Chủ nghĩa đoàn thể và chủ nghĩa công đoàn
1. Chủ nghĩa đoàn thể
Chủ nghĩa đoàn thể 1 là một cương lĩnh, không phải là một thực thể. Điều này cần phải được nói rõ ngay từ đầu để tránh hiểu nhầm. Chưa ở nơi đâu, cương lĩnh này được chuyển thành thực tế. Kể cả tại Ý, mặc dù liên tục được tuyên truyền, vẫn chưa có bất cứ một hành động cụ thể nào nhằm thiết lập một hệ thống nhà nước đoàn thể (stato corporativo).
Người ta đã và đang cố gắng phân loại các hệ tư tưởng kinh tế và chính trị khác nhau như là cái gì đó đặc thù theo những quốc gia dân tộc cụ thể. Tư tưởng phương Tây trái ngược với tư tưởng của dân tộc Đức và của Slav; trí tuệ của người Latin và người Đức cổ cũng có sự khác biệt; cụ thể, tại Nga và Đức, có giai thoại về nhiệm vụ của những người được chọn, đó là những người có định mệnh cai trị và cứu rỗi thế giới. Theo những kiểu nhìn nhận như vậy thì cần nhấn mạnh rằng các nhà tư tưởng Anh, Scot và Pháp là những người đã phát triển toàn bộ những ý tưởng chính trị và kinh tế thống trị thế giới ngày nay. Cả dân tộc Đức lẫn dân tộc Nga đều chẳng có mảy may đóng góp nào cho những định nghĩa về chủ nghĩa xã hội; những ý tưởng về chủ nghĩa xã hội đã được du nhập vào Đức và Nga từ phương Tây, cũng giống như những ý tưởng mà nhiều người Đức và Nga ngày nay bêu rếu đều là của phương Tây. Điều tương tự cũng đúng với cương lĩnh chủ nghĩa đoàn thể. Nó bắt nguồn từ chủ nghĩa xã hội phường hội tại Anh, và để có những hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa đoàn thể thì chúng ta cần phải nghiên cứu những bài viết về phong trào này, điều gần như đã chìm vào quên lãng. Những xuất bản phẩm, những cương lĩnh đảng phái, và những bài bài bình luận ở Ý, Bồ Đào Nha và Áo đề cập đến nhà nước đoàn thể theo một nghĩa thiếu chính xác và tránh né đưa ra những định nghĩa và mệnh đề chuẩn xác; chúng che đậy những khó khăn thực sự của công việc này bằng việc sử dụng nhiều những khẩu ngữ thông dụng. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa xã hội phường hội tại Anh đã trình bày tương đối rõ ràng cương lĩnh này, còn Sidney và Beatrice Webb đã mang đến một mệnh đề hoàn chỉnh về mục đích và quy trình hoạt động của hệ thống này2.
Trong xã hội không tưởng của chủ nghĩa đoàn thể, thị trường bị thay thế bằng tác động qua lại của những thứ mà người Ý gọi là đoàn thể, nghĩa là những tổ chức mà những người dân hoạt động trong một ngành công nghiệp nhất định buộc phải tham gia. Tất cả mọi thứ chỉ liên quan đến ngành công nghiệp này, hay những vấn đề nội bộ của các đoàn thể riêng rẽ, đều được giải quyết bằng chính đoàn thể đó mà không có sự can thiệp của nhà nước hay từ những người không thuộc đoàn thể đó3. Sự thỏa hiệp giữa các thành viên hoặc thông qua một hội nghị chung giữa những đại diện của toàn bộ các đoàn thể quyết định lên những mối quan hệ giữa các đoàn thể khác nhau. Nhà nước, tức một cơ quan đại diện được bầu cử qua cuộc bỏ phiếu phổ thông và chính phủ chịu trách nhiệm điều hành, không can thiệp gì cả, hoặc chỉ can thiệp khi khi các đoàn thể không thể đi đến đồng thuận.
Khi thảo ra các kế hoạch, những người theo chủ nghĩa xã hội phường hội tại Anh có ý tưởng về hình mẫu chính quyền địa phương Anh và mối quan hệ của nó với chính quyền trung ương. Họ đề xuất cơ chế tự quản cho các ngành công nghiệp riêng rẽ. Tương tự như các hạt và các thành phố tự giải quyết những vấn đề của địa phương mình, các ngành sản xuất công nghiệp riêng rẽ sẽ quản trị những vấn đề nội bộ của mình trong khuôn khồ cấu trúc của toàn bộ tổ chức xã hội.
