Can thiệp bằng biện pháp hạn chế

Can thiệp bằng biện pháp hạn chế

1. Bản chất của các biện pháp hạn chế

Những biện pháp hạn chế là những biện pháp được thực hiện trực tiếp và có chủ đích bởi chính quyền nhằm làm cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế chệch hướng so với tình huống không bị can thiệp; hoạt động sản xuất ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao gồm cả thương mại và giao thông vận tải. Mỗi hành động can thiệp đều làm chệch hướng sản xuất khỏi các kênh được quyết định bởi thị trường. Điểm đặc trưng của các biện pháp hạn chế là ở chỗ sự chệch hướng sản xuất được xem như một kết quả cần thiết và không nằm ngoài ý muốn của hành động can thiệp, và sự chệch hướng sản xuất này chính là điều mà chính quyền muốn hướng đến thông qua hành động của họ. Mỗi can thiệp đều khiến tiêu dùng bị chệch hướng khỏi những con đường đáng ra được lựa chọn trong trường hợp nền kinh tế thị trường không có can thiệp. Trên khía cạnh này biện pháp hạn chế cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng sự chệch hướng tiêu dùng không phải là mục đích mà chính quyền theo đuổi; họ muốn tác động đến sản xuất. Việc những biện pháp này cũng ảnh hưởng đến tiêu dùng có lẽ chỉ là ảnh hưởng phụ mà họ không hề mong muốn hoặc họ phải chấp nhận như một điều không thể tránh khỏi.

Bằng các biện pháp can thiệp hạn chế, chính quyền cấm sản xuất một số loại hàng hóa nhất định, hoặc cấm áp dụng một số phương thức sản xuất nhất định, hoặc tác động tới nền sản xuất bằng các phương thức sản xuất khó khăn hơn và đắt đỏ hơn. Do đó, chính quyền buộc phải loại bỏ một số phương tiện sản xuất sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Ảnh hưởng của sự can thiệp là ở chỗ con người thấy mình bị đặt vào vị trí mà ở đó họ chỉ có thể sử dụng kiến thức và năng lực của mình, cũng như nỗ lực và nguồn lực của mình theo một cách kém hiệu quả hơn. Các biện pháp can thiệp như vậy khiến cho con người trở nên nghèo hơn. 

Mặc dù có rất nhiều nỗ lực bác bỏ lập luận này, nhưng sự thực vẫn luôn đúng và không thể bàn cãi. Trong thị trường không bị can thiệp, các động lực thị trường có xu hướng đưa toàn bộ phương tiện sản xuất vào sử dụng nhằm đem lại lợi ích cao nhất đáp ứng mong muốn của con người. Việc chính quyền can thiệp vào quá trình này nhằm hướng các yếu tố sản xuất vào mục đích sử dụng khác chỉ làm giảm nguồn cung sản xuất chứ không hề cải thiện nó.

Điều này đã được chứng minh một cách xuất sắc và không thể chối cãi đối với một nhóm các biện pháp can thiệp quan trọng bậc nhất qua cuộc thảo luận rộng khắp về các ảnh hưởng kinh tế của các rào cản đối với thương mại kinh tế. Về khía cạnh này, có lẽ không cần thiết phải bổ sung thêm điều gì vào trong những bài giảng của trường phái kinh tế chính trị cổ điển.

2. Chi phí và lợi ích của các biện pháp hạn chế

Ai đó có thể đưa ra quan điểm rằng những bất lợi mà các biện pháp hạn chế gây ra, bởi sự suy giảm năng suất và dẫn đến làm giảm nguồn cung, sẽ được bù đắp bởi những lợi thế của nó trong các lĩnh vực khác. Ví dụ, chính quyền có thể tuyên bố rằng việc bảo vệ một nhóm các nhà sản xuất thiếu hiệu quả là rất quan trọng, chính vì vậy họ chấp nhận một sự suy giảm trong tiêu dùng. Họ có thể cho rằng việc tăng giá bánh mì đối với phần đông dân chúng, để những người chủ của các trang trại kém màu mỡ có nguồn thu cao hơn, là hợp lý. Chính quyền cũng có thể coi việc cấm áp dụng một số máy móc nhất định, nhằm bảo vệ những doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh không phải mua sắm được những trang thiết bị đó, là một biện pháp quản lý nhà nước khôn ngoan. Bằng việc cấm các cửa hàng bách hóa, các chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ, hay các dạng tổ chức thương mại tương tự, chính quyền có thể giúp các nhà buôn bán nhỏ lẻ tiếp tục cạnh tranh mặc dù lợi ích của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu những biện pháp như vậy được thực hiện và những tác động của chúng đều được nhận diện đầy đủ, và nếu chính quyền hiểu rõ toàn bộ những gì mà họ đang làm và kết quả mà họ sẽ gặt hái được, thì khi đó việc phản đối hành động can thiệp của chính quyền chỉ còn là sự phản đối mục tiêu của nó. Nhưng không ai có thể chứng tỏ được rằng hành động của chính quyền là chẳng có mục đích gì hoặc vô nghĩa. Nhìn dưới góc độ ý định và mục tiêu của chính quyền, thì hành động của họ là chính đáng. Để giúp cho người nông dân được lợi, họ mong muốn trút gánh nặng lên những chiếc bánh mì mà người tiêu dùng mua; để đạt được mục đích này, họ đã chọn những phương thức hợp lý như đặt một loại thuế quan bảo hộ hoặc một lệnh cấm nhập khẩu đối với ngũ cốc và bột mì.

Chúng ta đều biết rằng những điều này được truyền thông ra công chúng theo một nghĩa hoàn toàn khác. Họ đã thuyết phục thành công dư luận rằng hàng rào thuế quan không làm giảm mà ngược lại chúng còn giúp tăng nguồn cung. Việc bảo hộ các thợ thủ công nhỏ lẻ chống lại sự cạnh tranh của những “công ty lớn”, hay việc bảo hộ những lái buôn nhỏ lẻ trước sự cạnh tranh của các chuỗi cửa hàng và các cửa hàng bách hóa, đều được truyền thông như những biện pháp nhằm đảm bảo phúc lợi chung, và giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự bóc lột. Đây là giải pháp duy nhất để một chính sách chính trị nhận được sự tán thành, bản chất của điều này nằm trong việc giúp cho một số nhóm người cụ thể có được những đặc quyền, trong khi các nhóm khác trong cộng đồng lại mất đi một phần lợi ích của mình. 

3. Biện pháp hạn chế là một loại đặc quyền

Chính sách đưa ra các biện pháp hạn chế được cho là chính sách ủng hộ các nhà sản xuất, trong khi đó chính sách mà không nhằm cản trở sự hoạt động của thị trường được cho là chính sách ủng hộ người tiêu dùng. Những người ủng hộ loại chính sách đầu tiên bao biện rằng chính quyền không có nghĩa vụ theo đuổi một chính sách mang lại lợi ích cho những người chỉ biết tiêu dùng sản phẩm được làm ra nhờ công sức người khác; thay vào đó chính quyền nên phục vụ những người chủ động tham gia vào bên sản xuất. Nhưng trong một hệ thống dựa trên sự phân công lao động, tất cả mọi người đều vừa là nhà sản xuất và vừa là người tiêu dùng. Không có người tiêu dùng nào mà thu nhập của họ không đến từ các hoạt động sản xuất. Người tiêu dùng có thể là một nghiệp chủ, một người sở hữu phương tiện sản xuất, hoặc một công nhân. Hoặc có thể anh ta, với tư cách là một thành viên trong gia đình, được trợ cấp bởi một nghiệp chủ, một người sở hữu phương tiện sản xuất, hoặc một công nhân. Mặt khác, mỗi nhà sản xuất cũng tất yếu là một người tiêu dùng. Thật ngây thơ khi tuyên bố rằng một giải pháp hay một chính sách đơn thuần nào đó sẽ bảo vệ lợi ích của nhà sản xuất và chống lại lợi ích của người tiêu dùng. Chỉ có một mệnh đề đúng ở đây là: hầu như mọi biện pháp hạn chế1 đều mang lại lợi ích cho một nhóm người nhất định trong khi ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các nhóm khác, hoặc chí ít là đa số các nhóm khác. Do vậy, các biện pháp can thiệp có thể được xem như là các đặc quyền dành cho nhóm này bằng cách tước đoạt của các nhóm khác.

Các đặc quyền mang lợi ích đến cho người nhận chúng và gây ảnh hưởng bất lợi đến vị thế của các thành viên khác trong hệ thống. Nếu đặc quyền mang lại lợi ích cho một số lượng người có giới hạn, chúng hoàn thành được sứ mệnh của mình; chúng mang lại lợi ích cho nhóm người đó bằng cách làm thiệt hại những nhóm không được thụ hưởng khác. Nhưng nếu tất cả mọi người đều được hưởng lợi ích như nhau thì hệ thống đặc quyền sẽ trở thành vô nghĩa. Chừng nào các biện pháp thuế quan bảo hộ còn mang lại lợi ích chỉ cho một số nhà sản xuất hoặc nhiều nhóm các nhà sản xuất nhưng với mức độ khác nhau, thì khi đó một số nhà sản xuất vẫn còn nhận được đặc quyền. Nhưng nếu như tất cả các nhà sản xuất đều được bảo hộ như nhau, chính sách đó tự nó thất bại. Không ai được lợi mà tất cả mọi người đều bị thiệt hại.

4. Biện pháp hạn chế là một loại phí tổn 

Ai đó có thể xem các biện pháp hạn chế là chính đáng nếu coi chúng là một phần của chính sách chi tiêu công thay vì là những biện pháp hướng tới mục tiêu sản xuất hay cung ứng. Nếu bởi tình yêu đối với tự nhiên hay vì mục đích khoa học mà chúng ta muốn bảo tồn một mảnh đất ở trạng thái tự nhiên, ví dụ một công viên quốc gia, và vì thế chúng ta không muốn nó bị thương mại hoá, thì chúng ta có thể tìm kiếm sự đồng thuận chung cho sự can thiệp này miễn là chúng ta bảo đảm được rằng sự can thiệp này không ảnh hưởng tới ngân sách quốc gia. Sau đó, chúng ta nhận ra rằng sẽ phù hợp hơn nếu như toàn bộ người dân cùng chia sẻ gánh nặng này thay vì chỉ người chủ mảnh đất, và vì thế chúng ta quyết định mua lại thay vì chiếm đoạt mảnh đất đó. Nhưng đấy không phải là điều quan trọng trong phân tích của chúng ta. Điểm mấu chốt ở đây thực ra là chúng ta xem xét vấn đề này từ góc độ chi tiêu chứ không phải sản xuất.

Đây là cách nhìn duy nhất đúng khi nói về các biện pháp hạn chế. Các biện pháp hạn chế, mà tác động duy nhất của chúng là làm suy giảm nguồn cung, không nên được xem là các biện pháp về chính sách sản xuất. Chúng phục vụ tiêu dùng chứ không phải sản xuất. Các biện pháp hạn chế không bao giờ có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho một hệ thống sản xuất hàng hóa và giúp cải thiện trạng thái cung ứng. Ai đó có thể không tán thành việc đánh thuế nhập khẩu ngũ cốc nhằm bảo vệ Giới Quý tộc Phổ khỏi sự cạnh tranh từ những nông dân Canada, những người trồng trọt trên đất đai màu mỡ hơn. Nhưng nếu chúng ta ủng hộ thuế quan nhằm bảo vệ những nhà sản xuất ngũ cốc Phổ, thì chúng ta không phải là đang khuyến nghị một biện pháp ủng hộ trồng ngũ cốc, mà thực ra là một biện pháp đánh đổi lợi ích của người tiêu dùng ngũ cốc Đức để hỗ trợ những địa chủ tại đây. Sẽ không bao giờ xây dựng được nền tảng cho một hệ thống kinh tế dựa trên những đặc quyền như vậy; những biện pháp đó đòi hỏi phải được chi trả bằng các loại phỉ tổn dưới dạng các lợi ích đáng ra được hưởng bởi những người khác. Khi Louis XIV ban phát một vị trí ăn không ngồi rồi cho một trong những quân thần của ông ta, thì đây là một hành động làm tiêu tốn ngân sách nhà nước chứ không phải một chính sách kinh tế. Vì thế không nên coi các biện pháp hạn chế là cái gì đó khác biệt so với những đặc quyền hoàng gia, vốn trên thực tế bị che mờ bằng các kỹ xảo thực hiện. Nhưng điều đó cũng không thể thay đổi bản chất của chúng. Liệu rằng những khoản chi tiêu đó có chính đáng hay không không phải là mối quan tâm của chúng ta khi đánh giá về tính kinh tế; ngay cả những vị vua thời kỳ cổ đại không phải lúc nào cũng ban phát bổng lộc cho những kẻ không xứng đáng.

Rõ ràng có những trường hợp các biện pháp hạn chế thể hiện tính hợp lý với hầu hết hoặc toàn bộ công dân. Nhưng tất cả các biện pháp hạn chế về cơ bản là những khoản chi tiêu. Chúng làm giảm nguồn cung các phương tiện sản xuất sẵn sàng dùng để cung ứng các hàng hóa khác. Bởi vậy, việc coi một nền kinh tế thị trường bị can thiệp bằng những biện pháp hạn chế là một loại hệ thống hợp tác xã hội đặc thù, không thuộc phạm trù nền kinh tế thị trường bị can thiệp, là một cách diễn tả phi lô-gích. Chúng ta phải xem các biện pháp hạn chế giống như những chính sách chi tiêu chứ không phải là những công cụ giúp tăng nguồn cung hàng hóa sản xuất. 

Một khi chúng ta nhận ra bản chất thực của các biện pháp hạn chế và không chấp nhận những kiểu biện minh ngây ngô như chúng “làm tăng phúc lợi” hoặc thậm chí “đẩy mạnh sản xuất”, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng mục tiêu mà các biện pháp này hướng đến có thể đạt được với chi phí rẻ hơn rất nhiều thông qua trợ cấp trực tiếp từ các nguồn ngân sách công. Bằng việc không cản trở các nhà sản xuất đạt được mức năng suất cao nhất có thể từ các nguồn lực sản xuất sẵn có, chúng ta sẽ không làm suy giảm năng suất của nền kinh tế, và đồng thời chúng ta có thể dễ dàng trích những nguồn lực cần thiết, nhờ của cải gia tăng, và trợ cấp cho những người chúng ta mong muốn trao đặc quyền.  

Chú thích:

(1) Ở đây, phạm vi giới hạn được ngụ ý trong cụm từ “hầu như” không có nghĩa là có các biện pháp hạn chế không gây bất lợi cho ai; nó chỉ nhằm chỉ ra rằng có một số biện pháp không chỉ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, mà còn khiến cho mọi người chịu thiệt.

Nguồn: Ludwig Von Mises, Một phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp, Chương 1, NXB Tri Thức

 

 

Dịch giả:
Nguyễn Đức Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh