Cần tập trung vào giải pháp căn cơ

Cần tập trung vào giải pháp căn cơ

[SGTT.VN - 14.11.2012] Theo ý kiến cá nhân của tôi, nguy cơ bất ổn của vàng đối với tỷ giá vẫn chưa được gỡ. Các biện pháp nghiệp vụ đối với nợ xấu hiện nay nếu không có giải pháp căn cơ chỉ là đẩy một phần nợ xấu của hệ thống từ hiện tại sang tương lai mà thôi.

Giá vàng đang như quả bom bị vùi xuống đất

Tỷ giá trong thời gian vừa qua ổn định, chịu ít tác động bởi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế chủ yếu là do nguồn cung USD của Việt Nam lớn hơn nhu cầu. Nhu cầu ngoại tệ giảm chủ yếu là vì tổng cầu của nền kinh tế bị suy giảm. Với mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tới 3 triệu đồng như hiện nay thì chắc chắn sẽ có các hiện tượng tiêu cực mới bên cạnh nhập lậu vàng xuất hiện, chẳng hạn làm giả vàng SJC. Hay nói cách khác, vấn đề về vàng ở Việt Nam hiện nay vẫn như quả bom bị vùi xuống đất mà thôi. Chưa biết khi nào thì nổ.

Vì vậy, ngân hàng nhà nước (NHNN) nên tận dụng thời điểm cán cân thanh toán đang tốt như hiện tại để cải cách triệt để thị trường vàng, làm cho vàng trong nước liên thông với vàng quốc tế (tức giá vàng trong nước và quốc tế về cơ bản phải ngang nhau), để tránh những tác động xấu tới tỷ giá sau này. NHNN không nên coi chênh lệch như không có chuyện gì vì NHNN thấy nó chưa ảnh hưởng đến tỷ giá.

Trong phiên trả lời chất vấn thống đốc Nguyễn Văn Bình có đưa ra ý tưởng “Khi thị trường ổn định, cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ có thương hiệu vàng miếng của riêng mình, cho lưu hành song song trước khi quy chuẩn hoá về một loại”. Điều này cho thấy việc lấy thương hiệu vàng SJC làm thương hiệu quốc gia trong thời gian vừa qua là vội vã, gây thiệt hại cho những công ty và người dân nắm giữ vàng thương hiệu phi SJC.

Theo tôi, NHNN nên xây dựng đề án hình thành tiêu chuẩn vàng miếng (bullion) lưu hành trong nước tương đương vàng quốc tế LMBA (London Bullion Market Association) để cho khi xuất, nhập khẩu vàng miếng thì chúng ta đỡ chi phí nấu và đúc lại vàng. Các đơn vị kinh doanh vàng miếng có thể duy trì các nhãn hiệu khác nhau nhưng phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn này thay vì NHNN độc quyền một nhãn vàng nào đó. Việc hình thành chuẩn vàng quốc gia tương đương chuẩn vàng quốc tế LMBA sẽ là một bước quan trọng để xây dựng một thị trường vàng hiện đại cho Việt Nam thông suốt với thị trường vàng thế giới.

Đừng đẩy một phần nợ xấu từ hiện tại sang tương lai

Trong thời gian vừa qua NHNN đã có những nỗ lực rất lớn trong việc duy trì thanh khoản cho hệ thống cũng như đưa ra các giải pháp giải quyết nợ xấu cho hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, giải pháp giải quyết nợ xấu vẫn dừng lại ở các biện pháp nghiệp vụ như giãn nợ, tái cơ cấu kỳ hạn… (theo thống đốc là khoảng 250.000 tỉ đồng). Các biện pháp nghiệp vụ này chỉ có tác dụng tốt khi nền kinh tế khó khăn trong ngắn hạn còn triển vọng trung và dài hạn sáng sủa. Nếu không thì nó chỉ là đẩy một phần nợ xấu của hệ thống từ hiện tại sang tương lai mà thôi.

Chúng ta phải dám chấp nhận một sự thật là, với bối cảnh kinh tế quốc tế và các chính sách quản lý kinh tế lỏng lẻo trong nước trong những năm qua thì triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn không thực sự sáng sủa. Vì vậy, để giải quyết vấn đề nợ xấu thì cần phải tiến hành các biện pháp tổng thể. Gần đây NHNN có đưa ra giải pháp hình thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia để giải quyết tổng thể nợ xấu của hệ thống tín dụng, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% trong năm 2013. Nhưng rất tiếc thống đốc nói rất ít về vấn đề này trong phiên chất vấn.

Tôi hoàn toàn ủng hộ giải pháp trên. Nhưng để công ty này phát huy được hiệu quả thì điều cần thiết là phải bán được các khoản nợ xấu này cho các chủ thể kinh tế khác sau khi công ty này mua vào. Nếu không thì chỉ là chuyển nợ xấu từ khu vực thương mại thành nợ công.

Vấn đề là hiện tại trong nước các chủ thể kinh tế đều rất yếu nên phải trông đợi vào việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài tham gia vào việc mua lại nợ xấu, đặc biệt tại khu vực doanh nghiệp nhà nước, cũng như để họ đổ tiền vào mua bất động sản ở trong nước. Thống đốc có nhắc đến việc để xử lý nợ xấu thì phải giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm ở thị trường bất động sản. Điều này là không sai. Vấn đề là liệu nguồn lực tiết kiệm ở trong dân có còn đủ lớn để làm cho thị trường bất động sản ấm lên hay không? Câu trả lời của tôi là không.

Vì vậy, rất mong trong thời gian tới, Chính phủ và NHNN cần làm rõ sẽ có biện pháp gì để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc giải quyết nợ xấu cho nền kinh tế. Để làm được điều này, cần phải có một uỷ ban Trung ương chỉ đạo về tái cơ cấu triệt để nền kinh tế, bao gồm cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực dịch vụ công, hành lang pháp lý nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi thì mới có thể thu hút được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm như hiện nay.

 

Nguồn: SGTT.VN (14.11.2012)