Nhưng, trong một xã hội dựa vào sự phân công lao động, không tồn tại những vấn đề thuần túy nội bộ của những hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp hay ngành công nghiệp riêng lẻ và không ảnh hưởng đến những người dân khác. Mọi người đều có hứng thú khi nhìn thấy từng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp hay ngành công nghiệp hoạt động hiệu quả trong điều kiện cho phép. Mọi lãng phí lao động và nguyên liệu trong bất cứ ngành công nghiệp nào cũng đều ảnh hưởng đến từng người dân. Không thể giao toàn bộ việc ra quyết định về lựa chọn phương pháp sản xuất, chủng loại và số lượng sản phẩm cho chỉ cho những người tham gia vào một ngành công nghiệp bởi vì những quyết định như vậy liên quan đến tất cả mọi người, không chỉ những thành viên có cùng thiên hướng, trong phường hội, hay trong đoàn thể. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nghiệp chủ là chủ nhân ông trong hoạt động kinh doanh của mình, tuy nhiên anh ta vẫn bị ràng buộc bởi quy luật thị trường; nếu anh ta không muốn thua lỗ, vẫm muốn kiếm được lợi nhuận, thì anh ta phải nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể nhu cầu của người tiêu dùng. Ngành công nghiệp được quản lý theo kiểu đoàn thể, vốn không chịu áp lực cạnh tranh, sẽ không trở thành người phục vụ mà trả thành ông chủ của người tiêu dùng nếu như nó có quyền tự do điều hành tùy ý những vấn đề được cho là nội bộ của riêng mình.
Đa phần những người cổ vũ nhà nước theo chủ nghĩa đoàn thể không muốn loại bỏ các nghiệp chủ và những người sở hữu các tư liệu sản xuất. Họ mong muốn thiết lập đoàn thể như một tổ chức của toàn bộ các cá nhân tham gia vào một tuyến sản xuất cụ thể. Những xung đột giữa giới nghiệp chủ, những người sở hữu tư bản đầu tư vào ngành công nghiệp, và giới lao động liên quan đến sự phân chia lợi nhuận và phân phối thu nhập giữa các nhóm khác nhau đều được xem là những vấn đề thuần túy nội bộ và nên được tự giải quyết trong ngành công nghiệp đó mà không cần có sự can thiệp của người ngoài. Tuy nhiên, chưa có bất cứ một câu trả lời nào về cách thức thực hiện được điều này. Nếu các nghiệp chủ, nhà tư bản, và công nhân trong một đoàn thể tập hợp thành nhiều nhóm hay những khối riêng rẽ, và nếu cần phải có những thỏa hiệp giữa các khối này, thì sẽ không bao giờ có thể tiến đến được sự đồng thuận trừ phi các nghiệp chủ và những nhà tư bản sẵn sàng tự nguyện từ bỏ quyền của họ. Tuy nhiên, nếu toàn bộ các thành viên tham gia bỏ phiếu, và mỗi cá nhân có quyền bỏ phiếu như nhau, để đưa ra những quyết định trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua việc bầu hội đồng), khi đó nhóm công nhân, vốn chiếm số đông, sẽ có nhiều phiếu hơn nhóm nghiệp chủ và nhóm những nhà tư bản, và những yêu cầu của họ sẽ thắng thế. Chủ nghĩa đoàn thể vì thế sẽ mang hình thức chủ nghĩa công đoàn4.
Điều tương tự cũng đúng với vấn đề quy mô lương bổng. Nếu vấn đề hóc búa này cũng được quyết định thông qua bỏ phiếu phổ thông, kết quả sẽ rất có thể là sự cào bằng về lương bất chấp mọi người làm việc như thế nào.
Để có cái gì đó để phân phối và chi trả, đoàn thể trước tiên cần phải có những nguồn thu từ việc bán sản phẩm. Đoàn thể tham gia vào thị trường với vị thế nhà cung cấp và người bán duy nhất những hàng hóa thuộc nhánh sản xuất này. Nó không cần lo lắng về sự cạnh tranh với những nhà sản xuất hàng hóa giống thế bởi nó độc quyền trong việc tham gia vào nhánh sản xuất đó. Do đó, chúng ta sẽ có một xã hội của những nhà độc quyền. Điều này không nhất thiết hàm ý rằng toàn bộ các đoàn thể đều có vị thế khai thác giá cả độc quyền; nhưng nhiều ngành công nghiệp sẽ có điều kiện khai thác giả cả độc quyền và sẽ hưởng lợi nhuận độc quyền ở những mức độ khác nhau. Tổ chức đoàn thể của xã hội vì thế sẽ trao những lợi thế cụ thể cho những nhánh sản xuất nhất định và những người tham gia vào chúng. Sẽ có những ngành công nghiệp mà nhờ hạn chế sản xuất có thể gia tăng đáng kể nguồn thu của họ, đến mức những người tham gia vào ngành công nghiệp này sẽ chiếm một tỷ trọng tương đối lớn hơn so với những ngành khác trong tổng tiêu dùng của đất nước. Một vài ngành công nghiệp thậm chí còn có thể giúp tiêu dùng của các thành viên gia tăng về giá trị tuyệt đối, bất kể có sự suy giảm trong tổng sản xuất.
Việc chỉ ra những thiếu sót của hệ thống chủ nghĩa đoàn thể như vậy có lẽ là đủ. Những đoàn thể riêng rẽ không có bất cứ động cơ nào để cải thiện sản xuất của họ theo hướng hiệu quả hơn. Họ phấn khích với việc giảm sản lượng đầu ra để có thể bán được các mức giá độc quyền; tùy thuộc vào nhu cầu trong một ngành công nghiệp cụ thể, những người tham gia vào đoàn thể này hay đoàn thể kia sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Vị thế của một số đoàn thể sẽ mạnh hơn khi nhu cầu với sản phẩm của họ cấp thiết hơn; sự cấp thiết của nhu cầu sẽ tạo điều kiện cho một vài đoàn thể hạn chế sản xuất mà vẫn gia tăng được lợi nhuận. Toàn bộ hệ thống rốt cuộc sẽ chuyển sang một chế độ chuyên quyền không có giới hạn của các ngành công nghiệp sản xuất các hàng hóa thiết yếu, theo nghĩa hẹp của từ này.
Hầu như chẳng có ai tin sẽ có nỗ lực nghiêm túc để đưa một hệ thống như vậy đi vào hoạt động thực sự. Tất cả những đề xuất cho một hệ thống đoàn thể đều cần đến sự can thiệp của nhà nước, chí í là khi không thể đạt đến một sự đồng thuận giữa các đoàn thể về những vấn đề liên quan đến một vài hoặc toàn bộ các đoàn thể đó5. Trong những vấn đề này đương nhiên phải bao hàm cả giá cả. Ta không thể giả định rằng các đoàn thể sẽ đạt được thỏa thuận về giá cả. Nhưng nếu nhà nước phải can thiệp, nếu nhà nước phải ấn định giá cả, thì toàn bộ hệ thống sẽ mất đi tính đoàn thể và trở thành hoặc chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa can thiệp.
Nhưng chính sách giá cả không phải là điểm duy nhất cho thấy hệ thống đoàn thể không thể khả thi. Hệ thống đó sẽ làm cho toàn bộ những thay đổi trong quy trình sản xuất trở nên bất khả thi. Nếu nhu cầu thay đổi, hay nếu những phương pháp sản xuất mới thay thế các phương pháp sản xuất cũ, thì tư bản và lao động sẽ phải bị chuyển dịch từ một ngành công nghiệp này sang một ngành công nghiệp khác. Đây là những vấn đề vượt quá giới hạn của một đoàn thể đơn lẻ. Trong trường hợp đó, một cơ quan có thẩm quyền cao hơn các đoàn thể buộc phải can thiệp và cơ quan này chỉ có thể là nhà nước. Tuy nhiên, nếu nhà nước quyết định bao nhiêu tư bản và bao nhiêu công nhân mà từng đoàn thể đơn lẻ sẽ phải sử dụng, khi đó nhà nước sẽ là cơ quan tối cao, không phải các đoàn thể.
