Những ngộ nhận về chủ nghĩa cá nhân
Gần đây có người khẳng định rằng những người theo trường phái tự do cá nhân (libertarians), tức những người phái tự do truyền thống (classical liberals) thực sự nghĩ là “con người cá nhân tự cảm thấy là đủ và những điều ưa thích mang tính giá trị của họ nằm trước và bên ngoài mọi xã hội”. Họ “phớt lờ bằng chứng xác đáng của khoa học xã hội về hậu quả xấu của sự cách li” và, kinh khủng hơn nữa là họ “hăng hái chống lại khái niệm về 'những giá trị được nhiều người chia sẻ'” và ý tưởng về “lợi ích chung”. Đấy là tôi trích dẫn từ bài phát biểu của giáo sư Amitai Etzioni, chủ tịch Hội xã hội học Mĩ trước các thành viên của tổ chức này vào năm 1995 (được đăng trên tờ Tạp chí xã hội học Mĩ, số tháng 2 năm 1996). Là khách mời thường xuyên của các talk show và là biên tập viên tạp chí The Responsive Community, ông Etzioni trở thành người truyền bá nổi tiếng cho phong trào chính trị có tên là chủ nghĩa cộng đồng (communitarianism - xuất phát từ từ commmune nghĩa là cộng đồng hay công xã -ND).
Etzioni không phải là người duy nhất đưa ra những lời kết án như thế. Từ phái tả, bình luận viên tờ Washington Post, ông E. J. Dionne Jr. khẳng định trong cuốn Vì sao người Mĩ ghét chính trị (Why Americans Hate Politics) của ông ta rằng “càng ngày càng có nhiều người chia sẻ quan điểm của phái tự do cá nhân cho phép giả định rằng nhiều người Mĩ thậm chí đã không còn tin vào nguyên tắc “lợi ích chung” nữa và tiểu luận gần đây trên tờ Washington Post Magazine tuyên bố rằng “nhấn mạnh tự do cá nhân không giới hạn, dường như những người theo phái tự do cá nhân (libertarian) thừa nhận rằng các cá nhân xuất hiện trên đời như những người đã trưởng thành hoàn toàn, những người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình ngay từ khi mới chào đời”. Từ phía hữu, ông Russell Kirk, một người nay đã quá cố, trong một bài báo với giọng cay độc với đầu đề Những người theo phái tự do cá nhân: Môn phái lắm lời tuyên bố rằng “những người theo phái tự do cá nhân kiên định, giống như quỷ Satan, không chấp nhận bất kì quyền lực nào, cả thế tục lẫn tôn giáo” và rằng “người theo phái tự do cá nhân không tôn trọng tín ngưỡng và phong tục truyền thống, không tôn trọng thế giới tự nhiên hay đất nước của anh ta, không tôn trọng ngọn lửa bất diệt trong con người”.
Thượng nghị sĩ Dan Coats (Đảng cộng hoà) và nhà báo David Brooks của tờ Weekly Standard bằng hình thức lịch sự hơn đã chỉ trích những người theo phái tự do cá nhân là dường như họ coi thường giá trị của công đồng. Coats viết rằng dự luật của ông ta mang tính “bảo thủ vừa phải, chứ không phải là hoàn toàn tự do. Nó công nhận không chỉ các quyền cá nhân mà còn công nhận vai trò của các nhóm tiến hành việc tái xây dựng hạ tầng xã hội và đạo đức của những cộng đồng địa phương của họ”.
Những lời kết án như thế - càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn từ phía những người phản đối các lí tưởng của chủ nghĩa tự do truyền thống – không bao giờ được chứng minh bằng các trích dẫn từ những bài viết của những người theo phái tự do truyền thống, cũng không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng những người ủng hộ tự do cá nhân và chính phủ hạn chế quả thật đã nghĩ như Etzioni và những người cùng hội cùng thuyền với ông ta lên án. Những lời kết án vô lí được nhắc đi nhắc lại và không bị bác bỏ có thể được người ta coi là chân lí, vì vậy mà cần phải buộc Etzioni và những người phê phán theo phái cộng đồng khác trả lời về những sự xuyên tạc của họ.
Chủ nghĩa cá nhân nguyên tử luận (atomistic individualism)
Xin phân tích về nguỵ biện người rơm trong phê phán chủ nghĩa cá nhân nguyên tử luận của Etzioni, Dionne, Kirk và những người khác. Cơ sở triết học của lời phê phán đó được những người phê bình chủ nghĩa cá nhân truyền thống như nhà triết học Charles Taylor và nhà chính trị học Michael Sandel theo thuyết cộng đồng xây dựng nên. Thí dụ, Taylor khẳng định rằng vì những người theo phái tự do cá nhân tin vào quyền cá nhân và nguyên tắc trừu tượng của công lí cho nên họ cũng tin vào “con người tự cấp tự túc-đơn lẻ, hay nếu muốn, có thể gọi là cá nhân”. Đấy chỉ là phương án đã được hiện đại hóa của cuộc tấn công cũ vào chủ nghĩa cá nhân tự do truyền thống mà thôi, theo đó, dường như những người theo phái tự do truyền thống coi “con người cá nhân trừu tượng” là cơ sở cho quan điểm về công lí của họ.
Khẳng định như thế là vô nghĩa. Không ai tin rằng có “những con người cá nhân trừu tượng” vì tất cả các cá nhân nhất định đều là những con người cụ thể. Cũng như không hề có bất kì cá nhân “tự cấp tự túc” nào, đấy là điều mà các độc giả của Tài sản của các dân tộc (Adam Smith – ND) đều biết. Không những thế, những người theo phái tự do truyền thống khẳng định rằng hệ thống tư pháp phải tách ra khỏi tính cách cụ thể của các cá nhân. Nghĩa là khi một cá nhân đứng trước toà thì trọng lượng, màu da, tài sản, địa vị xã hội và tôn giáo của anh ta không có liên quan gì tới vấn đề công lí. Bình đẳng trước pháp luật có nghĩa như thế, chứ nó không có nghĩa là không người nào có trọng lượng, màu da hay niềm tin tôn giáo cụ thể. Trừu tượng hóa là quá trình tư duy mà chúng ta sử dụng nhằm phân biệt bản chất hay khuôn khổ của vấn đề, chứ không đòi hỏi phải tin rằng con người là một cái gì đó trừu tượng.
Chính vì không có cá nhân hay nhóm nhỏ nào có thể hoàn toàn tự cấp tự túc cho nên con người cần phải hợp tác thì mới sống còn và thịnh vượng được. Và vì sự hợp tác diễn ta giữa muôn vàn cá nhân không quen biết nhau cho nên luật lệ điều chỉnh sự tương tác đó về bản chất là luật lệ trừu tượng. Luật lệ trừu tượng, tức là luật lệ xác định trước điều chúng ta có thể kì vọng ở người khác, làm cho sự hợp tác của nhiều người trở thành khả thi.
Không một người có lí trí nào lại tin rằng cá nhân được hình thành một cách trọn vẹn bên ngoài xã hội – trong tình trạng cách li, nếu bạn muốn nói như thế. Điều đó có nghĩa là không có cha mẹ, họ hàng, bạn bè, thần tượng hay thậm chí là hàng xóm nữa. Rõ ràng là tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Những người theo phái tự cá nhân chỉ khẳng định rằng sự khác biệt giữa những người trưởng thành bình thường không đưa đến sự khác biệt về những quyền cơ bản của họ.
Nguồn gốc và giới hạn trách nhiệm
Tại căn để của nó, chủ nghĩa tự do không phải là lí thuyết siêu hình về tính ưu việt của cá nhân so với cái trừu tượng, lại càng không phải là lí thuyết trừu tượng về “cá nhân trừu tượng”. Nó cũng không phải sự chối bỏ sạch trơn truyền thống, như Kirk và một số nhân vật bảo thủ khác kết án. Trái lại, nó là lí thuyết nhằm đáp trả lại sự gia tăng quyền lực của nhà nước; sức mạnh của chủ nghĩa tự do là ở chỗ nó kết hợp lí thuyết có tính quy chuẩn về nguồn gốc đạo đức và chính trị cũng như giới hạn trách nhiệm với lí thuyết thực chứng giải thích nguồn gốc của trật tự xã hội. Mỗi người đều có quyền tự do và những con người tự do có thể tạo ra trật tự một cách tự phát, mà không cần bộ máy hành chính quan liêu ra lệnh cho họ.
Còn đặc điểm rõ ràng là vô lí mà Dionne gán cho chủ nghĩa tự do cá nhân: “các cá nhân xuất hiện trên đời như những người đã trưởng thành hoàn toàn, những người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình ngay tư khi mới chào đời” thì sao? Những người theo phái tự do cá nhân công nhận có sự khác biệt giữa người trưởng thành và trẻ con, cũng như có sự khác biệt giữa người trưởng thành bình thường và người điên, người bị hạn chế hay kém phát triển về mặt trí não. Trẻ con và người trưởng thành nhưng bất bình thường cần có người bảo hộ vì họ không thể thực hiện những lựa chọn có trách nhiệm cho chính mình. Nhưng không có lí do rõ ràng nào cho quan niệm cho rằng một số người trưởng thành bình thường được quyền lựa chọn cho những người bình thường khác, như những người có quan niệm gia trưởng cả phái tả lẫn phái hữu nghĩ. Người theo phái tự do cá nhân khẳng định rằng không một người trưởng thành bình thường nào có quyền áp đặt lựa chọn cho những người trưởng thành bình thường khác, trừ những trường hợp ngọai lệ, thí dụ như khi thấy một người bất tỉnh và trợ giúp về mặt y tế hay gọi xe cấp cứu.
Sự khác biệt chủ yếu giữa chủ nghĩa tự do cá nhân với những quan điểm khác về đạo đức chính trị là lí thuyết về những trách nhiệm buộc phải thực hiện. Một số trách nhiệm, thí dụ như trách nhiệm viết vài lời cảm ơn chủ nhân sau bữa tiệc thường là trách nhiệm không bị buộc phải thực hiện. Nhưng những trách nhiệm khác, thí dụ như không được phê phán thẳng cánh người khác hay phải trả tiền trước khi cầm đôi tất ra khỏi nhà hàng, là trách nhiệm buộc phải thi hành. Trách nhiệm có thể là phổ quát mà cũng có thể là cụ thể. Cá nhân, dù là ai, dù ở đâu (nghĩa là trừu tượng hóa khỏi những hoàn cảnh cụ thể) cũng có trách nhiệm buộc phải thi hành với tất cả những người khác: không được xâm phạm đời sống, quyền tự do, sức khỏe và tài sản của họ. Theo lời của John Locke thì: “Vốn là những người bình đẳng và tự chủ, không ai được xâm phạm đời sống, sức khỏe, quyền tự do hay tài sản của người khác”. Mọi người đều có quyền hưởng thụ những thứ đó mà không bị ai cản trở. Quyền và trách nhiệm liên quan với nhau, cả hai đều có tính phổ quát và “tiêu cực”; trong điều kiện bình thường mọi người đều có thể hưởng thụ cùng một lúc. Nền tảng của quan điểm tự do là luận điểm về tính phổ quát của quyền con người: không bị giết hại, không bị đánh đập, không bị cướp bóc và không cần phải là “con người cá nhận trừu tượng” mới khẳng định được tính phổ quát của những quyền đó. Chính là sự tôn trọng chứ không phải thái độ coi thường “ngọn lửa bất diệt trong con người” mà những người theo phái tự do đứng lên bảo vệ quyền con người.
