Giải bài toán ngân sách

Giải bài toán ngân sách

[Đại đoàn kết - 10.2015] - Trong ngày đầu Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu tiếp tục bày tỏ lo lắng về vấn đề khó khăn của ngân sách. Trên trang web của Bộ Tài chính, phần thu từ dầu thô tiếp tục giảm khi giá dầu sụt mạnh.  Để giải bài toán túi tiền quốc gia,  các cơ quan liên quan phải đưa ra biện pháp. Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết.

PV:Thưa ông, các dữ liệu cũng như thông tin đang được đề cập đến nói rằng “túi tiền” quốc gia đang gặp nhiều khó khăn?

Ông Đinh Tuấn Minh: Đúng vậy, thu từ dầu thô trong 10 tháng đầu năm giảm mạnh do giá dầu thế giới lao dốc. Trong khi đó tình hình các doanh nghiệp hiện nay vẫn khó khăn. Nhưng tôi muốn nói là, tỷ lệ chi thường xuyên của mình vẫn đang quá lớn, chiếm đến 70%. Phần dành cho đầu tư bị hạn chế, ngân sách ngày càng bị thâm hụt. Ngoài ra, vấn đề nợ công thời gian qua cũng đã được mổ xẻ rất nhiều.

Vì thế mà chúng ta cũng không quá bất ngờ về chuyện Nhà nước thoái vốn tại các “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk, FPT... Một câu chuyện đang làm nóng dư luận?

- Đúng vậy, việc Chính phủ cho phép SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT Telecom và một số DN khác có thể không chỉ đơn thuần là nằm trong kế hoạch chung là tái cơ cấu lại các DN có vốn Nhà nước. Bởi, cân đối ngân sách đang là một bài toán lớn mà Chính phủ phải đối mặt và buộc phải giải quyết.

Nếu đẩy mạnh được quá trình cổ phần hóa DN có vốn Nhà nước, nhanh chóng thoái vốn Nhà nước khỏi các lĩnh vực không cần nắm giữ, Chính phủ sẽ thu về được một số tiền đáng kể, phục vụ hiệu quả cho công tác chi ngân sách.

Bên cạnh đó quá trình tái cơ cấu DNNN đang đi vào giai đoạn nước rút và việc này nằm trong lộ trình đặt ra. Nhà nước bán vốn tại các DN lớn này là có chủ đích, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực DNNN, giảm bớt phần can thiệp của Nhà nước.

Điều này cũng đã được truyền tải tới giới đầu tư và DN trong và ngoài nước với thông điệp của Chính phủ sẵn sàng đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa, cải cách DN quốc doanh, tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, sức cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương.

Theo ông, việc thoái vốn nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp lớn có được đẩy nhanh?

- Thực ra chúng ta cần nhìn lại quá trình tái cơ cấu DNNN. Kết quả của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong 2 năm qua vẫn rất ít ỏi. Quay về với việc thoái vốn tại 10 “con gà đẻ trứng vàng”, quyết định này cần một lộ trình cụ thể, và điều đó thì vẫn phải chờ. Thị trường vốn có thuận lợi để giúp Chính phủ thu về 3 - 4 tỷ USD từ việc thoái vốn khỏi 10 DN hay không, lại là một chuyện khác.

Ở vấn đề ngân sách nhà nước, chúng ta cần lưu ý đến việc giảm chi thường xuyên. Nếu không giải quyết gốc vấn đề thì chúng ta cũng sẽ giống anh nông dân, bí quá bán đất, sau khi dùng hết số tiền đó thì nợ vẫn hoàn nợ.

Việc thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp lớn là để tăng cường nguồn lực tập trung vào những nơi mà các thành phần khác không được làm hoặc không muốn làm?

- Tôi đồng tình với việc Nhà nước nên rút vốn khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể kinh doanh được. Thoái vốn cũng là cách giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức quản lý theo hướng hiệu quả hơn.

Nhưng một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng từng chỉ ra rằng, đối với các mặt hàng độc quyền người dân vừa muốn thị trường hóa nhưng cũng muốn Nhà nước nắm vai trò để giữ ổn định?

- Thực ra, chúng ta nên hiểu rằng ở bất kỳ quốc gia nào thì Nhà nước quản lý bằng chính sách. Chẳng hạn như ở lĩnh vực ôtô. Tôi không bình luận chính sách quản lý mặt hàng ôtô bằng chính sách thuế đang có ưu nhược điểm gì, tốt hay không tốt, được phản ứng hay tán thành như thế nào. Nhưng đấy là ví dụ để cho thấy Nhà nước có thể quản lý được các ngành hàng bằng chính sách, chứ không phải là cầm tay chỉ việc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng vừa hé ra phương án phát hành 3 tỷ USD trái phiếu nhằm tái cơ cấu nợ trong nước giai đoạn 2015 - 2016. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?

- Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ năm 2017, lượng trái phiếu này sẽ được bán ra để bù đắp bội chi ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài. Quan điểm của tôi là, việc phát hành trái phiếu quốc tế là phương án khả thi nhất hiện nay.

Như Bộ Tài chính đã cho biết, mục đích phát hành là để đảo nợ. Cơ cấu nợ của Việt Nam, nợ trong nước và nợ quốc tế, đặc biệt là nợ trong nước thời gian vay ngắn, lãi suất cao. Điều này sẽ tạo ra áp lực phải trả các khoản nợ đó trong thời gian 2016 - 2017.

Do huy động phát hành trái phiếu Chính phủ thời gian qua khó khăn, chúng ta cố phát hành thì càng khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ cao, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế. Vì thế, phương án phát hành trái phiếu quốc tế được cân nhắc và khả thi hơn là phát hành trái phiếu Chính phủ.

Rủi ro nhất của việc phát hành trái phiếu quốc tế là gì, thưa ông?

- Rủi ro phát hành trái phiếu quốc tế hiện nay không phải là mức lãi suất. Với tình hình, triển vọng kinh tế tốt hiện nay, Việt Nam có thế phát hành được trái phiếu quốc tế với lãi suất thấp, có thể dưới mức 4,8% trước đây. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của trái phiếu quốc tế là rủi ro tỷ giá.

Có thể bây giờ chúng ta phát hành trái phiếu lãi suất 4%/năm nhưng 5 năm sau, tỷ giá tăng, tương đương với lãi suất cũng sẽ tăng gấp 2- 3 lần hoặc hơn. Số tiền nợ phải trả vì thế sẽ leo thang. Đó là điều cần quan tâm nhất.

Tất nhiên, những rủi ro này chắc chắn sẽ được Bộ Tài chính tính toán và đưa ra những nghiệp vụ xử lý cụ thể.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: https://daidoanket.vn/giai-bai-toan-ngan-sach-10026117.html

Bài viết liên quan