[Kinh tế học cấm đoán] Chương 2: Nguồn gốc của cấm đoán (Phần 2)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 2: Nguồn gốc của cấm đoán (Phần 2)

CẤM RƯỢU (2/4)

Từ điều độ đến cấm đoán: Nhớ lại luật pháp của bang Maine

Ưu thế về mặt kinh tế của rượu mạnh cùng với những sự lạm dụng và những méo mó do hệ thống môn bài gây ra đã làm cho người ta thêm lo lắng về tình trạng nhậu nhẹt trong xã hội Mĩ. Những nhà cải cách bắt đầu coi hệ thống môn bài như sự ủng hộ của chính phủ đối với rượu chứ không còn là biện pháp quản lí rượu nữa. Những nhà cải cách thuở ban đầu như Cotton và Increase Mather, Benjamin Rush (người kí bản Tuyên ngôn độc lập) và Lyman Beecher đã dẫn dắt cuộc chiến chống lại nạn nhậu nhẹt. Hội của bang Massachusetts nhằm tiễu trừ nạn nhậu nhẹt được thành lập với mục đích kiềm chế rượu mạnh liên kết với cuộc chiến tranh năm 1812, Hội người Mĩ không uống rượu được thành lập vào năm 1826. Phong trào không uống rượu sau này sẽ tiến lên thành một phong trào đầy sức mạnh, nó thiết lập những biện pháp cấm đoán tại 13 bang và vùng lãnh thổ và chỉ chịu rút lui cùng với sự phát triển của Đảng Cộng hòa, phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ và cuộc Nội chiến.

Đến năm 1833 phong trào không uống rượu đã có hơn một triệu thành viên, bao gồm phần lớn là những người theo phái Phúc âm đến từ phía Bắc của đạo Tin Lành Baptist, những người ủng hộ phái Tin lành tự quản, những thành viên hội Giám lí và những giáo hội trưởng lão. Sinh ra trong phong trào phục hồi đức tin giai đoạn 1820 và 1830, giáo phái Tin lành Phúc âm được coi là những người sùng đạo hậu thiên niên kỷ, khi họ tin rằng tồn tại một vương quốc của Chúa Jesus kéo dài một ngàn năm trên Trái đất và công việc của họ là chuẩn bị thế giới cho sự trở về của Chúa. Không có gì ngạc nhiên là nhóm này càng phát triển thì họ càng tìm cách nắm quyền lực nhà nước nhằm ủng hộ cuộc chiến chống Ian R. Tyrrell (1979, 7) ghi nhận rằng ngoài các mục sư và con chiên của họ, những doanh nhân trẻ, năng động cũng ủng hộ phong trào không uống rượu vì muốn cải thiện nền kinh tế.

Dân Washington là một nhóm quan trọng khác trong phong trào không uống rượu, đó phần lớn là những người trước đây đã từng uống rượu. Họ lập ra một tổ chức thiện nguyện nhằm cung cấp tiền cứu tế cho những người nghiện rượu và ủng hộ những người muốn bỏ rượu. Nhóm này cũng có cơ cấu tổ chức, điều lệ hội viên và nguyên tắc hoạt động tương tự như Hội những người nghiện rượu (Alcoholics Anonymous). Những nhà hoạt động này tấn công chiến thuật thuyết phục hợp pháp và phê phán giới tăng lữ vì họ chỉ giảng đạo cho những giai cấp giàu có chứ không làm việc với những người cần sự trợ giúp của họ nhất. Dân Washington tặng nhiều tiền cho những người cần đến nó hơn là tặng cho các tổ chức không uống rượu khác, mặc dù nói chung họ đều là những người có tài sản trung bình. Họ lôi kéo được nhiều thành viên, kiếm được nhiều tiền, và đã cải hóa được nhiều con sâu rượu. Hội đồng hương Washington sau này đã nhập vào một hội mới được thành lập có tên là Những người con của Phong trào không uống rượu (Sons of Temperance) (một kiểu hội kín) và những tổ chức không uống rượu và cấm đoán khác.

Sẽ là hữu ích khi làm rõ quá trình chuyển hóa phong trào từ điều độ sang cấm đoán như một quá trình gồm bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, thiếu điều độ được hiểu như là uống quá nhiều và nghiện rượu. Giải pháp được đưa ra là giáo dục dân chúng về những mối nguy hiểm do rượu gây ra. Các nhà cải cách nhấn mạnh rằng chỉ nên dùng rượu một cách điều độ và rằng giáo dục bằng những tấm gương có thể hướng đến sự điều độ trong xã hội. Bia và rượu vang nói chung không phải là vấn đề đáng lo của các nhà cải cách thời kì này.

