Một phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp (Kết luận)

Một phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp (Kết luận)

Mục đích của bài luận này không phải là để trả lời câu hỏi liệu rằng chủ nghĩa xã hội - sở hữu công đối với các phương tiện sản xuất, một nền kinh tế kế hoạch - có phải luôn là một hệ thống có tính vượt trội hơn chủ nghĩa tư bản hay không, hoặc liệu rằng chủ nghĩa xã hội có phải là một hệ thống hợp tác xã hội khả thi có thể hoạt động được hay không. Bài luận này không thảo luận về cương lĩnh của những đảng chính trị muốn thay thế chủ nghĩa tư bản, chế độ dân chủ và tự do bằng nền chuyên chính xã hội chủ nghĩa theo hình mẫu của nước Nga và Đức. Tác giả giải quyết những câu hỏi này trong một quyển sách khác1. Phân tích này cũng không liên quan đến việc liệu chính quyền dân chủ và tự do dân sự là tốt hay xấu. Hoặc liệu nền độc tài chuyên chính có phải là một hình thức chính phủ tốt hơn hay không.

Phân tích này chỉ nhằm giải thích rằng chính sách kinh tế của chủ nghĩa can thiệp, chính sách được những người ủng hộ biện hộ như một chính sách kinh tế - xã hội tiến bộ, là một quan điểm ngụy biện. Cuốn sách này chứng minh rằng việc chủ nghĩa can thiệp có thể mang lại một hệ thống tổ chức kinh tế bền vững lâu dài là không đúng. Chủ nghĩa can thiệp cố gắng sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để điều hành kinh doanh nhưng vẫn không thể đạt được mục đích mà những người ủng hộ nó một cách trung thực đang tìm kiếm. Các biện pháp của chủ nghĩa can thiệp dẫn tới tình trạng mà từ quan điểm của những người khuyến nghị nó thực sự kém hấp dẫn hơn những biện pháp mà họ đang cố gắng né tránh. Chúng gây ra tình trạng thất nghiệp, tình trạng suy thoái, độc quyền, cảnh túng quẫn. Họ có thể làm cho một số ít người giàu lên, nhưng họ lại làm tất cả số đông còn lại nghèo hơn và khả năng thỏa mãn kém hơn. Nếu các chính phủ không từ bỏ chúng và quay lại nền kinh tế thị trường không bị can thiệp, nếu họ khăng khăng tiếp tục sử dụng những can thiệp sâu hơn để bù đắp cho những thiếu sót của những can thiệp trước đó, thì cuối cùng họ sẽ nhận ra rằng họ đã lựa chọn chủ nghĩa xã hội.

Hơn nữa, việc tin rằng chế độ dân chủ và tự do tương thích với chủ nghĩa can thiệp hoặc thậm chí là chủ nghĩa xã hội là một sai lầm khủng khiếp. Những gì mà mọi người mong muốn chính quyền dân chủ, tự do dân sự và tự do cá nhân chỉ có thể tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mọi nơi, với sự mở rộng của chủ nghĩa can thiệp, những thể chế dân chủ dần dần biến mất và ở các nước xã hội chủ nghĩa, chế độ chuyên chế phương Đông có thể quay trở lại thành công. Đây không chỉ là một sự tình cờ mà nền dân chủ bị tấn công khắp nơi, bởi cả các đảng viên Đảng Cộng sản Nga và những người theo chủ nghĩa xã hội Đức. Thuyết cấp tiến của “cánh hữu” và thuyết cấp tiến của “cánh tả” chỉ khác nhau trong một vài chi tiết nhỏ nhặt không quan trọng; cả hai có điểm chung là việc lên án cả chủ nghĩa tư bản lẫn chế độ dân chủ.

Loài người chỉ có một sự lựa chọn giữa một bên là nền kinh tế thị trường không bị can thiệp, chế độ dân chủ và tự do, và bên kia là chủ nghĩa xã hội và chế độ độc tài. Một lựa chọn thứ ba, một thỏa hiệp theo kiểu chủ nghĩa can thiệp là không khả thi.