2.Chủ nghĩa công đoàn
Bởi thế, hệ thống đoàn thể hay hệ thống xã hội chủ nghĩa phường hội chuyển thành chủ nghĩa công đoàn. Những nhóm công nhân tham gia vào từng ngành công nghiệp sẽ tiếp nhận quyền kiểm soát đối với tư liệu sản xuất và tự thực hiện sản xuất. Liệu các nghiệp chủ và những nhà tư bản trước kia có được ban cho một vị trí đặc biệt trong trật tự mới hay không, không phải là vấn đề quan trọng. Họ không còn là các nghiệp chủ và những nhà tư bản theo đúng nghĩa nghiệp chủ và nhà tư bản trong nền kinh tế thị trường. Họ chỉ có thể là những công dân hưởng các đặc ân trong những quyết định liên quan đến quản lý và phân phối thu nhập. Còn chức năng xã hội mà họ từng đảm nhiệm trong nền kinh tế thị trường giờ đây được tiếp quản bởi các đoàn thể. Ngay cả nếu như trong đoàn thể, những nghiệp chủ và các tư bản trước kia vẫn được quyền đưa ra quyết định và nhận được phần thu nhập lớn nhất, thì hệ thống đó vẫn là hệ thống theo chủ nghĩa công đoàn. Việc mọi người trong công đoàn nhận được phần thu nhập bằng nhau, hay việc anh ta được hỏi ý kiến về chính sách kinh doanh, không phải là đặc trưng kinh tế của chủ nghĩa công đoàn; điều cốt yếu ở đây là: các cá nhân và tư liệu sản xuất bị trói buộc một cách cứng nhắc vào những ngành công nghiệp cụ thể đến mức không có công nhân nào và không có yếu tố sản xuất nào có thể dịch chuyển từ một ngành sản xuất này sang một ngành sản xuất khác. Liệu trong câu khẩu ngữ “máy nghiền cho thợ nghiền, máy in cho thợ in”, các từ “thợ nghiền” và “thợ in” có được diễn giải để bao gồm cả những người chủ trước kia của các máy nghiền và các máy in hay không, và liệu rằng những nghiệp chủ và những chủ sở hữu trước kia có được ban cho nhiều đặc quyền hơn hay ít hơn, đều không quan trọng. Điểm mấu chốt là, nền kinh tế thị trường, nơi những người chủ của các phương tiện sản xuất và các nghiệp chủ cũng như công nhân phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng, đang bị thay thế bởi một hệ thống mà nhu cầu của người tiêu dùng không còn quyết định sản xuất, đó là một hệ thống mà chỉ có ước muốn của các nhà sản xuất hiện hữu. Người đầu bếp quyết định từng cá nhân sẽ ăn gì và ăn bao nhiêu. Bởi người đầu bếp có quyền tuyệt đối trong việc chuẩn bị đồ ăn, nếu ai đó từ chối đồ ăn ban cho anh ta, anh ta sẽ bị nhịn đói. Hệ thống như vậy có thể vẫn hoạt động chừng nào các điều kiện được giữ nguyên và chừng nào sự phân phối tư bản và lao động giữa các nhánh sản xuất khác nhau vẫn còn phù hợp với các điều kiện của cầu. Nhưng thay đổi luôn luôn diễn ra. Và mọi thay đổi đều làm cho hệ thống hoạt động kém hơn.
Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa công đoàn theo đó công nhân được trao quyền sở hữu các phương tiện sản xuất là một cái gì đó biểu hiện cho quan điểm về quá trình sản xuất đảm bảo lợi ích hẹp hòi của giới công nhân. Họ coi một cửa hàng như là một định chế bất biến mà ở đó hàng ngày họ thực hiện những nhiệm vụ giống hệt nhau; họ không nhận ra rằng hoạt động kinh tế là một chủ đề thay đổi liên tục. Họ không cần quan tâm liệu các doanh nghiệp mà họ đang làm việc có lợi nhuận hay không. Lý giải thế nào cho việc công nhân đang làm việc cho các tuyến đường sắt thua lỗ yêu cầu “đường sắt cho công nhân đường sắt”? Những nhân công tin tưởng một cách ngây thơ rằng chỉ có công việc của họ mới tạo ra lợi nhuận trong khi những nghiệp chủ và các nhà tư bản chỉ là những kẻ ăn bám. Từ góc độ tâm lý, điều này có thể giải thích sự hình thành của chủ nghĩa công đoàn. Nhưng cách hiểu này về nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa công đoàn vẫn không thể biến cương lĩnh của chủ nghĩa công đoàn thành một hệ thống khả thi.
Các hệ thống chủ nghĩa công đoàn và đoàn thể dựa trên giả định rằng tình trạng sản xuất tại một thời điểm nào đó sẽ mãi không thay đổi. Chỉ khi giả định này đúng thì việc triển khai các hệ thống này mới trở nên khả thi mà không đòi hỏi sự dịch chuyển tư bản và lao động từ một ngành công nghiệp này sang một ngành công nghiệp khác. Còn nếu muốn có những dịch chuyển này, thì cần phải có một cơ quan có thẩm quyền đứng trên từng đoàn thể hay công đoàn đơn lẻ để đưa ra các quyết định. Vì thế không một nhà kinh tế danh tiếng nào coi ý tưởng về chủ nghĩa công đoàn là một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề hợp tác xã hội. Cuộc cách mạng công đoàn của Sorel 6 và những người ủng hộ hành động trực tiếp (action directe) không phải một cương lĩnh xã hội theo chủ nghĩa công đoàn. Chủ nghĩa công đoàn của Sorel là một hệ thống những chiến thuật chính trị có mục đích giống như chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội phường hội tại Anh đã nở rộ trong một giai đoạn ngắn và sau đó gần như hoàn toàn biến mất. Những người sáng lập cố xúy phong trào này đã tự loại bỏ nó vì họ nhận ra được những mâu thuẫn cố hữu bên trong nó. Ý tưởng đoàn thể ngày nay vẫn có một vị trí nhất đjnh trong những bài viết và trong những bài diễn văn của các chính trị gia, nhưng không quốc gia nào cố gắng đưa nó vào hoạt động. Phát xít Ý, nơi tán dương chủ nghĩa đoàn thể mạnh mẽ nhất, đưa ra những mệnh lệnh của chính phủ về toàn bộ hoạt động kinh tế. Vì thế không có chỗ nào dành cho sự tồn tại của các đoàn thể độc lập tại nước Ý theo “chủ nghĩa đoàn thể”.
Ngày nay xuất hiện một xu hướng quy thuật ngữ “đoàn thể” cho những định chế nhất định. Các tổ chức làm tư vấn cho chính phủ, hay các tập đoàn được hình thành bởi chính phủ và hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ được gọi là các định chế đoàn thể. Nhưng chúng hoàn toàn không liên quan gì với chủ nghĩa đoàn thể.
Bất kể chúng ta nhìn nhận thế nào, ý tưởng về chủ nghĩa đoàn thể hay công đoàn không thể tránh khỏi sự lựa chọn giữa hai hình thức tổ chức xã hội: nền kinh tế thị trường hay chủ nghĩa xã hội?
Chú thích:
(1) Chủ nghĩa đoàn thể – cái tên được gán cho một hình thức tổ chức kinh tế cụ thể mang thương hiệu Ý (economia corporativa; tiếng Đức là Staendestaat) được khởi xướng trong thời kỳ của Mussolini. [Chủ nghĩa đoàn thể sẽ trao quyền tự chủ hoàn toàn cho mọi lĩnh vực hay “phường hội” kinh doanh, tức có toàn quyền đối với những vấn đề nội bộ như tiền lương, giờ làm, sản xuất… Những vấn đề ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh khác sẽ được giải quyết thông qua sự phán xét liên hội hay thông qua quy định của chính phủ. Một hình thức tổ chức như vậy là không thể làm được, và vì thế chưa bao giờ được thực hiện. Để biết chi tiết hơn, xem cuốn sách Human Action [Hành động con người] (phiên bản số 2-4, tr. 816-820) của Mises; Tham khảo thêm trong Danh mục từ trong cuốn Mises Made Easier của Percy L. Greaves, Jr. (1974/1990).-Chủ biên]
(2) Xem Sidney và Beatrice Webb, A Constitution for the Socialist Commonwealth of Great Britain [Một hiến pháp cho Cộng ddoofngf thịnh vượng Chủ nghĩa Xã hội Anh Quốc] (London, 1920).
(3) Điều này được Webbs gọi là “quyền tự quyết đối với từng nghề nghiệp”, tr. 277ff.
(4) [Chủ nghĩa công đoàn – một phong trào của giới công nhân nhằm đòi hỏi các nghiệp chủ, chủ sở hữu, và nhà tư bản chuyển nhượng những lợi ích của họ trong ngành công nghiệp cho giới công nhân, để họ, những công nhân, sở hữu và vận hành hoạt động kinh doanh. Những lời kêu gọi tập hợp của họ, “Các tuyến đường sắt là để cho những người làm đường sắt”, “Các hầm mỏ là để cho những thợ mỏ” biểu lộ mục đích của họ. Để dễ hiểu, xem cuốn sách Human Action [Hành động con người] (phiên bản thứ 2-4, tr. 814-816) của Mises; Tham khảo thêm trong Danh mục từ trong cuốn Mises Made Easier của Percy L. Greaves, Jr. (1974/1990)-Chủ biên].
(5) Tham khảo thêm trong bài diễn văn của Mussolini tại Thượng nghị viện Ý ngày 13/01/1934.
(6) [Georges Sorel (1847-1922), nhà tư tưởng chính trị Pháp – Chủ biên]
Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998