Giai đoạn thứ hai hướng tới bỏ hẳn rượu mạnh. Một lần nữa, mục tiêu là thông qua tự nguyện và giáo dục bằng những tấm gương. Đây là giai đoạn mà những tổ chức kêu gọi điều độ được hình thành và củng cố. Lời hứa bỏ rượu trở thành công cụ quan trọng và nổi bật cho việc tổ chức và nguyên lý cơ bản trong phong trào kêu gọi điều độ.

Giai đoạn tiếp theo bắt đầu bằng cuộc chiến đấu giữa các lực lượng kêu gọi điều độ. Thành phần cực đoan – kêu gọi kiêng cữ tất cả các loại nước uống có cồn, kể cả bia và rượu vang – là lực lượng mới, cuối cùng đã chiếm được thế thượng phong. Ban đầu phái này bị coi là mối đe dọa đối với phong tục của xã hội, đe dọa đối với quyền tự do cá nhân, truyền thống tôn giáo và không cần thiết đối với mục tiêu là uống rượu một cách điều độ. Các nhóm kiêng cữ hoàn toàn áp đảo các nhóm khác vì có tổ chức tốt hơn quỹ lớn hơn và chiêu tập được nhiều thành viên hơn.

Có sự phát triển đồng thời và sau đó là cuộc tranh luận về lựa chọn giữa những biện pháp tự nguyện và bắt buộc nhằm đạt được sự điều độ. Triết lí truyền thống nói rằng biện pháp dẫn tới sự điều độ phải là tự nguyện. Giáo dục, hướng dẫn bằng những tấm gương, và kí vào những lời tuyên thệ không uống rượu là công cụ của phong trào kêu gọi điều độ. Chiến lược này đã thắng lợi, đấy là nếu được tính bằng số thành viên của phong trào, số nhóm ở các địa phương và số người kí vào những lời tuyên thệ không uống rượu khác nhau.

Nhưng chiến lược ép buộc càng ngày càng có tầm quan trọng và được nhiều người quan tâm hơn, trong khi các lực lượng kêu gọi điều độ càng ngày càng nản chí và tỏ ra sốt ruột trước một quá trình vừa lâu dài vừa khó khăn trong chiến lược của họ. Việc cải hóa người không nghiện rượu, người hoàn toàn không uống rượu, người đã bỏ rượu và người Tin lành theo phái Phúc âm tương đối dễ so với việc cải hóa những người uống nhiều rượu và thành viên của những nhóm người nhập cư mà rượu là một phần phong tục xã hội hay tôn giáo của họ. Những người ủng hộ cấm đoán thiếu kiên nhẫn thường đổ lỗi cho sự thất bại của họ là do sức quyến rũ của rượu và lợi nhuận mang đến cho những người bán rượu.

Giai đoạn này là giai đoạn chuyển hóa trong chiến lược hướng tới những lực lượng cưỡng bức của chính phủ. Hệ thống môn bài, cho phép uống rượu, phải được thay bằng một số hình thức hạn chế trực tiếp đối với việc uống rượu. Lịch sử của giai đoạn này có đặc điểm là những lực lượng kêu gọi điều độ tổ chức thành các liên minh với mục đích là thông qua những điều luật nhằm hạn chế việc sử dụng rượu, như phương án cho từng địa phương, số lượng rượu được bán và những biện pháp cấm đoán mang tính địa phương. Những biện pháp hạn chế này cuối cùng đã không đạt được kết quả mong muốn, tỏ ra là khó thực thi và dẫn tới những hậu quả không mong muốn, như số người uống nhiều rượu tăng lên, chất lượng rượu kém, và tồn tại những quán rượu đáng ngờ.

Các chiến lược gia cấp tiến ngày càng thành công trong việc thiết lập những biện pháp can thiệp. Những tổ chức kêu gọi điều độ, như hội đồng hương Washington, thì suy yếu đi, trong khi các tổ chức ủng hộ cấm đoán lại mạnh lên về mặt chính trị, nhờ liên minh với những người đòi bãi bỏ chế độ nô lệ và các phong trào chống nhập cư.

Chủ nghĩa can thiệp, tương tự như các tổ chức kêu gọi điều độ, không thể làm cho mọi người kiêng hẳn rượu. Sau mỗi thất bại, các nhóm kêu gọi điều độ lại biện hộ cho những chính sách cứng rắn hơn. Chiến lược cấp tiến thường bắt đầu bằng yêu cầu chỉ cho mua một lượng tối thiểu, sau đó chuyển lên thành cấp phép theo khu vực và cuối cùng là cấm đoán theo khu vực. Những biện pháp này đều hoặc là không đạt được kết quả mong muốn hoặc là khó thực thi. Áp lực cạnh tranh và sức quyến rũ của lợi nhuận làm cho việc cung cấp rượu không hề bị gián đoạn. Chính quá trình này đã dẫn đến việc cấm rượu trên toàn bang Maine vào năm 1851 (Byrne 1969).

Tác giả của đạo luật này, Neal Dow, quảng bá nó như là mộ hình phải được triển khai trên toàn quốc và trên thực tế, từ năm 1851 đến năm 1855 nhiều bang và vùng lãnh thổ phía bắc đã thông qua đạo luật này. Trong nhiều trường hợp, “Luật bang Maine" đơn giản chỉ là phiên bản nghiêm khắc hơn so với những bi luật cấm uống rượu đang có mà thôi. Luật bang Maine cho phép khám xét, tịch thu và đơn giản hóa những yêu cầu cho việc truy tố, gia tăng những khoản tiền phạt, kêu gọi bỏ tù và tiêu hủy số rượu bắt được.

Nhưng thành công chớp nhoáng của phong trào cấm đoán này đã không kéo dài được lâu. Đến năm 1880, chỉ có các bang Vermont, Maine, và New Hampshire là vẫn cấm hoàn toàn trong toàn bộ lãnh thổ. Một trong nhiều nguyên nhân làm cho Luật bang Maine thất bại là sự chống đối của những người nhập cư gốc Đức và Ireland. Những nhóm người nhập cư gia tăng một cách nhanh chóng cũng như những người bản địa uống rượu chống đối và thường vi phạm một cách công khai những biện pháp cấm đoán.

Luật bang Maine đã bị thua trong một vài vụ án. Tại nhiều bang, tòa án qui định rằng đạo luật này hay một số điều khoản của đạo luật này (đặc biệt là khám xét và tịch thu) là trái pháp luật. Khôi hài là việc thành lập Đảng Cộng hòa (nơi trú ngụ về mặt chính trị của những người ủng hộ cấm đoán) và trào lưu chống chế độ nô lệ lại cũng góp phần làm suy giảm tư tưởng cấm đoán. Các đảng viên Đảng Cộng hòa nhận thức được rằng bám chặt vào tư tưởng cấm đoán sẽ làm cho đảng mới trở thành năm bè bảy phái (William Gienapp 1987). Vấn đề nô lệ đã làm cho công chúng không còn chú ý tới vấn đề rượu bia nữa.

Cho đến lúc ấy, khía cạnh nổi bật nhất của Luật bang Maine là việc thực thi không hiệu quả. Lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp chỉ có mặt ở một vài thành phố lớn, nơi mà dân nhập cư uống nhiều rượu có xu hướng giữ thế thượng phong. Điều đó có nghĩa là những người ủng hộ cấm đoán phải tổ chức và cung cấp tài chính cho lực lượng thực thi pháp luật. Ban đầu những người ủng hộ cấm đoán tỏ ra tích cực trong việc thi hành pháp luật, nhưng họ thấy rằng đấy là những biện pháp tốn kém. Họ còn phát hiện ra rằng nhiều người uống rượu đơn giản là không chấp nhận thẩm quyền của những tiêu chuẩn đạo đức được xác định theo lối dân chủ.

Một sự kiện đáng chú ý, liên quan đến Neal Dow, cha đẻ của Luật bang Maine và cũng là thị trưởng Portland. Ông đã bị các đối thủ buộc tội là thu vén cá nhân từ những cửa hàng bán rượu do chính phủ kiểm soát cho các mục đích y tế và công nghiệp. Theo Tyrrell mô tả thì cuộc đối đầu giữa Dow và những người tố cáo ông đã có ảnh hưởng lớn đến động lực của các phong trào cấm đoán:

Đêm 2 tháng Sáu năm 1855, một đám đông giận dữ đã tụ tập tại đại lí rượu sau khi mọi người biết rằng ở đây có chứa rượu. Đám đông đòi tiêu hủy rượu và đe dọa đột nhập vào đại lí nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng và Neal Dow phải bị bắt vì đã vi phạm luật do chính ông ta đưa ra. Dow, một người bao giờ cũng nhanh chóng tìm được lực lượng để bảo vệ đạo đức, đã tập trung ngay lực lượng bảo vệ vũ trang địa phương. Trong cuộc đối đầu với đám đông đang ném đá về phía mình, Dow đã ra lệnh cho lực lượng bảo vệ của mình nổ súng khi một số người nổi loạn đột nhập vào đại lí rượu (1979, 295-99).

Dow bị gọi là kẻ cuồng tín và tên sát nhân (Byrne năm 1969, 60-69). Những tổ chức nấu rượu, chưng cất bia và quán rượu mới xuất hiện gọi Dow là “chuyên chế” và biến Luật bang Maine thành vấn đề chính của những cuộc bầu cử tiếp theo, phong trào cấm đoán nhanh chóng rút khỏi vũ đài chính trị.

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường