường còn bây giờ họ đang lợi dụng đại dịch này như một thời cơ, gần như là trời cho, để thúc đẩy cùng các biện pháp can thiệp ủng hộ chính phủ và các chế độ bán độc tài mà họ đã ủng hộ trước đó.
Những người ủng hộ sự can thiệp của nhà nước, hứa hẹn với mọi người một tương lai huy hoàng mà vài nhà thiết kế vĩ đại “được khai sáng” tạo nên còn chính phủ thì kiến thiết. Cho đến giờ họ vẫn không thể có được tất cả các chính sách mà họ tìm kiếm. Và bây giờ những chuyên gia thống kê này phỏng đoán, và chỉ đơn thuần là phỏng đoán - rằng chính COVID-19 là minh chứng cho thấy sự đúng đắn của các chính sách can thiệp nhà nước. Điều phỏng đoán này hoàn toàn không có cơ sở hay sự biện minh nào.
Thế giới của chúng ta sẽ như thế nào sau khi đại dịch này kết thúc? Tôi không biết. Cũng không ai biết. Nhưng vì lợi ích của chúng ta, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không vĩnh viễn bị cuốn vào cơn ác mộng về một Thế giới Mới Dũng cảm (Brave New World) do những người nắm quyền lực dù yếu, dù mạnh mơ tưởng. Họ là những người quá kiêu ngạo tự tin rằng với những kế hoạch, chương trình, thuế và trợ cấp, họ có thể làm tốt hơn cả thị trường trong việc cải thiện đời sống của người dân bình thường.
Nếu họ có thể làm được như vậy, chúng ta sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng loại vi rút nguy hiểm nhất hiện nay không phải là loại có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi hoặc được chữa khỏi bằng vắc xin hóa học; thay vào đó, chính là quan điểm cho rằng cuộc sống của tất cả mọi người bình thường, quyết định của các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp và các nhà sáng chế, nên được nhà nước kiểm soát chặt chẽ.
* Veronique de Rugy là chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ (AIER). Bà cũng là nghiên cứu viên chính tại Trung tâm Mercatus tại Đại học George Masson và nhà báo phụ trách chuyên mục được đăng tải phổ biến trên toàn quốc. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà bao gồm nền kinh tế Mỹ, ngân sách liên bang, an ninh nội địa, thuế, cạnh tranh thuế, và quyền riêng tư tài chính. Bà nhận bằng thạc sỹ kinh tế của trường đại học Paris Dauphine và bằng tiến sĩ kinh tế tại đại học Pantheon-Sorbonne.
Nguồn: Veronique de Rugy, Don’t Blame Globalism for Covid-19, American Institute of Economic Research, 12/5/2020