Có thể chỉ ra rằng kết luận này phù hợp với một số trong những lời giáo huấn của Karl Marx và chủ nghĩa Mác-xít chính thống. Marx và những người theo chủ nghĩa Mác-xít đã quy gọi tất cả các biện pháp được gọi là chủ nghĩa can thiệp là tư tưởng “tiểu tư sản”, và họ khẳng định tính tự mâu thuẫn của tư tưởng này. Marx cho rằng việc tổ chức công đoàn cố gắng để đạt được mức lương cao hơn cho giai cấp công nhân trong xã hội tư bản là vô ích. Và chủ nghĩa Mác-xít chính thống luôn phản đối đề xuất để nhà nước cố định mức lương tối thiểu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Marx đã phát triển học thuyết cho rằng một “chế độ chuyên chính vô sản” là cần thiết để đi tới chủ nghĩa xã hội, “một giai đoạn cao hơn tiến tới xã hội cộng sản”. Sẽ không có chỗ cho chế độ dân chủ trong giai đoạn chuyển tiếp. Vì vậy, Lenin đã hoàn toàn đúng khi ông lấy học thuyết của Marx để biện minh cho giai đoạn thống trị, khủng bố của mình. Về kết cục sẽ diễn ra sau khi đạt được chủ nghĩa xã hội, Marx chỉ nói rằng nhà nước sẽ tự tiêu vong.

Những chiến thắng mà Lenin, Mussolini và Hitler đã giành được không phải là những thất bại của chủ nghĩa tư bản mà là những hậu quả không thể tránh khỏi của chính sách can thiệp. Lenin đã đánh bại chủ nghĩa can thiệp của Kerensky.2 Mussolini đã giành chiến thắng trước chủ nghĩa công đoàn của nghiệp đoàn Ý khi việc chiếm giữ các nhà máy lên đến cực điểm. Hitler đã chiến thắng chủ nghĩa can thiệp của Cộng hòa Weimar. Franco3 chiến thắng tình trạng hỗn loạn của chủ nghĩa vô chính phủ theo chủ nghĩa công đoàn ở Tây Ban Nha và Catalonia. Ở Pháp, hệ thống mặt trận bình dân sụp đổ và chế độ độc tài của Pétain cũng được hình thành. Một khi chủ nghĩa can thiệp được bắt đầu, thì các hệ quả như trên là một tiến trình hợp lý. Chủ nghĩa can thiệp sẽ luôn luôn đi đến cùng một kết quả. Nếu lịch sử dạy cho chúng ta một điều gì đó, thì đó là không một quốc gia nào đã từng vươn tới một nền văn minh cao hơn mà không tồn tại sở hữu tư nhân đối với các phương tiện sản xuất, và rằng nền dân chủ chỉ được tìm thấy ở những nơi tồn tại sở hữu tư nhân đối với các phương tiện sản xuất.

Nền văn minh của chúng ta có thể bị suy tàn, không phải do nó bị thất bại, mà bởi vì con người đã từ chối học hỏi từ lý thuyết hoặc từ lịch sử. Không phải là định mệnh quyết định tương lai của loài người, mà chính là con người. Tình trạng suy tàn của nền văn minh phương Tây không phải là một hành động của Chúa, là thứ không thể tránh được. Nếu ngày đó đến, thì đó là kết quả của một chính sách mà chúng ta vẫn có thể hủy bỏ và thay thế bằng một chính sách tốt hơn.

Chú thích:

(1) Socialism [Chủ nghĩa xã hội], phiên bản tiếng Anh, 1936 [Yale, 1951; Jonathan Cape, 1969; Liberty Fund, 1981].

(2) [Aleksandr Kerensky (1881-1970), một chính khách người Nga, là người lãnh đạo chính quyền Nga sau cuộc Cách mạng tháng 3 năm 1917 đánh bại Nga Hoàng. Ông bỏ trốn khỏi Nga khi phe cánh của ông bị những người Bolshevik đánh bại trong cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1917 – Chủ biên].

(3) [Francisco Franco (1892-1975), lãnh đạo độc tài người Tây Ban Nha, người đoạt được quyền lực vào năm 1939 vào thời điểm kết thúc cuộc nội chiến Tây Ban Nha – Chủ biên].

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998

[Hết].