Đấy là những trách nhiệm phổ quát. Còn trách nhiệm “cụ thể” thì sao? Tôi đang viết những dòng này trong một quán cà phê và vừa gọi một li cà phê nữa. Tôi đã tự nguyện nhận trách nhiệm cụ thể là trả tiền li cà phê: tôi đã chuyển quyền sở hữu tài sản là một số tiền cho người chủ quán cà phê, còn bà ta thì chuyển quyền sở hữu li cà phê cho tôi. Những người theo phái tự do cá nhân tiêu biểu thường khẳng định rằng trách nhiệm cụ thể, ít nhất là trong những hoàn cảnh bình thường, phải được hình thành theo lối đồng thuận, chứ không thể được áp đặt bởi một phía. Bình đẳng về quyền nghĩa là một số người không thể áp đặt trách nhiệm lên một số người khác, vì đấy là vi phạm đức hạnh và quyền của những người đó. Nhưng những người theo phái cộng đồng lại khẳng định rằng tất cả chúng ta đều sinh ra với rất nhiều trách nhiệm cụ thể, như hi sinh cho tập thể - gọi là nhà nước hay một cách tù mù hơn là dân tộc, cộng đồng hay đồng bào – tiền bạc, sự tự chủ và thậm chí là cuộc sống nữa. Họ còn khẳng định rằng có thể dùng vũ lực nhằm ép buộc người ta thi hành những trách nhiệm đó. Những người theo phái cộng đồng như Taylor và Sandel cho rằng tôi là một con người không chỉ vì tôi được giáo dục và có những trải nghiệm của mình mà còn vì tôi có một lọat những trách nhiệm cụ thể mà tôi không được phép tự do lựa chọn.
Xin nhắc lại, những người theo phái cộng đồng khẳng định rằng chúng ta là những con người bởi vì chúng ta có những trách nhiệm cụ thể và vì vậy mà những trách nhiệm này không thể là vấn đề lựa chọn. Nhưng đấy chỉ là lời khẳng định, nó không thể thay cho luận cứ cho rằng một người phải có trách nhiệm với những người khác; nó cũng không phải là lời biện hộ cho việc sử dụng bạo lực. Người ta cũng có thể hỏi: Nếu một người được sinh ra với trách nhiệm tuân thủ thì ai là người được sinh ra với trách nhiệm chỉ huy? Muốn cho lí thuyết về trách nhiệm được chặt chẽ thì phải có một người nào đó - một cá nhân hay một nhóm người – có quyền buộc những người khác thực thi trách nhiệm. Nếu tôi là một con người vì tôi có trách nhiệm tuân thủ thì ai là một con người vì anh ta có quyền buộc người khác tuân thủ? Lí thuyết về trách nhiệm như thế có thể là lí thuyết chặt chẽ trong thời của các Thiên tử, nhưng bây giờ nó đã lỗi thời rồi. Xin tóm tắt như sau: không một người có lí trí nào lại tin vào sự tồn tại của con người trừu tượng, cuộc tranh luận thực sự giữa những người theo phái tự do và những người theo phái cộng đồng không phải là chủ nghĩa cá nhân như nó vốn là mà là tranh luận về nguồn gốc của những trách nhiệm cụ thể - trách nhiệm bị áp đặt hay được lựa chọn một cách tự do?
Các nhóm và lợi ích chung
Lí thuyết về trách nhiệm nhắm vào cá nhân không có nghĩa là những người ủng hộ lí thuyết này không công nhận sự tồn tại của xã hội hay họ không nói đến các nhóm. Nói cho cùng, thấy cây không có nghĩa là chúng ta không thể nói đến rừng. Xã hội không chỉ là các cá nhân tụ tập lại với nhau, cũng không phải là cái gì đó “lớn hơn và tốt hơn” tách biệt khỏi những người đó. Cũng như toà nhà không phải là đống gạch, mà là những viên gạch được gắn kết theo một trật tự nhất định, xã hội không phải là một người với những quyền của anh ta mà là nhiều cá nhân và mối quan hệ phức tạp giữa họ với nhau.
Chỉ cần suy nghĩ một chút cũng thấy rõ là lời tuyên bố cho rằng người theo phái tự do phủ nhận “những giá trị được mọi người chia sẻ” và “lợi ích chung” là nói nhảm. Nếu những người theo phái tự do cá nhân chia sẻ giá trị của tự do (ít nhất là như thế) thì họ không thể “phản đối một cách quyết liệt khái niệm “giá trị được chia sẻ”, và nếu những người theo phái tự do cá nhân tin rằng nếu được hưởng tự do thì tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc hơn thì họ không thể “phủ nhận lợi ích chung”, vì điểm cốt lõi của những cố gắng của họ là khẳng định lợi ích chung là gì! Để đáp lại lời tuyên bố của Kirk rằng những người theo phái tự do cá nhân phủ nhận truyền thống, cho phép tôi nói rằng những người theo phái tự do cá nhân bảo vệ truyền thống tự do, đấy chính là kết quả của hàng ngàn năm lịch sử của loài người. Thêm nữa, truyền thống thuần túy là khái niệm không chặt chẽ vì một số truyền thống có thể mâu thuẫn với nhau và người ta không còn biết phải hành động như thế nào cho đúng. Nói chung, tuyên bố rằng người theo phái tự do cá nhân “phủ nhận truyền thống” là vô nghĩa và vô lí. Người theo phái tự do cá nhân giữ gìn truyền thống tôn giáo, truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc và truyền thống xã hội, thí dụ như có thái độ lịch sự và tôn trọng người khác, đấy rõ ràng không phải là những truyền thống mà Kirk cho là cần phải giữ.
Lí do thực sự để những người theo phái tự do cá nhân đấu tranh cho quyền tự do cá nhân – đã bị những người phê phán thuộc trường phái cộng đồng xuyên tạc – thật đơn giản và hợp lí. Rõ ràng là mỗi người khác nhau cần những thứ khác nhau để có thể sống cuộc sống tốt đẹp, mạnh khỏe và đức hạnh. Mặc dù bản chất là như nhau, nhưng người ta khác nhau về điều kiện vật chất, về chiều cao, cân năng..v.v.. và vì vậy mà nhu cầu của chúng ta cũng khác nhau. Vậy thì đâu là giới hạn của lợi ích chung?
Karl Marx, một trong những người đầu tiên phê phán chủ nghĩa tự do cá nhân từ quan điểm của phái cộng đồng, lí luận của ông ta cũng rất sắc sảo và chua cay. Marx khẳng định rằng xã hội dân sự dựa trên “sự phân li con người”, kết quả là “bản chất của anh ta không còn giống nhau mà là khác nhau”; ngược lại, trong chủ nghĩa xã hội con người sẽ thể hiện mình như là “cá thể của loài”. Như vậy là, những người xã hội chủ nghĩa tin rằng biện pháp cung cấp tất cả mọi thứ theo lối tập thể là phù hợp, trong nhà nước xã hội chủ nghĩa chân chính tất cả chúng ta đều được hưởng những lợi ích chung giống nhau và xung đột đơn giản là không xảy ra nữa. Những người theo phái cộng đồng thường tỏ ra thận trọng hơn; và mặc dù nói rất nhiều, nhưng ít khi họ nói rõ lợi ích chung của chúng ta là gì. Thí dụ, triết gia theo phái cộng đồng, ông Alasdair MacIntyre, trong tác phẩm mang tên Sau đức hạnh (After Virtue), khẳng định trong 219 trang sách rằng “đời sống tốt đẹp đối với con người” phải diễn ra trong cố gắng chung và sau đó thì kết luận một cách khập khiễng rằng “đời sống tốt đẹp cho con người là đời sống được dùng để tìm kiếm đời sống tốt đẹp cho con người”.
Một tuyên bố thường gặp là lương hưu do nhà nước cung cấp là một thành phần của lợi ích chung vì nó “làm cho tất cả chúng ta đoàn kết lại với nhau”. Nhưng ai là “tất cả chúng ta”? Số liệu thực sự cho thấy rằng đàn ông Mĩ gốc Phi, trong suốt cuộc đời làm việc của mình, đóng số tiền bảo hiểm giống như đàn ông da trắng, nhưng họ chỉ nhận lại được một nửa so với đàn ông da trắng mà thôi. Hơn nữa, đàn ông da đen thường chết trước khi nhận lương hưu, nghĩa là tất cả tiền nong của họ đã làm lợi cho những người khác và tất cả các khoản “đầu tư” của họ chẳng mang lại lợi ích gì cho gia đình. Nói cách khác, họ bị ăn cướp nhằm làm lợi cho những người về hưu da trắng. Những người đàn ông Mĩ gốc Phi có phải là một phần trong “tất cả chúng ta”, những người được hưởng lợi ích chung hay họ là nạn nhân cho “lợi ích chung” của những người khác? (Độc giả của tạp chí này phải biết rằng tất cả đều được lợi với hệ thống hưu bổng tư nhân, vì vậy mà những người theo phái tự do cá nhân khẳng định rằng tự do lựa chọn giữa các hệ thống hưu bổng khác nhau là lợi ích chung). Thế mà những lời tuyên bố về “lợi ích chung” lại thường được dùng để che đậy những hành động ích kỉ nhằm giành lợi ích riêng cho mình, như nhà văn Áo theo trường phái tự do truyền thống, ông Robert Musil, từng viết trong tác phẩm Con người không phẩm chất (The Man without Qualities): “Ngày nay chỉ có bọn tội phạm mới dám làm hại người khác mà không cần triết lí mà thôi”.
Người theo phái tự do cá nhân công nhận tính đa nguyên tất yếu của thế giới hiện đại và vì vậy mà họ khẳng định rằng tự do cá nhân ít nhất cũng là một phần của lợi ích chung. Họ còn hiểu rằng muốn đạt được mục đích thì hợp tác là nhu cầu thiết yếu, con người cô đơn không bao giờ có thể tự cấp tự túc được. Chính vì thế mà chúng ta phải có luật lệ - thí dụ như luật lệ về tài sản và họp đồng – để làm cho quá trình hợp tác một cách hoà bình trở thành khả thi và chúng ta thành lập chính phủ để buộc mọi người phải thi hành những luật lệ này. Hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho chúng ta sống trong hoà bình và hoà hợp là lợi ích chung, chứ không phải là lợi ích “cho tất cả mọi người” nhưng thực ra lại là lợi ích của một số người trong khi những người khác phải chịu thiệt thòi. (Thuật ngữ “tự lực cánh sinh” còn một nghĩa nữa mà người làm cha mẹ nào cũng hiểu. Cha mẹ thường muốn con mình có tính tự lập chứ không sống như những kẻ ăn cắp, vô công rồi nghề, lười biếng hoặc ăn bám. Đấy là điều kiện cần thiết cho lòng tự trọng, Taylor và những người phê phán chủ nghĩa tự do khác đã lẫn lộn tinh thần tự lực cánh sinh với việc không dựa vào hay không hợp tác với người khác, một việc không thể xảy ra trên đời).
Vấn đề lợi ích chung bao giờ cũng liên quan tới quan điểm của những người theo phái cộng đồng về tính cá nhân hay sự tồn tại riêng biệt của những nhóm người. Cả hai quan niệm đó đều là thành phần của một quan điểm hoàn toàn phi khoa học và phi lí của đường lối chính trị có xu hướng cá nhân hóa các định chế và các nhóm người, như nhà nước, dân tộc hay xã hội. Luận điểm về cá nhân hóa không những không làm phong phú thêm khoa chính trị học và tránh được sự ngây thơ của chủ nghĩa cá nhân theo phái tự do cá nhân – mà những người theo phái cộng đồng khẳng định – mà còn làm cho vấn đề thêm rối rắm và ngăn chặn, không cho chúng ta nêu ra những câu hỏi thú vị, công trình nghiên cứu khoa học nào cũng phải bắt đầu bằng những câu hỏi như thế. Không có ai đặt vấn đề một cách rõ ràng bằng ông Parker T. Moon, nhà nghiên cứu lịch sử theo phái tự do cổ điển ở Columbia University. Trong công trình nghiên cứu về chủ nghĩa đế quốc châu Âu hồi thế kỉ XIX với nhan đề Chủ nghĩa đế quốc và nền chính trị thế giới (Imperialism and World Politics) ông viết như sau:
Ngôn từ thường che lấp sự thật. Ngôn từ che mắt chúng ta trước những sự kiện trong quan hệ quốc tế nhiều hơn là chúng ta thường nghĩ. Khi sử dụng từ “Pháp” chúng ta thường nghĩ đến nước Pháp như là một đơn vị, một thực thể vậy. Để tránh lặp lại, chúng ta thường dùng đại từ nhân xưng thay cho một nước – thí dụ chúng ta nói: “Pháp đã gửi các đơn vị quân đội của họ đi xâm lược Tunis” – là chúng ta không chỉ coi đấy là một thực thể thống nhất mà còn nhân cách hóa cả một đất nước nữa. Chính ngôn từ đã che dấu các sự kiện và biến quan hệ quốc tế thành một vở kịch đầy màu sắc, trong đó các dân tộc đã được nhân cách hóa là các diễn viên và quên mất rằng những con người bằng xương bằng thịt mới là diễn viên thực sự. Mọi thứ sẽ thay đổi đáng kể nếu không có từ “Pháp”, và lúc đó chúng ta phải nói 38 triệu đàn ông, đàn bà và trẻ con với những quyền lợi và niềm tin khác nhau sống trên diện tích là 218 ngàn dặm vuông! Lúc đó chúng ta phải mô tả cuộc viễn chinh Tunis chính xác hơn, theo kiểu như sau: “Một vài người trong số 38 triệu người đó đã đưa 30 ngàn người đi xâm lược Tunis”. Trình bày sự kiện theo kiểu đó sẽ lập tức tạo ra câu hỏi, hay đúng hơn là một lọat câu hỏi. “Một vài” người đó là ai? Tại sao họ lại đưa 30 ngàn người tới Tunis? Và tại sao những người này lại tuân theo?
Nhân cách hóa các nhóm người chỉ làm rối chứ không soi sáng những vấn đề chính trị quan trọng. Không thể dùng quan điểm từ việc nhân cách hóa những nhóm người như thế để giải thích một số vấn đề liên quan tới những hiện tượng chính trị và trách nhiệm đạo đức phức tạp, nhân cách hóa làm cho hành động của các chính trị gia trở thành huyền bí và tạo điều kiện cho một số người lợi dụng “triết học” – mà thường là triết học huyền bí nhằm làm hại những người khác.
Những người theo phái tự do cá nhân không đồng ý với những người theo phái cộng đồng về một lọat vấn đề quan trọng, đặc biệt là nhu cầu sử dụng vũ lực nhằm bảo vệ cộng đồng, tình bằng hữu, tình yêu, và những vấn đề khác, tức là những thứ làm cho cuộc đời là đáng sống và chỉ có thể được hưởng thụ cùng với những người khác. Không thể gạt bỏ những khác biệt này ngay từ đầu; xuyên tạc, nêu ra những đặc điểm vô lí hay dán nhãn cho chúng không thể giúp giải quyết được những khác biệt đó.
Nguồn: http://www.libertarianism.org/publications/essays/myths-individualism Bài viết xuất hiện lần đầu trong số tháng 9-10 Cato Policy Report
Nguồn bản dịch: Phạm Nguyên Trường: Bàn về chủ nghĩa cá nhân (Bài cuối) (phamnguyentruong.blogspot.com) (bản đăng này có một số chỗ được Đinh Tuấn Minh hiệu đính so với bản trên blog)